Kết quả kiểm nghiệm “thuốc Dân tộc cứu nhân vật” do Viện
Kiểm nghiệm Bộ Y tế thực hiện đã phát hiện trong “thần dược” này có
chứa đến 4 dược chất: paracetamol, dexamethason, diazepam và
cyproheptadin. Vậy 4 thuốc này là gì?
5 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1505 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Về 4 dược chất có trong “thuốc Dân tộc cứu nhân vật”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Về 4 dược chất có trong “thuốc
Dân tộc cứu nhân vật”
Kết quả kiểm nghiệm “thuốc Dân tộc cứu nhân vật” do Viện
Kiểm nghiệm Bộ Y tế thực hiện đã phát hiện trong “thần dược” này có
chứa đến 4 dược chất: paracetamol, dexamethason, diazepam và
cyproheptadin. Vậy 4 thuốc này là gì?
Paracetamol (acetaminophen): có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, được
dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. Các tác
dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc là: dị ứng da (mày
đay, ban dát sần ngứa), buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể gặp giảm bạch cầu
trung tính, ban xuất huyết giảm tiểu cầu (ít gặp)... Tuy nhiên khi dùng quá
liều (liều cao trên 10g) có thể gây ngộ độc gan. Đối với những trường hợp
đặc biệt như ở người thiếu hụt men G6-DP (glucose-6-phosphat
dehydrogenase) thì chỉ cần dùng liều thấp cũng có thể gây viêm gan. Vì vậy
không được dùng paracetamol cho người thiếu hụt men này, các trường hợp
người bệnh nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận, gan, người
bệnh quá mẫn với paracetamol cũng không được dùng. Trong quá trình dùng
thuốc nếu uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của
paracetamol. Dexamethason: là loại thuốc glucocorticoid có tác dụng chống
viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Về hoạt lực chống viêm
dexamethason mạnh hơn prednisolon 7 lần, mạnh hơn hydrocortison 30 lần
và được chỉ định điều trị nhiều bệnh dị ứng, hen, chống sốc, các bệnh lý về
tai mũi họng, mắt, ngoài da, các bệnh lý về xương, khớp... Đây là dược chất
hay được các thầy lang pha trộn vào thuốc đông dược.
Khi lạm dụng thuốc này sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Thường gặp nhất là rối loạn điện giải (hạ kali huyết, giữ natri và nước gây
tăng huyết áp và phù nề), rối loạn nội tiết và chuyển hóa (gây teo tuyến
thượng thận, giảm dung nạp glucid, rối loạn kinh nguyệt và hội chứng
Cushing - rối loạn phân bố mỡ: béo ở mặt, ngực nhưng lại teo ở chi). Về cơ
xương, gây teo cơ (hồi phục), gây loãng xương, gãy xương bệnh lý, nứt đốt
sống, hoại tử xương vô khuẩn. Thuốc có thể gây loét dạ dày, tá tràng, viêm
tụy cấp. Ở da có thể gặp teo da, ban đỏ, rậm lông. Trên hệ miễn dịch, do tác
dụng ức chế miễn dịch nên mặt trái của tác dụng này là làm giảm sức đề
kháng của cơ thể, làm cho cơ thể dễ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Trên các cơ
quan, tổ chức, glucocorticoid kích thích thần kinh trung ương gây lạc quan
(có thể do cải thiện được nhanh tình trạng bệnh lý) nhưng về sau làm bứt rứt,
bồn chồn, lo âu, khó ngủ. Đôi khi thuốc gây tăng sảng khoái quá mức, có thể
gây cơn thao cuồng hoặc lú lẫn, nguy cơ gây ra bệnh tâm thần do thuốc.
Trong trường hợp cần thiết phải điều trị lâu dài, chỉ dùng thuốc với
liều thấp nhất có thể theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Khi ngừng thuốc phải
giảm liều từ từ. Không được ngừng thuốc đột ngột. Nếu giảm quá nhanh liều
dùng hoặc dừng thuốc đột ngột sau khi điều trị kéo dài có thể dẫn tới suy
thượng thận cấp, hạ huyết áp và tử vong.
Diazepam (seduxen) là thuốc an thần, giải lo âu và gây ngủ có tác
dụng làm giảm căng thẳng, kích động, lo âu và tác dụng an thần gây ngủ.
Ngoài ra thuốc còn có tác dụng giãn cơ, chống co giật. Thuốc được dùng
trong thời gian ngắn để điều trị các trạng thái lo âu, căng thẳng, mất ngủ,
kích động...
Các tác dụng phụ của thuốc có thể gặp như buồn ngủ, chóng mặt, đau
đầu, khó tập trung tư tưởng, yếu cơ, gây ảo giác, hung hãn (hiếm gặp). Dùng
thuốc kéo dài có thể dẫn đến quen thuốc. Cần thận trọng với người bệnh
giảm chức năng gan, thận, bệnh phổi mạn tính, bệnh glocom góc đóng hoặc
tổn thương thực thể não, xơ cứng động mạch...
Do thuốc dễ bị lợi dụng để sử dụng vào mục đích phi y học, nên
diazepam nguyên chất, thuốc tiêm 5mg/2ml, 10mg/2ml được quản lý theo
Quy chế quản lý thuốc gây nghiện. Viên nén 5mg, 10mg, 15mg được quản
lý chặt chẽ theo Quy chế thuốc hướng thần. Thuốc không được bán tự do
trên thị trường và chỉ được dùng khi có đơn của bác sĩ.
Cyproheptadin: là thuốc kháng histamin thế hệ 1, có tác dụng chống
dị ứng, mề đay, ngứa, sổ mũi, co thắt phế quản, viêm kết mạc mắt... Tuy
nhiên cyproheptadin còn có tính chất kháng serotonin (một chất dẫn truyền
thần kinh có liên quan đến cảm giác no đói gây cảm giác đói, muốn ăn). Vì
thế cyproheptadin còn có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn. Lợi dụng tác
dụng này, người ta đã phát triển nó thành các biệt dược: periactin, peritol...
được dùng để trị chán ăn nhiều hơn là chữa dị ứng.
Các kháng histamin thế hệ 1 đi qua hàng rào máu não gây tác dụng
phụ là buồn ngủ. Vì thế người bệnh uống thuốc vào ban đêm để dễ ngủ,
uống thuốc vào ban ngày cảm thấy thèm ăn (ăn uống được nhiều hơn). Bởi
vậy người bệnh tăng cân trông thấy. Những người gầy sút do mất ngủ rất
chuộng dùng.
Tuy nhiên tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện trong
thời gian dùng thuốc. Khi ngừng thuốc có thể bị tác dụng ngược lại như ăn
mất ngon và sụt cân trở lại. Thuốc còn làm mất sữa ở phụ nữ cho con bú (do
ức chế sự tiết sữa). Ở trẻ em dưới 2 tuổi, cyproheptadin còn có tác dụng
kháng tiết cholin gây khô miệng, táo bón, nhìn mờ, khó tiểu tiện... và đặc
biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và gây tình trạng ngầy ngật
trong thời gian dài... Do có nhiều tác dụng phụ nên cyproheptadin đã bị cấm
dùng với tác dụng chữa chán ăn từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Tác
dụng chữa dị ứng hiện nay cũng ít được dùng.
Nói chung, các tác dụng phụ của thuốc gây ra sẽ càng nguy hiểm hơn
khi dùng liều cao, kéo dài. Về mặt tương tác thuốc cho thấy paracetamol khi
phối hợp với diazepam và cyproheptadin có tác dụng hiệp đồng làm tăng tác
dụng của nhau, như vậy sẽ xảy ra tình trạng quá liều khó kiểm soát.
Paracetamol khi phối hợp với dexamethason lại làm tăng độc tính của cả hai
thuốc nói chung và độc tính với gan nói riêng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 24_2613.pdf