Đây là bài nói chuyện của Giáo sư Barber trong buổi hội thảo về Xã hội Dân sự do
Civnet tổ chức năm 1997. Bài này được đăng lại trong Tập san Xã hội Dân sự, bộ
I, số 1, năm 1997. Những chỗ in nghiêng trong bản dịch là của ngườidịch để nhấn
mạnh.
Tôi xin chân thành cám ơn Penn Kemble, Joseph Duffey và Cơ quan Thông tin
Hoa Kỳ đã mời tôi đến nói chuyện ngày hôm nay, dù biết tôi là một người hay
"kiếm chuyện," một người mà hầu như chẳng khi nào dùng những mỹ từ sáo rỗng
khi nói vềdân chủ. Tôi thì lại nghĩ rằng họ khuyến khích tôi tới chỉ vì họ hiểu
rằng, trên tất cả mọi thứ, dân chủ tức là "kiếm chuyện," là đặt vấn đề, là đương
đầu với quyền lực, là thách thức các giáo điều, ngay cả đó chính là giáo điều dân
chủ. Và bởi vì họ đánhgiá đúng đắn rằng sau hơn 200 năm, người Mỹ cũng không
nhất thiết đã tiến gần hơn tới việc thực thi được hoàn toàn dân chủ so với những
nước chỉ mới có hai mươi hay chỉ hai năm kinh nghiệm về dân chủ. Những vấn đề
về sắc tộc và giai cấp vẫn còn gây nhức nhối cho nước Mỹ. Penn Kemble, ngày
hôm qua, đã yêu cầu những người trong hội trường này giơ tay lên nếu trong nước
của họ vẫn còn có xung đột về sắc tộc. Tôi là một trong những người đó.
15 trang |
Chia sẻ: maiphuongzn | Lượt xem: 1108 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Tương lai của xã hội dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TƯƠNG LAI CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ
Đây là bài nói chuyện của Giáo sư Barber trong buổi hội thảo về Xã hội Dân sự do
Civnet tổ chức năm 1997. Bài này được đăng lại trong Tập san Xã hội Dân sự, bộ
I, số 1, năm 1997. Những chỗ in nghiêng trong bản dịch là của người dịch để nhấn
mạnh.
Tôi xin chân thành cám ơn Penn Kemble, Joseph Duffey và Cơ quan Thông tin
Hoa Kỳ đã mời tôi đến nói chuyện ngày hôm nay, dù biết tôi là một người hay
"kiếm chuyện," một người mà hầu như chẳng khi nào dùng những mỹ từ sáo rỗng
khi nói về dân chủ. Tôi thì lại nghĩ rằng họ khuyến khích tôi tới chỉ vì họ hiểu
rằng, trên tất cả mọi thứ, dân chủ tức là "kiếm chuyện," là đặt vấn đề, là đương
đầu với quyền lực, là thách thức các giáo điều, ngay cả đó chính là giáo điều dân
chủ. Và bởi vì họ đánh giá đúng đắn rằng sau hơn 200 năm, người Mỹ cũng không
nhất thiết đã tiến gần hơn tới việc thực thi được hoàn toàn dân chủ so với những
nước chỉ mới có hai mươi hay chỉ hai năm kinh nghiệm về dân chủ. Những vấn đề
về sắc tộc và giai cấp vẫn còn gây nhức nhối cho nước Mỹ. Penn Kemble, ngày
hôm qua, đã yêu cầu những người trong hội trường này giơ tay lên nếu trong nước
của họ vẫn còn có xung đột về sắc tộc. Tôi là một trong những người đó.
Chính vì bản chất của nó mà dân chủ là một tiến trình của một cuộc thử nghiệm
đang diễn ra, chứ không phải là cứu cánh hay là một tập hợp các giáo điều cứng
ngắc.
Nếu chúng ta, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, không tiếp tục gìn giữ nó, thì những
lý tưởng dân chủ sẽ trở nên chẳng khác gì các ý thức hệ khác. Một xã hội mở có
nghĩa là một xã hội không bao giờ có sự chấm dứt thảo luận. Một xã hội mở ra cho
các thách thức và phê phán. Khi một nước tuyên bố rằng công cuộc xây dựng dân
chủ tại đó đã xong, thì điều đó cũng có nghĩa là nền dân chủ cũng đã chấm dứt tại
đó. Trong tinh thần hoài nghi của dân chủ, tôi muốn đặt ra một số vấn đề khó khăn
mà chúng ta, những nhà giáo dục, phải đối diện. Đây là những vấn đề mà câu trả
lời sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người dân chủ, thế hệ già cũng như trẻ. Sau đây
là 4 vấn đề có liên quan với nhau.
Thứ nhất: dân chủ có xuất cảng được không? Liệu dân chủ có phải là một món
hàng mà người ta có thể gửi qua đường bưu điện, hay qua FedEx hay qua điện thư
tới những người không có nó chăng?
Thứ hai: Có phải dân chủ chỉ là một chức năng của định chế chính trị và là một
hiến pháp được viết thành văn cùng với đạo luật về dân quyền? Có phải tự do có
thể chiến thắng được bằng cách viết ra hay đi mượn một hiến pháp của người khác
hay chế tạo ra một mô hình quốc hội?
Thứ ba: Có phải dân chủ đồng nghĩa với thị trường không? Có chắc là sự thất bại
của chủ nghĩa cộng sản và sự đắc thắng của chủ nghĩa tư bản sẽ đưa đến việc thiết
lập thể chế dân chủ hay không?
Và thứ tư: Có phải dân chủ được thiết lập nhờ vào sự lãnh đạo kiên quyết của
những chính trị gia anh hùng, hay những nhà lãnh đạo lỗi lạc như Churchills, de
Gaulles, Roosevelts, và Havels?
Câu trả lời ngắn gọn của tôi cho các câu hỏi đó là: không, không, không, và
không...
Niềm tin cho rằng dân chủ là món hàng có thể xuất cảng được là huyền thoại thứ
nhất; cho rằng dân chủ chỉ là một hình thức của chính quyền là huyền thoại thứ
hai; cho rằng dân chủ thoát thai từ chủ nghĩa tư bản là huyền thoại thứ ba; cho
rằng dân chủ được thiết lập nhờ các nhà lãnh đạo anh hùng là huyền thoại thứ tư,
và bốn huyền thoại này là những huyền thoại có sức quyến rũ nguy hiểm đối với
những nhà dân chủ tương lai. Tôi sẽ nói một chút về mỗi huyền thoại này.
Về huyền thoại thứ nhất, thực ra chúng ta--những người Mỹ, Tây Âu, chứ không
phải những người ở Đông Âu, Nga, Phi châu, và Á châu cùng với các nước đang
có chuyển biến xã hội--mới là những người cần nhớ là dân chủ chưa bao giờ là
một món quà của một dân tộc này trao cho dân tộc khác, mà nó là một kết quả rất
tốn kém giành được từ những cuộc đấu tranh gian lao tại địa phương. Dân chủ là
kết quả giành được, chứ không phải là món quà để cho, đó cũng là điều mà rất
nhiều quý vị ngồi đây đã chứng minh, cũng như nước Mỹ đã chứng minh cho cả
thế giới hơn hai trăm năm trước đây.
Hơn nữa, dù cho những cuộc đấu tranh cho dân chủ ở khắp nơi đều được đặt trên
căn bản của những lý tưởng đã được chấp nhận trên toàn thế giới, các cuộc đấu
tranh này và các chế độ dân chủ khi được hình thành cũng rất khác nhau. Trong
những năm trước khi cuộc cách mạng tại Mỹ xảy ra, các tiểu bang theo Thanh
giáo như tại Massachussetts, cấp tiến như tại Pennsylvania và những tiểu bang có
nô lệ tại miền Nam đều có những hệ thống chính trị khác nhau. Và những định chế
chính trị địa phương của chúng ta ngày nay thể hiện sự khác biệt này. Cây dân chủ
mọc lên khác nhau theo từng xứ, và ở mỗi nước, cây dân chủ trưởng thành khác
nhau. Người dân Thụy sĩ coi trọng quyền của cộng đồng hơn quyền của cá nhân.
Anh quốc không có sự phân quyền rõ rệt, trong khi người Mỹ lại cho rằng không
thể tách rời sự phân quyền ra khỏi chính quyền. Hiến pháp mới của Ethiopia lại
phải đề cập tới truyền thống bộ tộc. Ba-lan là một nước theo Công giáo và không
thể xóa mờ ảnh hưởng của Công giáo ra khỏi các định chế chính trị mới xây dựng,
trong khi đó Ái-nhĩ-lan lại không có sự phân cách giữa giáo hội và nhà nước.
Nước Đức theo thể chế liên bang, còn Pháp lại là nước theo thể chế chính quyền
trung ương. Những sự khác biệt giữa các nền dân chủ đã được thành lập cho ta
thấy sẽ còn rất nhiều những sự khác biệt trong những nền dân chủ mới đang được
thành lập.
Các nền dân chủ mới cần tìm ra cho mình các định chế thích hợp và, tôi tin rằng,
sẽ thành công khi tìm từ các nguồn cảm hứng ngay trong lịch sử và văn hóa của
chính mình. Tỷ dụ định chế cộng đồng làng xã ở Nga, hay tổ chức hữu nghị của
Romania, hay ngay cả Ủy ban Lao động của thời Xô-viết cũng là một cơ cấu đáng
lưu ý, miễn hồ cơ cấu này không bị những người Bolshevic hay Cộng sản lũng
đoạn. Từ bỏ chủ nghĩa cộng sản không nhất thiết phải quăng hết vào thùng rác các
chiến lược kinh tế khác như hợp tác xã hay nhân viên được chia cổ phần của công
ty. Vào thời cổ, người ta thường nói rằng: "Đừng tin người Hy lạp, nhất là khi họ
mang theo quà tặng." Các nền dân chủ mới cũng vậy, quý vị cũng nên nghi ngờ
những nền dân chủ đã thành hình nhất là khi họ mang theo những lời khuyên làm
quà tặng. Kể cả những điều do tôi cố vấn. Cuộc thử nghiệm dân chủ độc đáo của
nước Mỹ chỉ có thể được mô phỏng hoặc vay mượn khi mỗi nước cũng thấy được
mô hình dân chủ của chính mình cũng độc đáo và cũng mang tính chất thử
nghiệm. Điều này trở nên rõ rệt hơn khi chúng ta bàn đến vấn đề sự thể hiện của
dân chủ qua các định chế chính trị.
Đến đây tôi xin nói về huyền thoại thứ hai, tức là huyền thoại cho rằng dân chủ chỉ
gồm một số các định chế chính trị, như những chiếc xe cũ có thể xuất khẩu được
từ nước này sang nước nọ: Chỉ cần thay vài bộ phận mới, chỉnh chỗ này một tý,
sửa chỗ kia một tý cho hợp với khí hậu, là ta có thể lái đi bất cứ nơi đâu. Nhưng
dân chủ không phài là bản họa đồ của xe hơi. Cây dân chủ không thể bị áp đặt từ
trên xuống, mà phải mọc từ dưới lên. Xin nhớ: Hiến Pháp không tạo nên dân chủ,
mà chính dân chủ tạo nên hiến pháp. Đạo luật về dân quyền không tạo ra quyền
mà chỉ điển chế hóa các dân quyền đã được định nghĩa, đã do người dân giành
được qua đấu tranh. Nước Mỹ có một trăm năm mươi năm kinh nghiệm về xã hội
dân sự và văn hóa công dân địa phương trước khi những kinh nghiệm này được
ghi vào trong hiến pháp và đạo luật dân quyền. Nước Anh cho đến nay vẫn còn
chưa viết thành văn bản hiến pháp quy định các quyền tự do mà dân Anh đã được
hưởng từ nhiều thế kỷ. Đạo luật dân quyền chẳng qua chỉ là một miếng giấy! Như
Madison[1] đã từng nói, "Một thứ rào cản bằng giấy" không thể nào bảo vệ được
cho tự do thực sự. Không có công dân thì sẽ không có tự do, và nếu không có giáo
dục và văn hóa công dân, thì sẽ không có công dân--đó là lý do tại sao công việc
của quý vị trong tư cách những nhà giáo dục, những nhà hoạt động xã hội, những
nhà hoạt động cộng đồng thiện nguyện, phi-chính phủ lại trở nên vô cùng quan
trọng. Dân chủ, như John Dewey đã nói, không phải là một mô hình chính quyền,
mà là một cách sống, là một tập hợp của những thái độ cư xử đã thành tập quán,
của sự suy tư vừa độc lập vừa hợp tác, của cả những mâu thuẫn và đồng thuận về
quan điểm. Nước Liên Xô cũ có một đạo luật về dân quyền tuyệt hảo đấy chứ, tôi
rất ngạc nhiên khi một sinh viên đọc cho tôi nghe đạo luật này. Nó còn tốt hơn cả
đạo luật về dân quyền của Mỹ!
Nhưng dĩ nhiên, nó chỉ là một mảnh giấy vô dụng, bởi vì không có công dân [yểm
trợ], nó hoàn toàn vô nghĩa.
Nước Nga ngày nay và các thành viên khác của Liên Xô cũ đã có những định chế
dân chủ được thiết lập, nhưng sự khó khăn đang xảy ra tại những nước này, như
quý vị đều biết, là tạo được cho những định chế này một căn bản về xã hội dân sự,
về tôn giáo dân sự, về lòng khoan dung và tương trợ trong giao tế.
Và để xây dựng những điều này cần có thời giờ. Sự kiên nhẫn là đức tính vĩ đại
nhất của dân chủ, nhưng ta lại luôn luôn thiếu đức tính này. Hỡi những quý vị
đang ở trong những nước mới giành được dân chủ hay đang chuyển tiếp sang dân
chủ, quý vị mong muốn làm được trong 6 tháng hay 6 năm những điều mà chúng
tôi, những nước đã có dân chủ ổn định, đã làm trong 60 hoặc 600 năm mà vẫn
chưa xong. Và những vấn nạn của quý vị, dĩ nhiên, không phải là những vấn nạn
dễ dàng giải quyết, vì sự quan tâm của quần chúng đối với các vấn đề xã hội -
trong cả những nước dân chủ cũ và mới-đang bị những thế lực khác thu hút.
Những nhà giáo dục thực sự của thanh thiếu niên ở Mỹ, Âu châu, Phi châu, và Á
châu không phải ở trong học đường, các giáo đường Thiên Chúa giáo, Hồi giáo,
hay Do Thái giáo, hay trong gia đình, mà là ở vô tuyến truyền hình và phim ảnh.
Liệu một giờ giáo dục công dân, mỗi tuần một hay hai lần, có thể cạnh tranh với
MTV được không? Liệu một cuộc vận động tranh cử có thu hút được sự chú tâm
của cử tri bằng một giờ phim "bộ" không? Liệu chúng ta có thể dạy về hòa bình
trong khi phim ảnh cổ xúy bạo lực không? Liệu một nhóm NGO hay ngay cả hai
mươi lăm ngàn tổ chức NGO có so sánh được với McDonalds hay Microsoft, hay
công ty Walt Disney không? Diễn giả Cooke, tối hôm qua, đã nhắc chúng ta rằng,
dù tốt hay xấu thì phim ảnh cũng là nhà giáo trong thời đại của chúng ta. Rủi thay,
đó lại là nhà giáo dở. Tôi cũng để ý thấy phần lớn những phim mà diễn giả Cooke
lựa chọn, toàn là những phim đã hai mươi, ba mươi, hay bốn mươi tuổi. Gần đây
ta không còn thấy những phim ảnh loại này nữa. Những bài học của Oliver Stone,
Kevin Costner và Arnold Schwarzeneger không phải là, và không thể là những bài
học công dân. Mục đích của những bài học này rất đơn giản: kiếm được nhiều tiền
lời so với số tiền đã đầu tư. Những bài học này không phải để gieo truyền dân chủ
mà chỉ để bán cho được nhiều vé.
Và đó chính là sự khác biệt.
Sự khác biệt này dẫn đến điều thứ ba, một huyền thoại mà theo tôi khó giải thích
nhất. Trước hết, dân chủ không đồng nghĩa với thị trường tự do. "Cái" tự do để
mua một lon Coke hay một cuốn video phim Lion King không phải là thứ tự do để
xác định xem là ta sẽ sống với nhau như thế nào và ở dưới thể chế nào. Coke,
McDonalds và MTV, xin quý vị đừng quên, đều có mặt ở Singapore, Trung Hoa,
và Trung Đông, và ở những nơi không có dân chủ, cũng như có mặt ở Nga, Cộng
hòa Tiệp, Đức, và Mỹ. Mặc dù tôi không có ý phản bác lập luận đồng hóa dân chủ
với thị trường, nhưng tôi sẽ phải làm điều đó. Lịch sử đã chứng minh rằng chủ
nghĩa tư bản không tạo ra dân chủ. Chính dân chủ mới tạo ra chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa tư bản cần đến dân chủ. Điều đó đúng, nhưng không nhất thiết chủ
nghĩa tư bản biết cách tạo ra và duy trì dân chủ.
Huyền thoại thị trường, theo tôi, là một huyền thoại hiểm độc nhất, bởi vì có quá
nhiều người tin vào nó. Bởi vì cái cùm của thị trường quá êm ái, và bởi vì ảnh
hưởng của nó quá vô hình. Quá nhiều người tin rằng chỉ cần thay đổi chủ nghĩa
cộng sản cùng với nền kinh tế chỉ huy của nó bằng chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị
trường là đủ để củng cố dân chủ. Nhưng tôi e rằng người ta đã lầm lẫn tai hại giữa
một bên là thị trường được điều tiết uyển chuyển-phương tiện hữu hiệu nhất để gia
tăng sản xuất và tích lũy tài sản, với một bên là thị trường hoàn toàn tự do để
người ta sản xuất và phân phối mọi thứ, từ hàng hóa đến các giá trị tinh thần, từ sự
phát triển tư bản đến công bằng xã hội, từ lợi nhuận đến bảo vệ môi trường, và từ
tài sản cá nhân đến tài sản chung của đất nước.
Lập luận này khiến cho một số người yên chí rằng cứ giao các chức năng công
cộng như giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội, môi trường, và công ăn việc làm cho
lãnh vực tư nhân của thị trường là xong cả. Nhưng thị trường không phải được
thiết lập ra để làm công việc của các định chế chính trị dân chủ. Thị trường tạo ra
một môi trường thảo luận tư để cho chúng ta, những người tiêu thụ, cất lên tiếng
nói bằng tiền bạc với những nhà sản xuất hàng hóa; chứ không phải là một diễn
đàn công cộng để chúng ta, những công dân, thảo luận với nhau như một tập thể
về những hệ quả xã hội phát xuất từ những chọn lựa riêng tư trong thị trường. Thị
trường gia tăng các mục tiêu cá nhân hơn là mục tiêu xã hội và cho phép ta, từng
người một, nói rằng: Tôi muốn có một đôi giày Nike, hay một cái máy VCR, hay
mua tiền Yen hoặc bán đồng đô-la. Nhưng thị trường không cho phép ta nói một
tiếng nói chung rằng khu vực nội-vi thành phố[2] cần có một trung tâm thể thao
mới, hay là có quá nhiều bạo lực trên truyền hình và phim ảnh, hay chúng ta cần
kiểm soát Ngân hàng Thế giới.
Thị trường không có chỗ cho "tư duy chung" hay "hành động chung," mà đặt hy
vọng vào sức mạnh do nhiều lựa chọn cá nhân kết hợp lại, sẽ một cách nào đó,
mang lại lợi ích chung. Người tiêu thụ sử dụng ngôn ngữ "tôi," trong khi công dân
dùng ngôn ngữ chung "chúng ta." Thị trường mang tính chất giao kèo giữa cá
nhân hơn là tập thể khiến cho tự ái cá nhân được thỏa mãn, nhưng không thỏa mãn
được khát vọng tập thể. Thị trường mang lại cho ta những sản phẩm bền chắc và
những mơ ước phù du, nhưng không đem lại cho ta được một căn cước chung của
những thành viên trong một cộng đồng. Và điều này tạo cơ hội cho sự thành hình
những mô hình tập thể phi-dân chủ như ở các bộ tộc dã man.
Là những công dân, chúng ta đối phó như thế nào đối với những sự sai trái dù
không cố ý do thị trường quốc gia cũng như toàn cầu gây nên? Liệu ta có thể tạo
nên được cái "chúng ta" liên-quốc gia từ những "cái tôi" tham lam của người tiêu
dùng không? Thị trường cung cấp cho ta sản phẩm, nhưng không cung cấp cho ta
đời sống mà ta muốn; nó tạo phồn vinh cho một số người, nhưng cũng gây khốn
nạn cho những người khác, và làm mất hết lòng tự trọng ngay cả đối với những kẻ
giàu có. Năm trăm đại công ty đa- quốc gia đứng hàng đầu thế giới có ảnh hưởng
hơn không những hai mươi lăm ngàn NGO, mà còn hơn cả gần 200 quốc gia trên
thế giới, và càng ngày những công ty này, chứ không phải các quốc gia, càng có
nhiều quyết định ảnh hưởng đến tương lai của toàn nhân loại. Những công ty này
cần có những tổ chức dân chủ của công dân để tồn tại và hoạt động, nhưng họ
không biết làm thế nào để sản xuất ra những tổ chức này.
Đó chính là nghịch lý của thị trường. Nó không thể tồn tại trong một thế giới [đầy
dẫy những cạnh tranh] mà chẳng chóng thì chày nó cũng tạo ra, nếu nó không
được điều tiết bởi các lực lượng dân chủ và công dân, mà chẳng chóng thì chày
những lực lượng này cũng bị nó làm cho suy yếu. Những hệ quả thảm khốc xảy ra
từ việc áp dụng các mô hình chính trị theo khuôn mẫu lý thuyết kinh tế vĩ mô đã
quá hiển nhiên tại những nước từ Nga tới châu Mỹ La tinh và Phi châu, nơi
O'Donnell, một khoa học gia về chính trị đã nói: "Khi không gian tư phát triển, thì
không gian công sẽ sụp đổ." Và ông kết luận một cách đơn giản và khẳng quyết
rằng tư nhân hóa không phải là dân chủ hóa. Như vậy, không những ta cần phải
tiến xa hơn cái mô hình dân chủ của thị trường, mà thị trường cũng cần phải có
các lực dân chủ để điều chỉnh nó thì nó mới tồn tại được. Thị trường, tự nó sẽ
không tạo ra dân chủ. Để bảo đảm công ăn việc làm, y tế công cộng, an sinh xã
hội, giáo dục, văn hóa đa dạng và cạnh tranh thực sự, thị trường rồi sẽ bị sét rỉ, bào
mòn dần đi, không phải vì ác ý, nhưng vì người ta thờ ơ và quan tâm đến những
điều khác. Chủ nghĩa tư bản cần tất cả những điều này, nhưng tự nó không sản
xuất ra được.
Và ở đây có một điều nguy hiểm, nhất là tại những xã hội cựu cộng sản. Song
song với sức quyến rũ của thị trường và tư nhân hóa đang xảy ra tại những nước
này, nỗi sợ về sự độc tài chuyên chính của chính quyền [trong quá khứ] dẫn đến
nỗi sợ về tất cả những sự can thiệp của chính quyền và sợ luôn cả chính quyền dân
chủ. Tôi đã thấy người dân tại các nước Đông Âu và Xô-viết rất ngại ngùng khi
nói đến cộng đồng hay sự đoàn kết của công dân. Tôi cũng hiểu rằng chương trình
công dân giáo dục có thể làm cho họ nhớ lại chuyện bị nhồi sọ hay một hình thức
tuyên truyền mới của nhà nước. Nhưng nếu họ nghĩ rằng cứ để những điều cần
thiết vừa nêu cho thị trường và để cho thị trường làm những việc mà chính quyền
dân chủ phải làm, thì đó lại là một thứ huyền thoại đáng ghê sợ.
Thế thì chúng ta phải làm gì nếu dân chủ không phải là vay mượn hay được tạo
mẫu bằng một vài cải cách chính trị hay tư nhân hóa? Có phải ta cần có những anh
hùng để mang lại cho ta tự do hay không? Đến đây là huyền thoại cuối cùng tôi
muốn trình bày với quý vị. Tôi nghĩ, và tôi tin là rất nhiều quý vị cũng chia sẻ
niềm tin này như tôi, là phẩm chất của một nền dân chủ không do phẩm chất của
nhà lãnh đạo tạo nên mà do chính phẩm chất của công dân. Chỉ có những chế độ
Phát-xít, cộng sản và độc tài mới cần có các lãnh tụ vĩ đại để tồn tại.
Các chế độ này chẳng có gì hơn là các nhà lãnh đạo của họ. Họ chỉ có thế thôi.
Dân chủ cần có những công dân hữu hiệu, những người dân nam, nữ bình thường
làm những việc phi thường một cách liên tục và đều đặn. Trong vở kịch Galileo
của Bertolt Brecht, có một màn trác tuyệt, khi một nhân vật nói với một nhân vật
khác: "Thương thay cho một nước không có anh hùng." Và nhân vật kia trả lời:
"Không, thương thay cho một nước cần có những anh hùng." Dân chủ là một hình
thức chính quyền không cần có anh hùng, và một quốc gia có nền dân chủ thành
công không cần có anh hùng. Năm 1890, trong một cuộc họp của đảng Nhân
dân[3] sau khi đảng này bị thất cử vì kế hoạch kinh tế của họ không thu hút được
sự ủng hộ của đa số trong xã hội, một đảng viên đã nói với Eugene Debs, lãnh tụ
của đảng, như sau: "Thưa lãnh tụ, người phải lãnh đạo chúng tôi và đưa chúng tôi
ra khỏi tình trạng tối tăm này." Eugene Debs đã trả lời: "Tôi sẽ không làm điều
này. Tôi không thể làm được. Và nếu có làm được, tôi cũng không làm. Vì nếu tôi
có thể đưa các bạn thoát ra cảnh tối tăm này, thì chính tôi cũng có thể đưa các bạn
vào trở lại." Tại vô số các nền dân chủ mới, tôi thấy bóng ma của nhân dân nam
nữ được các anh hùng dẫn ra khỏi bóng tối của chủ nghĩa cộng sản, rồi sau đó thất
vọng, lại bị dẫn vào trở lại trong sự tối tăm của chủ nghĩa quốc gia bởi chính
những anh hùng đó. Chúng ta cần những xã hội được miễn nhiễm đối với chủ
nghĩa anh hùng loại đó, những xã hội mà công dân chính là người lãnh đạo của
chính họ, và làm những việc cần làm một cách bình thường mỗi ngày.
Công việc xây dựng dân chủ, nói cách khác, là công việc của chính chúng ta,
những việc khó khăn, đời thường, và không bao giờ chấm dứt của giáo dục công
dân; công việc của những tổ chức phi-chính phủ đang cố gắng xây dựng nên một
xã hội dân sự liên-quốc gia.
Và tôi sẽ bắt đầu bằng cách đặt tên lại cho những tổ chức phi-chính phủ. Tổ chức
phi-chính phủ, cái tên nghe ghê rợn xiết bao. Không thể nào có điều gì tốt phát
xuất từ những thực thể được định nghĩa bằng phủ định. Chắc chắn là những tổ
chức này phải hơn hẳn những cái gọi là "phi-chính phủ" chứ. Đó là những tổ chức
công.[4] Đó là những tổ chức phi-thương mại, phi-tổ hợp, và hoàn toàn tự nguyện.
Những tổ chức này phi-tư nhân, hiểu theo nghĩa đó là của riêng của cá nhân, và
phi-nhà nước nhưng không mất đi quan tâm chung về công bằng và phúc lợi công
cộng. Những tổ chức này là sức mạnh vĩ đại của chúng ta, tôi tin như vậy. Nhưng
những tổ chức này không nên được gọi là "phi-chính phủ" mà phải gọi là những tổ
chức "của công dân" (pro-civic). Hãy gọi đó là những "tổ chức công dân" hay
"hiệp hội dân sự," những tổ chức đứng giữa một bên là chính quyền đã trương
phồng quá mức và một bên là các công ty tư nhân cũng trương phình quá mức.
Những tổ chức dân sự này xác định một lãnh vực quan yếu, nơi mà tự do được
nuôi dưỡng và phát triển.
Lãnh vực này là của chúng ta. Nó thuộc về chúng ta. Không gian dân sự là không
gian của chúng ta. Nhưng đối với phần đông, ngày nay, không gian này chỉ hiện
hữu trong sự tưởng tượng. Trong thực tế, ta có những khu thương xá, rạp hát, và
cơ quan hành chánh, nhưng có rất ít không gian dân sự như cái không gian chúng
ta vừa tạo ra tại đây trong mấy ngày qua. Tôi không biết chắc mô hình tương lai
của xã hội dân sự sẽ như thế nào, dù đề tài của buổi hội thảo này là "Tương lai của
xã hội dân sự." Tôi khá là bi quan, như quý vị đã thấy, một phần vì những huyền
thoại tôi vừa trình bày đã được phát tán quá rộng, quá mạnh và quá độc hại. Tôi
chỉ biết rằng nếu không có một xã hội dân sự khỏe mạnh, thì sẽ không có những
công dân, mà chỉ có những người tiêu dùng hay thần dân của những nhà nước bạo
ngược. Và nếu không có công dân, thì cũng sẽ không có dân chủ. Có một tin mừng
là chúng ta còn có một sự lựa chọn. Các nhà giáo dục, các nhà tổ chức cộng đồng,
các tổ chức NGO hiện diện trong phòng này, và tất cả các bạn ở mọi nơi, chúng ta
có thể thay đổi tình hình. Nhưng công việc này thì khó khăn, chướng ngại vật thì
lại nhiều vô kể, và những huyền thoại vẫn còn đang lan truyền khắp chốn. Khoảng
hai trăm, hay hai trăm năm chục năm trước, trước cả khi xảy ra Cách mạng Pháp
rất lâu, Jean Jacques Rousseau đã nói: "Tự do là một loại thực phẩm dễ ăn, nhưng
khó tiêu." Nếu ta không cẩn thận, ở New York và Washington, cũng như ở Prague,
Moscow, London, Paris, và ở Ethiopia hay Singapore, thì có thể chúng ta trong thế
kỷ tới sẽ tạo ra những xã hội không những không có tự do, mà còn vĩnh viễn mang
chứng khó tiêu.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 142_064.pdf