Tương lai của giáo dục Việt Nam: Những vấn đề quản lý giáo dục và quản trị nhà trường

Khi bàn về quản lý giáo dục và quản trị nhà trường cho một nền giáo dục tương lai

của Việt Nam, điều tất yếu phải hình dung ra khả dĩ “Tương lai của giáo dục Việt

Nam” trong 10-20 năm tới là như thế nào? Bài viết này không có ý định trả lời được

câu hỏi đó, chỉ là một tổng quan về các phương pháp xác định xu thế tương lai của

giáo dục và những căn cứ để vận dụng vào quá trình nghiên cứu xác định tương lai

giáo dục Việt Nam, trên cơ sở đó thử hình dung quản lý giáo dục sẽ thay đổi thế nào.

pdf8 trang | Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 18/05/2022 | Lượt xem: 466 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Tương lai của giáo dục Việt Nam: Những vấn đề quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TƯƠNG LAI CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC VÀ QUẢN TRỊ NHÀ TRƯỜNG GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc1 Tóm tắt Khi bàn về quản lý giáo dục và quản trị nhà trường cho một nền giáo dục tương lai của Việt Nam, điều tất yếu phải hình dung ra khả dĩ “Tương lai của giáo dục Việt Nam” trong 10-20 năm tới là như thế nào? Bài viết này không có ý định trả lời được câu hỏi đó, chỉ là một tổng quan về các phương pháp xác định xu thế tương lai của giáo dục và những căn cứ để vận dụng vào quá trình nghiên cứu xác định tương lai giáo dục Việt Nam, trên cơ sở đó thử hình dung quản lý giáo dục sẽ thay đổi thế nào. Từ khóa: Tương lai giáo dục; quản lý giáo dục; quản trị trường học. Đặt vấn đề Nhìn lại sự phát triển giáo dục thế giới trong thế kỉ XX đã xác lập một hệ thống giáo dục tương thích với nền sản xuất công nghiệp. Tư duy và phương pháp sản xuất công nghiệp là tạo ra hàng loạt sản phẩm cùng tiêu chuẩn, mẫu mã đã ăn sâu trong tư duy giáo dục. Tuy vậy vào những thập niên cuối của thế kỉ XX, đã xuất hiện những xu hướng quan điểm mới về giáo dục muốn thoát ra khỏi tình trạng thiển cận và máy móc, như quan điểm coi “giáo dục là cuộc sống”, “nhà trường là xã hội”, “lấy học sinh làm trung tâm”,“học bắt đầu từ làm”. Cùng với sự phát triển CNTT, kĩ thuật số, phương thức giáo dục từ xa trở thành phổ biến và hình thành nên một hệ thống giáo dục mở, tiến đến mô hình nhà trường tương thích với xã hội thông tin. Trong thế kỉ XX, nhân loại kiên trì đeo đuổi mục tiêu công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục, đến những thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX đã được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động “Giáo dục cho mọi người”. Đến thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX, UNESCO đã xác định bốn trụ cột của nền giáo dục là: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để làm người. Bước sang thế kỉ XXI, kế thừa thành tựu giáo dục của thế kỉ XX cũng như dựa vào sự phát triển sôi động về kinh tế xã hội và sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, xu thế phát triển giáo dục trong thế kỉ XXI có thể điểm lược như sau: Thứ nhất, giáo dục vì tất cả mọi người và toàn xã hội vì giáo dục, ai cũng được học hành, và toàn xã hội, tất cả mọi người đều chăm lo cho giáo dục. Như vậy, trình độ giáo dục phổ cập tăng lên, giáo dục sau trung học ngày càng mở rộng, tính chất của GDĐH chuyển từ tinh hoa sang đại chúng. 1 Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Điện thoại: 0903234967; Email: locntm@vnu.edu.vn. 343Phần 3: TƯƠNG LAI CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC... Thứ hai, Giáo dục dân chủ hơn, người học là chủ thể, tích cực, tự giác, không chấp nhận dạy học nhồi nhét, thụ động. Mục tiêu giáo dục phải nhằm đào tạo ra những con người biết suy nghĩ độc lập, có tư duy phê phán, có trách nhiệm xã hội. Thứ ba, hiện đại hóa giáo dục, đưa những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào nội dung giáo dục, cũng như ứng dụng thành tựu KHCN để đổi mới phương pháp và phương tiện giáo dục. Việc thay đổi phương pháp dạy học sẽ biến nhà trường kiểu cũ thành nhà trường kiểu mới, đồng thời mô hình giáo dục mở ngày càng hoàn thiện. Thứ tư, cá biệt hóa giáo dục, việc giáo dục, dạy học phù hợp với điều kiện và khả năng của từng học sinh. Như vậy, hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo độ mềm dẻo linh hoạt, bảo đảm các yêu cầu đa dạng; chương trình giáo dục phải được cấu trúc tổ hợp gồm nhiều phần để người học có thể tự lựa chọn (theo phương thức tín chỉ). Thứ năm, học tập suốt đời và xã hội học tập là triết lý cơ bản của giáo dục thế kỉ XXI, và nó cũng là chuẩn mực để thiết kế hệ thống giáo dục: phải là hệ thống mở, đa dạng, linh hoạt. Nhờ có CNTT - truyền thông, người ta có thể học bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào theo sự lựa chọn của bản thân. Tổng quan một số tiếp cận nghiên cứu về tương lai của giáo dục Trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau khi nghiên cứu về những tương lai của giáo dục. Tiếp cận phổ biến nhất là áp dụng phương pháp Delphi. Đây là phương pháp dự báo về một vấn đề nào đó dựa trên ý kiến của một nhóm chuyên gia am hiểu về vấn đề đó. Cách làm là lấy ý kiến chuyên gia qua nhiều vòng phiếu hỏi, ý kiến của từng chuyên gia được giữ kín. Qua một số vòng, khi đạt được sự đồng thuận tương đối, làm cơ sở dự báo tương lai của vấn đề đặt ra. Quan điểm cơ bản của phương pháp này là ý kiến của nhóm có giá trị hơn ý kiến của cá nhân và ý kiến của nhóm chuyên gia được chọn lọc thì tin cậy hơn ý kiến của nhóm không chọn lọc. Ví dụ, (2) để dự báo các khả năng có thể xảy ra đối với giáo dục vào năm 2030, năm 2009 người ta đã tiến hành dự án Millenium, lấy ý kiến 213 chuyên gia trên toàn thế giới, 19 khả năng được đưa ra, và cuối cùng cho thấy có 14 khả năng được đánh giá ở mức độ xảy ra trên 50%, những khả năng đó là: 1. Web 17.0 - gần 80% 2. Hệ thống học suốt đời tích hợp - gần 80% 3. Hóa học sẽ tăng cường năng lực não - hơn 70% 4. Sử dụng công cụ công cộng chiếm lĩnh tri thức - 70% 5. Tri thức và học tập đúng lúc -70% 6. Dạy và học điện tử (E-learning) - 70% 7. Giáo dục cá biệt hóa - trên 60% 8. Cải thiện dinh dưỡng cá nhân - trên 60% 344 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN 9. Các mô phỏng trực tuyến toàn cầu- trên 60% 10. Chương trình quốc gia nhằm cải thiện trí tuệ tập thể - trên 60% 11. Thiết bị trí tuệ nhân tạo xách tay- trên 60% 12. Máy tính thông tuệ hơn con người - trên 50% 13. Các chương trình loại trừ thiên kiến và hận thù - gần 50% 14. Đánh giá liên tục việc học cá nhân - gần 50% Tiếp cận thứ hai là sử dụng phương pháp rà soát chân trời. Nhà nghiên cứu tiến hành phân tích thông tin và tư liệu để phát hiện những dấu hiệu có thể dùng làm chỉ báo giúp ta hiểu rõ hơn bản chất và nhịp độ thay đổi trong môi trường xung quanh, từ đó nhận dạng các cơ hội, thách thức, những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai đối với đối tượng nghiên cứu. Đối với giáo dục, tất cả các yếu tố của môi trường kinh tế xã hội trong nước và ngoài nước đều có thể tác động lên quỹ đạo vận động của nó. Chính vì thế, việc phân tích theo phương pháp rà soát chân trời đòi hỏi đầu tư rất tốn kém và công phu. Ví dụ: Để thăm dò tiềm năng tương lai của giáo dục nước Anh vào năm 2025 trước những biến đổi xã hội và công nghệ người ta đã thực hiện chương trình “Bên ngoài các chân trời hiện tại” đã huy động tới 100 nhà nghiên cứu và nhà tư tưởng hàng đầu về các lĩnh vực xã hội và công nghệ, gửi phiếu hỏi tới 500 người, phỏng vấn trực tiếp 1500 người, gặp mặt hàng trăm tổ chức, cá nhân. [4, tr.14] Tiếp cận thứ ba, sử dụng phương pháp phân tích các tác động lên xu thế với hai bước: (1) Phân tích các dữ liệu hiện có theo chuỗi thời gian để ngoại suy xu thế trong tương lai; (2) Nhận dạng các sự cố có thể xảy ra trong tương lai cùng mức độ tác động của chúng, trên cơ sở đó điều chỉnh xu thế đã được ngoại suy trong bước 1. Đây chính là phương pháp mà Barnett Berry và nhóm nghiên cứu sử dụng để xác định xu thế đào tạo giáo viên trong tương lai [3]. Theo tác giả, việc đào tạo giáo viên trong tương lai sẽ phải thay đổi căn bản, vì nghề dạy học vào năm 2030 sẽ phải khác biệt rất nhiều nếu học sinh, sinh viên phải đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu và của đời sống dân chủ không ngừng phát triển. Các biến cố tác động lên đào tạo giáo viên trong tương lai, định hình nghề dạy học đó là: 1. Việc hình thành một sinh thái học tập mới đối với thầy và trò; 2. Đa dạng hóa các con đường phát triển nghề nghiệp; 3. Sự hình thành các kết nối trong không gian ảo và không gian thực; 4. Sự phát triển thị trường giáo dục toàn cầu. Tiếp cận thứ tư theo phương pháp kịch bản. Kịch bản được hiểu là sự mô tả nhất quán và tương thích về các tương lai giả định khác nhau xuất phát từ cách nhìn khác nhau về những phát triển trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trung tâm nghiên cứu và canh tân giáo dục thuộc khối OECD hiện đang đi đầu trong việc xây dựng các kịch bản giáo dục đã đưa ra 6 kịch bản về nhà trường phổ thông trong tương lai: (1) Nhà trường giữ nguyên trạng; (2) Nhà trường trở thành tổ chức học tập đầu mối cốt lõi. (3) Nhà trường trở thành trung tâm xã hội; (4) Sự mở rộng của mô hình thị trường giáo dục. (5) Nhà trường được thay thế bằng các mạng học tập. (6) Sự tan rã của hệ thống giáo dục. (5,6) Do việc xây dựng các kịch bản được xây dựng dựa trên cơ sở nhận dạng các xu thế chủ đạo về KT-XH ở các nước thuộc khối OECD, cho nên phạm vi sử dụng các kịch bản này chủ 345Phần 3: TƯƠNG LAI CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC... yếu trong khối OECD, chúng được coi như các công cụ sẵn sàng trong hành trình khám phá tương lai giáo dục, nhưng thực tế luôn đòi hỏi sự rà soát, điều chỉnh, thậm chí thay đổi các kịch bản đó. Phương pháp này cần kết hợp với các phương pháp dự báo tương lai khác đã trình bày ở trên. Các xu thế góp phần định hình giáo dục Việt Nam Theo Trung tâm nghiên cứu và cách tân giáo dục, thuộc OECD, có 4 nhóm yếu tố tác động đến định hình giáo dục quốc gia: (1) Các xu thế về dân cư như sự gia tăng dân số, tình trạng già hóa, sự lưu chuyển, điều kiện sống; (2) Các xu thế về kinh tế như mô hình tăng trưởng, cơ cấu lao động, tình trạng việc làm; (3) Các xu thế về xã hội thông tin liên quan đến công nghệ số, xã hội học tập. (4) Các xu thế chính trị và xã hội như vai trò của Nhà nước, môi trường gia đình và xã hội, sự phát triển bền vững. 1. Xu thế về dân số: Việt Nam đã trải qua thời kì cơ cấu dân số vàng với hơn 30 năm. Với đặc trưng giảm sinh và tăng cao tuổi thọ khá thành công chúng ta có thể thấy Việt Nam đang bước vào thời kì già hóa dân số. Những đặc trưng này không chỉ của nước ta mà của toàn thế giới, khiến giáo dục không chỉ giới hạn trong 4 giai đoạn truyền thống: giáo dục mầm non, giáo dục phổ cập, giáo dục và đào tạo sau phổ cập, giáo dục và đào tạo sau khi rời ghế nhà trường mà các quốc gia cần đưa thêm giai đoạn giáo dục sau khi về hưu và giai đoạn giáo dục sớm (hay còn gọi là thai giáo và trước tuổi ấu nhi). 2. Xu thế về kinh tế: Xu thế toàn cầu hóa là hợp tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi giáo dục phải chuẩn bị nhân lực là công dân toàn cầu, giáo dục phải đáp ứng các yêu cầu thị trường quốc tế, trước mắt là hội nhập với khu vực ASEAN rồi tiến tới các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. - Nền kinh tế tri thức, kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo dẫn đến nền kinh tế tri thức toàn cầu. Giáo dục ở trình độ đại học được đại chúng hóa. Giáo dục phổ thông phải trang bị những kĩ năng và phẩm chất dám nghĩ dám làm, phù hợp với đòi hỏi về canh tân và sáng tạo của kinh tế tri thức. - Việc mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập, thu hút đầu tư của nước ngoài đến Việt Nam đầu tư vào giáo dục tăng lên nhanh chóng đã dẫn đến một thị trường giáo dục. Điều này dẫn đến những thay đổi đáng kể trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, cũng như quản lý ở cấp vi mô trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Thị trường giáo dục vẫn phải đảm bảo theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là ưu tiên xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi mới của hội nhập và phát triển như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 đã ghi: “hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, năng lực sáng tạo, năng lực hội nhập, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, ý thức chấp hành pháp luật”. 3. Xu thế về xã hội thông tin: Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông khác hẳn với các cuộc cách mạng công nghệ khác, nó thâm nhập sâu và rộng với cường độ mạnh mẽ tới đời sống của mọi 346 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN người, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến vấn đề căn bản của quá trình dạy học, từ chương trình đến vai trò người thày, đến tổ chức trường, lớp. Việc thay đổi nhà trường truyền thống bằng nhà trường điện tử, thay thế giáo dục hàng loạt bằng giáo dục cá biệt hóa là xu thế và đòi hỏi dẫn đến yêu cầu tất yếu phải học suốt đời, góp phần hình thành nên xã hội học tập, giáo dục suốt đời. Đây là một phát triển mới về chất của giáo dục, một sự phát triển tất yếu trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, việc học một lần trên ghế nhà trường không còn đáp ứng được yêu cầu của thời đại. 4. Xu thế chính trị, xã hội có vai trò quyết định với tương lai giáo dục, với vai trò của Chính phủ, vai trò của gia đình và vai trò của xã hội - Vai trò của Chính phủ: Mặc dù đã hình thành xu thế thị trường giáo dục ở mọi nơi trên thế giới, nhưng vai trò của Chính phủ vẫn là chủ đạo, vẫn bảo đảm giáo dục là một lợi ích công. Luật Giáo dục của Việt Nam đã ghi rõ “nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục”. - Vai trò của gia đình và xã hội: Hầu như mọi quốc gia đều tuân thủ theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giáo dục giữa nhà nước, xã hội, gia đình / người học. Về mặt kinh tế, điều này có nghĩa là nhà nước từ bỏ vai trò độc quyền trong cung ứng giáo dục, giao phó một phần cung ứng cho các tổ chức xã hội, bản thân người học hay gia đình phải chi trả một phần cho giáo dục. Tùy theo mức độ chia sẻ mà nó sẽ định hình vai trò của Chính phủ, của xã hội và của gia đình đến đâu. Về mặt tác động giáo dục, hình thành nhân cách, gia đình và xã hội có vai trò quyết định. Thiếu sự gắn bó, hợp tác chặt chẽ giữa ba chủ thể nhà nước, xã hội và gia đình khó có một nền giáo dục nào thành công. Căn cứ trên các nhóm xu thế trên, Phạm Đỗ Nhật Tiến và nhóm nghiên cứu đã đưa ra 4 mô hình khả dĩ cho trường phổ thông Việt Nam trong tương lai. Các nhà nghiên cứu đã dựa trên xu thế KT-XH, chọn hai chiều đo chủ đạo là: (1) Mô hình cung ứng giáo dục (chiều đo kinh tế); (2) Mô hình tổ chức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội (chiều đo xã hội). Tùy theo mức độ tham gia của hai chiều đo này có thể đưa ra những mô hình nhà trường khác nhau trong tương lai: 1/ Mô hình nhà trường hành chính - quan liêu: nhà trường không có thay đổi đáng kể nào trước những thay đổi của môi trường KT-XH. 2/ Mô hình nhà trường là tổ chức học tập nền tảng. Nền tảng trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam, nền tảng để học suốt đời, cho sự phát triển bền vững. Nhà trường đa dạng hóa trong tổ chức, canh tân trong dạy học. 3/ Mô hình nhà trường là thiết chế giáo dục cốt lõi trong mạng giáo dục. Mạng giáo dục được phát triển với sự đồng bộ các phương thức giáo dục chính quy, phi chính quy, không chính quy. Sự đa dạng của các thiết chế cùng tham gia nhiệm vụ giáo dục như thư viện, bảo tàng, mạng internet, nhà máy, công sở, câu lạc bộ, trong đó vai trò nòng cốt là nhà trường. 4/ Mô hình nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục. Mô hình này tương thích với xu thế phát triển chuẩn thị trường giáo dục và thực thi cam kết về GATS trong giáo dục. 347Phần 3: TƯƠNG LAI CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC... Quản lý giáo dục và quản trị nhà trường sẽ thế nào trong những xu thế tương lai của giáo dục? Đầu tiên, về phía Chính phủ, tập trung vào quản lí vĩ mô, với trọng tâm nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng xã hội. Quản lý nhà nước chuyển dần từ vai trò kiểm soát sang giám sát, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cấp địa phương và nhà trường, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục. Chiến lược giáo dục đến 2020 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: phát triển dịch vụ giáo dục và tăng cường yếu tố cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống giáo dục là một trong những động lực phát triển giáo dục. Vì thế, Chính phủ vẫn là thực thể cung ứng chính và là đầu mối quá trình phát triển giáo dục của nước ta, nhưng các yếu tố thị trường sẽ tác động mạnh đến quỹ đạo vận động của giáo dục trong tương lai. Tiếp theo, thị trường và xã hội dân sự là hai yếu tố tác động mạnh mẽ vào tương lai giáo dục Việt Nam. Chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, chia sẻ chi phí và sự ra đời của các trường ngoài công lập là một minh chứng cho sự tham gia của xã hội dân sự vào phát triển giáo dục, rồi dần mới đến yếu tố thị trường. Xu thế này đã gia tăng mạnh từ khi nghị định GATS trong giáo dục bắt đầu có hiệu lực. Mô hình quản lý giáo dục sẽ là: đề cao quyền tự chủ nhà trường; đa dạng hóa các thành phần cung ứng giáo dục; Thị trường hóa hoạt động giáo dục; Tăng cường quản lý chất lượng; minh bạch hóa các hoạt động giáo dục. Vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi: họ được giao quyền tự chủ nhiều hơn trong chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính; họ sẽ có nhiều động lực hơn trong thực thi bổn phận quản lý; đồng thời người đứng đầu cũng có trách nhiệm giải trình cao hơn về hiệu quả chi phí và chất lượng giáo dục, về chất lượng đầu ra của cơ sở giáo dục; họ cũng chịu áp lực cạnh tranh cao hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của người học, của xã hội và thị trường lao động. Theo nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu và canh tân giáo dục của khối OECD, dù cho QLGD ngày càng hướng tới phân cấp cho địa phương và trao quyền tự chủ cho nhà trường thì quản lý nhà nước về giáo dục ở cấp trung ương vẫn là chủ đạo, vì những lí do sau: 1/ Hiến pháp đã quy định mọi người đều có quyền học tập, mọi trẻ em đều có quyền thụ hưởng một nền giáo dục có chất lượng, điều này Chính phủ và trước tiên là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm đảm bảo; 2/ Các Bộ ngành vượt trội về năng lực và khả năng tiếp cận thông tin, tầm cỡ và trình độ hiểu biết; 3/ Việc xây dựng chính sách là rất phức tạp cả về mặt kĩ thuật và về chính trị, chỉ có các Bộ, ngành trung ương mới có đủ vị thế chính trị phù hợp để dẫn dắt quá trình này. Trong bối cảnh đổi mới quản lý nhà nước nói chung vẫn còn mang tính tình thế, không đồng bộ, thiếu những nghiên cứu khoa học nền tảng. Chính vì vậy, đổi mới quản lý giáo dục cũng không là ngoại lệ. Không có một mô hình quản lý duy nhất đúng. Mọi mô hình QLGD, dù tập trung hay phân cấp, đều có thể thành công trong khuôn khổ của nó. Số cấp quản lý, quyền lực của từng cấp không phải là yếu tố làm nên thành công hay thất bại. Cái chính là sự đồng bộ trong 348 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN quản lý, sự tham gia của các chủ thể, các quá trình tổ chức thực hiện. Có nghĩa là không nên quá tập trung vào cơ cấu quản lý mà cần quan tâm nhiều hơn đến quá trình quản lý. Các hệ thống giáo dục luôn phải đối đầu với những mặt đối lập như: niềm tin và giải trình, canh tân và an toàn, chọn lựa và đồng thuân. Một tiếp cận toàn hệ thống là cấp thiết để đảm bảo sự tương thích về trách nhiệm và quyền hạn trong hệ thống, nâng cao tính hiệu quả và giảm bớt xung đột. Đưa ra các nguyên tắc chính trong quản lý hệ thống, bảo đảm sự đồng bộ giữa mọi cấp quản lý và mọi chủ thể trong hệ thống. Tóm lại là cần có tư duy chiến lược và kế hoạch trong hành động, nâng cao năng lực ở mọi cấp của hệ thống và trách nhiệm giải trình. Có thể nhận thấy sự chuyển dịch từ mô hình nhà trường là một tổ chức hành chính sư phạm - quan liêu sang mô hình nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, có nghĩa là sự mở rộng thị trường giáo dục. Quản lý giáo dục, quản trị nhà trường đối mặt với vô vàn những vấn đề chưa từng có trong quá khứ, trong kinh nghiệm của các nhà quản lý, cũng như các đối tượng quản lý là các thầy cô, học sinh và cả xã hội, cha mẹ học sinh. Quản lý giáo dục không bao giờ là vấn đề đơn giản và dễ dàng, nhất là trong bối cảnh giáo dục còn vấp nhiều rào cản về thể chế, văn hóa, truyền thống cũng như những hạn chế không tránh khỏi về nhận thức, nguồn lực, nguồn thông tin và tri thức khoa học cần thiết. Thay cho lời kết Với bước chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, con người đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Nhà kinh tế học Rowan Gibson đã nói: con đường mà chúng ta đi trong nhiều thập kỉ qua đã đến chỗ kết thúc, từ đây trở di, cuộc hành trình đi đến tương lai sẽ là những diễn biến nằm ngoài kinh nghiệm đã trải qua và chúng ta cần thay đổi tư duy một cách tương ứng. Với nhận thức như thế, các nhà nghiên cứu giáo dục đã đi đến nhận định thống nhất rằng tương lai giáo dục không còn chỉ là sự tiếp tục của quá khứ, nó sẽ là chuỗi các phân nhánh, các bước nhảy và các gián đoạn. Vì thế, nên từ bỏ cách tư duy về một tương lai của giáo dục mà thay thế bằng tư duy về những tương lai của giáo dục. Có nhiều cách khác nhau để hình dung về những tương lai của giáo dục. Song có điểm chung của các tiếp cận này là coi tương lai là bất định, không ai có thể định đoán trước được tương lai mà chỉ có thể nói về những khả năng có thể xảy ra. Vấn đề của các nhà hoạch định chính sách giáo dục là cần có sự lựa chọn khôn ngoan, phù hợp, những quyết định và hành động của ngày hôm nay sẽ góp phần định hình giáo dục của ngày mai. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020/ 2. The Millenium Project of the American Council for the United Nations University: A research on foresights of Educational changes in 2030 by real-time Delphil Method. 349Phần 3: TƯƠNG LAI CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC... 3. Barnett Berry ( 2010), The teachers of 2030: creating a student profession for 21st century, Center for Teaching Quality. 4. Keri Facer (2009), Educational, Social and Technological futures: A report from The Beyond Horizons Programme. 5. CERI (2007), The starter pack: Futures thinking in action, OECD Schooling for Tomorrow Series, Paris: OECD. 6. CERI (2008), Trends shaping education, Paris: OECD. 7. Phạm Đỗ Nhật Tiến (2010), Thăm dò mô hình nhà trường phổ thông Việt Nam trong 10-15 năm tới theo phương pháp kịch bản, trong Thử bàn về định hướng phát triển giáo dục phổ thông 10-15 năm tới. NXB Giáo dục Việt Nam. 8. Nhiều tác giả (2007), Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp, NXB Tri thức, Hà Nội. 9. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (chủ biên), Quản lý giáo dục: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.second edition 2016.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftuong_lai_cua_giao_duc_viet_nam_nhung_van_de_quan_ly_giao_du.pdf
Tài liệu liên quan