Cùng với đà phát triển của đất nước kể từ Đổi mới (1986) đến nay, giáo dục đại
học đã có nhiều chuyển biến lớn góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, thể hiện
vai trò quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp chấn hưng đất nước. Bước chuyển mình
mạnh mẽ gần đây, có thể nói, đó là việc luật hóa quyền tự chủ giáo dục đại học, mở ra
nhiều không gian mới cần thiết cho sự phát triển của giáo dục đại học, qua đó nâng cao
vai trò, sứ mệnh của giáo dục đại học đối với sự phát triển và hội nhập của đất nước.
Qua một thời gian ngắn đi vào thực tiễn, quyền tự chủ của giáo dục đại học đã
phát huy tác dụng, hiệu lực, khai thông nhiều tiềm năng vốn có của hệ thống giáo dục đại
học. Tư duy, tâm thế chủ động, sáng tạo, văn hóa chất lượng, gắn kết chặt chẽ giữa đào
tạo với sử dụng đã xuất hiện ở các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ. Tuy
nhiên, thực tiễn cũng bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, xem xét để phát
huy hiệu quả hơn nữa của quyền tự chủ giáo dục đại học trong thời gian tới. Có thể nói,
đó là sự tăng cường vai trò giám sát, hậu kiểm đối với việc thực thi quyền tự chủ, là sự
đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan, là lộ trình tự chủ có tính bắt buộc đối với toàn
hệ thống, là việc bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học ở các trường.
5 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 17/05/2022 | Lượt xem: 317 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Tự chủ giáo dục đại học – Một số vấn đề từ góc nhìn phát triển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
143
TỰ CHỦ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC –
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỪ GÓC NHÌN PHÁT TRIỂN
Hồ Văn Thống
Trần Quang Thái
Trường Đại học Đồng Tháp
Tóm tắt
Cùng với đà phát triển của đất nước kể từ Đổi mới (1986) đến nay, giáo dục đại
học đã có nhiều chuyển biến lớn góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, thể hiện
vai trò quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp chấn hưng đất nước. Bước chuyển mình
mạnh mẽ gần đây, có thể nói, đó là việc luật hóa quyền tự chủ giáo dục đại học, mở ra
nhiều không gian mới cần thiết cho sự phát triển của giáo dục đại học, qua đó nâng cao
vai trò, sứ mệnh của giáo dục đại học đối với sự phát triển và hội nhập của đất nước.
Qua một thời gian ngắn đi vào thực tiễn, quyền tự chủ của giáo dục đại học đã
phát huy tác dụng, hiệu lực, khai thông nhiều tiềm năng vốn có của hệ thống giáo dục đại
học. Tư duy, tâm thế chủ động, sáng tạo, văn hóa chất lượng, gắn kết chặt chẽ giữa đào
tạo với sử dụng đã xuất hiện ở các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ. Tuy
nhiên, thực tiễn cũng bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, xem xét để phát
huy hiệu quả hơn nữa của quyền tự chủ giáo dục đại học trong thời gian tới. Có thể nói,
đó là sự tăng cường vai trò giám sát, hậu kiểm đối với việc thực thi quyền tự chủ, là sự
đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan, là lộ trình tự chủ có tính bắt buộc đối với toàn
hệ thống, là việc bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học ở các trường.
1. Cơ chế quản lý giáo dục đại học: bước chuyển từ bao cấp sang tự chủ
Thực tiễn phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện đang thực hiện bước chuyển
căn bản từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế tự chủ, được dánh dấu bởi sự ra đời của
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung - Luật số: 34/2018/QH14) và Nghị định số:
99/2019/NĐ-CP.
Trước đây, vận hành theo cơ chế quản lý bao cấp (cơ chế quản lý hành chính tập
trung), các trường đại học được Nhà nước thành lập với tư cách là một đơn vị sự nghiệp
trong hệ thống quản lý Nhà nước, toàn bộ quá trình hoạt động được Nhà nước quản lý và
cấp kinh phí, các trường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch được Nhà
nước giao, và phải tuân theo các quy định, tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành. Cơ chế
quản lý này đã phát huy tác dụng, hiệu quả trong bối cảnh lịch sử của nền kinh tế bao cấp
trước đây và một nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, khi mà sự giao lưu, hội nhập
quốc tế còn hạn chế. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của nước ta trong thời kỳ có
nhiều thay đổi lớn về kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, hội nhập quốc tế, cơ chế quản
lý bao cấp đối với giáo dục đại học đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, nổi bật là sự
nặng nề về quản lý hành chính, thái độ trì trệ, thụ động trong điều hành, tâm lý ỷ lại,
trông chờ vào Nhà nước.
Thực tiễn phát triển của nước ta thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết, tất yếu đổi
mới cơ chế quản lý giáo dục đại học. Các động lực của thực tiễn thúc đẩy tiến trình đổi
mới này là: kinh tế thị trường, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công
144
nghiệp 4.0. Giáo dục đại học cần gắn chặt với yêu cầu của thị trường nhân lực trong bối
cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức.
Nhìn từ góc độ thị trường, giáo dục đại học vừa có tính công lợi lẫn tư lợi, vừa có
tính chất phúc lợi xã hội vừa có tính chất hàng hoá dịch vụ, do đó cần đảm bảo vai trò
chủ đạo của Nhà nước kết hợp có hiệu quả với vai trò của cơ chế thị trường, của xã hội
trong quản lý, vận hành, kết hợp có hiệu quả vai trò của yếu tố “công” và yếu tố “tư”, sử
dụng và phát huy những mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và
hội nhập quốc tế.
Khác với cơ chế quản lý bao cấp, cơ chế quản lý tự chủ mở ra một không gian
rộng lớn cho sự hoạt động của các trường đại học, không gian này bao hàm sự kết nối
hữu cơ với thị trường, với xã hội, với các bên liên quan. Đó là sự tham gia của doanh
nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức xã hội, người dân vào các hoạt động của trường đại học
từ đầu vào cho đến đầu ra. Đó là sự thu gọn, tinh giản các thang bậc hành chính trong
quản lý nhà nước, tạo điều kiện pháp lý để trường đại học tự chủ đi đôi với trách nhiệm
giải trình, trực tiếp chịu trách nhiệm trước xã hội.
Sau 07 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần
thứ 8, khóa XI, 06 năm thực hiện Nghị quyết số 77 của Chính phủ, 01 năm thực hiện
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung), từ thực tiễn thực hiện tự chủ của 23 trường đại
học được giao quyền tự chủ cho thấy, cơ chế quản lý tự chủ đối với giáo dục đại học
đang phát huy hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện, một nguồn năng lượng mạnh mẽ
mới hình thành hứa hẹn gặt hái thêm nhiều thành tựu.
Những tín hiệu tích cực là, chất lượng đào tạo được nâng cao, kết nối hữu cơ với
thị trường lao động, một số ngành nghề đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường
nhân lực trình độ cao trong nước mà còn là thị trường khu vực và quốc tế. Hoạt động
nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với các đối tác xã hội,
doanh nghiệp có nhiều thay đổi tích cực. Hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định
được quan tâm, chú trọng. Trình độ của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý được cải
thiện đáng kể. Kinh phí hoạt động giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước và đi đến tự
cân đối và có tích lũy cho phát triển.
2. Một số vấn đề đặt ra của việc chuyển đổi cơ chế quản lý giáo dục đại học từ
bao cấp sang tự chủ
Kinh nghiệm xây dựng chính sách công cho thấy rằng luôn có khoảng cách đáng
kể giữa ý định chính sách với việc thực thi chính sách trên thực tế. Việc thực hiện tự chủ
của các trường đại học thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được tháo
gỡ để Luật số: 34/2018/QH14 và Nghị định số: 99/2019/NĐ-CP thực sự phát huy hiệu
lực trên toàn hệ thống giáo dục đại học thời gian tới.
Thứ nhất, sức ép của tư duy kinh tế, thương mại hóa giáo dục, xem giáo dục là thị
trường hàng hóa thông thường tồn tại trong quan điểm lãnh đạo, điều hành của nhiều
trường đại học. Điều này dẫn đến việc tận dụng quyền tự chủ trong quản trị, điều hành
các hoạt động của trường theo hướng chú trọng quá mức lợi nhuận, lãi lỗ trước mắt, ngắn
hạn mà bỏ qua, xem nhẹ các tiêu chí đảm bảo chất lượng, lợi ích dài hạn, thậm chí là trái
pháp luật.
Hiện cả nước có 236 trường đại học, trong đó có 171 trường công lập, số còn lại
là tư thực, liên kết nước ngoài, các chủ thể này có sự khác biệt về nguồn lực, tầm nhìn,
sứ mệnh trong thị trường giáo dục đại học, từ đó dẫn đến có những khác biệt về động cơ
145
của từng chủ thể trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ công đặc biệt này. Xu hướng
này tất yếu tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh lẫn không lành mạnh giữa các chủ thể đại học,
có thể hình thành sự phân hóa trường giàu trường nghèo, điều này chứa đựng nguy cơ
chệch hướng nguyên lý, mục tiêu của giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, điều kiện và khả năng tài chính của sinh viên cả nước cũng khác
biệt, xu thế tự chủ sẽ mở ra khả năng tăng học phí của các trường, điều này phần nào làm
giảm cơ hội học tập của sinh viên miền núi, hải đảo, vùng còn khó khăn về kinh tế. Như
hệ quả tất yếu kéo theo, thực tế này sẽ tác động đến hoạt động tuyển sinh của các trường
đại học tọa lạc ở các vùng miền, địa phương còn khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên,
Tây Nam Bộ.
Thứ hai, tình trạng chưa khớp nối, tương thông, đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại
học (sửa đổi, bổ sung) với các luật khác liên quan. Theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi,
bổ sung), trường đại học là một thực thể pháp lý độc lập, có quyền tự chủ gần như toàn
diện, từ đào tạo, nghiên cứu, nhân sự, tài chính, tài sản cho đến hợp tác, liên kết, cung
ứng dịch vụ. Thiết định này mở ra không gian hoạt động rộng lớn, mới mẻ, thích ứng với
thuộc tính, chức năng vốn có của các thực thể đại học. Tuy nhiên, thực tế triển khai
quyền tự chủ một số hoạt động như nhân sự, tài chính, tài sản, cung ứng dịch vụ vụ công,
các trường tự chủ thường gặp vướng mắc với các quy định của Luật Viên chức, Luật
Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công.
Thực tế các vướng mắc, rào cản pháp lý này khiến các trường tự chủ gặp khó khăn khi
muốn đầu tư, phát triển các hoạt động vĩ mô, mang tầm chiến lược.
Thứ ba, tâm thế sẵn sàng, chủ động thực hiện quyền tự chủ giữa các trường đại
học không đồng đều do sự khác biệt về nguồn lực, sứ mệnh, tầm nhìn giữa các trường.
Một mặt, các trường đủ nguồn lực hoặc chưa đủ nguồn lực nhưng có tâm thế sẵn sàng,
chủ động phát triển mong muốn thúc đẩy nhanh, nhất là các trường tư thục với thế mạnh
về tài chính, và khi được giao quyền tự chủ các trường này tăng thêm lợi thế cạnh tranh
với các trường khác trong các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng, xây dựng cơ sở
vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, kiểm định chất lượng.
Mặt khác, các trường công lập chưa đủ nguồn lực tự chủ, nhất là về tài chính
nhưng chưa có tâm thế sẵn sàng, chủ động phát triển, có xu hướng trì hoãn, kéo dài lộ
trình tự chủ để tiếp tục được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp vì chưa tự cân
đối được tài chính, có nguy cơ tụt hậu lại so với các trường tự chủ trong chuỗi cạnh
tranh, từ đó dẫn đến uy tín, giá trị sụt giảm, về lâu dài tất yếu rơi vào khó khăn. Có thể
nói, sự khác biệt về nguồn lực, sứ mệnh, tầm nhìn giữa các trường trong lộ trình tự chủ
sẽ hình thành một thị trường giáo dục đại học thiếu nhất quán, đồng bộ, vừa có trường tự
chủ, vừa có trường không tự chủ. Điều này, một mặt gây khó khăn trong việc chọn lựa
dịch vụ giáo dục của người học và xã hội, và mặt khác, trong dài hạn có thể đưa tới khả
năng giải thể và sáp nhập các trường với nhiều hệ lụy xã hội.
Thứ tư, việc thực thi trách nhiệm giải trình của các trường tự chủ còn nhiều bất
cập. Khoản 2, Điều 1, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung) quy định: “Trách nhiệm
giải trình là việc cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo, minh bạch thông tin đối
với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan
về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở
giáo dục đại học.”. Trên thực tế, hệ thống thông tin dữ liệu được công khai của các
trường tự chủ vẫn chưa phản ánh đầy đủ các hoạt động theo quy định của pháp luật,
thông tin không được cập nhật định kỳ, thường xuyên, các cam kết của các trường tự chủ
146
đối với người học, xã hội chưa được trình bày hệ thống, tường minh, thông tin dữ liệu
khó kiểm chứng. Điều này phần nào khiến cho việc giám sát của xã hội đối với hoạt động
của các trường trở nên thiếu khả thi, thiếu hiệu quả. Ngược lại, do thiếu thông tin phản
hồi đầy đủ, thường xuyên từ xã hội nên các trường cũng gặp khó khăn trong việc cải tiến,
nâng cao chất lượng hoạt động một cách liên tục, hiệu quả quản trị chưa đạt như kỳ vọng.
Thứ năm, kỹ năng quản trị đại học còn hạn chế, chưa có sự phân cấp tự chủ trong
bộ máy quản trị nội bộ. Thiết định Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị đại học
với nhiều quyền lực hơn theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung) đang được các
trường triển khai với kỳ vọng thu hút, tập hợp và phát huy sức mạnh của hệ thống các
tương quan giữa trường đại học với các bên liên quan bên ngoài nhằm hướng tới thực
hiện sứ mệnh, tầm nhìn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kỹ năng quản trị của Hội đồng
trường thông qua năng lực, phẩm chất của từng thành viên vẫn còn bất cập vì tính chất
mới mẻ của thiết chế này. Việc phát huy trí tuệ tập thể của Hội đồng trường đôi khi chưa
thực sự hiệu quả do sự khác biệt về năng lực, phẩm chất và thậm chí là lợi ích đan xen
giữa các thành viên với nhau, với Ban Giám hiệu trường. Bộ máy Hội đồng trường khó
vận hành suôn sẻ nếu từng mắc xích chưa kết nối chặt chẽ với nhau theo đúng chức năng
của bộ máy, vì thế tính hình thức là đôi khi khó tránh khỏi.
Ngoài ra, một số trường tự chủ chưa thực hiện phân cấp tự chủ trong bộ máy quản
trị nội bộ khiến cho sự vận hành, hoạt động vẫn như trước khi tự chủ, khác hơn, quyền tự
chủ chỉ được thực hiện bởi Hội đồng trường. Thực tế này làm cho quyền tự chủ của
trường chưa thể phát huy đầy đủ tác dụng, thế mạnh và tiềm năng của trường vẫn chưa
được khai thông, “thiếu đất dụng võ”, gây lãng phí rất lớn. Các khoa đào tạo, viện nghiên
cứu, trung tâm cung ứng dịch vụ,cần được tự chủ, cần có không gian lớn hơn để hoạt
động hướng tới thực thi sứ mạnh, tầm nhìn của trường. Quyền tự chủ cần được phát huy,
thực thi bởi từng thành viên, từng đơn vị trong trường, không chỉ bởi Hội đồng trường,
cả hệ thống cần tương thông với nhau.
3. Một vài đề xuất nhằm phát huy tốt hơn cơ chế quản lý tự chủ
Thứ nhất, cần có biện pháp hữu hiệu trong việc giám sát, hậu kiểm việc thực thi
quyền tự chủ và các quy định của pháp luật đối với trường đại học, đảm bảo tinh thần
thượng tôn pháp luật, các biện pháp chế tài đối với sự vi phạm cần đủ mạnh để có tính
răn đe, phòng ngừa. Phát huy sự giám sát tập thể, từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan
chủ quản cho đến người học, báo chí, và các bên liên quan. Hoạt động này cần được thực
hiện thường xuyên, định kỳ nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của trường đại học
trước xã hội được thực thi đầy đủ, một mặt giúp ngăn ngừa hiện tượng thương mại hóa
giáo dục, mặt khác giúp định hướng các trường phát triển theo đúng nguyên lý, mục tiêu
của giáo dục đại học.
Thứ hai, cần sớm có sự bổ sung, điều chỉnh các luật liên quan đến Luật Giáo dục
đại học (sửa đổi, bổ sung) để tạo sự khớp nối, tương thông và đồng bộ của hệ thống pháp
lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các trường đại học có đủ nguồn lực, sứ
mệnh, tầm nhìn chiến lược, mau chóng vươn lên khẳng định uy tín, giá trị đại học Việt
Nam, có khả năng cạnh tranh trên thị trường giáo dục đại học khu vực và quốc tế.
Thứ ba, cần có lộ trình tiến tới tự chủ trong toàn hệ thống giáo dục đại học, với kế
hoạch và thời hạn cụ thể để tới một thời điểm nhất định trong tương lai, tất cả trường đại
học đều tự chủ. Điều này giúp hình thành một thị trường giáo dục đại học nhất quán,
đồng bộ, qua đó các trường buộc phải cạnh tranh lành mạnh để khẳng định uy tín, giá trị
trước xã hội, và ngược lại, người học và xã hội có thể chọn lựa các dịch vụ giáo dục có
147
tính cạnh tranh trên cơ sở mặt bằng chất lượng đồng đều. Đối với học sinh, sinh viên
vùng đồng bào thiểu số, vùng còn khó khăn, Nhà nước và các trường cần có biện pháp hỗ
trợ về tài chính nhằm góp phần thực hiện quyền bình đẳng về cơ hội giáo dục cho các đối
tượng đặc thù này.
Thứ tư, các trường tự chủ hoặc sắp tự chủ cần tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập
huấn kỹ năng quản trị đại học trước hết cho các thành viên Hội đồng trường, rồi sau đó là
tất cả cán bộ quản lý khoa, viện, phòng, trung tâm. Thiết định Hội đồng trường cùng mô
hình quản trị đại học là điều rất mới mẻ ở nước ta, do vậy, các đối tượng liên quan cần
nhận thức, quán triệt đúng đắn trước khi triển khai hành động, bởi lẽ mọi sự vận hành
hiệu quả của bất kỳ thể chế nào đều cần có các chủ thể vận hành phù hợp với nó, nếu
không sẽ rơi vào tình trạng “bình mới, rượu cũ”, “bệnh hình thức”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Luật Giáo dục đại học, 2012
2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, 2018,
3) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, 2019,
4) “Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities
and Policy Options”, World Bank xuất bản tháng 4/2020.
5) Nguyễn Xuân Xanh, Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới từ trung cổ
đến hiện đại, Nxb. TP. HCM, 2019.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tu_chu_giao_duc_dai_hoc_mot_so_van_de_tu_goc_nhin_phat_trien.pdf