Bài viết đã luận chứng để làm rõ rằng, đòi hỏi cơ bản nhất của triết học Mác
là hướng tới đời sống hiện thực cụ thể, phát hiện trong đó những vấn đề khó
khăn cần giải quyết. Theo tác giả, để cungcấp cho các hoạt động thực tiễn
của con người sự suy tư về các lý tưởng và mục tiêu, triết học cần nghiên cứu
hiện thực, đứng vững trên hiện thực và vượt lên trên hiện thực, phải trình bày
về lý tưởng và “giá trị/tốt”. Những nghiên cứu triết học của TrungQuốc phải
hướng vào các vấn đề của Trung Quốc. Triết học sẽ không có sức sống nếu
nó không hướng tới nghiên cứu các vấn đề hiện thực. Theo đó, có hai yêu cầu
quan trọng trong sáng tạo triết học, đó là cảm thụ sâu sắc hiện thực và nắm
sâu sắc hiện thực.
Một thế kỷ rưỡi trước, C.Mác đã hoàn thành cuộc cải cách triết học quan
trọng, đánh dấu bằng việc xác lập nguyên tắc thực tiễn. Nguyên tắc này có 3 ý
nghĩa cơ bản: 1) Đời sống loài người và mọi thứ liên quan với nó là đối tượng
quan tâm duy nhất của triết học; 2) Triết học giải thích thế giới là để cải tạo
thế giới. Cải tạo thế giới là mục tiêu và giá trị cuối cùng của nghiên cứu triết
học, giải thích thế giới là tiền đề và phương tiện để cải tạo thế giới; 3) Khi cải
tạo thế giới, con người tuân thủ nguyên tắc giá trị, tức là lợi dụng vật theo
thước đo của con người, cải tạo thế giới hiện thực nhằm thực hiện lý tưởng về
tương lai. Một sự mở rộng lôgíc của 3 ý nghĩa này liên quan đến chính triết
học, tức là: tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá tính hợp pháp và tính hợp lý của
cách đặt và giải đáp vấn đề của triết học là năng lực của nó trong việc giải
quyết (chứ không chỉ giải đáp) các vấn đề thực tiễn.
13 trang |
Chia sẻ: luyenbuizn | Lượt xem: 1353 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Triết học hướng vào các vấn đề Trung Quốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRIẾT HỌC HƯỚNG VÀO CÁC VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC
PHÙNG BÌNH (*)
Bài viết đã luận chứng để làm rõ rằng, đòi hỏi cơ bản nhất của triết học Mác
là hướng tới đời sống hiện thực cụ thể, phát hiện trong đó những vấn đề khó
khăn cần giải quyết. Theo tác giả, để cung cấp cho các hoạt động thực tiễn
của con người sự suy tư về các lý tưởng và mục tiêu, triết học cần nghiên cứu
hiện thực, đứng vững trên hiện thực và vượt lên trên hiện thực, phải trình bày
về lý tưởng và “giá trị/tốt”. Những nghiên cứu triết học của Trung Quốc phải
hướng vào các vấn đề của Trung Quốc. Triết học sẽ không có sức sống nếu
nó không hướng tới nghiên cứu các vấn đề hiện thực. Theo đó, có hai yêu cầu
quan trọng trong sáng tạo triết học, đó là cảm thụ sâu sắc hiện thực và nắm
sâu sắc hiện thực.
Một thế kỷ rưỡi trước, C.Mác đã hoàn thành cuộc cải cách triết học quan
trọng, đánh dấu bằng việc xác lập nguyên tắc thực tiễn. Nguyên tắc này có 3 ý
nghĩa cơ bản: 1) Đời sống loài người và mọi thứ liên quan với nó là đối tượng
quan tâm duy nhất của triết học; 2) Triết học giải thích thế giới là để cải tạo
thế giới. Cải tạo thế giới là mục tiêu và giá trị cuối cùng của nghiên cứu triết
học, giải thích thế giới là tiền đề và phương tiện để cải tạo thế giới; 3) Khi cải
tạo thế giới, con người tuân thủ nguyên tắc giá trị, tức là lợi dụng vật theo
thước đo của con người, cải tạo thế giới hiện thực nhằm thực hiện lý tưởng về
tương lai. Một sự mở rộng lôgíc của 3 ý nghĩa này liên quan đến chính triết
học, tức là: tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá tính hợp pháp và tính hợp lý của
cách đặt và giải đáp vấn đề của triết học là năng lực của nó trong việc giải
quyết (chứ không chỉ giải đáp) các vấn đề thực tiễn. Về bản chất, triết học
C.Mác lấy nguyên tắc thực tiễn làm cơ sở không phải là một thứ triết học
nhìn thế giới (dù nó gồm các kiến giải về phương thức “nhìn thế giới” và các
quan điểm về thế giới), mà là triết học cải tạo thế giới. Yêu cầu cơ bản nhất
của triết học đó là hướng tới chính đời sống hiện thực cụ thể, phát hiện trong
đó những vấn đề khó khăn cần giải quyết và coi những vấn đề đó là vấn đề
nghiên cứu của mình. Vấn đề mà triết học đó quan tâm nhất là, trên cơ sở
hiện thực, chúng ta cần xác lập lý tưởng như thế nào, cần thực hiện như thế
nào lý tưởng của chúng ta. Trong sự phát triển của triết học Trung Quốc ngày
nay, chúng ta cần suy nghĩ và hoạch định việc nghiên cứu của chúng ta theo
những nguyên tắc triết học này.
Nếu hy vọng triết học có thể phát huy vai trò tích cực đối với đời sống của
người Trung Quốc và sự phát triển của xã hội Trung Quốc thì chúng ta,
những nhà triết học sinh trưởng trên mảnh đất Trung Quốc, đặt mình vào tiến
trình phát triển của xã hội Trung Quốc cần coi các vấn đề của Trung Quốc là
nhiệm vụ nghiên cứu của chúng ta. Nói “các vấn đề của Trung Quốc” là chỉ
những vấn đề khó khăn to lớn đang gây rối đời sống người Trung Quốc và sự
phát triển của xã hội Trung Quốc hiện nay. “Các vấn đề của Trung Quốc” với
tính cách chủ đề nghiên cứu triết học là chỉ quan niệm giá trị và phương thức
tư duy căn bản nhất liên quan trực tiếp với những vấn đề khó khăn này. Do
vậy, cái mà chúng ta gọi là “triết học hướng về các vấn đề của Trung Quốc”
biểu đạt một niềm tin như sau: triết học Trung Quốc cần lấy việc cải thiện đời
sống của người Trung Quốc, xúc tiến sự phát triển của xã hội Trung Quốc
làm mục tiêu nghiên cứu, cần lấy quan niệm giá trị và phương thức tư duy
căn bản nhất ảnh hưởng đến đời sống người Trung Quốc và sự phát triển xã
hội Trung Quốc làm nhiệm vụ nghiên cứu.
I. Trong hệ thống văn hoá tư tưởng loài người, triết học là một hoạt động tư
tưởng liên quan đến việc suy nghĩ về đời sống loài người và hoạch định đời
sống loài người. Hoạt động tư tưởng này có chức năng, phương thức làm việc
và giới hạn của riêng nó. Dù có lấy việc cải tạo thế giới làm mục đích hay
không, triết học đều không thể trực tiếp cải tạo thế giới. Đây là giới hạn của
triết học. Triết học chỉ có thể cải tạo thực tiễn của con người thông qua việc
cải tạo quan niệm của họ và thực hiện mục đích cải tạo thế giới thông qua
thực tiễn của con người. Thực tiễn mới là lực lượng trực tiếp cải tạo thế giới.
Nhưng thực tiễn là một hoạt động có ý thức, có mục đích; trong ý thức và
mục đích này, quan niệm giá trị của con người đóng vai trò chi phối, tức là
quan niệm về cái gì có thể lấy, cái gì đáng lấy và cái gì cần lấy trước. Dùng
quan niệm giá trị chi phối hành động là đặc trưng bản chất khiến đời sống loài
người là đời sống loài người. Chính là dưới sự chi phối của quan niệm giá trị
trong không gian và thời gian cụ thể nhất định mà con người mới không bằng
lòng với hoàn cảnh mình đang sống, mới bị một khả năng nào đó lôi cuốn, có
được năng lực cải biến hiện trạng, mới hành động để cải biến hiện trạng. Mà
triết học lại trụ đỡ quan niệm giá trị của con người. Trình bày “giá trị/tốt”(1)
và con đường đạt tới “giá trị/tốt” bằng phương thức của cái “chân” chính là
phương thức căn bản để triết học suy nghĩ về đời sống con người và hoạch
định đời sống con người. Phê phán và kiến tạo quan niệm giá trị và phương
thức tư duy chính là phương thức làm việc của triết học.
Từ khi ra đời, triết học đã tác động tới đời sống loài người bằng việc tìm kiếm
những giá trị và phương thức tư duy tốt hơn, có thể cải thiện đời sống loài
người. Bắt đầu từ Socrates, tìm tòi “giá trị/tốt” và con đường đạt tới “giá trị/tốt”
của đời sống loài người chính là mục đích căn bản của nghiên cứu triết học ở
phương Tây. Sự theo đuổi của triết học Trung Quốc đối với “đạo” càng thể
hiện đầy đủ mục đích triết học này.
Trình bày “giá trị/tốt” và con đường đạt tới “giá trị/tốt” trong đời sống loài
người, trong nghiên cứu khoa học, thậm chí kể cả chính nghiên cứu triết học
bằng phương thức của cái “chân” là phương thức tồn tại của triết học. Nói
“trình bày bằng phương thức của cái “chân”” có 2 ý nghĩa cơ bản: 1) Triết
học áp dụng thứ phương thức giống như phương thức mà khoa học nghiên
cứu thế giới vật chất để nghiên cứu trạng thái hiện thực của đời sống loài
người, nghiên cứu quan hệ nhân quả và quy luật phát triển của hiện thực.
Nghiên cứu này là cơ sở và tiền đề để triết học trình bày “giá trị/tốt” và con
đường đạt tới “giá trị/tốt”. Triết học không thể tưởng tượng về hiện thực, mà
phải đi trên mặt đất thô ráp của hiện thực. Đây là chỗ khác nhau giữa nghiên
cứu triết học và nghệ thuật. 2) Luận chứng là hình thức trình bày của triết
học. Đây là cái khu biệt triết học với văn học nghệ thuật và tôn giáo. Trình
bày bằng phương thức của cái “chân” là một điều kiện tất yếu của triết học.
Chắc chắn là như vậy. Nếu không có sự trình bày về “giá trị/tốt” và con
đường đạt tới “giá trị/tốt” thì không phải là triết học. Điều khiến triết học trở
thành triết học, khiến nó khu biệt với khoa học, với các hoạt động tư tưởng
khác chính là sự kết hợp giữa phương thức trình bày luận chứng và nội dung
trình bày. Triết học miêu tả thực tế và vạch ra quy luật nhằm trình bày một
thứ “giá trị/tốt” và con đường đạt tới “giá trị/tốt”, chứ không phải cung cấp
cho nhân loại một thứ chân lý khách quan tách rời sự lựa chọn giá trị. Nghiên
cứu siêu hình học nhằm vào sự tồn tại của con người, nhằm vào việc con
người làm thế nào để trở thành như nó cần phải trở thành; nhận thức luận,
lôgíc học nhằm vào “giá trị/tốt” của nhận thức, thứ “giá trị/tốt” mà tiêu chuẩn
căn bản của nó là đời sống loài người. Nếu xa rời đời sống loài người, xa rời
sự lựa chọn đời sống hữu hiệu và hợp mục đích thì việc nhận thức có chính
xác không, nhận thức như thế nào, nhận thức đạt tới kết quả nào cũng sẽ
không quan trọng. Do vậy, xét về cơ bản, nhận thức luận là vì con người, vì
đời sống con người, vì phán đoán giá trị và lựa chọn giá trị của con người.
Đạo đức học, mỹ học càng trực tiếp nhằm vào “giá trị/tốt” trong phán đoán và
lựa chọn. Miêu tả trong đạo đức học, mỹ học là nhằm trình bày “giá trị/tốt”;
nếu vứt bỏ “giá trị/tốt”, miêu tả đạo đức và mỹ học và sự tìm tòi của chúng về
các quy luật tương quan sẽ mất đi ý nghĩa căn bản. Ngay cả các thứ triết học
đề cao sự sùng bái thực chứng cũng trình bày một thứ “giá trị/tốt”, dù rằng
khi trình bày chúng tìm cách lược bỏ đi “giá trị/tốt” trong đời sống loài người
và sự phát triển xã hội.
Theo đuổi trí tuệ là mục tiêu mà triết học xác lập ngay từ khi nó mới ra đời.
Trí tuệ liên quan đến con người chứ không liên quan đến tự nhiên, hướng về
tương lai chứ không hướng về quá khứ, là hoạch định cho tương lai chứ
không ảo tưởng về tương lai. Việc hoạch định cần đứng vững trên thực tại.
Đời sống là cụ thể, hiện thực; chúng ta chỉ có thể tính chuyện vượt lên trên
hiện thực với tiền đề thừa nhận và nhận thức rõ những điều kiện hiện có. Dù
muốn hay không, trước hết chúng ta vẫn cần chấp nhận nguồn của cải và
gánh nặng mà hoạt động trước kia để lại cho chúng ta; trên cơ sở này mà trù
hoạch tương lai được chúng ta kỳ vọng. “Giá trị/tốt” vượt lên trên hiện thực,
nhưng nó phải lấy hiện thực làm cơ sở. Bất kỳ “giá trị/tốt” và con đường đạt
tới “giá trị/tốt” nào cũng đều là cụ thể, hiện thực, đều là một phần của các
hoạt động cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể. Bàn luận một cách trừu tượng
về “giá trị/tốt” tách rời hoàn cảnh cụ thể và hoạt động cụ thể gắn liền với nó
sẽ chẳng khác gì bàn luận về một giấc mơ đẹp vĩnh viễn không thể thực hiện.
Đó chẳng phải là trí tuệ, cũng chẳng phải là triết học. Triết học phải cung cấp
cho các hoạt động thực tế cụ thể của con người sự suy tư về các lý tưởng và
mục tiêu. Đây là sự suy tư về khả năng của những giá trị có thể thực hiện. Do
vậy, nó cần nghiên cứu hiện thực, đứng chân trên hiện thực, đồng thời vượt lên
trên hiện thực.
Triết học cần lấy việc tìm tòi cái “chân” làm một thành tố cần thiết, một
phương tiện cần thiết để trình bày “giá trị/tốt”, dù rằng đây không phải là mục
đích cuối cùng của nó. Thông qua cái “chân” để trình bày cái thiện, cái mỹ,
trình bày “giá trị/tốt”, đó là phương thức tồn tại chân thực của triết học trong
đời sống loài người. Đây không chỉ là việc mà triết học từng làm, mà còn là
việc mà triết học cần tiếp tục làm. Husserl từng nói, tư duy triết học của con
người và các kết quả của nó trong toàn bộ sự sinh tồn của loài người không có
ý nghĩa nào khác ngoài những mục tiêu văn hoá thuần tuý tư hữu hay những
mục tiêu văn hoá hữu hạn khác. Bởi vậy, trong tư duy triết học của mình,
chúng ta là “những công chức” của loài người, về điều này chúng ta tuyệt
nhiên không thể bỏ qua. Trách nhiệm hoàn toàn cá nhân của sự tồn tại thực sự
riêng của chúng ta với tư cách nhà triết học, nghề nghiệp cá nhân bên trong
của chúng ta đồng thời cũng mang trong nó trách nhiệm đối với sự tồn tại
thực sự của nhân loại. Sự tồn tại thực sự của nhân loại là theo đuổi mục tiêu
lý tưởng, và xét về căn bản, mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện thông qua
triết học, - thông qua chúng ta, nói một cách nghiêm túc, chúng ta còn là nhà
triết học(2).
Sở dĩ phải trình bày quan niệm triết học nói trên vì nó là tiền đề của niềm tin
“triết học cần hướng về các vấn đề của Trung Quốc”; vì trong sự sùng bái chủ
nghĩa thực chứng, nó đã đầy mình thương tích. Sự sùng bái chủ nghĩa thực
chứng khiến chúng ta đã gần như quen với việc coi thứ lý tưởng và niềm tin
triết học này như một mong ước mê sảng và độc thoại không hợp thời nào đó.
“Sùng bái thực chứng” chỉ một thứ tôn sùng quá mức phương pháp khoa học
thực chứng do những tiến bộ to lớn của khoa học thực chứng mang lại và ảnh
hưởng tiêu cực của nó đối với văn hoá, đời sống và triết học. Nói theo
Husserl, vào nửa sau thế kỷ XIX, con người hiện đại để cho toàn bộ thế giới
quan của mình bị chi phối bởi khoa học thực chứng và bị mê hoặc bởi sự
“phồn vinh” mà nó tạo ra. Hiện tượng độc đáo này có nghĩa là, con người
hiện đại đã vô tình sổ toẹt đi những vấn đề mà đối với con người chân chính
là vô cùng quan trọng. Thứ khoa học chỉ nhìn thấy thực tế đã tạo ra con người
chỉ nhìn thấy thực tế. Trước khi bị xâm thực bởi sự sùng bái thực chứng, triết
học không có sự hoài nghi căn bản nào đối với sứ mệnh và những năng lực
nói trên. Trong sự xác lập đầu tiên của mình, triết học cổ đại đã coi nhiệm vụ
của mình là theo đuổi tư tưởng tràn đầy nhiệt huyết về những tri thức phổ
quát liên quan đến mọi thứ tồn tại. Còn triết học cận đại nhận thức được sứ
mệnh của mình là mở ra một thời đại mới, nó tin chắc lý tưởng triết học và
phương pháp chân chính của mình là hoàn toàn đáng tin cậy. Nhưng, người
hiện đại chúng ta trưởng thành lên trong sự phát triển này lại phát hiện mình
đang có nguy cơ bị chìm nghỉm trong dòng thác lũ hoài nghi luận và do đó,
mất đi chân lý của chính chúng ta(3). Việc sùng bái thực chứng làm cho thực
tế trở thành người phán xử tối cao và do đó, trục xuất khỏi triết học những
vấn đề cực kỳ quan trọng đối với loài người, như giá trị, số phận loài người…
Kết quả là nhà triết học trở nên ngày càng “gọi dạ bảo vâng”, ngày càng bàn
luận về những vấn đề nhỏ hẹp, ngày càng noi theo khoa học thực chứng. Nhà
triết học không dám và cũng e ngại với việc tái đàm luận về những vấn đề
lớn, như vận mệnh của loài người, sự phát triển của xã hội, sự tiến bộ của loài
người…; bởi những vấn đề này bị triết học sùng bái thực chứng coi là sự biểu
đạt những tình cảm thuần tuý cá nhân hay “những tiếng gào thét đột nhiên
phát ra” (lời A.J.Ayer) chẳng nói lên điều gì cả. Nếu chúng ta thừa nhận sự
sùng bái thực chứng, tất nhiên chúng ta sẽ từ bỏ mục đích tác động tới đời
sống loài người thông qua triết học, từ bỏ sự phê phán và tái lập của triết học
đối với quan niệm giá trị và phương thức tư duy, bởi theo nguyên tắc thực chứng
thì hai cái này không hề có căn cứ. Nếu vứt bỏ những cái này, chúng ta sẽ chỉ có
thể để mặc cho tập quán, quyền uy và những xung động tự nhiên sắp đặt tín
ngưỡng; những phán đoán, sự lựa chọn giá trị và hành động của chúng ta do
chúng chi phối.
Sùng bái thực chứng đã thủ tiêu mất triết học. Nếu ủng hộ sự sùng bái này,
chúng ta sẽ cho rằng triết học không thể đảm đương một nhiệm vụ nặng nề
như vậy, sẽ cười giễu sứ mạng của triết học trong việc đảm đương nhiệm vụ
đó. Nhưng, chúng ta có lý do gì để nhất quyết ủng hộ sự sùng bái thực chứng?
Trong hệ thống văn hoá và tư tưởng của loài người không cần có thứ triết học
lấy việc miêu tả thực tế làm mục đích căn bản, hiện nay lại càng như vậy. Tuy
“giá trị/tốt” trong nghiên cứu triết học dựa trên việc nghiên cứu “thực tế”,
nhưng tuyệt nhiên không thể quy nó thành “thực tế”. Mặc dù nghiên cứu triết
học có bao hàm việc miêu tả, song tuyệt nhiên không thể chỉ dừng lại ở miêu
tả, cũng không thể lấy miêu tả làm mục đích. Triết học đích thực là sự kiến
tạo và trình bày về lý tưởng có căn cứ. Không có sự trình bày về lý tưởng và
“giá trị/tốt”, triết học sẽ mất lý do tồn tại. Triết học cần vận dụng những thành
quả và áp dụng một số phương pháp của khoa học thực chứng, nhưng không
được thần phục phương pháp của khoa học thực chứng, càng không thể lấy
phương pháp của khoa học thực chứng làm tiêu chuẩn để đánh giá một nghiên
cứu triết học nào đó có đáng tin cậy không. Khoa học thực chứng không phải
là khuôn mẫu của triết học. Chúng ta không có bất cứ lý do nào để cầm tù
triết học bằng “chủ nghĩa thực chứng”. Kết luận của triết học là một thứ phán
đoán giá trị dựa trên cái “chân”. Sự phán đoán này liên quan đến các hành
động tương lai, nó mang tính dự báo chứ không phải tính hoài cổ; mang tính
thực nghiệm chứ không phải tính báo đạo; mang tính giả thiết chứ không phải
là tính trần thuật (lời John Dewey). Nó không thể lấy thực chứng làm chuẩn
mực.
II. “Triết học hướng tới các vấn đề của Trung Quốc” có 2 hình thức cơ bản:
một hình thức lấy việc nghiên cứu các vấn đề của Trung Quốc làm nhiệm vụ
trực tiếp, coi chúng là đối tượng nghiên cứu của mình; hình thức kia coi các
vấn đề của Trung Quốc như là “mồi lửa” cho nghiên cứu triết học, dùng nó để
nhen lên việc nghiên cứu các mặt khác của triết học, thông qua việc quan tâm
đến các vấn đề của Trung Quốc để đem lại sức sống và sức năng động cho
các mặt nghiên cứu triết học khác. Loại đầu là hình thức trực tiếp của “triết
học hướng tới các vấn đề của Trung Quốc”, còn loại sau là hình thức gián tiếp
của nó.
Hình thức gián tiếp của “triết học hướng tới các vấn đề của Trung Quốc”
cũng vô cùng quan trọng trong nghiên cứu triết học. Trong nghiên cứu triết
học, chúng ta cần hiểu cách giải thích của các nhà triết học đối với thế giới.
Bởi sự giải thích này bao hàm nhận thức của các nhà triết học về quy luật,
kiến giải của họ về thế giới, sự phê phán và kiến tạo của họ đối với quan niệm
giá trị. Hình thức gián tiếp của “triết học hướng tới các vấn đề của Trung
Quốc” biểu hiện thành sự giải thích về các cách giải thích. Trong hình thức
nghiên cứu triết học này, có sự khác nhau “một trời một vực” giữa “giải thích
để nắm được các nguồn tư tưởng” và “giải thích để giải thích”. Có thể gọi
“giải thích để giải thích” là giải thích “xấu”, sự “chuyển thuật” giản đơn,
thiếu ý thức về vấn đề hiện đại, thường là què quặt, phá hoại cách giải thích
gốc. Về căn bản, nó không phải là triết học, nhiều lắm cũng chỉ là sự chuẩn bị
ban đầu cho triết học. Còn “giải thích để nắm được các nguồn tư tưởng” có
thể được gọi là giải thích “tốt”. Nó là một thứ nghiên cứu có ý thức rõ ràng về
các vấn đề và sự quan tâm tới hiện thực. Thứ giải thích này mang nhiều tư
tưởng mới, nó khơi dậy cách giải thích gốc, đem lại sự sống mới cho cách
giải thích gốc, có thể khiến cho triết học kéo dài mấy nghìn năm không dứt và
không ngừng phát triển, đồng thời có thể thai nghén cho sự ra đời của triết
học mới. Chúng ta chỉ có thể có được các nguồn tư tưởng để nghiên cứu các
vấn đề hiện thực thông qua thứ giải thích có tư tưởng, có bối cảnh vấn đề hiện
thực và có ý thức về vấn đề này. Cách giải thích này càng phong phú, càng
rộng lớn thì các nguồn tư tưởng mà chúng ta đạt được càng phong phú, càng
rộng lớn và nghiên cứu của chúng ta về các vấn đề hiện thực càng có thể sâu
sắc, hữu ích. Do đó, về bản chất, cách giải thích này là một bộ phận hợp thành
không thể thiếu của thứ triết học hướng về các vấn đề hiện thực.
Một điểm quan trọng (không phải là toàn bộ) khiến cho “giải thích sự giải
thích” tốt phân biệt với “giải thích sự giải thích” xấu là sự quan tâm tới các
vấn đề hiện thực. Động lực căn bản của nghiên cứu triết học không bắt nguồn
từ các loại triết học, mà bắt nguồn từ thực tế và các vấn đề(4). Chúng ta cần
đặc biệt nhấn mạnh rằng, việc “giải thích sự giải thích” cần lấy sự quan tâm
tới các vấn đề của Trung Quốc làm động lực. Bởi, chỉ có như vậy, chúng ta
mới có thể lý giải sâu sắc và khơi dậy những tư tưởng vĩ đại, sâu sắc trong
lịch sử triết học. Triết học là một thứ tư duy duy lý đầy nhiệt tình, nó biểu đạt
quan niệm giá trị về đời sống con người và sự phát triển xã hội. Thứ lý luận
đó cần bắt rễ sâu vào thực tiễn đời sống. Nếu xa rời sự quan tâm đến các vấn
đề hiện thực, mất đi nhiệt tình cải tạo thế giới, chúng ta sẽ rất dễ coi các lý
luận triết học của quá khứ là một đống khái niệm tuy gắn bó nhau nhưng
không hề có sức sống, chúng ta sẽ cắt đứt huyết mạch của những lý luận này
vì không nhìn thấy vấn đề mà chúng cần giải quyết và động lực nguyên thuỷ
sản sinh ra chúng. Chỉ có bắt rễ sâu trong thực tiễn của loài người, các khái
niệm triết học và lý luận triết học mới có thể có được sức sống hoặc tiếp tục
toả sáng. Khi chọn phương thức giải thích xấu, sự khu biệt của chúng ta với
những nhà triết học vĩ đại được chúng ta giải thích là ở chỗ, trong các khái
niệm của họ tràn đầy sự quan sát hiện thực và nhiệt tình đối với tương lai, các
vấn đề mà họ nghiên cứu ngưng kết nỗi đau và niềm vui của thời đại họ. Nếu
xa rời các vấn đề hiện thực mà họ muốn giải quyết, chúng ta sẽ không hiểu
được cảm thụ sâu sắc của họ đối với các vấn đề hiện thực, sẽ biến tư tưởng
của họ thành những mảnh vụn, tiêu bản, xác chết.
Nhưng bất luận “giải thích sự giải thích” tốt bao nhiêu nó cũng không thể là
phương thức duy nhất của nghiên cứu triết học. Nếu trong con mắt của nghiên
cứu triết học chỉ có lịch sử của mình thì triết học sẽ mất đi ý nghĩa tồn tại hiện
thực của nó và sẽ trở thành một loại hình của lịch sử. Lịch sử triết học là công
cụ thực sự của triết học, nhưng không phải là chính triết học(5). Triết học cần
hướng tới các vấn đề hiện thực, nghiên cứu các vấn đề hiện thực, có như vậy
sức sống của nó mới không suy kiệt. Bởi vậy, hướng tới các vấn đề hiện thực
là một hình thức căn bản hơn của nghiên cứu triết học, đương nhiên đó cũng
là một hình thức nghiên cứu khó khăn hơn trong nghiên cứu triết học. C.Mác
từng nói: “Số phận mà một vấn đề của thời đại có chung với bất cứ vấn đề
nào có căn cứ về mặt nội dung và do đó là hợp lý là: không phải là đáp án mà
là vấn đề tạo ra khó khăn chủ yếu”(6). Bởi, “vấn đề chân thực là cách ngôn
của thời đại, là khẩu hiệu thực tế nhất biểu hiện trạng thái bên trong của chính
thời đại”(7). Do vậy, rút ra vấn đề từ trùng trùng xung đột và rối rắm của đời
sống hiện thực là sáng tạo của triết học. Chỉ khi việc rút ra vấn đề là xác đáng
thì sự giải đáp vấn đề đó mới có thể có ý nghĩa. “Giống như một phương trình
đại số chỉ cần đề bài ra thật chính xác chặt chẽ thì có thể giải được, mỗi vấn
đề chỉ cần đã trở thành vấn đề hiện thực thì sẽ có được đáp án”(8). Vấn đề
quá trừu tượng thì hoặc là căn bản không thể có phương pháp giải quyết, hoặc
là phương pháp này do quá trừu tượng nên không thể thao tác. Còn vấn đề
được đặt ra quá cụ thể thì sẽ chẳng cần tiến hành nghiên cứu triết học. Trong
sáng tạo triết học, việc đặt ra vấn đề đời sống hiện thực là quan trọng nhất và
cũng khó khăn nhất. Do vậy, ít nhất chúng ta cần làm được 2 điều dưới đây:
1) Cảm thụ sâu sắc hiện thực. Nghiên cứu triết học hướng về hiện thực đòi
hỏi phải có kinh nghiệm cảm tính, phải có thể nghiệm tình cảm sâu sắc về
hiện thực. Kinh nghiệm cảm tính là ngọn nguồn để chúng ta có được thể
nghiệm tình cảm sâu sắc, còn thể nghiệm tình cảm sâu sắc là động lực để
chúng ta tiến hành suy tư triết học. Thể nghiệm tình cảm sâu sắc sẽ đưa chúng
ta tới tầng đáy của tinh thần loài người, có thể đánh thức lương tri của chúng
ta, hướng dẫn nghiên cứu của chúng ta, từ đó khiến triết học của chúng ta trở
thành một thứ tư tưởng chân thực và đầy sinh khí. “Trung lập về giá trị” là
một cái đai mà sự sùng bái thực chứng áp đặt cho triết học và nghiên cứu học
thuật. Nó khiến cho triết học của chúng ta “giữ lại từ ngữ triết học mà đánh
mất đi nhiệm vụ triết học” (lời Husserl). 2) Nắm sâu sắc hiện thực. Triết học
không thể dừng ở thể nghiệm tình cảm, cũng không thể dừng ở việc biểu đạt
thể nghiệm tình cảm. triết học cần dùng cái “chân” để trình bày “giá trị/tốt”
và con đường đạt tới “giá trị/tốt”. Do vậy, thứ nghiên cứu triết học hướng tới
vấn đề này cần nắm chắc các quy luật phát triển của hiện thực, nắm vững
những khả năng phát triển của hiện thực và các quan niệm giá trị và phương
thức tư duy chi phối hiện thực và hướng dẫn sự phát triển của hiện thực. Để
đạt tới mục tiêu này, triết học cần vận dụng tối đa các nguồn tư tưởng đã có
của văn hoá loài người, trong đó kể cả triết học, và các thành quả nghiên cứu
của các bộ môn khác, đồng thời cần kêu gọi sự sáng tạo tư tưởng gian khổ.
“Bất kỳ triết học đích thực nào cũng đều là tinh hoa tinh thần của thời đại
mình, do vậy tất yếu sẽ xuất hiện một thời đại, khi mà triết học không chỉ
thông qua nội dung bên trong, mà còn thông qua biểu hiện bên ngoài của
mình để tiếp xúc và tương tác với thế giới hiện thực của thời đại mình”(9).
Chúng ta hy vọng triết học Trung Quốc lấy các vấn đề của Trung Quốc làm
đối tượng nghiên cứu của mình sẽ có thể trở thành tinh hoa tinh thần của thời
đại chúng ta, trở thành một thứ tư duy giàu sức sống giúp người Trung Quốc
hiện nay sống một cuộc sống tốt đẹp hơn và trở thành “linh hồn sống của văn
hoá”(10) Trung Hoa./.
Người dịch: VIỄN PHỐ
(*) Giáo sư, Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác đương đại ở nước ngoài,
Đại học Phúc Đán, Trung Quốc.
(1) “Giá trị/tốt” chỉ một thứ theo đuổi và khát vọng đáng giá, đã qua suy nghĩ
chín chắn, sâu sắc.
(2) Xem: Husserl. Tuyển tập, Khủng hoảng của khoa học châu Âu và hiện
tượng luận tiên nghiệm. Nxb Sanlian, Thượng Hải, 1997, tr.994.
(3) Xem: Husserl. Sđd., tr.991.
(4) Xem: Husserl. Triết học với tính cách là khoa học nghiêm khắc. Nxb
Thương mại, 1999, tr.5.
(5) Xem: Wilhelm Windelband. Giáo trình lịch sử triết học, t.2. Nxb Thương
mại, 1987, tr.928.
(6) C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Nhân dân, 1995, tr.203.
(7) C.Mác, Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.203.
(8) C.Mác, Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.203.
(9) C.Mác, Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.220.
(10) C.Mác, Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.220.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_82__1131.pdf