Nông nghiệp là một trong những ngành đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của mọi quốc gia. Nó cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn xã hội, cung cấp yếu tố đầu vào cho ngành công nghiệp và được coi là ngành đem lại nguồn thu nhập ngoại tệ lớn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Việt Nam là một nước mà nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhưng trước đây với những chính sách bất hợp lý đã kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp vì vậy từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) nhà nước ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới kinh tế trong đó nông nghiệp được chú trọng đầu tiên. Xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam tiến lên xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Và với điểm xuất phát còn rất thấp như vậy, cơ sở vật chất lại nghèo nàn, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu kém, lao động thuần nông chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội, năng suất ruộng đất và năng suất lao động còn thấp là điều hết sức khó khăn đối với nước ta trong sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên sau hơn 20 năm thực hiện đổi mới, hiện nay bộ mặt nông nghiệp nước ta đã có sự thay đổi. Để thấy rõ hơn về sự chuyển biến đó chúng tôi quyết đinh nghiên cứu đề tài “những thành tựu và hạn chế của nông nghiệp Việt Nam trong đổi mới” để thấy rõ hơn sự cố gắng nỗ lực của Đảng và nhân ta trong việc khắc phục những khó khăn nhằm phát triển nông nghiệp.
15 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1507 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Tiểu luận Thành tựu và hạn chế của nông nghiệp Việt Nam trong đổi mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ CỦA NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG ĐỔI MỚI
Phần 1: Mở đầu
1.1. Tính cấp thiết của đề tài
Nông nghiệp là một trong những ngành đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của mọi quốc gia. Nó cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn xã hội, cung cấp yếu tố đầu vào cho ngành công nghiệp và được coi là ngành đem lại nguồn thu nhập ngoại tệ lớn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Việt Nam là một nước mà nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhưng trước đây với những chính sách bất hợp lý đã kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp vì vậy từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) nhà nước ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới kinh tế trong đó nông nghiệp được chú trọng đầu tiên. Xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam tiến lên xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Và với điểm xuất phát còn rất thấp như vậy, cơ sở vật chất lại nghèo nàn, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu kém, lao động thuần nông chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội, năng suất ruộng đất và năng suất lao động còn thấp… là điều hết sức khó khăn đối với nước ta trong sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên sau hơn 20 năm thực hiện đổi mới, hiện nay bộ mặt nông nghiệp nước ta đã có sự thay đổi. Để thấy rõ hơn về sự chuyển biến đó chúng tôi quyết đinh nghiên cứu đề tài “những thành tựu và hạn chế của nông nghiệp Việt Nam trong đổi mới” để thấy rõ hơn sự cố gắng nỗ lực của Đảng và nhân ta trong việc khắc phục những khó khăn nhằm phát triển nông nghiệp.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Đánh giá những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tai của nông nghiệp Việt Nam trong thời kì đổi mới
Phần 2: Nội dung chính
2.1. Khái niệm về nông nghiệp
Nông nghiệp nếu hiểu theo nghĩa hẹp chỉ có ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi và ngành dịch vụ trong nông nghiệp. Còn nông nghiệp hiểu theo nghĩa rộng nó còn bao gồm cả ngành lâm nghiệp và ngành thủy sản
2.2. Thành tựu
Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, vượt qua bao gian khó, đến nay nền nông nghiệp nước ta đã từng bước trưởng thành và đóng góp nhiều thành tựu vào sự nghiệp phát triển kinh tế, trong đó nổi bật là những vấn đề sau đây:
- Thành tựu nổi bật nhất là nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng cao, liên tục, đặc biệt là căn bản giải quyết được vấn đề lương thực cho đất nước. Tăng trưởng bình quân hàng năm về nông lâm và ngư nghiệp thời kỳ 1991-2000 đạt 4,3% trong đó nông nghiệp đạt 5,4% (riêng lương thực đạt 4,2%, cây công nghiệp đạt 10%, chăn nuôi 5,4%) thuỷ sản tăng 9,1%, lâm nghiệp tăng 2,1%. Sản xuất lương thực nước ta đã đạt được kết quả to lớn từ 13,478 triệu tấn lương thực năm 1976 đã tăng lên 14,309 triệu tấn năm 1980, lên 18,20 triệu tấn 1985, lên 21,488 triệu tấn năm 1990, lên 27,570 triệu tấn năm 1995 và lên 34,254 triệu tấn năm 1999, đáng chú ý là năm 1999 so với năm 1994 sản lượng lương thực tăng 8,055 triệu tấn, hàng năm tăng bình quân, 1,611 triệu tấn. Nếu so với năm 1976 sản lượng lương thực năm 1999 tăng 154,41% trong đó lúa gạo tăng 133,75%. Tính bình quân lương thực đầu người từ 274,4 kg năm 1976 giảm xuống 268,2 kg năm 1980, tăng lên 304 kg năm 1985 324,4 kg năm 1990, lên 372,5 kg năm 1995, lên 407,9 kg năm 1998 và lên 443,9 kg năm 2000. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2010 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 232,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2009, bao gồm nông nghiệp đạt 168,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2%; lâm nghiệp đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6%; thuỷ sản đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%.
Trong hơn bốn thập kỷ, lương thực đối với nước ta luôn là vấn đề nóng bỏng, tình trạng thiếu lương thực diễn ra triền miên. Tính riêng 13 năm (1976-1988) Việt Nam đã nhập 8,5 triệu tấn qui gạo, hàng năm nhập 0,654 triệu tấn qui gạo, trong đó thời kỳ 1976-1980 bình quân nhập hàng năm 1,12 triệu tấn, thời kỳ 1981-1988 bình quân hàng năm nhập 0,3625 triệu tấn. Song từ năm 1989 lại đây, sản xuất lương thực, sản xuất lương thực nước ta chẳng những đã trang trải nhu cầu lương thực cho tiêu dùng, có dự trữ lương thực cần thiết mà còn dư thừa để xuất khẩu, hàng năm xuất khẩu từ 1,5 - 2,0 triệu tấn gạo thời kỳ 1989-1995 và tăng lên 3- 4,6 triệu tấn gạo thời kỳ 1996-2000. Sản lượng lúa cả năm 2010 ước tính đạt gần 40 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn so với năm 2009 do cả diện tích và năng suất đều tăng, trong đó diện tích gieo trồng ước tính đạt 7513,7 nghìn ha, tăng 76,5 nghìn ha so với năm trước; năng suất đạt 53,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha.
Giải quyết tốt vấn đề lương thực là điều kiện quyết định để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi. Trong một thời kỳ dài, nông nghiệp nước ta là nông nghiệp độc canh lúa nước, từ khi giải quyết được vấn đề lương thực, mới có điều kiện để đa dạng hoá theo hướng giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả v.v... Diện tích cây lương thực năm 1976 chiếm 88%, trong đó lúa chiếm 75,2% tổng diện tích gieo trồng, các loại cây trồng khác chiếm tỷ trọng thấp, tỷ trọng cây công nghiệp chiếm 6%, cây ăn quả chiếm 25%. Đến năm 2000 tỷ trọng diện tích cây lương thực giảm xuống 67,11% trong đó lúa chiếm 61,38%, tỷ trọng cây công nghiệp tăng lên 6,33% riêng cây công nghiệp lâu năm chiếm 11,21% tỷ trọng cây ăn quả tăng lên 4,34%. Lương thực dồi dào, nguồn thức ăn phong phú đã tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi. Đàn trâu tăng từ 2,2565 triệu con năm 1976 tăng lên 2,5902 triệu con năm 1985 và lên 2,9773 triệu con năm 1994, từ năm 1995 trở đi đàn trâu giảm xuống, năm 2000 còn 2,8972 triệu con. Đàn bò năm 1976 số lượng đàn bò chỉ bằng 71,6% so với năm 1960. Song từ năm 1981 lại đây con bò được xác định không chỉ cày kéo mà là nguồn cung cấp thịt, sữa cho nhân dân, 11 đàn bò nước ta đã tăng lên nhanh chóng, năm 2000 đàn bò cả nước đã tăng lên 4,1279 triệu con tăng 152,21% so với năm 1976, trong đó đàn bò miền Bắc gấp 3,12 lần. Hiện nay lợn là gia súc cung cấp nguồn thịt chủ yếu cho nhân dân, số lượng đàn lợn từ 8,9581 triệu con năm 1976 tăng lên 12,2605, tăng 36,86%, đó là thời kỳ lương thực đang gặp khó khăn đàn lợn tăng chậm. Từ năm 1991 trở đi lương thực được giải quyết vững chắc, đàn lợn đã tăng nhanh từ 12,1404 triệu con tăng lên 17,6359 triệu con, chỉ trong vòng 7 năm số lượng đàn lợn tăng thêm nhiều hơn 2,29 lần của 15 năm trước đó. Điều đáng chú ý là số lượng đàn lợn năm 2000 tăng 125,42% so với năm 1976, trong khi đó sản lượng thịt lợn hơi tăng 326,85%. Đạt được kết quả đó là do chất lượng đàn lợn tăng lên; biểu hiện ở tỷ lệ đàn lợn lai kinh tế chiếm tỷ trọng cao 70-80% tổng đàn lợn, trọng lượng xuất chuồng bình quân cả nước đạt 69,0kg/con. Ngoài lợn, trâu bò chăn nuôi gia cầm đang phát triển mạnh về số lượng và chủng loại, cùng với phương thức chăn nuôi truyền thống, nông dân đã tiếp thu phát triển chăn nuôi kiểu công nghiệp. Sản lượng thịt hơi gia cầm từ 167,9 ngàn tấn năm 1990 tăng lên 226,1 ngàn tấn năm 1997. Năm 2010 đàn lợn cả nước có 27,37 triệu con, giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm 2009. Đàn gia cầm có 300,5 triệu con, tăng 7,3%. Đàn trâu có 2913,4 nghìn con, tăng 0,9%. Đàn bò có 5916,3 nghìn con, giảm 3,1%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2010 ước tính 84,2 nghìn tấn, tăng 6,5% so với năm 2009. Sản lượng thịt bò 278,9 nghìn tấn, tăng 5,9%. Sản lượng thịt lợn 3036,4 nghìn tấn, tăng 0,2%. Sản lượng thịt gia cầm 621,2 nghìn tấn, tăng 17,5%. Trứng gia cầm 6371,8 triệu quả, tăng 16,5%.
Những năm gần đây thuỷ sản đã có bước phát triển đáng kể, công tác nuôi trồng thủy sản được coi trọng, nhất là vùng ven biển. Những cơ sở sản xuất giống và nuôi tôm xuất khẩu được triển khai ở ven biển miền Trung. Việc đánh bắt hải sản đang được khôi phục và phát triển ở nhiều địa phương, tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt được tăng cường, nhất là hiện nay các tỉnh đang triển khai dự án đánh bắt cá xa bờ, tiềm lực của thuỷ sản được tăng nhanh, nhờ vậy mà sản lượng thuỷ sản tăng nhanh, sản phẩm xuất khẩu ngày càng lớn. Sản lượng thuỷ sản năm 2010 ước tính đạt 5127,6 nghìn tấn, tăng 5,3% so với năm 2009, trong đó cá đạt 3847,7 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm 588,8 nghìn tấn, tăng 7,1%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng năm nay ước tính đạt 2706,8 nghìn tấn, tăng 4,5% so với năm trước
- Từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên môn hoá với qui mô lớn. Từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp chuyển sang sản xuất nông sản hàng hoá, nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên môn hoá với qui mô lớn. Hai vùng trọng điểm lúa của nước ta là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng đó là hai vùng sản xuất lúa lớn nhất của đất nước. Ở đồng bằng sông Cửu Long, năm 2000 diện tích gieo trồng lúa đạt 3,936 triệu ha, hàng năm diện tích trồng lúa cần được mở rộng, trong đó có những tỉnh có qui mô diện tích tương đối lớn, như tỉnh Kiên Giang có gần 540 ngàn ha, An Giang có 464 ngàn ha, Cần Thơ có 413 ngàn ha v.v... Sản lượng lúa đạt gần 16,69 triệu tấn, chiếm hơn 51,28% sản lượng lúa cả nước và đạt trên 80% sản lượng lúa hàng hoá và hàng hoá xuất khẩu. Năng suất bình quân toàn vùng đạt trên 42 tạ/ha, trong đó An Giang đạt 46,9 tạ/ha, Tiền Giang - 46,1 tạ/ha v.v... Đồng bằng sông Hồng diện tích gieo trồng lúa năm 2000 đạt hơn 1,212 triệu ha, diện tích lúa được ổn định trong nhiều năm lại đây, năng suất lúa của đồng bằng sông Hồng đạt cao hơn so với đồng bằng sông Cửu Long, năm 2000 đạt 53,3 tạ/ha và có xu hướng tăng. Sản lượng lúa đạt 6,5948 triệu tấn, chiếm 20,26% tổng sản lượng lúa cả nước. Trong nhiều năm lương thực vùng đồng bằng sông Hồng không đủ trang trải nhu cầu trong vùng. Những năm gần đây đã có dư thừa, những năm gần đây thóc hàng hoá hàng năm đã đạt trên 1 triệu tấn.
Cà phê là sản phẩm hàng hoá xuất khẩu quan trọng sau lúa gạo, năm 2000 diện tích cà phê cả nước đạt 516,7 ngàn ha với sản lượng hơn 698,2 ngàn tấn cà phê nhân. Sản lượng cà phê xuất khẩu tăng nhanh từ 9000 tấn năm 1985 tăng lên 89.6000 tấn năm 1990, lên 212,0 ngàn tấn năm 1995 và trên 694,0 ngàn tấn năm 2000. Năm 2010 diện tích cà phê cả nước 548,2 nghìn ha, tăng 9,7 nghìn ha, sản lượng cà phê ước tính 1105,7 nghìn tấn, tăng 4,6% so với năm 2009. Cà phê được phân bố tập trung nhất ở vùng Tây Nguyên chiếm 80,25% diện tích và 85,88 sản lượng, riêng tỉnh ĐăkLăk chiếm 48,93% diện tích và 64,73% sản lượng cà phê nhân cả nước... Ngoài vùng cà phê Tây Nguyên, cà phê cũng phát triển mạnh ở vùng Đông Nam Bộ, chiếm 13,27% diện tích và 11,85% sản lượng cà phê của cả nước, trong đó tập trung nhất là tỉnh Bình Phước.
Cao su là cây công nghiệp lâu năm được phát triển mạnh ở nước ta, đến năm 2000 Việt Nam đã có 406,9 ngàn ha, với sản lượng mủ khô 291,9 ngàn tấn và lượng cao su mủ khô đã xuất khẩu năm 2000 là 280,0 ngàn tấn. Sản xuất cao su được phân bổ chủ yếu vùng Đông Nam Bộ, chiếm 71,14% diện tích và 78,64% sản lượng cao su mủ khô cả nước, trong đó tập trung ở hai tỉnh Bình Phước chiếm 44,39% diện tích và 42,44% sản lượng cao su cả nước. Cao su còn được phát triển mạnh ở Tây Nguyên, chiếm 21,44% diện tích và 17,20 sản lượng mủ cao su. Năm 2010 cao su ước tính đạt 754,5 nghìn tấn, tăng 6,1%
Hạt điều là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, là một trong những cây xuất khẩu quan trọng. Cây điều được trồng ở nước ta từ lâu, phân bổ từ Quảng Nam trở vào, đến năm 2000, cả nước có 195,3 ngàn ha diện tích với 70,1 ngàn tấn sản lượng, trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm 69,4% về diện tích và 78,89% về sản lượng hạt điều cả nước, tập trung nhiều nhất là tỉn Bình Phước và Đồng Nai. Cây điều gần đây được phát triển mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên.
Năm 2010 sản lượng một số cây ăn quả cũng tăng khá, trong đó sản lượng cam, quýt cả năm ước tính đạt 729,4 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm trước; dứa 502,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; chuối 1,7 triệu tấn, tăng 3%; xoài 574 nghìn tấn, tăng 3,6%, bưởi 394,1 nghìn tấn, tăng 3,4%.
Về chăn nuôi được phân bố đồng đều ở các vùng trong cả nước, tính tập trung chưa cao, song bước đầu đã thể hiện sự hình thành vùng sản xuất hàng hoá tương đối rõ. Lợn là vật nuôi quan trọng, cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho nhân dân nước ta, sản lượng thịt hơi chiếm 76,8% tổng sản lượng thịt hơi. Tính bình quân cả nước trên 1 ha đất canh tác hàng năm có 3,18 con lợn và sản xuất được 207,8 kg thịt hơi, trong lúc đó vùng đồng bằng sông Hồng là nơi chăn nuôi lợn khá tập trung, chiếm 22,19% tổng đàn lợn và 26,41% tổng sản lượng thịt hơi sản xuất ra của cả nước tính trên ha đất canh tác hàng năm có 6,2 con lợn, cao gấp hai lần bình quân chung cả nước và 503,9 kg thịt hơi, cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung cả nước. Đàn bò cả nước có gần 4,0 triệu con năm 1997, tính bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp có 0,51 con và sản xuất được 9,4 kg thịt hơi, trong đó vùng Duyên hải miền Trung đạt mức cao nhất - 1,83 con/ha và 33,63 kg thịt hơi/ha cao gấp ba lần bình quân chung cả nước. Tiếp đó là vùng khu 4 đạt mức 1,29 con/ha và 13,48 kg thịt hơi/ha.
Nhờ quá trình chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá theo hướng đa dạng đã tạo điều kiện để từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên môn hoá, có qui mô sản phẩm hàng hoá lớn.
Nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tăng nguồn hàng xuất khẩu, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước. Với quan điểm xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế, nông nghiệp nước ta đã có những tiến bộ và chuyển biến tích cực. Năm 1986, giá trị xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đạt 513 triệu đô la tăng lên 3168,3 triệu đô la năm 1996. Sau 10 năm kim ngạch xuất khẩu đã cao gấp hơn 6 lần. Đáng chú ý là thời kỳ 1991-1995 trong 10 năm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của cả nước thì nông lâm thuỷ sản có 6 mặt hàng, đó là gạo, cà phê, cao su, hạt điều, lạc nhân và thuỷ sản.
Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Năng suất lúa năm 2010 đạt 53 tạ/ha, gấp 4,4 lần năng suất năm 1945 và gần gấp hai lần năm 1985. Sản lượng lúa năm 2010 đạt gần 40 triệu tấn; sản lượng thịt tăng gấp năm lần so với năm 1985; độ che phủ của rừng tăng lên 39,5% vào năm 2010. Thủy sản năm 2010 đạt tổng sản lượng 4,8 triệu tấn. Sản lượng muối đạt 1,1 triệu tấn. Nước ta đã tham gia xuất khẩu gạo, cà-phê, cao-su, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, các loại lâm sản với số lượng và chất lượng ngày càng tăng. Hạt điều, hạt tiêu có giá trị xuất khẩu cao nhất thế giới và được đánh giá cao về chất lượng; gạo, cà-phê đứng thứ hai, cao-su đứng thứ tư, thủy sản đứng thứ năm, chè đứng thứ bảy... Ðã có năm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên là gạo, thủy sản, đồ gỗ, cà-phê và cao-su. Hàng nghìn công trình thủy lợi được xây dựng trong 65 năm qua, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn. Hệ thống thủy lợi với hàng nghìn hồ đập, trạm bơm, hàng chục nghìn km kênh mương, đê kè đã được hình thành.
Trong sự phát triển nhanh chóng của ngành nông lâm nghiệp trong những năm qua có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật thuộc các viện, các trung tâm nghiên cứu các trường đại học và cán bộ khuyến nông, khuyến lâm ở khắp mọi miền đất nước. Thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là GDP hằng năm tăng trưởng tương đối ổn định, bình quân từ 4,2% đến 4,5%/năm. Tổng giá trị nông, lâm và thủy sản năm sau thường cao hơn năm trước, năm 2009 đã đạt khoảng 12,5 tỷ USD. Hiện nay, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp khoảng 30%. Những năm qua, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công các quy trình công nghệ và chọn tạo được nhiều giống cây trồng, gia súc... Những tiến bộ kỹ thuật đó được được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến sau thu hoạch. Năm 2011 cũng là năm thứ 21, nước ta thực hiện kim ngạch xuất khẩu gạo cao. Khả năng cả năm 2010, xuất khẩu đạt 6,5 triệu tấn, trong đó đến ngày 9-11-2010 đã giao cho bạn hàng nước ngoài 5,9 triệu tấn gạo, với giá trị kim ngạch 2,5 tỷ USD (giá FOB) tăng 9% về số lượng và 14% giá trị kim ngạch. Giá gạo xuất khẩu đang ngày càng tăng dần, bình quân đạt 424 USD/tấn, tăng 18,58 USD/tấn so cùng kỳ năm 2009.. Với sản lượng lúa chiếm hơn 90% số sản lượng các cây lương thực có hạt, Việt Nam đang trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
- Nông nghiệp đã tạo nhiều việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo (tỷ lệ hộ đói nghèo giảm 2%/năm). Trước đổi mới, số người sống dưới mức đói nghèo là 60%, năm 2003 giảm xuống còn 29% và năm 2006 còn 19%. Mức giảm đói nghèo ấn tượng này chỉ có Việt Nam và Trung Quốc đạt được trong thời gian qua, chủ yếu là nhờ thành tựu to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trong khi công nghiệp và dịch vụ còn đang lấy đà thì nông nghiệp và kinh tế nông thôn vẫn là nơi tạo việc làm chính cho dân cư nông thôn
- Môi trường được cải thiện một cách rõ rệt. Thập kỷ 90 của thế kỷ 20 chứng kiến những bước ngoặt quan trọng về nhận thức và hành động của lâm nghiệp, chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang bảo vệ rừng, tăng đầu tư trồng mới, khoanh nuôi; xã hội hoá hoạt động trồng và bảo vệ rừng. Chương trình Phủ xanh đất trống đồi núi trọc (327), Chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng cùng các chính sách giao đất, giao rừng và hạn chế khai thác gỗ đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 33,2% (năm 1999) lên 38% (năm 2006), tăng lên 39,5% vào năm 2010.
- Công tác thuỷ lợi và phòng chống thiên tai có chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước có 75 hệ thống thuỷ lợi lớn; 800 hồ chứa lớn; 3.500 hồ chứa dung tích trên 1 triệu m3; trên 1.000 trạm bơm; hàng vạn công trình khác có khả năng tưới trực tiếp cho 3, 45 triệu hecta, tiêu cho 1, 7 triệu hecta, ngăn mặn 0, 87 triệu hecta, cải tạo chua phèn 1, 6 triệu hecta và cấp hơn 5 tỷ m3/năm cho sinh hoạt và công
nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống đê điều đồ sộ với 5.700km đê sông, 2.000km đê biển, 23.000km bờ bao làm nền cho công tác phòng chống thiên tai.
Đặc biệt năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO đã đánh dấu một bước chuyển biến lớn của kinh tế cả nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng
Sau 3 năm gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt. Giá trị xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng. Nếu như năm 2007, giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 12,5 tỷ USD thì năm 2008, con số này là 16 tỷ USD và năm 2009 xuất khẩu đạt 15,4 tỷ USD. Cán cân thương mại nông lâm thủy sản năm 2007 xuất siêu 5,450 tỷ USD, năm 2008 tiếp tục tăng xuất siêu với mức 5,874 tỷ USD và năm 2009 là 7,3 tỷ USD.
Như vậy, sau 3 năm hội nhập WTO với 3 cú sốc về giá lương thực, giá xăng dầu, và khủng hoảng kinh tế toàn cầu phủ “bóng đen” lên Việt Nam, nông nghiệp đã thể hiện được vai trò “trụ đỡ” trong việc chống chọi được với những tác động của khủng hoảng kinh tế.
2.3. Hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, nông nghiệp nước ta cũng còn nhiều tồn tại và hạn chế đặc biệt khi gia nhập WTO cũng tạo ra cho nông nghiệp nhiều thách thức
- Bình quân đất nông nghiệp trên số dân làm nông ở Việt Nam là rất thấp, chỉ có 0.16ha/đầu người. Vấn đề đối với quy mô đất nhỏ của các nông hộ càng trầm trọng hơn do tính tính xé lẻ, một kết quả của áp lực gia tăng dân số, và cụ thể ở miền bắc là do quá trình giao đất cho các nông hộ sau khi xóa bỏ hệ thống hợp tác xã kiểu cũ. Hơn nữa, do những kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, thị trường quyền sử dụng đất vẫn chưa rõ ràng và do đó vận hành chưa có hiệu quả.
- Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn qua thấp, chỉ bằng 10% so với tổng đầu tư ngân sách xã hội. Chính vì đầu tư thấp nên sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ canh tác của nông dân lạc hậu, hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, tốc độ cơ giới hóa chậm, chất lượng nông sản thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém, luôn bị động trước những diễn biến thị trường. Bên cạnh đó con số đầu tư 10% ngân sách cho nông nghiệp cũng chưa thực sự hiệu quả bởi chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược và có chính sách cụ thể, hợp lý.
- Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, thiếu bền vững. Ngành trồng trọt chiếm tỉ trọng lớn, trên 57%, các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển không ổn định. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, tập trung cho các ngành công nghiệp chế biến tiến hành chậm
- Việc ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào quá trình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn chậm. Hầu hết các loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp. Năng suất cây trồng thường mới đạt từ 50% đến 70% mứa bình quân chung của thế giới. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học – kĩ thuật, công nghệ mới còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vậy, cung ứng giống, vật tư chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp
- Công tác bảo vệ rừng và tuyên truyền phòng chống cháy rừng luôn được các địa phương quan tâm và tổ chức triển khai đến các thôn, bản. Tuy nhiên, do thời tiết đầu năm khô hạn kéo dài nên hiện tượng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương. Tổng diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá năm 2010 là 7781 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 6723 ha; diện tích rừng bị chặt phá 1058 ha. Các địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Hà Giang 842 ha; Lào Cai 795,5 ha; Yên Bái 740,5 ha; Sơn La 663 ha; Cao Bằng 232,3 ha; Quảng Trị 180 ha; Kom Tum 171 ha; Đồng Tháp 130,4 ha; Nghệ An 115,3 ha.
Phần 4: Kết Luận
Qua đó ta thấy nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu tuy nhiên, nông nghiệp hiện vẫn rất khó khăn để tạo ra các thay đổi về chất trong hoạt động. Dù đã tạo ra sản lượng lương thực đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu từ nhiều năm (riêng năm 2009 là gần 39 triệu tấn, xuất khẩu trên 6 triệu tấn, kim ngạch 2,7 tỷ USD), nhưng những mâu thuẫn cơ bản của nông nghiệp Việt Nam rất chậm được xử lý. Sự tác động của cơ chế, của khoa học, kỹ thuật đã làm tăng năng suất trồng cấy, thúc đẩy tổng sản lượng tăng theo, nhưng phương thức canh tác, trồng cấy của người nông dân vẫn thực hiện theo truyền thống, kinh nghiệm như hàng nghìn năm qua. Sự thâm nhập của phương thức sản xuất mới, máy móc hiện đại vào nông nghiệp có, nhưng kết quả thì vẫn hạn chế. Lý do là vì ruộng đất được chia nhỏ cho các hộ gia đình ở nông thôn, bình quân diện tích nhỏ, manh mún và do đó lại hạn chế, triệt tiêu nhu cầu ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị khai thác đất. Kết quả là tại nhiều vùng, ruộng đất chỉ tạo ra sản lượng lương thực đủ ăn cho mỗi gia đình sở hữu ruộng, nhiều vùng khác thậm chí là không tạo ra sản lượng đủ ăn. Để gia tăng giá trị khai thác từ nông nghiệp, một giải pháp đưa ra là khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành mô hình canh tác kiểu công nghiệp với sự tham gia của máy móc, khoa học, công nghệ, hay mô hình trang trại có diện tích lớn, hoạt động khép kín. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất lại làm nảy sinh vấn đề thừa lao động, thiếu ruộng tại nông thôn và từ đó gây bất ổn xã hội... Hướng xử lý nữa là chủ trương hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn, tập trung như cà phê, chè, mía... Nhưng cũng lại là thực tế tại các vùng sản xuất lớn này, cứ tăng được sản lượng thì lại giảm về giá bán, thậm chí nông dân bị ép giá tới không còn lãi, hoặc lỗ nặng. Những câu chuyện về cá ba sa nguyên liệu, hay hiện tại là giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, cà phê tại Tây Nguyên là ví dụ tiêu biểu cho những khiếm khuyết trong hình thành các vùng sản xuất lớn. Nông dân không có thu nhập ổn định từ đất đã hạn chế tốc độ ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Vòng luẩn quẩn là ở chỗ, thiếu đột phá từ ứng dụng khoa học, công nghệ lại không nâng cao được thu nhập của nông dân. Kết quả là nhà nông chính là đối tượng có thu nhập bình quân tăng chậm nhất.
Tuy nhiên nông nghiệp đóng có vai trò hết sức to lớn trong nền kinh tế, vì vậy nhà nước cần có các biện pháp thích hợp để khắc phục những hạn chế và phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được để nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của mình.
MỤC LỤC
Phần 1: Mở đầu
1.1. Tính cấp thiết của đề tài 2
1.2. Mục đích nghiên cứu 2
Phần 2: Nội dung chính
2.1. Khái niệm nông nghiệp 3
2.2. Thành tựu 3
2.3. Hạn chế 10
Phần 3: Kết luận 13
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. H’Wen NiêKdăm, Nhập môn kinh tế nông nghiệp – Trường đại học Tây Nguyên
2.
3.
4.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- thanh_tuu_va_han_che_cua_nong_nghiep_viet.doc