Thấu kính và quang hình học

Thấu kính đơn giản có khả năngtạo ảnh (giống như thấu kính hai mặt lồi) có ích

trong nhữngdụngcụ thiếtkế dành cho các ứngdụng phóng đại đơn giản, như kính

phóng to, kính đeo mắt, camera m ột thấu kính, kính lúp, ống nhòm và th ấu kính tiếp

xúc.Bộ đôi thấu kính đơn giản nhất có tên là hệ tiêu sắc,gồm hai nguyêntố thấu

kính hànvới nhau nhằm hiệu chỉnh quang sai cầu trên trục và quang sai màu.Hệ

tiêu sắc thường gồm một thấu kính hai mặt lồi ghépvớimột thấu kính khumdương

hoặc âm, hoặc một thấu kính phẳng-lồi.Bộ ba thấu kính tiêu sắc được dùng làm bộ

phóng đại công suất cao. Được hiệu chỉnh quang sai tốt hơn bộ đôi,bộ ba thấu kính

được đánh giá bằng kĩ thuật thiết kế máy tính nhằm loại trừhầuhếtsự méo hình.

Những dụngcụ phức tạp hơn thường sử dụng kết hợp nhiều thành phần thấu kính để

nâng cao độ phóng đại và khai thác những tính chất quang khác của ảnh. Trongsố

các dụng cụ sử dụng quang hệ ghép thuộc nhóm này có kính hiển vi, kính thiênvăn,

kính viễn vọng, camera.

pdf11 trang | Chia sẻ: thienmai908 | Lượt xem: 1115 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Thấu kính và quang hình học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thấu kính và quang hình học Thấu kính là tên gọi chung chỉ thành phần thủy tinh hoặc chất liệu plastic trong suốt, thường có dạng tròn, có hai bề mặt chính được mài nhẵn một cách đặc biệt nhằm tạo ra sự hội tụ hoặc phân kì của ánh sáng truyền qua chất đó. Kính hiển vi quang học hình thành ảnh của mẫu vật đặt trên bàn soi bằng cách truyền ánh sáng từ đèn rọi qua dãy thấu kính thủy tinh và tập trung ánh sáng này vào thị kính, lên mặt phẳng phim trong hệ camera thông thường, hoặc lên một của một bộ cảm biến kĩ thuật số. Hình 1. Các thành phần quang của kính hiển vi trong phòng thí nghiệm Hoạt động của thấu kính đơn giản, tương tự như nhiều thứ dùng trong kính hiển vi, bị chi phối bởi nguyên lí khúc xạ và phản xạ và có thể hiểu được với sự hỗ trợ của một vài quy luật đơn giản về hình học liên quan tới việc lần theo vết tia sáng đi qua lăng kính. Ý tưởng cơ bản được khai thác trong bài này, có nguồn gốc từ Quang hình học, sẽ mang lại sự hiểu biết về quá trình phóng đại, các tính chất của ảnh thật và ảnh ảo, và quang sai hoặc khiếm khuyết của thấu kính. Để tìm hiểu hệ quang của một kính hiển vi đơn giản (vị trí của các thành phần thấu kính trong kính hiển vi phổ biến trong phòng thí nghiệm được biểu diễn trong hình 1), tính chất cơ bản của thấu kính mỏng có hai mặt khúc xạ ánh sáng và một trục quang ở chính giữa phải được mô tả trước tiên. Mỗi thấu kính có hai mặt phẳng chính và hai tiêu diện được xác định bằng dạng hình học của thấu kính và mối liên hệ giữa thấu kính và ảnh hội tụ. Các tia sáng truyền qua thấu kính sẽ cắt nhau và cùng gặp nhau tại tiêu diện (xem hình 2), còn phần kéo dài của tia sáng đi vào thấu kính sẽ cắt nhau tại mặt phẳng chính với phần kéo dài của các tia sáng ló ra khỏi thấu kính. Tiêu cự của thấu kính được định nghĩa là khoảng cách giữa mặt phẳng chính và tiêu diện, và mỗi thấu kính có một bộ mặt phẳng này ở mỗi phía (trước và sau). Các vết tia sáng truyền qua một thấu kính thủy tinh mỏng đơn giản hai mặt lồi được biểu diễn trong hình 2, cùng với những thông số hình học quan trọng khác cần thiết cho việc hình thành ảnh hội tụ bởi các tia sáng. Các tiêu điểm của thấu kính được kí hiệu là F, và có hai tiêu điểm tách rời nhau, một ở phía trước thấu kính (phía bên trái trong hình 2), và một ở phía sau thấu kính (phía bên phải). Mặt phẳng chính của thấu kính (P và P’ trong hình 2) được đánh dấu bằng đường đứt nét, khoảng cách giữa mỗi mặt phẳng chính và tiêu điểm tương ứng của nó biểu diễn tiêu cự (f). Vì thấu kính hai mặt lồi minh họa trong hình 2 là đối xứng, nên các mặt phẳng chính nằm ở khoảng cách bằng nhau tính từ mặt thấu kính, và tiêu cự phía trước và phía sau cũng bằng nhau. Vật (hoặc mẫu vật) được tạo ảnh bởi thấu kính được đặt tại mặt phẳng vật, quy ước nằm ở phía bên trái thấu kính, và được biểu diễn bằng mũi tên màu đỏ dựng thẳng đứng từ đường thẳng chính giữa, hay trục chính, đi qua tâm của thấu kính và vuông góc với mặt phẳng chính. Các tia sáng qua thấu kính (các mũi tên màu vàng) phát ra từ vật và đi từ trái sang phải, đi qua thấu kính tạo nên ảnh thật phóng to (mũi tên ngược màu đỏ) trong mặt phẳng ảnh ở phía bên phải thấu kính. Khoảng cách giữa mặt phẳng chính phía trước của thấu kính và mẫu vật được gọi là khoảng cách vật, và được kí hiệu là a trong hình 2. Tương tự, khoảng cách từ mặt phẳng chính phía sau đến ảnh (kí hiệu b trong hình 2) gọi là khoảng cách ảnh. Những thông số này là những thành phần cơ bản xác định quang hình học của thấu kính đơn giản và có thể dùng để tính những tính chất quan trọng của thấu kính, như tiêu cự và độ phóng đại. Hình 2. Quang hình học của thấu kính mỏng đơn giản Thấu kính có thể là dương hoặc âm tùy thuộc vào chúng làm cho các tia sáng truyền qua hội tụ vào một tiêu điểm, hoặc phân kì ra xa trục chính và đi vào không gian. Thấu kính dương (minh họa trong hình 2 và 3) làm hội tụ các tia sáng tới song song với trục chính và hội tụ chúng tại tiêu diện, tạo nên ảnh thật. Như chỉ rõ trong hình 3, thấu kính dương có một hoặc hai mặt lồi và ở giữa dày hơn ngoài rìa. Đặc điểm chung của thấu kính dương là chúng phóng to vật khi chúng được đặt giữa vật và mắt người. Ngược lại, thấu kính âm làm phân kì các tia sáng tới song song và tạo nên ảnh bằng cách kéo dài các vết tia sáng truyền qua thấu kính đến một tiêu điểm nằm sau thấu kính. Thấu kính âm có ít nhất một mặt lõm và ở giữa mỏng hơn ngoài rìa (xem hình 3). Khi thấu kính âm được đặt giữa vật và mắt, nó không tạo nên ảnh thật, mà làm giảm (hoặc thu nhỏ) kích thước biểu kiến của vật bằng cách tạo nên ảnh ảo. Sự phân biệt giữa ảnh thật và ảnh ảo là một khái niệm quan trọng khi ghi ảnh mẫu vật qua thấu kính hoặc hệ gương, cho dù là hệ gồm một hay nhiều thành phần. Nói chung, ảnh được xác định bởi vùng trong đó các tia sáng (và phần kéo dài của chúng) trở nên hội tụ là kết quả của sự khúc xạ bởi thấu kính hoặc sự phản xạ bởi gương. Trong trường hợp các tia sáng cắt nhau tại một tiêu điểm, ảnh là thật và có thể xem trên màn hứng, ghi lên phim, hoặc chiếu lên mặt bộ cảm biến như CCD hoặc CMOS đặt ở mặt phẳng ảnh. Khi các tia sáng phân kì, nhưng chiếu phần kéo dài tưởng tượng hội tụ tại một tiêu điểm, ảnh là ảo và không thể xem trên màn hứng, ghi lên phim. Để có thể mường tượng được, ảnh thật phải được hình thành trên võng mạc của mắt. Khi nhìn mẫu vật qua thị kính của kính hiển vi, ảnh thật hình thành trên võng mạc, nhưng cái thực sự được nhận thức bởi nhà quan sát tồn tại dưới dạng ảnh ảo nằm khoảng chừng 10 inch (25 cm) phía trước mắt. Các dạng hình học thấu kính cơ bản đối với thành phần thấu kính dương minh họa trong hình 3 là hai mặt lồi (hình 3a) và phẳng-lồi (hình 3b, có một bề mặt phẳng). Ngoài ra, thấu kính lồi-khum (hình 3c) có cả mặt lồi và mặt lõm có độ cong tương đương, nhưng ở giữa dày hơn ngoài rìa. Thấu kính hai mặt lồi là thấu kính phóng đại đơn giản nhất, và có tiêu điểm và độ phóng đại phụ thuộc vào góc cong của bề mặt. Góc cong càng lớn thì tiêu cự càng ngắn, vì sóng ánh sáng bị khúc xạ ở góc lớn hơn so với trục chính của thấu kính. Bản chất đối xứng của thấu kính hai mặt lồi làm giảm tối thiểu quang sai cầu trong những ứng dụng trong đó ảnh và vật nằm đối xứng nhau. Khi một quang hệ hai mặt lồi hoàn toàn đối xứng (trong thực tế, độ phóng đại là 1:1), quang sai cầu có giá trị cực tiểu và coma và méo hình cũng đạt cực tiểu hoặc triệt tiêu. Nói chung, thấu kính hai mặt lồi hoạt động với quang sai cực tiểu ở độ phóng đại từ 0,2x đến 5x. Thấu kính lồi chủ yếu được dùng trong các ứng dụng hội tụ và phóng đại ảnh. Thấu kính phẳng-lồi điển hình (hình 3b) có một mặt lồi dương và một mặt phẳng ở phía bên kia thấu kính. Những thành phần thấu kính này làm hội tụ các tia sáng song song vào một tiêu điểm dương và hình thành ảnh thực có thể chiếu hoặc điều chỉnh bằng các bộ lọc không gian. Sự không đối xứng của thấu kính phẳng-lồi làm tối thiểu quang sai cầu trong các ứng dụng trong đó vật và ảnh nằm ở khoảng cách không bằng nhau tính từ thấu kính. Trường hợp tốt nhất để làm giảm quang sai xảy ra khi vật nằm ở vô cùng (trong thực tế, các tia sáng song song đi vào thấu kính) và ảnh hội tụ tại tiêu điểm. Tuy nhiên, thấu kính phẳng-lồi sẽ tạo ra quang sai cực tiểu ở tỉ số liên hợp lên tới gần 5,1. Khi mặt cong của thấu kính phẳng-lồi hướng về phía vật, sẽ thu được sự hội tụ sắc nét nhất có thể có. Thấu kính phẳng-lồi được dùng làm chuẩn trực các chùm tia phân kì và thiết đặt tiêu điểm cho quang hệ phức tạp hơn. Thấu kính khum dương (hình 3c) có cấu trúc không đối xứng với một mặt dạng bán kính lồi, còn mặt kia thì hơi lõm. Thấu kính khum thường được dùng chung với các thấu kính khác tạo nên quang hệ có tiêu cự dài hơn hoặc ngắn hơn các thấu kính ban đầu. Ví dụ, thấu kính khum dương có thể đặt sau thấu kính phẳng-lồi làm ngắn đi tiêu cự mà không làm giảm hiệu suất quang hệ. Thấu kính khum dương có bán kính cong ở mặt lõm của thấu kính lớn hơn ở mặt lồi cho khả năng hình thành nên ảnh thật. Hình 3. Hình dạng và mặt phẳng chính của các thấu kính đơn giản Thành phần thấu kính âm gồm có hai mặt lõm (hình 3d), phẳng-lõm (hình 3e, có một bề mặt phẳng), và lõm-khum (hình 3f), cũng có các bề mặt lõm và lồi, nhưng ở giữa mỏng hơn ở rìa. Đối với cả thấu kính khum dương và khum âm, khoảng cách giữa hai bề mặt và tiêu diện của chúng là không bằng nhau, nhưng tiêu cự của chúng thì bằng nhau. Đường thẳng nối giữa tâm của các mặt cong thấu kính trong hình 3 được gọi là trục chính của thấu kính. Thấu kính đơn giản có hình dạng đối xứng (hai mặt lồi hoặc hai mặt lõm) có các mặt phẳng chính, vẽ bằng đường đứt nét trong hình 3, cách đều nhau và cách đều hai bề mặt. Bán kính cong của hai mặt lồi đối với thấu kính hai mặt lồi được chỉ rõ bằng mũi tên màu đen trong hình 3a. Sự thiếu đối xứng ở những thấu kính khác, ví dụ như thấu kính khum và thấu kính phẳng âm và dương, làm cho vị trí của các mặt phẳng chính thay đổi theo hình học thấu kính. Thấu kính phẳng-lồi và phẳng-lõm có một mặt phẳng chính cắt trục chính, tại rìa của mặt cong, và mặt phẳng kia thì nằm sâu bên trong thấu kính. Các mặt phẳng chính đối với thấu kính khum nằm bên ngoài bề mặt thấu kính. Thấu kính hai mặt lõm (hình 3d) chủ yếu dùng làm phân kì các chùm tia sáng và làm giảm kích thước ảnh, cũng như làm tăng tiêu cự quang hệ và làm chuẩn trực các chùm tia phân kì. Thường được gọi là thấu kính lõm kép, nguyên tố quang này khúc xạ các tia sáng vào song song sao cho chúng phân kì khỏi trục chính ở mặt ra của thấu kính, tạo nên tiêu cự âm ở phía trước thấu kính. Mặc dù các tia sáng ra không thật sự đồng nhất để hình thành một tiêu điểm, chúng thực sự có vẻ phân kì từ một ảnh ảo nằm ở phía vật của thấu kính. Thấu kính hai mặt lõm có thể ghép chung với các thấu kính khác để làm giảm tiêu cự quang hệ. Thấu kính phẳng-lõm trong hình 3e là thành phần phân kì có tiêu cự âm và tạo nên ảnh ảo. Khi một chùm tia sáng chuẩn trực tới trên mặt cong của thành phần thấu kính phẳng-lõm, phía ra sẽ hình thành nên một chùm tia phân kì. Chùm này sẽ có vẻ ló ra từ một nguồn điểm ảo nhỏ hơn nếu như mặt thấu kính phẳng hứng chùm tia chuẩn trực. Thấu kính phẳng-lõm, biểu hiện quang sai cầu cực tiểu khi mặt lõm nằm ở khoảng cách liên hợp lớn nhất, được dùng để mở rộng chùm tia sáng hoặc làm tăng tiêu cự ở quang hệ có sẵn. Cũng thường gọi là thấu kính lồi-lõm, thấu kính khum âm (phân kì) có thể được thiết kế nhằm làm giảm hoặc loại trừ sự quang sai cầu khác, hay coma, trong quang hệ mà thấu kính ghép vào. Thấu kính khum (cả dương và âm) thường được dùng làm giảm tiêu cự của hệ kép (hai thấu kính hàn với nhau) hoặc thấu kính phẳng-lồi hoạt động ở tỉ số liên hợp vô hạn (được rọi bởi các tia song song). Tiêu cự yêu cầu của hệ cuối cùng xác định chiều nhất định và đặc điểm của thấu kính khum phải được thêm vào. Sự kết hợp thấu kính phẳng-lồi/khum cho độ phân giải lớn gấp bốn lần thấu kính phẳng-lồi hoạt động riêng lẻ. Thấu kính hoạt động bằng cách làm khúc xạ đầu sóng ánh sáng tới tại những điểm nơi chúng đi vào và ra khỏi bề mặt thấu kính. Góc khúc xạ, và do đó tiêu cự, sẽ phụ thuộc vào dạng hình học của bề mặt thấu kính cũng như chất liệu dùng chế tạo thấu kính. Chất có chiết suất cao hơn sẽ có tiêu cự ngắn hơn chất có chiết suất thấp hơn. Ví dụ, thấu kính chế tạo bằng polymer tổng hợp, như Lucite (chiết suất 1,47) có chiết suất nhỏ hơn thủy tinh (1,51), dẫn tới tiêu cự dài hơn một chút. May thay, chiết suất của Lucite và thủy tinh quá gần nhau nên Lucite có thể dùng thay thế thủy tinh trong nhiều ứng dụng thấu kính, như camera phim-trong-hộp thông dụng mà hiện nay người tiêu dùng thích xài phổ biến. Thấu kính chế tạo bằng kim cương tinh khiết (chiết suất 2,42) có tiêu cự nhỏ hơn nhiều so với thủy tinh hoặc Lucite, mặc dù giá thành cao của kim cương tinh khiết ngăn cản việc sử dụng nó làm thấu kính. Như đã nói ở phần trước, tất cả các thấu kính đều có hai mặt phẳng chính liên quan với mặt trước và mặt sau của thấu kính. Trong kính hiển vi, thấu kính thường được hàn với nhau tạo nên nhóm lớn hơn (thấu kính dày) có vị trí khá khác thường cho mặt phẳng chính so với các bề mặt thấu kính. Tuy nhiên, bất kể số lượng nguyên tố thấu kính hoặc độ phức tạp của hệ thấu kính, vị trí của các mặt phẳng chính ở thấu kính dày có thể xác định bằng vết tia sáng đi qua hình vẽ chính xác của thấu kính. Những người thợ chế tạo thấu kính hiện đại và kĩ sư quang học sử dụng những chương trình máy tính phức tạp để lập mô hình, thiết kế và dò theo các tia sáng qua từng thấu kính và hệ nhiều nguyên tố thấu kính. Những chương trình phần mềm này được dùng để thiết kế camera, kính thiên văn, kính hiển vi, và những quang cụ khác dựa trên thấu kính thủy tinh (hoặc plastic) để tạo ảnh. Có ba quy luật tổng quát áp dụng để lần theo các tia sáng đi qua một thấu kính đơn giản (xem hình 2), khiến cho công việc tương đối dễ. Thứ nhất, một tia sáng vẽ qua tâm thấu kính từ một điểm trên vật đến điểm tương ứng trên ảnh (đường nối các đầu mũi tên trong hình 2). Tia này không bị thấu kính làm lệch hướng. Thứ hai, một tia phát ra từ điểm trên cùng của vật vẽ song song với trục chính và, sau khi bị khúc xạ bởi thấu kính, sẽ cắt và đi qua tiêu điểm phía sau. Trong thực tế, tất cả các tia sáng truyền song song với trục chính sau khi bị khúc xạ bởi thấu kính sẽ truyền qua tiêu điểm sau. Thứ ba, một tia phát ra từ vật đi qua tiêu điểm phía trước sẽ bị thấu kính khúc xạ theo hướng song song với trục chính và trùng với một điểm giống hệt trên ảnh. Sự giao nhau của hai trong số bất kì các tia vừa mô tả, thường được gọi là tia tiêu biểu, sẽ xác định mặt phẳng ảnh của thấu kính. Việc mở rộng khái niệm đường đi từng tia sáng sang cho một chùm tia sáng là yêu cầu cần thiết để mô tả các sự kiện quang xảy ra trong kính hiển vi. Khi một chùm tia sáng song song truyền qua một thấu kính đơn giản, các tia bị khúc xạ và tập trung vào một đốm sáng hội tụ tại tiêu điểm (điểm F trong hình 2) của thấu kính. Khi ánh sáng phát ra từ một nguồn điểm đặt tại tiêu điểm của thấu kính đi vào thấu kính, nó sẽ ló ra dưới dạng một chùm tia sáng song song, gần trục. Ánh sáng từ nguồn rọi sáng kính hiển vi có thể xem là một đoàn sóng ánh sáng dao động cùng pha với nhau. Đầu sóng đi cùng với đoàn sóng này nằm trong một mặt phẳng vuông góc với hướng truyền (thường song song với trục quang của kính hiển vi) và bị chuyển thành sóng cầu khi truyền qua một thấu kính hai mặt lồi đơn giản. Bán kính của sóng cầu đó có tâm tại tiêu điểm của thấu kính và sóng ánh sáng đều đến đồng pha và trải qua sự giao thoa tăng cường (cộng gộp) lẫn nhau tại tiêu điểm. Như trường hợp nguồn sáng điểm, đầu sóng cầu tỏa ra từ tiêu điểm của một thấu kính đơn giản bị chuyển thành đầu sóng phẳng bởi sự khúc xạ xảy ra khi truyền qua thấu kính. Một đầu sóng phẳng truyền qua không gian thường không vuông góc với trục chính của thấu kính, mà đến với một số góc tới nghiêng với trục chính. Tâm của sóng cầu do sự truyền sóng phẳng ngoài trục qua thấu kính nằm ở một số điểm ngoài trục chính của thấu kính. Trong mọi mục đích thực tế, một sóng phẳng có thể xem là sóng cầu có bán kính vô hạn, có thể hội tụ bằng một thấu kính thành một sóng cầu khác có bán kính nhỏ hơn nhiều - bằng với tiêu cự của thấu kính. Như vậy, có thể kết luận rằng một thấu kính hai mặt lồi đơn giản hoạt động bằng cách biến một sóng cầu thành một sóng cầu khác, thường có bán kính (hoặc tiêu điểm) khác. Ngoài ra, tâm cong của sóng cầu thứ hai nằm trong tiêu diện của thấu kính. Hình 4. Sóng xiên đi qua hệ hai thấu kính song sinh đơn giản Nếu nguồn sáng điểm phát ra sóng cầu không nằm trong tiêu diện của thấu kính (trong thực tế, sóng ánh sáng xiên góc với trục chính), khi đó thấu kính có thể được mô tả là gồm hai thấu kính riêng biệt, như minh họa trong hình 4 đối với nguồn điểm đơn sắc (một màu) đỏ. Mỗi thấu kính có tiêu cự khác nhau (f(a) cho thấu kính gần nguồn điểm nhất trong hình 4, và f(b) cho thấu kính thứ hai), và sóng cầu ló ra từ thấu kính thứ hai (thấu kính b) có tâm tại tiêu điểm cũng nằm ngoài trục chính của hệ thấu kính. Kết quả là sóng cầu có tâm tại điểm S1 trong hình 4 bị thấu kính thứ nhất biến thành sóng phẳng xiên so với trục thấu kính cùng một góc như nguồn điểm. Thấu kính thứ hai biến sóng phẳng ló ra từ thấu kính thứ nhất thành thành sóng cầu có tâm bán kính cong nằm tại S2, cũng xiên cùng một góc như nguồn điểm. Tóm lại, thấu kính đơn giản (là tổng hợp hai thấu kính thành phần giả định như mô tả trong hình 4) hội tụ nguồn điểm S1 lên điểm S2, và ngược lại. Trong thuật ngữ quang học, các điểm S1 và S2 gọi là các điểm liên hợp, và có tầm quan trọng cơ sở cho việc tìm hiểu các sự kiện xảy ra trong bộ truyền động quang của kính hiển vi. Mở rộng thêm ý tưởng về các điểm liên hợp, nếu điểm S1 được xem là thuộc về một tập hợp điểm nằm trong một mặt phẳng vuông góc với trục chính của thấu kính, thì thấu kính sẽ hội tụ mỗi điểm vào một điểm liên hợp tương tự trong mặt phẳng chứa tập hợp điểm S2. Do đó, bằng sự đảo ngược, thấu kính cũng sẽ hội tụ mỗi điểm trong mặt phẳng S2 lên một điểm tương ứng trên tập hợp S1 từ mặt phẳng ban đầu. Những mặt phẳng tiêu liên hệ gần gũi này được gọi là mặt phẳng liên hợp, và hội tụ đồng thời. Nói chung, một kính hiển vi có hai bộ mặt phẳng liên hợp: một bộ chứa lỗ điều chỉnh lượng ánh sáng truyền qua quang hệ, và bộ kia thì tạo ảnh. Vì một sóng ánh sáng đang lan truyền có thể xem là một đoàn sóng, nên một bó tia có thể biểu diễn bằng một vệt tia định hướng vuông góc với đầu sóng. Mang điều này vào thảo luận thì hệ thấu kính song sinh nói tới trong hình 4 có thể giản lược sơ đồ hình vẽ đường đi tia sáng, như biểu diễn trong hình 2, để áp dụng các quy luật hình học xác định kích thước và vị trí ảnh tạo bởi thấu kính. Như đã nói ở phần trên, hai tia sáng tiêu biểu, một gần (song song) trục chính, và một truyền qua tâm của thấu kính là cần thiết để xác định những thông số này. Khoảng cách a và b trong hình 2 (f(a) và f(b) trong hình 4) và tiêu cự sau (f) của thấu kính liên hệ với nhau bằng phương trình đơn giản sau đây áp dụng cho mọi thấu kính mỏng: 1/a + 1/b = 1/f Từ phương trình này, rõ ràng là nếu như tiêu cự sau và khoảng cách giữa thấu kính và vật đã được biết, thì khoảng cách giữa thấu kính và tiêu diện có thể tính được. Hơn nữa, chiều cao của ảnh tạo bởi thấu kính chia cho chiều cao của vật xác định độ phóng đại bên (M) của thấu kính: Độ phóng đại bên = Chiều cao ảnh/ Chiều cao vật = b/a Tất nhiên, các phương trình vừa mô tả là dựa trên giả thuyết rằng hệ thấu kính bị bao quanh bởi không khí ở cả hai phía, nhưng đây thường không phải là trường hợp trong kính hiển vi quang học sử dụng vật kính ngâm dầu, nước, hoặc glycerin. Tuy nhiên, đa số kính hiển vi thông dụng có vật kính công suất trung bình không sử dụng môi trường tạo ảnh nào khác ngoài không khí. Một trong những kết luận có thể rút ra từ những công thức toán học thấu kính đơn giản vừa nhắc tới ở trên là độ phóng đại (hoặc thu nhỏ kích thước) của một ảnh bằng với tiêu cự của hệ thấu kính chia cho khoảng cách giữa mặt phẳng vật và tiêu diện phía trước (phía vật) của thấu kính. Ngoài ra, độ phóng đại (hoặc thu nhỏ) của ảnh bằng với khoảng cách giữa mặt phẳng ảnh và tiêu diện ở phía bên phải của thấu kính chia cho tiêu cự của thấu kính. Những phương trình này thường được sử dụng để tính độ phóng đại hoặc thu nhỏ kích thước ảnh bởi hệ thấu kính có tiêu cự cố định. Chúng cũng được dùng cho việc xác định khoảng cách ảnh tính từ mặt phẳng chính ở phía bên phải (phía không gian ảnh) của thấu kính khi mẫu vật được đặt ở một khoảng cách cố định trong không gian vật. Một yếu tố quan trọng khác trong kính hiển vi là độ phóng đại dọc, hay độ phóng đại trục, được định nghĩa là tỉ số của khoảng cách giữa hai điểm ảnh dọc theo trục thấu kính với các điểm liên hợp tương ứng của chúng trên mẫu vật. Nói chung, độ lớn của độ phóng đại dọc được xác định bằng bình phương của độ phóng đại bên đối với những khoảng cách nhỏ trong mặt phẳng ảnh. Kết luận Thấu kính đơn giản có khả năng tạo ảnh (giống như thấu kính hai mặt lồi) có ích trong những dụng cụ thiết kế dành cho các ứng dụng phóng đại đơn giản, như kính phóng to, kính đeo mắt, camera một thấu kính, kính lúp, ống nhòm và thấu kính tiếp xúc. Bộ đôi thấu kính đơn giản nhất có tên là hệ tiêu sắc, gồm hai nguyên tố thấu kính hàn với nhau nhằm hiệu chỉnh quang sai cầu trên trục và quang sai màu. Hệ tiêu sắc thường gồm một thấu kính hai mặt lồi ghép với một thấu kính khum dương hoặc âm, hoặc một thấu kính phẳng-lồi. Bộ ba thấu kính tiêu sắc được dùng làm bộ phóng đại công suất cao. Được hiệu chỉnh quang sai tốt hơn bộ đôi, bộ ba thấu kính được đánh giá bằng kĩ thuật thiết kế máy tính nhằm loại trừ hầu hết sự méo hình. Những dụng cụ phức tạp hơn thường sử dụng kết hợp nhiều thành phần thấu kính để nâng cao độ phóng đại và khai thác những tính chất quang khác của ảnh. Trong số các dụng cụ sử dụng quang hệ ghép thuộc nhóm này có kính hiển vi, kính thiên văn, kính viễn vọng, camera. Ngoài những dạng hình học phổ biến đã mô tả ở trên, thấu kính cũng được sản xuất thuộc nhiều hình dạng và định hướng khác đa dạng (xem hình 5). Thấu kính hình quả cầu biểu hiện tính chất như nhau từ mọi góc tới, và có tiêu cự phụ thuộc vào đường kính và chiết suất. Bằng cách điều chỉnh hai thông số này, một phổ rộng rãi tiêu cự có thể thu được với thấu kính hình quả cầu nhưng ứng dụng chủ yếu của chúng là cải thiện sự ghép tín hiệu giữa sợi quang, máy phát và máy thu dùng trong công nghiệp viễn thông. Thấu kính hình bán cầu, có dạng nửa hình cầu, được sử dụng trong ngành quang học viễn thông sợi quang, phép nội soi, kính hiển vi, và các hệ đo lường laser. Thấu kính hình trống tạo ra từ thấu kính hình quả cầu bằng kĩ thuật mài trục, làm giảm một phần đáng kể bán kính thấu kính. Những thấu kính biến cải này dễ lắp ráp và canh hàng trong quang hệ hơn nhiều so với người anh em hình quả cầu của chúng. Hình 5. Những hình dạng thấu kính không phổ biến Thấu kính hình trụ, được sản xuất nhiều hình dạng và định hướng, gồm một phần của hình trụ dẹt ở một mặt làm hội tụ ánh sáng vào một mặt phẳng. Vì những thấu kính này có khả năng phóng đại theo một hướng, nên có thể sử dụng chúng làm kéo căng hình. Ngoài ra, thấu kính trụ có thể biến một nguồn sáng điểm thành ảnh thẳng, khiến chúng có ích làm máy phát laser vạch, hoặc làm hội tụ ánh sáng vào một khe. Những hình dạng thấu kính khác gồm hình nón, hình que và hình không cầu. Thấu kính hình nón được dùng cho chiếu sáng 360 độ và các ứng dụng xử lí ảnh. Với hiệu suất quang tương đương với thấu kính trụ, thấu kính hình que sẽ hội tụ ánh sáng chuẩn trực truyền qua đường kính thành một vạch. Thấu kính hình không cầu, có thể sản xuất có nhiều khẩu độ số đa dạng, loại trừ quang sai cầu và nâng cao độ chính xác hội tụ và chuẩn trực. Những thấu kính này thường dùng trong các hệ chiếu sáng hiệu suất cao như thành phần tụ sáng. Các thành phần quang trong kính hiển vi là thấu kính rọi sáng (tụ sáng), thấu kính hội tụ (vật kính) và thị kính. Mặc dù không thường không được mô tả là thành phần tạo ảnh, nhưng tính chất tạo ảnh của từng nguyên tố thấu kính và nhóm thấu kính này có tầm quan trọng cơ sở trong việc xác định chất lượng cuối cùng của ảnh tạo bởi kính hiển vi. Tác giả: Mortimer Abramowitz, Kenneth R.Spring, Michael Davidson ( davidson@magnet.fsu.edu )

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfTaiLieuTongHop.Com---12thaukinh.pdf
Tài liệu liên quan