Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người (cảm xúc, ý chí, hành động). Tâm lý học cũng quan tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý học và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần con người. Tâm lý học được định nghĩa một cách rộng rãi như là “khoa nghiên cứu những hành vi và những tiến trình tâm thần của con người”.
Nguồn gốc của tâm lý học (psychology) là psyche (tâm lý) rất gần giống với “soul” (linh hồn) trong tiếng Hi Lạp, và tâm lý học trước đây được coi như một nghiên cứu về linh hồn (với ý nghĩa tôn giáo của thuật ngữ này), trong thời kỳ Thiên Chúa giáo.
21 trang |
Chia sẻ: ngocly | Lượt xem: 2608 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Tâm lý học thời kì cổ đại Khổng Tử - Mạnh Tử, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA Giáo Dục
---v---
Bài tiểu luận môn:
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
GVHD : Th. S Nguyễn Thị Thanh Hằng
SVTH : Nguyễn Thị Biển 0762002
Trần Thị Ngọc 0762124
TP.HCM tháng 11 năm 2010
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA Giáo Dục
---v---
Bài tiểu luận môn
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
TP.HCM tháng 11 năm 2010
MỤC LỤC
Mở đầu 2
Nội dung 3
KHỔNG TỬ
Đôi nét về cuộc đời của Khổng Tử 3
Đóng góp của Khổng Tử cho tâm lý học 4
MẠNH TỬ
Đôi nét về cuộc đời của Mạnh Tử 11
Đóng góp của Mạnh Tử cho khoa học tâm lý 12
Kết luận 17
Một số hình ảnh 18
Kết luận 19
MỞ ĐẦU
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người (cảm xúc, ý chí, hành động). Tâm lý học cũng quan tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý học và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần con người. Tâm lý học được định nghĩa một cách rộng rãi như là “khoa nghiên cứu những hành vi và những tiến trình tâm thần của con người”.
Nguồn gốc của tâm lý học (psychology) là psyche (tâm lý) rất gần giống với “soul” (linh hồn) trong tiếng Hi Lạp, và tâm lý học trước đây được coi như một nghiên cứu về linh hồn (với ý nghĩa tôn giáo của thuật ngữ này), trong thời kỳ Thiên Chúa giáo.
Người sáng lập của ngành tâm lý học là Wihelm Wundt. Vào năm 1879, ông thiết lập phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên ở Leipzig, Đức. Ông tách tâm lý học ra khỏi các khoa học khác, từ đây, tâm lý học trở thành khoa học độc lập.
Ngày nay, vị trí tâm lý học có vai trò quyết định đến sức khỏe con người bởi sức khỏe là sự tương tác của mối liên hệ giữa Xã hội - Thể chất - Tinh thần con người.
Tâm lý học là một khoa học ra đời muộn hơn những ngành khoa học khác rất nhiều. Nhưng lịch sử của khoa học này lại có từ rất xa xưa, các nhà triết học cổ đại đã đề cập tới tâm lý người trong nhũng học thuyết của mình và tiêu biểu cho nền triết học phương Đông lúc đó là đã có đóng góp rất lớn cho nguồn gốc hình thành nên nền tâm lý học hiện nay, đó là KHỔNG TỬ và MẠNH TỬ.
KHỔNG TỬ (551 – 479 TCN)
1. Đôi nét về cuộc đời của Khổng Tử
Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni.
Sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, vào thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
Nhiều sử sách ghi rằng ông sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng thực tế, gia đình ông có ông tổ 3 đời thuộc dòng quí tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ.
Cha là Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn), là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan Thị mà sinh ra Khổng Tử.
Khổng Tử mồ côi cha năm lên 3 tuổi, lớn lên phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ nhưng rất ham học.
Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho.
Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học, học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử. ‘Tử’ ngoài ý nghĩa là ‘con’ ra còn có ý nghĩa là ‘Thầy’. Do vậy Khổng Tử là Thầy Khổng.
Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng (đạo Nho).
Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô,năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hành pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau 3 tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly tán, dè pha, ông bèn từ chức và rồi lại ra đi một lần nữa.
Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Trong những năm cuối đời này ông soạn ra bộ Luận Ngữ - lời bàn luận của Khổng Tử và các học trò.
Ông mất tháng 4 năm 479 trước Công nguyên.
Người đời tôn ông là Thánh nhân, Vạn thế sư biểu
2. Những đóng góp của Khổng Tử cho khoa học tâm lý
Tư tưởng của Khổng Tử dao động giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật:
Duy tâm: mệnh trời - quy luật và trật tự của tự nhiên. Mọi sự sắp đặt đều do trời, và ‘nhân sinh sơ tính bản thiện’.
Duy vật: ông cho rằng con người phải gắn bó với xã hội.
Đóng góp lớn của Khổng Tử cho tâm lý học là thuyết Nhân - Lễ - Nghĩa - Chính danh. Đây là triêt lý cực kỳ quan trọng trong quan niệm của Khổng Tử (đóng góp cho tâm lý học quản lý, lãnh đạo).
Nhân : chú trọng về nhân bản, nhằm phát huy chữ “Nhân” mà Đức Khổng cho là có sẵn trong bản tánh con người.
Nhân là cách cư xử tốt với mọi người. Ông đề cao lòng nhân từ trong con người. Hệ thống đạo đức của ông dựa trên lòng vị tha và hiểu những người khác thay vì là việc cai trị dựa trên luật pháp có được như một quyền lực thần thánh. Để sống mà được cai trị bằng nhân thì thậm chí còn tốt hơn là sống trong luật pháp của nghĩa.
Chữ “Nhân” vốn đã có từ trước đời Khổng Tử nhưng đến thời của Khổng Tử, chữ “Nhân” đã phát triển thành triết lý, được coi như tiêu chuẩn tối cao trong hành vi của con người. Khổng Tử chỉ ra lòng “Nhân” là một loại lý tưởng chính trị của xã hội và cũng là một loại nguyên tắc về đạo đức luân lý.
"Nhân" là nội dung cơ bản của Luận ngữ, là tư tưởng chủ đạo của Khổng Tử . Trong Luận ngữ, khái niệm "Nhân" được Khổng Tử nhắc tới nhiều lần và tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh mà "Nhân" được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo nghĩa sâu rộng nhất "nhân" là một nguyên tắc đạo đức trong triết học Khổng Tử. “Nhân" được ông coi là cái quy định bản tính con người thông qua "lễ", "Nhân" có quan hệ chặt chẽ với các phạm trù đạo đức khác trong triết học Khổng Tử để làm nên một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ và do vậy, đã có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm thì "Nhân" là tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra cái bản chất nhất trong bản tính con người. Trong một cuộc nói chuyện với các học trò Khổng Tử đã nói: Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả. Về điều này, Tăng Tử - một học trò của Khổng Tử cho rằng, Đạo của Khổng Tử là "trung thứ". "Trung" ở đây là làm hết sức mình, còn "thứ" là suy từ lòng mình ra mà biết lòng người, mình không muốn điều gì thì người cũng không muốn điều đó. "Trung thứ" là sống đúng với mình và mang cái đó ứng xử tốt với người.
"Nhân" trong quan niệm của Khổng Tử là "yêu người" nhưng người nhân cũng còn phải biết "ghét người". Khổng Tử nói : "Duy có bậc nhân mới thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi”. "Nhân" ở đây là chỉ con người nói chung và "ái nhân" là yêu người, yêu bất cứ người nào, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ. Từ đạo lý về tư tưởng “Nhân ái”, ông đã đề xướng lòng trung thành và tha thứ. Tư tưởng “trung - thứ” của Khổng Tử đã hình thành những đức tính đẹp đẽ truyền thống của dân tộc Trung Hoa như tính thành thật, không dối trá, nhẫn nại, khoan dung và dùng Thiện tâm đối với người. Nó có ảnh hưởng sâu rộng và vẫn còn mang một ý nghĩa giáo dục rất thâm sâu trong xã hội ngày nay.
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Khổng Tử, "Nhân" không chỉ là "yêu người", "thương người", mà còn là đức hoàn thiện của con người, và do vậy, "nhân chính" là đạo làm người - sống với mình và sống với người, đức nhân là cái bền vững như núi sông.
Lễ: Khổng Tử lại quan niệm khác hẳn về Lễ. Điều quan trọng của Lễ là ở tinh thần và ở tấm lòng. Ông khinh miệt những hình thức xa hoa lộng lẫy mà thiếu vắng lòng thành : “Lễ cần ở tiết kiệm hơn là xa hoa. Tang lễ cần có lòng đau xót người chết hơn là lòe loẹt phô trương”. Phải có lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, có kỷ cương phép tắc. Con cái phải lễ phép với cha mẹ, ông bà, người dưới phải lễ phép với người trên, phải có tôn ti trật tự. Như vậy xã hội mới ổn định và phát triển được. Khi bàn luận về mối quan hệ giữa thần dân và nhà vua hay giữa con cái và cha mẹ, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tôn trọng của người dưới đối với người trên. Điều này đòi hỏi người dưới phải đưa ra lời khuyên cho người trên nếu người trên có hành động sai lầm.
Khi Khổng Tử trưởng thành, lễ được xem là ba khía cạnh trong cuộc đời: hiến tế cho thần thánh, thiết chế chính trị xã hội và hành vi hằng ngày. Lễ được xem là xuất phát từ trời, điểu quan trọng ở tinh thần và tấm lòng, không phải hình thức xa hoa, lộng lẫy mà thiếu vắng lòng thành, chú trọng con người đạt được quân bình về tình cảm, sự quân bình này là kết quả của việc học từ lễ, nhờ lễ mà con người không bị cám dỗ làm điều trái đạo lý.
Nghĩa: Đối với Khổng Tử, nghĩa là nguồn gốc của lễ. Nghĩa chính là cách hành xử đúng đắn. Trong khi làm việc vì lễ, vị kỷ cá nhân chưa hẳn đã là xấu và người cư xử theo lễ một cách đúng đắn là người mà cả cuộc đời dực trên lý trí. Lễ xuất phát từ nghĩa và nghĩa xuất phát từ nhân. Nghĩa dực trên quan hệ qua lại. Một ví dụ sống theo nghĩa là tại sao phải để tang cha mẹ ba năm sau khi chết. Lý do là vì cha mẹ đã phải nuôi dưỡng chăm sóc đứa trẻ toàn bộ trong suốt ba năm đầu đời và là người có trí phải đền đáp lại bằng cách để tang ba năm. Ông coi lễ và nhạc là hai trụ cột của sự cân bằng cho trật tự và sự hài hòa. Lễ còn là để thể hiện thứ bậc xã hội, còn âm nhạc là để thống nhất mọi con tim cùng chung vui. Ông nói thêm rằng, lễ không chỉ là cúng tế, và âm nhạc không chỉ là âm thanh của dùi đánh vào chuông. Cả hai còn là cách truyền đạt giữa lòng nhân của một người và hoàn cảnh xã hội của anh ta. Cả hai yếu tồ đó đều tăng cường các mối quan hệ xã hội.
Chính danh: Theo Khổng Tử, ở vị trí nào phải theo vị trí đó, đúng vai trò của mình. Trong thời đại của mình, Khổng Tử nhận thấy tình trạng rối ren, phức tạp của xã hội phong kiến thời Chu. Xã hội mà tôn ti trật tự bị rối ren, đảo lộn. Là người không thích bạo lực, bản tính ôn hòa, Khổng Tử đã đề ra học thuyết chính danh để cải tạo xã hội, giáo hóa xã hội dần dần. Ông quan niệm “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” nghĩa là vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. Tức là người nào ở vị trí nào thì phải ứng xử ở vị trí đó, không được lẫn lộn, không được tùy tiện, phải tuân theo phép tắc, quy củ của xã hội đã quy định.
Khổng Tử nêu quan điểm của mình về đặc điểm của từng lứa tuổi mà khoa học tâm lý ngày nay gọi là tâm lý học lứa tuổi. Ông cho rằng, sự khôn ngoan phải trải qua các giai đoạn tuổi:
Giai đoạn từ 15 tuổi : “Ngô Thập Hữu Ngũ Nhi Chí Vu Học” có nghĩa là khi tới 15 tuổi, con người bắt đầu chú tâm vào việc học. Nói cách khác, thiếu thời cần tập trung vào việc tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức.
Giai đoạn từ 30 tuổi : “Tam Thập Nhi Lập” có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì sức tự lập mới có thể chắc chắn và vững vàng. Thực vậy, khi đạt tới 30 tuổi, con người có thể tự lập và gây dựng nên sự nghiệp cho mình, có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình, xác định vị trí của mình trong xã hội.
Giai đoạn từ 40 tuổi : “Tứ thập bất hoặc” có nghĩa là khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được phải trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu, phân biệt được cái gì nên làm hay không, chững chạc trên đường đời, không bị cám dỗ, lôi kéo, rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình, chín chắn, lịch sự, có chính kiến rõ ràng, kiên định, phát triển sự nghiệp chăm lo cho gia đình. Không phải người nào ở cái tuổi 40 cũng được như vậy. Muốn đạt tới trình độ “nhi bất hoặc”, con người phải được giáo dục kỹ lưỡng và tự mình cố công học hỏi chuyên cần ngay từ khi còn nhỏ.
Giai đoạn từ 50 tuổi : “Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh” có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể hiểu được mệnh của trời, nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, kiến thức và kinh nghiệm phong phú, biết được xu thế của thời cuộc, nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công. Không phải bất cứ ai tới 50 tuổi là đạt được trình độ "tri thiên mệnh" . Muốn đạt được trình độ "tri thiên mệnh", con người cũng phải có căn bản vững vàng về giáo dục và kinh nghiệm sống.
Giai đoạn từ 60 tuổi : “Lục Thập Nhĩ Thuận” có nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì có được học vấn và kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhờ đó, người ta có thể nhận xét và phán đoán được ngay tức khắc và chính xác về các sự kiện và nhân vật trong thiên hạ. Khi nhìn hay nghe điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn - nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt. Không quan tâm đến sự đối chất, có sự kiềm chế. Không phải tự nhiên mà ta đạt được trình độ “nhi nhĩ thuận” .Muốn đạt được trình độ này, con người cũng phải có căn bản giáo dục, đạo đức, kiến văn, và kinh nghiệm từng trải về sự đời.
Giai đoạn từ 70 tuổi : “Thất thập tòng tâm sử dục, bất du cửu” có nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử sự và xử thế, thông hiểu những điều mắt thấy tai nghe. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý hay lẽ thường. Con người nói và làm theo ý muốn của lòng mình, không vi phạm phép tắc (bất du cửu, không vượt ra ngoải khuôn khổ đạo lý lẽ phải).
Muốn đạt tới khả năng nhận thức và thực hành ở mỗi lứa tuổi như đã đề cập ở trên, con người phải được giáo dục và tự mình chuyên tâm vào việc học hỏi liên tục ngay từ khi còn trẻ và không ngừng học tập cho tới tuổi già để trau dồi kiến văn, đạo đức, và rút tỉa kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày.
Khổng Tử còn chú trọng đến đạo đức của con người. Tư tưởng chính trị Khổng Tử dực trên tư tưởng đạo đức của ông. Ông cho rằng chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị bằng “lễ nghĩa” và đạo đức tự nhiên của con người, chứ không phải bằng vũ lực và mua chuộc. Ông đã giải thích điều đó tại một trong những đoạn quan trọng nhất ở cuốn Luận ngữ: “Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy tuy có giảm được phạm pháp nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn can đảm sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng”. Dùng đức trị để giáo dục và cảm hóa con người. Người cầm quân giỏi thì dẫn đạo nhân dân bằng chính lệnh, làm cho nhân dân nhất tề nghe theo. Người dùng đức để làm chính trị chẳng khác gì ngôi sao Bắc Đẩu chỉ đứng một chỗ, mà các ngôi sao khác phải hướng về. Phương châm: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đầu mối giải quyết vấn đề xã hội loạn lạc là đạo đức.
MẠNH TỬ (372-289 TCN)
1. Đôi nét về cuộc đời Mạnh Tử
Mạnh Tử (372 - 289 TCN ), họ Mạnh tên Kha, tự Tử Dư, sanh vào năm thứ tư Chu Liệt Vương, 372 TCN, sau 107 năm, tính từ khi Khổng Tử qua đời. Người ta được biết về thân thế của Mạnh Tử, có phần ít hơn Khổng Tử, nhất là chẳng ai được rõ đời sống thời thơ ấu của ông ra sao.
Ông quê gốc ở đất Trâu, thuộc nước Lỗ, nay là thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông mồ côi cha, chịu sự nuôi dạy nghiêm túc của mẹ là Chương Thị (người đàn bà họ Chương). Chương thị sau này được biết tới với cái tên Mạnh mẫu (mẹ của Mạnh Tử). Thời niên thiếu tục truyền về truyện "Mạnh mẫu (mẹ thân sanh Mạnh Tử) tam thiên". Để chọn láng giềng tốt cho Mạnh Tử, bà mẹ đã phải dời chỗ ở những ba lần, để Mạnh Tử được ở trong môi trường xã hội tốt nhất cho việc học tập, tu dưỡng.
Mạnh Tử vốn là hậu duệ của Mạnh Tôn, thuộc dòng dõi Lỗ công, vì đã di cư sang xứ Châu (nước nhỏ phụ thuộc vào Lỗ), nên coi như là người Trâu. Mạnh Tử theo học thầy Tử Tư từ thuở trẻ .Tử Tư tức là Khổng Cấp là cháu nội của Khổng Tử. Vì vậy, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các tư tưởng Khổng giáo. Ông hiểu được đạo đức của Khổng Tử, thấu hiểu được quan điểm Nho giáo. Mạnh Tử cho rằng, Khổng Tử có các đức tính tốt của bậc Thánh áp dụng vào bất kỳ thời nào cũng được. Mạnh Tử luôn lấy Đức Khổng Tử làm tiêu chuẩn.
Mạnh Tử là đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời chiến quốc, thời kỳ nở rộ các nhà tư tưởng lớn với các trường phái như Pháp gia, Du thuyết, Nho gia, Mặc gia...(thời kỳ bách gia tranh minh) và cũng là thời kỳ mà các tập đoàn phong kiến tranh giành, xâu xé lẫn nhau gây ra các cuộc chiến tranh liên miên, dân tình vô cùng khổ sở. Bình sinh lấy việc tuyên dương đạo Khổng làm chí hướng, cho nên đến thời trung niên, cũng như Khổng Tử đời trước, chu du qua nhiều nước như Tống, Tuyết, Tề, Nguỵ, Lỗ, Châu, Lương v.v... 2. Đóng góp của Mạnh Tử cho khoa học Tâm lý
Mạnh tử được xem là ông tổ thứ hai của Nho Giáo, người đời tôn ông là Á Thánh Mạnh Tử. Tư tưởng của ông phát triển tư tưởng của Khổng Tử, nhưng ông không hoàn toàn tuyệt đối hóa tất cả. Cụ thể ở tư tưởng về vai trò của nhà vua với Mạnh Tử có phần tân tiến hơn, giàu tinh thần dân chủ hơn Khổng Tử, như khi luận về cách cư xử giữa quân thần (Chúa - Tôi). Khổng Tử thường đặt nặng về phần bề tôi phải như thế nào, chẳng hạn : "sự quân tận lễ" (Thờ chúa phải tận trung theo lễ) và "Dĩ đạo sự quân, bất khả tắc chỉ" (Lấy đạo mà thờ chúa, nếu chẳng đạt thì thôi). Ngược lại, Mạnh Tử thiên trọng về phần quân vương nên làm sao, như câu : "Hiền quân tất cung kiệm lễ hạ". (Chúa hiền chắc chắn là người biết kính cẩn, tiết kiệm và trọng kẻ dưới). Hơn nữa còn có ý thức dân chủ sơ bộ như câu : "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Cho nên Người đã khuyến cáo bậc sĩ phu, khi "Lễ mạo suy, tắc khử chi". (Khi chúa đối với ta thiếu lễ độ, thì nên bỏ đi ngay). Như vậy là, Mạnh Tử còn "Quân tử" hơn Khổng Tử nữa.
Mạnh Tử cũng là người đầu tiên đề cập đến vấn đề cá nhân, sự hình thành và phát triển nhân tính một cách có hệ thống. Mạnh Tử rất coi trọng việc tu dưỡng cho bản thân, Mạnh Tử chủ trương, một người sống trên đời nên "bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất" có nghĩa là không nên thay đổi ý chí trước nghèo nàn, không nên truỵ lạc trước phú quý, không nên khuất phục trước uy võ. Ý chí đại trượng phu này đã khích lệ biết bao anh hùng hào kiệt. Mạnh Tử đề xướng coi trọng tình nghĩa, coi nhẹ lợi ích, nhắc nhở mọi người làm bất cứ việc gì cũng không nên vong ơn bội nghĩa, tư tưởng này, đã tôi luyện biết bao quan chức liêm chính thanh khiết trong suốt mấy ngàn năm qua.
Mạnh Tử là người có tài hùng biện và sở trường về khoa nói, lời nói chắc chắn, mạnh mẽ và có sức thuyết phục, tư tưởng vô cùng nhạy bén. Mạnh Tử đã từng nói thẳng với Tề Tuyên Vương rằng: “Vua mà coi tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, kẻ thù” (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ, tiết 3). Thể hiện tài hùng biện tài giỏi của Mạnh Tử, truyện kể về vấn đề tôi giết vua, Tề Tuyên Vương chất vấn Mạnh Tử: “ Thành Thang đuổi vua Kiệt, Võ Vương đánh vua Trụ, có thật như vậy chăng?” Mạnh Tử đáp: “Trong sử sách có chép như vậy” Tuyên Vương hỏi tiếp: “Bề tôi mà giết vua có nên chăng?” Mạnh Tử đáp rằng: “Kẻ làm hại đức nhân, gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ Vương giết một người thường là Trụ, chớ tôi chưa hề nghe giết vua”. Mạnh Tử có lần nói thẳng với vua : “Tru kỳ quân, điếu kỳ dân. như thì vũ giáng, dân đại duyệt”, Giết vua cứu dân, bá tánh mừng rỡ như mưa tuôn phải lúc.
Sở dĩ Mạnh Tử nói như vậy vì: xưa vua Kiệt, vua Trụ vì hoang dâm vô đạo, Thành Thang đứng lên giết vua Kiệt, Võ Vương đứng lên diệt vua Trụ. Tư Mã Thiên, sử gia Trung Hoa, gọi đó là cách mệnh (cách: lột bỏ; mệnh: sứ mệnh).
Mạnh Tử cũng là người đưa ra thuyết tính thiện của con người rằng con người sinh ra đã là thiện rồi “nhân chi sơ bản tính thiện”, tư tưởng này đối lập với thuyết tính ác của Tuân Tử rằng “nhân chi sơ bản tính ác”. Điểm chính của học thuyết của Mạnh Tử là chủ trương “tính thiện”, phản đối các chủ trương “tính ác” của Tuân Tử, “kiêm ái” của Mạc Địch, và “vị kỷ” của Dương Chu, để đề xướng chính sách Nhân Nghĩa. Ông cho rằng: "Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi; tu ác chi tâm, nhân giai hữu chi; cung kính chi tâm, nhân giai hữu chi; thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi". Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn (Nhân), ai cũng có lòng tu ố (Nghĩa), cũng có lòng cung kính (Lễ), thị phi (Trí). Ông còn giải thích thêm rằng: "Trắc ẩn chi tâm, nhân giã; tu ác chi tâm, nghĩa giã; cung kính chi tâm, lễ giã; thị phi chi tâm, trí giã. Nhân, nghĩa, lễ, trí, phi do ngoại thước ngã giã, ngã cố hữu chi giã". Nhân, nghĩa, lễ, trí, không do bên ngoài hun đúc ta, mà là vốn đã có sẵn trong lòng ta. Mạnh Tử cho rằng tánh thiện bổn nguyên trời phú cho con người. Phàm những giống đồng loại đều mang một bản chất giống nhau. Và tâm mọi người đều giống nhau, đều có mối thiện đoan (đầu mối thiện), trong đó có cái gọi là lương tri, điều không suy nghĩ mà biết được, và việc không học mà làm được . Khi có dịp kích thích là phát ra ngay, không cần phải đợi giáo dục. Sự giáo dục phải lấy cái thiện căn ấy làm căn bản, giữ cho nó không mờ tối và trau dồi nó để phát triển thành người lương thiện, tốt lành. Tâm là cái Trời ban cho người, học là để giữ cái Tâm, nuôi cái Tính, biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh. Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn đối với kẻ khác... Một số người thấy một đứa bé sắp té xuống giếng, họ đều động lòng trắc ẩn... kẻ nào không có lòng trắc ẩn chẳng phải là người, kẻ nào không có lòng hổ thẹn chẳng phải là người, kẻ nào không có lòng từ nhượng chẳng phải là người, kẻ nào không có lòng phải trái chẳng phải là người. Lòng trắc ẩn là đầu mối của Nhân. Lòng hổ thẹn là đầu mối của Nghĩa. Lòng từ nhượng là đầu mối của Lễ. Lòng phải trái là đầu mối của Trí. Con người có đủ bốn đầu mối Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí chẳng khác nào thân thể có tứ chi. Mạnh Tử cho rằng tính người vốn thiện và có sẵn các đầu mối của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, vậy phải “tồn tâm” nghĩa là giữ tâm cho trong sạch, khỏi bị tư dục làm mờ ám.
Tính thiện con người ví như tính của nước vốn luôn luôn chảy xuống thấp. Người không bao giờ bất thiện, nước không bao giờ không chảy xuống. Nay dùng áp lực đè xuống, ắt nước sẽ vọt lên khỏi trán, dùng cách ngăn chặn lại, nước sẽ dâng lên đến núi. Con người nếu buộc làm điều bất thiện, thì cái tính của họ cũng phản ứng tương tự. Tuy vậy hoàn cảnh xung quanh có ảnh hưởng đến cá nhân (hợp với phong trào sinh vật tiến hóa luận ngày nay). Nhưng nếu có người tự bỏ phế cái khả năng tính hướng thiện của mình thì tất cả đều hỏng. Kẻ tự làm hư hại mình thì không thể ngồi nói chuyện với họ; kẻ tự bỏ phế mình thì không thể cộng tác với họ. Lời mà không hợp với lễ nghĩa gọi là tự làm hư hại. Bản thân của mình không thể ở theo điều nhân nghĩa, gọi là tự bỏ phế.
Theo Mạnh Tử, nếu người ta ai cũng nghĩ đến điều lợi mà quên đi nhân nghĩa, con người cứ đắm say vào lợi lộc riêng sẽ tìm cách phá hủy hoại lẫn nhau, sinh ra biến loạn, chiến tranh, lợi biến hại…
Mạnh Tử cũng nhấn mạnh đến đạo lý, tức đường đi của mỗi người.
KẾT LUẬN
Khổng Tử và Mạnh Tử là 2 trong số các nhà triết học đầu tiên đặt nền móng cho sự nhận thức khoa học về hiện tượng tâm lý người. Tư tưởng của Khổng - Mạnh tuy có thiên về mệnh trời, quan niệm thần học, nhưng cho đến nay, các học thuyết đó vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là Thuyết Nhân-Lễ - Chính danh của Khổng Tử và Thuyết tính Thiện của Mạnh Tử, đề cao nhân nghĩa, khích lệ lòng nhân ái, tôn trọng và yêu thương con người, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp hay địa vị xã hội. Bên cạnh đó, Khổng Tử còn chú trọng đến vai trò và vị trí của 1 người trong xã hội, người ở vị trí nào thì phải làm đúng với vai trò và có cách ứng xử phù hợp với vị trí đó, không tùy tiện, không đảo lộn, không làm mất trật tự trong xã hội. Các học thuyết của Khổng Tử và Mạnh Tử ngày nay đã được nâng cao lên, không còn là “Trung quân ái quốc” mà là “Trung với nước hiếu với dân” hay vẫn còn phát huy những giá trị tích cực trong hoạt động quản lý, sản xuất ở Việt Nam.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH:
KHỔNG TỬ (551-479 TCN) MẠNH TỬ (372-289 TCN)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhập môn Lịch sử tâm lý học, B. R. Hergenhahn, Nxb Thống kê, 2003
2. Tuyển tập tâm lý học, Phạm Minh Hạc, 2002
3. Vi.wikipedia.org
2. Chungta.com
3. vi.wikiquote.org
4. www.hoasontrang.us
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lich_su_tlh_1364.doc