Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn, vì
trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm
đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.
Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt nam, nhất là phụ nữ ở
nông thôn, trong lứa tuổi từ 40 –50 trở lên chiếm khoảng 5 –8%.
Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều
đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ
nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không không được đỡ đẻ an
toàn, đúng kỹ thuật.
5 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1338 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Sa sinh dục (Kỳ 1), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sa sinh dục
(Kỳ 1)
1. ĐẠI CƯƠNG
Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn, vì
trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm
đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.
Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt nam, nhất là phụ nữ ở
nông thôn, trong lứa tuổi từ 40 – 50 trở lên chiếm khoảng 5 – 8%.
Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều
đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ
nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không không được đỡ đẻ an
toàn, đúng kỹ thuật.
2. CƠ CHẾ SINH BỆNH - NGUYÊN NHÂN
2.1. Cơ chế giữ tử cung không sa
Bình thường, tư thế tử cung trong hố chậu là gập trước, thân tử cung hợp
với cổ tử cung một góc 120 độ, tử cung hợp với trục âm đạo thành một góc 90 độ.
Các tổ chức và dây chằng giữ cho tử cung ở tư thế bình thường gồm:
- Tổ chức cơ: các cơ hoành chậu hông trong đó quan trọng nhất là cơ
nâng hậu môn.
- Các dây chằng: dây chằng tử cung-cùng, dây chằng tròn, dây chằng
rộng.
- Tổ chức liên kết dưới phúc mạc và trên cơ nâng hậu môn, các tổ
chức này kết lại thành những vách ràng buộc các tạng với nhau, với thành chậu và
đáy chậu.
Hệ thống dây chằng chỉ có giá trị tương đối, quan trọng nhất để giữ tử cung
là các vách âm đạo và tầng sinh môn.
Do âm đạo hợp với tử cung một góc 90 độ, nên khi người phụ nữ đứng,
dưới áp lực trong ổ bụng, tử cung không những không sa vào âm đạo mà còn có
tác dụng đóng kín hoành chậu, tầng sinh môn với các cơ, các màng cơ.
2.2. Cơ chế dẫn đến sa sinh dục
Những thay đổi sau có thể dẫn đến sa sinh dục:
- Sự thay đổi tư thế tử cung: những tử cung ở tư thế đổ sau hoặc trung
gian làm cho thân và cổ tử cung trên cùng một trục với âm đạo, dưới áp lực trong
ổ bụng dễ làm cho tử cung và âm đạo sa ra ngoài.
- Sự thay đổi các tổ chức của đáy châu: là nguyên nhân chính gây ra sa
sinh dục. Ví dụ: cơ nâng hậu môn bị rách, các màng cơ bị giãn mỏng và yếu, nút
thớ trung tâm bị phá huỷ. Những thay đổi này làm sa thành âm đạo rồi sẽ dẫn đến
sa tử cung.
2.3. Nguyên nhân sa sinh dục
- Chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, đẻ không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ
thuật, rách tầng sinh môn không khâu.
- Lao động nặng hoặc quá sớm sau đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào
đáy chậu còn mềm yếu dễ gây nên sa sinh dục.
- Các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: mang vác,
gánh gồng nặng, táo bón trường diễn, ho kéo dài, những người bán hàng rong
thường xuyên ngồi bệt trên lề đường…
- Rối loạn dinh dưỡng ở người già, hệ thống treo và nâng đỡ tử cung
suy yếu.
- Ngoài ra có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.
3. GIẢI PHẪU BỆNH
3.1. Sa sinh dục ở người đẻ nhiều lần
Thời gian đầu thường là sa thành trước hoặc thành sau âm đạo, sau đó kéo
theo sa tử cung, cổ tử cung.
* Mức độ và thành phần của khối sa sinh dục: dựa vào vị trí sa của cổ tử
cung so với âm hộ chia làm 3 độ sa sinh dục.
- Sa sinh dục độ I:
+ Sa thành trước âm đạo, kèm theo sa bàng quang.
+ Sa thành sau âm đạo, nếu sa nhiều kéo theo sa cả trực tràng.
+ Cổ tử cung sa thấp trong âm đạo nhưng chưa tới âm hộ.
- Sa sinh dục độ II:
+ Sa thành trước âm đạo và bàng quang.
+ Sa thành sau âm đạo, có thể kèm sa trực tràng.
+ Cổ tử cung sa thập thò âm hộ.
- Sa sinh dục độ III:
+ Sa thành trước âm đạo và bàng quang.
+ Sa thành sau âm đạo, có thể kèm theo sa trực tràng.
+ Tử cung, cổ tử cung sa thấp, cổ tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ.
* Các thương tổn phối hợp:
- Cổ tử cung thường viêm loét, phì đại do bị cọ sát lâu ngày với quần
bệnh nhân.
- Tử cung thường teo nhỏ do người già đã mãn kinh, song một số
trường hợp có thể có u xơ tử cung hoặc u nang buồng trứng kết hợp.
- Tầng sinh môn thường có vết rách cũ không được khâu tại điểm 6
giờ, cơ tầng sinh môn mềm nhão, suy yếu.
- Một số trường hợp có sỏi bàng quang, viêm bàng quang, xuất huyết
bàng quang - hậu quả của ứ trệ nước tiểu lâu ngày do niệu đạo bị gập.
3.2. Sa sinh dục ở người chưa đẻ lần nào
Thường là sa tử cung đơn thuần, cổ tử cung dài, thò ra ngoài âm đạo, thành
âm đạo không bị sa.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- sa_sinh_duc_ky_1_6435.pdf