John Locke (1632 -1704) là một trong những triết gia vĩ đại nhất của
châu Âu thế kỷ XVII. Những tư tưởng về tự do, dân chủ, về sự phân quyền nhà nước
của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền triết học chính trị và chính trị học nhân loại
đến tận ngày hôm nay. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ trình bày tư tưởng tự
do của ông trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”.
6 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 19/05/2022 | Lượt xem: 342 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Quan niệm của John Locke về tự do trong tác phẩm "Khảo luận thứ hai về chính quyền", để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
367
QUAN NIỆM CỦA JOHN LOCKE VỀ TỰ DO
TRONG TÁC PHẨM KHẢO LUẬN THỨ HAI VỀ CHÍNH QUYỀN
SV. Nguyễn Thành An
CN. Phùng Ngọc Tiến
Tóm tắt. John Locke (1632 -1704) là một trong những triết gia vĩ đại nhất của
châu Âu thế kỷ XVII. Những tư tưởng về tự do, dân chủ, về sự phân quyền nhà nước
của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền triết học chính trị và chính trị học nhân loại
đến tận ngày hôm nay. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ trình bày tư tưởng tự
do của ông trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”.
Từ khóa: chính quyền, John Locke, tự do.
1. Mở đầu
Sau thời gian dài cả châu Âu chìm sâu trong “đêm trường Trung cổ”, nhu cầu
về thiết lập một trật tự xã hội mới mà ở đó con người được giải phóng khỏi những giáo
điều của nhà thờ và được tôn trọng về quyền tự do đã trở thành nhu cầu bức thiết đối
với xã hội đương thời. Sự xuất hiện của các nhà khai sáng với những đóng góp trong
lĩnh vực triết học, văn học, pháp luật, xã hội học..., đều hướng tới xây dựng một xã hội
“tự do, bình đẳng, bác ái”. Trong dòng chảy đó của lịch sử, không thể không nhắc tới
John Locke.
Theo Marx, “chủ nghĩa duy vật Pháp có hai phái: một phái bắt nguồn từ
Descartes, một phái bắt nguồn từ Locke, trong đó phái thứ hai là một yếu tố của văn
hóa Pháp và trực tiếp dẫn tới chủ nghĩa xã hội” [2, tr. 191]. Nhận định đó của Marx
phần nào nói lên vị trí của Locke trong tư tưởng chính trị xã hội – cận đại.
Nói đến John Locke, người ta biết đến ông như là một người đầu tiên xác lập
học thuyết phân quyền đặt nền móng cho lý luận xây dựng nhà nước pháp quyền hiện
đại. Bên cạnh đó, tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của ông được xemnhư
là một tiền đề lý luận của phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, với những tư tưởng
tiêu biểu về tự do, dân chủ, về khế ước xã hội
2. Nội dung chính
2.1. Quan điểm của John Locke về tự do trong tác phẩm Khảo luận thứ hai
về chính quyền
John Locke (1632 – 1704) là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Ông
là nhà triết học theo trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm Anh trong lĩnh vực nhận thức
luận. Qua các tác phẩm của mình, Locke luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa chuyên chế
và có những đóng góp lớn đối với chủ nghĩa tự do cả về mặt cá nhân lẫn thể chế.
John Locke sinh ở Wrington, một làng nhỏ ở Somerset, vào ngày 29 tháng 8
năm 1632. Ông sinh trưởng trong một gia đình Thanh giáo, là con trai của một chủ đất
nhỏ hành nghề luật sư tại nông thôn. Năm 1646, ông vào học trường Westminter tại
London và học tiếp lên trường Christ Church của Đại học Oxford năm 1652. Ông nhận
học vị cử nhân vào tháng Hai năm 1656, thạc sĩ văn chương vào tháng sáu năm 1658.
Tại Christ Church, sau khi được chọn là giảng viên tiếng Hy Lạp và giảng viên môn
hùng biện, Locke quyết định tiếp tục theo học ngành y.
368
Lựa chọn này đem lại cơ hội cho Locke kết bạn với bác sĩ David Thomas. Từ
quan hệ bạn bè và công việc này, Locke có dịp tiếp xúc với Lord Ashley, một trong
những người giàu có nhất nước Anh và có chân trong chính quyền nước này. Những
năm 1670 và 1680, Locke trở thành thư ký ủy ban Thương mại và Thuộc địa của Ashley
và nhanh chóng hòa nhập vào những tư tưởng và kế hoạch cấp tiến của con người này.
Năm 1674, sau khi Ashley rời khỏi chính quyền, Locke quay lại Oxford hoàn tất
chương trình y khoa và sang Pháp. Khi Ashley quay trở lại vũ đài chính trị thì ông cũng
quay trở lại Anh năm 1679. Sau đó do sợ bị nghi ngờ dính đến âm mưu ám sát nhà vua
do Đảng Quê hương của Ashley tiến hành, ông quyết định sang Hà Lan vào năm 1683.
Loạt các tác phẩm lừng danh định hình nên vị thế của Locke trong lịch sử tư
duy nhân loại như: “Lá thư về lòng khoan dung”, “Luận về sự hiểu biết của con
người”, “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, được công bố không lâu sau thời điểm
thành công của Cách mạng Vinh Quang 1688.
Năm 1696, Ủy ban Thương mại được phục hồi và Locke tiếp tục công việc tại
đó như một người có vai trò quan trọng bậc nhất. Năm 1700, Locke hồi hưu và mất
ngày 28 tháng Mười 1704 vì chứng hen suyễn.
Đối với Khảo luận thứ hai về chính quyền, đây là tác phẩm được J. Locke trình
bày một cách đậm nét nhất quan điểm của ông về tự do. Điều đó được thể hiện qua tư
tưởng về trạng thái tự nhiên và khuynh hướng đối lập với nó, trạng thái nô lệ.
2.1.1. Về trạng thái tự nhiên
Theo John Locke, trạng thái tự nhiên là “trạng thái mà mọi người tồn tại một
cách tự nhiên trong đó, là một trạng thái tự do hoàn hảo, để sắp xếp cho hành động, sắp
đặt tài sản và cá nhân theo những gì mà họ cho là thích hợp, trong khuôn khổ của luật tự
nhiên mà không cần hỏi xin phép hay lệ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai” [1, tr.33].
Đó cũng là một trạng thái bình đẳng khi mà quyền lực và quyền thực thi công lý
không ai nhiều hơn ai. Cùng là một loài người thì dù sinh ra trong hoàn cảnh, điều kiện
như thế nào thì tất cả đều bình đẳng. Cá biệt chỉ có trường hợp: một vị chúa tể hay ở
đây có thể hiểu là Chúa, với sự thể hiện ý chí của Ngài là cho phép vị trí của người này
lớn hơn người khác. “Vị chúa tể bằng sự tuyên bố rõ ràng ý chí của Ngài – đặt
người này lên trên người khác” [1, tr.33].
Nhưng dù là mọi người đều tự do và bình đẳng như nhau. Điều này cũng không
đồng nghĩa với việc chúng ta muốn làm gì thì làm, đây không phải là một trạng thái
lộn xộn, tất cả đều phải tuân theo một khuôn khổ chung về quy tắc ứng xử - luật tự
nhiên. Luật tự nhiên cho phép mọi người bình đẳng, tự do trong việc sắp đặt con người
hay tài sản của mình, đồng thời cũng ngăn cấm mọi người tự do hủy diệt bản thân hay
làm việc đó đối với một sinh vật bất kỳ thuộc tài sản của họ. Điều đó là càng sai trái
khi thực hiện đối với người khác. Vì theo Locke, con người là tuyệt tác của một đấng
Sáng tạo toàn năng và thông thái vô hạn; tất cả được sai phái vào thế giới này do lệnh
của Ngài và làm việc cho Ngài.
Ở đây, chúng ta lại càng không thể có suy nghĩ tiêu cực rằng chúng ta sinh ra đã
là những sinh vật thấp kém, là một công cụ cho người khác sử dụng.“Không thể giả
định bất kỳ sự lệ thuộc nào giữa những con người chúng ta, nghĩa là có thể trao quyền
cho ta đi hủy diệt người khác, hoặc như thể chúng ta được tạo ra để cho người khác sử
dụng, giống như những sinh vật ở hạng thấp kém hơn” [1, tr.36].
369
Theo Locke, từ đây xuất hiện một cặp quyền lợi để bảo đảm cho những điều
trong luật tự nhiên được thực hiện. Đó là quyền bảo toàn chính mình và bảo toàn cho
toàn thể loài người còn lại. Theo luật tự nhiên thì chúng ta không thể lấy đi hoặc làm
suy yếu sinh mệnh người khác. Nhưng nếu việc làm đó là để thực hiện công lý với kẻ
xâm phạm đến quyền tự do quy định trong luật, giết một người nhằm ngăn chặn những
người khác có hành vi giống như vậy, thì việc làm đó là cần thiết. “Mỗi người đều có
quyền tiêu diệt một tên tội phạm như vậy sau khi hắn đã sát hại em trai của mình” [1,
tr.42]. “Nợ máu phải trả bằng máu”. Bằng việc vi phạm luật tự nhiên, người vi phạm
đã tự tách mình ra khỏi đời sống, hành vi của anh ta đã ngầm tuyên bố rằng “mình
sống bằng quy tắc khác thay cho quy tắc của lý trí và bình đẳng cộng đồng, vốn là tiêu
chuẩn mà Thượng đế đã sắp đặt cho hành động con người” [1, tr.38].
Mà theo đó, nếu như chúng ta phán xử đúng trong quá trình trừng phạt người
xâm phạm, tức hành xử trong quyền hạn của mình, bằng sự bình tĩnh, lý trí, lương tâm
thì anh ta hoàn toàn vô tội. Dù việc đó đã phần nào xâm phạm đến cái tự do, bình đẳng
theo luật tự nhiên của người xâm phạm.“Mỗi người đều có quyền trừng phạt người vi
phạm, và đều là người chấp pháp của luật tự nhiên” [1, tr.38].
“Người chấp pháp”: giống như những luật khác, luật tự nhiên sẽ vô hiệu nếu
như không một ai trong trạng thái tự nhiên có quyền thực thi luật đó. Ở đây, trong
trạng thái hoàn hảo này, việc thực thi luật dành cho tất cả mọi người. Tức là chỉ cần
phát hiện một hành vi gây phương hại, thì mọi người đều có quyền trừng phạt.
Theo đó, Đối với người bị phương hại, bên cạnh quyền trừng phạt chung thì
anh ta còn có quyền tìm kiếm sự bồi thường thiệt hại từ người gây hại. Đồng thời, bất
kỳ cá nhân nào nhận thấy điều đó là đúng, đều có thể liên kết với người bị phương hại
và trợ giúp họ trong việc giành lại từ kẻ vi phạm những đến bù thõa đáng so với sự tổn
hại mà anh ta đã chịu.
Quyền trừng phạt và quyền đòi bồi thường thiệt lại là những công cụ hữu ích để
duy trì trạng thái tự nhiên một cách hoàn hảo. Từ hai quyền này, có thể suy ra về việc cai
trị. Ở một số nơi, quyền trừng phạt có thể được miễn trừ nếu như nơi đó không đòi hỏi
thực thi pháp luật. Nhưng quyền đòi bồi thường thì không, không thể lợi dụng chức quyền
để miễn trừ luôn quyền đòi bồi thường thiệt hại vì chỉ có chính cá nhân người bị phương
hại mới có thể quyết đinh có miễn trừ quyền đó không với trường hợp của cá nhân mình.
Với cùng lý do là để duy trì trạng thái tự nhiên, quyền trừng phạt có dành cho
cả những vi phạm nhỏ hơn, mỗi người vi phạm đều sẽ bị trừng phạt đến một mức độ
mà đảm bảo sẽ khiến cho người vi phạm ở vào vị thế mặc cả yếu ớt và khiến người
khác kinh hãi mà tránh những hành động giống như vậy.
Đối với trạng thái tự nhiên, thì mỗi người đều có quyền lực hành pháp của tự
nhiên, điều này, sẽ dễ khiến cho con người ta vin vào đó mà có sự thiên vị, thiên vị
cho bản thân, gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, bản tính xấu, sự xúc động, thiếu kiềm
chế, thù hằn sẽ đưa họ vượt quá xa khi thực hiện quyền trừng phạt đối với người khác.
Kéo theo đó, là sự hổn độn, rối loạn. Chính Locke cũng thừa nhận điều này, và ông
cũng dễ dàng chấp nhận một hình thức thay thế đúng đắn là chính quyền dân sự có thể
bổ khuyết cho những bất tiện của trạng thái tự nhiên. Nhưng vấn đế cũng vẫn chưa
được giải quyết khi chính quyền dân sự, mà đứng đầu là những ông vua, quan tòa, họ
cũng là con người, cũng sẽ dễ dàng thiên vị, thiếu kiếm chế. Cần thiết ở đây chính là
một công cụ để kiềm chế tính thiên vị và bạo lực của con người mà những nhà phản
đối trạng thái tự nhiên không đưa ra được.
370
Đánh giá chủ quan về chủ thuyết của John Locke, ta có thể thấy một điều xuất
hiện xuyên suốt trong chủ thuyết của ông, đó chính là hình ảnh của Đấng tối cao hay
Chúa. Chúa là người ban hành luật tự nhiên, những công dân trong trạng thái tự nhiên
cũng là sản phẩm của Người. Điều này đến từ việc Locke là một người đứng về phía
thần luận, là một người có xu hướng duy lý hóa Christo giáo. Bên cạnh đó, nếu đối
chiếu lại với thực tiễn thế giới hiện nay, ta có thể thấy sự vượt thời đại trong tư tưởng
mới mẻ về tự do của mình. Tự do nhưng trong khuôn khổ, tự do gắn liền với những
quyền lợi cá nhân, đặc biệt là quyền sở hữu, hoàn toàn không khác biệt nhiều so với
thời đại ngày nay.
2.1.2. Về tình trạng nô lệ
“Quyền tự do tự nhiên của con người, là sự tự do trước bất kỳ quyền lực cao
hơn nào nơi trần thế và không chịu sự chia phối của ý chí hay thẩm quyền lập pháp,
mà chỉ có luật tự nhiên làm quy tắc cho họ” [1, tr. 57]. Như đã nói ở trên, mỗi người
đều có quyền đối với mạng sống của bản thân mình, không thể chấp nhận suy nghĩ trở
thành một sinh vật thấp kèm, làm công cụ cho người khác. Nhưng giờ đây, họ phải đối
mặt với một hiện thực đó chính là sự nô lệ.
Nô lệ: “với điều kiện hoàn hảo của mình vốn không khác gì ngoài một trạng
thái chiến tranh được tiếp giữa người đi chinh phạt hợp pháp với người bị bắt” [1,
tr.59]. Lúc này đây, chẳng còn một sự tự do nào hết. Người nô lệ không có thể được
cho thêm bất cứ quyền gì hơn chính những thứ họ có. Họ đánh mất đi cuộc sống của
mình, phải đi giao phó sinh mạng của mình cho người khác. Người chủ nô lệ có thể trì
hoãn việc lấy đi sinh mạng của họ hoặc dùng họ để phục dịch riêng cho mình. Thật sự
đã hoàn toàn đi ngược lại với luật tự nhiên khi giờ đây đã không còn sự tự do, bình
đẳng, người nô lệ phải đặt mình ở một vị thế thấp hơn, trở thành một thứ công cụ.
Nhưng những việc đó không gây thương tích cho những người nô lệ, nhưng sẽ
ảnh hưởng nặng đến tinh thần. Đến một lúc nào đó, họ sẽ tự tìm đến cách giải thoát
cuối cùng cho mình là cái chết. Điều này, lại đi ngược lại với luật tự nhiên khi về bảo
toàn bản thân.
Theo Locke, để chấm dứt tình trạng này cần một giao ước. Khi giao ước được
ký kết, trao quyền lực có giới hạn cho một bên và đặt sự thuần phục vào phía kia, thì
tình trạng nô lệ sẽ chấm dứt. Khi không ai có thể, “bằng sự thõa thuận, chuyển sang
cho người khác cái mà bản thân anh ta không tự có, là một quyền đặt trên sinh mạng
của chính mình.” [1, tr.59].
Điều này nói ra thật sự rất không tưởng, vì cách mà Locke đề xuất chấm dứt
tình trạng nô lệ thật ra cũng chỉ là chấm dứt tình trạng nô lệ trên danh nghĩa mà thôi,
chứ không giải quyết được thấu đáo vấn đề. Về bản chất người nô lệ vẫn mất đi những
quyền tư do của mình theo luật tự nhiên.
2.2. Ảnh hưởng của John Locke tới quan điểm tự do trong phong trào
Khai sáng
Về cơ bản không phải đến J. Locke, các quan điểm về tự do mới được trình bày.
Lịch sử đã chứng minh, quan điểm về tự do hay nói rộng hơn là các tư tưởng về quyền
con người đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Như bộ luật Hammurabi, là văn bản pháp luật
thành văn đầu tiên của nhân loại nói đến quyền con người năm 1789 TCN (mặc dù
quan điểm này không được tất cả các học giả ủng hộ) hay Bộ luật của vua Cyrus Đại
đế ban hành vào khoảng các năm 576 – 529 TCN.
371
Đến giai đoạn Khai sáng, các quan điểm về tự do được đề cập nhiều hơn, hệ
thống hơn và khái quát hơn, một phần xuất phát từ đặc điểm riêng biệt của trường phái
này: “Khai sáng là một kiểu thế giới quan và triết học đặc biệt, đặc trưng cho đời sống
văn hóa châu Âu và Mỹ ở thế kỷ XVIII. Đặc điểm nổi bật của nó là định hướng chống
phong kiến, chống lại một nền chuyên chế, mong muốn xây dựng chương trình cải tạo
xã hội và hình thành lý tưởng mới về con người” [3, tr.195].Nhưng bên cạnh đó, cũng
chính là sự kế thừa những tiền đề lý luận về tự do của Locke. Tự do và các quan điểm
khác trở thành vũ khí lý luận sắc bén trong cuộc đấu tranh đó.
Bàn về quan điểm tự do, chúng ta có thể nhắc đến Voltaire với tuyên ngôn: tự do
– bình đẳng – sở hữu. Nhưng nổi bật thì vẫn phải nói đến bộ đôi tác phẩm “Tinh thần
pháp luật” và “ Khế ước xã hội” của hai tác giả Montesquier và Jean-Jacques Rousseau.
Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật”, Montesquier trên cương vị là một luật
sư ngoài việc đề cập đến những vấn đề pháp luật, ông còn bàn về tự do. Theo ông,
phần thiêng liêng nhất, quí giá nhất của tự nhiên nơi con người, là tự do. Tự do cao cả
thống nhất với lý trí, với thiên tính và nhân tính.
Về lý trí, Montesquier cho rằng: một người công dân vô tội không còn được
đảm bảo an ninh nữa thì không còn được tự do. Không được đảm bảo an ninh ở đây là
chỉ việc người dân dễ dàng bị khép tội mà không được sự suy xét rõ ràng của người
phán xét. Theo ông, không thể lấy lời nói để khép người ta vào trọng tội, luật bao giờ
cũng chỉ nên trừng phạt những hành động đã thể hiện ra. Khép người ta tội tử hình, mà
chỉ cần một nhân chứng chứng minh vô tội đã là trái với tự do.
Với thiên tính, xuất phát từ quan điểm con người tự nhiên có trước con người xã
hội. “Để hiểu được luật của thiên nhiên thì phải xem xét một con người trước khi hình
thành xã hội” [4, tr.40]. Montesquier đề cập đến những luật của tự nhiên đã tạo ra sự tồn
tại của chúng ta. Luật thiên nhiên đưa vào đầu óc chúng ta ý niệm về đấng tạo hóa.
Ông cho rằng, trong trạng thái tự nhiên, mỗi người đều cảm thấy thấy thấp kém
và ai cũng như mình, nên họ không tìm cách tấn công nhau và hòa bình là luật tự nhiên
đầu tiên. “Trong trạng thái đó, mỗi người đều thấy mình thấp kém và hầu như thấy ai
cũng như mình. Họ không tìm cách tấn công nhau, và hòa bình là luật tự nhiên đầu tiên”
[4, tr.41]. Sau đó, những cảm giác gắn liền với nhu cầu sống gắn liền với cảm giác về sự
yếu đuối của mình khiến nảy sinh quy luật con người phải tự tìm cách để nuôi sống bản
thân là luật thứ hai. Qua đây, ông cũng đã gián tiếp đề cập những khía cạnh tự do như tự
do chung sống hòa bình, tự do sản xuất để nuôi sống bản thân.Về nhân tính, tự do về
nhu cầu sống lại gần nhau trên cơ sở luật thứ ba về tình yêu chân chính và luật thứ tư
sống thành xã hội. Ông cho rằng, “Sự thích thú của hai con vật được sống với đồng loại,
nhất là khi con đực và con cái gần nhau thì sự thích thú càng tăng lên. Vì vậy luật thứ ba
là lời cầu khẩn tự nhiên mà luôn luôn nam nữ thường nói bên nhau.” Và “Con người còn
cần có kiến thức. Đó là mối liên hệ giữa con người mà con vật không có. Cho nên
nguyện vọng được sống thành xã hội là luật thứ tư” [4, tr.42].
Có thể thấy, tư tưởng của Locke đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng về tự do
của Montequier, khi ông cũng đề cập đến luật tự nhiên, như là luật của Thượng đế sáng
tạo ra. Con người trong khuôn khổ của luật ấy cũng được tự do làm những thứ mà họ
cho là phù hợp: tự do làm việc cùng nhau, tự do chung sống, cố kết thành xã hội.
Về Rousseau – nhân vật cấp tiến nhất trong số các nhà khai sáng Pháp, trong
tác phẩm “Khế ước xã hội” của mình, ông đã mở đầu: “Người ta sinh ra tự do, nhưng
372
rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích” [5, tr.52] Ông đã lý giải bằng giả
định, con người trong tự nhiên nhưng gặp phải nhiều thử thách quá lớn, không thể
vượt qua. Sự tự do thực sự cần thiết nhưng cũng có thể bị lạm dụng và đưa đến tình
trạng mất an ninh. Một người sử dụng quyền tự do của mình thái quá để lo cho quyền
lợi cá nhân có thể gây nguy hại cho quyền lợi của nhiều người khác. Tuy là sự tự do có
thể bị lạm dụng trong trạng thái tự nhiên nhưng con người cũng không bị nhiều thiệt
hại như khi con người chấp nhận từ bỏ quyền tự do để được một cá nhân hay một
nhóm lãnh đạo độc tài bảo vệ an ninh.
Theo Rousseau, con người có thể giữ được quyền tự do và vẫn được bảo an nếu
con người biết tôn trọng pháp luật do chính họ lập ra. Ông không đòi hỏi con người
phải giao tất cả nhân quyền cho chính phủ bởi vì chính phủ giữ nhiệm vụ thiết lập an
ninh. Ông cũng không tin là con người vẫn được tự do sau khi quyền lập pháp đã được
giao cho đại diện nhân dân vốn có nhiệm vụ bảo an.
Trong triết lý khế ước xã hội của mình, ông còn đề cập đến những quyền tự do
không chân chính, đó là: quyền tự do sống theo ý muốn riêng và quyền làm chủ tất cả
những gì mà sức mạnh cá nhân cho phép không phải là quyền tự do chân chính.
Rousseau bàn đến rất nhiều về tự do, nhưng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng
từ tư tưởng tự do của Locke. Điều đầu tiên chính là thừa nhận ai cũng có quyền tự do.
Ông còn đề cập đến trách nhiệm của mỗi công dân trong việc sử dụng quyền tự do của
mình. Điều này cũng là sự tương đồng khi theo luật tự nhiên mà Locke đề cập cũng có
nhắc tới điều này. Kế đến, chúng ta bắt gặp triết lý “khế ước xã hội” của Locke. Đây
chính giải pháp hợp lý để hạn chế tính thiên vị, ích kỷ của con người.
3. Kết luận
Mặc dù vẫn còn đó những những mâu thuẫn, bất cập trong học thuyết của mình,
cũng như không tránh khỏi những hạn chế về thời đại, góc độ tiếp cận. Nhưng cũng
không thể phủ nhận được công lao của Locke đối với nền triết học chính trị, chính trị
học của thế giới về tư tưởng tự do của mình, khi mà mãi đến tận ngày nay quan điểm
của ông đã trở thành tiền đề lý luận, đấu tranh, phấn đấu của nhiều quốc gia mà biểu
hiện rõ nhất chính là ở hai bản Tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên
Ngôn Nhân quyền và Dân Quyền của Đảng Cộng sản Pháp.
Tài liệu tham khảo
[1]. John Locke (Lê Tuấn Huy dịch và giới thiệu, 2007), Khảo luận thứ hai về
Chính quyền – Chính quyền dân sự, Nxb. Tri Thức, Hà Nội.
[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3]. PGS.TS Đỗ Minh Hợp (2014), Lịch sử triết học phương Tây, Tập 2, Nxb.
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4]. La Brède – Montesquier (Hoàng Thanh Đạm dịch, 2006), Bàn về Tinh thần
pháp luật, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
[5]. Jean – Jacques Rousseau (Hoàng Thanh Đạm dịch, 2006), Bàn về Khế ước xã
hội, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- quan_niem_cua_john_locke_ve_tu_do_trong_tac_pham_khao_luan_t.pdf