Trong lịch sửtiến hoá, con người đã biết lợi dụng lửa đểphục vụlợi ích cuộc sống
của chính mình như đun nấu, đốt nương làm rẫy. Tuy nhiên, lửa cũng gây không
ít tai họa cho cuộc sống của họ. Trong 4 nguy cơ đe doạđến cuộc sống của dân
lành mà ông cha ta đã đúc kết "Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc" thì "Bà Hoả" là mối nguy
hiểm thứ2 bởi đi đến đâu sẽxoá sạch, biến mọi thứthành tro bụi đến đó, kểcảđe
doạđến tính mạng của con người.
6 trang |
Chia sẻ: lelinhqn | Lượt xem: 1414 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Phòng chống khô hạn và cháy rừng ởNghệAn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng chống khô hạn và cháy rừng ở Nghệ An
Trong lịch sử tiến hoá, con người đã biết lợi dụng lửa để phục vụ lợi ích cuộc sống
của chính mình như đun nấu, đốt nương làm rẫy... Tuy nhiên, lửa cũng gây không
ít tai họa cho cuộc sống của họ. Trong 4 nguy cơ đe doạ đến cuộc sống của dân
lành mà ông cha ta đã đúc kết "Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc" thì "Bà Hoả" là mối nguy
hiểm thứ 2 bởi đi đến đâu sẽ xoá sạch, biến mọi thứ thành tro bụi đến đó, kể cả đe
doạ đến tính mạng của con người.
Lửa rừng (wildfire) là một nhân tố sinh thái, trong điều kiện tự nhiên, nó chỉ
xuất hiện khi có sấm sét, động đất, núi lửa... và qua những biến cố đó lửa có thể
thiêu trụi hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn ha rừng. Sau khi lửa tắt, qua một
thời gian nhất định, ở những vùng bị cháy bắt đầu hình thành nên một lớp thảm
thực vật khác thay thế thảm thực vật ban đầu, đây được gọi là diễn thế rừng tự
nhiên. Như vậy, lửa rừng, xét về một phương diện nhất định, là yếu tố tạo ra sự đa
dạng của thảm thực vật. Tuy nhiên, đây là một hiểm họa khôn lường có thể trong
phút chốc làm mất đi hàng ngàn ha rừng, kéo theo nhiều thảm hoạ như lũ lụt, hạn
hán, ô nhiễm, biến đổi khí hậu... Cháy rừng là một hiện tượng phổ biến và thường
xuyên ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Hàng năm cả nước xảy ra từ
hàng chục đến hàng trăm vụ cháy rừng, gây thiệt hại hàng ngàn ha rừng. Một số
vụ cháy điển hình như vụ cháy rừng ở U Minh kéo dài từ ngày 7-12/4/2002 đã
thiêu trụi gần 4.000ha rừng tràm nguyên sinh. Vụ cháy mới đây vào ngày 8-
11/2/2010 ở Sa Pa, Lào Cai đã thiêu trụi hơn 2.000ha rừng tự nhiên của Khu Bảo
tồn Thiên nhiên Hoàng Liên. Tại Nghệ An, trước đây vào mùa nắng nóng có thể
thấy lửa rừng xuất hiện liên tục từ ngày này sang ngày khác. Số liệu thống kê các
vụ cháy rừng ở Nghệ An cho thấy năm 1998, toàn tỉnh đã xảy ra 105 vụ cháy rừng
với diện tích thiệt hại 564ha và 7 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ
cháy với diện tích rừng bị cháy trên 150ha, trong đó hơn 62ha rừng thông. Thực
tế cho thấy, vào những năm có thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, khô hạn kéo dài
thì diễn biến của cháy rừng phức tạp, nguy cơ cháy lớn rất hay xảy ra. Nước ta
nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường chia ra 2 mùa rõ rệt, mùa
khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 4-10 hàng
năm. Vì vậy, mùa cháy rừng ở nước ta thường diễn ra trong 6 tháng của mùa
khô, cao điểm từ tháng 1-4 hàng năm.
Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, bao gồm
cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Thảm thực vật rừng của Nghệ
An cũng rất đa dạng, phong phú, đây cũng chính là nguồn vật liệu cháy dồi dào,
tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn. Ngoài chịu ảnh hưởng chung của khí hậu cả nước,
Nghệ An còn có sự khác biệt, có khí hậu biến đổi, phân hoá rõ rệt, vừa phân theo
vĩ độ, vừa phân theo vành đai cao, lại chịu ảnh hưởng của 3 loại gió mùa chính là
gió mùa Đông Bắc, gió mùa Đông Nam và gió mùa Tây Nam (gió Phơn, gió Lào).
Do đó mà diễn biến cháy rừng cũng rất khác so với các địa phương khác trong cả
nước. Mùa cháy rừng ở Nghệ An thường kéo dài trong 10 tháng, bắt đầu từ tháng
11 năm trước đến tháng 8 năm sau (chỉ trừ có tháng 9, 10). Sở dĩ Nghệ An có mùa
cháy rừng kéo dài hơn so với cả nước là vì vị trí địa lý và địa hình đặc biệt.
Vào mùa gió mùa Đông Bắc khô hanh, ở các huyện miền núi cao của tỉnh như
Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và
Nghĩa Đàn thường hay xảy ra cháy rừng, cao điểm từ tháng 1-4, đây là sự khác
biệt so với các huyện vùng đồng bằng, trung du núi thấp của tỉnh, do tác động của
thời tiết và địa hình nên càng lên cao mưa phùn càng ít, độ ẩm không khí rất thấp,
nguy cơ cháy rừng rất cao. Đến khi có gió mùa Đông Nam và gió Tây Nam thì
mùa cháy ở các huyện miền núi cao còn kéo dài sang tháng 5-6, trùng vào mùa đốt
nương, làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Các tháng còn lại ít xảy ra cháy
rừng hơn. Ngược lại, khi có gió mùa Đông Bắc, ở các huyện vùng đồng bằng,
trung du núi thấp như Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Yên Thành,
Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu ít xảy ra cháy rừng hơn, nếu có cháy thì chỉ
tập trung vào các tháng 11, 12 khi thời tiết còn nắng nóng, quang mây, khô hanh,
chưa có hoặc ít khi có mưa phùn. Trong thời gian từ tháng 1-4 ít xảy ra cháy rừng
ở các huyện này. Nguyên nhân là do dãy núi Trường Sơn cao và kéo dài đến tận
các huyện ven biển nên bao nhiêu hơi nước từ lục địa bị chặn lại gây ra tình trạng
mưa phùn, ẩm ướt kéo dài. Tuy lượng mưa rất nhỏ (dưới 5mm), nhưng do mưa
kéo dài nhiều ngày, trời nhiều mây, âm u, nhiệt độ thấp làm cho độ ẩm không khí,
độ ẩm của đất và vật liệu cháy ở rừng cao nên khó bắt lửa. Tuy nhiên, khi mà cả
nước bước vào mùa mưa (từ tháng 4-10) thì Nghệ An lại trải qua 4-5 tháng cao
điểm của mùa cháy. Khi có gió Tây Nam khô nóng thổi với cường độ mạnh từ
tháng 4-8, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 45-460C, độ ẩm không khí luôn dưới
30% làm cho thảm thực vật dưới tán rừng, cành khô, lá rụng khô rất dễ bắt lửa và
gây ra cháy lớn. Các khu rừng thông, keo, tre nứa... ở các huyện đồng bằng, trung
du núi thấp là đối tượng thường hay xảy ra cháy.
Như vậy, có thể thấy Nghệ An là một trong những tỉnh có mùa cháy rừng kéo
dài và cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, việc sống chung với hạn hán khắc nghiệt và sự
đe doạ từ cháy rừng sẽ diễn ra thường xuyên, phức tạp hơn. Cũng giống như các
tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xác định là “sống chung với lũ” vậy. Nhưng điểm
quan trọng là làm sao tìm ra được giải pháp tối ưu để chống chọi với điều kiện
nắng nóng, khô hạn kéo dài nhằm hạn chế các vụ cháy rừng, giảm đến mức thấp
nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đây là bài toán đặt ra cho các ngành, các cấp
chính quyền. Một trong những giải pháp quan trọng luôn đặt lên hàng đầu là
công tác phòng cháy rừng. Xác định phương châm trong công tác phòng cháy,
chữa cháy rừng (PCCCR) là “Phòng là chính, chữa cháy rừng là giải pháp tình
thế”.
Để đề phòng cháy rừng, chính quyền các cấp, các ngành và các chủ rừng đã đề
ra nhiều biện pháp như tuyên truyền giáo dục, xây dựng các công trình phòng cháy
(đường băng cản lửa, biển cấm lửa, hồ đập dự trữ nước), xác định vùng trọng điểm
cháy, dự báo và cảnh báo cháy rừng... tuy nhiên, hiện nay trong thực tế công tác
phòng cháy rừng vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục, đó là:
- Xác định vùng rừng trọng điểm và biện pháp giảm vật liệu cháy
Hầu như các đơn vị trong tỉnh khi lên phương án PCCCR đều xác định được
vùng trọng điểm cháy nhưng giải pháp đưa ra chủ yếu là biện pháp hành chính,
nhiều khi chỉ mang tính hình thức, chưa quan tâm đến nguồn vật liệu cháy đó là
loại gì và cách giải quyết ra sao. Trong đó có thể thấy mối nguy hiểm của cháy
rừng đó là rừng trồng, đặc biệt là rừng thông. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, có
nhiều chủ rừng (công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ) trước khi bước
vào mùa cháy đã cho tiến hành phát quang, xử lý thực bì nên đã hạn chế rất lớn sự
lây lan của lửa rừng khi xảy ra đám cháy. Tại những vùng có ít nguồn vật liệu
cháy dưới tán rừng thì lửa dễ tắt và không còn dây leo, bụi rậm làm cầu nối giữa
tán cây và mặt đất nên ngọn lửa bùng lên tán cây cũng rất hạn chế. Hơn nữa khi
đám cháy mới xuất hiện, ngọn lửa còn thấp, nhỏ nếu được phát hiện kịp thời, chỉ
cần một nhóm 5-10 người cũng dễ dàng khống chế dập tắt. Việc thực bì được
phát quang, xử lý giúp thao tác chữa cháy nhanh, gọn và dụng cụ không bị
vướng víu. Thực tế cho thấy các vụ cháy lớn ở tỉnh ta trong thời gian qua thường
xảy ra ở những khu rừng có nguồn vật liệu cháy dưới tán rừng rất dày, cây bụi,
dây leo, cành khô, lá rơi rụng nhiều. Vì vậy, thay cho việc chữa cháy rừng tốn
nhiều công sức, tiền của thì hàng năm nhà nước, các chủ rừng cần dành một phần
kinh phí đầu tư cho việc phát dọn, xử lý thực bì trước mùa cháy.
- Công tác dự báo và cảnh báo cháy rừng
Mùa cháy ở Nghệ An đã được xác định diễn ra trong 10 tháng, trong đó, các
huyện miền núi cao có các tháng cao điểm từ tháng 1-6. Còn ở các huyện miền
đồng bằng, trung du núi thấp, các tháng cao điểm thường từ tháng 4-8. Tuy nhiên,
đối với công tác phòng cháy rừng thì việc dự báo ngắn hạn và cảnh báo cháy
rừng cần được tiến hành thường xuyên. Công tác dự báo, cảnh báo vùng miền đã
có cơ quan thường trực Phòng cháy chữa cháy rừng Trung ương (Cục Kiểm Lâm
- Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) phụ trách, nhưng qua theo dõi hàng
năm có thể thấy công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng của các cơ quan Trung
ương thường quan tâm đến mùa khô chung của cả nước. Khi mà Bắc Bộ, Tây
Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng khô hạn thì được dự báo, cảnh báo liên tục
trên Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có cả khu vực Nghệ
An. Tuy nhiên, khi cả miền Bắc và miền Nam bước vào mùa mưa thì hầu như
không có việc dự báo, cảnh báo cháy rừng cho các tỉnh miền Trung, nhất là Bắc
Trung Bộ. Nơi mà gió Tây Nam khốc liệt thổi với cường độ cấp 3, cấp 4 liên tục
hàng tuần đến hàng tháng mà không có một bản tin cảnh báo, nhắc nhở cháy
rừng sẽ gây cho cán bộ và nhân dân tâm lý chủ quan, lơ là. Mặt khác, riêng tỉnh
Nghệ An như trên đã đề cập là tỉnh có điều kiện khí hậu rất phức tạp, nằm vào
vùng lõi, rốn của gió mùa Tây Nam nên cần phải duy trì thường xuyên, liên tục
việc dự báo, cảnh báo cháy rừng. Trước đây, Đài Phát thanh và Truyền hình
Nghệ An thường xuyên có các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng để chính
quyền địa phương, các chủ rừng và nhân dân chủ động nâng cao tinh thần cảnh
giác để thực hiện các biện pháp đề phòng cháy rừng, nhưng vài năm trở lại đây,
bản tin này không còn thực hiện. Do điều kiện thời tiết khí hậu ở Nghệ An quá
khắc nghiệt, diện tích rừng lớn và loại hình đa dạng, cháy rừng luôn đe doạ ở
mức cao, thiết nghĩ các ngành chức năng liên quan ở Nghệ An cần tiếp tục củng
cố, nâng cấp công tác dự báo cháy rừng riêng của tỉnh và thường xuyên cảnh báo
cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Công tác tổ chức lực lượng PCCCR
Chúng ta đều biết trách nhiệm PCCCR là của toàn dân, trong đó chính quyền
các cấp phải chịu trách nhiệm trước tiên. Trong các phương án PCCCR của các
ngành, các cấp, chủ rừng luôn đề cao phương châm "4 tại chỗ", đó là chỉ huy
tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đối với các
vụ cháy lớn ở Nghệ An, phần lớn chỉ có lực lượng quân đội mới chữa cháy hiệu
quả. Còn các thành phần khác chỉ hỗ trợ thêm. Sở dĩ họ chữa cháy tốt vì lực
lượng này được đào tạo chính quy, được tập duyệt, rèn luyện bài bản, có sức
khoẻ, có chỉ huy, mệnh lệnh tốt. Còn các lực lượng tại chỗ ít được huấn luyện,
nhất là đối với người dân. Nhiều vụ cháy huy động đến hàng trăm người nhưng
vẫn rất lúng túng, họ không được trang bị về kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy rừng
và cũng không biết cách xử lý đối với những tình huống cụ thể, do đó nhiều vụ
cháy đáng lẽ ra có thể khống chế, cứu chữa kịp thời khi quy mô đám cháy còn
nhỏ nhưng lại để cho lửa rừng lây lan gây ra cháy lớn. Lực lượng chuyên trách
chữa cháy rừng thì quá mỏng, khả năng tiếp cận còn nhiều hạn chế. Do vậy,
muốn vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ” thì người dân phải được trang bị
kiến thức về PCCCR, nhất là lực lượng tại các địa phương có rừng, trong đó
cần quan tâm đến lực lượng dân quân tự vệ, trung đội mạnh. Cần ưu tiên hướng
dẫn, tập huấn, huấn luyện kỹ thuật chỉ huy và kỹ thuật chữa cháy rừng thành
thạo cho các đối tượng này để khi cháy rừng xảy ra, họ trở thành lực lượng
nòng cốt tại chỗ, trực tiếp cứu chữa cháy rừng có hiệu quả. Bên cạnh đó cũng
cần trang bị thêm dụng cụ chữa cháy rừng thủ công để ứng cứu kịp thời và hạn
chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nong_nghiep_36__2945.pdf