Phân loại tham nhũng

Có thể nói, việc nghiên cứu về tham nhũng không chỉ có tính quốc gia, mà còn

mang tính khu vực.

Có thể nói, việc nghiên cứu về tham nhũng không chỉ có tính quốc gia, mà còn

mang tính khu vực và quốc tế. Các công trình nghiên c ứu về tham nhũng và phòng

chống tham nhũng trên thế giới ngày càng nhiều với những nội dung rất phong

phú, cung cấp những cách tiếp cận khác nhau để làm rõ bản chất và hậu quả của

tham nhũng, giới thiệu các biện pháp, mô hình, phương thức chống tham nhũng

hiệu quả và những thành tựu mà các quốc gia đạt được trong việc chống tham

nhũng.

pdf16 trang | Chia sẻ: maiphuongzn | Lượt xem: 1549 | Lượt tải: 1download
Nội dung tài liệu Phân loại tham nhũng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phân loại tham nhũng Có thể nói, việc nghiên cứu về tham nhũng không chỉ có tính quốc gia, mà còn mang tính khu vực... Có thể nói, việc nghiên cứu về tham nhũng không chỉ có tính quốc gia, mà còn mang tính khu vực và quốc tế. Các công trình nghiên cứu về tham nhũng và phòng chống tham nhũng trên thế giới ngày càng nhiều với những nội dung rất phong phú, cung cấp những cách tiếp cận khác nhau để làm rõ bản chất và hậu quả của tham nhũng, giới thiệu các biện pháp, mô hình, phương thức chống tham nhũng hiệu quả và những thành tựu mà các quốc gia đạt được trong việc chống tham nhũng. Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, việc phân loại tham nhũng rất quan trọng, vì nó cho phép chúng ta nhận diện rõ hơn về tham nhũng và đề ra những phương thức, biện pháp phòng chống thích hợp cho từng loại tham nhũng. Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại những cách phân loại tham nhũng cơ bản sau đây: Tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ: Theo Bộ Công cụ phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc thì “tham nhũng lớn” là loại tham nhũng xâm nhập đến tận những cấp bậc cao nhất của Chính phủ quốc gia, làm xói mòn lòng tin vào sự quản lý đúng đắn, nguyên tắc nhà nước pháp quyền và sự ổn định của nền kinh tế. Còn “tham nhũng nhỏ” là tham nhũng liên quan đến việc đổi chác một số tiền rất nhỏ, việc làm ơn không đáng kể bởi những người tìm kiếm sự ưu đãi hoặc việc lợi dụng bạn bè hay họ hàng để nắm giữ chức vụ nhỏ. Khác biệt lớn nhất giữa tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ là ở chỗ, tham nhũng lớn làm biến dạng hoặc mục nát các chức năng trọng tâm của Chính phủ, còn tham nhũng nhỏ phát triển và tồn tại trong bối cảnh của các khuôn khổ xã hội và quản lý đã được thiết lập. Tham nhũng chính trị: Hình thành do sự cấu kết giữa những người có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị, chủ yếu là những quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền, nhằm tạo ra những quyết định, hay tìm cách tác động thiên lệch vào những quyết sách của Nhà nước có lợi cho một cá nhân, doanh nghiệp hoặc những nhóm lợi ích nào đó. Tham nhũng chính trị còn nhằm thay đổi các quy định của pháp luật thành những quy định phục vụ quyền lợi của những kẻ tham nhũng. Tham nhũng chính trị thường được che đậy và bảo mật rất chặt chẽ, chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: - Dùng vị trí chính trị, ảnh hưởng chính trị để can thiệp vào việc có hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị (chính sách, đạo luật, hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận…) một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi. - Tham nhũng chính trị cũng có thể diễn ra dưới các hình thức mua bán, trao đổi các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, để sau đó sử dụng chức vụ đó, vị trí đó trục lợi cá nhân. Chủ thể của tham nhũng chính trị là các cơ quan quyền lực nhà nước, chính trị gia hay các chính khách, những nhà hoạt động chính trị xã hội, những cá nhân, nhóm, tổ chức, đảng phái… có vị thế chính trị đáng kể. Tham nhũng chính trị nếu được thực hiện bởi chủ thể là các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) được gọi là tham nhũng nhà nước. Tham nhũng nhà nước là hành vi thao túng, lũng đoạn các cơ quan quyền lực nhà nước, các quan chức nhà nước cấp cao nhất, sử dụng quyền lực nhà nước để trục lợi. Tham nhũng nhà nước có quy mô và mức độ khác nhau. ở quy mô đầy đủ, nó thường được thấy ở các mô hình nhà nước quân phiệt, nhà nước độc tài, nhà nước chuyên chế. Nguồn gốc của tham nhũng chính trị và tham nhũng nhà nước là việc tổ chức và sử dụng sai lệch quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Từ đó, tự giác hay không tự giác tạo ra các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, nhược quyền, vô quyền… Vì vậy, trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước, chủ thể tham nhũng sử dụng các lợi thế về cấp bậc, chức vụ, vị trí thuận lợi trong hệ thống nhà nước vào những hành vi vụ lợi. Mặt khác, do thiếu quyền lực từ phía các cơ quan nhà nước không có lợi thế, cơ quan cấp dưới, người dân, các tổ chức xã hội, công dân hoặc doanh nghiệp thiếu hay không có khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước, họ rơi vào trạng thái phải hối lộ để thực hiện các mục tiêu của mình. Việc tổ chức và sử dụng sai lệch quyền lực nhà nước biểu hiện ở trong tất cả các cơ quan quyền lực của nó: Trong quá trình lập pháp, thực thi pháp luật của cơ quan hành pháp và trong quá trình xét xử của cơ quan tư pháp. Việc thông qua, hoặc không thông qua một đạo luật, một chính sách, một quyết định chính trị với một mục đích thiên vị đang xuất hiện phổ biến trong các cơ quan quyền lực nhà nước trên khắp thế giới. Vận động hành lang (lobby) đã trở thành một phương thức chính trị thông thường. Hoạt động này, một mặt đưa nguyện vọng của các nhóm xã hội đến được với cơ quan nhà nước, mặt khác, chúng có thể gây ra sai lệch thông tin và quyền lực. Vì vậy, hoạt động lobby ở nhiều nước đã được luật hóa và minh bạch hóa. Ngoài ra, cơ quan quyền lực nhà nước được độc quyền sử dụng những phương tiện công. Nếu không có các cơ chế kiểm soát hoặc minh bạch hóa mục đích sử dụng chúng, các cơ quan hoặc công chức nhà nước dễ lợi dụng nó vì mục đích cá nhân. Trong tham nhũng chính trị và tham nhũng nhà nước, cần chú ý hành vi không đưa ra một quyết định (một chính sách, một đạo luật...) Hành vi này thường bị che giấu là không hiểu biết, không đầy đủ thông tin… nên thường không bị kết tội, không phải chịu trách nhiệm. Ngày nay, trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, mặc dù có bằng chứng là họ biết rõ vấn đề, có đầy đủ thông tin, nhưng vì mục đích vụ lợi đã cố tình ngăn cản, phủ quyết hoặc có quyền quyết định nhưng vẫn không đưa ra quyết định. Đó là một hành vi tham nhũng. Cũng hành vi này nhưng có thể không phải là tham nhũng, nếu như người thực hiện hành vi không nhằm mục đích vụ lợi, tức do bị giới hạn bởi năng lực, nhận thức, thiếu thông tin hoặc các nguyên nhân “vô tình” khác. Tham nhũng hành chính: Là hình thức tham nhũng xảy ra phổ biến trong các quan hệ mang tính chấp hành và điều hành của đội ngũ công chức hành chính. ở đây, quyền lực hành chính, các trình tự thủ tục hành chính đã được các công chức sử dụng, gây khó khăn cho công dân để trục lợi cho bản thân. Các loại hình tham nhũng hành chính: - Tham nhũng để đạt được hoặc đẩy nhanh việc thực hiện một thủ tục, một quyết định cụ thể nào đó mà công dân hay tổ chức có quyền được hưởng từ cơ quan hành chính nhà nước. - Vi phạm các quy định của pháp luật hoặc việc thực hiện pháp luật mang nặng tính thiên vị. Chủ thể của tham nhũng hành chính là các công chức nhà nước - những người làm việc trong bộ máy hành chính. Tham nhũng kinh tế: là tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ… của các doanh nghiệp nhà nước, được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế, những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp nhà nước. Tham nhũng trong kinh tế thường thấy là các cơ quan hoặc quan chức nhà nước tạo ra những rào cản, tạo ra những chậm trễ, khó khăn về thủ tục để đòi hối lộ hoặc “bôi trơn”, đối xử thiên vị. Trong nhiều trường hợp, việc làm hay không làm của một cơ quan nhà nước, hay một công chức nhà nước (ra một đạo luật hay không, quyết định một chính sách hay không) là do thông đồng với giới kinh doanh cụ thể để tạo thuận lợi cho họ, nhưng gây thiệt hại cho một giới khác hoặc cho toàn xã hội. Về phía các chủ thể kinh doanh, đó là đưa hối lộ để tìm kiếm lợi nhuận phi pháp, tìm lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, hành vi biển thủ tài sản công, lũng đoạn quá trình ra chính sách, lợi dụng các chính sách hoặc cơ quan nhà nước để thực hiện sự thôn tính, chiếm lĩnh thị phần, buôn lậu, đầu cơ,… Tham nhũng kinh tế ở nước ta chủ yếu được xem xét, và thường xảy ra trong khu vực kinh tế nhà nước (khu vực công). Chủ thể của tham nhũng kinh tế thường là những người quản lý, nắm giữ các nguồn lực kinh tế trong khu vực quốc doanh. Tham nhũng kinh tế xảy ra trong mọi nền kinh tế, đặc biệt là trong các nền kinh tế đang chuyển từ tập trung - quan liêu sang hàng hóa - thị trường. Đây là giai đoạn mà cơ sở pháp lý của nền kinh tế còn yếu kém, quản lý kinh tế của Nhà nước còn nhiều sơ hở, các thể chế kinh tế còn chưa hoàn thiện, tạo kẽ hở cho tham nhũng kinh tế phát triển. Tham nhũng xuyên quốc gia và tham nhũng trong nội bộ quốc gia: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay đã trở thành một trong những vấn đề toàn cầu. Việc đưa và nhận hối lộ, cũng như các hành vi sử dụng quyền lực công vì mục đích tư lợi không chỉ diễn ra trong phạm vi một nước hay đối với công chức của một nước mà diễn ra trong và ngoài biên giới của bất kỳ nước nào. Hoa Kỳ là nước đã phải đương đầu trước hết với việc các công ty Mỹ hối lộ quan chức nước ngoài, hoặc các công ty nước ngoài hối lộ các quan chức Mỹ ở trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Vì vậy, năm 1977, Quốc hội Mỹ đã ban hành Luật Chống hối lộ công chức nước ngoài (FCPA) để hạn chế tình trạng này. Năm 1994 OECD (1) bắt đầu phối hợp với Mỹ trong việc chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch quốc tế. Ngày 17/12/1997, 34 quốc gia, bao gồm 29 thành viên OECD và 5 quốc gia không thành viên đã ký Công ước về việc chống hối lộ các công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế, nhằm thực hiện một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các chủ thể trong giao dịch kinh doanh quốc tế, nhất là khi toàn cầu hóa kinh tế đang chi phối hoạt động kinh tế của tất cả các nước và vai trò của các doanh nghiệp OECD đang tăng lên ở nước ngoài. Công ước đã cung cấp thêm một cách tiếp cận về tham nhũng, mà nếu không có tầm nhìn của các quốc gia phát triển chúng ta rất dễ bỏ qua. Khoản 1 Điều 1 của Công ước quy định những nội dung về hối lộ công chức nước ngoài như sau: “…đề nghị, hứa hoặc tặng bất cứ khoản tiền hay lợi thế bất chính khác một cách trực tiếp hay qua trung gian cho công chức nước ngoài hoặc người thứ ba để công chức đó làm hay không làm một việc liên quan đến việc thực hiện công vụ, nhằm giành được hay duy trì việc kinh doanh hay lợi thế không đúng đắn khác trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh quốc tế” (2). Điểm đáng chú ý trong Công ước này là chỉ xác định hành vi tham nhũng “chủ động” - tức hành vi ở phía người đưa hối lộ - bất kể là động cơ và lợi ích của hành vi đó ra sao, đã thực hiện đến đâu. Như vậy, với Luật Chống hối lộ công chức nước ngoài (FCPA), Công ước của OECD về việc chống hối lộ các công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế “đã đặt hối lộ xuyên quốc gia và nội địa vào vị trí như nhau” (3). Chúng thể hiện nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về tham nhũng và nguy cơ tham nhũng, cũng như quyết tâm chung và thống nhất hành động chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu. Tham nhũng công (trong cơ quan nhà nước - cơ quan công quyền) và tham nhũng tư (ngoài cơ quan nhà nước): Cách tiếp cận của Liên hợp quốc cũng như pháp luật của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, coi tham nhũng chỉ có thể xảy ra trong khu vực công, mang yếu tố quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc cũng đã ghi nhận sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong và liên quan đến khu vực tư. Vấn đề này được Công ước chú trọng và quy định tại nhiều điều khoản. Ví dụ như quy định hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư (Điều 21- 25). Hội đồng Châu Âu cho rằng, tham nhũng xảy ra ở khu vực công và khu vực tư. Có 3 lý do để Hội đồng Châu Âu coi tham nhũng ở khu vực tư cũng là tội phạm tham nhũng cần được hình sự hóa và phải đấu tranh chống lại nó, đó là: - Tham nhũng khu vực tư đe dọa sự tín nhiệm, trung thực và trung thành, những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển các quan hệ xã hội và kinh tế; - Tham nhũng khu vực tư cản trở cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; - Trong những năm gần đây, tại châu Âu, một số chức năng công như giáo dục, y tế, giao thông vận tải, viễn thông được tư nhân hóa mạnh mẽ. Đây là những lĩnh vực thường phát sinh tham nhũng. Vì vậy, cần thiết phải có quy định chặt chẽ để phòng và chống tham nhũng trong khu vực tư. Cộng đồng châu Âu cho rằng, cũng như trong khu vực công, tham nhũng trong khu vực tư cũng có hai dạng chính: Đưa hối lộ và nhận hối lộ (4). Từ đó, Ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Châu Âu định nghĩa: “Tham nhũng bao gồm những hành vi hối lộ và bất kỳ một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực nhà nước hoặc tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc cho người khác” (5). Theo Công ước luật hình sự về tham nhũng của Hội đồng Châu Âu, các quy định về tham nhũng trong khu vực công và khu vực tư có 3 điểm khác biệt căn bản sau: Thứ nhất, các hành vi hối lộ trong khu vực tư giới hạn trong phạm vi “hoạt động kinh doanh”. Đó là tất cả các hoạt động thương mại, đặc biệt là hoạt động thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, bao gồm cả hoạt động cung cấp dịch vụ cho công chúng. Thứ hai, phạm vi chủ thể nhận hối lộ là bất cứ người nào làm việc trực tiếp hoặc theo bất cứ hình thức nào khác cho một chủ thể kinh doanh. Quy định này không chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, mà còn điều chỉnh các quan hệ khác như mối quan hệ với đối tác, luật sư, tư vấn, khách hàng và các đối tượng khác không theo quan hệ hợp đồng lao động. Thứ ba, hành vi của người nhận hối lộ trong khu vực công là “làm hoặc không làm một việc trong phạm vi chức năng của mình” mà không cần phải tới mức vi phạm chức năng nhiệm vụ. Trong lúc, người được coi là tham nhũng trong khu vực tư khi “làm hoặc không làm một việc trong phạm vi chức năng của mình” và còn phải “vi phạm nhiệm vụ”. Người làm trong khu vực công, chủ yếu là công chức nhà nước, chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Họ phải thực hiện công vụ một cách vô tư, khách quan và trung thực. Trong trường hợp họ vẫn thực hiện công vụ theo đúng chức năng nhiêm vụ, nhưng đã có hành vi tư lợi, bất chính, thì đó vẫn được coi là tham nhũng. Những người hoạt động trong khu vực tư được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Trong quan hệ mang tính hợp đồng, họ được quyền hưởng những lợi ích do thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ tương ứng, kể cả những lợi ích bổ sung hợp pháp. Hành vi được coi là tham nhũng nếu như trong quá trình thực hiện hợp đồng, người đó đồng thời nhận hối lộ mà không thực hiện các nghĩa vụ (6). Tham nhũng ở mức độ tội phạm và chưa được coi là tội phạm: Công ước Liên châu Mỹ (OAS) về chống tham nhũng nhấn mạnh hai loại hành vi tham nhũng: ở mức độ tội phạm và chưa được coi là tội phạm. Theo Công ước này, những hành vi tham nhũng nhưng không bị coi là tội phạm nếu trong luật hình sự của các quốc gia tương ứng không coi là tội phạm. Khác với nhiều công ước và đạo luật chống tham nhũng khác, Công ước OAS, coi hành vi hối lộ xuyên quốc gia, tức hối lộ công chức Chính phủ quốc gia khác; hoặc hành vi “làm giàu bất chính” thuộc tội phạm tham nhũng. Theo Điều IX Công ước OAS, “tội làm giàu bất chính là sự tăng lên đáng kể tài sản của công chức Chính phủ mà công chức đó không giải trình được một cách hợp lý khối tài sản đó so với thu nhập hợp pháp mà công chức đó nhận được trong quá trình thực hiện chức năng của mình” (7). Tham nhũng cá nhân và tham nhũng có tổ chức (tập thể): Tham nhũng cá nhân là do một người tiến hành. Đặc trưng nổi bật của tham nhũng cá nhân là toàn bộ giá trị chiếm được do tham nhũng do cá nhân độc chiếm. Khác với tham nhũng cá nhân, tham nhũng tập thể là do một số người hoặc một số cơ quan, tổ chức thống nhất với nhau, có sự bàn bạc về kế hoạch tổ chức và có sự chỉ đạo, điều hành. Đặc trưng nổi bật của loại hình tham nhũng này là phần tài sản tham nhũng được không phải do một cá nhân độc chiếm mà đem ăn chia giữa những kẻ tham nhũng. Ở nước ta, tham nhũng cá nhân thường là những tham nhũng nhỏ, xảy ra chủ yếu liên quan đến các quy trình và thủ tục quản lý hành chính như việc nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân trong việc cấp hộ khẩu, sổ đỏ, xin các loại giấy phép và các thủ tục khác trong tất cả các lĩnh vực… Còn tham nhũng tập thể (có tổ chức) thường là những tham nhũng lớn. Vì tham nhũng lớn đòi hỏi phải được tổ chức công phu, có nhiều người, thậm chí một mạng lưới tham gia. Tham nhũng tập thể thường diễn ra trong lĩnh vực quản lý kinh tế nhà nước như: tham ô tài sản, lập dự án “ma”, dự án khống để rút tiền chia nhau, quy hoạch “hờ”, quy hoạch “treo”, móc ngoặc với các doanh nghiệp các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước để ban hành những chính sách, những quyết định có lợi cho họ. Do tính phức tạp trong tổ chức tham nhũng lớn, nên tham nhũng tập thể lớn cần phải có sự phối hợp của quan chức cao cấp, thậm chí là những nhà lập pháp, nhà hoạch định chính sách; vì vậy, trong không ít trường hợp, tham nhũng tập thể là tham nhũng chính trị, tham nhũng nhà nước. Có thể phân loại tham nhũng theo các cấp độ: như Ngân hàng Thế giới đã trình bày trong Báo cáo chống tham nhũng ở Đông á năm 2003. Theo đó tham nhũng bao gồm nhiều cấp độ từ thấp đến cao và nó xuất hiện ở tất cả các quốc gia mà nạn tham nhũng hoàn hành. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi quốc gia mà các cấp độ tham nhũng có những biểu hiện khác nhau, hoặc nặng về cấp độ này, hoặc nặng về cấp độ khác. Các cấp độ của tham nhũng bao gồm: 1. Bôi trơn: chi một khoản nhỏ để đẩy nhanh những thủ tục thông thường 2. Hối lộ: chi tiền cho những kẻ tham nhũng để buộc người này làm theo quyền lợi của người chi tiền. 3. Nhũng nhiễu: lợi dụng chức quyền để thu tiền một cách bất hợp pháp 4. Lại quả: chi tiền cho các nhân vật có tác động, sau khi một giao dịch được thực hiện. 5. Cấp nhà nước: chính sách hay quy chế của Chính phủ chịu tác động của một nhóm tham nhũng. Ngoài ra có thể có một số cách phân loại khác như: + Tham nhũng trực tiếp và tham nhũng gián tiếp. + Tham nhũng chủ động (đưa hối lộ) và tham nhũng bị động (nhận hối lộ)(8). + Tham nhũng còn được xem xét dưới góc độ một loại hiện tượng tiêu cực của xã hội… Cũng cần khẳng định rằng, tách riêng các cách phân loại tham nhũng trên đây chỉ có ý nghĩa tương đối, vì các loại hình tham nhũng thường thâm nhập vào nhau, và thông thường một hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng lớn thường liên quan đến nhiều lĩnh vực. Về bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức các hành vi tham nhũng chỉ là một, tuy nhiên khi xem xét chúng trong các lĩnh vực khác nhau, quy mô khác nhau chúng có những biểu hiện cụ thể khác nhau nhất định. Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cần có những phương thức phòng chống phù hợp với từng loại tham nhũng. Từ cách phân loại trên, cho thấy: ở nước ta hiện nay nên tập trung nỗ lực vào chống tham nhũng lớn, bởi tham nhũng lớn liên quan đến đầu cơ và lũng đoạn chính trị, hành chính, kinh tế, liên quan đến các quyết sách của Đảng và Nhà nước, đến những khâu trọng yếu trong hệ thống chính trị, những lĩnh vực quan trọng của kinh tế - xã hội, đến đội ngũ cán bộ cấp cao. Mặt khác trong “tảng băng chìm” của tham nhũng, loại tham nhũng lớn lại khó phát hiện hơn là tham nhũng nhỏ. (1) OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia (BT). (2) Thanh tra Chính phủ, Giới thiệu các công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Nxb. Tư pháp, H, 2006 tr.61-62. (3) Ngân hàng thế giới: Chống tham nhũng ở Đông á - Giải pháp từ khu vực kinh tế tư nhân. Nxb. CTQG, H, 2004, tr. Xxxv. (4) Thanh tra Chính phủ: Giới thiệu các công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Nxb. Tư pháp, H. 2006. tr. 60. (5) GS, TS Nguyễn Xuân Yêm, PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, TS Bùi Minh Thanh (đồng chủ biên): Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam và thế giới. Nxb. CAND, H, 2007, tr. 21. (6) Thanh tra Chính phủ: Giới thiệu các công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Nxb. Tư pháp, H, 2006 tr.61-62. (7) Thanh tra Chính phủ: Giới thiệu các công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Nxb. Tư pháp, H, 2006 tr. 139. PGS, TSKH Phan Xuân Sơn - Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf19_0554.pdf