Ô nhiễm cadmi:Kim loại nặng cadmi, cũng như các kim loại nặng khác, xâm nhập vào các hệ sinh thái đất, nước, không khí từ nhiều nguồn khác nhau: khói bụi, nước thải của các xí nghiệp sản xuất chì, thiếc, sắt, thép , nước thải trong ngành đúc điện, trong phân lân bón cho cây trồng, trong bùn thải của các trạm làm sạch nước, trong sự bào mòn l ốp xe ô tô (cadmi làm xúc tác sự lưu hoá), trong các nhiên liệu diesel làm ô nhiễm lương thực, thực phẩm và nước uống.
11 trang |
Chia sẻ: zimbreakhd07 | Lượt xem: 1186 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Ô nhiễm lương thực và thực phẩm bởi kim loại nặng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ô nhiễm lương thực và thực
phẩm bởi kim loại nặng
Ô nhiễm lương thực và thực phẩm bởi những tác nhân hóa học thể hiện ở các sản phẩm
trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản ngày càng trở nên nguy hiểm. Ô nhiễm bởi các chất hoá
học, đặc biệt là bởi các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất phụ gia, các
loại bao bì… làm cho chúng bị giảm chất lượng hoặc trở thành độc hại với sức khoẻ con
người.
* Ô nhiễm cadmi: Kim loại nặng cadmi, cũng như các kim loại nặng khác, xâm nhập
vào các hệ sinh thái đất, nước, không khí từ nhiều nguồn khác nhau: khói bụi, nước thải
của các xí nghiệp sản xuất chì, thiếc, sắt, thép…, nước thải trong ngành đúc điện, trong
phân lân bón cho cây trồng, trong bùn thải của các trạm làm sạch nước, trong sự bào mòn
lốp xe ô tô (cadmi làm xúc tác sự lưu hoá), trong các nhiên liệu diesel làm ô nhiễm lương
thực, thực phẩm và nước uống.
Năm 1946, ở vùng Funchen thuộc quận Toyoma (Nhật Bản), xuất hiện một hội chứng với
đặc điểm là biến dạng xương, dễ gãy xương, đau cơ, rối loạn thận, nhất là ở phụ nữ lớn
tuổi sinh đẻ, làm hàng trăm người chết đã thu hút chú ý của giới y học trong vùng. Người
bệnh thường bị dằn vặt bởi những cơn đau đớn, nên người Nhật gọi là bệnh Itai - Itai
(bệnh đau đớn). Những nhà nghiên cứu đã phát hiện các bệnh nhân hấp thụ mỗi ngày
600mg cadmi do ăn gạo nhiễm nước sông Jinsu bị ô nhiễm bởi quặng và xỉ từ một nhà
máy chế biến cadmi. Cũng ở Nhật Bản, vùng đồng bằng Phusan khá phì nhiêu, nhưng
vào năm 1931, Công ty Khoáng sản khai thác mỏ kẽm mở Xí nghiệp luyện kim trên
thượng lưu sông Sentony, nước thải của xí nghiệp chứa nhiều kẽm và cadmi làm nước
của sông này bị ô nhiễm nặng. Các loài cá sống ở đây chứa hàm lượng cadmi cao gây
nhiễm độc cho người. Năm 1955, ở huyện Phusan cũng xuất hiện bệnh lạ: ban đầu bệnh
nhân thấy đau lưng, đau khớp xương. Sau đó, họ thấy đau toàn thân, nhất là đau ở vùng
xương chậu và hai chân, ngay cả khi thở hay ăn uống (bệnh Itai-Itai). Tiếp đó, xương
trong cơ thể của bệnh nhân bị gãy và dẫn đến tử vong. Kết quả khám nghiệm cho thấy bộ
xương bị gãy ở 70 chỗ, cơ thể co ngắn lại 30cm. Sau khi nghiên cứu kỹ, các nhà khoa học
đã phát hiện ra nguyên nhân của căn bệnh này cũng là do nhiễm độc cadmi. Từ 1963 đến
1977, ở huyện Phusan đã có 287 người bị chết vì bệnh này.
Năm 1965, nước sông Derwet ở Trandmania được cảnh báo bị ô nhiễm cadmi nặng vì
các con sò ở vùng này chứa hàm lượng cadmi cao. Người nào ăn những con sò đó đều bị
nôn mửa. Ở Hà Lan có ít nhất 7.000 khu vực bị ô nhiễm bởi cadmi, natri phosphat. Các
loại rau trồng trong các khu vực đó đã tích tụ cadmi với hàm lượng cao, làm mỗi người
dân ở đây phải hấp thụ đến 150 - 350 microgam (tiêu chuẩn vệ sinh cho phép của Tổ
chức Y tế thế giới là 60 - 70 microgam/ngày).
Viện Quốc tế Quản lý nước (IWMI) đã tiến hành khảo sát đất và tài nguyên nước tại
vùng Phra That Phadaeng và Mae Tao ở khu vực lòng chảo Huay Mac Tao (thuộc huyện
Mac Sot, tỉnh Tak, Thái Lan) và kết luận: vùng này bị ô nhiễm cadmi hết sức nặng nề.
IWMI cho biết trên 154 ruộng lúa của 8 làng trong khu vực đều bị nhiễm cadmi cao (trên
94 lần so với tiêu chuẩn an toàn quốc tế). Cụ thể, gạo ở khu vực này đã chứa từ 0,1 đến
44mg/kg, cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn an toàn lương thực là 0,043mg/kg gạo. Ngoài ra,
tại khu vực này, các loại rau như tỏi, đậu nành cũng đều chứa hàm lượng cadmi cao hơn
từ 16 đến 126 lần so với tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm của Thái Lan, trong 1.180 triệu tấn gạo sản xuất tại huyện
Mac Sot có đến 91% bị tích tụ cadmi, trong đó có 130 triệu tấn là không an toàn lương
thực. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã công bố loại gạo nổi tiếng
Hương Lài (Jasmine) của vùng Phra That Phadaeng thuộc huyện Mac Sot, tỉnh Tak của
nước này (từng đoạt giải thưởng trong nước các năm 2002-2003), đã chứa hàm lượng
cadmi ở mức không thể chấp nhận được. IWMI dự báo nạn ô nhiễm gạo bởi cadmi đã
ảnh hưởng đến 50.756 cư dân thuộc 8 làng trong khu lòng chảo nói trên và 106.413 cư
dân ở huyện Mac Sot - những người trực tiếp tiêu thụ lương thực, thực phẩm từ các làng
nói trên. Giám đốc Bệnh viện Sae Sol (Thái Lan) cho biết: qua hai vòng xét nghiệm,
trong tổng số 1.850 cư dân địa phương, đã xác định 142 người bị nhiễm cadmi quá quy
định, trong đó, 5 người có vấn đề về bệnh thận. Đến ngày 17/1/2004, tờ báo The Nation
của Thái Lan lại tiếp tục đưa tin là Viện Quản lý nước của quốc gia này đã cho biết ở tỉnh
Tak có 110.000 người có nguy cơ bị nhiễm độc cadmi. Sau khi thâm nhập vào cơ thể,
cadmi tác động đến thận đầu tiên, gây rối loạn hoạt động của thận và gây ung thư thận.
Ngoài ra, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi chiếm tỷ lệ khá cao ở nhóm người
thường xuyên tiếp xúc với cadmi. Cadmi sau khi vào cơ thể cũng sẽ loại bỏ canxi trong
xương, gây bệnh loãng xương, rạn xương làm xương bị giòn và dễ gãy, gây ra tư thế
còng lưng.
Người ta ước tính, tổng lượng cadmi đổ vào đại dương lên tới 8.000 tấn/năm; trong đó,
một nửa có nguồn gốc từ hoạt động của con người. Cadmi thường tích tụ với hàm lượng
cao ở các loài thuỷ sản, nhất là tôm, cua, mực thẻ, bạch tuộc (hàm lượng cadmi ở chúng
cao hơn cá). Trên động vật, thận và gan là cơ quan chứa cadmi cao nhất. Theo các
chuyên gia Ba Lan, những tiêu chuẩn liên quan đến các kim loại nặng, nhất là cadmi và
chì đã vượt gần 100 lần. Nói chung, nồng độ cao của cadmi (từ 27,7 đến 422mg/kg) và
của thuỷ ngân (từ 0,4 đến 191mg/kg) cũng đã tìm thấy ở các động vật có xương sống
vùng Nam Cực (hải cẩu, cá heo…). Ở Tây Ban Nha, vào mùa hè năm 1988, người ta đã
tiến hành kiểm tra hàm lượng cadmi, thuỷ ngân và chì trong 31 loài cá, nhuyễn thể và
giáp xác lấy mẫu từ 25 trạm ở dọc bờ biển Địa Trung Hải. Qua kiểm tra, hàm lượng
cadmi ở loài vẹm ăn được Mytilus gallo provincialis đã tăng gấp 6 lần, ở các loài cá đối
hàm lượng kim loại nặng tăng lên 30 lần và có thể gây nhiễm độc cho người qua chuỗi
thức ăn (kết quả được công bố năm 1994). Ở nhiều quốc gia, nguồn nước uống bề mặt,
nước uống lấy từ vòi nước cũng bị ô nhiễm bởi cadmi và có thể gây nhiễm độc trực tiếp
cho người. Trước đây, tiêu chuẩn vệ sinh của cadmi đối với nước uống là 50
microgam/lit, nhưng từ năm 2003, được quy định lại là 25microgam/lit. Mỗi điếu thuốc
chứa 1,5 - 2 microgam cadmi và người hút sẽ hít phải 10% số lượng này. Mỗi ngày hút
một gói thuốc lá sẽ làm tăng gấp đôi lượng cadmi vào cơ thể và có thể gây ung thư phổi.
* Ô nhiễm chì: Kim loại nặng chì ở dạng muối như axetat chì, cacbonat chì… rất nguy
hiểm bởi độc tính của chúng rất cao. Ngoài việc dùng các muối chì để tạo ra các màu đẹp
trong pha sơn, pha xăng dầu, dùng làm chất màu trong công nghiệp sứ, nhuộm giấy
màu… chì còn được dùng để hàn các lon đựng đồ hộp. Chính chất thải của công nghiệp
sản xuất chì đã làm ô nhiễm đất, nước và không khí, rồi gây nhiễm độc cho người qua
dây chuyền lương thực và thực phẩm.
Chì khác các kim loại khác ở chỗ nó có mặt trong tất cả các đại dương trên thế giới với
hàm lượng cao. Từ 1961, người ta nhận thấy hàm lượng chì trong nước biển đã đạt tới
mức độ cao do hoạt động công nghiệp, giao thông vận tải của con người và gây ô nhiễm
cho hệ động - thực vật biển. Chẳng hạn năm 1986, khi tiến hành phân tích các loại hàu,
tôm, ốc, sò ở biển Hồng Kông, Trung Quốc đã phát hiện thấy chì, thuỷ ngân, thiếc,
antimon tăng lên liên tục trong các loài hải sản đó (hàm lượng chì cao nhất ở tôm cua, cá
đối và vẹm). Điều đó khiến người ta lo ngại khả năng gây nhiễm độc cho người bởi các
hải sản này chiếm vị trí quan trọng trong món ăn hàng ngày của người dân địa phương. Ở
vùng Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha cũng đã phát hiện 31 loài cá, nhuyễn thể, giáp
xác có chứa hàm lượng chì, cadmi và thuỷ ngân tăng lên 30 lần từ mùa hè năm 1994 và
có thể gây nhiễm độc cho người qua dây chuyền thực phẩm. Khi phân tích các lớp trầm
tích ở các hồ tại Thụy Điển, người ta đã thấy sự gia tăng lớp chì ở đáy hồ xảy ra vào thế
kỷ XIX và tăng nhanh trong thế kỷ XX do việc sử dụng xăng pha chì đạt mức cao nhất
vào năm 1970. Vì vậy, nước hồ và các loại thuỷ sản ở đây đã bị ô nhiễm bởi chì.
Vào đầu thập kỷ 80, nhiều trẻ em ở Paris (Pháp) mắc một chứng bệnh rất giống nhau mà
các bác sĩ nghi ngờ là do hội chứng rối loạn tiêu hoá. Kết quả kiểm tra dịch tễ học thực
hiện tại Bệnh viện Troussean năm 1985 đã phát hiện một hiện tượng đáng sợ: hàm lượng
chì trong máu của 2.600 trẻ em cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO). Nguyên nhân nhiễm độc chì ở trẻ em Pháp là do các em hay ăn những
mảnh sơn tường nhà bị bong ra có vị ngọt. Bởi, sơn tường nhà chứa những hạt trắng, đó
là axetat chì. Cứ ăn một mảnh sơn tường nhà hơi ngọt cơ thể các em sẽ hấp thụ 5.000mg
chì mà khi vào ruột, dưới tác động của dịch vị, chúng sẽ chuyển thành clorua và gây
nhiễm độc. Ở thành phố Pritsbone của Australia, nhiều trẻ em bị nhiễm độc chì do ăn
phải sơn tường cũng đã được xác nhận. Ở Mỹ, theo điều tra, có đến 42 triệu nhà quét sơn
tường có pha chì. Cuộc xét nghiệm tiến hành trong các năm 1976 đến 1980 cho biết mỗi
năm người ta phát hiện thêm 40.000 trẻ em (từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi) bị nhiễm độc chì
với hàm lượng cao hơn 3.000 microgam/lít máu do ăn những mảnh sơn tường.
Tác động gây nhiễm độc của chì qua nước uống đã được biết rõ. Ở Lyon (Pháp), trong
năm 1989, nhiều ca nhiễm độc chì đã được chẩn đoán ở những ngôi nhà vẫn còn sử dụng
hệ thống ống dẫn nước bằng chì. Nhiều ca nhiễm độc chì như vậy cũng đã xảy ra ở Anh,
nhất là ở đô thị Glasgow. Năm 1991, ở nước Mỹ vẫn còn 32 triệu người được cấp phát
nước bởi 130 - 660 hệ thống dẫn nước mà hàm lượng chì trong nước uống vượt tiêu
chuẩn cho phép là 15ppb gây ra nhiều trường hợp nhiễm độc. Ở nước ta, hầu hết các
thành phố vẫn còn sử dụng một phần hệ thống dẫn nước bằng chì. Sự nhiễm độc chì
thường không biểu hiện bằng các dấu hiệu lâm sàng rõ rệt. Chì ảnh hưởng tới sự tổng hợp
hemoglobin trong máu, làm cản trở sự vận chuyển oxi trong máu và có thể dẫn đến sự
thiếu máu. Nó cũng gây ảnh hưởng đến sự chuyển hoá của tế bào, sự dẫn truyền thần
kinh cũng như khả năng khử độc của gan, làm suy giảm trí tuệ người lớn. Điều ít được
biết là chì làm tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai. Chì ở liều lượng thấp cũng ngăn cản sự
phát triển sinh lý và trí tuệ của trẻ sơ sinh và trẻ em. Liều độc của axetat chì là 1mg và
của cacbonat chì là 2 - 4g đối với người lớn. Việc điều trị nhiễm độc chì rất phức tạp, tỷ
lệ khỏi bệnh rất thấp.
* Ô nhiễm thuỷ ngân: Ở Nhật Bản, vào năm 1939, nhà máy Chisso đã đổ xuống vịnh
Minamata một khối lượng chất xúc tác phế thải chứa thuỷ ngân và kim loại nặng. Khối
lượng phế thải này bị dìm xuống đáy vịnh, không bị biến đổi làm cho nước vịnh và các
loài hải sản sống trong vịnh bị ô nhiễm thuỷ ngân nặng. Trong khi đó, con người, động
vật và chim ở đây không hay biết, vẫn ăn hải sản từ vịnh. Đầu tiên vào năm 1950, người
ta quan sát thấy những con chim hải âu khi bay tự nhiên đâm đầu vào tường nhà hay dây
điện, rồi xuất hiện những con mèo có dáng đi như nhảy múa và có những cơn điên. Ít lâu
sau hiện tượng đó, một căn bệnh quái ác xảy ra trong cộng đồng dân cư sống quanh vịnh
Minamata: những em bé sinh ra bị dị dạng. Chính thực phẩm từ hải sản của vịnh đã ảnh
hưởng đến sự sinh sản của con người. Thuỷ ngân mêtin đã tích tụ ở tổ chức thần kinh,
làm tổn thương chức năng não, gây ra rối loạn hành vi mà người Nhật gọi là bệnh
Minamata gây xôn xao dư luận thế giới. Từ năm 1975, ở vịnh Minamata đã có 3.500
người mắc bệnh đó (nhất là người nghèo thường ăn cá), những năm sau đã tăng lên đến
10.000 người mà vẫn chưa dừng lại.
Vùng biển Hồng Kông của Trung Hoa bị ô nhiễm nặng thuỷ ngân, cadmi và chì là do
chất thải của các nhà máy công nghiệp và hải sản ở đây chứa hàm lượng thủy ngân cao.
Việc ăn các loại hải sản của vùng biển bị ô nhiễm nặng được xem là nguyên nhân dẫn tới
sự tăng hàm lượng thuỷ ngân trong máu của cư dân địa phương. Khi nghiên cứu trên 150
cặp vợ chồng bị vô sinh và 26 cặp vợ chồng bình thường, các chuyên gia Trường Đại học
Trung Hoa ở Hồng Kông đã rút ra được kết luận: hàm lượng thuỷ ngân trong máu của
những cặp vợ chồng vô sinh khá cao, dẫn đến nguy cơ rối loạn sự sinh sản. Người ta
nhận thấy hàm lượng thuỷ ngân đặc biệt cao ở loài cá ngừ và cá kiếm cũng như vây cá
của các loài cá sống ở biển Hồng Kông. Dầu cá lấy từ cá sống ở vùng này cũng bị ô
nhiễm bởi thuỷ ngân.
Hồ nước ngọt rộng nhất ở vùng đồng bằng phía Bắc Trung Quốc Baiyangdian (cách Bắc
Kinh 100km), được gọi là “Viên ngọc sáng của Bắc Trung Quốc” cũng là nạn nhân của
thuỷ ngân, asen và crôm. Hồ và các loài thuỷ sản ở đây bị ô nhiễm kim loại nặng do sự
phát triển của công nghệ ở vùng này. Năm 1989, 143 tấn thuỷ ngân đã bị đổ vào các con
sông ở nước Cộng hoà Kazhihstan (thuộc Liên Xô) làm nước các con sông và các loài cá
bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm thuỷ ngân của các hồ nước ngọt là một hiện tượng quen thuộc ở
Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ và Canada. Mặc dù những hồ đó ở xa đô thị, nhưng nguồn lợi
thuỷ sản khai thác được tiêu thụ tại đây có thể nguy hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của
con người.
Việc đi tìm vàng bằng cách sử dụng muối thuỷ ngân để xử lý đất, bùn chứa vàng, tạo
thành một “hỗn hống” tức là một hợp kim với những hạt vàng, cũng gây ô nhiễm nặng nề
cho tài nguyên đất và nước. Để tách vàng ra, cần phải chưng cất thuỷ ngân. Thuỷ ngân
trong quá trình “hỗn hống hoá” đã làm ô nhiễm đất và nguồn nước các con sông. Người
ta tính rằng để có được 1kg vàng khai thác thì có đến 1,32kg thuỷ ngân thất thoát vào môi
trường. Ở Brazil đã có 650.000 người, ở Tandania và Inđônêxia mỗi nước 25.000 người
và ở Việt Nam đã có 150.000 người hay nhiều hơn thực hiện việc tìm vàng như vậy đủ để
thấy mức độ gây ô nhiễm như thế nào, nhất là đối với nước các con sông và nguồn lợi
thuỷ sản. Người ta tìm thấy thuỷ ngân trong những con cá ở sông ngoài vùng Amazon
của Brazil, các con sông ở Tandania, Inđônêxia và ở Việt Nam. Điều này đã làm cho biết
bao người sống ở hạ lưu vùng tìm vàng có nguy cơ bị nhiễm độc do ăn những con cá
chứa hàm lượng thuỷ ngân cao đó. Một sự kiện ở Canada đã tác động và làm xáo trộn đời
sống người da đỏ ở đây là dự án Hydro - Québec với những nhà máy bột giấy khổng lồ
dùng thuỷ ngân mêtin để sản xuất, tẩy trắng giấy. Hậu quả của nó là làm cho các con
sông ở vùng người da đỏ sinh sống bị nhiễm độc thuỷ ngân. Các loài cá, kiến đen - nguồn
thức ăn chính của họ bị nhiễm độc. Họ bị mắc bệnh run và rụng tóc. Một tờ báo ở Lisbon
- Bồ Đào Nha đã tiết lộ: “Tóc của các bà mẹ và trẻ em ở Camara de Labos, trên đảo
Madeira, có nồng độ thuỷ ngân vượt quá xa ngưỡng được quốc tế chấp nhận…”. Người
ta biết rằng thuỷ ngân là một chất độc đối nguy hiểm với hệ thần kinh, hệ sinh sản của
con người.
* Ô nhiễm nhôm: Ô nhiễm nhôm luôn là một vấn đề ám ảnh các nhà môi trường và các
nhà y học trên thế giới. Sự xâm nhập của nhôm vào cơ thể trong một thời gian dài đã làm
xuất hiện và phát triển sự suy thoái trí tuệ do lão suy não theo kiểu bệnh Alzheimer (bệnh
lú lẫn người già). Ở trạng thái tự nhiên, phần lớn các loại thực phẩm thường chứa dưới
5mg nhôm/kg. Tuy nhiên, một số thực phẩm như các loài ốc, rau húng, rau bina, đậu
lăng… là những thực phẩm chứa nhiều nhôm, đặc biệt như chè có thể chứa hàm lượng
nhôm lên đến 2g/kg. Từ những kết quả được tiến hành phân tích trên 200 loại thực phẩm,
bộ môn Môi trường và Y tế cộng đồng của Khoa Y học Nancy (Pháp) đã tính toán rằng
việc đưa lượng nhôm trung bình hàng tuần vào cơ thể là 30mg/kg thể trọng (bằng khoảng
7% liều hàng tuần được phép dung nạp - theo WHO).
Vậy thức ăn có vai trò gì không trong việc gây ô nhiễm nhôm cho con người qua dây
chuyền thực phẩm? Việc nấu thực phẩm trong dụng cụ bằng nhôm, nhất là khi các loại
thức ăn đó chứa các axit hữu cơ như cà chua, khế v.v… (nhất là ở nước ta có thói quen
nấu canh chua, xào dưa chua…) đã làm tăng lượng nhôm từ dụng cụ nấu vào thức ăn.
Một công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí New Scientist vào tháng 11/1993
tại Mỹ, cho biết tên 416 người già trên 65 tuổi hàng ngày được ăn bằng thức ăn nấu bằng
chảo nhôm có nguy cơ bị gãy xương háng và cổ xương đùi cao hơn hai lần do hiện tượng
mất chất khoáng trong các xương đó. Đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hiện tượng này
cũng được quan sát thấy ở những người bị ô nhiễm nhôm mà máu phải được làm sạch
kim loại bằng phương pháp thẩm tích. Các nghiên cứu đã cho thấy, sau khi hấp thụ vào
cơ thể, nhôm ưu tiên cố định trong xương với tỷ lệ 39% và loại trừ canxi gây ra chứng
loãng xương. Trong cơ, nhôm cũng chiếm tỷ lệ 39%, trong phổi 12% và trong não, máu,
gan, tim, lách, thận, ống tiêu hoá chiếm tỷ lệ 1%. Tuy nhôm xâm nhập vào não chỉ 1%
nhưng đã gây ra sự suy thoái não ở người lớn tuổi (bệnh lão suy não kiểu Alzheimer).
Trong Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 tổ chức vào năm 1998 về bệnh Alzheimer, hai nhà
nghiên cứu của Viện Y học Quốc gia và Nghiên cứu Y học INSERM của Pháp, đã công
bố kết quả về mối quan hệ giữa bệnh não kiểu Alzheimer trên 3.411 người từ 65 tuổi trở
lên sống ở vùng Gironde và Dordogne (Pháp), đi đến kết luận rằng: những người lớn tuổi
sống ở các vùng mà nước chứa hàm lượng nhôm cao trên 100mg/l thì có nguy cơ bị bệnh
suy não kiểu Alzheimer cao hơn hai lần. Nếu trong nước có một tỷ lệ oxit silic thì hình
như có một tác động làm giảm nguy cơ phát triển bệnh nói trên. Người ta giải thích rằng
phức hợp nhôm - silic trong nước được hấp thụ vào cơ thể kém hơn. Ngược lại độ toan
của nước uống hình như là yếu tố làm tăng sự xâm nhập của nhôm vào cơ thể. Khi nước
càng axit thì nguy cơ hấp thụ nhôm vào cơ thể càng tăng lên. Giáo sư Guy Berthon, Giám
đốc Phòng Thí nghiệm hoá học - sinh học vô cơ và y học của Touloues, Pháp giải thích
rằng: “Độ toan của môi trường làm tăng độ hoà tan của nhôm và nó vượt qua dễ dàng
hàng rào của ống tiêu hoá để có mặt nhiều hơn trong huyết tương”.
Bệnh nhân bệnh lão suy não kiểu Alzheimer ban đầu có những khó khăn trong diễn đạt
rồi xuất hiện những cử chỉ không kiểm soát được và những cơn động kinh. Không đầy 18
năm sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, kết cục bi thảm không tránh khỏi đã xảy
ra. Ở những bệnh nhân này, người ta thấy những rối loạn của chức năng thận, máu chứa
tỷ lệ nhôm cao gấp 20 lần so với bình thường, nghĩa là 20 microgam/lít. Trong thập kỷ 70
của thế kỷ trước, người ta nhận thấy những người bị thiểu năng thận và máu bị nhiễm độc
nhôm thì mắc bệnh lão suy não kiểu Alzheimer. Bệnh này ngừng lại khi máu được lọc
bằng phương pháp thẩm tích, khi làm cho hàm lượng nhôm từ 30mg/lit giảm xuống còn
10mg/lit. Những thực nghiệm được tiến hành bởi nhóm của G.Philippe Van den Bosch ở
Aguilar (Đại học Kitô giáo Louvrain, Bỉ) cho thấy khi cho chuột ăn nhôm trong 6 tháng
và sau đó nghiên cứu tập tính của chúng trong mê cung, các con chuột này phải mất hai
lần thời gian để tìm được lối ra so với các con chuột khác không cho ăn thêm nhôm. Giải
phẫu các con chuột đó đã phát hiện nhôm có mặt trong não, cố định tại sừng Ammon và
vỏ não là những vùng mà não tham gia vào quá trình ghi nhớ và tìm phương hướng. Một
số thí nghiệm khác trên chuột cũng cho thấy việc cho chúng ăn nhôm một cách kéo dài đã
dẫn tới hoại tử các tế bào hình sao (các tế bào của hệ thần kinh trung ương) ở não.
Vì sao nhôm lại được vận chuyển tới não? Thứ nhất, người ta cho rằng transferin là một
protein tuần hoàn trong huyết tương của máu chứa sắt để phân phối cho các cơ quan
trong cơ thể, đặc biệt là não. Nhôm đã bám vào transferin để đến não. Vì vậy, khi người
ta cố làm cho chuột thí nghiệm thiếu sắt thì nhận thấy hàm lượng nhôm trong não của
chúng càng cao hơn. Nguyên nhân thứ hai là một số axit amin như glutamic cũng được
khuyến cáo là chất vận chuyển nhôm đến não. Những sự việc trên cho thấy sự tích tụ
nhôm trong não đã làm gia tăng quá trình lão hoá não, gây hoại tử các tế bào hình sao của
não. Nhiều phẫu thuật não của những người bị bệnh lão suy theo kiểu bệnh Alzheimer
cho thấy sự có mặt của nhôm trong não, đó là những tổn thương đặc trưng của bệnh
Alzheimer.
Ô nhiễm nhôm cho người cũng có thể thông qua sữa. Một phóng viên y học của tuần báo
Anh The Observer (Người quan sát) ngày 20/11/1998 khẳng định rằng ở Anh sữa bột
dùng cho trẻ em đã bị ô nhiễm nhôm, đôi khi nhiều hơn sữa mẹ 100 lần làm cho trẻ sơ
sinh hấp thụ một lượng nhôm cao. Rất có thể sự tiếp xúc sớm và lâu dài kim loại nhôm
trong nhiều năm đầu tiên của đời sống đã ảnh hưởng đến sự suy thoái nhanh chóng trí tuệ
vào những năm cuối đời, nghĩa là dễ mắc bệnh Alzheimer. Vào cuối năm 1993, các nhà
chức trách Anh đã cho tiến hành một cuộc điều tra về sự ô nhiễm nhôm trong thực phẩm
của trẻ em và đã phát hiện ra hàm lượng nhôm rất cao trong một số loại sữa bột; trong đó,
có một số trường hợp cao gấp 500 lần so với hàm lượng trong sữa mẹ.
Ở Mỹ, người ta cũng đã nghi ngờ có sự ô nhiễm nhôm trong sữa bột. Năm 1989, người ta
đã mổ tử thi hai em bé và phát hiện hàm lượng nhôm rất cao ở não của hai em bé đó.
Những nghiên cứu khoa học tiến hành ở Mỹ tại các xí nghiệp sản xuất nhôm đã đi đến
kết luận: khi hít phải nhôm bụi vào phổi với thời gian dài cũng gây ra nguy cơ suy thoái
não theo kiểu bệnh Alzheimer. Việc xâm nhập nhôm vào cơ thể còn do các loại thuốc
chống toan để làm nhẹ các vết bỏng của dạ dày, cũng như các loại thuốc khử mùi mồ hôi
(như hôi nách) làm ngăn cản sự thoát mồ hôi. Các loại thuốc chữa bỏng dạ dày chứa các
loại muối nhôm có tác dụng trung hoà lượng axit tăng lên trong dạ dày. Những người
uống loại thuốc đó hàng ngày đã hấp thụ một lượng nhôm cao gấp 5 lần so với lượng
nhôm chứa trong thức ăn hàng ngày.
Năm 1996, một nghiên cứu lâm sàng về các loại thuốc chống toan đã cho thấy mối tương
quan giữa việc dùng thuốc băng vết loét dạ dày với sự có mặt của hàm lượng nhôm cao
trong não. Tháng 5/1988, một tạp chí nhi khoa ở Mỹ đã nói đến trường hợp một bé gái 9
tuổi bị chết vì bị suy thoái não. Trong thời gian mang thai em bé, người mẹ đã uống
khoảng 15g hydroxyt nhôm. Đến 9 tuổi, não em bé chỉ cân nặng được 650g, nghĩa là
bằng một nửa so với bình thường. Một nghiên cứu sau đó của phòng thí nghiệm độc chất
học và vệ sinh ứng dụng của Khoa Dược học ở Bordeaux (Pháp) đã cho thấy trên chuột,
nhôm đã vượt qua hàng rào nhau thai và tích tụ lại trong não của bào thai. Những loại
thuốc khử mồ hôi làm hạn chế sự bài xuất mồ hôi phần lớn chứa khoảng 20% clorua
nhôm. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhóm nghiên cứu của giáo sư Edmond Creppy,
phòng thí nghiệm độc chất hoá học và vệ sinh ứng dụng của Khoa Dược học ở Bordeaux
(Pháp) cũng cho thấy trên chuột, nhôm hấp thụ qua da và xâm nhập dễ dàng vào cơ thể
khi uống, gây ra sự có mặt của nhôm trong máu, nước tiểu và não. Năm 1990, một nghiên
cứu dịch tễ học ở Mỹ đã phát hiện mối tương quan dương tính giữa nguy cơ xuất hiện
bệnh Alzheimer và việc sử dụng kéo dài loại thuốc khử mồ hôi.
Nhìn chung, ô nhiễm lương thực và thực phẩm bởi các kim loại nặng là khá nghiêm
trọng. Các hoạt động của con người, hoạt động của các ngành công nghiệp, nông nghiệp,
giao thông vận tải đã tác động mạnh mẽ đến môi trường đất, nước, không khí và sinh vật,
từ đó gây ô nhiễm lương thực, thực phẩm. Vì thế, cần tăng cường công tác đảm bảo chất
lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và mỗi người chúng ta cần phải có ý thức hơn, hành
động tích cực hơn trong công tác bảo vệ môi trường sống./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- an_toan_hoa_chat_37_0104.pdf