Nhà nước pháp quyền đích thực

Trong nội dung dân chủ của một thể chế cộng hòa, thì để cho độc lập có một ý

nghĩa thiết thực trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân khi mà về

danh nghĩa, họ là người chủ của đất nước thì quyền làm chủ ấy phải được thể chế

hóa bằng pháp luật.

LTS: Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một

trong những điều kiện và môi trường tiên quyết của một quốc gia tiến hành công

nghiệp hóa, hiện đại hóa và một xã hội phát triển tiên tiến. Đó là Nhà nước quản lý

xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi vi

phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do dân chủ, đặc biệt

là quyền tự do kinh doanh và lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tuỳ

tiện lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, đồng thời

ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, thiếu kỷ cương. Đó là Nhà

nước mà mọi tổ chức, hoạt động phải dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật,

chịu trách nhiệm trướccông dân về mọi hoạt động của mình.

pdf13 trang | Chia sẻ: maiphuongzn | Lượt xem: 1214 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Nhà nước pháp quyền đích thực, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nhà nước pháp quyền đích thực Trong nội dung dân chủ của một thể chế cộng hòa, thì để cho độc lập có một ý nghĩa thiết thực trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân khi mà về danh nghĩa, họ là người chủ của đất nước thì quyền làm chủ ấy phải được thể chế hóa bằng pháp luật. LTS: Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những điều kiện và môi trường tiên quyết của một quốc gia tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một xã hội phát triển tiên tiến. Đó là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh và lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tuỳ tiện lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, thiếu kỷ cương. Đó là Nhà nước mà mọi tổ chức, hoạt động phải dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình. Quốc khánh năm nay, đánh dấu 65 năm lập quốc, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của GS Tương Lai vừa gửi tới có tựa đề: Để có nhà nước pháp quyền đích thực để bạn đọc cùng thảo luận. Độc lập là điều kiện để giành Tự do, Dân chủ là tiền đề của Tự do Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945 dẫn ra câu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, của loài người. Và đó cũng là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh. Vì khát vọng đó, Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho tự do của con người, trước hết là người Việt Nam trên đất nước thân yêu của mình. Bởi vì, với Hồ Chí Minh, "trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do" [Nhật ký trong tù]. Và để có tự do, thì trước hết là phải giành lại độc lập cho Tổ quốc, giành lại quyền dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Độc lập là điều kiện để giành Tự do. Và Dân chủ là tiền đề của Tự do. Phải từ cái logic ấy mới hiểu được, vì sao Hồ Chí Minh mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 bằng những "lời bất hủ"1 [từ dùng của Hồ Chí Minh] trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, và tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Có thể đó là một sách lược chính trị, đặt cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc ra đời nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên một quốc gia đã gần 100 năm bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào trong bình diện quốc tế để xác lập vị thế của Việt Nam trên bình diện quốc tế đó. Quả có chuyện ấy. Song, điều lớn hơn cần phải nói rõ, chính "những quyền không ai có thể xâm phạm được" của con người mới là mục đích tối hậu mà Hồ Chí Minh hướng tới. Là một chiến sĩ cách mạng từng trải đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, cũng đã từng nhiều năm sống trên quê hương của Cách mạng Pháp 1791 và Công xã Paris, cũng như đã nhiều năm có mặt trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười với nhà nước Xô Viết hùng mạnh, vốn được những người cách mạng xem là thành trì bất khả xâm phạm thậm chí là "thiên đường trên trái đất", Hồ Chí Minh đã thấy được và cảm nhận được những mặt trái của tấm huân chương mà có thể những người chưa có trải nghiệm không thể thấy được, hiểu được. Hơn nữa, với tầm nhìn của một nhà văn hoá lớn, am hiểu sâu sắc triết lý và văn hoá phương Đông và truyền thống văn hóa dân tộc mình, lại từng tiếp thu tinh hoa của nền văn minh phương Tây mà Người đã có nhiều năm tiếp xúc, học hỏi, để rồi gắn kết với bản lĩnh và tri thức cách mạng, Hồ Chí Minh cảm nhận sâu sắc những vấn đề cơ bản nhất, thiết yếu nhất đồng thời cũng là sâu xa nhất mà cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 phải hướng tới. Với Bác Hồ, giành độc lập cho đất nước là điều kiện tiên quyết để tiến tới thực hiện những mục tiêu của cách mạng. Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động với nắm đất của Tổ quốc trên tay, rồi những lời "dặn lại công việc" khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: "lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả giải Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", cho đến khi đọc Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, v.v.. cuối cùng là Di chúc với "điều mong muốn cuối cùng", càng hiểu rõ tầm nhìn và khát vọng của Hồ Chí Minh. Trước hết, phải giành cho được độc lập. Nhưng độc lập chưa phải là cái đích cuối cùng, mà mới chỉ là điều kiện tiên quyết để thực hiện những mục tiêu khác của cách mạng, mà xét đến cùng là nhằm thực hiện "những quyền không ai có thể xâm phạm được" mà Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp nêu lên. Những vấn đề của "nhân quyền" và "dân quyền" là vấn đề chung của con người, của loài người, và "nhân quyền" cũng như "dân quyền" của Việt Nam cũng không nằm ngoài vấn đề chung đó, vì Việt Nam không phải là dân tộc ở "ngoài hành tinh" vừa nhập cuộc, Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của loài người, của thế giới mà loài người đang sống! Cho nên, ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì"1. Phải đấu tranh mà giành lấy! Giành độc lập đã khó, nhưng đem lại được dân chủ đích thực, tự do thật sự, hạnh phúc cụ thể cho mỗi người dân là chuyện khó hơn rất nhiều. Bằng sự trải nghiệm của mình từ thực tế của những năm sống trên đất nước Xô Viết dưới thời Stalin, những hiểu biết về cuộc tranh giành quyền lực trên đất nước Trung Quốc, sự hiểu biết về nhiều nước phương Tây, Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng "cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi " cho dân tộc mình, nhân dân mình sẽ là một "cuộc chiến đấu khổng lồ". Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ ấy Hồ Chí Minh hiểu rõ cần "phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"2. Phải là cuộc chiến đấu khổng lồ bởi lẽ "những gì đã cũ kỹ, hư hỏng" sẽ chống lại quyết liệt và là lực cản ghê gớm cho sự xuất hiện "những cái mới mẻ, tốt tươi". Dân chủ và tự do không thể là ân huệ được ban phát mà là phải đấu tranh để giành lấy. Đấu tranh với ai ? Với "những gì đã cũ kỹ, hư hỏng", ở đây là căn bệnh trầm kha của quyền lực. Đó là căn bệnh của nhà nước trên toàn thế giới. Chẳng thế mà, mở đầu cho "Khế ước xã hội" ra đời năm 1762 đánh dấu một cột mốc lớn trong tư duy của con người tự nhận thức về quyền làm người của mình, J.J Rousseau phẫn nộ tuyên bố: "Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp". Để bẻ gãy sự cùm kẹp đó, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng tám 1945, tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại mọi thế lực xâm lược đến từ mọi hướng, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiền đề quyết định để đấu tranh cho dân chủ và tự do của con người. Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là công cụ cực kỳ thiết yếu để thực hiện cuộc đấu tranh ấy. Vì một lẽ đơn giản: nơi nào không có pháp luật, nơi nào Hiến pháp bị coi nhẹ hoặc không được thực thi, nơi ấy không có tự do, nơi ấy "con người lại bị cùm kẹp"! Nói cụ thể hơn, trong nội dung dân chủ của một thể chế cộng hòa, thì để cho độc lập có một ý nghĩa thiết thực trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân khi mà về danh nghĩa, họ là người chủ của đất nước thì quyền làm chủ ấy phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Chỉ như thế thì dân mới có thể dựa vào đó để đấu tranh cho dân chủ và tự do, khiến cho nó không chỉ là những khẩu hiệu suông mà thể hiện trong thực tế, hiện diện trong cuộc sống thường nhật của họ. Có nhận thức như vậy mới hiểu tại sao ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ ngày 3.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ"! Tập quán cai trị và thuần phục nhân dân làm sai lệch nhà nước pháp quyền Gần hai phần ba thế kỷ, thời gian đủ để kiểm nghiệm độ chính xác và sự tường minh của một tư tưởng. Vì đó là chân lý. Mà chân lý thì luôn luôn đơn giản. Song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân. Mà gian truân nhất là phải phân biệt cho được chân lý với cái na ná như chân lý khiến đôi khi người ta ngộ nhận một cách chân thành, đầy sự sùng kính! Nguy hại của sự "na ná" ấy thật khó lường! Mặc dầu, xét đến cùng, chân lý nằm chính ngay trong quá trình nhận thức. Bởi vậy, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề phải có một hiến pháp dân chủ, 65 năm đã trôi qua vấn đề Hiến pháp nói riêng và nhà nước pháp quyền nói chung vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra. Như đã nhắc đến trong bài trước, mới gần đây thôi, cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An nhận xét rằng: "chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác..." Mà chưa đạt yêu cầu thể hiện trên nhiều vấn đề, song có một vấn đề then chốt nhất chính là "Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào". Ấy vậy mà, theo ông cựu Chủ tịch Quốc hội thì "bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước", điều này thì Hiến pháp năm 1946 đã ghi rõ. Thế nhưng, cũng theo ông An, "Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó".Và rồi, "Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung sau này (1959, 1980, 1992) là theo khuôn mẫu của cộng hòa Xôviết, nó không gần với những khuôn mẫu chung của thế giới và có một số quy định cốt lõi lại xa rời với Hiến pháp năm 1946"9. Thực trạng đó cho thấy sự lúng túng và nhất quán trong nhận thức về lý luận cũng như cách triển khai trong thực tế vấn để sửa đổi và xây dựng Hiến pháp đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, một trong những vấn đề có ý nghĩa then chốt của nhà nước pháp quyền phải được thể hiện trong Hiến pháp là pháp quyền ở trên nhà nước thì vẫn chưa thật tường minh. Một biểu hiện khác là sự trì kéo của tập quán và thói quen đã định hình trong lối sống của một xã hội quen sống bằng lệ hơn bằng luật, ưa chuộng thư tay và nghị quyết hơn là sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Chính cái đó làm trầm trọng thêm những di lụy của thói gia trưởng dẫn đến sự phán xét, ban phát tùy tiện, xem luật công như phương tiện phát huy và phục vụ cho lệ tư, lợi tư. Chính những điều ấy đẩy tới những yếu kém trong tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội. Về phía dân, người chịu sự quản lý của nhà nước, thì cùng với ý thức về kỷ cương phép nước chưa trở thành một nhu cầu tự thân là tâm lý thuần phục, đợi chờ sự ban phát từ nhà nước và dễ thỏa mãn với khuôn khổ hạn hẹp được ban phát ấy. Bối cảnh thư lại hàng ngàn năm được gia cường bằng "mô hình xa lạ với chủ nghĩa xã hội" [Phạm Văn Đồng] nhiều khuyết tật trước đây. Hai yếu tố này lại góp phần làm nên tập quán cai trị và thuần phục thần dân trong vô thức của cả phía công quyền và công dân, tạo biến tướng sai lệch trong nhận thức về nhà nước pháp quyền. Rõ ràng là không phải dễ để nhận thức được "pháp quyền" chính là quyền và lợi của con người, ở đây là người công dân, được thể chế hoá và bảo đảm thực hiện bằng nhà nước. Nhà nước pháp quyền là một bộ máy quyền lực được nhân dân bầu chọn mà quyền lực có được là quyền lực uỷ thác chứ không phải là quyền lực của một nhà nước truyền nối hoặc tự phong! Bởi vậy, nhà nước pháp quyền cần đến một hệ thống pháp lý đặc trưng, đương nhiên cũng cần đến những con người đặc trưng, cả ở nhân sự công quyền lẫn con người công dân. Có như vậy thì mới thanh toán được tận gốc kiểu tư duy cai trị vốn đã cắm rễ rất sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội và trong bộ máy công quyền. Biểu hiện dễ thấy nhất là trong không ít người nắm quyền lực không thực hiện được điều mà Bác Hồ căn dặn cán bộ là công bộc của dân. Câu nói chua chát cơ quan "hành chính"nghĩa là cơ quan "hành dân là chính" là sự phản ánh một thực tế người dân đang phải trải nghiệm. Quả là quá quen thuộc về chuyện người ta thường xuyên nói đến câu "cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân", thậm chí có nơi trang trọng đóng khung và treo lên tường nhưng không thể hiện nó trong việc làm. Về điều này thì Bác Hồ đã từng cảnh báo từ rất lâu rồi: "Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hóa ra là bùa của thầy cúng!"3 . Liệu có phải điều này có gốc gác từ tư duy lý luận của một thời chỉ nhấn mạnh bản chất giai cấp của nhà nước, đề cao chức năng chuyên chính và coi nhẹ chức năng phục vụ? Cũng như vậy là cách hiểu nhà nước hiển nhiên sở hữu toàn bộ quyền lực, mà không thấy đó là quyền lực được uỷ nhiệm! Từ đó nảy sinh thái độ ban phát, quan hệ xin - cho trong hành xử công quyền, mà không phải là sự đương nhiên thực thi các nghĩa vụ quyền lực đối với những người đã uỷ nhiệm cho mình. Thêm vào đó, cách nói thường xuyên và phổ biến là "đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng" được hiểu chưa đầy đủ, chưa thấu đáo vô hình chung làm lu mờ tính pháp quyền đích thực của Nhà nước và đồng thời làm yếu vai trò lãnh đạo của Đảng tiền phong, mặc dầu nghị quyết của Đảng đã từng chỉ ra hết sức đúng đắn là "Đảng lãnh đạo chứ không làm thay nhà nước"! Cùng với nó, sự phân công các thành phần quyền lực nhà nước dù đã có nhưng việc thực thi sự phân công ấy lại kém thực chất và kém hiệu quả. Khả năng, hoạt động của từng thành phần quyền lực vẫn chưa đúng và đủ tầm mức với vai trò, chức năng của nó trong nhà nước pháp quyền. Nếu dõi sâu vào ngọn nguồn thì chính là tư duy pháp lý đang dẫn dắt hoặc chi phối hoạt động của bộ máy nhà nước hiện vẫn là tính nguyên lý mặc định đối với cơ quan quyền lực và các phán truyền quyền lực. Điều này thể hiện ở việc pháp quy thường giành lợi thế cho phía công quyền, đẩy sự thất thế về phía công chúng và đối tác khác. Một biểu hiện nữa là trong quan hệ tư pháp, các định chế tư pháp quyền lực giữ vị thế mặc nhận cao hơn các định chế tư pháp không quyền lực và các đối tượng tư pháp, trong khi các định chế tư pháp vẫn chưa đủ trưởng thành để thật sự tồn tại bình đẳng với nhau. Đến lượt nó, điều này lại làm cho các định chế ấy càng chậm trưởng thành. Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ chưa được vận hành một cách đồng bộ. Mặt khác, chất lượng của luật chưa cao cũng tạo nên những hạn chế đối với nhà nước pháp quyền khi mà nhà nước pháp quyền cần đến một hệ thống pháp lý đặc trưng. Để vận hành hệ thống ấy, cần đến những con người đặc trưng, cả ở nhân sự công quyền lẫn con người công dân. Với sự nghiệp Đổi Mới, chất và lượng con người vận hành và tồn tại trong nhà nước pháp quyền đã có những mặt được nâng lên, nhưng vì nhận thức về nhà nước pháp quyền còn thấp nên chưa tạo nên một tiền đề vững chắc. Căn bệnh "nhà nước gọi thêm nhà nước" Trong điều kiện như vậy, khi chưa có được cơ chế tổ chức thật sự khoa học, các căn bệnh xuất phát từ quyền lực đã có chiều hướng phát triển, tạo nguy cơ định hình cả một thứ đạo đức chính trị phi đạo đức, một thứ văn hóa chính trị phi văn hóa; nguy cơ định hình một tầng lớp thư lại mới tự phát gắn liền với quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế trái ngược với những chuẩn mực pháp quyền. Để hiểu kỹ hơn vấn đề này, xin nêu lên một nhận định mang ý nghĩa tổng kết: tổng hợp nhiều công trình nghiên cứu, các học giả phương Tây đã vạch ra 7 khuyết tật của nhà nước, trong đó đứng đầu là xu hướng tự bành trướng của nhà nước. Đó là hiện tượng phổ biến được đặt tên là "Nhà nước gọi thêm Nhà nước". Bộ máy nhà nước của ta cũng không nằm ngoài thực trạng đó! Biên chế của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của ta cũng đã phình to lên mãi, vừa "biên giảm" được chỗ này lại phình ra ở chỗ khác. Quả thật đây là một dạng khá điển hình của hiện tượng "nhà nước gọi thêm nhà nước" ấy. Đây là một căn bệnh trầm kha của quyền lực và là thảm họa của người dân không chỉ riêng ở ta! Xin kết thúc bài viết bằng lời cảnh báo của cựu tổng thống Nelson Mandela, vị anh hùng dân tộc của nhân dân Nam Phi: "Chúng ta chưa có tự do. Chúng ta mới có điều kiện để đấu tranh giành tự do"! Từ việc tạo ra điều kiện đến việc dựa vào điều kiện đã được tạo ra đó để biến khát vọng dân chủ và tự do thành hiện thực phải là một "cuộc chiến đấu khổng lồ", đòi hỏi phải "động viên, tổ chức và giáo dục toàn dân" nhằm dựa vào "lực lượng vĩ đại của toàn dân" đấu tranh chống lại "những gì đã cũ kỹ, hư hỏng" cản trở dân chủ và tự do! Trong dịp kỷ niệm 65 năm Quốc khánh 2.9 năm nay, gợi lại những ý tưởng lớn ấy là một dịp để thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó chú ý nhắc lại tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền có một ý nghĩa thiết thực từ bối cảnh mới của tình hình kinh tế và xã hội với nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra. ________________________ * Tiêu đề phụ do Tuần Việt Nam tự đặt 1. Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 4. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.56 2. Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 12. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr 505 3. Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.305 * Trong bài này đã nhắc lại một số ý tôi đã viết ở Lời Giới thiệu cuốn sách của Ts Lê Tuấn huy "Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền Việt Nam" NXB Tổng hợp. TpHCM. 2006

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf127_9384.pdf
Tài liệu liên quan