Đẩy mạnh xuất khẩu là chủ trương kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là một trong những biện pháp quan trọng để mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần giải quyết việc làm cho xã hội, tạo nguồn dự trữ ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì việc lựa chọn mặt hàng và thị trường xuất khẩu là hết sức quan trọng.
Ngành dệt may có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vừa cung cấp hàng hóa tiêu dùng trong nước vừa tạo điều kiện mở rộng thương mại quốc tế, thu hút nhiều lao động và là một trong những ngành thu được lượng ngoại tệ lớn thông qua xuất khẩu. Xuất khẩu hàng dệt may của nước ta trong hơn thập kỷ qua đã thu được kết quả đáng kể, kim ngạch xuất khẩu hàng năm ngày càng tăng, chủng loại hàng xuất đa dạng, phong phú, thị trường được mở rộng, đặc biệt là những thị trường có tiềm năng lớn và vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).
Liên minh châu Âu là một tổ chức khu vực lớn nhất thế giới hiện nay, là một trong ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản, EU), với việc kết nạp 10 thành viên mới vào tháng 5/2004, hiện nay EU có 25 nước thành viên và trong tương lai sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Kể từ khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng đồng châu Âu ngày 22/10/1990, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU không ngừng phát triển. Chính phủ Việt Nam xác định EU là thị trường lớn và có nhiều triển vọng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường EU. Kể từ khi hai bên ký Hiệp định thương mại ngày 15/12/1992, kim ngạch xuất khẩu hàng năm hàng dệt may nước ta sang EU tăng với tốc độ cao. Ngày 3/12/2004, Việt Nam và EU đã ký thỏa thuận về việc tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam được xuất khẩu tự do vào thị trường EU kể từ 1/1/2005. Thỏa thuận này sẽ tạo cho hàng dệt may Việt Nam có được cơ hội bình đẳng với các nước thành viên WTO khi tiếp cận thị trường EU, ngành dệt may Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường rộng lớn này.
Mặc dù không bị hạn chế bởi hạn ngạch, nhưng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU phải cạnh tranh gay gắt với hàng của những nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ Mặt khác, EU là một thị trường rộng lớn nhưng hết sức khắt khe, khó tính, đòi hỏi hàng xuất khẩu nước ta nói chung, hàng dệt may nói riêng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao mới có thể thâm nhập và đứng vững trên thị trường này. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do để tác giả chọn vấn đề " Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn hiện nay " làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
119 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1024 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Luận văn Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đẩy mạnh xuất khẩu là chủ trương kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là một trong những biện pháp quan trọng để mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần giải quyết việc làm cho xã hội, tạo nguồn dự trữ ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì việc lựa chọn mặt hàng và thị trường xuất khẩu là hết sức quan trọng.
Ngành dệt may có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vừa cung cấp hàng hóa tiêu dùng trong nước vừa tạo điều kiện mở rộng thương mại quốc tế, thu hút nhiều lao động và là một trong những ngành thu được lượng ngoại tệ lớn thông qua xuất khẩu. Xuất khẩu hàng dệt may của nước ta trong hơn thập kỷ qua đã thu được kết quả đáng kể, kim ngạch xuất khẩu hàng năm ngày càng tăng, chủng loại hàng xuất đa dạng, phong phú, thị trường được mở rộng, đặc biệt là những thị trường có tiềm năng lớn và vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).
Liên minh châu âu là một tổ chức khu vực lớn nhất thế giới hiện nay, là một trong ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản, EU), với việc kết nạp 10 thành viên mới vào tháng 5/2004, hiện nay EU có 25 nước thành viên và trong tương lai sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Kể từ khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng đồng châu âu ngày 22/10/1990, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU không ngừng phát triển. Chính phủ Việt Nam xác định EU là thị trường lớn và có nhiều triển vọng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường EU. Kể từ khi hai bên ký Hiệp định thương mại ngày 15/12/1992, kim ngạch xuất khẩu hàng năm hàng dệt may nước ta sang EU tăng với tốc độ cao. Ngày 3/12/2004, Việt Nam và EU đã ký thỏa thuận về việc tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam được xuất khẩu tự do vào thị trường EU kể từ 1/1/2005. Thỏa thuận này sẽ tạo cho hàng dệt may Việt Nam có được cơ hội bình đẳng với các nước thành viên WTO khi tiếp cận thị trường EU, ngành dệt may Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường rộng lớn này.
Mặc dù không bị hạn chế bởi hạn ngạch, nhưng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU phải cạnh tranh gay gắt với hàng của những nước khác như Trung Quốc, ấn Độ… Mặt khác, EU là một thị trường rộng lớn nhưng hết sức khắt khe, khó tính, đòi hỏi hàng xuất khẩu nước ta nói chung, hàng dệt may nói riêng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao mới có thể thâm nhập và đứng vững trên thị trường này. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Đó cũng là lý do để tác giả chọn vấn đề " Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn hiện nay " làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
ở nước ta những năm gần đây đã có một số công trình, bài viết xung quanh vấn đề này, tiêu biểu như: PGS.TS. Vũ Chí Lộc: Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường châu âu, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004; Bộ Thương mại: Thị trường hàng dệt, may thế giới và khả năng xuất khẩu của Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học, mã số 98-78-006; TS. Nguyễn Xuân Thắng: Thị trường EU và một số vấn đề đặt ra đối với chiến lược xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: "Thị trường EU và các yêu cầu của thị trường EU đối với xuất khẩu của Việt Nam", Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, 11/2001; ThS. Nguyễn Thu Thủy: Ngành dệt may - xuất khẩu Việt Nam với các thách thức mới, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 3(65), 2000; TSKH. Trần Nguyễn Tuyên: Thực trạng và triển vọng phát triển quan hệ kinh tế EU - Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 6(98), 2004; Từ Thanh Thủy: Mười năm quan hệ thương mại Việt Nam - EU, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, số 2(64), 2000...
Các công trình, bài viết nói trên đã tiếp cận dưới những góc độ khác nhau cả về mặt lý luận và thực tiễn hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu hàng dệt may nói riêng. Song cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị để đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU, đặc biệt trong điều kiện hàng dệt may Việt Nam được tự do xuất khẩu vào thị trường EU kể từ 1/1/2005. Vì thế, đề tài luận văn này không trùng lặp với các công trình, bài viết đã công bố và vẫn cần thiết, có tính thời sự cấp bách.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích của đề tài
Tiếp tục làm rõ một số vấn đề lý luận và phân tích thực trạng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU, qua đó đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian tới.
- Nhiệm vụ của đề tài
+ Làm rõ một số vấn đề lý luận - thực tiễn của việc xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU;
+ Phân tích, đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU trong thời gian qua;
+ Đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU đến năm 2010.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU được nghiên cứu ở giác độ khoa học kinh tế chính trị, do đó luận văn không đi sâu nghiên cứu những vấn đề thuộc về kỹ thuật, công nghệ của ngành dệt may và những vấn đề thuộc về nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Luận văn xuất phát từ những đặc điểm kinh tế - kỹ thuật để nghiên cứu quan hệ kinh tế - xã hội trong quá trình phát triển ngành dệt may, làm rõ các quan hệ lợi ích kinh tế trong hoạt động xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU.
- Phạm vi nghiên cứu
+ Về nội dung: Hàng dệt may có nhiều chủng loại. Luận văn tập trung làm rõ việc xuất khẩu một số chủng loại hàng may mặc có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường EU.
+ Về thời gian: Nghiên cứu hoạt động xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường EU từ giai đoạn hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1992) đến nay và đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường EU đến năm 2010.
5. Phương pháp nghiên cứu
Cơ sở phương pháp luận trong nghiên cứu đề tài của luận văn là phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin. Trong quá trình thực hiện, luận văn sử dụng tổng hợp các phương pháp: điều tra khảo sát, thu thập số liệu, tiến hành phân tích, đánh giá để rút ra các kết luận cần thiết làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu.
6. Giá trị thực tiễn của luận văn
Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ có đóng góp nhất định cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách xuất nhập khẩu và phát triển ngành dệt may Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả nghiên cứu cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo ở phạm vi nhất định cho việc giảng dạy môn khoa học chuyên ngành.
7. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 6 tiết.
Chương 1
cơ sở lý luận - thực tiễn của việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU
1.1. phát triển hàng dệt may và vai trò của xuất khẩu hàng dệt may đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam
1.1.1. Đặc điểm của phát triển hàng dệt may
Các sản phẩm dệt may gắn liền với nhu cầu tiêu dùng cá nhân, tiêu dùng xã hội, tiêu dùng sản xuất. Trong đó tiêu dùng cá nhân - mặc là một trong những nhu cầu vật chất thiết yếu nhất của con người, chiếm tỷ trọng cao nhất và quyết định sự phát triển ngành dệt may. Sản phẩm của ngành dệt may là một trong những hàng hóa đầu tiên tham gia vào mậu dịch quốc tế. Sự tồn tại và phát triển của ngành dệt may gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người. Xã hội càng phát triển, đời sống con người càng được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng, ngày càng tăng lên. Mặt khác, tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn tới khả năng đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu phong phú, đa dạng của con người cả về số lượng, chất lượng và mẫu mã thời trang.
Ngành dệt may trên thế giới đã trải qua quá trình phát triển lâu dài- từ sản xuất thủ công đơn chiếc đến sản xuất công nghiệp hàng loạt; từ chỗ chỉ sử dụng nguyên liệu thô sơ là sản phẩm của nông nghiệp tới việc sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu mới có tính năng kỹ thuật cao. Ngày nay, phần lớn sản phẩm dệt may trên thế giới được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp dựa trên nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào.
Sản xuất và buôn bán hàng dệt, may trên thế giới hiện nay có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất: Ngành dệt may không đòi hỏi công nghệ sản xuất quá phức tạp, vốn đầu tư không lớn, thu hồi nhanh và thu hút được nhiều lao động.
So với các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng thì công nghiệp dệt may có suất đầu tư thấp hơn nhiều lần, chỉ bằng 1/10 so với ngành cơ khí, 1/15 so với ngành điện, 1/20 so với ngành luyện kim. Chi phí đầu tư để tạo ra một chỗ làm việc mới của ngành dệt may thấp hơn nhiều với với các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khác. Để tạo ra một chỗ làm việc mới, công nghiệp dệt (từ khâu sợi, dệt đến nhuộm, hoàn tất) cần đầu tư khoảng 15.000 USD, công nghiệp may cần đầu tư khoảng 1.000 USD, trong khi con số này ở ngành giấy là 30.000 USD [24, tr. 59].
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, ngày nay công nghệ được ứng dụng trong ngành dệt may đã có những bước phát triển to lớn so với những năm đầu thế kỷ XX, nhiều công nghệ mới đã xuất hiện như kéo sợi không cọc, dệt không thoi, thiết kế, tạo sơ đồ trên máy vi tính, nhiều công đoạn trong công nghiệp dệt may được thực hiện tự động hóa. ở giai đoạn dệt, các loại máy dệt áp dụng công nghệ không thoi như máy dệt kiếm, máy dệt hơi nước, máy dệt thổi khí... ngày càng được sử dụng nhiều. Sự tiến bộ về khoa học công nghệ đã tạo ra những sản phẩm mới, với nhiều loại vải có những tính năng rất đặc biệt đang được nhiều công ty dệt may lớn của thế giới nghiên cứu để tung ra thị trường như quần áo được tráng nano với tính năng giảm thiểu các chất bẩn và khả năng kỵ chất lỏng rất tốt hay những chất liệu vải có mùi thơm từ hương hoa, trái cây, các chất liệu vải có khả năng chống cháy tốt…[1]. Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ sản xuất truyền thống của ngành dệt may là loại công nghệ không quá phức tạp, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật quá cao như những ngành điện tử, tin học, vũ trụ, sinh học. Sản phẩm dệt may có nhiều chủng loại sản phẩm với phẩm cấp, chất lượng rất khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng. Do vậy, bên cạnh các máy móc, thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại thì trong một số khâu của ngành dệt may vẫn có thể kết hợp sử dụng các công nghệ trung bình trong sản xuất. Đây là đặc điểm quan trọng giúp các nước đang phát triển có cơ hội đầu tư cho ngành công nghiệp dệt may trong điều kiện còn nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý...
Ngành dệt may là ngành công nghiệp thu hút được nhiều lao động và lao động của ngành dệt may đa phần thuộc loại lao động phổ thông, dễ đào tạo. Do vậy, các nước có nguồn lao động dồi dào với giá nhân công rẻ có thể phát huy được lợi thế của mình trong phát triển công nghiệp dệt may. Thực tiễn phát triển ngành công nghiệp dệt may ở nhiều nước cho thấy tầm quan trọng của ngành này trong việc thu hút lao động. Theo tác giả Dương Đình Giám [10, tr. 19-20], lao động trong ngành dệt may của Trung Quốc lên tới 15 triệu người, của Banglades xấp xỉ 10 triệu lao động. Ngay cả ở khu vực EU - một trong những khu vực kinh tế phát triển nhất thế giới thì ngành dệt may vẫn thu hút một lượng đáng kể lao động. Lao động trong ngành dệt may tại EU sau khi kết nạp thêm 10 thành viên mới vào năm 2004 là khoảng 2,7 triệu người. Phần lớn lao động trong ngành dệt may không đòi hỏi trình độ hiểu biết cao, chỉ cần sự tinh xảo, khéo léo ở mức độ cần thiết, do đó cũng phải được đào tạo ở một mức độ nhất định mới có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghiệp, nhất là trong việc điều khiển các máy móc, thiết bị hiện đại. Một bộ phận của lao động trong ngành dệt may, tuy không cần số lượng đông nhưng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao về khoa học công nghệ, về thiết kế mẫu mã, về quản lý. Đội ngũ này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển hàng dệt may xuất khẩu. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, ngành dệt may trong tương lai sẽ chịu tác động của những bước đột phá công nghệ cho phép giảm sự phụ thuộc vào chi phí nhân công của lao động phổ thông. Tuy nhiên, dù có được hiện đại hóa đến mức nào, thì trước mắt và lâu dài, ngành dệt may vẫn tồn tại những công đoạn cần tới lao động thủ công của con người.
Thứ hai: Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, không có một quốc gia nào khép kín phát triển ngành dệt may để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và quốc tế.
Sản phẩm dệt may là loại sản phẩm có yêu cầu rất phong phú, đa dạng tùy thuộc vào đối tượng tiêu dùng. Người tiêu dùng khác nhau về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, khác nhau về khu vực địa lý, khí hậu, về giới tính, tuổi tác... sẽ có nhu cầu rất khác nhau về trang phục. Nhà sản xuất phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để đáp ứng được tâm lý thích đổi mới, độc đáo và gây ấn tượng của người tiêu dùng. Chính nhu cầu đa dạng, phong phú về sản phẩm dệt may và khả năng lan tỏa nhanh chóng của thời trang là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình sản xuất và buôn bán hàng dệt may trên phạm vi quốc tế.
Ngành công nghiệp dệt may có mối quan hệ mật thiết và phụ thuộc vào sự phát triển của nhiều ngành kinh tế-kỹ thuật. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm và ngành công nghiệp hóa chất là những ngành chủ yếu cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành dệt. Máy móc, thiết bị của ngành dệt may là sản phẩm của ngành cơ khí, chế tạo. Ngành sản xuất các loại phụ liệu như chỉ, khuy, mex, tấm lót áo, khóa, nhãn mác, bao bì; sản phẩm của ngành dệt… phát triển là điều kiện để phát triển ngành may tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, hình thức đẹp. Công nghiệp dệt may là tổ hợp của hai ngành chuyên môn hóa hẹp, có quan hệ hết sức khăng khít, chặt chẽ là công nghiệp dệt và công nghiệp may, sản phẩm của công nghiệp dệt là nguồn nguyên liệu chủ yếu của công nghiệp may. Công nghiệp dệt nếu không gắn bó với công nghiệp may thì sản phẩm của nó sẽ không đáp ứng được mục tiêu đáp ứng nhu cầu mặc của con người. Khi công nghiệp dệt phát triển với những chủng loại sản phẩm phong phú sẽ giúp cho ngành may thuận lợi hơn trong lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào, ngược lại, khi công nghiệp may phát triển, mẫu mã, thời trang đa dạng sẽ làm kích thích nhu cầu tiêu dùng và tạo điều kiện để ngành dệt giải quyết tốt sản phẩm đầu ra của mình. Để ngành may phát triển ổn định, lâu dài thì phải chủ động được nguyên liệu đầu vào-là thành phẩm của ngành dệt, tức là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành may với ngành dệt và các ngành khác trong sản xuất ra các phụ liệu cho ngành may. Ngành công nghiệp dệt may được nhiều nước đang phát triển trên thế giới chọn là ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển. Quốc gia nào có đủ điều kiện tự nhiên để trồng bông (hoặc phát triển được ngành trồng dâu nuôi tằm) với chất lượng sản phẩm cao, sẽ chủ động nguồn nguyên liệu và khi kết hợp được các nguồn lực khác như vốn, lao động, công nghệ, thì sẽ có nhiều lợi thế trong việc hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng dệt may của nước đó, từ đó làm cho ngành dệt may phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ngày nay không quốc gia nào chọn hình thức khép kín, phát triển tất cả các công đoạn của ngành dệt may cũng như các ngành có mối quan hệ mật thiết, có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển ngành dệt may. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, hàng hóa và dịch vụ của mỗi nước có cơ hội mạnh mẽ để phát triển trên thị trường tiêu thụ quốc tế, điều đó làm kích thích tính chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xu thế chung hiện nay là các nước phát triển tập trung vào việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm dệt may có hàm lượng kỹ thuật cao, các mặt hàng cao cấp với mẫu mã, thời trang mới và các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp dệt may trong các ngành hóa chất, chế tạo máy móc, thiết bị với công nghệ hiện đại. Còn các nước đang phát triển tập trung sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm dệt may giá rẻ, cần nhiều nhân công. Các quốc gia đều chú trọng đến việc xuất khẩu các sản phẩm ở các công đoạn của ngành dệt may mà mình có lợi thế tuyệt đối và tương đối trên thị trường quốc tế.
Thứ ba: Sản phẩm dệt may có tính nhạy cảm cao trong thương mại quốc tế.
Các sản phẩm dệt may lâu nay thường được các nước trên thế giới bảo hộ chặt chẽ bằng những chính sách, thể chế đặc biệt. Việc bảo hộ đối với sản phẩm dệt may không chỉ xuất hiện ở những nước đang phát triển tham gia xuất khẩu hàng dệt may, thường muốn bảo hộ sản xuất trong nước, mà các nước phát triển-đóng vai trò là các nước nhập khẩu lớn, cũng đặt ra nhiều rào cản để hạn chế việc gia tăng nhập khẩu sản phẩm dệt may từ các nước đang phát triển. Cùng với hàng rào thuế quan, từng nước còn đề ra những điều kiện riêng về kỹ thuật, môi trường, lao động… đối với hàng dệt may nhập khẩu. Những rào cản đó đã gây nên những căng thẳng trong thương mại quốc tế và ảnh hưởng lớn đến đến việc sản xuất và buôn bán hàng dệt may trên thế giới. Thực chất của việc đặt ra các rào cản chính là do các nước phát triển muốn khống chế và chi phối các nước đang phát triển thông qua việc hạn chế lợi thế so sánh của các nước này.
Hiệp định đa sợi (MFA) được thỏa thuận giữa hơn 40 nước thành viên của GATT có hiệu lực chung từ năm 1974 quy định, các nước nhập khẩu có thể đơn phương thiết lập hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may đối với từng nước xuất khẩu nếu hai bên không đạt được thỏa thuận song phương. Trong nhiều trường hợp, các nước phát triển đã sử dụng triệt để các quy định của MFA để hạn chế số lượng nhập khẩu hàng dệt may giá thấp từ các nước xuất khẩu hoặc sử dụng vấn đề hạn ngạch dệt may để tạo các sức ép trong quan hệ về kinh tế, chính trị với các nước xuất khẩu.
Vòng đàm phán urugoay của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh dấu một mốc quan trọng trong sản xuất và buôn bán hàng dệt may thế giới. Hiệp định về hàng dệt may (ATC) ra đời, thay thế cho Hiệp định đa sợi. Các quy định về sản xuất, buôn bán hàng dệt may đã thông thoáng hơn nhiều và theo quy định của ATC, đến 1/1/2005 các nước là thành viên của WTO không bị khống chế bởi hạn ngạch khi xuất khẩu hàng dệt may sang các nước thành viên khác. Tuy nhiên, các hình thức bảo hộ ngành dệt may của các nước phát triển vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều rào cản về kỹ thuật, môi trường… đối với các sản phẩm dệt may nhập khẩu. Thậm chí, ngay trong năm 2005, khi EU, Mỹ cho rằng ngành dệt may của mình bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng dệt may xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc thì các nước này đã đề ra các biện pháp hạn chế hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó có cả biện pháp về áp dụng trở lại chế độ hạn ngạch đối với một số mặt hàng dệt may của Trung Quốc.
1.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển hàng dệt may ở Việt Nam
1.1.2.1. Các nhân tố quốc tế
- Tác động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế
Bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay đang có xu thế chung là hướng tới hợp tác và liên kết giữa các quốc gia, các khu vực nhằm phát triển kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là một xu thế chủ đạo và khách quan của kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa có ảnh hưởng đến nền kinh tế mỗi nước với phạm vi, mức độ khác nhau và góp phần làm sâu sắc thêm quá trình phân công và hợp tác quốc tế trên cơ sở đan xen về lợi ích giữa các quốc gia.
Công nghiệp dệt may là ngành chịu ảnh hưởng nhiều của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên phạm vi quốc tế, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học, kỹ thuật đã làm thay đổi về cơ cấu sản xuất của các nước. Công nghiệp dệt may thường đóng vai trò quan trọng đối với các nước đang trong giai đoạn công nghiệp hóa. Khi một nước trở thành nước công nghiệp phát triển có trình độ công nghệ cao, giá nhân công cao thì nước đó thường tập trung đầu tư vào những ngành công nghiệp khác có hàm lượng kỹ thuật cao hơn, tốn ít lao động và mang lại lợi nhuận cao. Khi đó, công nghiệp dệt may lại phát huy vai trò của mình ở các nước khác kém phát triển hơn. Từ cuối thế kỷ XVIII, ngành dệt may đã phát triển mạnh mẽ ở nước Anh, sau đó đã có sự chuyển dịch sản xuất hàng dệt may từ nước Anh sang các nước châu âu khác và khu vực Bắc Mỹ vào giữa thế kỷ XIX. Chuyển dịch sản xuất lần thứ hai của ngành dệt may thế giới là chuyển dịch từ châu âu sang Nhật Bản vào những năm 40, thế kỷ XX. Sau đó công nghiệp dệt may lại được chuyển dịch từ Nhật Bản sang các nền kinh tế mới ở châu á như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và vào những năm 80 thế kỷ XX, khi các nền kinh tế mới ở châu á có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tập trung đầu tư cho các ngành có công nghệ và kỹ thuật sản xuất cao như điện tử, ô tô thì công nghiệp dệt may lại được chuyển dịch sang các nước kém phát triển hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonexia, Maylayxia, Bangladesh, Việt Nam… Trong tương lai, ngành dệt may sẽ còn tiếp tục dịch chuyển tới các nước kém phát triển hơn.
Toàn cầu hóa kinh tế có tác động mạnh mẽ đến quá trình phân công chuyên môn hóa và hợp tác trên phạm vi quốc tế đối với phát triển ngành công nghiệp dệt may. Trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội tận dụng các nguồn tài chính từ bên ngoài dưới nhiều hình thức như vay vốn, kêu gọi đầu tư trực tiếp, gián tiếp, hợp tác kinh doanh... Việc tranh thủ được nguồn vốn từ bên ngoài là yếu tố rất quan trọng để ngành dệt may Việt Nam có thể tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất trong điều kiện nguồn vốn tích luỹ từ trong nước còn nhiều hạn chế. Dưới con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì ngành dệt may nước ta hiện nay còn nhiều tiềm năng phát triển và có thể mang lại những nguồn lợi lớn hơn ở những quốc gia khác. Do vậy, thời gian tới dệt may vẫn tiếp tục là lĩnh vực có thể thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh yếu tố về vốn, ngành dệt may nước ta có điều kiện để tiếp cận trực tiếp các công nghệ, kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm quản lý từ các nước có trình độ phát triển hơn. Đó là những điều kiện thuận lợi mà Việt Nam cần nắm lấy và có chiến lược kết hợp hợp lý giữa các yếu tố trong nước với các yếu tố ngoài nước để xây dựng ngành dệt may theo hướng hiện đại, hướng về xuất khẩu, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Cạnh tranh hàng dệt may trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt
Toàn cầu hóa kinh tế, một mặt thúc đẩy quá trình phân công và hiệp tác quốc tế, mặt khác làm cho sự cạnh tranh trên thị trường hàng dệt may thế giới ngày càng trở nên gay gắt và điều đó có tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành dệt may nước ta.
Sản phẩm dệt may là một trong những hàng hóa có mức độ trao đổi lớn giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Nhìn chung, hầu như nước nào, khu vực nào cũng có xuất khẩu và nhập khẩu hàng dệt may nhằm đa dạng hóa mặt hàng và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thị trường buôn bán hàng dệt may thế giới có nhiều cấp độ sản phẩm. Mặc dù đã diễn ra nhiều lần chuyển dịch sản xuất giữa các nước, các khu vực trên thế giới, nhưng như vậy không có nghĩa là sản xuất dệt may không còn tồn tại ở các nước phát triển mà ở những nước này, ngành dệt may đã tiến đến giai đoạn cao hơn, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhất là các sản phẩm thời trang hoặc các sản phẩm sử dụng chất liệu mới. Các nước công nghiệp phát triển là những nước có thế mạnh ở khâu thiết kế, thường xuyên tung ra thị trường các mẫu mã thời trang và đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các chất liệu vải có nhiều tính năng, tác dụng mới để phục vụ đời sống con người. Đối với các nước đang phát triển có giá cả nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào là lợi thế so sánh lớn nhất khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế nói chung, thị trường dệt may thế giới nói riêng. Hàng dệt may xuất khẩu của các nước đang phát triển chủ yếu phục vụ cho tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế, ngày càng có nhiều quốc gia đang phát triển đổi mới công nghệ, sản xuất nhiều loại sản phẩm dệt may xuất khẩu có chất lượng cao tạo ra sự cạnh tranh ngày càng tăng với sản phẩm dệt may ở các nước phát triển.
Tính chất gay gắt trong cạnh tranh hàng dệt may xuất khẩu ngày nay chủ yếu là giữa các nước đang phát triển. Với việc xóa bỏ hạn ngạch hàng dệt may giữa các nước thành viên của WTO vào ngày 1/1/2005, các chuyên gia kinh tế trên thế giới dự đoán sẽ có sự gia tăng to lớn về lượng hàng xuất khẩu may mặc sang các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản