Luận văn Một số kiến nghị về định hướng phát triển Thương mại điện tử trong thời gian tới
Kể từ khi nền kinh tế hàng hóa xuất hiện, thương mại tự do và tốc độ lưu thông hàng hoá luôn là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất và từ đó quyết định phương thức sản xuất mới. 1000 năm trước, con đường tơ lụa xuyên sa mạc qua nhiều quốc gia, nối các đế chế La Mã với đế chế Trung Hoa không chỉ mang tơ lụa và vàng bạc làm giàu cho nhiều nước mà còn giúp truyền bá công nghệ và triết lý. Những phát kiến địa lý vào thế kỷ 14, 15 không chỉ đem lại sự phồn vinh cho các cường quốc hàng hải mà còn là một tiền đề quan trọng hình thành nên chủ nghĩa tư bản và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Sự phát triển của công nghệ thông tin toàn cầu ngày nay mà đại diện tiêu biểu của nó là mạng Internet cũng có thể được nhìn nhận dưới cùng một góc độ với hai phát kiến trên, nhưng mang tính khác biệt về chất ở chỗ biên giới quốc gia bị vượt qua chỉ sau một cú nhấp chuột (mouse click). Ảnh hưởng của Internet vì thế mang tính toàn cầu và nó trở thành một phần của quá trình toàn cầu hoá, vốn đã và đang biến đổi sâu sắc mọi mặt xã hội loài người từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, xã hội. Nghiên cứu, dự đoán nhằm mục đích tìm kiếm các phương thức thích ứng với những tác động từ diễn biến chóng mặt của quá trình toàn cầu hoá nói chung và của hệ thống thông tin toàn cầu nói riêng trở thành một đòi hỏi bức thiết của mọi quốc gia để tồn tại và phát triển.
Từ quan điểm lịch sử và biện chứng, có thể thấy được những tác động quyết định, thách thức và cơ hội lớn nhất Internet đặt ra trong dài hạn nằm trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Internet đặt nền tảng cho sự hình thành của nền kinh tế trực tuyến (online economy), trong đó con người cũng như phương tiện sản xuất và sản phẩm hàng hóa, đều có thể liên lạc trực tiếp với nhau, và liên tục, không cần đến giấy tờ, càng không phải đối mặt thực thể. Dòng lưu chuyển thông tin và thương mại hàng hoá, dịch vụ trong không gian không có biên giới hay thương mại điện tử mở ra khả năng giảm chi phí giao dịch, tiếp cận thị trường và thúc đẩy tiến bộ công nghệ, từ đó thay đổi cấu trúc của nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Thương mại điện tử do vậy được nhìn nhận như một lực lượng thúc đẩy tự do hoá thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chính tính chất phi biên giới ấy của thương mại điện tử lại đặt ra những yêu cầu điều chỉnh mới đối với những khuôn khổ thương mại quốc tế hiện tại (trong tổ chức thương mại quốc tế WTO) cũng như chính sách kinh tế nói chung và chính sách thương mại nói riêng của từng nước. Những điều chỉnh đó đến lượt mình lại tác động trực tiếp đến sự phát triển của thương mại điện tử và viễn cảnh kinh tế quốc gia và toàn cầu cũng như quan hệ giữa các quốc gia trong những năm tới. Trong bối cảnh như vậy, các nước đang phát triển nhìn thấy ở thương mại điện tử cơ hội phát triển cho tương lai, nhưng đồng thời lại phải đối mặt với thách thức trong hiện tại không dễ vượt qua về công nghệ, về tri thức và đặc biệt là những thách thức đến từ những đề xuất thương mại điện tử toàn cầu của các nước phát triển, trong khi vẫn còn đang chật vật tìm cách thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lạc hậu. Ưu tiên chính sách của các nước này, vì thế, là làm cách nào bắt kịp với sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới, đồng thời đối phó hiệu quả với những nguy cơ đến từ quá trình đó.
Thương mại điện tử là một lĩnh vực khá mới. “Việc dự đoán tương lai phát triển như thế nào cho chính xác thật khó khăn vì số liệu biến đổi rất mau chóng và khoa học kỹ thuật mới không ngừng phát triển. Thế nhưng trước khi tiến vào vùng đất còn nhiều điều chưa biết này, tốt hơn chúng ta nên có trong tay một bản đồ, tuy không hoàn chỉnh, mà chỉ là một mô hình thô thiển đơn giản, để dò dẫm từng bước và từng bước sửa đổi tu chỉnh, vẫn hơn là không có gì trong tay” (Alvin Toffler). Với một quan niệm như vậy, khóa luận sử dụng phương pháp trừu tượng hóa, và phân tích thống kê để tìm hiểu trên khía cạnh quan hệ kinh tế quốc tế những vấn đề thương mại điện tử đặt ra cho hệ thống thương mại quốc tế dưới sự điều chỉnh của tổ chức WTO từ góc nhìn của các nước đang phát triển. Nội dung của khóa luận được chia làm 3 chương:
- Chương I: “Tổng quan về thương mại điện tử” trình bày các vấn đề cơ bản nhất về thương mại điện tử như định nghĩa, phương tiện và ứng dụng của thương mại điện tử, lợi ích khi sử dụng thương mại điện tử, thực trạng phát triển của thương mại điện tử trên thế giới và môi trường hoạt động của thương mại điện tử.
- Chương II: “Phát triển thương mại điện tử toàn cầu - thương mại điện tử trong khuôn khổ WTO” tìm hiểu tác động của thương mại điện tử đối với thương mại quốc tế; những phản ứng của khu vực và quốc tế trước thương mại điện tử; những nỗ lực tìm kiếm một khuôn khổ điều chỉnh thương mại điện tử quốc tế và các vấn đề nảy sinh khi đặt thương mại điện tử dưới sự điều chỉnh của WTO như mở cửa thị trường, phân loại giao dịch thương mại điện tử, thuế quan và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Chương III: “ Thương mại điện tử toàn cầu và các nước đang phát triển” phân tích các cơ hội và thách thức mà sự phát triển của thương mại điện tử toàn cầu đặt ra đối với các nền kinh tế đang phát triển, những khía cạnh chính sách cần tập trung; một phần trọng tâm sẽ đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, đề xuất các chính sách vĩ mô để hội nhập có hiệu quả vào thương mại điện tử toàn cầu.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- TM074.doc