Từ tháng 8 năm 1996, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động, so với sự xuất hiện của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (cách đây hơn 40 năm) thì đó là khoảng thời gian không dài nhưng bảo hiểm nhân thọ đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng ghi nhận.
Đặc trưng của hoạt động bảo hiểm nhân thọ là vừa mang tính chất tiết kiệm vừa mang tính chất phòng ngừa rủi ro. Với sự phát triển ổn định của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng thì hoạt động này càng có điều kiện phát triển và trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Không chỉ là kênh huy động vốn nhàn rỗi, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thu hút, tạo việc làm mới cho trên 100.000 lao động có thu nhập ổn định (gồm cán bộ nhân viên và đại lý), hàng loạt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các chương trình tài chính rất đa dạng đã được các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp cho thị trường, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn chi nhiều tỷ đồng cho hoạt động từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, khuyến học.
Để phát triển kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, ngay từ khi ban hành Nghị định 100/CP ngày 18/12/1993, Nhà nước ta đã xác lập tính đa dạng của các hình thức doanh nghiệp bảo hiểm bằng việc có những quy định làm tiền đề cho sự ra đời của các công ty bảo hiểm nhân thọ sau này. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã mang lại những lợi ích rất to lớn cho sự phát triển nền kinh tế xã hội và lợi ích của người tham gia bảo hiểm, là công cụ thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng giống như các tổ chức trung gian tài chính khác, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ luôn phải đảm bảo sự vững chắc về tài chính, tạo niềm tin cho hàng triệu khách hàng tham gia. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quá trình này tất yếu buộc nước ta phải mở rộng cửa thị trường để có thêm các công ty bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ và phải được điều chỉnh bằng luật pháp, để hoạt động này phát triển lành mạnh phục vụ cho công cuộc phát triển và xây dựng đất nước.
80 trang |
Chia sẻ: zimbreakhd07 | Lượt xem: 1031 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Luận văn Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ theo pháp luật Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mở đầu
1. Sự cần thiết của việc nghiên cứu đề tài
Từ tháng 8 năm 1996, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động, so với sự xuất hiện của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (cách đây hơn 40 năm) thì đó là khoảng thời gian không dài nhưng bảo hiểm nhân thọ đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng ghi nhận.
Đặc trưng của hoạt động bảo hiểm nhân thọ là vừa mang tính chất tiết kiệm vừa mang tính chất phòng ngừa rủi ro. Với sự phát triển ổn định của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng thì hoạt động này càng có điều kiện phát triển và trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Không chỉ là kênh huy động vốn nhàn rỗi, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thu hút, tạo việc làm mới cho trên 100.000 lao động có thu nhập ổn định (gồm cán bộ nhân viên và đại lý), hàng loạt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các chương trình tài chính rất đa dạng đã được các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp cho thị trường, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn chi nhiều tỷ đồng cho hoạt động từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, khuyến học...
Để phát triển kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, ngay từ khi ban hành Nghị định 100/CP ngày 18/12/1993, Nhà nước ta đã xác lập tính đa dạng của các hình thức doanh nghiệp bảo hiểm bằng việc có những quy định làm tiền đề cho sự ra đời của các công ty bảo hiểm nhân thọ sau này. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã mang lại những lợi ích rất to lớn cho sự phát triển nền kinh tế xã hội và lợi ích của người tham gia bảo hiểm, là công cụ thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng giống như các tổ chức trung gian tài chính khác, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ luôn phải đảm bảo sự vững chắc về tài chính, tạo niềm tin cho hàng triệu khách hàng tham gia. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quá trình này tất yếu buộc nước ta phải mở rộng cửa thị trường để có thêm các công ty bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ và phải được điều chỉnh bằng luật pháp, để hoạt động này phát triển lành mạnh phục vụ cho công cuộc phát triển và xây dựng đất nước.
2. Tình hình nghiên cứu
ở các nước có nền kinh tế phát triển, bảo hiểm nhân thọ đã ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Những lợi ích về mặt xã hội mà bảo hiểm nhân thọ mang lại đã tạo cho ngành kinh doanh này có một chỗ đứng rất vững vàng trong đời sống kinh tế xã hội. Vị thế của bảo hiểm nhân thọ ngày càng được thể hiện một cách rõ nét ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới.
ở Việt Nam, hoạt động bảo hiểm nhân thọ vẫn còn là mới mẻ, đã có một số công trình nghiên cứu về mặt kỹ thuật bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhưng chủ yếu đi sâu vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống về pháp luật kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Trước đây, cũng đã có một số luận văn thạc sĩ đề cập đến những vấn đề liên quan đến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm như:
+ Nguyễn Anh Tú: Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng bảo hiểm, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2001.
+ Thái Văn Cách: Thực trạng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phương hướng hoàn thiện, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2001.
+ Vương Việt Đức, Hợp đồng bảo hiểm tài sản, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2003.
Tuy nhiên, các công trình trên chủ yếu tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mà chưa nghiên cứu cụ thể những quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, về doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, một loại hình kinh doanh có thể nói là mới ở thị trường Việt Nam nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Chính vì vậy, tác giả đã chọn đề tài " Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhõn thọ theo phỏp luật Việt Nam " làm đề tài Luận văn Thạc sĩ luật học.
3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận văn
Trên thế giới, ở những nước phát triển, hoạt động bảo hiểm nhân thọ đã có lịch sử hàng trăm năm và trở nên vô cùng quen thuộc với đông đảo người dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, hoạt động bảo hiểm nhân thọ còn rất mới mẻ. Quá trình tìm hiểu và xây dựng nghiệp vụ chủ yếu theo hướng vừa làm vừa học, tham khảo tài liệu của nước ngoài. Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động này thời kỳ đầu còn thiếu và chưa đồng bộ, qua một thời gian hoạt động cùng với trải nghiệm thực tế, Nhà nước ta đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện và ban hành mới các văn bản pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có được môi trường phát triển thuận lợi.
Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng, vẫn tồn tại một số quy định pháp luật còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, mục tiêu đặt ra cho quá trình nghiên cứu luận văn là xem xét một cách tổng quát, toàn diện các văn bản pháp luật về doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đối chiếu với thực tiễn hoạt động, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Từ đó đề ra hướng bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cũng như các quy định pháp luật về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, giúp khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều các tầng lớp dân cư tham gia bảo hiểm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Phương pháp nghiên cứu
Dựa trên các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo hoạt động bảo hiểm, để làm rõ các vấn đề cần nghiên cứu, bên cạnh việc phân tích các văn bản pháp luật áp dụng vào thực tiễn kinh doanh, luận văn sẽ nhìn nhận vấn đề theo quan điểm duy vật, biện chứng, áp dụng phương pháp lịch sử, lôgic trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tài liệu pháp lý liên quan, kết hợp so sánh, đối chiếu, tổng hợp với thực tiễn để rút ra kết luận.
5. ý nghĩa lý luận và thực tiễn những đóng góp của luận văn
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ còn hết sức mới mẻ, vì vậy kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần vào việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đồng thời chỉ ra những điểm không phù hợp với thực tiễn kinh doanh cần bổ sung, góp phần tạo ra môi trường pháp lý chuẩn mực và lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, thúc đẩy hoạt động bảo hiểm nhân thọ ngày càng phát triển phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung về bảo hiểm nhân thọ.
Chương 2: Pháp luật về doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Chương 3: Một số nhận xét chung và kiến nghị.
Chương 1
Những vấn đề chung về Bảo hiểm Nhân thọ
1.1. Khái luận về Bảo hiểm nhân thọ
1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của bảo hiểm nhân thọ
Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ đã có từ rất lâu, vào năm 1762, Công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trên thế giới được thành lập ở nước Anh, tên là Equitable. Sau đó đến Pháp, là nước thứ hai cho phép bảo hiểm nhân thọ được hoạt động. Vào năm 1787 công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Pháp được thành lập mang tên là Công ty bảo hiểm nhân thọ Hoàng gia, sau đó một thời gian ở các nước Châu âu khác cũng dần dần xuất hiện bảo hiểm nhân thọ. ở Châu á, công ty bảo hiểm nhân thọ lần đầu tiên được ra đời ở Nhật Bản, đó là công ty bảo hiểm nhân thọ Meiji đã ra đời và đi vào hoạt động năm 1868.
Theo thời gian, bảo hiểm nhân thọ phát triển và trở thành một ngành dịch vụ tài chính, với nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau mà tiện ích cơ bản của nó là mang tính tiết kiệm và trợ giúp khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với người mua bảo hiểm.
Xét về khía cạnh vật chất, cuộc sống của con người là vô giá và không thể có một tổ chức nào có thể cung cấp một giá trị tương đương với một sinh mạng con người, vì lý do đó bảo hiểm nhân thọ là một thỏa thuận dựa trên một số tiền cụ thể chứ không mang tính chất bồi thường như bảo hiểm tài sản khác.
Khoản 12 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm (2000) định nghĩa: "Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết" [25].
Từ điển thuật ngữ kinh doanh bảo hiểm định nghĩa bảo hiểm nhân thọ là sự bảo vệ trường hợp tử vong của một người bằng hình thức trả tiền cho người thụ hưởng - thường là thành viên của gia đình, doanh nghiệp hoặc tổ chức. Bằng cách đổi một loạt các khoản phí bảo hiểm hoặc thanh toán phí bảo hiểm một lần khi người được bảo hiểm chết, số tiền bảo hiểm (và bất kỳ số tiền bảo hiểm bổ sung nào được kèm theo đơn bảo hiểm) trừ đi khoản vay chưa trả theo hợp đồng bảo hiểm và khoản lãi cho vay, sẽ được trả cho người thụ hưởng. Những khoản trợ cấp trả khi còn sống cho người được bảo hiểm dưới hình thức giá trị giải ước hoặc các khoản trợ cấp thu nhập [18, tr. 329-330].
Tài liệu của Viện Quản lý bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ (LOMA) cũng nêu định nghĩa bảo hiểm nhân thọ như một loại hình bảo hiểm trả tiền khi phát sinh cái chết của người được bảo hiểm. Trên phương diện pháp lý, bảo hiểm nhân thọ là một thể loại bảo hiểm, trong đó để nhận được phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm thông qua một hợp đồng, nhà bảo hiểm cam kết sẽ trả cho một hoặc nhiều người thụ hưởng bảo hiểm một số tiền nhất định hoặc những khoản trợ cấp nhất định trong trường hợp người được bảo hiểm bị tử vong hoặc người được bảo hiểm sống đến một thời điểm đã được chỉ rõ trong hợp đồng. Trên phương diện kỹ thuật, bảo hiểm nhân thọ là một nghiệp vụ bao hàm những cam kết mà việc thực hiện những cam kết này phụ thuộc vào tuổi thọ của con người [45, tr. 31].
Những định nghĩa trên tuy được trình bày khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thể hiện những đặc trưng nổi bật của bảo hiểm nhân thọ, đó là:
- Bảo hiểm nhân thọ là một nghiệp vụ bảo hiểm thương mại, hay nói cách khác là loại hình kinh doanh thu lợi nhuận (phân biệt với các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội của Nhà nước).
- Bảo hiểm nhân thọ có tính đa mục đích, có thể được sử dụng để áp ứng nhiều mục đích khác nhau tùy theo nhu cầu của khách hàng. Do vậy, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thường rất đa dạng (mỗi sản phẩm chỉ đáp ứng được một hoặc một vài nhu cầu) và hoạt động tiếp thị sản phẩm này phải mang tính năng động và linh hoạt cao.
- Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm duy nhất cho phép bảo hiểm cho hai sự kiện trái ngược nhau là sống và chết. Điều này cũng có nghĩa là, trong tuyệt đại đa số trường hợp, việc doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền với một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là chắc chắn xảy ra (phân biệt với bảo hiểm phi nhân thọ - là loại hình bảo hiểm chỉ trả tiền khi có rủi ro xảy ra).
- Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm dài hạn, do đó điều khoản hợp đồng phải được trình bày đầy đủ, khoa học dưới dạng văn bản, làm cơ sở cho sự duy trì quan hệ hợp đồng dài nhiều chục năm, thậm chí là cả đời người. Mặt khác, các thông số kỹ thuật của từng sản phẩm, từng hợp đồng phải được tính toán cẩn thận và công bố rõ ràng tới khách hàng. Đồng thời, dịch vụ khách hàng là khâu quyết định có tính chất sống còn tới việc duy trì hợp đồng bảo hiểm.
- Bảo hiểm nhân thọ là loại hình sản phẩm bảo hiểm vô hình. Vì vậy, công ty bảo hiểm phải đặc biệt quan tâm đến việc giải thích cho khách hàng hiểu rõ về sản phẩm. Hơn nữa, việc thực hiện đúng và đầy đủ cam kết là đòi hỏi nghiêm ngặt đối với các công ty bảo hiểm.
Có thể thấy bảo hiểm nhân thọ có những đặc điểm cơ bản là:
- Đối tượng của bảo hiểm nhân thọ là con người, nhưng không như bảo hiểm sinh mạng hay bảo hiểm tai nạn con người trong bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ rủi ro chết hay thương tật toàn bộ vĩnh viễn của đối tượng được bảo hiểm mới thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, mặc dù đối tượng của bảo hiểm nhân thọ là con người nhưng bảo hiểm nhân thọ không đảm bảo những chi phí y tế như trong các loại hình bảo hiểm tai nạn và sinh mạng cá nhân trong bảo hiểm phi nhân thọ.
- Bảo hiểm nhân thọ mang tính tiết kiệm. Đây là một trong những hình thức huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư hết sức có hiệu quả; hình thức huy động dần dần, phù hợp với khả năng tích lũy của mọi đối tượng, từ những người có thu nhập thấp đến những người có thu nhập cao. Chính hình thức tổ chức đóng phí bảo hiểm tại nhà, có thể theo tháng, quý, 6 tháng hay một năm, có nhiều mức phí tùy theo sự lựa chọn và khả năng tài chính của người tham gia bảo hiểm đã tạo nên sự khác biệt, hình thành ý thức tiết kiệm trong dân cư đã đem lại thành công cho bảo hiểm nhân thọ (xem sự khác nhau giữa bảo hiểm nhân thọ và hình thức huy động vốn qua kênh ngân hàng mục 1.1.3.3 chương 1).
- Là loại hình bảo hiểm có thời hạn bảo hiểm dài hạn, nguồn phí bảo hiểm được sử dụng để đầu tư và người tham gia bảo hiểm được hưởng một phần lãi từ hoạt động đầu tư đó vì bảo hiểm nhân thọ mang tính tiết kiệm. Trong khi đó, bảo hiểm phi nhân thọ mang tính ngắn hạn, chỉ bồi thường khi có tai nạn, rủi ro xảy ra nên các doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ (khoản 2 Điều 60 Luật kinh doanh bảo hiểm).
- Xuất phát từ những đặc điểm riêng biệt của bảo hiểm nhân thọ với đối tượng bảo hiểm chỉ là con người, pháp luật đã quy định có tính chất ràng buộc, hạn chế có liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Có hai ràng buộc chính được thể hiện trong Luật kinh doanh bảo hiểm (2000), những ràng buộc vốn đều đã có mặt trong các văn bản pháp luật tương tự ở mọi quốc gia cho phép kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Thứ nhất, ràng buộc về quyền lợi có thể được bảo hiểm. Khoản 9 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm (2000) định nghĩa: "Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm" [25]. Đây là một định nghĩa mang nặng tính pháp lý, phản ánh hình thức pháp lý của quan hệ quyền lợi. Tài liệu của Viện Quản lý Bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ (LOMA) định nghĩa khái niệm này thiên về yêu cầu của nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ là "khả năng người chủ hợp đồng và người thụ hưởng phải chịu những mất mát hoặc thiệt hại lớn nếu sự kiện được bảo hiểm xảy ra" [45, tr. 14]. Lý do của những quy định này xuất phát từ mục đích cơ bản của bảo hiểm là đền bù cho người bị thiệt hại khi một rủi ro xảy ra và như vậy, sự đền bù phải dành cho đúng đối tượng phải chịu thiệt thòi, mất mát thì mới thực sự có ý nghĩa và đạt được mục đích. Mặt khác, nếu không có yêu cầu về quyền lợi có thể được bảo hiểm, hiện tượng trục lợi bảo hiểm trên tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác, đi ngược lại đạo đức và pháp luật sẽ xảy ra phổ biến bởi bất cứ ai cũng có thể ký hợp đồng bảo hiểm đối với tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác và sau đó cố tình gây ra rủi ro để thu lợi bất chính từ tiền bồi thường.
Cụ thể hóa yêu cầu về quyền lợi có thể được bảo hiểm, khoản 2 Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm (2000) chỉ cho phép bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho những người sau đây:
- Bản thân bên mua bảo hiểm;
- Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;
- Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng;
- Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quy định những đối tượng được mua bảo hiểm như trên đã trở thành thông lệ quốc tế xuất phát từ quan điểm xã hội cho rằng những người thân thiết, ruột thịt trong gia đình là những người phải chịu đựng mất mát nhiều nhất khi người thân gặp rủi ro. Mặt khác, có một số quan hệ cũng được chấp nhận là đảm bảo quyền lợi này như quan hệ giữa người cho vay và người đi vay (nếu người đi vay gặp rủi ro khi chưa trả hết nợ thì người cho vay phải chịu thiệt hại), quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động (nếu người lao động gặp rủi ro thì người sử dụng lao động bị mất nhân công, nói cách khác là mất chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động khác thay thế, chi phí gián đoạn sản xuất…). Quy định này chỉ rõ rằng yêu cầu về quyền lợi có thể được bảo hiểm là yêu cầu bắt buộc ở thời điểm yêu cầu bảo hiểm. Pháp luật nhiều nước còn yêu cầu quyền lợi này hiện diện cả khi thanh toán quyền lợi bảo hiểm (Mỹ, Canađa…) [43]. Quy định này được các doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ triệt để, vì nó góp phần đáng kể bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro bị khách hàng lợi dụng và trục lợi.
Thứ hai, ràng buộc về giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết. Quy định này cũng là một thông lệ đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên khắp thế giới nhằm bảo vệ tính mạng của đối tượng được bảo hiểm. Điều 38 Luật kinh doanh bảo hiểm (2000) quy định về ràng buộc này như sau:
- Khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng. Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự đồng ý bằng văn bản của bên mua bảo hiểm.
- Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha mẹ, hay người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản.
- Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người đang mắc bệnh tâm thần [25].
Quy định này nhấn mạnh đến yếu tố nhất trí của người được bảo hiểm (trong trường hợp người được bảo hiểm không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ - như bị tâm thần hoặc dưới 18 tuổi - hợp đồng không thể được giao kết hoặc chỉ có thể được giao kết khi có sự đồng ý rõ ràng và hoàn toàn của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp). Nội dung của sự nhất trí này bao hàm hai yếu tố chính: nhất trí về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm trên sinh mạng của mình và nhất trí về người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp người được bảo hiểm không may qua đời. Sự nhất trí của người được bảo hiểm chính là một đảm bảo chắc chắn rằng, người được bảo hiểm biết rõ và chấp nhận sự tồn tại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bảo hiểm cho mình và rằng, ai sẽ là người được nhận quyền lợi bảo hiểm khi mình chết. Đây chính là cách thức phòng tránh có hiệu quả đối với các trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm nhằm trục lợi trên sinh mạng của người khác, đặc biệt là những người không hoặc chưa có khả năng nhận thức đầy đủ cũng như khả năng tự bảo vệ mình. Quy định này cũng góp phần làm trong sạch và lành mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo cho nó giữ đúng được giá trị và ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nhân thọ.
Trên đây là hai ràng buộc cơ bản mà pháp luật áp đặt đối với việc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Những ràng buộc này có thể tìm thấy ở pháp luật về bảo hiểm của mọi quốc gia, là sản phẩm của một quá trình nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực này trong hàng trăm năm của các công ty bảo hiểm. Những quy định này được các doanh nghiệp bảo hiểm ở các nước cũng như Việt Nam tuân thủ triệt để và tinh thần của nó không chỉ được tìm thấy trong điều khoản hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp mà còn trong mọi hoạt động tác nghiệp hàng ngày ở các doanh nghiệp.
Tóm lại, với những đặc điểm riêng, đã từ lâu, bảo hiểm nhân thọ giữ một vai trò vô cùng quan trọng trên thị trường bảo hiểm thế giới và hiện nay càng ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình trên thị trường bảo hiểm ở Việt Nam. Với các loại hình sản phẩm đa dạng, bảo hiểm nhân thọ đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Với mỗi cá nhân, đó là nhu cầu thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tài chính dài hạn, nhu cầu chuẩn bị chi phí hậu sự và dành dụm để lại cho con cháu, nhu cầu bổ sung nguồn tài chính khi già cả, mất khả năng lao động tạo ra thu nhập và các nhu cầu bảo đảm về tài chính khi gặp các rủi ro về sức khỏe. Với các cơ quan, tổ chức, đó là nhu cầu bù đắp chi phí tuyển dụng và đào tạo lại nhân công trong trường hợp người lao động bị tử vong hoặc thương tật dẫn đến mất khả năng lao động, đặc biệt là những lao động có kiến thức và trình độ và nhu cầu có nguồn tài chính hỗ trợ người lao động cũng như gia đình của họ vượt qua khó khăn khi gặp phải rủi ro. Với ý nghĩa xã hội to lớn như vậy, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng được cả xã hội quan tâm.
1.1.2. Các loại hình bảo hiểm nhân thọ cơ bản
Đáp ứng những nhu cầu về bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ được thiết kế gồm năm loại hình bảo hiểm nhân thọ cá nhân cơ bản, trong mỗi loại hình lại bao gồm rất nhiều sản phẩm khác nhau, ngoài ra còn có các loại hình bảo hiểm nhóm và bảo hiểm bổ trợ.
1.1.2.1. Các loại hình bảo hiểm nhân thọ cá nhân
* Bảo hiểm sinh kỳ
Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 định nghĩa: "Bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm" [25].
Các đặc điểm của bảo hiểm sinh kỳ là:
- Chỉ bảo hiểm trong trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn được quy định trong hợp đồng.
- Công ty bảo hiểm sẽ không phải trả tiền bảo hiểm, không hoàn phí bảo hiểm và hiệu lực bảo hiểm sẽ chấm dứt ngay nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn bảo hiểm.
Mục đích của loại hình bảo hiểm này giúp người tham gia bảo hiểm sống đến một mức tuổi nào đó sẽ nhận được tiền bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống. Ví dụ như mua bảo hiểm sinh kỳ cho con tức là sẽ có một khoản tiền để dành cho con dùng vào việc học tập và kết hôn sau này, hoặc là mua bảo hiểm sinh kỳ sống đến tuổi về hưu thì được lĩnh tiền bảo hiểm.
* Bảo hiểm tử kỳ
Loại bảo hiểm này bảo hiểm cho rủi ro chết xảy ra trong thời gian đã quy định trong hợp đồng. Nếu cái chết không xảy ra trong thời gian đó thì việc thanh toán không được thực hiện, chính vì vậy phí bảo hiểm luôn được giữ ở mức thấp nhất. Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 định nghĩa: "Bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm" [25]. Tài liệu của Viện Quản lý bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ định nghĩa bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cung cấp quyền lợi bảo hiểm tử vong nếu người được bảo hiểm chết trong một thời hạn được xác định trước [45, tr. 31].
Các đặc điểm nổi bật của bảo hiểm tử kỳ là:
- Chỉ bảo hiểm rủi ro mà không có yếu tố tiết kiệm;
- Thời hạn bảo hiểm của hợp đồng được xác định rõ ngay khi giao kết hợp đồng;
- Công ty bảo hiểm có thể không phải trả tiền bảo hiểm (trong trường hợp người được bảo hiểm còn sống đến thời điểm đáo hạn hợp đồng).
Loại hình bảo hiểm này thường được thể hiện thành các sản phẩm phổ biến như: bảo hiểm sinh mạng có thời hạn, bảo hiểm sinh mạng có hoàn phí; bảo hiểm tử kỳ có số tiền bảo hiểm giảm dần, bảo hiểm tử kỳ có số tiền bảo hiểm tăng dần.
Mục đích của loại hình bảo hiểm này là cung cấp sự bảo vệ trước rủi ro trong một thời hạn xác định; đồng thời, hợp đồng bảo hiểm loại này còn có thể được sử dụng như một "tài sản thế chấp" trong quan hệ tín dụng.
* Bảo hiểm hỗn hợp
Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 định nghĩa: "Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ" [25], trong đó "bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm". Tài liệu của Viện Quản lý bảo hiểm nhân thọ Hoa Kỳ định nghĩa bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó quyền lợi bảo hiểm được thanh toán khi người được bảo hiểm chết hoặc vào ngày đáo hạn hợp đồng nếu người được bảo hiểm vẫn còn sống vào ngày này [45, tr. 31].
Các đặc điểm nổi bật của bảo hiểm hỗn hợp là:
- Vừa bảo hiểm rủi ro và có tính tiết kiệm;
- Thời hạn bảo hiểm được xác định trước;
- Công ty bảo hiểm chắc chắn phải thanh toán quyền lợi cho khách hàng.
Loại hình bảo hiểm này thường được thể hiện thành các sản phẩm phổ biến như: bảo hiểm hỗn hợp có thời hạn, bảo hiểm hỗn hợp có số tiền bảo hiểm tăng dần, bảo hiểm hỗn hợp trả tiền định kỳ.
Mục đích của loại hình bảo hiểm này là kết hợp giữa việc đề phòng rủi ro và giúp khách hàng tích lũy dần dần để thực hiện các kế hoạch tài chính dài hạn.
* Bảo hiểm trọn đời
Đây là loại hình bảo hiểm mà số tiền bảo hiểm sẽ được thanh toán cho người được bảo hiểm khi chết. Đây là hợp đồng dài hạn, có yếu tố đầu tư và đến một lúc nào đó hợp đồng chắc chắn được thanh toán. Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 định nghĩa: "Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó" [25]. Tài liệu của Viện Quản lý bảo hiểm nhân thọ