Viêm nang lông nhiễm trùng là viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ
có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị
viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu
hiện là cácsẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm trùng
có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc (sycosis). Khi nang
lông bị áp xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc
viêm mô dưới da.
8 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1408 | Lượt tải: 1
Nội dung tài liệu Lâm sàng viêm nang lông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lâm sàng viêm nang lông
Viêm nang lông nhiễm trùng là viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ
có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị
viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu
hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm trùng
có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc (sycosis). Khi nang
lông bị áp xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc
viêm mô dưới da.
Có một số yếu tố thuận lợi như khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm,
bụi bẩn, cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp
hoặc băng bịt kín da là những yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông. Các
vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, vùng sinh dục - hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử
dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi
khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm
nang lông hơn người bình thường.
Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông
là do tụ cầu. Ngoài ra có thể do vi khuẩn Gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm
men, nấm sợi, nhiễm virus herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex.
Biểu hiện bệnh là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng
đỏ. Khi mụn vỡ để lại vết chợt nhỏ và đóng vẩy tiết. Có thể chỉ có vài mụn nhỏ rải
rác nhưng cũng có khi tụ thành đám mụn viêm vùng râu mép, râu cằm...
Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm
Vùng mặt: viêm nang lông do tụ cầu, trứng cá bội nhiễm vi khuẩn Gram
âm hoặc viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm đơn thuần, u mềm lây và
nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.
Vùng râu: viêm nang lông râu do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây
viêm chân tóc, lông (sycosis), đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi khuẩn
Gram âm. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Các chân
tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết chợt và đóng vẩy tiết.
Các mụn này có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám. Sycosis sau khi khỏi
không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm trong một thời gian. Sycosis
có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp xe hoặc
nặng hơn nữa là nhọt. Trường hợp áp xe, tổn thương nang lông tuyến bã có
thể gây sẹo sau khi khỏi. Một số vùng hay bị sycosis như vùng râu, nách,
chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm
sợi, nhiễm virus herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn
giống trứng cá đỏ.
Vùng da đầu: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi.
Vùng gáy: cũng do tụ cầu và nấm sợi.
Chân: thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân. Thường viêm
do nhiễm trùng.
Thân mình: tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp
như nách. Ngoài ra có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas
aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida.
Vùng mông: chủ yếu do tụ cầu. Nấm sợi cũng hay gặp ở những vùng nóng
ẩm.
Biểu hiện lâm sàng đặc trưng theo tác nhân gây bệnh
Viêm nang lông do tụ cầu: tụ cầu vàng có thể gây viêm nang lông nông
hay còn gọi là chốc nang lông của Bockhart và cũng có thể gây viêm sâu
lan xuống toàn bộ nang lông (sycosis). Sycosis hay gặp ở vùng râu và gây
ngứa. Khi viêm lan cả đơn vị nang lông-tuyến bã thì có thể để lại sẹo sau
khi khỏi. Bệnh hay tái phát khi không loại được các yếu tố thuận lợi như
môi trường ô nhiễm, nóng ẩm. Một số vùng hay bị như vùng râu, nách,
chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu.
Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: thường xảy ra ở những người bị
trứng cá sử dụng kháng sinh uống dài ngày. Các mụn trứng cá trở nên nặng
hơn, viêm nang lông thành sẩn hoặc áp xe nang lông thành bọc vùng má,
cằm.
Viêm nang lông do nấm sợi: khởi đầu thường là nhiễm nấm ở lớp sừng
quanh miệng nang lông sau đó mới lan vào sâu trong nang lông và vào
lông. Nấm da và nang lông có thể thấy ở đầu với các biểu hiện khác nhau
do các chủng nấm khác nhau gây nên.
o Nấm da gây đứt sợi tóc và bong vảy da, loại nấm này gây thương tổn
là một đám da tròn, bong vảy da trắng và gây rụng tóc, tác nhân gây
bệnh là nấm microsporum do súc vật truyền sang mà thường là chó
mèo (Microsporum canis)
o Nấm da gây đứt sợi tóc sát da đầu và thấy vết đen ở chân tóc, thường
do nấm Trichophyton tonsurans và T. violaceum.
o Nấm Favus gây áp xe nang lông và rụng tóc, nếu không điều trị sớm
sẽ gây rụng tóc và sẹo da đầu, do Trichophyton schoenleinii gây
nên.
o Kerion thường biểu hiện đám viêm thành cục hoặc đám lớn, đau,
nhiều mủ vàng như mật ong, tóc không bị đứt gãy mà bị rụng và có
thể nhổ cả bọng tóc mà không đau. Nang lông bị viêm và có nhiều
mủ, tạo các lỗ thông nhau giữa các nang. Có thể chỉ có một đám
thương tổn nhưng cũng có khi nhiều đám trên da đầu. Thường có
hạch vùng lân cận. Bệnh có thể tự khỏi nhưng gây rụng tóc và để lại
sẹo. Tác nhân gây bệnh do các loại nấm ở động vật hoặc ở đất truyền
sang người: T. verrucosum, T. mentagrophytes.
Viêm nang lông do nấm Malassezia: thường hay gặp ở vùng khí hậu nóng
và ẩm. Biểu hiện là các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh
tay, đôi khi có ở gáy, mặt. Các thương tổn này giống như trứng cá nhưng
không có nhân mụn (comedon), phân biệt với trứng cá có comedon.
Nấm men Candida albicans: thường xảy ra ở vùng bị băng bịt hoặc bị
nóng ẩm lâu ngày, ví dụ như bệnh nhân bị sốt nằm lâu, hoặc các vùng da
băng bịt bằng plastic, bôi kem corticoid. Nhiễm nấm candida nang lông gây
các mụn mủ thành đám.
Viêm nang lông do nhiễm virus herpes: thường xảy ra ở vùng râu cằm, ria
mép do cạo râu. Các mụn nước nang lông ở vùng râu, thành đám như chùm
nho, sau vài ngày đóng vẩy tiết. Bệnh tự khỏi không để lại sẹo nhưng
thường hay tái phát.
Sycosis do nhiễm virus u mềm lây: do virus Molluscum contagiosum, đó
là các sẩn màu da lõm ở giữa ở nang lông hoặc quanh nang lông vùng râu
cằm, ria mép. Bệnh do lây nhiễm và thường tự khỏi sau một thời gian vài
tháng, đôi khi lâu hơn.
Viêm nang lông giang mai: các sẩn màu đỏ đồng, có thể xếp thành hình
ovan, gây rụng tóc nhưng khỏi không để lại sẹo. Ngoài ra còn có các
thương tổn khác của bệnh giang mai như đào ban, mảng niêm mạc vùng
sinh dục-hậu môn... và xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.
Viêm nang lông do Demodex (Demodicidosis): do nhiễm Demodex
folliculorum, gây bong vẩy da xung quanh nang lông, có biểu hiện giống
như vẩy phấn nang lông hoặc viêm da tiết bã nhờn (Seborrheic dermatitis)
hoặc sẩn - mụn mủ đỏ nang lông giống như trứng cá đỏ (Acne rosacea) trên
nền đỏ da ở mặt.
Tiến triển và biến chứng
Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như
môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu
quả hơn và tránh tái phát bệnh. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc
bệnh trở nên dai dẳng khó điều trị. Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt,
nhọt cụm và viêm mô dưới da.
Có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn hoặc benzoyl peroxid để phòng ngừa
tái phát.
Chẩn đoán
Các biểu hiện bệnh giúp cho chẩn đoán bệnh. Có thể lấy bệnh phẩm ở thương tổn
và nhuộm Gram để phát hiện cầu khuẩn Gram dương. Nuôi cấy giúp cho định
danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh có hiệu quả trong trường
hợp điều trị bệnh dai dẳng lâu khỏi.
Điều trị
Điều trị tại chỗ: có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như
Betadine, cồn iod, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như Bactroban,
Fucidin...
Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc
đường toàn thân.
- Kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng
sinh đường toàn thân khi cần thiết. Các kháng sinh thuộc nhóm b-lactamin,
amoxicillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và
metronidazol. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của
nhà sản xuất.
- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng,
rửa benzoyl peroxid và cho ampicillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường
hợp phải cho isotretinoin.
- Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với
thuốc uống. Thuốc bôi như Nizoral, Canesten, Mycoster.... Có nhiều loại thuốc
chống nấm đường uống như itraconazol 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày
hoặc terbinafin uống 250mg/ngày trong 14 ngày. Đối với nấm men candida dùng
itraconazol 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày, hoặc fluconazol 150mg uống
2viên/ngày trong 14 ngày.
- Viêm nang lông do virus herpes, có thể bôi kem acyclovir 6lần/ngày và uống
acyclovir 400mg 3lần/ngày hoặc 200mg 5lần/ngày, hoặc valacyclovir 500mg uống
2 lần/ngày.
- Viêm nang lông do demodex: có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem
metronidazol phối hợp với uống metronidazol 1g/ngày trong 1 tuần.
Chú ý: đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ
vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn... và tránh làm xước da do cạo râu bằng cách cắt
râu bằng kéo.
TS. Nguyễn Duy Hưng - Viện Da liễu Quốc gia
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 29_5799.pdf