Kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước

Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của giai cấp thống trị và của xã hội. Nhà nước

sinh ra từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp và các nhu cầu của xã hội, nhưng nó

khác với các tổ chức xã hội khác chủ yếu ở chỗ: nhà nước được sử dụng một thứ

quyền lực đặc biệt do xã hội trao cho-quyền lực nhà nước. Đó là một loại quyền

lực gắn liền với khả năng bắt buộc-cưỡng chế đối với tất cả mọi tổ chức và cá

nhân trong xã hội. Đó còn là thứ quyền lực cho phép nhà nước thâu tóm trong tay

mình hầu hết các nguồn nhân lực, tài lực của Quốc gia. Nhà nước còn là chủ thể

duy nhất được đại diện cho quốc gia-dân tộc trong các quan hệ quốc tế. Trong các

chế độ nô lệ và phong kiến, quyền lực nhà nước-mà thể hiện tập trung ở quyền

lực của nhà vua, được coi như một thứ quyền lực thần thánh, không giới hạn.

pdf8 trang | Chia sẻ: maiphuongzn | Lượt xem: 1303 | Lượt tải: 1download
Nội dung tài liệu Kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của giai cấp thống trị và của xã hội. Nhà nước sinh ra từ yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp và các nhu cầu của xã hội, nhưng nó khác với các tổ chức xã hội khác chủ yếu ở chỗ: nhà nước được sử dụng một thứ quyền lực đặc biệt do xã hội trao cho- quyền lực nhà nước. Đó là một loại quyền lực gắn liền với khả năng bắt buộc- cưỡng chế đối với tất cả mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Đó còn là thứ quyền lực cho phép nhà nước thâu tóm trong tay mình hầu hết các nguồn nhân lực, tài lực của Quốc gia. Nhà nước còn là chủ thể duy nhất được đại diện cho quốc gia- dân tộc trong các quan hệ quốc tế. Trong các chế độ nô lệ và phong kiến, quyền lực nhà nước- mà thể hiện tập trung ở quyền lực của nhà vua, được coi như một thứ quyền lực thần thánh, không giới hạn. Đặc trưng về sự vận động của mọi loại quyền lực nói chung, trong đó có quyền lực nhà nước, là hai xu hướng:  Thứ nhất, đó là xu hướng sử dụng trái phép quyền lực được giao để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ ( lợi dụng quyền hạn).  Xu hướng thứ hai là lạm dụng quyền lực ( lộng quyền, lạm quyền). Cả hai xu hướng này đều là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực, vốn là xu hướng khách quan trong quá trình vận động, phát triển của quyền lực. Cả hai xu hướng trên đều dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại cho xã hội, và người phải gánh chịu chính là nhân dân. Do tính chất đặc biệt của quyền lực nhà nước như vậy, nên ngay từ khi nhà nước ra đời cho tới nay, tất cả các chế độ xã hội đều nhận thức và đặc biệt coi trọng việc kiểm soát quyền lực nhà nước, với những phương thức và thiết chế đa dạng khác nhau. Nhân loại, bằng kinh nghiệm lịch sử đầy máu và nước mắt của mình, đã hiểu ra rằng, quyền lực nhà nước phải được kiểm soát, hơn thế nữa, phải được kiểm soát chặt chẽ. Nói cách khác, quyền lực nhà nước phải có giới hạn và được giới hạn, không phải là vô hạn, nhất là trong một chế độ dân chủ, đặc biệt là trong chế độ dân chủ xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân vì dân hiện nay ở nước ta, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước đang là một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách. Là vấn đề cơ bản, vì nó là một yếu tố cấu thành khách quan của hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Khi chúng ta thừa nhận quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, thì hoạt động thực thi quyền lực nhà nước sẽ gồm ba yếu tố cấu thành: trao quyền, sử dụng quyền và kiểm soát quyền. Để bảo đảm quyền lực thực sự của nhân dân, không để xảy ra việc dân “ trao quyền rồi mất quyền”, thì tất yếu phải kiểm soát. Mặt khác, việc kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay ở nước ta , tuy có nhiều cố gắng và đạt được một số tiến bộ, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, cả về lý luận và thực tiễn. Trong thực tế, hoạt động này còn rất lúng túng, mang tính hình thức, hiệu lực và hiệu quả còn thấp so với yêu cầu. Hiện tượng trao quyền mà kiểm soát lỏng lẻo, không thường xuyên, hình thức, thậm chí không kiểm soát…đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại như tham nhũng phổ biến và những tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước…làm ảnh hưởng xấu tới bản chất nhà nước, xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có một vấn đề gốc rễ, đó là phương thức tổ chức thực hiện quyền lực.Đây là vấn đề chúng ta cần tập trung nghiên cứu cả về mặt lý luận và thực tiễn, trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lê nin. Đặc biệt, phải đoạn tuyệt với quan điểm giáo điều, bảo thủ và những định kiến về hệ tư tưởng. Để kiểm soát tốt quyền lực nhà nước, vấn đề trước tiên là phải xác định đúng phương thức cơ bản trong tổ chức quyền lực. Nghĩa là phải trả lời đúng câu hỏi: Muốn nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tránh được xu hướng lạm quyền, lộng quyền thì phải tổ chức quyền lực nhà nước theo phương thức nào là tốt nhất? Không có cách nào khác, chúng ta chỉ có thể tìm câu trả lời trong lịch sử hàng nghìn năm tồn tại, phát triển của Nhà nước. Ngay từ thời cổ đại, nhiều nhà tư tưởng vĩ đại như Hê-ra-clít, Pla-ton, Xi- xe- ron…đã đề xuất quan điểm: quyền lực nhà nước cần phải được giới hạn bằng pháp luật. Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định, còn công dân được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Muồn tránh được hiện tượng lạm quyền, thì không thể trao trọn quyền lực vào tay một cá nhân, một cơ quan nào. Sau này, các nhà tư tưởng tư sản như J. Lốc-cơ, Mong-te-ski-ơ đã tổng kết lịch sử chế độ phong kiến, kế thừa và phát triển tư tưởng đó thành học thuyết về tổ chức quyền lực nhà nước của Nhà nước tư sản ở thế kỷ 18: thuyết “ Tam quyền phân lập”. Đây là một học thuyết có rất nhiều ưu điểm, thể hiện sự tiến bộ lớn trong tư tưởng nhân loại về xây dựng nhà nước, đặc biệt về phương thức tổ chức quyền lực nhà nước. Theo các ông, mỗi nhà nước đều có ba loại quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để tránh lạm quyền, ba quyền đó cần được phân chia độc lập và giao cho ba loại cơ quan khác nhau: quyền lập pháp do Nghị viện, quyền hành pháp do Chính phủ, quyền tư pháp do Tòa án. Đồng thời, bằng pháp luật xác lập một cơ chế cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền, quyền này làm đối trọng với quyền kia, không quyền nào khi thực thi mà không chịu sự giới hạn, kiềm chế của quyền khác. Sự phân chia và kiềm chế lẫn nhau giữa ba quyền là điều kiện chủ yếu bảo đảm tự do chính trị và dân chủ trong nhà nước. Xét về cả lý thuyết và thực tế, phương thức này đã làm cho quyền lực nhà nước được kiểm soát khá toàn diện và hiệu quả. (ngay cả Nghị viện- cơ quan lập pháp và Tổng thống- nguyên thủ quốc gia, cũng không đứng ngoài vòng kiểm soát). Mọi hành vi thực hiện công quyền của cơ quan, công chức nhà nước đều được đặt trong một cơ chế kiểm tra, kiểm soát ràng buộc chặt chẽ của pháp luật. Đặc biệt, các nhà nước tư sản tiên tiến đã xác lập và thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ Hiến pháp- đạo luật cơ bản, có giá trị tối cao của nhà nước pháp quyền. Nhà nước ta hiện nay đã đặt ra nhiều hình thức, phương pháp kiểm soát quyền lực nhà nước. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân, của Tòa án nhân dân, của các tổ chức xã hội và cá nhân công dân; hoạt động kiểm tra, thanh tra của nhà nước; hoạt động công tố và kiểm sát của Viện kiểm sát; hoạt động kiểm tra của Đảng đối với nhà nước v.v… Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả còn thấp, nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, mặc dù đã có nhiều cố gắng cải tiến. Suy cho cùng, nếu có sự tiến bộ, thì cũng chỉ là sự tiến bộ trong một phương thức mà bản thân nó là sự hạn chế mà thôi. Đơn cử vài ví dụ: - Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vậy cơ quan nào có đủ thẩm quyền kiểm soát Quốc hội? Phải chăng Quốc hội- với tư cách là một cơ quan nhà nước, có đặc quyền đứng ngoài vòng kiểm soát? - Hiến pháp quy định Quốc hội chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân, nhưng thực chất chỉ là trách nhiệm của cá nhân đại biểu. Ngay trách nhiệm này cũng không rõ ràng, vì Hiến pháp quy định, đại biểu Quốc hội có thể bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Nhưng việc có đưa đại biểu đó ra để cử tri bãi nhiệm hay không lại do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.( chưa bao giờ có). Thực chất, với quy định hiện nay, Quốc hội là một cơ quan không phải chịu trách nhiệm gì. - Quốc hội vừa có quyền lập hiến, vừa có quyền lập pháp. Nếu Quốc hội ban hành luật trái Hiến pháp hoặc có hành vi vi hiến khác thì cơ quan nào có quyền phán xét, buộc Quốc hội phải chịu trách nhiệm? - Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng nếu Chính phủ ban hành Nghị định vi phạm Hiến pháp và luật, thì chế độ trách nhiệm của tập thể Chính phủ như thế nào? Quy định của pháp luật hiện nay về trách nhiệm tập thể chỉ là hình thức, thực chất cũng không phải chịu trách nhiệm gì v.v… Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nghiên cứu để thay đổi phương thức tổ chức quyền lực nhà nước, nhằm kiểm soát tốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước. Muốn vậy, trước hết phải giải quyết được những vấn đề cơ bản về quan điểm tư tưởng. - Trước hết, cần nhận thức rằng phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước của các nhà nước tiên tiến trên thế giới hiện nay là một bước phát triển của lịch sử, là thành tựu chung của nhân loại về xây dựng nhà nước mà những nhà nước ra đời sau cần kế thừa và phát triển. - Thứ hai, có phải phương thức “quyền lực tập trung thống nhất, không phân chia” ( tập quyền ) là phương thức tổ chức quyền lực tất yếu và duy nhất của nhà nước XHCN không? Theo tác giả, thì không phải như vậy. Trong lịch sử đã có nhiều kiểu nhà nước được tổ chức theo phương thức này như nhà nước phong kiến và chiếm hữu nô lệ. Tập quyền hay phân quyền chỉ là hình thức tổ chức quyền lực mà thôi. - Thứ ba, phải chăng để bảo đảm bản chất nhà nước “ của dân, do dân, vì dân” thì phải tổ chức quyền lực theo phương thức trên? Thực chất, quyền lực nhân dân muốn được bảo đảm thì phải xác định đúng phương thức và nội dung nhân dân trao quyền cho nhà nước và phương thức tối ưu để kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả quyền lực nhà nước. Nếu không đạt được hai vấn đề trên, thì quyền lực nhân dân chỉ là một khái niệm sáo rỗng, hình thức. Do đó, việc lựa chọn được một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước bảo đảm nhân dân có thực quyền kiểm soát bộ máy nhà nước và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả kiểm soát giữa các nhánh quyền trong bộ máy nhà nước là hai yêu cầu cơ bản bảo đảm bản chất nhà nước XHCN, với tính chất là nhà nước pháp quyền. Có ý kiến cho rằng, nếu phân chia quyền lực nhà nước thì Đảng của giai cấp công nhân sẽ mất quyền lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội, do đó nhà nước sẽ mất tính chất XHCN. Điều đó là không đúng. Tại sao nhà nước tư sản phân quyền, nhưng giai cấp tư sản vẫn nắm được quyền thống trị xã hội, nhà nước đó vẫn mang bản chất tư sản? Vấn đề ở đây là Đảng có thực sự mạnh hay không mà thôi. Nếu tìm ra một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước thực sự có hiệu quả, quyền lực nhà nước được kiểm soát tốt, mọi hành vi tham nhũng và vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước ( mà đa số là đảng viên) đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh… thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng được nâng cao và củng cố vững chắc. Trên đây chỉ là những ý kiến bước đầu.Trong thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình tổ chức quyền lực nhà nước của các nước để từng bước đổi mới phương thức tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta theo hướng phân chia, cân bằng và đối trọng, thiết lập một cơ chế kiểm soát hữu hiệu giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để đảm bảo quyền lực thực sự của nhân dân. Đồng thời, nâng cao sức mạnh, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với sự thay đổi của phương thức tổ chức quyền lực nhà nước, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước./. Th.s Trần Quang Trung * Phó Trưởng Khoa Nhà nước Pháp luật - Trường Cán bộ TP. HCM

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf98_0857.pdf
Tài liệu liên quan