Tự chủ đại học (ĐH) luôn đi kèm với tăng cường năng lực giải trình và chịu
trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH (mà không phải là năng lực thực hiện tự chủ). Vậy
ai sẽ là người thay mặt xã hội thực hiện việc giám sát việc “giải trình và chịu trách
nhiêm” của một trường tự chủ. Trong thực tế, có một mối quan hệ giữa tự chủ, nghĩa
vụ giải trình và chịu trách nhiệm của các trường ĐH và hoạt động kiểm định chất
lượng giáo dục đang được triển khai tại Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề riêng của
hệ thống giáo dục ĐH của nước ta mà còn là mối quan tâm chung của các nhà nghiên
cứu quản lý giáo dục ĐH trên thế giới. Bài viết “Higher Education Accreditation and
University Autonomy” của các tác giả Dang Ung Van, Ta Thi Thu Hien trên Tạp chí
VNU Journal of Science: Education Research, Vol. 35, No. 1 (2019) 84-95 phiên bản
tiếng Anh [1] được giới thiệu trên Research Gate trong hơn 01 năm đã có tới gần 120
người đọc đến từ nhiều quốc gia, 3 người giới thiệu và mức độ quan tâm nghiên cứu
đạt 4.41. Báo cáo này trình bày vai trò của kiểm định chất lượng trong cơ chế tự chủ
của các trường ĐH nước ta.
6 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 17/05/2022 | Lượt xem: 302 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Kiểm định chất lượng và cơ chế tự chủ đại học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
485
KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ ĐẠI HỌC
Đặng Ứng Vận
Trường Đại học Hòa Bình
Tạ Thị Thu Hiền
Trường Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội
I. MỞ ĐẦU
Tự chủ đại học (ĐH) luôn đi kèm với tăng cường năng lực giải trình và chịu
trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH (mà không phải là năng lực thực hiện tự chủ). Vậy
ai sẽ là người thay mặt xã hội thực hiện việc giám sát việc “giải trình và chịu trách
nhiêm” của một trường tự chủ. Trong thực tế, có một mối quan hệ giữa tự chủ, nghĩa
vụ giải trình và chịu trách nhiệm của các trường ĐH và hoạt động kiểm định chất
lượng giáo dục đang được triển khai tại Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề riêng của
hệ thống giáo dục ĐH của nước ta mà còn là mối quan tâm chung của các nhà nghiên
cứu quản lý giáo dục ĐH trên thế giới. Bài viết “Higher Education Accreditation and
University Autonomy” của các tác giả Dang Ung Van, Ta Thi Thu Hien trên Tạp chí
VNU Journal of Science: Education Research, Vol. 35, No. 1 (2019) 84-95 phiên bản
tiếng Anh [1] được giới thiệu trên Research Gate trong hơn 01 năm đã có tới gần 120
người đọc đến từ nhiều quốc gia, 3 người giới thiệu và mức độ quan tâm nghiên cứu
đạt 4.41. Báo cáo này trình bày vai trò của kiểm định chất lượng trong cơ chế tự chủ
của các trường ĐH nước ta.
II. HIỆN TRẠNG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC
Có nhiều cách phân loại nội dung của tự chủ ĐH. Theo Hiệp hội các trường ĐH
Châu Âu (EUA), có 4 khía cạnh của quyền tự chủ: các vấn đề về tổ chức, tài chính,
nhân sự và học thuật [2]. 4 khía cạnh này được đánh giá theo thang điểm gồm 38 tiêu
chí, trong đó Tự chủ về tổ chức có 7 tiêu chí, Tự chủ về tài chính có 11 tiêu chí, Tự
chủ về biên chế có 8 tiêu chí và Tự chủ về học thuật có 12 tiêu chí. Các tiêu chí có
điểm trọng số khác nhau. EUA đã đánh giá mức độ tự chủ của 29 hệ thống giáo dục
ĐH của các nước thành viên dựa trên 38 tiêu chí này mà từ đó có thể có một nhận xét
chung là mức độ tự chủ trong cả bốn lĩnh vực: tổ chức, tài chính, biên chế và học thuật
là không giống nhau ở các hệ thống giáo dục ĐH khác nhau. Mỗi quốc gia lựa chọn
một tổ hợp xác định quyền tự chủ cho các trường ĐH của họ. Không phải tất cả các
nước phát triển đều trao quyền tự chủ tối đa cho các trường ĐH của họ trên cả các khía
cạnh truyền thống và tự chủ về học thuật. Quyền tự chủ vẫn là một trong những vấn đề
quan trọng nhất ảnh hưởng đến các trường ĐH, trong đó có những nội dung được quan
tâm đặc biệt:
1. Quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH đã đáp ứng nhu cầu quốc tế hóa
giáo dục ở mức độ nào?
2. Quyền tự chủ cho phép các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện các sáng kiến khác
mà họ muốn thực hiện như thế nào? Trong khi quy mô đào tạo ngày càng tăng, đổi
1 Tức là cao hơn 64% các vấn đề nghiên cứu trên RG nói chung. Nếu tính riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học
thì cao hơn 73% các nội dung nghiên cứu khác.
486
mới sáng tạo và phát triển, thì mô hình quản lý “cầm tay chỉ việc” đã tỏ ra kém hiệu
quả. Tự chủ ĐH sẽ tạo điều kiện cho các trường phát triển để có thể phát hiện, nhân
rộng và lan tỏa các mô hình quản lý hiệu quả hơn.
3. Quyền tự chủ của ĐH, tuy nhiên, vẫn bị ảnh hưởng bởi quyền sở hữu của các
cơ sở giáo dục theo: i) công, tư hoặc hợp tác công tư, ví dụ như các trường phi lợi
nhuận/không vì lợi nhuận; ii) hoặc theo chế độ quản lý của họ: bên trong, bên ngoài,
hoặc cả bên trong và bên ngoài cơ sở giáo dục ĐH.
4. Quyền tự chủ của trường ĐH cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn tài chính phụ
thuộc: các nguồn đơn phương hoặc đa phương; cách thức phân phối quỹ tư nhân hoặc
công cộng, ví dụ, thông qua các khoản tài trợ hoặc cho sinh viên vay (không phải cho
các cơ sở giáo dục); tài trợ trọn gói hoặc tài trợ phân loại và sự chặt chẽ của việc quản
lý chi tiêu của cơ sở giáo dục ĐH theo ý định của nhà tài trợ. Đặc biệt là ngân sách
Chính phủ, thực chất là tiền thuế của dân, không thể chi tiêu tùy tiện. Trên thực tế, các
cơ sở giáo dục ĐH luôn phải có các mục tiêu ưu tiên trong quá trình phát triển. Có 2
loại ưu tiên: ưu tiên cho cơ sở giáo dục ĐH và ưu tiên cho xã hội. Ưu tiên cho các cơ
sở giáo dục ĐH và ưu tiên cho xã hội không phải lúc nào cũng giống nhau, đặc biệt là
trong quá trình xây dựng chiến lược, chính sách và quá trình quản trị. Do đó, các mục
tiêu quốc gia có thể áp đặt và tạo ra những kỳ vọng mà các trường ĐH không mong
đợi.
Vậy tự chủ ĐH Việt Nam ở đâu? Nếu so với mức điểm của EUA thì tính tự chủ
của các trường ĐH công lập Việt Nam nhìn chung ở mức thấp hoặc trung bình thấp,
tương ứng với các nhóm nước sau:
- Về tổ chức bộ máy, ở mức trung bình thấp tương đương với Brandenburg,
Cyprus, Cộng hòa Séc, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Slovakia, Tây Ban Nha,
Thụy Điển và Thụy Sĩ.
- Về tài chính, ở mức thấp tương đương với Síp, Hy Lạp và Hessen.
- Về nhân sự, ở mức thấp tương đương với Brandenburg, Cyprus, Pháp, Ý,
Slovakia, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
- Về học thuật, ở mức thấp tương đương với Cộng hòa Séc, Đan Mạch,
Hungary, Ý, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha và Thổ
Nhĩ Kỳ.
III. GIẢI TRÌNH VÀ CHỊU TRÁCH NHIỆM
Nếu thực sự có nhu cầu sử dụng hiệu quả công quỹ (trong các cơ sở giáo dục
ĐH của Nhà nước) và học phí mà xã hội đầu tư cho giáo dục (trong các cơ sở giáo dục
ĐH tư thục cũng để đáp ứng nhu cầu của không chỉ cổ đông của họ mà còn của toàn
xã hội), “trách nhiệm giải trình” trở thành một yêu cầu liên quan đến việc đánh giá và
đo lường năng suất cũng như giám sát tất cả các chức năng của một cơ sở giáo dục
ĐH. Từ lâu, Việt Nam đã thảo luận về vấn đề này và đôi khi bị nhầm lẫn về từ ngữ cho
bản dịch của "accountability". Trên các diễn đàn quốc tế và từ thực tế của các cơ sở
giáo dục ĐH, một quan điểm chung được đưa ra: “accountability” có thể được cụ thể
hóa khác nhau ở mỗi quốc gia. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và xã
hội, chính sách phát triển giáo dục ĐH cũng như văn hóa tuân thủ của mỗi quốc gia, và
cả chính sách phát triển của từng cơ sở giáo dục ĐH trong điều kiện tự chủ ĐH. Thông
thường, các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm giải trình trong 4 lĩnh vực chính [3]: i)
487
Chất lượng giảng dạy; ii) Minh bạch đầu ra; iii) Minh bạch tài chính và iv) Hỗ trợ tài
chính cho sinh viên.
Đầu tiên, về chất lượng hoạt động dạy và học, việc thành lập một bộ phận khảo
thí độc lập được trang bị các phương tiện và kỹ thuật đánh giá hiện đại giúp cho việc
đánh giá đảm bảo độ giá trị, tính chính xác và công tâm và các giảng viên chịu trách
nhiệm về việc giảng dạy của họ cũng là một công cụ của "trách nhiệm giải trình".
Thứ hai, minh bạch đầu ra bao gồm tỷ lệ tốt nghiệp, thời gian thực hoàn thành
khóa học, chi phí, việc làm và thu nhập của cựu sinh viên được coi là bằng chứng thứ
hai cho trách nhiệm giải trình. Hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, hiệp hội nghề
nghiệp cùng với sự hỗ trợ của chính phủ trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu toàn
quốc là cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo
dục ĐH.
Thứ ba, minh bạch tài chính bao gồm tất cả các khoản thu và chi qua tài khoản
ngân hàng là yếu tố thứ ba của trách nhiệm giải trình. Ngoài việc giúp xác nhận bản
chất phi lợi nhuận của các cơ sở giáo dục ĐH cũng như kiểm toán, thu và chi thông
qua tài khoản hỗ trợ các giải pháp chống tham nhũng trong các cơ quan.
Thứ tư, về hỗ trợ tài chính cho sinh viên, các cơ sở giáo dục ĐH có thể tăng học
phí và đứng ra bảo lãnh cho sinh viên vay vốn học tập nhưng cần minh bạch thông tin
sinh viên hoàn trả vốn và lãi sau khi tốt nghiệp. Các ngân hàng có thể từ chối cho sinh
viên vay trong một cơ sở giáo dục nếu trước đây sinh viên tốt nghiệp của trường này
không kiếm được việc làm với kết quả đủ để trả nợ sau một thời gian nhất định.
Khoản 17 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 của Việt Nam, (có hiệu
lực từ 01/07/2019) cũng quy định 4 nội dung cụ thể về trách nhiệm giải trình của cơ sở
giáo dục đại học đối với chủ sở hữu, người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền
và các bên liên quan bao gồm: giải trình về chất lượng hoạt động, công khai báo cáo
hằng năm về các chỉ số kết quả hoạt động, giải trình về mức lương, thưởng và quyền
lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý , thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài
chính, báo cáo quyết toán hằng năm, kiểm toán đầu tư và mua sắm, công khai trung
thực báo cáo tài chính hằng năm và các nội dung, hình thức giải trình khác theo quy
định của pháp luật.
IV. GIẢI TRÌNH CÔNG KHAI
Trong khi các nước đang phát triển thảo luận nhiều về tự chủ ĐH thì các nước
phát triển lại nói nhiều về trách nhiệm giải trình. Các trường ĐH Nước Mỹ có báo cáo
Accountability Report - AR (cũng dày dặn như là báo cáo tự đánh giá chất lượng của
cơ sở giáo dục ĐH trong quá trình kiểm định chất lượng ở Việt Nam). Ví dụ AR của
hệ thống các trường Winconsin có 4 lĩnh vực: Quản lý tài chính, Quản lý hành chính,
Hiệu suất giáo dục/chất lượng và Nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội [4]. Nếu theo
dõi AR của các trường ĐH Hoa kỳ sẽ thấy báo cáo mỗi trường ĐH đều có những mầu
sắc đặc trưng khác nhau. Điều đó có nghĩa là mỗi CSGD có một mô hình Đảm bảo
chất lượng bên trong (IQA) riêng, không ai giống ai. Trang web của ĐH Oregon (UO)
nói rõ [5]: Trang web này thu thập dữ liệu và báo cáo toàn diện của UO, thể hiện cam
kết của chúng tôi với tư cách là một trường công về tính minh bạch, giải trình và chịu
trách nhiệm. Đây là nơi để sinh viên, nhân viên và người dân dễ dàng đánh giá trường
ĐH và việc tiến tới đạt được các mục tiêu của Nhà trường. Nội dung mà UO đăng trên
trang web bao gồm bốn lĩnh vực: hoạt động tài chính, lệ phí, số lượng sinh viên,
488
nghiên cứu, giảng viên và nhân viên và về hồ sơ công khai. Trong mỗi lĩnh vực đều có
một số nội dung và công cụ cần thiết. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, nhà trường sẽ
trình bày thu nhập và đầu tư, báo cáo tài chính, ngân sách, thông tin tài chính thể thao,
quy trình lập kế hoạch và ngân sách cũng như các chính sách tài chính. Về học phí,
trường sẽ thông báo về chi phí; học phí; quyền của sinh viên được biết về những điều
như: học phí, lệ phí bắt buộc, giá nhà ở, lịch trình hoàn trả, và các khoản phí và tiền
phạt đặc biệt. Về số lượng sinh viên, có các báo cáo chi tiết về sinh viên nhập học, tốt
nghiệp và thôi học, các thước đo về thành tích của sinh viên, bình đẳng giới và chủng
tộc, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, và môi trường học tập bao gồm cả bạo lực hoặc quấy
rối tình dục trong khuôn viên trường.
Nói cách khác, thông tin về hầu hết các hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH
có thể được tìm thấy trên các trang web dưới dạng trình bày rõ ràng và trực quan. Việc
công khai thông tin chi tiết về các hoạt động và trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH
(đặc biệt là thông tin tài chính) trên trang web là phổ biến ở Hoa Kỳ, Canada và một số
nước phát triển khác [6].
V. KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC LÀ PHƯƠNG THỨC GIẢI
TRÌNH VÀ CHỊU TRÁCH NHIỆM
Như đã đề cập ở trên, nhu cầu về một hình thức kiểm soát xã hội đối với các
trường ĐH tự chủ ngày càng tăng và các cơ sở giáo dục ĐH cũng đang làm cho thông
tin và trách nhiệm của Nhà trường rõ ràng trên các trang web có cấu trúc khác nhau
trong báo cáo của họ. Câu hỏi đặt ra là ai có đủ điều kiện và khả năng đọc, phân tích
và phán đoán các báo cáo này, cũng như ai có thể thực hiện chức năng giám sát này
một cách hiệu quả để đáp ứng yêu cầu (cho đến nay là rất) trừu tượng của xã hội. Mặt
khác, bản thân các cơ sở giáo dục ĐH cũng cần một công cụ quản lý chất lượng hữu
hiệu cho các hoạt động đa dạng của trí tuệ và con người (như một bức tranh rực rỡ và
nhiều màu sắc) trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn của cơ chế thị
trường.
Trong bối cảnh đó, về mặt xã hội, kiểm định chất lượng giáo dục bởi một tổ
chức độc lập trở thành một lựa chọn để thực hiện giám sát trách nhiệm giải trình của
các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ. Kiểm định chất lượng giáo dục là khâu cuối cùng trong
quy trình đảm bảo chất lượng bao gồm xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất
lượng bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng. Tiêu chuẩn
kiểm định chất lượng giáo dục là công khai, không phải là những câu hỏi đánh đố, vậy
nên các CSGD chỉ có thể đăng ký kiểm định khi đã tự đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Tương tự như xu thế đổi mới giáo dục đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ 4, cần chuyển từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình và tôn trọng cá thể
hóa việc học tập việc đánh giá một cơ sở giáo dục cũng vậy. Mặc dù Bộ Giáo dục và
Đào tạo đã ban hành đầy đủ Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH và
mốc chuẩn tối thiểu thì mục tiêu đánh giá vẫn là quá trình đảm bảo chất lượng (và từ
đó là xu thế phát triển) của một trường ĐH mà không chỉ là đánh giá kết quả đầu ra.
Ngay trong 4 tiêu chuẩn cuối cùng của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo
dục ĐH gồm 111 tiêu chí thì cũng là xem xét việc quản trị kết quả của nhà trường.
Nếu đã là đánh giá quá trình thì về nguyên tắc một trường ĐH có thể có cách tiếp cận
mục tiêu khác với đòi hỏi của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH
(xu thế cá thể hóa). Việc này đòi hỏi trình độ của người đánh giá và Hội đồng Kiểm
định chất lượng giáo dục (có thể là cả các Thanh tra giáo dục). Họ phải là những người
489
rất am hiểu về giáo dục đại học mới có đủ bản lĩnh để chấp nhận những cách tiếp cận
khác so với Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH.
Theo ý nghĩa đó công việc kiểm định chất lượng giáo dục giống như là một bảo
lãnh về tính minh bạch, chân thực và khách quan của các trường ĐH thể hiện trong
báo cáo tự đánh giá mà không phải là cách hạn chế quyền tự chủ của các trường ĐH.
VI. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Thứ nhất, để thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của hệ thống giáo dục ĐH,
cần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH và yêu cầu trách nhiệm giải trình của
họ bao gồm quyền tự chủ về tổ chức, tài chính, biên chế và học thuật. Đất nước chúng
ta nên cố gắng trao cho các trường ĐH quyền tự chủ tương đương với mức trung bình
của 20 nước châu Âu với chất lượng học thuật cao (các nước có trường ĐH nằm trong
top 500 thế giới theo xếp hạng ĐH Giao thông Thượng Hải). Các cải cách trong tương
lai nên tập trung vào tự chủ học thuật và giảm từ "theo quy định" trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, sẽ tốt hơn nếu cho các cơ sở giáo dục ĐH tự do hơn trong việc đặt ra các tiêu
chuẩn tuyển sinh của riêng họ và mở ra các khả năng thích ứng với sự biến động của
thị trường lao động và nguồn nhân lực.
Thứ hai, phải khẳng định rằng cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ càng cao thì
cơ sở giáo dục ĐH càng phải giải trình minh bạch và chịu trách nhiệm về các quyết
định của mình. Nói cách khác, trách nhiệm và giải trình tỷ lệ thuận với mức độ tự chủ
của cơ sở giáo dục ĐH. Báo cáo giải trình và trách nhiệm của cơ sở giáo dục phải chi
tiết, công khai, toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH và của từng
cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Thứ ba, hoạt động kiểm định và công nhận, bước cuối cùng của quá trình đảm
bảo chất lượng, cần được coi là hoạt động của xã hội để giám sát trách nhiệm và việc
thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH. Mặt khác, kiểm định chất lượng sẽ buộc
các trường ĐH xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, giúp các trường ĐH
từng bước nâng cao tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm để có thể tự quyết định và
chịu trách nhiệm cuối cùng về các quyết định này trong đào tạo, nghiên cứu khoa học,
dịch vụ cộng đồng và tài chính.
Thứ tư, đề nghị cho triển khai thực hiện định kỳ đánh giá các công cụ đo lường
chất lượng giáo dục là các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH hoặc
chương trình đào tạo theo đúng nguyên tắc PDCA (plan-do-check-act). Thực tiễn đảm
bảo chất lượng ở các cơ sở giáo dục (giờ đã được tự chủ) phong phú và muôn dạng với
những mô hình đảm bảo chất lượng bên trong (IQA) đa dạng (no one size fits all) đòi
hỏi công việc kiểm định chất lượng cũng phải có sự thích ứng nếu không sẽ hạn chế
sức sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ năm, hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam đã
được hình thành và phát triển nhưng tính độc lập chưa thực sự rõ ràng, Cần sớm bổ
sung, điều chỉnh và ban hành một mô hình khung về tổ chức và hoạt động của các tổ
chức này đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục,
thúc đẩy việc thực hiện tự chủ đại học đạt hiệu quả cao hơn.
490
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dang Ung Van, Ta Thi Thu Hien VNU Journal of Science: Education Research,
Vol. 35, No. 1 (2019) 84-95
[2] Thomas Estermann et al. (2011) University Autonomy in Europe II The
Scorecard. European University Association. Belgium.
[3] Đặng Ứng Vận, Nguyễn Thị Huyền Trang (2017) Tự chủ ĐH Việt Nam: nội
dung, nguồn lực và trách nhiệm. Tạp chí Khoa học giáo dục số 141 tr 5-8.
[4] University of Wisconson System. UW System Accountability Dashboard
https://www.wisconsin.edu/accountability/ truy cập ngày 10/12/2018.
[5] University of Oregon. University Overview: What's New
https://ir.uoregon.edu/overview truy cập ngày 10/12/2018.
[6] University of California. Accountability. Report 2018. https://accountability.
universityofcalifornia.edu/2018/; University of Waterloo. Accountability.
https://uwaterloo.ca/about/accountability; University of Victoria. Accountability.
https://www.uvic.ca/home/about/factsreports/accountability/index.php;
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- kiem_dinh_chat_luong_va_co_che_tu_chu_dai_hoc.pdf