Ông bà ta thường có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, điều đó
vẫn không sai qua mọi thời đại. Trong thời đại ngày nay, có thể
nói dạy con là cả một nghệ thuật sống với trẻ, hòa hợp với trẻ
bằng cả tình yêu thương, hiểu biết tâm lý trẻ và phải dựa vào
phương pháp sư phạm để dẫn dắt chúng lớn khôn chứ không chỉ
đơn thuần là truyền thụ những kinh nghiệm mà mình đã kinh
qua.
21 trang |
Chia sẻ: ngocly | Lượt xem: 1185 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Học hiểu tâm lý để dạy trẻ nên người, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HỌC HIỂU TÂM LÝ ĐỂ DẠY TRẺ NÊN
NGƯỜI
Ông bà ta thường có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, điều đó
vẫn không sai qua mọi thời đại. Trong thời đại ngày nay, có thể
nói dạy con là cả một nghệ thuật sống với trẻ, hòa hợp với trẻ
bằng cả tình yêu thương, hiểu biết tâm lý trẻ và phải dựa vào
phương pháp sư phạm để dẫn dắt chúng lớn khôn chứ không chỉ
đơn thuần là truyền thụ những kinh nghiệm mà mình đã kinh
qua.
Với công nghệ thông tin, một đứa trẻ lên 2 đã có thể dọ dẫm
cầm chuột máy vi tính, lên đến 4-5 tuổi khi chưa đọc được mặt
chữ nhưng chúng cũng có thể bắt đầu rê chuột vẽ hình, thậm chí
biết thế nào là vào Internet để chơi những trò chơi đơn giản.
Bước vào lớp một khi vừa tròn 6 tuổi, cha mẹ không khéo con
trẻ cũng có thể chúi mũi vào trò chơi trực tuyến (game online),
có thể cả những trò chơi mang tính bạo lực. Gần 30 năm về
trước, truyền hình không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận,
còn ngày nay, quảng cáo không kiểm soát, quá sự thật đầy dẫy
trên truyền hình cũng có thể làm đứa trẻ lên hai mê mẫn. Bởi thế
mà thời nay người ta thường hay nhắc tới từ kỹ năng sống, và để
con trẻ có được những kỹ năng sống khi trưởng thành, cha mẹ
cần phải biết cách giáo dục con trẻ từ khi còn thơ bé, ở lứa tuổi
trước khi bước vào lớp một. Vì theo các chuyên gia tâm lý thì
thời thơ ấu là thời kỳ then chốt phát triển cảm xúc, trí khôn,
khám phá các mối quan hệ và là giai đoạn hình thành nhân cách
của con người. Do đó, giáo dục trẻ nhỏ là việc hệ trọng có tính
quyết định đến sự hình thành phẩm chất, cá tính và hạnh phúc
của cả đời người, cũng như có ảnh hưởng rất lớn đến sự bình ổn
và phát triển của xã hội.
Hiểu được nhu cầu học hỏi của các bậc cha mẹ, các bạn trẻ và
các nhà giáo dục mầm non, chiều ngàythứ Bảy 4/9/2010 tại
Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, Chương trình
Chuyên Đề Cuối Tuần của Ban Mục vụ Gia đình đã tổ chức
buổi hội thảo với chủ đề: “Tâm lý và cách giáo dục trẻ 0-6
tuổi” nhằm đem đến cho các tham dự viên những kiến thức để
họ nắm bắt cơ hội khắc ghi lên tâm hồn con trẻ những giá trị
làm người căn bản, để khi lớn lên
chúng có cuộc sống quân bình và hữu
dụng trong xã hội.
Mở đầu buổi hội thảo, 3 bạn trẻ nhóm
Kỹ Năng Sống đã làm hội trường sôi động bằng những cử điệu
trên nền bài bài hát I love you, Giêsu: “Hãy sống như Giêsu, hãy
nói như Giêsu, sống yêu thương thứ tha…”.
Bằng chất giọng ngọt ngào, cùng với lối dẫn giải vấn đề một
cách súc tích, đôi lúc tạo sự vui nhộn, thoải mái cho người tham
dự, Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, diễn giả
buổi hội thảo, đã trình bày Sự phát triển tâm lý trẻ em (từ 0 đến
6 tuổi) bằng những khái quát chung về trẻ em. Khi nhìn một đứa
trẻ chúng ta thường nhìn chúng thế nào thì đối xử với chúng thế
đó. Bằng cách tiếp cận vấn đề Quan niệm về trẻ em, cô đã đưa
ra một vài quan điểm không thích hợp khi các bậc cha mẹ nghĩ
về con trẻ:
Trẻ em là người lớn thu nhỏ: bằng quan niệm này, cha mẹ
thường cư xử với con trẻ như những người lớn, chẳng hạn đòi
hỏi chúng phải đi vào nề nếp, có ý thức tổ chức, đúng giờ, đúng
giấc. Đây là những điều người lớn còn phải rèn luyện, có thể
trong nhiều năm nhưng cha mẹ nhiều khi lại áp đặt bắt con trẻ
phải thực hiện trong một sớm một chiều là điều không thể. Có
những vấn đề, ngay cả người lớn không phải khi người ta nói
một lần là hiểu, nói một lần là nhớ ngay huống chi là trẻ con.
Thế nhưng, người lớn lại thường quan niệm rằng trẻ cần phải
hiểu ngay và nhớ những điều mà mình nói ra. Khi con trẻ lỡ sai
lầm - như làm đánh rơi vật dụng, làm đổ vỡ - ta thường không
sửa dạy, chỉ bảo con trẻ mà chỉ la mắng chúng. Có khi ta bảo trẻ
làm việc quá sức như bắt trẻ học nhiều trong độ tuổi mà chúng
chỉ biết chơi, bắt chúng làm những việc mà người lớn làm như
đánh giày, bán vé số… Những điều trên là quan niệm sai lầm
khi cho rằng trẻ phải hiểu, phải suy nghĩ và hành động như
người lớn.
Trẻ em là đứa con nít: quan niệm này cho rằng đứa trẻ không
biết gì, cha mẹ coi con trẻ còn khờ dại. Chính vì thế người lớn
coi thường trẻ, không quan tâm đến ý kiến của chúng, áp đặt
chúng theo ý của mình.
Về phương diện tâm lý học thì trẻ em không phải là người lớn
thu nhỏ nhưng trẻ em có suy nghĩ và cảm nhận riêng không như
ta nghĩ. Diễn giả đã đưa ra 3 ví dụ điển hình cho thấy trẻ em có
cảm nhận riêng về môi trường xung quanh:
VD1: Một bé trai 3 tuổi học lớp mầm, trong một lần đi học về
gặp bố cứ nhào vào lòng bố, mè nheo đòi ẵm. Người bố đi làm
về mệt nhọc, bực bội trong người gắt với con: Con cái gì mà, đi
làm về mệt còn mè nheo không cho nghỉ ngơi! Đứa bé rời bố,
thản nhiên, không hờn, không giận, khuôn mặt tỉnh bơ, nhưng
đáp lại lời bố: Bố nói sai rồi, con là “con đực” chứ đâu phải
“con cái”.
VD2: Một đứa bé khác (cũng 3 tuổi) đi học về thì bảo mẹ: mẹ
ơi, mai nghỉ học. Người mẹ thoáng nghĩ rồi trả lời: không, mai
thứ Năm sao nghỉ học? Đứa bé lại trả lời: Bảng ghi mai nghỉ học
mà! Mẹ ngạc nhiên, nó 3 tuổi làm gì biết đọc mà bảng ghi thế
này thế nọ, thường thì có gì cô giáo dặn bố mẹ chứ làm sao trẻ
biết, mẹ khẳng định: không, mai đi học. Đứa bé vẫn khăng
khăng: mai nghỉ mà! Người mẹ nghĩ rằng chắc con làm sao đó
nên lờ chuyện này luôn. Sáng hôm sau, đứa bé nhất định không
đi học, nhưng mẹ thì cương quyết đưa con đến trường. Đến
trường, mẹ bảo bé: Các bạn đi học đông đủ sao con bảo là nghỉ?
Bé dẫn mẹ đến tấm bảng mà hằng ngày cô giáo thường ghi thực
đơn và nói với mẹ rằng hôm qua con thấy bảng ghi là mai nghỉ
học. Người mẹ nhìn vào bảng thì thấy từ thứ Hai đến thứ Năm
ghi đặc kín thực đơn, lúc đó mới chợt hiểu là do bé quan sát khi
thấy tấm bảng ghi đầy chữ thì biết ngày mai là thứ Bảy được
nghỉ học. Do các tuần trước, ngày nào cô ghi thực đơn ngày
hôm đó, nhưng tuần này vì lý do gì đó nên thứ Tư cô đã ghi sẵn
thực đơn đến thứ Sáu nên bé quan sát thấy bảng đã ghi đầy, cứ
tưởng là mai được nghỉ học.
VD3: Một ông bố chở con đi học về, đường xá xe cộ đông đúc,
ông bố thấy một anh thanh niên đánh rơi tập hồ sơ, ông liền kêu
anh thanh niên: rớt đồ anh ơi! Chàng thanh niên không kịp nghe,
và rồi xe cộ đông đúc ông cũng không kịp lượm giúp. Nhưng từ
đó về nhà đứa con cứ hỏi bố: Bố kêu chú chi vậy? Bố trả lời: Để
chú lượm lại. Đứa bé tiếp tục thắc mắc: Bố kêu chú chi vậy? Bố:
Kêu chú để chú lượm lại hồ sơ của chú. Bé: Nhưng mà bố kêu
chú chi vậy? Ông bố không thể hiểu được hôm nay tại sao con
cứ hỏi hoài một câu hỏi. Về đến nhà, con lại tiếp tục hỏi cùng
một câu hỏi đó. Bố kể cho mẹ bé nghe câu chuyện và cũng thắc
mắc là không biết tại sao con lại hỏi như thế? Lúc này, người mẹ
mới nhận ra lý do, thì ra thỉnh thoảng trong những lần chở con
đi chơi, bé thường cầm theo đồ chơi, có lúc đánh rơi, bé la lên
đòi lượm lại, những lúc ấy bố mẹ thường bảo thôi lỡ rớt rồi, bỏ
đi con. Bởi vậy, khi thấy anh thanh niên đánh rơi hồ sơ mà bố
lại kêu lượm lại thì bé thắc mắc không hiểu tại sao bố lại kêu
lượm làm chi?
Qua 3 ví dụ trên có thể kết luận rằng, trong giáo dục trẻ em,
không nên áp dụng kinh nghiệm chủ quan của người lớn đối với
trẻ, vì trẻ có những cảm nhận riêng về thế giới xung quanh. Bên
cạnh đó, mỗi thời đại mỗi khác nên kinh nghiệm dạy trẻ là khác
nhau do xã hội ngày càng phát triển.
Nói đến một con người không thể chỉ đề cập con người đó từ lúc
lọt lòng mẹ, mà cần phải xác định rằng con người đã được hình
thành từ lúc hoài thai, bởi vậy giai đoạn thai nhi cũng là giai
đoạn rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến sau này.
Trong phạm vi chủ đề giáo dục trẻ từ 0 đến 6 tuổi, là thời kỳ
trước tuổi đi học, có thể chia làm 3 giai đoạn: sơ sinh: từ 0 đến 1
tuổi, nhà trẻ: từ 1 đến 3 tuổi và mẫu giáo: từ 3 đến 6 tuổi.
Để tìm hiểu Tâm lý trẻ sơ sinh (0–1 tuổi), chúng ta cần nhắc lại
kinh nghiệm của người đi trước, ông bà ta thường khuyên nhủ:
không nên thăm trẻ khi trẻ chưa đầy tháng. Theo dân gian,
người ta thường hay cho rằng đây là vấn đề kiêng cử, nhưng
theo thực tế cần phải biết rằng giai đoạn trong tháng trẻ dành
80% thời gian để ngủ, mà lại là ngủ ban ngày để thức ban đêm.
Thời kỳ này cần đáp ứng nhu cầu vật chất: bú no, mặc ấm.
Ngoài ra, trẻ còn có nhu cầu ấn tượng, trẻ cần thích nghi với môi
trường bên ngoài bụng mẹ: làm quen với ánh sáng, tiếng động,
không gian trong phòng, những khuôn mặt thường chăm sóc trẻ.
Thường đến lúc đầy tháng là lúc đủ thời gian cần thiết để trẻ
thích ứng với bên ngoài, nhưng cũng có thể sớm hay trễ hơn.
Khi ra ngoài tháng, bé có thêm nhu cầu nhận thức: nhận thức
được thế giới xung quanh, nhận biết được những người chăm
sóc bé. Đến cuối tháng thứ hai thì bé có nhu cầu giao lưu: bé sẽ
có hoạt động chủ đạo, đó là hoạt động giao lưu bằng xúc cảm
trực tiếp với người lớn, thông qua xúc giác, nghĩa là cảm nhận
bằng cảm xúc, nhất là qua giọng nói và điệu bộ của người lớn.
Với hoạt động chủ đạo này, tuỳ theo hoàn cảnh được chăm sóc
mà trẻ sẽ hoạt động theo chiều hướng tích cực hoặc hạn chế.
Chiều hướng tích cực: trẻ giao lưu nhiều do đó đạt được cảm
xúc tin tưởng. Thông thường người mẹ sau khi sinh thì theo sát,
không rời con trong thời gian 3-4 tháng làm cho đứa trẻ có mật
độ giao lưu cao với mẹ. Người mẹ biết tất cả mọi thói quen của
trẻ, khi nào khóc do đói, khi nào khóc do nhu cầu vệ sinh hay
khóc vì những lý do khác. Điều đó tạo nên cảm xúc tin tưởng
nơi đứa trẻ, do người mẹ đã đáp ứng, quan tâm đến trẻ mỗi lúc
bé cần. Cảm xúc tin tưởng sẽ làm đứa bé tự tin, bản lĩnh, tâm lý
cân bằng, dễ vượt khó…
Chiều hướng hạn chế: trẻ ít giao lưu do sự đáp ứng không được
tốt sẽ dẫn đến trẻ có cảm xúc không tự tin. Một đứa trẻ sinh ra
không có người thường xuyên chăm sóc mình, như những trẻ
mồ côi trong các cơ sở bảo trợ xã hội, những người chăm sóc
không thể chăm nhiều trẻ cùng một lúc mà phải theo nguyên tắc
tuần tự, làm cho mật độ giao lưu bị hạn chế, vấn đề đáp ứng
cũng hạn chế: nhiều trẻ cùng khóc với nhiều lý do khác nhau
làm cho có bé phải chờ đợi, khiến bé có cảm nhận hoang mang,
nghi ngờ dẫn đến tự vệ cao, yếu đuối, không tự tin…
Vấn đề đặt ra là có nên thay đổi người chăm sóc trẻ liên tục, hay
mặc kệ trẻ khóc cho “nở phổi”, hay trốn bé để sau này bé không
đeo mẹ? Câu trả lời là không! Vì như thế sẽ rơi vào tình trạng
người chăm sóc không hiểu trẻ, làm cho trẻ hoang mang, tạo cho
trẻ cảm xúc bất an, không tin tưởng. Mỗi khi người chăm sóc
đến với trẻ là để xem nhu cầu của trẻ là gì, nhằm đáp ứng nhu
cầu của trẻ, giúp trẻ bình an chứ không phải để bồng ẵm, tạo
thói quen ỷ lại cho trẻ.
Tóm lại, những gì xảy ra trong giai đoạn
sơ sinh sẽ lưu lại và ảnh hưởng rất lớn
đến thời kỳ sau này. Với trẻ sơ sinh, các
bậc cha mẹ cần giáo dục con cái các đức
tính: tính sạch sẽ, tính kỷ luật: ăn ngủ
đúng giờ, tính kiên nhẫn, tính thẩm mỹ: trang trí phòng ốc, đồ
chơi và dạy trẻ nhận biết thế giới xung quanh.
Khi trẻ em tròn 1 tuổi - được đánh dấu bằng ngày thôi nôi, là lúc
cha mẹ cần nắm bắt Tâm lý tuổi Nhà trẻ (1–3 tuổi). Bước vào
thời kỳ này, trẻ có 3 dấu hiệu tiến bộ hơn trước lúc thôi nôi: biết
đi, biết sử dụng đồ vật và biết nói. Nhờ đâu mà trẻ có được
những thành tựu này? Đó là nhờ vào sự dạy bảo, giúp đỡ của
người lớn. Đây là giai đoạn trẻ thực sự được xã hội hoá, là giai
đoạn trẻ phát triển không đồng đều giữa các chức năng, điều này
phụ thuộc rất nhiều vào người chăm sóc. Chính vì thế, đừng vội
đánh giá trẻ này chậm hơn những trẻ khác về mặt này, mặt kia
làm ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý trẻ rất nhiều.
Mặt khác, 3 thành tựu này cũng giúp trẻ độc lập hơn, ít phụ
thuộc vào người chăm sóc. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu
chứng kiến một vài tình huống: muốn thực hiện điều gì đó mà
không được, chẳng hạn như nghịch cát, táy máy đồ đạc như quạt
máy, ổ điện… hoặc ngược lại trẻ không muốn mà bị buộc phải
làm như ăn cơm, uống thuốc… Lúc này, trẻ ý thức được cái tôi
của mình, thậm chí bướng bỉnh, chống đối, chỉ muốn làm theo ý
thích của mình, đó là chuyện bình thường trong phát triển tâm lý
trẻ em. Trong cư xử với trẻ, đây là giai đoạn cần giải thích cho
trẻ những vấn đề xung quanh. Quá trình sử dụng đồ vật của trẻ
cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Đặc điểm của trẻ là rất dễ có
cảm xúc, nhưng cảm xúc không bền, hay thay đổi, cần dựa vào
đặc điểm này để cư xử với trẻ, không được ép buộc trẻ, mà nên
dùng cách đánh lạc hướng. Hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt
động với đồ vật, công cụ. Tương tự như giai đoạn sơ sinh, tuỳ
theo hoàn cảnh được chăm sóc mà trẻ sẽ hoạt động theo chiều
hướng tích cực hoặc hạn chế.
Chiều hướng tích cực: Nếu trẻ được hướng dẫn hoạt động thì trẻ
sẽ có khả năng tự trị, nghĩa là trẻ biết tự kiểm soát hành vi, tự
điều chỉnh, tự quyết định, biết được khả năng của mình, giúp trẻ
tự tin. Những hoạt động mà trẻ có thể tự thực hiện dần: tự múc
cơm, tự tắm, tự mang dép, tự thay quần áo…
Chiều hướng hạn chế: Nếu trẻ không được giải thích, hướng dẫn
trong sinh hoạt, trẻ sẽ hoạt động, sinh hoạt với cảm xúc xấu hổ,
thường là do bị chê bai, dẫn đến hoang mang, không biết khả
năng của mình.
Thông thường trẻ thôn quê lại dễ đi theo chiều hướng tích cực,
trong khi trẻ thành thị do được cha mẹ “chăm sóc kỹ lưỡng” quá
lại dẫn đến thụ động mà đi theo chiều hướng hạn chế.
Sau giai đoạn nhà trẻ, để hiểu rõ Tâm lý tuổi Mẫu giáo (3–6
tuổi), các bậc cha mẹ cần nắm bắt các hoạt động của trẻ, trong
độ tuổi này trẻ tiếp tục hoạt động với đồ vật công cụ, trẻ bắt đầu
tham gia những hoạt động cơ bản của con người, được thể hiện
một cách đa dạng qua các hoạt động:
Vui chơi: trẻ bắt đầu hoạt động với cộng đồng qua các trò chơi
sắm vai như: làm cô giáo, bác sĩ, cha mẹ trong gia đình…
Lao động: trẻ biết tự phục vụ và phụ giúp cha mẹ như: đánh
răng, thay đồ, quét nhà, dọn bát đĩa ăn cơm… Tuy lao động
không đem lại hiệu quả kinh tế nhưng trong giai đoạn này nó
mang ý nghĩa giáo dục cho sự phát triển của trẻ, kích thích lòng
ham muốn làm việc, tránh đi sự lười biếng.
Học tập: lúc này trẻ học kỹ năng nhận thức chứ không phải tiếp
nhận tri thức, như tập ngồi yên, chú ý nghe cô nói, học quan sát.
Chính vì thế, đừng nhồi nhét trẻ trong giai đoạn này.
Đồng thời, trong độ tuổi này trẻ xuất hiện trí tưởng tượng phong
phú, chi phối cảm xúc và hành vi. Trẻ sống và nói theo trí tưởng
tượng, đôi khi làm cho người lớn nghĩ là trẻ bịa chuyện.
Ví dụ: trẻ thường được ba mẹ dẫn đi tiệc cưới và được cho bong
bóng, đôi lúc bé lại khoe với bạn bè là do đám cưới của ba mẹ
mình nên mình được cho một chùm bong bóng lớn! Cần phải
khuyến khích trí tưởng tượng vừa phải của trẻ, chứ đừng nên
dập tắt trí tưởng tượng nơi trẻ.
Tuổi mẫu giáo cũng là giai đoạn của sự hình thành nhân cách.
Có một số yếu tố hình thành nên nhân cách trẻ như tính cách ổn
định, đó là những biểu hiện tâm lý ổn định, những dấu hiệu lặp
đi lặp lại tạo nên tính cách khác với trẻ khác, chẳng hạn như trẻ
hay cho đồ người khác. Bên cạnh đó, trẻ bắt đầu có hành động
hướng đích, biết rằng làm một việc nào đó để làm gì, chẳng hạn
như ăn cơm nhanh để đi siêu thị. Đặc biệt, nơi trẻ cũng xuất hiện
những tình cảm cấp cao là tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ và
tình cảm thẩm mỹ.
Tình cảm đạo đức: trẻ biết phán xét, biểu lộ thái độ và có lương
tri, nghĩa là bày tỏ thái độ trước những hành vi đúng, sai. Trước
những điều tốt, trẻ ủng hộ, đồng tình và cả tự hào; còn trước
những điều sai trái, trẻ phê và tự phê một cách công bằng,
nghiêm túc, chẳng hạn tại sao bố hay mẹ lại vượt đèn đỏ, sao bố
hay mẹ lại nói mày, tao?
Tình cảm trí tuệ: thông qua hành vi, trẻ thích tìm hiểu thế giới
xung quanh, trẻ tự khám phá và thích khám phá, chẳng hạn khi
mua đồ chơi về, trẻ thích nghịch ngợm tìm tòi, gỡ bung ra mọi
thứ để xem bên trong có các bộ phận gì. Độ tuổi này trẻ thường
đặt câu hỏi và luôn hỏi tới, vì thế người lớn cần tìm câu trả lời
thích hợp, thoả đáng cho trẻ, cần tôn trọng trẻ chứ không nên
dập tắt vì trẻ ham “học hỏi”.
Tình cảm thẩm mỹ: thích cảm thụ, thưởng thức và sở hữu cái
đẹp.
Trên đây là những đặc điểm để trẻ hình thành nhân cách và quá
trình phát triển nhân cách là giai đoạn tạo nền móng để trẻ phát
triển lâu dài về sau. Cơ chế để hình thành nhân cách thông qua
việc bắt chước và người lớn cần phải có trách nhiệm giáo dục
trẻ. Do đặc điểm bắt chước mà trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha
mẹ và cô giáo. Trẻ chứng kiến hoạt động của người lớn và làm
theo cả điều đúng lẫn điều sai, chẳng hạn thấy người lớn cụng ly
trong các buổi tiệc, trẻ uống nước cũng bắt chước cụng ly. Nếu
người lớn chuẩn mực thì trẻ sẽ bắt chước điều hay, trẻ được giáo
dục đúng thì sẽ có tính tốt. Bên cạnh đó, trẻ dễ tiêm nhiễm thói
xấu của người lớn nên cần cẩn trọng trong hành vi trước mặt trẻ.
Trong độ tuổi này, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động vui
chơi. Nếu trẻ phát triển theo chiều hướng tích cực, trẻ sẽ chủ
động, sáng tạo, nên trẻ cần phải được khuyến khích và hướng
dẫn để biết được khả năng của mình, làm cho trẻ tự tin. Ngược
lại, nếu trẻ cứ bị la mắng, cấm đoán sẽ khiến cho trẻ đi đến chỗ
mặc cảm, trẻ sẽ thụ động và chậm phát triển.
Sau 3 tiếng đồng hồ với đề tài tâm lý giáo dục trẻ em bằng
những ví dụ minh hoạ thực tế, dí dỏm làm cho người tham dự dễ
tiếp thu và ghi nhớ. Để đúc kết đề tài, cô đã đưa ra những câu
hỏi trắc nghiệm kết thúc buổi thuyết trình:
1. Bé Hà và ba mẹ đến chơi nhà bác Hải. Thấy bác Hải có con
búp bê đẹp, đắt tiền, bé Hà khóc nằng nặc đòi để được mang búp
bê đó về nhà. Mặc dù ba mẹ đã nhẹ nhàng giải thích để Hà thôi
không đòi nữa nhưng Hà vẫn ngoan cố. Ba mẹ của Hà nên có
thái độ như thế nào?
a. Cương quyết không cho mang về, để mặc Hà khóc lóc.
b. Nói bác Hải cho mượn về nhà, sau sẽ trả lại.
c. Trách mắng bé Hà ngay tại nhà bác Hải.
d. Hứa mua một búp bê y hệt trên đường về.
2. Hôm nay cả gia đình dự tiệc cưới. Bạn đã chuẩn bị bộ quần áo
đẹp cho con. Nhưng cháu không chịu và nằng nặc đòi một bộ
khác, theo bạn không được đẹp lắm. Bạn đã giảng giải nhưng
con bạn vẫn chưa chịu. Theo bạn, thái độ nào dưới đây là hay
nhất?
a. Cứ mặc cho con bộ đồ đã chuẩn bị sẵn, dù bé không chịu.
b. Doạ rằng nếu bé không mặc bộ đồ đẹp đó thì không cho đi
cùng với ba mẹ.
c. Nói ngon, nói ngọt để bé chịu mặc bộ đồ đẹp đó.
d. Cho bé được mặc theo ý thích.
3. Quan niệm nào dưới đây là đúng nhất?
a. Trẻ không vâng lời người lớn sẽ không thành người tốt.
b. Trẻ vâng lời người lớn chắc chắn sẽ nên người.
c. Trẻ chỉ biết vâng lời sẽ thụ động, ít sáng tạo.
d. Người lớn lúc nào cũng cư xử đúng với trẻ.
4. Đối với một đứa trẻ hiếu động cha mẹ cần phải:
a. Dọn dẹp tất cả các đồ vật trong nhà để trẻ không quậy phá
được.
b. Thường xuyên trách phạt cho trẻ sợ không quậy phá nữa.
c. Cho trẻ được hoạt động tự do, thoải mái.
d. Cả 3 cách trên đều sai.
5. Mẹ bé Ngọc thường dùng cách thức sau đây để buộc bé Ngọc
phải làm theo ý mẹ: chị đếm 1… 2… 3 mà bé chưa vâng lời là
bị đòn. Bạn đánh giá cách làm này như thế nào?
a. Cách này hay, trẻ nhanh chóng vâng lời người lớn.
b. Cách này không hay, trẻ khiếp sợ, tuân phục thụ động.
c. Cách này hay, đúng ý “thương cho roi cho vọt”.
d. Cách này không hay, cứ đánh đòn không cần đếm.
Sau khi thảo luận sôi nổi, biểu quyết chọn đáp án, cô đã đưa ra
câu đáp án cùng với giải thích:
1.a, điều chỉnh cảm xúc mong muốn không hợp lý của trẻ.
2.d, bé lấy áo do mình chọn không ảnh hưởng đến kỷ luật.
Ngược lại tôn trọng sở thích, khả năng tự trị, làm cho bé kiểm
soát được ước muốn.
3.c; 4.d, cần bảo vệ sự an toàn của trẻ; 5.b.
Sau khi trả lời một số câu hỏi về cách nuôi dạy trẻ trong những
hoàn cảnh cụ thể bằng kinh nghiệm của một nhà giáo dục tâm lý
trẻ em, cô Bích Hồng đã được các tham dự viên chia tay trong
quyến luyến, với hy vọng rằng sẽ được gặp lại cô trong một
chuyên đề khác và tri ân cô đã dành thời gian quý báu để giúp
các tham dự viên có thêm kiến thức bổ ích về nuôi dạy trẻ.
Trong thời đại ngày nay, có vẻ như đa số trẻ em được chăm sóc
tốt hơn về dinh dưỡng, chẳng hạn như càng ngày càng có nhiều
loại sữa phát triển trí não, chiều cao… và trẻ được giáo dục tốt
hơn, thậm chí cha mẹ phải chạy vạy để chọn cho con trường
mẫu giáo tốt nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là cha mẹ
hoặc các các nhà giáo dục hiểu được tâm lý và dưỡng dục trẻ
một cách đúng đắn để trẻ có thể phát triển với tâm lý cân bằng
và có được kỹ năng sống thích hợp. Mong sao sẽ càng có nhiều
cặp gia đình trẻ tiếp cận được với các đề tài giáo dục con cái để
họ biết cách hướng con mình theo con đường chân thiện mỹ.
Sài Gòn, 09/09/2010
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- hoc_hieu_tam_ly_de_day_tre_nen_nguoi_8268.pdf