Khái niệm “Triết học cổ điển Đức” dùng để chỉ sự phát triển triết học của nước Đức ở nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, được mở đầu từ hệ thống triết học của Cantơ (1724 – 1804) trải qua Phíchtơ (1762 – 1814), Senlinh (1775 – 1854) đến triết học duy tâm của Hêghen (1770 – 1831) và triết học duy vật của Phơbach (1804 – 1872).
Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. Đây là đỉnh cao của thời kì triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng to lớn tới triết học hiện đại.
Triết học cổ điển Đức ra đời và phát triển trong những điều kiện của chế độ chuyên chế nhà nước Phổ và nó là sự bảo vệ về mặt tư tưởng cho chế độ đó. Thời kì cuối thế kỉ XVIII, cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789) ảnh hưởng mạnh đến nước Phổ, và Hêghen là một người tán dương cuộc cách mạng đó. Đồng thời xã hội Phổ lúc này với những điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt đã làm nảy sinh hệ tư tưởng có tính chất tiểu tư sản, thỏa hiệp. Tất cả cái đó tạo nên nét riêng của triết học cổ điển Đức.
Do điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội hết sức đặc biệt của nước Đức cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, triết học cổ điển Đức chứa đựng một nội dung cách mạng, nhưng hình thức của nó thì cực kì “rối rắm” và có tính chất bảo thủ.
9 trang |
Chia sẻ: luyenbuizn | Lượt xem: 1188 | Lượt tải: 1
Nội dung tài liệu Hoàn cảnh ra đời của triết học cổ điển Đức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. Mở đầu.
Khái niệm “Triết học cổ điển Đức” dùng để chỉ sự phát triển triết học của nước Đức ở nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, được mở đầu từ hệ thống triết học của Cantơ (1724 – 1804) trải qua Phíchtơ (1762 – 1814), Senlinh (1775 – 1854) đến triết học duy tâm của Hêghen (1770 – 1831) và triết học duy vật của Phơbach (1804 – 1872).
Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX. Đây là đỉnh cao của thời kì triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng to lớn tới triết học hiện đại.
Triết học cổ điển Đức ra đời và phát triển trong những điều kiện của chế độ chuyên chế nhà nước Phổ và nó là sự bảo vệ về mặt tư tưởng cho chế độ đó. Thời kì cuối thế kỉ XVIII, cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789) ảnh hưởng mạnh đến nước Phổ, và Hêghen là một người tán dương cuộc cách mạng đó. Đồng thời xã hội Phổ lúc này với những điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt đã làm nảy sinh hệ tư tưởng có tính chất tiểu tư sản, thỏa hiệp. Tất cả cái đó tạo nên nét riêng của triết học cổ điển Đức.
Do điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội hết sức đặc biệt của nước Đức cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, triết học cổ điển Đức chứa đựng một nội dung cách mạng, nhưng hình thức của nó thì cực kì “rối rắm” và có tính chất bảo thủ.
2. Hoàn cảnh ra đời của triết học cổ điển Đức.
Triết học cổ điển Đức ra đời trong điều kiện lịch sử hết sức đặc biệt. Nước Đức vào cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX vẫn là một nước rất lạc hậu về kinh tế và chính trị so với nhiều nước ở châu Âu như Anh và Pháp. Đó còn là một quốc gia phong kiến điển hình, với 360 tiểu vương quốc tự lập trong một liên bang Đức chỉ còn là hình thức, lạc hậu về kinh tế và chính trị. Thủ công nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp bị đình đốn. Triều đình vua Phổ Phriđrich Vinhem (1770 – 1840) vẫn tăng cường quyền lực duy trì chế độ quân chủ phong kiến, cản trở đất nước Đức phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Cả đất nước bao trùm bầu không khí bất bình của đông đảo quần chúng. Đây là một trong những thời kì hèn kém nhất trong lịch sử nước Đức (Ăngghen).
Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập ở một số nước Tây Âu như Italia, Anh, Pháp…, đem lại một nền sản xuất phát triển chưa từng có. Ở nước Pháp đã tiến hành cuộc cách mạng tư sản, ở nước Anh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp làm rung chuyển cả châu Âu, đưa châu Âu bước vào nền văn minh công nghiệp. Tấm gương của các nước Tây Âu đã thức tỉnh tinh thần phản kháng cách mạng của giai cấp tư sản Đức và những bộ phận tiến bộ khác của xã hội Đức. Nhưng vì giai cấp tư sản Đức và những lực lượng tiến bộ khác nằm rải rác ở những vương quốc nhỏ tách rời nhau, nhỏ bé về số lượng, yếu kém về kinh tế và chính trị nên không thể tiến hành cách mạng tư sản trong thực tiễn, mà chỉ tiến hành cuộc cách mạng về phương diện tư tưởng. Họ muốn thỏa hiệp với tầng lớp phong kiến quý tộc Phổ, giữ lập trường cải lương trong việc giải quyết những vấn đề phát triển đất nước.
Tuy lạc hậu về kinh tế và chính trị, nước Đức thời kì này đạt được sự phát triển chưa từng có về triết học, văn hóa và nghệ thuật. Đây là quê hương của nhiều nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới như Hecđơ, Gớt, Sinlơ, Cantơ… Họ, một mặt, tiếp thu những di sản tư tưởng và văn hóa Đức truyền thống, kế thừa các quan niệm của Nicôlai Kudan, Lepnit…, mặt khác, được sự cổ vũ to lớn của tư tưởng Khai sáng và văn hóa Pháp thế kỉ XVIII. Cách mạng tư sản Pháp (1789 -1794) là hậu thuẫn thực tiễn thức tỉnh giai cấp tư sản Đức đấu tranh vì một trật tự xã hội mới ở Đức. Thể hiện nguyện vọng đó của giai cấp tư sản, các tác phẩm của Gớt, Sinlơ, Cantơ, Phíchtơ… đều toát lên một tinh thần phẫn nộ chống lại sự trì trệ và bất công của xã hội Đức thời đó.
Trước đòi hỏi của quá trình phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở các nước Tây Âu, khoa học tự nhiên đã đạt nhiều thành tựu lớn: phát hiện ra điện, phát hiện ra ôxy và bản chất sự cháy của Lavoadie, việc phát hiện ra tế bào của Lơvenhuc, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng của Lômônôxốp, học thuyết về dưỡng khí của Pritski và Sielo...
Bối cảnh chính trị - xã hội và sự phát triển của khoa học ở Tây Âu và nước Đức lúc đó chứng tỏ sự hạn chế và bất lực của phương pháp tư duy siêu hình trong việc lý giải bản chất của các hiện tượng tự nhiên và thực tiễn xã hội đang diễn ra cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Nó đòi hỏi cần có cách nhìn mới về bản chất các hiện tượng tự nhiên và tiến trình lịch sử nhân loại, cũng như cần có quan niệm mới về khả năng và vai trò của con người. Triết học cổ điển Đức ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
3. Những đóng góp của Triết học cổ điển Đức.
Tuy có những hạn chế trong lĩnh vực chính trị - xã hội nhưng thành tựu của triết học cổ điển Đức thật là vĩ đại.
3.1. Triết học cổ điển Đức mang lại cách nhìn mới về thực tiễn xã hội và tiến trình lịch sử nhân loại. Triết học thời kì này đặc biệt đề cao vai trò hoạt động tích cực của con người, thực hiện bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng triết học phương Tây từ chỗ chủ yếu bàn về những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận… đến chỗ coi con người như một chủ thể hoạt động, là nền tảng và là điểm xuất phát của mọi vấn đề triết học.
Dĩ nhiên, đề tài con người đã được bàn đến ngay từ triết học cổ đại. Xôcrat đã hiểu triết học là tự ý thức của con người về chính bản thân mình, và đối với con người thì cái cao quý nhất là sự tồn tại của bản thân mình, là hạnh phúc của mình. Kế tục tư tưởng đó và khuynh hướng đề cao con người từ thời Phục hưng, Can tơ - nhà sáng lập ra triết học cổ điển Đức - lần đầu tiên hiểu con người là chủ thể, đồng thời là kết quả quá trình hoạt động của mình, khẳng định hoạt động thực tiễn cao hơn lí luận. Bản thân lịch sử là phương thức tồn tại của con người. Mỗi cá nhân hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Tư tưởng đó được Hêghen phát triển thêm, khẳng định con người là sản phẩm của một thời đại lịch sử nhất định, vì vậy, mang bản chất xã hội.
Tuy có hạn chế là quá đề cao sức mạnh trí tuệ và khả năng hoạt động của con người tới mức cực đoan nhưng phải thấy rằng, một trong những thành tựu to lớn của triết học cổ điển Đức là:
Thứ nhất, nó khẳng định rằng tư duy và ý thức chỉ có thể phát triển trong chừng mực con người nhận thức và cải tạo thế giới. Con người là chủ thể, đồng thời là kết quả của toàn bộ nền văn minh do chính mình tạo ra.
Thứ hai, nó nghiên cứu tiến trình lịch sử của nhân loại cũng như toàn bộ mối quan hệ con người - tự nhiên như một quá trình phát triển biện chứng.
3.2. Tuy từ lập trường duy tâm, các nhà triết học cổ điển Đức đã xây dựng nên các hệ thống triết học độc đáo, đề xuất được tư duy biện chứng, lôgic biện chứng, học thuyết về các quá trình phát triển, mà tìm tòi lớn nhất trong tất cả các tìm tòi của họ đó là phép biện chứng.
Trước những bước phát triển như vũ bão của khoa học và thực tiễn xã hội ở châu Âu cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX cho thấy hạn chế của bức tranh cơ học về thế giới, các nhà triết học cổ điển Đức tiếp thu những tư tưởng biện chứng trong các di sản triết học truyền thống từ thời cổ đại, xây dựng phép biện chứng trở thành một phương pháp luận triết học trong việc nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên và xã hội.
Với giả thuyết vân tinh nổi tiếng về sự hình thành vũ trụ và cách nhìn mới về con người, Cantơ, theo nhận xét của Ph. Ăngghen, là người chọc lỗ thủng đầu tiên vào quan niệm siêu hình về tự nhiên thống trị trong khoa học và triết học suốt thế kỉ XVI – XVII. Ý nghĩa cách mạng của thuyết vân tinh không chỉ ở chỗ nó chứa đựng nhiều tư tưởng duy vật và hoàn chỉnh so với các giả thuyết vũ trụ trước đó, mà còn ở chỗ nó đem lại một cách nhìn mới – cách nhìn phát triển lịch sử về thế giới. Nó khẳng định, không chỉ Trái đất, mà cả vũ trụ chúng ta là kết quả của toàn bộ quá trình phát triển và tiến hóa lâu dài của vũ trụ, đánh tan quan niệm siêu hình thống trị thời đó cho rằng, một khi thế giới chúng ta đã tồn tại thì nó vẫn cứ mãi mãi như thế từ xưa đến nay. Nhờ vậy, “vấn đề cái hích đầu tiên đã bị loại bỏ; Trái đất và tất cả hệ thống Mặt trời hiện ra như là một cái gì đã hình thành trong thời gian”. Với giả thuyết này, Cantơ đã bước đầu xây dựng nền tảng cho quan niệm phát triển biện chứng về tự nhiên.
Đến Hêghen, ông đã phát hiện ra những quy luật và các phạm trù cơ bản của phép biện chứng, xây dựng nó trở thành một khoa học về sự phát triển của tất thảy mọi sự vật và tư tưởng. Ý nghĩa thực sự và cách mạng của triết học Hêghen “là ở chỗ nó đã vĩnh viễn kết liễu tính tối hậu của những kết quả của tư tưởng và của hành động con người. Theo Hêghen, chân lí mà triết học có nhiệm vụ phải nhận thức, không còn là một tập hợp những nguyên lí giáo điều có sẵn…, từ nay, chân lí nằm trong chính ngay quá trình nhận thức, trong sự phát triển lịch sử lâu dài của khoa học”. C. Mac chỉ rõ: “Tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải trong tay Hêghen tuyệt nhiên không ngăn cản Hêghen trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng ấy. Ở Hêghen, phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Chỉ cần dựng nó lại là sẽ phát hiện được cái hạt nhân hợp lí của nó đằng sau lớp vỏ thần bí.” “Tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải trong tay Hê ghen – tuyệt nhiên không ngăn cản Hê ghen trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng.”
Dù dưới hình thức duy tâm, triết học cổ điển Đức đã đưa lại cho chúng ta phương pháp tư duy biện chứng, một phương pháp tư duy mà sau này, khi đã được C. Mac và Ph. Ăngghen cải tạo, thì nó trở thành “linh hồn của chủ nghĩa Mac”.
3.3. Với cách nhìn tổng quát và phương pháp biện chứng, nhiều nhà triết học cổ điển Đức có ý đồ hệ thống hoá toàn bộ tri thức và thành tựu mà nhân loại đã đạt được từ trước tới giờ. Tiếp thu tinh hoa của siêu hình học thế kỷ XVII trong việc phát triển tư duy lý luận và hệ thống hoá toàn bộ tri thức con người, các nhà triết học từ Cantơ tới Hêghen đều có ý đồ xây dựng một hệ thống triết học vạn năng của mình làm nền tảng cho toàn bộ thế giới quan của con người, khôi phục lại các quan niệm coi triết học là khoa học của các khoa học. Họ thể hiện sự uyên bác không chỉ về triết học mà còn về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, pháp quyền, lịch sử… Dĩ nhiên, quan niệm đó hiện nay không phù hợp, nhưng về phương diện lịch sử, nó đáp ứng nhu cầu của khoa học cần hệ thống hóa toàn bộ tri thức con người mà các nhà Khai sáng Pháp thế kỉ XVIII là những người khởi xướng trong bộ Bách khoa toàn thư của mình.
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao các nhà duy tâm tư sản yếu hèn trong điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém của nước Đức lại có thể làm nên những thành tựu vĩ đại như vậy trong triết học?
Lịch sử tư tưởng đã chứng minh rằng, các học thuyết tư tưởng tiến bộ có thể nảy sinh trong lòng một nước có trình độ kinh tế lạc hậu hơn nếu biết tiếp thu thành tựu mọi mặt của các nước tiến bộ khác.
Ở Pháp vào thế kỷ XVIII, nền kinh tế kém phát triển hơn ở Anh, song lại hình thành chủ nghĩa duy vật với các đại diện tiêu biểu là: Hônbach, R.Điđro... chính là bởi vì chủ nghĩa duy vật Pháp đã dựa trên những thành tựu của chủ nghĩa duy vật Anh thế kỷ XVII. Ở Đức tình hình cũng tương tự. Triết học cổ điển Đức dựa trên những thành tựu triết học của các nước phát triển châu Âu, nó tiếp thu được tư tưởng giải phóng, tư tưởng cách mạng của các nhà duy vật cách mạng Pháp. Những thành tựu về mặt tư tưởng đó cùng với những tiến bộ của khoa học tự nhiên thời bấy giờ đã phản ánh vào trong tư tưởng, học thuyết của các nhà triết học cổ điển Đức và là những tiền đề cho những tư tưởng biện chứng thiên tài của họ.
4. Những hạn chế của Triết học cổ điển Đức.
4.1. Hạn chế chung nhất trong thế giới quan của các nhà triết học cổ điển Đức là thể hiện rõ mâu thuẫn giữa tính cách mạng - khoa học về tư tưởng với tính bảo thủ, cải lương về lập trường chính trị - xã hội. Hầu hết các nhà triết học thời kì này đều xây dựng được hệ thống triết học chứa đựng những tư tưởng khoa học lớn có tính vạch thời đại, đặc biệt là triết học Cantơ và Hêghen. Nhưng họ lại không dám tiến hành, thực hiện những cuộc cải cách mà lại tìm mọi cách bảo vệ chính thể nhà nước Phổ phong kiến. Họ cho rằng sự phát triển như một quá trình tinh thần, một quá trình tự thức tỉnh và sự phát triển của lý tính. Cách hiểu đó đã xóa nhoà bản chất vật chất của sự cải tạo xã hội hiện thực và về lý thuyết nó biện hộ cho sự thoả hiệp chính trị với các thế lực phong kiến của giai cấp tư sản.
Sở dĩ như vậy là vì hầu hết các đại biểu của triết học thời kỳ này như: Can tơ, Hê ghen… đều xuất thân từ những tầng lớp thượng lưu trong xã hội cho nên tư tưởng triết học của họ chịu ảnh hưởng ý thức hệ của giai cấp tư sản Đức thời bấy giờ. Nhận thấy sự trì trệ của xã hội phong kiến Đức thời đó, được sự cổ vũ của giai cấp tư sản nhiều nước, nhất là cách mạng tư sản Pháp (1789 – 1794), họ thể hiện nguyện vọng tiến bộ của giai cấp tư sản đấu tranh vì một trật tự xã hội mới ở Đức, nhằm đem lại sự thịnh vượng, phồn vinh và thống nhất đất nước. Nhưng khác với giai cấp tư sản Pháp vốn triệt để cách mạng, giai cấp tư sản Đức ngay từ đầu đã muốn thỏa hiệp với tầng lớp phong kiến quý tộc Phổ đang thống trị thời đó, giữ lập trường cải lương trong việc giải quyết những vấn đề phát triển đất nước. Chính vì phản ánh sự nhu nhược đó của giai cấp tư sản mà các nhà triết học thời kì này vẫn ca ngơi, tô vẽ cho nhà nước Phổ phong kiến đang thối nát, với những bất công và tệ nạn xã hội của nó.
4.2. Hạn chế thứ hai và cũng là hạn chế lớn nhất của triết học cổ điển Đức chính là chủ nghĩa duy tâm thần bí. Phía trước và bên cạnh các nhà triết học cổ điển Đức là một dòng triết học duy vật, đặc biệt là tư tưởng duy vật của các nhà triết học Khai sáng. Song các nhà triết học cổ điển Đức thấy rằng: từ quan điểm duy vật, người ta không thể giải thích được thế giới. Bản chất của thế giới theo họ là tinh thần, do vậy chỉ có thể giải quyết được những vấn đề của thế giới bằng tinh thần. Họ đã từ thế giới tinh thần xây dựng nên những hệ thống triết học duy tâm, thần bí.
4.3. Hạn chế thứ ba của triết học cổ điển Đức là: Triết học trừu tượng tách rời hiện thực. Triết học cổ điển Đức đưa ra được những tư tưởng tiến bộ, chống chế độ xã hội cũ nhưng đó chỉ là những tư tưởng, nó không đi vào chính trị xã hội và hoạt động cách mạng mà chỉ là những hệ thống triết lý trừu tượng ở bên trên. Nếu các nhà tư tưởng Pháp tiến hành cách mạng trong thực tiễn, công khai chống lại Nhà nước và Giáo hội thì các nhà triết học cổ điển Đức chỉ suy nghĩ về nó trong tư tưởng, không giám công khai chống lại thực tại đó. Họ là các giáo sư chính thức trong các trường Đại học của vương quốc Phổ, do sợ hãi hiện thực cách mạng, thoả hiệp với giai cấp tư sản, tư tưởng cách mạng của họ đã phải phủ ngoài triết học của mình một lớp vỏ thần bí duy tâm tự biện, nặng nề, xa rời hiện thực.
5. Kết luận.
Triết học cổ điển Đức là một giai đoạn lịch sử tương đối ngắn nhưng nó đã tạo ra những thành quả kì diệu trong lịch sử triết học. Trước hết, nó đã từng bước khắc phục những hạn chế siêu hình của triết học duy vật thế kỉ XVII – XVIII. Thành quả lớn nhất của nó là những tư tưởng biện chứng đạt tới trình độ một hệ thống lí luận – điều mà phép biện chứng thời cổ đại Hy Lạp đã chưa thể đạt tới và chủ nghĩa duy vật thế kỉ XVII – XVIII Tây Âu cũng không có khả năng tạo ra.
Triết học cổ điển Đức là một giai đoạn lịch sử tương đối ngắn nhưng nó đã tạo ra những thành quả kì diệu trong lịch sử triết học. Trước hết, nó đã từng bước khắc phục những hạn chế siêu hình của triết học duy vật thế kỉ XVII – XVIII. Thành quả lớn nhất của nó là những tư tưởng biện chứng đạt tới trình độ một hệ thống lí luận – điều mà phép biện chứng thời cổ đại Hy Lạp đã chưa thể đạt tới và chủ nghĩa duy vật thế kỉ XVII – XVIII Tây Âu cũng không có khả năng tạo ra.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của triết học cổ điển Đức là tính chất duy tâm, nhất là duy tâm khách quan của Hê ghen, còn chủ nghĩa duy vật của Phơ bách thì xét về thực chất không vượt qua trình độ chủ nghĩa duy vật thế kỉ XVII – XVIII.
Triết học cổ điển Đức là một trong những tiền đề lí luận cơ bản của triết học Mac, và toàn bộ chủ nghĩa Mac – Lênin nói chung. Những hạn chế và thành quả của triết học cổ điển Đức đã được triết học Mac khắc phục, kế thừa và nâng lên ở trình độ mới của chủ nghĩa duy vật hiện đại.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và đào tạo, Triết học (Dùng cho nghiên cứu sinh và học viên cao học không thuộc chuyên ngành triết học), Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999;
2. GS.PTS. Nguyễn Hữu Vui (Chủ biên), Lịch sử triết học, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 1998;
3. Website: triethoc.edu.vn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ti7875u lu7853n tri7871t h7885c.doc