Hồ Chí Minh và đường đến nền cộng hòa hợp hiến

Từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” cho đến Hiến pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã

từng bước đưa dân tộc Việt Nam đến nền cộng hòa hợp hiến.

Từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” cho đến Hiến pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã

từng bước đưa dân tộc Việt Nam đến nền cộng hòa hợp hiến: khởi đầu bằng sự lên

án chính quyền bất hợp hiến (Bản án chế độ thực dân Pháp), tiến đến mong muốn

về một chính quyền hợp hiến (Việt Nam yêu cầu ca), rồi tạo tiền đề cho mong

muốn đó thành hiệnthực (Tuyên ngôn Độc lập), và khi có tiền đề rồi thì biến

mong muốn trở thành hiện thực (Hiến pháp 1946). Mạch nguồn của con đường

đến nền cộng hòa hợp hiến đó vẫn tiếp tục chảy trong tương lai của Hiến pháp

Việt Nam

pdf18 trang | Chia sẻ: maiphuongzn | Lượt xem: 1238 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Hồ Chí Minh và đường đến nền cộng hòa hợp hiến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hồ Chí Minh và đường đến nền cộng hòa hợp hiến Từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” cho đến Hiến pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã từng bước đưa dân tộc Việt Nam đến nền cộng hòa hợp hiến... Từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” cho đến Hiến pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã từng bước đưa dân tộc Việt Nam đến nền cộng hòa hợp hiến: khởi đầu bằng sự lên án chính quyền bất hợp hiến (Bản án chế độ thực dân Pháp), tiến đến mong muốn về một chính quyền hợp hiến (Việt Nam yêu cầu ca), rồi tạo tiền đề cho mong muốn đó thành hiện thực (Tuyên ngôn Độc lập), và khi có tiền đề rồi thì biến mong muốn trở thành hiện thực (Hiến pháp 1946). Mạch nguồn của con đường đến nền cộng hòa hợp hiến đó vẫn tiếp tục chảy trong tương lai của Hiến pháp Việt Nam. 1. Bản án chế độ thực dân Pháp - sự lên án chính quyền thuộc địa bất hợp hiến ở Việt Nam Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ngày 26T/12/1920, Nguyễn Ái Quốc phát biểu: “Các đồng chí đều biết rằng chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương từ nửa thế kỷ nay; vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã mà còn bị hành hạ và đầu (độc) một cách thê thảm nữa (1)”. Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta sinh ra trong thời kỳ cả dân tộc đang rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. ách đô hộ đó đã đặt ra trước những người ưu thời mẫn thế của dân tộc Việt Nam câu hỏi: làm thế nào để đánh đuổi thực dân Pháp, giành chủ quyền cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân? Năm 1923, trả lời phỏng vấn tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” Liên Xô, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã giải thích quyết định của mình: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ ngữ tiếng Pháp, thế là tôi đã muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy” (2). Không tán thành đường lối cách mạng của những nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Tất Thành quyết định tự mình ra đi tìm đường cứu nước. “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem xét nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” (3). Trong những năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy và tố cáo bộ mặt thật của thực dân Pháp ở Việt Nam, thể hiện sự phản đối chính quyền bất hợp hiến của thực dân Pháp ở Việt Nam. Chính quyền thuộc địa của Pháp ở Việt Nam là một chính quyền bất hợp hiến. Không có cơ sở từ một hiến pháp dân chủ, chính quyền thuộc địa cai trị theo một lề lối tuỳ tiện, độc đoán. Từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo, nhiều tác phẩm lên án chế độ thực dân Pháp nói chung và hình thức cai trị của chúng nói riêng ở Đông Dương. Những bài viết, tác phẩm Tâm địa thực dân, Bình đẳng, Vực thẳm thuộc địa, công cuộc khai hoá giết người, Đông Dương... đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Người đã vạch trần bản chất tuỳ tiện, chuyên chế của cách thức cai trị thực dân. “ở các tỉnh, người bản xứ bị trói tay trói chân, phải gánh chịu thói tuỳ hứng, chuyên quyền của các quan cai trị người Pháp và thói tham tàn của bọn làm tôi tớ ngoan ngoãn của chúng, bọn quan lại, sản phẩm của chế độ mới ấy là công lý bị bán đứt cho kẻ nào mua đắt nhất, trả hời nhất”... “Như ở các tỉnh, một tỉnh Bắc Kỳ cũng có một vị công sứ Pháp... ông ta là Chủ tịch tỉnh, đốc lý, chánh án, mõ tòa, chủ thầu. Ông kiêm tất cả mọi quyền hành: tư pháp, thuế vụ, sinh mệnh và tài sản của người bản xứ, việc bầu cử những người cầm quyền bản xứ, quyền lợi của công chức v.v..” (4). Tố cáo bộ mặt tàn bạo, lố lăng, giả nhân giả nghĩa... của những cá nhân đại diện thực hành chế độ thực dân, Nguyễn Ái Quốc đồng thời vạch trần bản chất phản dân chủ, vô nhân đạo, phi công lý của nền cai trị thực dân. An -be Xa-rô, một Toàn quyền có tên tuổi ở Đông Dương, đã tuyên bố trong Hạ nghị viện rằng: “Trung thành với sứ mệnh cao cả đã làm rạng danh nước Pháp trên thế giới và lịch sử, nước Pháp đầy lòng bác ái đang theo đuổi tại hải ngoại một sự nghiệp tiến bộ, chính nghĩa, sự nghiệp dìu dắt các chủng tộc, sự nghiệp khai hoá cao cả, tính chất cao quý của sự nghiệp đó đã làm cho truyền thống rực rỡ lâu đời của nước Pháp càng thêm phần rực rỡ” (5). Đập tan luận điểm giả tạo của An -be Xa-rô, trong một bức thư ngỏ gửi cho ông ta, Nguyễn Ái Quốc viết: “Thưa ngài, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng, đối với dân bản xứ ở thuộc địa nói chung, và đối với dân An Nam nói riêng, lòng thương yêu của ngài thật bao la rộng rãi. Dưới quyền cai trị của ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thực sự và hạnh phúc thực sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và những ty thuốc phiện, những thứ đó song song với sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất Châu*Á và sung sướng nhất trần đời” (6). Có thể thấy rằng, Nguyễn Ái Quốc đã không chấp nhận một chính quyền thực dân bất hợp hiến trên đất nước ta bởi tính chất tùy tiện, phản dân chủ, phi công lý của nó. 2. Việt Nam yêu cầu ca - sự cần thiết của Hiến pháp trong một nền pháp quyền Trước sự cai trị độc đoán, tuỳ tiện của chính quyền thực dân Pháp, từ khi còn hoạt động bí mật ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy sự cần thiết của pháp luật trong một xã hội dân chủ. Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Versailles vào đầu năm 1919 do Người khởi thảo gồm tám điểm, trong đó điểm thứ hai là: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người dân bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu” và điểm thứ bảy là: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” (7). Sau này, trong diễn ca Việt Nam yêu cầu ca (1922) bằng lối thơ dễ phổ biến, Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu sách tám điểm: *“ ....Hai xin pháp luật sửa sang, Người Tây người Việt hai phương cùng đồng .... Bảy xin Hiến pháp ban hành Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.” (8) Trong một bản yêu sách khác gửi cho Hội Vạn quốc, ký tên Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc, viết bằng chữ Việt, ngày 30/8/1926, Người cũng đề nghị: “ Nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi: .... 3. Sắp xếp một nền hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội, theo như những lý tưởng dân quyền; luật kính trọng những cái thiểu số của chủng loại (nghĩa là không xâm phạm đến những dân tộc nhỏ như Lào, Cao Miên), biết tôn trọng sự làm ăn, cốt để lập một nền Đông Dương liên bang dân chủ” (9). Những yêu sách nói trên đã phản ánh tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về sự cần thiết phải có Hiến pháp. Điều đáng nói hơn là Người đã sớm nhận ra mối tương quan giữa Hiến pháp và pháp quyền: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, đồng thời nêu ra một triết lý chính trị thâm thuý: Hiến pháp là tiền đề của pháp quyền. Có Hiến pháp mới có pháp quyền. Do đó, yêu cầu về Hiến pháp cũng có nghĩa là yêu cầu về pháp quyền. Lý thuyết về Hiến pháp cũng đồng thời là lý thuyết về pháp quyền. Bản chất của một nhà nước pháp quyền là một nhà nước đặt quyền lực của pháp luật lên công quyền. Pháp luật kiểm soát công quyền trước tiên, trực tiếp và chủ yếu, là Hiến pháp. Hiến pháp là một văn bản tổ chức chính quyền. Hiến pháp ấn định những khuôn khổ cho hành vi của công quyền. Khi đã đặt ra khuôn khổ cho công quyền thì có nghĩa là Hiến pháp đã giới hạn công quyền. Chính vì vậy, Hiến pháp được quan niệm như một sợi dây xích đối với quyền lực nhà nước để chống sự lạm dụng quyền lực. Giới hạn quyền lực trong Hiến pháp có nghĩa là công quyền đã được kiểm soát bởi quyền lực của Hiến pháp. Như vậy, khi một nhà nước ứng dụng chế độ pháp quyền, công quyền đặt dưới quyền lực của pháp luật thì nhà nước đó là một nhà nước hợp hiến. Chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam là một chính quyền bất hợp hiến. Do đó, không có những giới hạn cho việc thực thi quyền lực. Điều này chính là cơ sở cho cách cai trị tuỳ tiện chuyên chế của chính quyền thực dân, và hệ quả là sự xâm phạm các quyền và tự do của con người, chà đạp công lý. Một nhà nước bất hợp hiến như vậy là một nhà nước phản diện so với nhà nước áp dụng pháp quyền, là một nhà nước cực quyền. Hướng tới mục tiêu đòi lại công lý cho nhân dân An Nam, bảo vệ các quyền và tự do của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu nhà nước phải được tổ chức theo Hiến pháp, để thiết lập một nền pháp quyền. Không chỉ là một văn bản điều tiết về nhà nước, Hiến pháp còn là một văn bản ghi nhận các quyền và tự do của con người. Đó chính là lý do tại sao Hồ Chí Minh cam kết “Sắp xếp một nền hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội, theo như những lý tưởng dân quyền”. Hiến pháp là cơ sở cho pháp quyền không chỉ ở ý nghĩa là Hiến pháp đặt ra những quy tắc ràng buộc việc tổ chức và hoạt động của công quyền mà còn ở ý nghĩa Hiến pháp khẳng định những quyền cơ bản của con người. Các quyền cơ bản mà Hiến pháp tôn trọng chính là giới hạn cho sự can thiệp của công quyền. Đó chính là “khu vực cấm” đối với công quyền. Việc Hiến pháp khẳng định dân quyền có ý nghĩa người dân có thể sử dụng các quyền hiến định đó để bảo vệ mình trong đời sống, nhất là trước sự xâm phạm từ phía công quyền. Như vậy, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra cần phải có Hiến pháp để giới hạn sự cai trị tùy tiện của chính quyền, bảo vệ các quyền con người. 3. Tuyên ngôn Độc lập - tuyên ngôn về nền độc lập dân tộc và tuyên ngôn về nền cộng hòa dân chủ Hiến pháp không song hành với sự ra đời của nhà nước. Một quốc gia phải có những điều kiện nhất định thì mới có Hiến pháp. Trước tiên, quốc gia đó phải là một quốc gia độc lập. Khó có thể có một Hiến pháp khi quốc gia còn trong tình trạng nô lệ. Thứ hai, quốc gia đó phải có dân chủ. Con đường đến nền cộng hòa hợp hiến của Hồ Chí Minh tiếp tục với việc khẳng định những tiền đề cho nền cộng hòa hợp hiến ra đời: Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bản Tuyên ngôn này không chỉ là bản tuyên ngôn độc lập mà còn là bản tuyên ngôn về một nền cộng hòa dân chủ. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lập quốc kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố trước thế giới rằng, nước Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ. Tiền đề lý luận cho việc khẳng định quyền độc lập, tự chủ dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước tiên xuất phát từ “đạo lý và chính nghĩa” được thừa nhận như một giá trị tiến bộ của nền văn minh nhân loại: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Sau khi nhắc lại những lời đó trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Hồ Chí Minh đưa ra suy luận khoa học vĩ đại: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (10). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ đạo lý tiến bộ của nhân loại để suy luận ra quyền độc lập của dân tộc. Dân tộc ta đã gan góc chống lại ách đô hộ của Pháp hơn 80 năm và đứng về phe đồng minh chống phát xít, dân tộc ta phải được tự do, dân tộc ta phải được độc lập. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do độc lập ấy” (11). Cùng với việc tuyên bố về nền độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã tuyên bố về nền cộng hòa của dân tộc. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vua Bảo Đại thoái vị... Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà” (12). Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Tuyên ngôn Độc lập đã chính thức tuyên bố với thế giới, Việt Nam đã trở thành một Nhà nước dân chủ cộng hoà. Tuyên bố về nền độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã tạo tiền đề đầu tiên cho Hiến pháp ra đời. Hiến pháp là sự tự quy định của dân chúng trong một quốc gia về cách thức sinh hoạt chính trị của mình. Do đó, Hiến pháp không thể có trong một quốc gia mà dân chúng còn chưa được tự do. Tuy nhiên, không phải cứ có độc lập dân tộc là có Hiến pháp. Sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi (hai tác phẩm được coi như Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc), mặc dù nền độc lập dân tộc được khẳng định, nhưng Hiến pháp không ra đời, bởi hai bản Tuyên ngôn này không tuyên ngôn về nền cộng hòa dân chủ. Hiến pháp chỉ tồn tại trong một nền cộng hòa dân chủ hoặc một nền quân chủ giới hạn, mà không thể tồn tại trong một nền quân chủ tuyệt đối. Khác với thời đại của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi, thời đại của Hồ Chí Minh là thời đại cộng hòa dân chủ: cuộc cách mạng do Hồ Chí Minh lãnh đạo không chỉ là cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, nó còn là cuộc cách mạng giành tự do dân chủ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã không những tuyên bố nền độc lập dân tộc, mà còn tuyên bố từ bỏ chế độ vua chúa, xác lập nền cộng hòa dân chủ. Đây là hai tiền đề cần và đủ cho Hiến pháp ra đời. 4. Hiến pháp 1946 - hợp hiến hóa nền cộng hòa dân chủ Chính vì vậy, một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong đó, nhiệm vụ thứ ba là: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ” (13). Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong chính thể quân chủ chuyên chế hay chính thể của nhà nước thực dân chuyên chế, không thể tồn tại Hiến pháp - tức không có một hệ thống các quy tắc pháp lý ràng buộc việc tổ chức quyền lực nhà nước. Chính thể cộng hoà dân chủ nhân dân, xuất phát từ bản chất của nó, phải được định chế hoá trong một văn bản ở một hệ cấp pháp lý tối cao là Hiến pháp. Trên tinh thần đó, trước khi Quốc hội được thành lập, để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 thành lập một Uỷ ban khởi thảo Hiến pháp gồm 07 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thuỵ, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Mặc dù đất nước đang hết sức bộn bề với muôn vàn công việc khẩn cấp, Ban khởi thảo Hiến pháp đã họp nhiều phiên họp dưới sự chủ trì của Trưởng ban Hồ Chí Minh. Bản dự thảo Hiến pháp đã được Hội đồng Chính phủ thảo luận, bổ sung và sửa đổi. Ngày 31/10/1945, Hội đồng Chính phủ quyết định sẽ công bố trên báo và in gửi đi các làng, xã để thu thập ý kiến của dân. Bản dự thảo Hiến pháp đã được chính thức công bố trên báo Cứu Quốc ngày 10/11/1945 kèm theo Thông cáo của Chính phủ. Thông cáo nêu rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà nên Chính phủ công bố Bản dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình... Uỷ ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình toàn quốc dân đại hội bàn luận” (14). Sau Tổng tuyển cử gần hai tháng, ngày 2/3/1946, Quốc hội đã triệu tập khoá họp đầu tiên. Trong khoá họp đó, Quốc hội đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp mới gồm 11 thành viên. Sau kỳ họp này, Tiểu ban Hiến pháp được Quốc hội cử ra đã tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp. Uỷ ban kiến quốc của Chính phủ cũng tự nghiên cứu và đưa ra một dự thảo. Căn cứ vào bản Dự án của Chính phủ đưa ra, đối chiếu với bản Dự thảo của Uỷ ban kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm về Hiến pháp các nước Âu - á, Tiểu ban đã soạn thảo một dự án Hiến pháp đệ trình Quốc hội. Qua nhiều buổi thảo luận và tranh luận sôi nổi để bổ sung, sửa đổi từng điều cụ thể, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với 240 đại biểu tán thành trên 242 đại biểu (15). Bản Hiến pháp gồm có Lời nói đầu, 7 Chương và 70 Điều. Đánh giá về bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hơn 10 ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới được tự do 14 tháng, đã làm thành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu lên một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” (16). Bản Hiến pháp 1946 đã tạo lập một cơ sở hợp hiến cho chính thể cộng hòa. Lời nói đầu Hiến pháp 1946 đã khẳng định việc “gạt bỏ chế độ vua quan”. Chương I - Chính thể đã ghi nhận chính thể cộng hoà dân chủ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” Hiến pháp ghi nhận một hình thức đại diện để thực hiện quyền lực nhân dân là thông qua Quốc hội. Quốc hội là cơ quan có quyền cao nhất của Nhà nước do nhân dân bầu ra để đại diện nhân dân hành xử chủ quyền nhân dân. 5. Tư tưởng Hồ Chí Minh và Hiến pháp Việt Nam trong tương lai Chúng ta dễ nhận thấy rằng, từ khi tiến hành công cuộc Đổi Mới, công tác lập hiến càng ngày càng có xu hướng quy trở lại những giá trị của Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2001 (sửa đổi) đã khôi phục lại nhiều quy phạm của Hiến pháp 1946 mà các Hiến pháp 1959, 1980 không có. Chẳng hạn, việc khôi phục lại chế định Chủ tịch nước cá nhân, phân công rạch ròi giữa các ngành quyền lực, Chính phủ được ghi nhận là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chế định bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ... Vấn đề đặt ra là tại sao nền lập hiến của Việt Nam lại có xu hướng xích lại gần Hiến pháp năm 1946? Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng Như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Lịch sử đã ghi nhận Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng ta, người sáng lập Nhà nước ta, sáng lập Quốc hội ta và là tác giả của Bản tuyên ngôn Độc lập bất hủ và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” (17). Nền lập hiến của Việt Nam đang trong tiến trình hoàn thiện. Nền lập hiến Việt Nam có xu hướng kế thừa những giá trị của Hiến pháp năm 1946 là muốn tiến đến mức độ dân chủ chung của nền lập hiến thế giới. Trong tiến trình đó, tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh còn chứa đựng nhiều giá trị lớn lao. Ví dụ như một số nội dung liên quan đến cải cách bộ máy nhà nước mà ta đang chủ trương thực hiện có khuynh hướng trở lại với tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh được thể hiện trong Hiến pháp 1946: không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp trung gian (thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện); tổ chức tòa án theo cấp xét xử (không theo đơn vị hành chính), nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố (có nghĩa là hệ thống chính quyền sẽ chỉ còn ba nhánh: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án như năm 1946)… Không những thế, Hồ Chí Minh đã tiếp cận với tư duy của chủ nghĩa hợp hiến ở nội dung khẳng định về tính tối cao của Hiến pháp so với Nhà nước. Và tương lai của nền lập hiến Việt Nam cần phải kế thừa điều này. Hiến pháp 1946 được làm ra theo đúng tinh thần Hiến pháp là tối cao so với Nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946: “Được quốc dân trao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng…” Như vậy, chủ thể của quyền lập hiến ở đây là quốc dân. Quốc hội là chủ thể được quốc dân bầu ra để đại diện quốc dân thực hiện quyền lập hiến. Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1946 là Quốc hội lập hiến, không phải là Quốc hội lập pháp. Trong Hiến pháp 1946, ta thấy có sự phân biệt giữa quyền lập hiến và quyền lập pháp. Trong Lời nói đầu, Hiến pháp có chữ “Quốc hội”. Trong phần nội dung có Chương III về “Nghị viện nhân dân”. Điều này cho thấy sự phân biệt giữa Quốc hội lập hiến và Quốc hội lập pháp. “Quốc hội” ở Lời nói đầu là chỉ Quốc hội lập hiến. Còn, “Nghị viện nhân dân” ở Chương III là Quốc hội lập pháp. Điều rõ thấy hơn là khi điều chỉnh về Nghị viện nhân dân, Hiến pháp chỉ ấn định: “Nghị viện nhân dân... đặt ra pháp luật...” tức là có quyền lập pháp, chứ Hiến pháp không quy định Nghị viện nhân dân có quyền lập hiến (làm Hiến pháp). Bản Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua và Quốc hội cũng quyết định không phải đem trưng cầu dân ý nữa. Do hoàn cảnh lịch sử mà Hiến pháp 1946 chưa được thiết lập bằng con đường trưng cầu dân ý mà Hiến pháp được thiết lập bằng con đường Quốc hội lập hiến. Theo phương thức này, sau khi ban hành xong hiến pháp, Quốc hội lập hiến hết nhiệm vụ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước ta lúc bấy giờ, việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp chưa thể tổ chức được. Quốc hội chưa hết nhiệm vụ mà cần tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được Nghị viện nhân dân (18). Như vậy, Quốc hội lập hiến được duy trì thành Quốc hội lập pháp. Chúng ta cũng thấy, Hiến pháp 1946 không cho phép một cơ quan nào của chính quyền đơn phương sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 là một bản Hiến pháp cương tính. Điều 70 của Hiến pháp quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a. Do hai phần ba tổng số Nghị viên yêu cầu; b, Nghị viện bầu ra một Ban dự thảo những điều thay đổi; c. những điều đã được thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Như vậy, chủ thể đề nghị sửa đổi Hiến pháp được trao cho cơ quan lập pháp. Tính chất đặc biệt so với việc sửa đổi thường luật là ở chỗ phải có 2/3 tổng số Nghị viên yêu cầu. Yêu cầu Hiến pháp sửa đổi phải được đem phúc quyết toàn dân, phản ánh tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến: Chính quyền không thể đơn phương tu chính Hiến pháp. Học tập Hồ Chí Minh trong việc làm ra Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp Việt Nam trong tương lai cần phải được xây dựng theo tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến: chuyển Hiến pháp cho nhân dân phê chuẩn, và do đó, đặt Hiến pháp ở vị trí tối cao so với Nhà nước, phân biệt rõ lập hiến và lập pháp, Quốc hội lập hiến và Quốc hội lập pháp; Quốc hội lập pháp không có quyền lập hiến, chỉ có quyền sửa đổi Hiến pháp nhưng phải có sự phê chuẩn cuối cùng của nhân dân. (1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr22. (2) E. Cô-bê-lép. Đồng chí Hồ Chí Minh. NXB Tiến bộ Mát -xcơ-va,1985, tr38. (3) Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, H, 1975, tr13. (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr8, 48, 49. (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr65. (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr91. (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr435-436. (8) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr438. (9) Dẫn theo: Pháp lý phục vụ cách mạng. Hội Luật gia xuất bản, Hà Nội, 1975, tr.278. (10) Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr1. (11) Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr4. (12) Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr3. (13) Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr8. (14) Báo Cứu Quốc, số ngày 10/11/1945. Dẫn theo: Văn phòng Quốc hội. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960. NXB Chính trị quốc gia, H, 1994, tr.40. (15) Văn phòng Quốc hội. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960. NXB Chính trị quốc gia, H, 1994, tr.102-104. (16) Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr440. (17) Văn phòng Quốc hội. Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam. NXB chính trị quốc gia, H, 1998. (18) Văn phòng Quốc hội. Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), NXB Chính trị quèc gia,H,1994, tr110. Bùi Ngọc Sơn, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf60_5845.pdf