Giới thiệu cây TRÁM TRẮNG

Cây gỗ lớn, cao 20 m hoặc hơn. Thân

thẳng tròn, phân cành muộn. Cành non màu

nâu nhạt, có lông mềm. Vỏ mỏng màu nâu

xám. nứt dọc nhẹ, thịt hồng, có mùi thơm đặc

biệt và khi bị cắt có nhựa đặc chảy ra.

pdf5 trang | Chia sẻ: lelinhqn | Lượt xem: 1500 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Giới thiệu cây TRÁM TRẮNG, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRÁM TRẮNG Canarium album (Lour.) Raeusch, 1797 Tên đồng nghĩa: Pimela alba Lour. 1790; Canarium nigrum (Lour.) Engler, 1900; Canarium pimela Leenh., 1959 Tên khác: Bùi, mắc cơm, cà na (Tày, Nùng) Họ: Trám – Burseraceae Hình thái Cây gỗ lớn, cao 20 m hoặc hơn. Thân thẳng tròn, phân cành muộn. Cành non màu nâu nhạt, có lông mềm. Vỏ mỏng màu nâu xám. nứt dọc nhẹ, thịt hồng, có mùi thơm đặc biệt và khi bị cắt có nhựa đặc chảy ra. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, dài 35-40 cm, mang 7-11 lá chét; lá chét hình trái xoan, mặt trên màu xanh nhạt, bóng, mặt dưới có lông ánh bạc; những lá gần gốc đầu có mũi nhọn ngắn, lá phía trên có đầu thuôn dài; gân lá hơi rõ; có lá kèm hình dùi, phủ lông mềm, màu nâu bạc. Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép, dài 8-10 cm; lá bắc hình vảy. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thưa, thường tụ họp 2-3 cái ở một mấu; đài có lông 3 răng; tràng hình bầu dục, có 3 cánh hơi dài hơn lá đài, phủ lông ngắn ở mặt ngoài; nhị 6 chỉ nhị ngắn; bầu hình trứng có lông màu nâu. Quả hạch hình trái xoan, hai đầu nhọn, dài 2,5- 3,5 cm, khi chín màu vàng nhạt; hạt cứng hoá gỗ dày. Các thông tin khác về thực vật Trám (Canarium L.) là một chi lớn, có khoảng 80-150 loài. Riêng ở Việt Nam chi này có 8 loài. Những loài phổ biến là: Trám trắng (C. album L.), trám đen (C. tramdenum Dai & Yakovl.); trám chim (C. tonkinensis Engl.), trám hồng hay trám 3 cạnh (C. bengalense Roxb.) và cà na (C. subulatum Guillaum.). Hầu hết các loài này có quả ăn được nhưng 2 loài trám trắng và trám đen là thường được sử dụng nhiều và quả có vị ngon hơn cả. Phân bố Việt Nam: Trám trắng phân bố ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đã gặp ở Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Trám trắng - Canarium album (Lour.) Raeusch 1. Cành mang quả; 2. Quả; Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế giới: Trám trắng phân bố ở Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam), Lào (các tỉnh phía Bắc) và Campuchia. Đặc điểm sinh học Cây mọc khá phổ biến trong các rừng mưa nhiệt đới thường xanh ở độ cao 100-1.000 m trên mặt biển, tập trung nhiều ở độ cao 200-700 m; nơi có lượng mưa 1.500-2.000 mm/năm. Trong các rừng nguyên sinh hoặc mới bị khai thác nhẹ, chưa bị mở tán lớn, trám trắng thường mọc đơn độc cùng với sấu, lim. sến.... Trong các rừng thứ sinh, bị khai thác mạnh hoặc mở tán rộng, trám mọc thành từng đám lớn cùng sau sau, chẹo, dẻ gai... Trám trắng có thể sống trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất feralít đỏ vàng hay vàng đỏ, có tầng đất dày trên 50 cm, nhiều mùn, phát triển trên các loại đá phiến thạch sét, phiến thạch mica; thuộc loại đất hơi chua độ pH từ 4-5 và còn mang tính đất rừng. Thường gặp trám trắng mọc ven bìa rừng, đường đi, quanh làng bản, ven sông suối. Trám trắng là cây ưa sáng, mọc nhanh. Trong rừng tự nhiên thường vươn lên tầng trên; nhưng khi còn non, trong 2 năm đầu cần có tàn che nhẹ, độ che sáng thích hợp là 0,2-0,4. Cây trồng ở VQG Cúc Phương từ năm 1986 đến 2002 có chiều cao trung bình 7-8m, đường kính 12-15 cm; cây phát triển không đều, có cây đã ra quả. Nếu trồng nơi đất tốt, cây 20 tuổi có chiều cao trung bình 19-22 m, chiều cao dưới cành 11-13,5 m, đường kính trung bình 24 cm. Trong tự nhiên, cây tái sinh tốt cả bằng hạt và chồi. Những năm gần đây, nhân dân nhiều tỉnh vùng Đông Bắc đã trồng rất nhiều trám trắng trên các vườn rừng hay đất rừng được giao. Một số nơi như Sơn Động (Bắc Giang), dân bảo vệ rừng trám rất tốt để chích nhựa. Cây mọc tự nhiên từ hạt sẽ cho quả sau 8-10 năm, Cây trồng cho quả sớm hơn, chỉ sau 6- 7 năm. Mùa hoa tháng 5-6, mùa quả tháng 8-9. Công dụng Trước đây trám trắng trồng chủ yếu để lấy gỗ; hiện một số nơi đã trồng trám trắng để lấy nhựa (Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn). Gỗ trám trắng có giác lõi phân biệt không rõ ràng về màu sắc, thường có màu trắng vàng nhạt và hơi hồng. Vòng sinh trưởng không rõ. Gỗ cứng và nặng trung bình, khối lượng 550-630 kg/m 3 ; sợi gỗ có nhiều vách ngăn ngang, dài trung bình 1,1 mm. Gỗ trám trắng được dùng làm đồ mộc, dùng trong xây dựng và làm nguyên liệu cho công nghiệp gỗ dán, lạng. Phân bố trám trắng ở Việt Nam Hiện nay trám trắng được trồng chủ yếu để lấy quả, do thị trường Trung Quốc có yêu cầu cao về loại quả này. Quả có thành phần protein 12%, lipid 1,09%, hydrat carbon 12%, Ca 0,024%, K 0,046%, Fe 0,04% và P 0,06%. Hạt chứa dầu với thành phần gồm các acid béo: hexanoic, caproic, octanic, decanoic, lauric, myristic, stearic, palmatic và linoleic. Quả trám trắng có vị chua, ngọt, bùi, béo, tính ấm có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, sinh tân, thanh giọng. Quả trám ỏm là thức ăn phổ biến của nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào ở các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Trám ỏm xong có thể ăn trực tiếp, hoặc kho cá, kho hoặc nhồi thịt. Đặc biệt trám trắng dùng để chế biến nhiều loại ô mai rất được ưa chuộng. Quả trám còn được dùng làm thuốc chữa sưng hầu, sưng amidan, ho nhiều đờm, viêm ruột, tiêu chảy, khát nước. Quả tươi còn xanh dùng để giải độc rượu chữa ngộ độc do cá. Quả chín có tác dụng an thần, chữa động kinh Nhân hạt trám trị giun và hóc xương. Vỏ cây trị dị ứng sơn, đau nhức răng. Trám trắng còn cung cấp nhựa. Nhựa trám dùng chưng cất lấy tinh dầu, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp nước hoa. Nhựa trám cũng được dùng để chế biến sơn; còn colophan trám dùng trong kỹ nghệ xà phòng, vecni. Cứ 100 kg nhựa trám sau khi chưng cất cho 18-20 kg tinh dầu và 50-60 kg côlophan. Nhựa trám tươi (không qua chưng cất) được dùng làm hương thắp. Một cây trám trắng đường kính 30-40 cm, một năm có thể cho 20-30 kg nhựa. Kỹ thuật nhân giống, gây trồng Nhân giống : Trám trắng được nhân giống bằng hạt. Vào tháng 8-9, khi quả đã chín đều, vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng là có thể thu hái. Chọn các quả to đều, chín già, không sâu bênh để làm giống. Quả hái về ngâm vào nước nóng khoảng 70 0 C cho thịt quả mềm rồi tách lấy hạt; rửa hạt sạch và hong khô, xếp hạt trong cát ẩm, cứ một lớp hạt, một lớp cát. Khoảng 7-10 ngày đảo hạt một lần cho thoáng khí; tưới thêm nước để giữ ẩm, nếu cần có thể thay cát mới. Hạt trám không chịu được điều kiện bảo quản khô và có thời gian ngủ khá dài. Đến mùa xuân khi hạt nứt nanh, đem gieo vào bầu. Ruột bầu gồm 90% đất mặt vườn ươm và 10% phân chuồng hoai. Mỗi bầu gieo 1 hạt đã mọc mầm. Cũng có thể gieo thẳng hạt sau khi đã xử lý nước nóng và tách khỏi vỏ quả, nhưng cách này tốn nhiều công chăm sóc và tỷ lệ sống không cao. Xếp bầu trong vườn ươm, chăm sóc trong 1 năm thì chuyển đi trồng. Nếu muốn để lâu hơn phải dùng bầu to và hàng năm cần đánh chuyển bầu để rễ cái không ăn sâu, trồng dễ sống. Trồng và chăm sóc : Đất trồng trám cần có tầng dày, nhiều mùn và ở nơi có đầy đủ ánh sáng. Nếu để lấy quả cần trồng thưa, cự ly 7-8 m/cây. Còn để lấy gỗ có thể trồng dày hơn, với mật độ 1.000 cây/ha (cự li 5 x 2 m) hoặc 500 cây/ha (cự ly 4-5 m). Thời vụ trồng vào tháng 2-3 hoặc 8-9. Trồng theo hố với kích thước 50 x 50 x 50 cm, bón lót mỗi hố 10-15 kg phân chuồng. Có thể trồng xen các cây nông nghiệp để tận dụng đất, hạn chế cỏ dại và tăng thu nhập. Ngoài ra khi chăm sóc cây nông nghiệp cũng làm cho cây trám trắng phát triển tốt hơn. Phạm Đình Tam và cs (2001) đã thí nghiệm trồng trám trắng với các phương thức trồng, cây phù trợ và phương thức hỗn giao khác nhau đã rút ra kết luận: Phương thức trồng có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trám trắng ở giai đoạn rừng non. Qua so sánh cho thấy, phương thức trồng toàn diện có cây phù trợ trong giai đoạn đầu tỏ ra phù hợp với sinh trưởng của cây trám. Trong giai đoạn đầu (4-5 tuổi), trám trắng cần có cây che phủ đất để hỗ trợ cho cây sinh trưởng. Cây che phủ đất phù hợp là cốt khí, keo. Cần điều chỉnh cây che phủ để chúng không che ngọn cây trám. Trong giai đoạn đầu (3-4 tuổi), phương thức trồng hỗn giao chưa có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trám trắng. Tuy nhiên quan sát bước đầu cho thấy trám trắng có thể hỗn giao với với các loài cây gỗ bản địa có tốc độ sinh trưởng cao như: lim xẹt. Sau khi trồng, nếu trời khô hanh phải tưới nước để đảm bảo độ ẩm. Cần làm cỏ 2-3 lần trong năm khi cây còn nhỏ (1-4 năm đầu). Khi cây trám đã lớn không cần làm cỏ nữa nhưng phải bón cho cây vào lúc sắp ra hoa và sau khi thu hoạch quả. Mỗi lần bón 50-70 kg phân chuồng để cây cho năng suất quả cao. Trám ít sâu bệnh, nhưng phải chú ý bảo vệ. Trâu bò và các thú rừng như hươu nai, lợn rừng rất thích ăn lá trám non vì có vị chua khá hấp dẫn. Gần đây để có các cây trám cho quả sớm và năng suất cao, người ta đã áp dụng kỹ thuật ghép nhằm tạo ra các cây trám sai quả. Đã thí nghiệm thành công phương pháp ghép trám trắng với nguyên liệu ghép là chồi hoặc mắt lấy từ các cây mẹ sai quả; gốc ghép là các cây trám trắng 1-2 tuổi trồng từ hạt. Tỷ lệ sống cây ghép đạt 60-70% hay hơn. Một số cây trám ghép ra hoa ngay trong năm đầu; nhưng cho quả tốt vào năm thứ 3 hoặc thứ tư. Khai thác, chế biến và bảo quản Quả trám khi chín có thể thu hoạch bằng cách trèo trực tiếp, bằng dùng sào có câu liêm hoặc bằng thang. Cần chú ý khi hái quả, không gây tổn thương nhiều cho cây trám để ảnh hưởng xấu đến mùa quả năm sau. Quả hái về nếu ăn ngay cần ỏm trám (xem bài trám đen); nếu làm ô mai phải ngâm quả, phơi khô rồi tẩm các gia vị cần thiết tuỳ loại ô mai. Cũng có thể chế biến quả thành mứt trám để được lâu. Muốn chích nhựa trám phải có dụng cụ riêng, chỉ chích các cây trám có đường kính trên 20 cm. Nếu cây có đường kính lớn hơn có thể mở 3- 4 máng nhựa. Máng được mở từ dưới lên trên; sau 3-4 ngày phải đục khoét sâu vào vỏ cây 1-2 cm để nhựa chảy ra. Thường 1 tuần đi thu nhựa một lần. Có thể bán ngay nhựa mới thu hoạch để làm hương thắp hoặc bán cho các nhà máy chế biến nhựa thông và nhựa trám để chế dầu trám và cô lô phan. Nhiều cây trám đường kính 60-80 cm vẫn cho nhựa tốt. Mùa chích nhựa trám gần như quanh năm, nhưng mùa hè cây cho nhiều nhựa hơn mùa đông Cây già, đường kính trên 60 cm có thể chặt để lấy gỗ. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn Trám trắng là một loài LSNG đa tác dụng, cây vừa cho quả ăn được, vừa cho nhựa, làm thuốc hoặc cho gỗ. Hiện nay thị trường quả và nhựa trám trắng đang được mở rộng, cung không đủ cầu (giá quả khoảng 6.000-8.000 đ/kg; giá nhựa trám khoảng 10.000-15.000 đ/1kg). Cần chú ý phát triển mặt hàng LSNG có triển vọng này. Trước hết phải chú ý đến công tác chọn giống. Hiện nay trên thị trường cây giống được sản xuất một cách tuỳ tiện và tự phát, không ai quản lý được chất lượng. Cũng cần chú ý nghiên cứu kỹ thuật thu hái quả và cải tiến kỹ thuật chích nhựa trám để thu được nhiều nhựa với chất lượng cao. Có thể xếp trám trắng là loại LSNG có tác dụng xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng trung du và miền núi. Vì vậy, cần có kế hoạch và chính sách khuyến khích việc phát triển loài cây này. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Tiến Bân, 2003. Burseraceae Kunth, 1824 – Họ Trám Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập II (Nguyễn Tiến Bân – Chủ biên): 954- 956. Nxb Nông Nghiệp - Hà Nội; 2. Nhiều tác giả, 2004. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Tập II: 994-996. Nxb Khoa học và Kỹ thuật – Hà Nội; 3. Triệu Văn Hùng, 1992. Kết quả điều tra sinh thái cây trám trắng. Báo cáo khoa học. Trường Đại học Lâm nghiệp ; 4. Phạm Đình Tam, Trần Lâm Đồng, 1997. Báo cáo sơ kết 2 năm đề tài nghiên cứu trồng trám trắng; 5.. Phạm Đình Tam và CS, 2001. Kết quả nghiên cứu trồng rừng trám trắng (Canarium album) làm nguyên liệu gỗ dán. Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Lâm nghiệp, giai đoạn 1996-2.000. Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, tr. 71-78, Nxb. Nông nghiệp Hà nội; 6. Trần Quang Việt, 2001. Cây trám trắng (Canarium album Raeusch) (2002). Báo cáo chuyên đề: Cây bản địa ở Việt Nam. Hội thảo “ Đánh giá tiềm năng sử dụng cây bản địa vào trồng rừng ở Việt Nam”. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà nội 8/4/2001.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftramtrang_1071.pdf
Tài liệu liên quan