Giới thiệu cây THẢO QUẢ

Câythảo, sống lâu năm, cao 2 – 3 m. Thân rễto,

phân nhánh, mọc thành cụm, có nhiều ngấn ngang,

màu hồng, phủbởi những vảy mỏng, đường kính 2,5

– 4 cm, mùi thơm. Thân khí sinh do bẹlá tạo thành,

có khíadọc, màu lục. Lá mọc so le,có cuống ngắn,

hình dải dài 50 – 70 cm, rộng 10 – 15 cm, gốc hẹp,

đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm

bóng, mặt dưới nhạt.

pdf4 trang | Chia sẻ: lelinhqn | Lượt xem: 1446 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Giới thiệu cây THẢO QUẢ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THẢO QUẢ Amomum aromaticum Roxb., 1820 Tên đồng nghĩa: Amomum tsao-ko Cre’vost et Lemarie, 1917; Cardamomum aromaticum (Roxb.) Kuntze, 1991 Tên khác: Đò ho, thảo đậu khấu; mác hấu (Tày); Lờ hảo (H’ Mông); Nepal ardamom, Bengal cardamom (Anh); Cardamone tsao – ko (Pháp) Họ: Gừng – Zingiberaceae Hình thái Thảo quả Amomum aromaticum Roxb. 1- Ngọn và lá; 2- Gốc và chùm quả; 3- Quả khô và khối hạt; 4- Hạt 4 3 2 1 Cây thảo, sống lâu năm, cao 2 – 3 m. Thân rễ to, phân nhánh, mọc thành cụm, có nhiều ngấn ngang, màu hồng, phủ bởi những vảy mỏng, đường kính 2,5 – 4 cm, mùi thơm. Thân khí sinh do bẹ lá tạo thành, có khía dọc, màu lục. Lá mọc so le, có cuống ngắn, hình dải dài 50 – 70 cm, rộng 10 – 15 cm, gốc hẹp, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt. Cụm hoa dạng bông, mọc từ gốc thân, dài 15 – 20 cm. Hoa nhiều mọc sít nhau, được bao ngoài bởi các lá bẹ hình bầu dục, màu nâu hồng, dài 2 cm; hoa có 2 lá bắc, lá bắc ngoài hình mác, lá bắc trong hình ống. Đài dạng ống; tràng hoa màu vàng, gồm 4 bộ phận, thuỳ giữa, 2 thuỳ bên và cánh môi, cánh môi hình thìa màu vàng đậm, ở giữa có 2 vạch đỏ; nhị màu vàng; vòi nhuỵ màu trắng; bầu hình trứng. Quả mọc thành chùm, hình trứng, màu đỏ tía, đường kính 1,7 – 2,0 cm, dài 2,2 – 2,7 cm, có núm ở đầu; trong quả chia thành 3 ô. Hạt màu vàng nâu, có áo hạt vị ngọt, mùi thơm hơi cay. Các thông tin khác về thực vật Trong quần thể thảo quả trồng ở Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai) bao gồm 2 loài, là loài thảo quả và loài “Hồng thảo quả” (Amomum hongtsao-ko C.F. Liang et D.Fang). Hồng thảo quả có kích thước cây và quả lớn hơn, đồng thời màu đỏ tía của quả cũng đậm hơn so với loài thảo quả. Hồng thảo quả được trồng nhiều ở vùng Sa Pa, còn thảo quả trồng nhiều ở huyện Bát Xát. Ngoài ra, bên cạnh quần thể thảo quả trồng còn có một dạng khác mọc tự nhiên, về hình thái cây giống thảo quả, quả già hình trứng, nhọn đầu và vẫn có màu xanh, khi chín màu vàng, nếu đã làm khô rất dễ nhầm với thảo quả (FRPS.T.16(2), 1981 và Hoàng Văn Lâm, 2004). Cần chú ý nghiên cứu để phân biệt với dạng thảo quả trên. Phân bố Việt Nam: Cây được trồng tại một số tỉnh miền núi, giáp biên giới phía Bắc: Lào Cai (huyện Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà); Lai Châu (huyện Phong Thổ, Than Uyên và Sìn Hồ); Hà Giang (huyện Vị Xuyên và Quản Bạ). Thế giới: Cây được trồng nhiều ở Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây). Còn có ở Ấn Độ, Nepal. Đặc điểm sinh học Thảo quả có nguồn gốc ở vùng cận Himalaya, thuộc Đông - Bắc Ấn Độ và Nepal. Được biết, cây cũng mọc tự nhiên ở vùng Tây – Nam Trung Quốc (tỉnh Vân Nam). Ở Việt Nam, theo cộng đồng người H’Mông và Dao ở Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai), xưa kia thảo quả cũng có mọc tự nhiên ở dãy Hoàng Liên Sơn. Song qua thực tế điều tra của Viện Dược liệu, chưa phát hiện thấy một quần thể nhỏ nào mọc tự nhiên. Nếu có, đó là những cây trồng đã bị bỏ đi, trở nên hoang dại hoá, do hậu quả rừng che phủ đã bị phá huỷ, thảo quả sinh trưởng phát triển kém và không cho thu hoạch. Phân bố thảo quả ở Việt Nam Thảo quả là cây đặc biệt ưa bóng, ưa ẩm nên chỉ có thể trồng được dưới tán rừng, có độ tàn che 40 – 60%, ở độ cao 1.300 – 2.200 m. Rừng ở nơi trồng thảo quả có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 13 – 15,3oC, thường xuyên có sương mù, lượng mưa 3.500 – 3.800 mm / năm, độ ẩm không khí trung bình từ 90% đến bão hoà. Cây thường xanh quanh năm. Mùa hoa bắt đầu từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5; quả từ tháng 5 - tháng 9 hoặc tháng 10. Trong thời gian hoa nở, nếu gặp mưa nhiều ngày, tỷ lệ hoa đậu quả thấp và năm đó sẽ bị coi là mất mùa thảo quả. Nhưng với thời tiết thuận lợi cho việc thụ phấn, mỗi chùm quả có từ 15 đến 40 quả, cá biệt tới 60 quả. Thảo quả có khả năng tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và bằng cách đẻ chồi nhánh ở thân rễ. Từ một nhánh hay cây con trồng ban đầu, sau 1 năm tạo ra 4 – 6 nhánh; các năm sau tăng theo cấp số nhân, tạo thành khóm thảo quả khổng lồ, bao gồm hàng trăm nhánh. Bộ phận dùng và công dụng Bộ phận dùng: Hạt khô khi dùng mới bóc ra từ quả. Hạt có hình khối đa giác, không đều, mặt ngoài màu đỏ nâu hay nâu xám, lớp áo hạt màu trắng ngà. Thành phần hoá học: Hạt chứa tinh dầu với hàm lượng 1,07 – 1,49%. Các thành phần của tinh dầu gồm β - pinen, sabinen, α - phellandren, myrcen, limonen, cineol, P – cymen …ngoài ra, hạt còn có tinh bột và các hợp chất alcaloid. Công dụng: Hạt thảo quả là thuốc chữa đau bụng, đầy chướng, nấc, nôn oẹ, tiêu chảy, sốt rét, hôi miệng, sâu răng … Liều dùng 3 – 6 g / ngày, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Bên cạnh công dụng làm thuốc, thảo quả còn được dùng nhiều làm gia vị. Kỹ thuật nhân giống, gây trồng Nhân giống: gồm 2 loại Bằng hạt: Vào tháng 10 (11), khi thu hoạch, chọn những chùm quả già, nhiều quả to, ở cây 5 tuổi trở lên. Bóc vỏ, đãi bỏ phần áo hạt và chỉ lấy hạt chìm. Vườn ươm được chọn kề bên nơi trồng thảo quả, dưới tán rừng, độ che phủ 60%, mặt đất bằng phẳng, đất được làm nhỏ, đánh luống cao. Hạt giống thu được cần gieo ngay. Hạt để khô sẽ giảm khả năng nảy mầm. Gieo xong phủ cỏ khô. Hạt sẽ nảy mầm sau khi gieo 40 – 45 ngày. Chú ý tỉa thưa để có cự ly 20 x 20 cm / cây. Cây con thừa giặm sang luống khác. Cây thảo quả con ở vườn ươm sau 1 – 2 năm mới nhổ đi trồng. Bằng nhánh con: Tách một số nhánh non từ các khóm thảo quả trồng, cao khoảng 1 mét, ở gốc còn một đoạn thân rễ, cắt bỏ lá. Loại cây giống này không tốt bằng cây con gieo từ hạt. Trồng và chăm sóc: Thời vụ: từ tháng 12 – 3 năm sau. Làm đất: Đất dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, độ cao 1.500 – 2.200 m, bề mặt tương đối bằng phẳng, hoặc có độ dốc dưới 15o. Chặt phá bỏ tất cả các loại cây ở tầng dưới tán. Ở tầng tán chỉ để lại một số cây gỗ, đủ tạo nên tán che 40 – 60%. Cuốc bỏ gốc cây, bổ hố trồng cự ly 3 x 4 m / cây. Thảo quả không cần trồng sâu nhưng cần giẫm chặt gốc. Đất rừng mới khai phá còn màu mỡ không cần bón phân. Chăm sóc: Thảo quả là cây trồng bán tự nhiên nên chăm sóc đơn giản, ngoại trừ việc chặt phát, làm vệ sinh rừng 2 lần / năm. Lần thứ 1 trước mùa hoa (tháng 2 – 3); lần thứ 2 sau khi thu hoạch quả, lần này cần chặt bỏ những cây thảo quả già. Chú ý khi vệ sinh rừng phải nhổ bỏ tất cả những cây xâm lấn xung quanh gốc thảo quả. Cây trồng sau 3 năm bắt đầu có hoa quả, càng về sau càng nhiều hơn. Năng suất cao nhất từ năm thứ 6 – 15, trung bình 0,2 – 0,3 tấn quả khô/ ha/năm và cây trồng có thể thu hoạch trong vòng hơn 20 năm. Khai thác, chế biến và bảo quản Vào khoảng tháng 9 đến hết tháng 10, khi thảo quả già thì tiến hành thu hoạch. Dùng dao cắt cả chùm quả đem về phơi hay sấy. Hiện nay hầu hết những rừng trồng thảo quả thường xa nơi ở của đồng bào, đi lại khó khăn. Để giảm công chuyên chở, vào mùa thu hoạch đồng bào thường làm lều ở tạm và sấy thảo quả luôn trong rừng. Lò sấy được làm nơi dốc, cuốc sâu vào tà ly, lấy các cây gỗ nhỏ và tre (hoặc nứa) tươi làm giàn. Mỗi lò làm 3 tầng giàn sấy, củi khô đốt ở dưới. Các chùm thảo quả được rải thành 2 – 3 lớp trên 1 giàn. Trong quá trình sấy luôn phải đảo. Khi quả ở rầng dưới khô được lấy ra ngay, chuyển quả ở giàn 2 xuống giàn 1 và từ giàn 3 xuống giàn 2; ở giàn 3 sẽ bổ sung 1 lớp quả tươi mới. Cũng có người thường xuyên đảo quả giữa 3 giàn, cho đến khi khô đồng đều mới lấy ra để sấy tiếp lần mới. Trung bình mỗi lần sấy cần 3 – 5 ngày; một lò có thể sấy được từ 50 – 75 kg thảo quả khô / lần. Tỷ lệ giữa quả khô và tươi vào khoảng 70%. Lưu ý rằng, khi sấy thảo quả nên để cả chùm nhằm tạo độ thông thoáng cho mau khô, dễ đảo khi sấy. Khi quả đã khô tách lấy từng quả (bỏ cuống chung), đóng bao vận chuyển về nhà. Thảo quả khô cần để nơi khô ráo, tránh ẩm vì dễ bị mốc. Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn Thảo quả là cây trồng quan trọng ở vùng cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2002, tổng diện tích rừng có trồng thảo quả ở Việt Nam là 1.626 ha, trong đó riêng tỉnh Lào Cai đã có tới 1.499 ha (Vu Van Dung, Hoang Huu Nguyen, et al., 2002); diện tích còn lại là ở các tỉnh khác. Tổng sản lượng thảo quả khô hàng năm từ 15 đến 30 tấn, giá bán ra tại chỗ dao động từ 30.000 đến 150.000 đ / kg tuỳ năm. Nếu tính trung bình 1 ha mỗi năm 250 kg, với giá bán khoảng 60.000 đ / kg sẽ thu được 15 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập đáng kể đối với người nông dân, nhất là với cộng đồng các dân tộc (H’Mông, Dao) sinh sống ở vùng cao. Thảo quả rõ ràng là một cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trồng thảo quả không đòi hỏi kỹ thuật khắt khe, phù hợp với trình độ sản xuất của người dân miền núi. Hơn nữa, sản phẩm thảo quả của Việt Nam chủ yếu là để xuất khẩu. Bên cạnh lợi ích kinh tế kể trên, xét về khía cạnh bảo vệ tài nguyên – môi trường thì việc mở rộng trồng thảo quả lại là điều bất lợi. Bởi lẽ, muốn trồng được thảo quả phải chặt bỏ bớt các cây gỗ ở tầng lập tán, cùng với toàn bộ các loài cây cỏ khác ở dưới tán rừng. Vả lại, loại rừng phù hợp để trồng thảo quả thường ở vùng núi cao (rừng đầu nguồn) – Nơi đây được coi là rất phong phú về đa dạng sinh học của Việt Nam. Chính vì những lý do này mà không nên mở rộng thêm diện tích trồng thảo quả ở nước ta. Trong khi đó, cần đi sâu nghiên cứu thêm về chọn giống và thâm canh, nhằm làm tăng năng suất cho cây thảo quả trồng hiện nay. Tài liệu tham khảo 1. Hoàng Văn Lâm (2004). Góp phân nghiên cứu tính đa dạng và tình hình phát triển cây thảo quả ở xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Luận văn thạc sỹ Dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội, 87 trang; 2. Nhiều tác giả (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam; Tập II. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội; trang 837 – 840; 3. Academia of China (1981). Flora Republic Popularis Sinecae, T.16 (2) (1981). Science Press, pp. 114 – 135; 4. Vu Van Dung, Hoang Huu Nguyen, Trinh Vy and Nguyen Van Tap (2002). Selected NTFPs with high values in Vietnam: Product Presentation, 53 – 54p, in Vu Van Dung, Jenne de Beer, et al.. An overview of the NTFP sub-sector in Vietnam. Project: Substainable Utilization of the NTFP, Hanoi;

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfthaoqua_2892.pdf