Cây nửa rụng lá, cao 20-30 m, đường
kính 30-80 cm. Tán dày màu xanh thẫm;
gốc có bạnh vè lớn. Vỏ màu xám nâu,
nháp, thịt màu đỏ, có dịch mủ. Cành non
phủ lông mềm.
4 trang |
Chia sẻ: lelinhqn | Lượt xem: 1496 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Giới thiệu cây SẤU TÍA, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SẤU TÍA
Sandoricum koetjape (Burm. f.) Merr., 1912
Tên đồng nghĩa: Sandoricum indicum Cav.1789, S. harmandii Pierre 1879; Sandoricum
harmandianum Pierre ex Laness, 1886
Tên khác: Sấu đỏ, mậy tong (Thái)
Họ: Xoan - Meliaceae
Tên thương phẩm: Santol, Sentol, Kechapi (Anh); Faux mangoustan, mangoustan
sauvage (Pháp)
Hình thái
Cây nửa rụng lá, cao 20-30 m, đường
kính 30-80 cm. Tán dày màu xanh thẫm;
gốc có bạnh vè lớn. Vỏ màu xám nâu,
nháp, thịt màu đỏ, có dịch mủ. Cành non
phủ lông mềm.
Lá kép 3 lá chét, dài 30-60 cm, có lông
nhung; cuống chung dài 20-25 cm; lá chét
hình trứng rộng hay hình mác, gốc tù hay
tròn, đầu hơi nhọn; hai lá chét bên nhỏ hơn
lá chét giữa; gân bên 10 đôi. Lá non màu
xanh lục, lá già chuyển màu đỏ hay vàng
trước khi rụng.
Cụm hoa chùm dài 25 cm, gồm nhiều
xim, mỗi xim mang 2-3 hoa. Hoa nhỏ màu
xanh vàng, xếp từng đôi. Đài hợp, hình
chén, ngoài có lông, trên đầu có 5 răng
tròn; cánh hoa 5, thuôn, ngoài có lông. Nhị
10 hợp thành ống, bao phấn hình trái xoan,
đỉnh nhọn; triền tuyến mật nhẵn; bầu hơi
phồng, vòi nhuỵ hình trụ, núm 5 răng.
Quả hạch hình cầu, hơi bị ép, có mũi nhọn cứng ở đầu, có lông mềm, đường kính 5-6 cm,
màu vàng đậm. Vỏ quả trong nạc, có hạch cứng 4-5 ô. Hạt 2-5, hình trứng ngược, nhẵn, màu
nâu; lá mầm đỏ.
Các thông tin khác về thực vật
Có sự sai khác về tên địa phương giữa 2 miền Bắc và Nam của loài sấu. Ở ngoài Bắc cây
sấu trồng phổ biến ở đường phố Hà Nội có tên khoa học là Dracontomelum duperreanum
Pierre, thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), nhưng loài này ở miền Nam, lại có tên là long
cóc (Sài Gòn và các tỉnh khác). Trong khi đó tên cây sấu ở miền Nam lại dùng cho loài có tên
khoa học là Sandoricum indicum Cav., thuộc họ Xoan. Để phân biệt 2 loài này, chúng tôi dùng
tên sấu tía để chỉ loài sấu của miền Nam (tên này thường được cán bộ lâm nghiệp ở miền Nam
sử dụng); còn tên sấu của miền Bắc vẫn giữ nguyên để chỉ loài Dracontomelum duperreanum
Pierre.
Sấu tía - Sandoricum koetjape (Burm. f.) Merr.
1. Cành mang hoa; 2. Quả
Trước đây, sấu tía được tách thành 2 loài riêng
biệt. Loài sấu vàng (S. indicum) và sấu đỏ (S.
nervosum), dựa trên nhiều đặc điểm hình thái của
chúng, trong đó có đặc điểm về màu sắc của lá già. Lá
của sấu vàng biến đổi từ màu xanh thành màu vàng
trước khi rụng, còn sấu đỏ có lá chuyển từ màu xanh
sang màu đỏ trước khi rụng. Tuy vậy 2 đặc điểm này
chưa đủ để tách sấu tía thành 2 loài riêng biệt.
Trong trồng trọt ở Thái Lan, người ta đã tạo ra
nhiều giống sấu tía khác nhau như: Barngklarng, Eilar,
Tuptim và Teparod. Giống Teparod hiện trồng khá phổ
biến ở Philippin và mang tên sấu tía Bangkok. Giống
này có ưu điểm là quả lớn, trọng lượng đến 250 g/quả,
trong khi các giống sấu khác chỉ khoảng 80 g/quả.
Phân bố
Việt Nam:
Cây phân bố ở các tỉnh phía Nam, từ Kon Tum,
Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Yên,
Bình Định trở vào. Vùng Đông và Tây Nam Bộ đều có
sấu tía mọc tự nhiên hoặc được gây trồng làm cây ăn
quả hay cây bóng mát.
Thế giới:
Sấu tía có nguồn gốc từ các nước Đông Dương và
Tây Malaysia; nhiều nước vùng Nam và Đông Nam Á
cũng gặp loài cây này như: Ấn Độ, Sri Lanka,
Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Philippin, Indonesia. Hiện nay sấu tía đã được du nhập vào
nhiều nước nhiệt đới khác.
Đặc điểm sinh học
Cây phân bố trong rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh hoặc rừng chuyển tiếp rừng thường
xanh và nửa rụng lá ở độ cao dưới 700 m so với mặt biển. Cây có khả năng chịu hạn tốt, ở
vùng có mùa khô kéo dài vẫn gặp sấu tía phát triển bình thường. Cây phát triển tốt nhất trên
các loại đất sét và đất sét pha cát. Do là cây ưa sáng nên gặp sấu tía nhiều trong các rừng thứ
sinh, bên rìa hoặc nơi rừng nguyên sinh bị mở rộng, đủ ánh sáng cho sấu tía phát triển.
Người ta đã trồng sấu tía từ độ cao ngang mặt biển đến độ cao trên 1.000 m, cây vẫn cho
quả.
Cây sinh trưởng khá nhanh; sau 5-7 năm cây ra hoa, kết quả; nếu nhân giống vô tính chỉ
sau 3-4 năm cây đã cho quả. Trong mùa khô cây rụng lá, khi chồi non xuất hiện thì cũng đồng
thời xuất hiện các chồi hoa. Ở Philippin, mùa hoa kéo dài 3 tháng (từ tháng giêng đến tháng 3).
Ở Việt Nam, trong điều kiện tự nhiên, cây ra hoa tháng 2 và quả chín tháng 5-7. Cây thụ phấn
nhờ côn trùng. Tỷ lệ hoa thành quả thường thấp. Quả phát triển khoảng 5 tháng và chín vào
tháng 6, 10 (Philippin) và tháng 5, 6 (Thái Lan). Cây có thể cho quả trong vòng 50 năm hay
hơn.
Phân bố sấu tía ở Việt Nam
Công dụng
Cây cho quả ăn được. Quả có thịt trắng mềm, có vị ngọt, hơi chua dịu, thường được ăn
tươi, làm mứt hoặc chế biến thành các món ăn đặc biệt được người địa phương ưa chuộng
như nấu canh chua (có thể dùng lá non thay quả). Cả lớp vỏ ngoài và cơm quả đều có thể ăn.
Lớp cơm quả có thể dính hoặc tách rời với hạt tuỳ từng giống sấu tía khác nhau. Giống
Teparod chưa đến 53% lớp cơm so với trọng lượng quả; nó chứa phần ăn được khoảng 100 g
bao gồm 83,9% nước, 0,7 g protein, 1 g chất béo, 13,7 g carbohydrat, 1,1% chất xơ, 0,7 g chất
tro, 11 mg calcium, 20 mg phôt pho, 1,2 mg sắt, 328 mg kali và 14 mg vitamin C. Giá trị năng
lượng là 247 kJ/100g.
Sấu tía là loại cây bóng mát tốt. Với tán lá có hình dáng và mầu sắc đẹp, sấu tía đã được
trồng làm cây bóng mát ở nhiều đô thị của các nước Đông Nam Á.
Cây cho loại gỗ tốt, lõi gỗ có màu hồng rất đẹp, giác màu xám hồng, nặng trung bình, tỷ
trọng 0,55; lực uốn tĩnh 820 kg/cm
2
; lực đập xung kích 0,2 kg/m/ cm
2
, lực kéo thẳng góc
20 kg/cm
2
, lực tách ngang 11-17 kg/ cm. Hệ số co rút thấp 0,24-0,32. Thường dùng làm gỗ
lạng, ván thùng, gỗ xây dựng, bút chì, guốc...
Lá non dùng làm thuốc chống sốt và ỉa chảy (sắc uống) hoặc giã ra đắp để trị ghẻ, ngứa.
Vỏ tán nhỏ thành bột dùng để trị bệnh nấm da của người và súc vật. Rễ dùng chữa ỉa chảy và
làm thuốc bồi bổ sức khoẻ.
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Cây có thể trồng bằng hạt. Hạt gieo trong luống cát mịn của vườn ươm với khoảng cách 5
cm một hạt. Khi cây con xuất hiện 2 lá đầu tiên, có thể chuyển sang các bầu polyethylen đã
chuẩn bị sẵn. Thành phần đất bầu bao gồm 80% lớp đất mặt của rừng cộng 20% phân chuồng
hoai. Do tỷ lệ nảy mầm của sấu tía thường cao nên có thể gieo hạt trực tiếp vào các túi bầu.
Cây con khoảng 1 tuổi, với chiều cao 40-50 cm, có thể dùng làm gốc ghép cho các chồi của các
giống sấu tía có năng suất và chất lượng cao. Đây là phương pháp tốt nhất để bảo đảm chất
lượng các cây sấu tía đem trồng.
Tốt nhất đem trồng vào mùa mưa. Ở Thái Lan, thường trồng sấu tía với khoảng cách 8m x
5 m hoặc 12x12 m. Trồng mật độ dày khi bảo đảm chăm sóc tốt và thường trồng ở các vườn
quả vùng đồng bằng, nơi đất thoát nước tốt và có thể đảm bảo nước tưới khi khô. Với các
vườn quả kinh doanh cao có thể trồng cây sấu tía với cự ly 4-6 m.
Phải thường xuyên làm cỏ và chăm sóc cây con mới trồng. Trong 2-3 năm đầu phải làm cỏ
2-3 lần trong năm. Cần tưới nước hàng ngày để bảo đảm đủ độ ẩm cho cây, đặc biệt trong giai
đoạn cây ra hoa, kết quả.
Trong năm đầu, cần bón phân theo công thức: 100-200 g ammonium sulfat, một tháng sau
khi trồng và vào đầu và cuối mùa mưa. Cây trưởng thành phải bón 2 kg phân tổng hợp để bảo
đảm năng suất quả.
Khai thác, chế biến và bảo quản
Ở Thái Lan, quả non trên cây đã được bọc trong túi để tránh loài ruồi đẻ trứng và nâng cao
chất lượng quả. Khi quả có màu vàng kim là có thể thu hoạch từng quả chín. Hái quả bằng
cách trèo lên cây hoặc dùng sào tre có rọ lưới.
Năng suất một cây 30 tuổi trồng từ hạt ở Philippin là 18.000-24.000 quả/năm. Nếu tính
bình quân 1 quả nặng 80 g và trồng mật độ 100 cây/ha thì năng suất của vườn sấu tía là 14-19
tấn quả/ha/năm.
Sau khi thu hoạch phải phân loại quả ngay rồi xếp vào các sọt đan bằng bẹ chuối để vận
chuyển đi xa. Quả có thể giữ được 7 ngày trong điều kiện nhiệt độ bình thường của phòng.
Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Sấu tía là cây ăn quả hoang dã quen thuộc với nhiều người dân miền núi. Cây cũng đã
được đưa vào trồng trọt trong nhiều năm và tạo ra nhiều giống quí đáp ứng yêu cầu của người
tiêu dùng. Sấu tía là loài LSNG đa tác dụng, cần phát triển trong gieo trồng.Có thể lai tạo các
giống sấu tía chất lượng cao của Thái Lan với giống sấu tía hoang dã ở địa phương để tạo
giống cây trồng mới vừa có chất lượng và năng suất cao, vừa có tính chống chịu với sâu bệnh
tốt là đặc tính của giống sấu bản địa.
Tài liệu tham khảo
1. Võ Văn Chi, 1997. Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nxb Y học: 1037-1038. 2. Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt
Nam. Tập II. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh: 392; 3. E.W.M. Verheij and R.E. Coronel (Editors), 1991. Edible fruits
and nuts. No2. Plant Resources of South-East Asia. Pudoc Wageningen, Netherlands: 284-287;
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- sautia_0142.pdf