Giáo trình Tội phạm học

Với tính chất là một khoa học, tội phạm học ra đời khá muộn so với một số ngành

khoa học xã hội khác như chính trị học, triết học, kinh tế học, xã hội học, luật. Tuy có

hạn chế là ra đời khá muộn, nhưng tội phạm học lại có một may mắn là được kế thừa

thành tựu của những ngành khoa học khác đã ra đời trước đó, do vậy, tội phạm học đã

phát triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Các nhà tội phạm học ngày nay thường ví

tội phạm học như một cái mặt bàn được tạo dựng vững chắc bởi rất nhiều chân bàn

như: triết học, nhân loại học, luật, sinh vật học, xã hội học, chính trị học, y học, tâm lí

học, kinh tế học, đạo đức học, phong tục học, tâm thần học.

1

Với cách nói đầy hình

ảnh như vậy đã giúp cho chúng ta hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa tội phạm học

và các ngành khoa học khác cũng như đặc tính kế thừa của tội phạm học với các ngành

khoa học đó.

Người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “tội phạm học” là giáo sư luật người Italia tên là

Raffaele Garofalo vào năm 1885 (tiếng Italia là Criminologia). Tiếp đó, nhà nhân loại

học người Pháp tên là Paul Tobinard lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “tội phạm học”

trong tiếng Pháp (Tiếng Pháp là Criminologie) vào khoảng thời gian này

1

. (Có ý kiến

cho rằng Paul Tobinard đưa ra thuật ngữ này lần đầu tiên vào năm 1889)

2

. Còn trong

tiếng Anh, thuật ngữ “tội phạm học” nghĩa là “Criminology”. Như mọi người biết,

“ology” nghĩa là ngành nghiên cứu, còn từ Crimin nguồn gốc từ “Crimen” tiếng La

Tinh nghĩa là tội phạm. Như vậy, có thể hiểu tội phạm học theo nghĩa đen là ngành

khoa học “nghiên cứu về tội phạm” (the study of crime).

pdf55 trang | Chia sẻ: Mr Hưng | Lượt xem: 1548 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Giáo trình Tội phạm học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
i phạm. Vẫn đi theo con đường giải thích nguyên nhân của tội phạm bắt nguồn từ gen bẩm sinh, nhưng không phải là do đặc điểm “lại giống” của cơ thể hay do di truyền những gen tồi tệ của thế hệ trước. Theo thuyết nhiễm sắc thể, nguyên nhân của tội phạm là do người phạm tội đã có kiểu nhiễm sắc thể bất thường so với người bình thường khác. Như chúng ta đã biết, ở một người đàn ông bình thường, có kiểu nhiễm sắc thể là XY, còn ở người phụ nữ bình thường có kiểu nhiễm sắc thể là XX. Qua nghiên cứu một số mẫu tù nhân ở Anh, Jacobs nhận thấy số tù nhân nam có kiểu nhiễm sắc thể XYY (nghĩa là thừa một nhiễm sắc thể Y), một số tù nhân nữ có kiểu nhiễm sắc thể XXX (nghĩa là thừa một nhiễm sắc thể X) chiếm tỉ lệ đáng kể - Những người có kiểu nhiễm sắc thể bị thừa như vậy được gọi là hội chứng Klinefelter1. Qua nghiên cứu, Jacobs phát hiện với những người có kiểu nhiễm sắc thể bất thường nói trên thường có biểu hiện rối loạn tâm lí xã hội, có khuynh hướng thực hiện những hành vi quá khích, hung hãn. Klinefelter's syndrome Classification and external resources 1 Xem P.A.Jacobs, M.Brunton, and M.Melville, Aggresive Behavior, Mental Subnormality, and the XYY Male”, Nature,Vol. 208, (1965), tr 1351. 1 Klinefelter là tên của bác sĩ Harry Klinefelter, nhà nghiên cứu từ bệnh viện đa khoa Massachusetts ở bang Boston của Mỹ khi ông lần đầu báo cáo khoa học vấn đề này vào năm 1942. (Xem chứng Klinefelter-Wikepedia tiếngviệt. htm). 40 47,XXY Hình trên mô tả kiểu nhiễm sắc thể bất thường thuộc hội chứng Klinefelter Nghiên cứu theo thuyết nhiễm sắc thể tiếp tục được các nhà khoa học hưởng ứng như Lawren E.Hanell, Danish... Các nhà nghiên cứu đưa ra ví dụ về một gia đình ở Hà Lan. Người vợ đề nghị các bác sĩ cho biết là tại sao hầu hết những người đàn ông trong gia đình bà đều phạm tội. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy những người đàn ông này đều có vấn đề về gen trong nhiễm sắc thể X. Vì vậy, quá trình kiểm soát đối với việc tiết ra các chất sinh hoá điều khiển hành vi trong não bộ bị vi phạm. Ở những người đàn ông có kiểu nhiễm sắc thể hoàn chỉnh không thấy có những biểu hiện hung bạo, độc ác như những người đàn ông của gia đình người phụ nữ nói trên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là bên cạnh hướng nghiên cứu của Jacobs và một số nhà khoa học có quan điểm tương tự, một nhóm khác các nhà nghiên cứu khi tiến hành một số cuộc thí nghiệm bằng cách kiểm tra máu của các tù nhân đã thấy rằng bên cạnh khá nhiều kẻ giết người có kiểu nhiễm sắc thể bất thường vẫn có một số kẻ giết người nguy hiểm có kiểu nhiễm sắc thể bình thường, không thuộc hội chứng Klinefelter. Bởi vì mẫu nghiên cứu của Jacobs trong phạm vi chưa thực sự rộng, do vậy, thuyết nhiễm sắc thể chỉ giải quyết được phần nào nguyên nhân của tội phạm. Tuy nhiên, nhiều nhà tội phạm học trên thế giới vẫn kiên trì đi theo hướng này, họ vẫn cố gắng tích cực nghiên cứu để tìm ra một qui luật nào đó trong mối liên hệ giữa kiểu nhiễm sắc thể bất thường với việc thực hiện tội phạm. 3. CÁC THUYẾT TÂM LÍ Nhìn chung, các nhà tội phạm học thực chứng trong quãng thời gian cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 đi theo hướng tìm hiểu nguyên nhân của tội phạm từ những đặc điểm của cơ thể hơn là chú trọng đến tìm hiểu trí tuệ, tinh thần của người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã có một số nhà khoa học khác cố gắng lí giải nguyên nhân của tội phạm bắt nguồn từ vấn đề tâm lí của người phạm tội. Từ đây hình thành nhiều nhánh khác nhau về các thuyết tâm lí trong tội phạm học. Thời kì sơ khai của thuyết tâm lí quyết định, các nhà khoa học đã nghiên cứu hành vi phạm tội theo hai hướng: hướng thứ nhất đã nhấn mạnh hành vi phạm tội như là hành vi có điều kiện, hướng thứ hai coi hành vi phạm tội như là sự rối loạn nhân cách 41 hoặc là bệnh tật về tâm lí.1 Sau đó, một số nhà khoa học khác đi theo con đường nghiên cứu, tìm hiểu về bệnh học tâm lí (Psychopathology). “Khái niệm bệnh học tâm lí được coi là một trong những khái niệm có giá trị lâu bền, kiên cường và ảnh hưởng nhất trong các ý kiến của tội phạm học”.2 Nhà nghiên cứu Nolan D.C. Lewis đã coi “người phạm tội như những người bình thường có cuộc sống theo thiên hướng bản năng, ham muốn, khát khao, có cảm xúc nhưng nếu một trong những khả năng nhận thức của anh ta rõ ràng kém hiệu quả sẽ dẫn đến sự kìm hãm theo khuynh hướng nào đó. Con người anh ta sẽ hoạt động theo hướng lệch lạc dẫn đến việc anh ta xung đột với pháp luật và các hình mẫu văn hoá của xã hội.”1 Còn các nhà khoa học đi theo con đường Tội phạm học tâm thần (Psychiatric Criminology) như Hervey M. Cleckley, Hans J.Eysenck đã tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa tội phạm và nhân cách con người theo hai hướng: 1) Các loại rối loạn nhân cách chống đối xã hội; 2) Loại nhân cách liên quan đến việc thực hiện tội phạm. Quan điểm của tội phạm học tâm thần đã lí giải xu hướng cũng như động cơ phạm tội có liên quan đến loại nhân cách. Tuy nhiên, “thuyết tâm lí quyết định” thực sự bùng nổ và bắt đầu có chỗ đứng quan trọng trong tội phạm học từ khi xuất hiện những công trình nghiên cứu nổi tiếng về phân tâm học của Sigmund Freud. 3.1. Thuyết phân tâm học Thời gian: 1920 đến nay Học giả tiêu biểu: Sigmund Freud. Sigmund Freud (1856-1939) là nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và là cha đẻ của thuyết phân tâm học. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nhưng đáng kể nhất là 2 tác phẩm “Giải mã những giấc mơ”; “Bốn khái niệm cơ bản của phân tâm học”. Trên cơ sở nghiên cứu, ông đã khẳng định tồn tại năng 1 Xem Criminology Today, Frank Schmalleger, Giáo sư, Tiến sỹ, The University of North Carolina at Pembroke, Prentice Hall Publisher, năm 2002, tr 173. 2 Xem Nicole Hahn Rafter, “Psychopathy and the Evolution of Criminological Knowledge”, Theoretical Criminology, Vol 1. No 2 (5/1997), tr 236. 1 Xem Criminology Today, Frank Schmalleger, Giáo sư, Tiến sỹ, The University of North Carolina at Pembroke, Prentice Hall Publisher, năm 2002, tr 173. 42 Sigmund Freud lực tình dục thúc đẩy hành vi của nhân loại. Năng lực tình dục đó được ông gọi là libido. Bản năng libido có 2 lực lượng đối chọi nhau. Đó là Eros - Bản năng sống hướng chúng ta tới hoạt động và Thanatos - Bản năng chết thúc đẩy tới những hoạt động tự hủy diệt.1 Ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực này là ba thành tố: bản năng, bản ngã và siêu bản ngã. Bản năng (id) có ngay từ lúc mới sinh, chỉ những lực lượng nguyên thủy của sự sống giống nhau cho tất cả các sinh vật. Các hành động đều có nguồn gốc từ sự khoái lạc vô thức. Bản năng tượng trưng cho phần vô thức và chống đối xã hội của cá nhân. Bản ngã (ego) là sự thể hiện cá tính tâm lí của mỗi người. Bản ngã được thể hiện trong những hoạt động ý thức như tri giác, ngôn ngữ và những thao tác trí tuệ cho phép kiểm soát, kiềm chế hành vi cá nhân trong quan hệ với ngoại cảnh. Bản ngã có thể đè nén xung đột bản năng và kiềm chế khoái lạc. Như vậy, bản ngã vượt khỏi sự thống nhất sinh vật của thân xác để đạt tới một sự thống nhất cao hơn là sự tự chủ. Bản ngã tượng trưng cho phần ý thức và ý chí của cá nhân. Siêu bản ngã (superego) được xem như là sự học hỏi của cá nhân về các giá trị và quy tắc xã hội. Nó có thể được coi như mặt lương tâm, đạo đức của cá nhân. Siêu bản ngã đấu tranh để cho các hành vi hoàn thiện bằng cách xác định giá trị hành vi hoặc thái độ đối với hành vi là đúng hay sai. Siêu bản ngã biểu hiện cho phần giá trị văn hoá với chức năng như là lương tâm cá nhân. Sigmund Freud cho rằng tội phạm là kết quả khi mà ở một cá nhân nào đó, phần bản năng đã trỗi dậy đến mức thái quá, lấn át đến mức không thể nào kiểm soát được trong sự kết hợp với biểu hiện kém của siêu ngã; cùng lúc đó, bản ngã tức là phần lí trí có chức năng kiểm soát sự tác động qua lại giữa bản năng và siêu bản ngã hoạt động không tương xứng trực tiếp, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Sigmund Freud, còn cho rằng sự thăng hoa không tương xứng (inadequate sublimation) có thể là nguyên nhân khác dẫn đến tội phạm. Đây là một quá trình tâm lí mà nhờ đó, trạng thái tỉnh táo sẽ bị thay thế biểu tượng bởi một trạng thái khác. Freud đã lấy ví dụ cho trường hợp này. Một người đàn ông từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành phải sống với một người mẹ chuyên quyền, độc đoán. Ông ta muốn độc lập nhưng không thể nên đã căm ghét mẹ nhưng không dám bộc lộ thái độ của mình một cách trực tiếp với người mẹ. Người này muốn giải toả tình cảm căm ghét của mình với mẹ bằng cách tấn công những người phụ nữ khác - những người mà anh ta suy nghĩ trong tâm tưởng sẽ thay thế cho biểu tượng nhân vật người mẹ. Những người đàn ông kiểu này trên thực tế có thể là người thường xuyên đánh đập vợ hoặc trở thành người phạm tội hiếp dâm hoặc quấy rối tình dục đồng nghiệp hoặc là người rất căm ghét phụ nữ... 1 Eros là tên của thần ái tình người Hy Lạp còn Thanatos là tên của thần chết người Hy Lạp, Freud đã lấy tên các vị thần nói trên để đặt tên cho hai bản năng tương ứng (Chú thích của tác giả). 43 Ngoài ra, ông còn cho rằng chứng loạn thần kinh chức năng (neurosis) cũng là một nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Sau đây là ví dụ về người bị chứng này: một người thường xuyên dùng giấy ăn để mở nắm cửa mỗi khi ra vào, ông ta không dám trực tiếp cầm nắm cửa vì lúc nào cũng bị ám ảnh nắm cửa có nhiều vi trùng gây bệnh. Cần lưu ý là không phải mọi người bị chứng loạn thần kinh chức năng đều phạm tội, chỉ có một số người thuộc nhóm này thực hiện hành vi phạm tội mà thôi. Thuyết phân tâm học ngay từ khi ra đời cho đến nay đã ảnh hưởng rộng khắp trên toàn thế giới. Thuyết phân tâm học hiện đang rất phát triển ở các nước Châu Âu, Mỹ, các nước Châu Á phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như điều trị bệnh nhân bằng liệu pháp tâm lí, điều tra tội phạm, tội phạm học...Tuy nhiên, ngay từ thời đại của ông cũng như cho đến hiện nay vẫn có nhiều học giả phê phán quan điểm của ông1. Trong tội phạm học, hai quan điểm của ông bị phê phán nhiều nhất là: Thứ nhất, khi đề cập đến nguyên nhân của tội phạm, ông coi nhẹ vai trò của môi trường sống, vai trò của giáo dục cá nhân và đề cao tính quy định sinh học của hành vi tính dục. Thứ hai, ông có quan điểm coi thường phụ nữ khi cho rằng vì phụ nữ không có dương vật nên họ không đi qua “giai đoạn dương vật thèm muốn” như đàn ông và vì vậy, họ thất bại việc phát triển sức mạnh siêu bản ngã như đàn ông. Quan điểm này đã bị một số nhà tội phạm học phản đối vì nó thể hiện tư tưởng bất bình đẳng nam nữ và cổ vũ cho những người theo tư tưởng này. Mặc dù tư tưởng của Freud còn có một số điểm đến nay vẫn còn tranh luận hoặc bị phê phán, nhưng công lao vĩ đại của ông đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại là không thể phủ nhận. Ông đã đạt được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quí trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học. 3.2. Thuyết bắt chước Thời gian: từ 1890 đến nay. Học giả tiêu biểu: Gabriel Tarde, Alber Bandura. Gabriel Tarde (1843-1904) sinh ra ở Sarlat, Dordogne của Pháp. Gabriel Tarde là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, tuy nhiên, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông trong tội phạm học là “Luật bắt chước”. Gabriel Tarde tuy chịu ảnh hưởng thuyết của Darwin về quá trình chọn lọc tự nhiên, nhưng ông phản bác thuyết của Cesare Lombroso về sự biến dị có tính sinh vật- một thuyết rất nổi tiếng vào thời đại ông. 1 Xem Why Freud was wrong (1995) của tác giả Richard Webster, The memory wars: Freud’s legacy in dispute (1995) của tác giả giáo sư, tiến sĩ Frederik C. Crews... 44 Gabriel Tarde Ông cho rằng cơ sở của bắt kì xã hội nào chính là sự bắt chước. Trong xã hội, hành vi của mỗi người thực chất là sự bắt chước hành vi của người khác. Đồng thời, ông cũng chỉ ra rằng người phạm tội là những người bình thường đã học theo (bắt chước) việc phạm tội từ người khác. Từ đó, ông đã xây dựng và phát triển lí thuyết của mình trong thuật ngữ “luật bắt chước” – nguyên tắc chi phối một người khiến anh ta đi vào con đường phạm tội. Theo Gabriel Tarde, nguyên nhân của tội phạm là do một người đã bắt chước hành vi phạm tội của người khác mà người đó có cơ hội quan sát. Gabriel Tarde chia các trường hợp bắt chước ra làm 3 loại: 1) Cá nhân bắt chước những người khác cân xứng với mức độ và tần số tiếp xúc của họ; 2) Những người cấp thấp hơn bắt chước những người ở cấp trên họ. Ví dụ như người nghèo có thể có hành vi bắt chước người giàu, người trẻ hơn có thể có hành vi bắt chước người già hơn; 3) Khi hai khuôn mẫu hành vi mâu thuẫn nhau, một cái có thể chiếm vị trí của cái kia tương tự như súng thay thế cho dao với tư cách là vũ khí giết người. Sau đó, vào thập niên 50, thuyết bắt chước tiếp tục được phát triển. Người có công đưa thuyết này phát triển ở mức cao hơn là Albert Bandura - nhà tâm lí học, tội phạm học xuất sắc. Ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng trong tội phạm học như: học lại từ xã hội và vấn đề phát triển nhân cách (1963); Sự nổi nóng: phân tích từ sự bắt chước theo xã hội (1973), Thuyết bắt chước từ xã hội (1977)... Hạt nhân của thuyết bắt chước là mọi người học cách hành động như thế nào trên cơ sở quan sát được từ người khác. Albert Bandura đã làm nhiều cuộc nghiên cứu thực nghiệm trong đó, ông cho trẻ em quan sát những hành vi bạo lực của người lớn như xem phim bạo lực hoặc nhìn một số người lớn đánh liên tiếp vào người nộm. Kết quả là ông thấy những em này sau khi xem thường xuyên cảnh bạo lực thì có tâm lí rất dễ nổi nóng, sự kiềm chế kém và bắt chước rất nhanh các hành vi bạo lực học từ người lớn. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng tâm lí dễ nổi nóng cũng như tâm lí thích bắt chước hành vi bạo lực của trẻ em còn do sự khuyến khích, tác động của người khác. Thuyết bắt chước đã đặt ra nhiều vấn đề cần thực hiện để phòng ngừa tội phạm như: bố mẹ cần kiểm soát chặt chẽ con cái và không nên có hành vi xấu dễ làm con cái bắt chước như hành vi bạo lực gia đình, cần kiểm soát nghiêm ngặt phim ảnh bạo lực... Tuy nhiên, thuyết này bị chỉ trích là đề cao vai trò của tác động môi trường sống và coi 45 nhẹ quá trình tự rèn luyện, tu dưỡng của từng cá nhân. Tuy nhiên, điều này không thể phủ nhận vai trò to lớn của thuyết này đối với sự phát triển của tội phạm học./. PHẦN THỨ HAI CỦA CHƯƠNG 2 CÁC THUYẾT XÃ HỘI HỌC Các thuyết xã hội học rất đa dạng và có thể nói, mỗi thuyết đều có con đường riêng giải thích về nguyên nhân của tội phạm. Trước khi nghiên cứu về từng thuyết thuộc nhóm này, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về các thuyết xã hội học Các thuyết xã hội học nghiên cứu những sự sắp xếp hợp thành xã hội (cấu trúc xã hội), các hành vi giữa các bộ phận hợp thành xã hội, các cá nhân, các nhóm (quá trình xã hội) khi chúng tác động đến quá trình xã hội hoá và có ảnh hưởng đối với hành vi có tính xã hội (cuộc sống xã hội). Các thuyết xã hội học quan tâm đến bản chất của sự tồn tại các mối quan hệ quyền lực giữa các nhóm xã hội và trong sự ảnh hưởng của các hiện tượng xã hội đa dạng đã đưa đến các loại hành vi hướng về các nhóm người điển hình. Ngược lại với các thuyết tâm lí có tính đặc thù hoá hay còn được gọi là có tính vi mô thì cách tiếp cận xã hội học có tính vĩ mô nghĩa là rộng lớn hơn nhiều, nó nghiên cứu hành vi thông qua cách thể hiện của nhóm người hơn là cố gắng dự đoán hành vi của những cá nhân xác định. Trong phạm vi của Phần này, tác giả trình bày hai nội dung: + Các thuyết cấu trúc xã hội; + Các thuyết về quá trình xã hội ; Trong từng nhóm trên lại chia làm nhiều nhánh khác nhau với thuyết điển hình của nó và có thể nói các thuyết này bằng con đường riêng của mình đã giải quyết được ở mức độ nhất định việc nghiên cứu về tội phạm dưới góc độ tội phạm học. 1. CÁC THUYẾT CẤU TRÚC XÃ HỘI Các thuyết cấu trúc xã hội giải thích nguyên nhân của tội phạm bằng việc đưa ra cấu trúc thiết chế của xã hội. Các thuyết này cho rằng sự sắp xếp đa dạng một cách chính thức hoặc không chính thức giữa các nhóm xã hội như là nguyên nhân phát sinh hành vi lệch lạc cũng như tội phạm. 1.1. Thuyết rối loạn tổ chức xã hội Thời gian: Cuối thế kỉ 19 đến thập niên 30 của thế kỉ 20. Học giả tiêu biểu: E’mile Durkheim, W.I.Thomas, Florian Znaniecki, Rober Park, Ernest Burgess, Clifford Shaw, Henry Mackay. 46 Emile Durkheim Thuyết rối loạn tổ chức xã hội có quan hệ mật thiết với trường phái sinh thái học của tội phạm học1. Nhiều trường phái tội phạm học thời kì đầu có nguồn gốc từ việc nghiên cứu những khu định cư và cộng đồng thành thị cũng như trong phong trào sinh thái con người đầu thế kỉ 20. Tiêu biểu cho nhóm này là Emile Durkheim. Emile Durkheim (1858-1917) sinh ngày 15/8/1958 tại E’pinal của nước Pháp. Ông là nhà xã hội học, nhân loại học lỗi lạc. Ông được coi là một trong những người tiên phong sáng lập ra chuyên ngành xã hội học. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Sự phân công lao động trong xã hội (1893), Tự sát (1897), Các hình thức cơ bản của đời sống tôn giáo (1912)... trong đó, tác phẩm có đóng góp nhiều nhất đối với tội phạm học là Sự phân công lao động trong xã hội. Durkheim nghiên cứu vấn đề trật tự xã hội như thế nào để duy trì các loại xã hội khác nhau. Ông tập trung nghiên cứu về sự phân công lao động, sự khác nhau giữa các xã hội truyền thống và xã hội hiện đại. Ông cho rằng sự thay đổi xã hội nhanh chóng sẽ đưa tới sự gia tăng về phân công lao động và như vậy, nó sẽ tạo ra trạng thái hỗn độn, thiếu sự quan tâm giữa con người với con người, đưa đến tình trạng thiếu hụt chuẩn mực và giá trị cuộc sống cũng như phá vỡ các chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người. Ông gọi trạng thái này là “tình trạng vô tổ chức” (Anomie). Từ trạng thái vô tổ chức sẽ phát sinh các hành vi lệch lạc trong xã hội, tội phạm, hành vi tự tử. Hay nói cách khác, tình trạng vô tổ chức trong xã hội là nguyên nhân phát sinh tội phạm. Ông tin rằng tội phạm như là phần bình thường của tất cả các xã hội cũng như sự sống và cái chết. Tội phạm không chỉ là cần thiết đối với các điều kiện cơ bản của tất cả các đời sống xã hội mà nó còn có chức năng xã hội. Về lí thuyết, tội phạm có thể biến mất hoàn toàn chỉ khi tất cả các thành viên trong xã hội có cùng giá trị và chuẩn mực giống nhau. Tuy nhiên, vấn đề các thành viên trong xã hội có cùng giá trị và chuẩn mực vừa không thể có khả năng tồn tại, vừa không phải là mong muốn của mọi người trong xã hội. Hơn nữa, một vài tội phạm trong xã hội là cần thiết trong một xã hội phát triển. Durkheim đề cao vai trò của luật pháp khi nhận định luật pháp là biểu tượng của sự đoàn kết xã hội. Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra rằng tất cả các xã hội không chỉ có tội phạm mà còn có hình phạt. Hình phạt được quy định bởi luật pháp. Lí do căn bản của các hình phạt thay đổi tùy thuộc vào cấu trúc xã hội. Trong xã hội, sự trừng phạt đối với những người chệch hướng (người phạm tội) được sử dụng để củng cố hệ thống 1 Sinh thái học nghiên cứu về mối quan hệ giữa các sinh vật (trong đó có con người) với môi trường sống 47 giá trị, để nhắc nhở người đó cái gì đúng, cái gì sai. Bằng cách ấy, giữ gìn đức tin chung và theo đó là sự thống nhất trong xã hội. Sự trừng phạt phải nghiêm khắc để đạt được mục đích này. Hành vi phạm tội không bị coi là mối đe dọa đối với sự liên kết xã hội trước hết bởi vì ngay cả sự kiện phạm tội cũng không làm cho phần lớn mọi người trong xã hội quan tâm. Tiếp đó, một số nhà xã hội học thời kì đầu của thuyết này đã nghiên cứu về các cộng đồng dân cư ở Mỹ. Đó là W.I.Thomas, Florian Znaniecki. Trong tác phẩm “Những người nông dân Ba Lan ở Châu Âu và Mỹ”, hai ông đã mô tả những vấn đề mà những người nhập cư Ba Lan phải đương đầu trong thời kì những năm 1900 khi họ rời bỏ quê hương và chuyển đến sống ở các thành phố của Mỹ. Hai ông đã chỉ ra tỉ lệ tội phạm gia tăng trong nhóm người không có chỗ đứng (vị trí) trong xã hội và họ đưa ra giả thuyết nguyên nhân dẫn đến tội phạm là do sự rối loạn tổ chức xã hội (Social Disorganization), hậu quả của sự bất lực của những người nhập cư trong quá trình tiếp nhận từ những chuẩn mực và giá trị của văn hoá của quê hương họ sang những chuẩn mực, giá trị mới. * Trường phái Chicago Trường phái Chicago ra đời ở Mỹ, vào thời gian đầu thế kỉ 20, được sáng lập bởi các nhà xã hội học thành thị mà tiêu biểu nhất là Rober Park và Ernest Burgess. Một số thuyết xã hội học ra đời sớm nhất đã được thừa nhận rộng rãi trong các công trình nghiên cứu của Rober Park và Ernest Burgess. Do sự gia tăng nhanh chóng dân nhập cư vào Mỹ đầu thế kỉ 20, các thành phố của Mỹ đã bắt kịp những biến đổi xã hội mau lẹ, Park và Burgess nhìn thấy ở các thành phố này ý tưởng về sự nghiên cứu rối loạn tổ chức xã hội và đã bắt tay vào nghiên cứu, đưa ra những nhận định xác đáng, rất có giá trị. Từ năm 1920 đến năm 1930, Rober Park và Ernest Burgess thông qua những công trình nghiên cứu của mình tại Trường đại học Chicago đã phát triển sinh thái học xã hội hay còn gọi là trường phái sinh thái học của tội phạm học. Phong trào sinh thái học xã hội chịu ảnh hưởng của công trình nghiên cứu của các nhà sinh vật học về sự ảnh hưởng lẫn nhau của các sinh vật đối với môi trường sống của chúng, gắn kết chúng với cấu trúc xã hội như thế nào để thích ứng với chất lượng của các nguồn tự nhiên và với sự tồn tại của những nhóm người khác. Sinh thái học xã hội là sự cố gắng liên kết cấu trúc và tổ chức của bất kì cộng đồng người nào với sự tác động qua lại môi trường riêng biệt của nó. Bởi vì các mẫu sinh thái học dựa trên cơ sở sự tương tự có hệ thống, do vậy, cũng đơn giản để mô tả rối loạn tổ chức xã hội như một bệnh tật hoặc bệnh lí học. Bởi vậy, những nhà sinh thái học xã hội nghiên cứu về tội phạm đã phát triển khái niệm bệnh lí học xã hội. Thời kì đầu, bệnh lí học xã hội được xác định là những hành vi của con người đi ngược lại quan niệm ổn định cuộc sống, quyền sở hữu, sự điềm đạm, tính tiết kiệm, thói quen làm việc, tự do tình dục, đoàn kết gia đình, tình làng xóm, rèn luyện ý chí. Thuật ngữ này được đưa ra đối với những hành vi không phù hợp với chuẩn mực và giá trị của nhóm xã hội thời điểm đó. Theo dòng thời gian, khái 48 niệm bệnh lí học xã hội cũng có những thay đổi. Ngày nay, bệnh lí học xã hội được hiểu là những phương diện xã hội không lành mạnh đã sản sinh ra hành vi lệch lạc, tội phạm giữa các cá nhân hoặc nhóm cá nhân đã sống dưới điều kiện xã hội đó. Rối loạn tổ chức xã hội và bệnh lí học xã hội phát sinh khi một nhóm người phải đương đầu với sự thay đổi xã hội, bất đồng về văn hoá, sự thích nghi không tốt, sự bất hoà, sự xung đột và thiếu sự đồng lòng và đây cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm. Do vậy, để kiểm soát được tội phạm thì phải giải quyết được vấn đề rối loạn tổ chức xã hội cũng như bệnh lí học xã hội. Với cách tiếp cận sinh thái học xã hội, hai ông đã nghiên cứu về các thành phố ở Mỹ dưới thuật ngữ “các vùng đồng tâm”. Các vùng này liên kết, bao quanh nhau trong vòng tròn đồng tâm và hướng về tâm của hình tròn gọi là vùng I – khu vực trung tâm thương mại. Có 5 loại vùng (tương đương với 5 hình tròn bao bọc nhau đồng tâm ) với những đặc thù riêng về địa lí, dân cư, điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh trật tự. Trong đó, vùng cận kề vùng I (khu trung tâm thương mại) có tỉ lệ tội phạm cao hơn khu vực khác. Do vậy, phải có chính sách phù hợp với từng vùng để giải quyết vấn đề rối loạn tổ chức xã hội, khắc phục nguyên nhân của tội phạm. Trường phái Chicago tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn bởi Clifford Shaw, Henry Mackay. Với cách tiếp cận sinh thái học xã hội, áp dụng cho vùng đồng tâm, hai ông đã nghiên cứu vấn đề người chưa thành niên phạm tội. Họ đã tiến hành nghiên cứu tỉ lệ số người chưa thành niên bị bắt giữ ở Chicago trong suốt quãng thời gian 1900- 1906, 1917-1923, 1927-1933. Đây là quãng thời gian có số vụ phạm tội gia tăng ở vùng cận kề khu vực vùng I (vùng giáp ranh khu vực trung tâm thương mại). Trong quãng thời gian này, những người nhập cư đã di chuyển từ vùng ở bên trong ra vùng bên ngoài, nó lặp lại thời kì làn sóng di cư trước đây. Từ đó, hai ông kết luận, chính bản chất của môi trường nơi những người nhập cư sinh sống mới là nguyên nhân phát sinh tội phạm chứ không phải là những đặc tính riêng biệt của họ sản sinh ra tội phạm. Đóng góp lớn nhất của trường phái Chicago đối với tội phạm học là đã phát hiện được các hình thức cộng đồng trong các thành phố ở Mỹ - với những rối loạn tổ chức xã hội của nó. Bên cạnh đó, trường phái này đã sử dụng các số liệu thống kê chính thức về tội phạm, dân số, dân tộc học và đã phân tích một cách có hệ thống, lô gic để tìm ra nguyên nhân của tội phạm dưới góc độ tội phạm học cũng như điều tra, truy tìm người phạm tội trong điều tra hình sự. 1.2. Thuyết xung đột văn hoá (còn gọi là thuyết lệch lạc văn hoá) Thời gian:1920 đến nay Học giả

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfgtkl0023_p1_5782.pdf
Tài liệu liên quan