Vấn đề về tín dụng phi chính thức, trong đó phần lớn là tín dụng bất hợp pháp, hay còn gọi là tín dụng đen
luôn là chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua và là vấn đề đặt ra cho cơ quan
quản lý nhà nước. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ động để nắm chắc tình hình, kịp thời
phát hiện ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động tín dụng đen. Bài viết trao đổi về nguồn gốc,
thực trạng, rủi ro, hậu quả của tình trạng tín dụng đen, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình
trạng này trong thời gian tới.
5 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 23/05/2022 | Lượt xem: 315 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Giải pháp quản lý hoạt động tín dụng phi chính thức ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
298
GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG PHI CHÍNH THỨC
Ở VIỆT NAM
ThS. Phạm Hải Nam
Khoa Kế toán – Tài chính – Ngân hàng,
Trường Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH)
TÓM TẮT
Vấn đề về tín dụng phi chính thức, trong đó phần lớn là tín dụng bất hợp pháp, hay còn gọi là tín dụng đen
luôn là chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua và là vấn đề đặt ra cho cơ quan
quản lý nhà nước. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ động để nắm chắc tình hình, kịp thời
phát hiện ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động tín dụng đen. Bài viết trao đổi về nguồn gốc,
thực trạng, rủi ro, hậu quả của tình trạng tín dụng đen, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình
trạng này trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính phủ, Cho vay ngang hàng, Fintech, Nhu cầu vay vốn, Tín dụng đen.
1. NHU CẦU TÍN DỤNG PHI CHÍNH THỨC
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn ngày càng gia tăng
của người dân, doanh nghiệp (DN) đã thúc đẩy quy mô tín dụng ngày càng lớn. Trong đó, bên cạnh tín
dụng chính thức có sự quản lý của Nhà nước còn có tín dụng phi chính thức, phần lớn là bất hợp pháp
không có sự quản lý của Nhà nước, còn gọi là tín dụng đen. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30% GDP, tương đương hiện tại là 70 tỷ USD. TS. Cấn Văn
Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng tín dụng đen là cách
gọi hành vi cho vay nặng lãi, vay bất hợp pháp. Dù cách gọi này chưa thực sự thể hiện hết bản chất của
loại hình vay mượn ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật nhưng do được sử dụng từ lâu nên đã trở nên
phổ biến. Tín dụng đen có thể đến tay người vay rất dễ dàng, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay vốn
cấp bách của người dân, thậm chí là cả DN. Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế – xã hội ngày
26/10/2018, vấn nạn tín dụng đen tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Các đại biểu
Quốc hội nêu thực trạng tín dụng đen hoành hành từ thành thị đến nông thôn, gây bất an xã hội trong thời
gian gần đây. Người ta dễ dàng bắt gặp những mẩu quảng cáo rao vặt cho vay dán ở cột điện, bờ tường, tờ
rơi phát ở các ngã ba, ngã tư cho đến các quảng cáo trên mạng Internet, qua các ứng dụng cho vay ngang
hàng (tức các Fintech). Điều đó cho thấy, nhu cầu tìm đến nguồn tín dụng này là rất lớn và cũng gây ra
nhiều khó khăn với cơ quan quản lý.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 79% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng. Số
DN có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số DN. Trong khi
người dân, DN khó tiếp cận vốn ngân hàng thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn “rộng cửa” với thủ
tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, nguồn vốn dồi dào.
Điều này lý giải vì sao tín dụng đen ngày càng bùng phát dù ngành Công an và Ngân hàng đã đẩy mạnh
điều tra, truy quét, xét xử tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo ước tính của các chuyên gia kinh
tế, tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng). Theo
tính toán của TS. Cấn Văn Lực, nguồn vốn này hiện có quy mô lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tương
299
đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong năm 2018, theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực, có 47%
người Việt có tham gia vay tiêu dùng nhưng chỉ có 18,4% vay từ các tổ chức tài chính, còn lại là phải huy
động từ thị trường tín dụng phi chính thức. Cũng trong năm 2018, tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam
là 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế, còn khá thấp khi so với Trung Quốc là 21%, các nước ASEAN-5 là
34,6%.
Bảng 1: Những đặc điểm cơ bản của hoạt động tín dụng phi chính thức
STT Đặc điểm
1 Cho vay quen biết giữa các cá nhân
2 Có địa lý gần nhau, chủ yếu xảy ra ở nông thôn
3 Không theo chuẩn mực nào, chủ yếu là vay nóng
4 Thủ tục đơn giản, có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi, mọi yêu cầu, linh hoạt
5 Món vay thường có giá trị nhỏ
6 Tài sản đảm bảo kỳ đa dạng (có thể là ti vi, tủ lạnh, sổ đỏ, điện thoại)
7 Có thể gia hạn nếu cần
8 Cực kỳ rủi ro
Nguồn: TS. Cấn Văn Lực (2018)
Tín dụng đen ngày càng hoành hành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy
cho xã hội và bức xúc cho người dân. Thống kê trong 4 năm từ 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra
7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương
tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm,
165 vụ hủy hoại tài sản. Có thể nói, tình trạng tín dụng đen bùng nổ bắt nguồn từ những nguyên
nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, kinh tế trong nước còn có khó khăn, nhiều cá nhân, DN, tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn, do
đó đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng đen, các điểm cho vay nặng lãi. Một bộ phận người dân, nhất là giới
trẻ, không chịu làm việc, ham mê cá độ cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn
chơi không chính đáng của bản thân, khi cần thì lãi suất cao cũng chấp nhận vay.
Thứ hai, những quy định của pháp luật còn lỏng lẻo và chưa đủ sức răn đe nên tình trạng lừa đảo từ tín
dụng đen ngày càng gia tăng.
Thứ ba, các biện pháp kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đẩy lùi tín dụng đen chưa phát huy
hiệu quả. Thậm chí, tín dụng đen ngày càng nở rộ và biến tướng sang hình thức cho vay online với mức lãi
suất lên tới vài trăm % mỗi năm. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của công nghệ, người vay và người cho vay chỉ
cần đăng nhập vào ứng dụng công nghệ là có thể tiến hành giao dịch vay mượn. Các ứng dụng cho vay
ngang hàng ( peer to peer lending) này đang ngày càng phát triển, là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
trong lĩnh vực tài chính ( tức Fintech) nhưng chưa có khung pháp lý để quản lý.
Thứ tư, chế tài xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi
phạm, chưa đủ sức răn đe. Sự quan tâm vào cuộc của chính quyền cơ sở, một số cơ quan chức năng chưa
đúng mức.
300
2. HỆ LỤY VÀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TÍN DỤNG ĐEN
Người dân tìm đến nguồn tín dụng đen bất chấp lãi suất vay rất cao do không thể vay từ ngân hàng,
công ty tài chính với những quy định ngặt nghèo, thời gian kéo dài. Nhu cầu chi tiêu của người dân
như đóng tiền trọ, chữa bệnh, đóng học phí cho con là không thể trì hoãn, từ đó họ tìm đến tín dụng
đen, dù bản thân không chắc được khả năng trả nợ. Thực tế cho thấy, những người tìm đến tín dụng
đen phần nhiều đều trong hoàn cảnh bế tắc, công việc bấp bênh, thu nhập thấp, đa số không có bảo
hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân cấp bách nhưng ngân hàng cần có thời gian thẩm định,
khó xác định yếu tố pháp lý, phần lớn người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa chưa quen
với việc tiếp xúc ngân hàng, các công ty tài chính.
Đối với doanh nghiệp, nhu cầu tìm đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, có thể kể đến như sau: không có tài
sản thế chấp, khó được ngân hàng cấp tín dụng do không đảm bảo khả năng trả nợ, gặp nhiều khó khăn về
thủ tục hành chính, khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ, không mô tả được khả năng của doanh
nghiệp.
Như đã trình bày trong bảng 1, rủi ro từ tín dụng phi chính thức là rất lớn. Tổ chức, cá nhân cho vay không
có điều kiện và khả năng thẩm định khách hàng vay, bản thân người cho vay cũng vi phạm pháp luật về lãi
suất cũng như các điều khoản vay. Rủi ro người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng trả nợ là rất cao do lãi
suất cao, phương án kinh doanh không khả thi, nguồn trả nợ không có. Bên cạnh đó, tình trạng đảo nợ, tức
vay nợ mới để trả nợ cũ, là rất phổ biến.
Hậu quả của tín dụng đen (chiếm phần lớn trong tín dụng phi chính thức) rất lớn đối với xã hội, gây bất
an đối với người dân, bất lực đối với nhà quản lý. Lãi suất vay của tín đụng đen thường cao ngất ngưởng,
khả năng người vay không trả được nợ là rất lớn. Khi con nợ không thể trả nợ được, lập tức sẽ bị
khủng bố tinh thần, bị hành hung, gây mất ổn định xã hội. Theo cơ quan điều tra của Bộ Công an, đối
tượng đứng đằng sau hoạt động tín dụng đen phần lớn là dân giang hồ, sẵn sàng dùng biện pháp mạnh,
phi pháp để đòi nợ, càng đẩy bất ổn xã hội lên cao hơn. Sự tồn tại của hình thức tín dụng đen cũng không
đóng góp được cho ngân sách nhà nước.
Để giảm thiểu hoạt động tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao
khả năng tiếp cận vốn của DN và người dân, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở
chi nhánh ở địa bàn, thông qua các kênh cho vay... Trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động hệ thống,
NHNN đã liên tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cho vay. Cụ thể, NHNN đã ban hành
Thông tư số 39/2016/ TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng,
trong đó có các quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày
30/12/2016 quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, nhằm giúp người dân tiếp cận được
nguồn vốn từ kênh chính thức, hạn chế việc phải tiếp cận tín dụng từ nguồn tín dụng đen. Cùng với đó,
NHNN cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa;
Phát triển tài chính vi mô; Mở rộng hệ thống, mạng lưới Ngân hàng Chính sách xã hội tới tận các huyện
và giao dịch tại các điểm giao dịch xã để cung ứng tín dụng tới người dân ngh o, người thu nhập thấp ở
vùng sâu, vùng xa
NHNN cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, nắm bắt tình hình tín dụng
đen và báo cáo, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành để có giải pháp quản lý, chấn chỉnh
hiện tượng tín dụng đen hoạt động tràn lan. Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ động nắm
chắc tình hình, kịp thời phát hiện ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động "tín dụng đen", siết nợ,
đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen,
thời gian tới các cơ quan quản lý cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
301
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là phổ biến các quy
định về giao dịch vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như các phương thức, thủ đoạn
của tội phạm tín dụng đen.
Thứ hai, tiếp tục rà soát nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ
thống pháp lý; tăng cường các biện pháp răn đe mạnh với tín dụng đen. Đặc biệt, cần gấp rút nghiên cứu
và ban hành khung pháp lý cho hình thức cho vay ngang hàng (peer to peer lending). Việc để khoảng
trống pháp lý đối với hình thức cho vay này đang tạo ra rất nhiều hệ lụy xấu đối với xã hội cũng như nền
kinh tế.
Thứ ba, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh
doanh tài chính, cầm đồ trên địa bàn; Các đối tượng có liên quan tới hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng
lãi, đòi nợ thuê; Phát hiện xử lý nghiêm các DN, cơ sở, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên
quan đến đòi nợ, cầm đồ vi phạm.
Thứ tư, mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức, các băng nhóm tội phạm, các
đường dây lợi dụng hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật. Nâng cao
hiệu quả công tác tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, nhất là các đường dây nóng, hòm thư tố
giác tội phạm tiếp nhận các thông tin liên quan đến tín dụng đen.
Thứ năm, chú trọng tuyên truyền và giáo dục tài chính để làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về vay
tiêu dùng tín chấp tại các công ty tài chính cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính toàn diện, tài chính
cá nhân của người dân. Việc giáo dục tài chính cần được xem là một trong những trụ cột chính, vừa nâng
cao hiểu biết của người dân về các dịch vụ nhằm giúp họ có ý thức tìm đến tín dụng hợp pháp thay vì tín
dụng đen, đồng thời nâng cao ý thức trả nợ để đảm bảo quyền lợi của chính người đi vay và góp phần
thức đẩy thị trường tài chính phát triển bền vững hơn.
Thứ sáu, cải thiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân nhằm hạn chế các nguyên nhân gốc rễ
dẫn đến hoạt động tín dụng đen. Hiện nay, công tác an sinh xã hội chưa tốt, chưa thể đáp ứng được nhu
cầu của người dân. Do vậy, cần phải đảm bảo mỗi người dân phải có bảo hiểm y tế; cần miễn phí cho
học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12; tạo ra những căn nhà xã hội cho người dân thuê với chi phí thấp... Từ
đó, hạn chế tác động xấu của tín dụng đen, góp phần ổn định xã hội.
Thứ bảy, việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, "chân rết" của ngân
hàng chính sách xã hội, chi nhánh của công ty tài chính và minh bạch hóa thị trường tài chính là
những biện pháp cần sớm được thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục triển khai các
kế hoạch mở rộng mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ, bán hàng thông qua việc hợp tác với các đối
tác cung ứng sản phẩm; Hoàn tất thử nghiệm công nghệ cao trên các ứng dụng cho vay tự động nhằm
tiếp cận nhanh chóng và mang đến các trải nghiệm vay linh hoạt cho các khách hàng tại khu vực nông
thôn, vùng sâu vùng xa...
Thứ tám, Ngân hàng nhà nước chủ trì và cùng các ngân hàng thương mại đưa ra các gói cho vay ưu đãi đối
với những người có thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa với thủ tục nhanh gọn tối đa.
Tựu chung, tín dụng đen làm cho xã hội hết sức bất ổn, gây nên nhiều hệ lụy xấu cho những ai vướng
phải, từ đó, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cướp giật, ma túy Để đẩy lùi vấn đề gây nhức
nhối này, cần phải có sự nỗ lực và vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Việc ngành Công an bắt giữ
một số đối tượng cho vay nặng lãi sẽ mang lại hiệu quả tức thời mà chưa thể giải quyết được nguyên
nhân sâu xa, bởi người dân và doanh nghiệp cần nguồn tài chính này để giải quyết các nhu cầu cấp
bách, thiết yếu mà Nhà nước không thể đáp ứng được. Do đó, cần tập trung tăng cường an sinh xã hội,
302
khả năng sinh kế cho người dân; Chú trọng phát triển các kênh tín dụng, chính thức; gấp rút đưa vào
khuôn khổ quản lý đối với các Fintech qua đó giảm thiểu tín dụng đen, góp phần ổn định xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ngân hàng Nhà nước (2016) Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ
chức tín dụng;
[2] Ngân hàng Nhà nước (2016) Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của
các công ty tài chính;
[3] Đức Nghiêm (2018) Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen.
Thời báo Ngân hàng;
[4] Lê Huy Khôi (2018) Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng chính sách phát triển mô hình kinh tế chia sẻ
tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, 8-10;
[5] Nguyễn Mạnh Hải (2018) Lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và những thách thức cho nhà quản lý.
Tạp chí Tài chính, 11-14;
[6] Nguyễn Thị Hải Bình (2018) Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và những
thách thức đặt ra. Tạp chí Tài chính, 15-18;
[7] Thanh Hoa (2018) Tìm chế tài kiểm soát tín dụng đen. Thời báo Kinh doanh.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- giai_phap_quan_ly_hoat_dong_tin_dung_phi_chinh_thuc_o_viet_n.pdf