Đặt vấn đề: Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là bệnh lý thường gặp. Trong ba thập niên gần đây, việc
phòng ngừa HKTMS chỉ được chú trọng nhiều ở các bệnh nhân hậu phẫu ngoại khoa. Trong khi đó, các bệnh
nhân bệnh nội khoa thường ít được chú ý theo dõi HKTMS. Thực tế cho thấy, HKTMS trên bệnh nhân nội khoa
cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Mục tiêu : Nghiên cứu này nhằm đánh giá giá trị của thang điểm Wells trong tầm soát HKTMS ở bệnh
nhân bệnh nội khoa cao tuổi có nguy cơ (bệnh lý nội khoa cấp tính và yếu tố nguy cơ nền) tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Báo cáo hàng loạt ca. Nghiên cứu 97 bệnh nhân có yếu tố nguy
cơ nghi ngờ HKTMS tại khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được đánh giá thang điểm Wells và siêu
âm Doppler mạch máu chi dưới cùng lúc. Dựa vào kết quả có được để tính độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán
dương, giá trị tiên đoán âm của thang điểm Wells
6 trang |
Chia sẻ: tieuaka001 | Lượt xem: 856 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Giá trị của thang điểm wells trong tầm soát huyết khối tĩnh mạch sâu trên bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014 Nghiên cứu Y học
Tim Mạch 221
GIÁ TRỊ CỦA THANG ĐIỂM WELLS
TRONG TẦM SOÁT HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU
TRÊN BỆNH NHÂN CAO TUỔI CÓ NGUY CƠ
Nguyễn Phước Minh Hiệp*, Nguyễn Văn Trí**, Nguyễn Thị Hậu*, Nguyễn Văn Tân**
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là bệnh lý thường gặp. Trong ba thập niên gần đây, việc
phòng ngừa HKTMS chỉ được chú trọng nhiều ở các bệnh nhân hậu phẫu ngoại khoa. Trong khi đó, các bệnh
nhân bệnh nội khoa thường ít được chú ý theo dõi HKTMS. Thực tế cho thấy, HKTMS trên bệnh nhân nội khoa
cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Mục tiêu : Nghiên cứu này nhằm đánh giá giá trị của thang điểm Wells trong tầm soát HKTMS ở bệnh
nhân bệnh nội khoa cao tuổi có nguy cơ (bệnh lý nội khoa cấp tính và yếu tố nguy cơ nền) tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Báo cáo hàng loạt ca. Nghiên cứu 97 bệnh nhân có yếu tố nguy
cơ nghi ngờ HKTMS tại khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được đánh giá thang điểm Wells và siêu
âm Doppler mạch máu chi dưới cùng lúc. Dựa vào kết quả có được để tính độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán
dương, giá trị tiên đoán âm của thang điểm Wells.
Kết quả: Tần suất các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu bị HKTMS chiếm 60,8%. Lấy tiêu chuẩn vàng là
siêu âm Doppler mạch máu, với cut‐off = 2 điểm, thì thang điểm Wells có độ nhạy (Sens): 74,6%, độ đặc hiệu
(Spec): 78,9%, giá trị tiên đoán dương tính (PPV): 84,6% và giá trị tiên đoán âm (NPV): 66,7%.
Kết luận: Tần suất HKTMS trên bệnh nhân nội khoa cao tuổi có yếu tố nguy cơ tương đối cao. Việc áp
dụng thang điểm Wells trong tầm soát bệnh nhân có nguy cơ bị HKTMS khá hiệu quả vì độ nhạy và độ đặc hiệu
cao.
Từ khóa: Huyết khối tĩnh mạch sâu, độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm.
ABSTRACT
VALUE OF THE MODIFIED WELLSʹ SCORE FOR THE DIAGNOSIS DEEP VENOUS THROMBOSIS
IN ELDERLY PATIENTS WITH MEDICAL RISK FACTORS
Nguyen Phuoc Minh Hiep, Nguyen Van Tri, Nguyen Thi Hau, Nguyen Van Tan
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 18 ‐ Supplement of No 1 ‐ 2014: 221 ‐ 226
Background: Deep venous thrombosis (DVT) is rather common disease. In the recent three decades, the
prevention of DVT is only concentrated on surgical post‐op patients, but not in medical patients. In fact, deep
venous thrombosis on medical patients needs to be more concerned.
Objective: This study aimed to assess the value of the modified Wells’ score in screening DVT in elderly
patients with medical disease and risk factors (acute medical conditions and the background risk factors) in Cho
ray hospital.
Methods: Designed as case series study. In this case study, 97 patients with medical risk factors and
clinical suspicion of DVT were prospectively enrolled. Wellsʹ score was determined for each patient and compared
with the gold standard duplex ultrasound result done at the same time.
* Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh
** Bộ Môn Lão Khoa, ĐHYD TP. HCM
Tác giả liên lạc: ThS. Nguyễn Phước Minh Hiệp; ĐT: 0913113661
ễ
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014
Chuyên Đề Nội Khoa 222
Results: Ninety‐seven patients were included. The prevalence of DVT was 60.8%. A total of 97 patients
were analyzed. At a cut‐off of 2, the sensitivity, specificity, PPV and NPV of the Wells score were 74.6%, 78.9%,
84.6% and 66.7%, respectively.
Conclusions: Incidence of DVT is high among hospitalized elderly patients with medical disease and risk
factors. Wellsʹ modified score have shown good performances because of high sensitivity and specificity.
Keyword: Deep venous thrombosis, the sensitivity, specificity, positive predictive value, negative predictive
value.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là bệnh
lý thường gặp sau hội chứng vành cấp và đột
quỵ. Bệnh lý này trở thành một vấn đề sức khỏe
đặc biệt nghiêm trọng vì những biến chứng cấp
tính nguy hiểm như: thuyên tắc phổi và biến
chứng mạn tính như hội chứng sau viêm tĩnh
mạch, loét tĩnh mạch do thiểu dưỡng, suy van
tĩnh mạch, xơ phổi, tăng áp lực tĩnh mạch
phổi làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng
và gánh nặng chi phí y tế của xã hội. Do đó việc
nhận biết các yếu tố nguy cơ giúp thầy thuốc
tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh có ý nghĩa
quan trọng, đặc biệt trên những bệnh nhân cao
tuổi có bệnh lý nội khoa. Tuy nhiên, phát hiện
sớm và phòng ngừa HKTMS vẫn còn là một thử
thách cho các nhà khoa học trong giai đoạn hiện
nay vì đa số HKTMS thường không triệu chứng
và bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng.
Hiện nay trên thế giới, thang điểm Wells được
áp dụng phổ biến nhất hướng đến chẩn đoán
HKTMS, thường hướng đến bệnh nhân ngoại
khoa nhiều hơn, tại nước ta chưa có nghiên cứu
trên bệnh nhân cao tuổi bệnh nội khoa nằm
viện. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này
nhằm đánh giá giá trị của thang điểm Wells trong
tầm soát HKTMS ở bệnh nhân bệnh nội khoa cao tuổi
có nguy cơ (bệnh lý nội khoa cấp tính và yếu tố nguy
cơ nền) tại bệnh viện Chợ Rẫy.
ĐỐI TƯỢNG ‐ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Dân số mục tiêu: Tất cả bệnh nhân nhập viện
và điều trị tại khoa Tim Mạch Bệnh Viện Chợ
Rẫy trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng
06/2013.
Tiêu chuẩn chọn mẫu
Từ dân số mục tiêu chúng tôi chọn ra 97
trường hợp được nghi ngờ HKTMS có yếu tố
nguy cơ (yếu tố nguy cơ nội khoa cấp tính và
yếu tố nguy cơ nền).
Tiêu chuẩn loại trừ
Bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ và
không đồng ý tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Báo cáo hàng loạt ca.
Phương pháp tiến hành nghiên cứu
Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (yếu tố
nguy cơ nội khoa cấp tính và yếu tố nguy cơ
nền) nghi ngờ HKTMS và không có tiêu chuẩn
loại trừ được chọn vào nghiên cứu. Các đối
tượng nghiên cứu đều được hỏi bệnh sử, tiền sử
bản thân và gia đình, khám lâm sàng, đồng thời
thực hiện xét nghiệm siêu âm doppler mạch
máu chi dưới. Thu thập số liệu tất cả hồ sơ bệnh
án của các đối tượng trong nhóm nghiên cứu,
dựa theo bảng thu thập số liệu đã xây dựng.
Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu
(HKTMS) chi dưới bằng siêu âm Doppler (với
độ nhạy 96%, độ đặc hiệu 98%).
Xử lý và phân tích số liệu
Xử lý số liệu bằng thuật toán thống kê và
phần mềm SPSS 13.0. Tần suất, tỉ lệ phần trăm
được sử dụng để mô tả số liệu định tính; trung
bình và độ lệch chuẩn để mô tả biến số định
lượng.
So sánh hai tỉ lệ của biến số định tính bằng
phép kiểm chi bình phương. Ngoài ra, chúng tôi
còn xác định những chỉ số đặc biệt cho thang
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014 Nghiên cứu Y học
Tim Mạch 223
điểm Wells, bằng cách so sánh với tiêu chuẩn
vàng là siêu âm Doppler mạch máu:
Độ nhạy (Sensitivity, Sens) là tỉ lệ bệnh nhân
cao tuổi có nguy cơ, có thang điểm Wells ≥2
được chẩn đoán xác định HKTMS bằng siêu âm
Doppler (+).
Độ đặc hiệu (Specificy, Spec) là tỉ lệ bệnh
nhân cao tuổi có nguy cơ, có thang điểm Wells
<2 không được chẩn đoán bị HKTMS bằng siêu
âm Doppler (‐).
Giá trị tiên đoán dương tính (Positive
predictive value, PPV) là tỉ lệ những bệnh nhân
cao tuổi có nguy cơ được chẩn đoán xác định bị
HKTMS khi có thang điểm Wells ≥2.
Giá trị tiên đoán âm tính (Negative
predictive value, NPV) là tỉ lệ những bệnh nhân
cao tuổi có nguy cơ không được chẩn đoán xác
định bị HKTMS khi có thang điểm Wells <2.
Các phép kiểm, so sánh có ý nghĩa thống kê
khi giá trị p < 0,05 (2‐tailed).
KẾT QUẢ
Đặc điểm cơ bản của bệnh nhân
Bảng 1. Phân bố tuổi ở 2 nhóm bệnh nhân có
HKTMS và không HKTMS
SA Doppler (+)
n (%)
SA Doppler (-)
n (%)
P
60-69 tuổi 25 (42,4) 30 (79,0) <0,00
1 ≥ 70 tuổi 34 (57,6) 8 (21,0)
Nhóm bệnh nhân ≥70 tuổi có siêu âm
Doppler (+) chiếm tỉ lệ cao hơn.
Biểu đồ 1. Tỉ lệ các yếu tố nguy cơ ở nhóm nghiên cứu.
Bảng 2. Phân bố giới ở 2 nhóm có HKTMS và không
HKTMS
SA Doppler (+)
n (%)
SA Doppler (-)
n (%)
P
Nam 21 (35,6) 12 (31,6)
0,684
Nữ 38 (64,4) 26 (68,4)
Bảng 3. Tỉ lệ các phân nhóm theo yếu tố nguy cơ
HKTMS bệnh nhân nội khoa trong bệnh viện
Yếu tố nguy cơ
Dân số
n (%)
Tỉ lệ mắc HKTMS
n (%)
Yếu tố nguy cơ nội khoa
cấp tính 69 (71,1) 37 (62,7)
Yếu tố nguy cơ nền 28 (28,9) 22 (37,2)
Triệu chứng lâm sàng huyết khối tĩnh
mạch sâu
Bảng 4. Tỉ lệ các triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng Số bệnh nhân n (%)
Đau dọc theo hệ TM sâu 38 (39,2)
Sưng toàn bộ chi dưới 48 (49,5)
Phù mềm ấn lõm 53 (54,6)
Tĩnh mạch bàng hệ 7 (7,2)
Bắp chân sưng to > 3 cm so bên không
triệu chứng 20 (20,6)
Bảng 5. Mối liên quan giữa các triệu chứng và HKTMS
Các triệu chứng Siêu âm Doppler (+) n (%) Siêu âm Doppler (-) n (%) P
Đau dọc tĩnh mạch
Có 36 (61,0) 2 (5,3) < 0,001
Không 23 (39,0) 36 (94,7)
Sưng chi dưới
Có 42 (71,2) 6 (15,8) < 0,001
Không 17 (28,8) 32 (84,2)
Tĩnh mạch bàng hệ
Có 7 (11,9) 0 (0,0) <0,04
Không 52 (88,1) 38 (100,0)
Bắp chân sưng to > 3
cm
Có 19 (32,2) 1 (2,6) <0,001
Không 40 (94,9) 37 (97,4)
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014
Chuyên Đề Nội Khoa 224
Giá trị của thang điểm Wells trên bệnh
nhân cao tuổi bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Bảng 6. Phân bố của thang điểm Wells ở 2 nhóm
HKTMS và không HKTMS
Siêu âm Doppler
Tiêu chuẩn Wells
Tổng cộng
Wells ≥ 2 Wells < 2
Có HKTM 44 15 59
Không có HKTM 8 30 38
Tổng 52 45 97
Biểu đồ 2. Đường cong ROC
Bảng 7. Độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán âm,
giá trị tiên đoán dương của thang điểm Wells trong
chẩn đoán HKTMS.
Giá trị KTC 95%
Tỉ lệ (%) 61 50 70,6
Độ nhạy (%) 74,6 61,6 85
Độ đặc hiệu (%) 78,9 62,7 90,4
Đường cong ROC 0,768 0,681 0,854
Giá trị tiên đoán dương (%) 84,6 71,9 93,1
Giá trị tiên đoán âm (%) 66,7 51 80
Khi Wells < 2 điểm, có 15/59 bệnh nhân,
chiếm 25% được chẩn đoán là bị huyết khối tĩnh
mạch sâu chi dưới; nhưng nếu Wells ≥ 2 điểm,
thì có đến 44/59 bệnh nhân, chiếm 75% có chẩn
đoán xác định.
So với tiêu chuẩn vàng là siêu âm Doppler
mạch máu, với cut‐off = 2 điểm. Thang điểm
Wells có độ nhạy Sens: 75%, độ đặc hiệu Spec:
79%, giá trị tiên đoán dương tính PPV: 85% và
giá trị tiên đoán âm NPV: 67%.
BÀN LUẬN
Trong số 97 bệnh nhân nhập viện có yếu tố
nguy cơ (yếu tố nguy cơ nội khoa cấp tính, và
yếu tố nguy cơ nền) có 59 trường hợp phát hiện
có HKTMS chi dưới bằng siêu âm Doppler,
chiếm tỉ lệ 60,8%. Qua khảo sát, chúng tôi đưa ra
một số nhận xét sau:
Đặc điểm dân số
Tuổi và giới
Trong nghiên cứu chúng tôi, tuổi trung bình
là 70 tuổi ± 8 tuổi. Xem xét sự phân bố giữa 2
nhóm tuổi 60‐69 tuổi có 55 trường hợp (56,7%),
và ≥ 70 tuổi có 42 trường hợp (43,3%); Trong đó
tỉ lệ bệnh nhân bị HKTMS lần lượt là 25 trường
hợp (42,4%) và 34 trường hợp (57,6%). Tuổi càng
lớn thì tỷ lệ mắc HKTMS càng cao. Có sự khác
biệt về tỉ lệ HKTMS theo nhóm tuổi p <0,001. Kết
quả nghiên cứu này cũng tương tự với nghiên
cứu của Hussain R. Yusuf MD và cộng sự(15). Tỉ
lệ nam/nữ # 1/2, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn
nam. Không có sự khác biệt về giới giữa 2 nhóm
có HKTMS và không có HKTMS (p > 0,05).
Các yếu tố nguy cơ HTKSM
Dựa vào bảng các yếu tố nguy cơ HKTMS
bệnh nhân nội khoa trong bệnh viện, chúng tôi
nhóm các yếu tố nguy cơ vào 2 phân nhóm như
sau: Các yếu tố nguy cơ nội khoa cấp tính như
nhiễm trùng hô hấp cấp, hội chứng thận hư,
nhồi máu cơ tim cấp, suy tim, ung thư, vừa trải
qua phẫu thuật, COPD, bất động sau chấn
thương; các yếu tố nguy cơ nền như tiền sử
HKTMS, tiền căn nằm viện, liệt chi dưới.
Qua nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy
yếu tố nguy cơ nội khoa cấp tính cao hơn
nhiều so với tỉ lệ yếu tố nguy cơ nền, và tỉ lệ
mắc HKTMS của yếu tố nguy cơ nội khoa cấp
tính cũng cao gần gấp đôi. Điều này chứng tỏ
ở những bệnh nhân nội khoa cao tuổi trong
bệnh viện viện có yếu tố nguy cơ nội khoa cấp
tính cần được quan tâm hơn về khả năng mắc
HKTMS. Và cần có một biện pháp đánh giá,
tầm soát sớm HKTMS ở những trường hợp
này để đưa ra chiến lược dự phòng và điều trị
thích hợp.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014 Nghiên cứu Y học
Tim Mạch 225
Triệu chứng lâm sàng
Sưng toàn bộ chi dưới
Nghiên cứu chúng tôi ghi nhận có 48 trường
hợp sưng toàn bộ chi dưới chiếm tỉ lệ 49,5%.
Trong đó có 42 trường hợp mắc HKTMS chi
dưới được xác định qua siêu âm,với độ nhạy
72%, tương tự Sandler và cộng sự(2). Bệnh nhân
có triệu chứng sưng chi dưới có khả năng bị
HKTMS gấp 13,2 lần bệnh nhân không có triệu
chứng này (với OR =13,2).
Đau căng cơ dọc theo hệ thống tĩnh mạch sâu
chi dưới
Nghiên cứu chúng tôi ghi nhận có 38 trường
hợp đau căng cơ chiếm tỉ lệ 39,2%. Trong đó có
36 trường hợp mắc HKTMS chi dưới được xác
định qua siêu âm,với độ nhạy 61%, gần tương
đương Richards và cộng sự(3). Bệnh nhân có triệu
chứng đau căng dọc hệ thống tĩnh mạch sâu chi
dưới có khả năng bị HKTMS gấp 28,2 lần bệnh
nhân không có triệu chứng này (với OR =13,2).
Phù mềm ấn lõm
Nghiên cứu chúng tôi ghi nhận có 53 trường
hợp phù mềm ấn lõm chiếm tỉ lệ 54,6%. Trong đó
có 35 trường hợp mắc HKTMS chi dưới được xác
định qua siêu âm, với độ nhạy 59,3%. Không có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm có
và không có phù mềm. Theo nghiên cứu của
Baud và công sự ghi nhận trên 74 bệnh nhân
phẫu thuật khớp háng và hông, có khả năng bị
HKTMS, phân tích đơn biến ghi nhận có sự khác
biệt có ý nghĩa thống kê của triệu chứng phù
mềm và tỉ lệ HKTMS trong nghiên cứu này chiếm
34%(7). Sự khác biệt này có thể là do mẫu đại diện
trong nghiên cứu của Baud là bệnh ngoại khoa
đơn thuần, còn mẫu bệnh nhân chúng tôi đa
phần bệnh tim mạch, trong đó triệu chứng phù
mềm ấn lõm cũng xuất hiện trên mặt bệnh khác
như tăng huyết áp, suy tim, suy thận,..
Tĩnh mạch bàng hệ ngoại biên
Trong nghiên cứu chúng tôi ghi nhận có 7
trường hợp có tĩnh mạch bàng hệ, và cả 07 bệnh
nhân này đều có HKTMS chiếm tỉ lệ 11,9 %.
Trong nghiên cứu đa trung tâm OPTIMEV, tác
giả Galanaud JP và cộng sự thực hiện trên 788
bệnh nhân có triệu chứng tĩnh mạch bàng hệ
ngoại biên ở chân, ghi nhận có 227 ca có bị
HKTMS, chiếm tỉ lệ 28,8%(19). Tuy tỉ lệ chúng tôi
nhỏ hơn 1/2 tỉ lệ của Galanaud JP là do mẫu quá
ít, nhưng qua phân tích, có sự khác biệt có ý
nghĩa quan trọng về HKTMS giữa 2 nhóm có và
không có triệu chứng trên với p = 0,04.
Bắp chân sưng hơn 3 cm so với bên không
triệu chứng
Nghiên cứu chúng tôi ghi nhận có 20 trường
hợp bắp chân sưng to, chiếm 20,6% trong tổng
số bệnh nhân. Trong đó số bệnh nhân mắc
HKTMS là 19 bệnh nhân, chiếm tỉ lệ 32,2%, với
độ đặc hiệu là 97%. Nghiên cứu của Kahn ghi
nhận triệu chứng này cùng với dấu Homans,
dấu Lowenberg có độ đặc hiệu từ 80‐98%(4).
Nghiên cứu chúng tôi có kết quả cũng gần
tương tự nghiên cứu của tác giả trên.
Giá trị của thang điểm Wells trong tầm
soát huyết khối tĩnh mạch sâu
Trong 97 bệnh nhân nghiên cứu, chúng tôi
ghi nhận có 52 bệnh nhân có tiêu chuẩn Wells ≥
2 điểm (53,6%) và 45 trường hợp còn lại Wells <
2 điểm (45%). Qua kiểm định bằng siêu âm
Doppler mạch máu, chúng tôi nhận thấy có 59
ca mắc HKTMS và 38 ca không mắc HKTMS.
Bảng 8. So sánh giá trị tầm soát HKTMS
Giá trị tiên đoán Chúng tôi (%) Zhu và Wang(18) (%) Steve Goodacre(17) (%)
Độ nhạy 74,6 78,4 86,6
Độ đặc hiệu 78,9 66,1 73,9
Giá trị tiên đoán dương 84,6 52,3
Giá trị tiên đoán âm 66,7 86,6
Với kết quả trên, chúng tôi phân tích được
độ nhạy, độ chuyên, giá trị tiên đoán dương,
giá trị tiên đoán âm của thang điểm Wells lần
lượt như sau: Se 74,6% (KTC 95%, 61,6%‐ 85%),
Sp 78,9% (KTC 95%, 62,7%‐ 90,4%), PPV 84,6%
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014
Chuyên Đề Nội Khoa 226
(KTC 95%, 71,9‐ 93,1%), NPV 66,7% (KTC 95%,
51%‐80%). Steve Goodacre và cộng sự thực hiện
một phân tích gộp từ 3 nghiên cứu về giá trị tầm
soát HKTMS của thang điểm Wells cho thấy
thang điểm này có giá trị thật sự trong việc tiên
đoán HKTMS với độ nhạy 86,6%, độ đặc hiệu là
73,9%(17). Takashi Yamaki và cộng sự nghiên
cứu áp dụng thang điểm Wells trên 886 bệnh
nhân nghi ngờ HKTMS, cho thấy độ đặc hiệu
của thang điểm là 78,2. Subramaniam thang
điểm Wells kết hợp với D‐Dimer ghi nhận
được độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán
dương, giá trị tiên đoán âm lần lượt theo thứ
tự là 99%, 33%, 29%, 99%. Ambid‐Lacombe áp
dụng thang điểm Wells trong tầm soát
HKTMS ghi nhận: tần suất mắc bệnh là 13,5%.
Giá trị tiên đoán âm là 97%. Kết quả nghiên
cứu chúng tôi, gần tương tự kết quả của Zhu
và Wang thực hiện, độ nhạy và độ đặc hiệu
cũng gần tương đương Takashi Yamaki và
Steve Goodacre nhưng thấp hơn kết quả của
Subramaniam và Ambid‐Lacombe. Điều này
có thể giải thích là do chúng tôi chẩn đoán
hướng đến HKTMS bằng thang điểm Wells
đơn độc, còn nghiên cứu của các tác trên là sự
kết hợp thang điểm Wells cùng tiêu chuẩn xét
nghiệm D‐Dimer.
KẾT LUẬN
Tỉ lệ mắc HKTMS trên nhóm bệnh nhân nội
khoa có nguy cơ tại khoa nội tim mạch BV Chợ
Rẫy (60,8%). Thang điểm Wells có giá trị giúp
tầm soát bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ bị
HKTMS chi dưới với độ nhạy, độ chuyên, giá trị
tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm của thang
điểm Wells lần lượt như sau: Se 74,6%, Sp 78,9%,
PPV 84,6%, NPV 66,7%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ambid‐Lacombe C, Cambou JP, Bataille V, et al.
(2009),”[Excellent performances of Wellsʹ score and of the
modified Wellsʹ score for the diagnosis of proximal or distal
deep venous thrombosis in outpatients or inpatients at
Toulouse University Hospital: TVP‐PREDICT study]ʺ. J Mal
Vasc, 34(3), pp 211‐217.
2. Baud JM, Matrand G, Georges JL, et al (2011)”[Diagnostic
value of clinical signs and clinical scoring for deep vein
thrombosis after hip and knee arthroplasty]ʺ. J Mal Vasc,
36(6), pp 386‐394.
3. Galanaud JP, Genty C, Sevestre MA, Brisot D, Lausecker M,
Gillet JL, et al (2011).”Predictive factors for concurrent deep‐
vein thrombosis and symptomatic venous thromboembolic
recurrence in case of superficial venous thrombosis. The
OPTIMEV studyʺ. Thromb Haemost, 105(1), pp 31‐39.
4. Goodacre S, Sutton AJ, Sampson FC (2005),”Meta‐analysis:
The value of clinical assessment in the diagnosis of deep
venous thrombosisʺ. Ann Intern Med, 143(2), pp 129‐139.
5. Hussain R, Yusuf M, Tsai J, et al (2009), Div of Blood
Disorders, National Center on Birth Defects and
Developmental Disabilities, CDC”Venous thromboembolism
in adult hospitalizations ‐ United States, 2007‐2009ʺ. MMWR
Morb Mortal Wkly Rep, 61(22), pp 401‐404.
6. Huỳnh Văn Ân (2009),”Huyết khối tĩnh mạch sâu trên bệnh
nhân nội khoa tại khoa ICU Bệnh viện NDGÐ.”Y học
TP.HCM, 13, pp 127‐134.
7. Kahn SR (1998),”The clinical diagnosis of deep venous
thrombosis: integrating incidence, risk factors, and symptoms
and signsʺ. Arch Intern Med, 158(21), pp 2315‐2323.
8. Lê Nữ Hòa Hiệp (2004),”Tổng quan về bệnh lý tĩnh mạchʺ.
Tạp chí y học Việt Nam, 1.
9. Nguyễn Quang Quyền (2011),”Bài giảng giải phẫu học tập 1ʺ.
10. Nguyễn Trung Hiếu (2010),”Khảo sát tỉ lệ mới mắc huyết
khối tĩnh mạch chi dưới trên bệnh nhân nhồi nãoʺ. Tim mạch
học
11. Nguyễn Văn Trí (2011), Bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
12. Nguyễn Văn Trí, Đặng Vạn Phước (2010),”Tổng quan về
huyết khối tĩnh mạch sâu chưa có triệu chứng trên bệnh nhân
bệnh nội khoa cấp tính.”Tim mạch học, 7, pp 7‐22.
13. Nguyễn Văn Trí, Đặng Vạn Phước (2010),”Yếu tố nguy cơ
huyết khối tĩnh mạch sâuʺ. Tim mạch học, 4, 7‐13.
14. Nguyễn Vĩnh Thống (2011),”Phòng ngừa huyết khối tĩnh
mạch trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hìnhʺ. Thời sự Y
học, 62, pp 3‐5.
15. Richards KL, Armstrong JD, et al (1976),”Noninvasive
diagnosis of deep venous thrombosisʺ. Arch Intern Med,
136(10), pp 1091‐1096.
16. Sandler DA, Martin JF (1989),”Autopsy proven pulmonary
embolism in hospital patients: are we detecting enough deep
vein thrombosis?”J R Soc Med, 82(4), pp 203‐205.
17. Subramaniam R M, Snyder B, Heath R, Tawse F, Sleigh J
(2006),”Diagnosis of lower limb deep venous thrombosis in
emergency department patients: performance of Hamilton
and modified Wells scoresʺ. Ann Emerg Med, 48(6), pp 678‐
685.
18. Yamaki T, Nozaki M, Sakurai H, Kikuchi Y, Soejima K, Kono
T, et al (2009),”Combined use of pretest clinical probability
score and latex agglutination D‐dimer testing for excluding
acute deep vein thrombosisʺ. J Vasc Surg, 50(5), pp 1099‐1105.
19. Zhu L, Wang JG, LiuM, Guo XJ, Guo YL, Guo YM, et al
(2009),”[Value of combined wells score and D‐dimer test on
diagnosing patients with deep venous thrombosis]ʺ.
Zhonghua Xin Xue Guan Bing Za Zhi, 37(9), pp 818‐822.
Ngày nhận bài báo: 01/11/2013
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 29/11/2013
Ngày bài báo được đăng: 05/01/2014
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 221_119.pdf