Bài viết bàn về sự cần thiết phải đổi mới hoạt động đào tạo đại học theo hướng phát triển năng lực
người học. Tác giả phân tích tầm quan trọng của hoạt động đào tạo đại học và năng lực người học theo
tiêu chuẩn thiết lập mục tiêu giáo dục cấp chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (AUN). Trên cơ sở
đó, tác giả rút ra nhận xét khách quan về hoạt động đào tạo cử nhân Luật tại Trường Đại học Sài Gòn
trong thời gian qua có sát với chuẩn đầu ra không và đề xuất giải pháp cấu trúc lại chương trình thực
hành mang tính trải nghiệm hành nghề cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của lao động hành nghề luật
sau tốt nghiệp. Theo đó, tác giả cũng đề xuất đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên và tiêu chí
đánh giá sinh viên cho phù hợp với cấu trúc và nhu cầu mới.
7 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 13/05/2022 | Lượt xem: 403 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Đổi mới hoạt động đào tạo đại học theo hướng phát triển năng lực người học – Nhìn nhận từ đào tạo cử nhân luật tại trường Đại học Sài Gòn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 73 (01/2021) No. 73 (01/2021)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website:
10
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC THEO HƯỚNG
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC – NHÌN NHẬN TỪ ĐÀO TẠO
CỬ NHÂN LUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN
College education activity reform towards developing learners’ capacity –
The review of Law bachelor education of Saigon University
TS. Hoàng Thị Việt Anh
Trường Đại học Sài Gòn
TÓM TẮT
Bài viết bàn về sự cần thiết phải đổi mới hoạt động đào tạo đại học theo hướng phát triển năng lực
người học. Tác giả phân tích tầm quan trọng của hoạt động đào tạo đại học và năng lực người học theo
tiêu chuẩn thiết lập mục tiêu giáo dục cấp chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (AUN). Trên cơ sở
đó, tác giả rút ra nhận xét khách quan về hoạt động đào tạo cử nhân Luật tại Trường Đại học Sài Gòn
trong thời gian qua có sát với chuẩn đầu ra không và đề xuất giải pháp cấu trúc lại chương trình thực
hành mang tính trải nghiệm hành nghề cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của lao động hành nghề luật
sau tốt nghiệp. Theo đó, tác giả cũng đề xuất đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên và tiêu chí
đánh giá sinh viên cho phù hợp với cấu trúc và nhu cầu mới.
Từ khóa: đổi mới, hoạt động đào tạo, năng lực
ABSTRACT
The article discusses the need to renovate college education activities towards developing learners'
capacity. The article analyzes the importance of matching the college education activities with learners'
capacity according to the International Quality Assessment of the ASEAN University Network (AUN).
On that basis, the author comments on the current Law Bachelor Education of Saigon University and
proposes solutions to restructure the training curriculum covering legal practice in order to meet the
demand of the legal profession upon the graduation. Accordingly, the author also proposes to change the
lecturers’ teaching method and student assessment criteria to suit the new structure and market demand.
Keywords: reform, education activities, capacity
1. Lời dẫn
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt
động đào tạo nói chung để đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học nói
riêng đã và đang là yêu cầu cấp bách hiện
nay. Nghị quyết 14/CP của Chính phủ về
đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại
học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu
rõ: “Phát triển các chương trình giáo dục
đại học theo định hướng nghiên cứu và
định hướng nghề nghiệp - ứng dụng Đổi
mới nội dung đào tạo, gắn kết chặt chẽ với
thực tiễn nghiên cứu khoa học, phát triển
công nghệ và nghề nghiệp trong xã hội,
phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp cận
Email: anhhtv@sgu.edu.vn
HOÀNG THỊ VIỆT ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
11
trình độ tiên tiến của thế giới” (Chính phủ
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị
Quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11
năm 2005 của Chính phủ về đổi mới căn
bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam
giai đoạn 2006-2020), đây cũng là nhiệm
vụ mà Trường Đại học Sài Gòn hướng tới,
trong đó cần phải rõ phải đổi mới hoạt động
đào tạo đại học theo hướng phát triển năng
lực người học nhằm nâng cao chất lượng
đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã
hội và nhà nước ta hiện nay.
2. Nội dung
2.1. Tầm quan trọng của hoạt động
đào tạo đại học
Theo Chương trình quản lý tiên tiến
các lớp huấn luyện của TCAM (Training
Center for Advanced Management) – gọi là
chương trình giáo dục, trong đó bao hàm cả
chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo.
Chương trình đào tạo là bản thiết kế
chi tiết quá trình giảng dạy trong một khoá
đào tạo, phản ánh cụ thể mục tiêu, nội
dung, cấu trúc, trình tự, cách thức tổ chức
thực hiện và kiểm tra đánh giá các hoạt
động giảng dạy cho toàn khoá đào tạo và
cho từng môn học, phần học, chương, mục
và bài giảng.
Hoạt động đào tạo bao gồm các hành
động dạy và học được thực hiện thông qua
sự tương tác giữa người dạy và người học
cùng hướng đến việc đạt được các mục tiêu
chương trình đào tạo đã đề ra.
Chương trình đào tạo gồm 04 yếu tố
cơ bản, đó là: chương trình môn học;
chương trình trải nghiệm; chương trình
dịch vụ; chương trình tiềm ẩn (Theo tác giả
Nguyễn Thị Thủy (2018). Thiết lập mục
tiêu giáo dục cấp chương trình đào tạo
theo chuẩn quốc tế, TCAM-VNU, Viện
quản trị đại học - Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh và Dự án Kỹ năng nghề
nghiệp Việt Nam). Theo đó, các yếu tố cơ
bản của chương trình đào tạo theo chuẩn
quốc tế được nhấn mạnh đến hoạt động đào
tạo, vì ¾ yếu tố cơ bản của chương trình
giáo dục là hướng đến các hoạt động đào
tạo tại trường, gồm chương trình trải
nghiệm, chương trình dịch vụ, chương
trình tiềm ẩn, nhằm đưa các hoạt động của
chương trình môn học vào thực tế cuộc
sống, từ đó giúp cho người học có cái nhìn
rộng hơn, chân thực hơn, khơi dậy những
yếu tố tìm tòi, khám phá thế giới xung
quanh ở mỗi con người theo hướng mở
hơn. Chương trình đào tạo cho người học
biết cách tái cấu trúc những kiến thức và
kinh nghiệm; chương trình trải nghiệm cung
cấp cho người học cơ hội tăng trưởng kiến
thức qua các hoạt động thực nghiệm, thực
tế, học qua tương tác đa phương tiện. Còn
chương trình dịch vụ nhằm giúp người học
học tập từ việc tham gia cung cấp các dịch
vụ hay các hoạt động thiện nguyện phục vụ
cộng đồng, để qua đó đánh giá được những
giá trị đã được tích lũy trong chương trình
môn học. Bên cạnh đó, chương trình tiềm
ẩn cũng có vai trò bổ trợ rất quan trọng, là
những gì người học tự mình học được
chính từ văn hóa tổ chức và phong cách
làm việc của nhà trường, mà không nằm
trong kế hoạch giảng dạy hay đôi khi còn
nằm ngoài chủ ý của nhà trường. Ví dụ:
học từ văn hóa, từ cách tổ chức của nhà
trường, xây dựng cho người học các cấu
trúc tinh thần bên trong như thái độ, cảm
xúc, giá trị, đạo đức, động lực và khả năng
huy động các kiến thức, nhận thức, kỹ năng
thực hành, giúp cho cá nhân thực hiện
thành công các hành động trong bối cảnh
cụ thể, nhấn mạnh đến động lực, giá trị cá
nhân và đạo đức xã hội.
Hoạt động đào tạo cũng hướng đến các
chương trình trên bằng các hành động cụ
thể của nhà trường, của ngành nhằm đạt
được các mục tiêu đã đề ra (có tính đến đặc
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 73 (01/2021)
12
thù của ngành Luật).
2.2. Năng lực và các cấp độ đánh giá
năng lực theo tiêu chuẩn AUN (thiết lập
mục tiêu giáo dục cấp chương trình đào
tạo theo chuẩn quốc tế)
2.2.1. Năng lực
Năng lực được định nghĩa theo nhiều
cách khác nhau với sự lựa chọn loại dấu
hiệu khác nhau.
“Năng lực là sự tổng hợp các thành tố
kiến thức, kỹ năng và thái độ đảm bảo hiệu
quả và sự phù hợp của hành động đối với
bối cảnh”. Cách định nghĩa này nhấn mạnh
đến hiệu quả của việc vận dụng kiến thức,
kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết nhằm giải
quyết vấn đề đặt ra trong cuộc sống (Nguyễn
Thị Thủy, 2018, tr.13).
“Năng lực là tổ hợp những thuộc tính
độc đáo của cá nhân, phù hợp với những
yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm
bảo cho hoạt động đó có hiệu quả”. Quan
điểm này phân chia năng lực thành 02 loại:
năng lực chung cần thiết cho nhiều hoạt
động khác nhau, bao gồm những thuộc tính
về thể lực, về trí tuệ (quan sát, trí nhớ, tư
duy, tưởng tượng, ngôn ngữ); năng lực
riêng biệt mang tính chuyên môn, nhằm
đáp ứng yêu cầu của một hoạt động chuyên
môn nhất định (Dân Kinh tế, 2019).
Như vậy, năng lực là những thuộc tính
độc đáo của cá nhân phù hợp với yêu cầu
của một hoạt động nhất định và đảm bảo
cho hoạt động đó có hiệu quả. Năng lực
không phải là yếu tố sẵn có mang tính bẩm
sinh di truyền mà được hình thành và phát
triển thông qua hoạt động và giao lưu. Biểu
hiện của năng lực là biết sử dụng các nội
dung và các kỹ năng trong tình huống có ý
nghĩa chứ không ở tiếp thu lượng tri thức
rời rạc.
2.2.2. Mối quan hệ giữa năng lực với
tư chất, tri thức, kỹ năng kỹ xảo
Năng lực với tư chất
Tư chất là những đặc điểm riêng của
cá nhân về giải phẫu sinh lý bẩm sinh của
não bộ, hệ thần kinh, cơ quan phân tích, cơ
quan vận động tạo ra sự khác biệt giữa con
người với nhau. Tư chất là là cơ sở vật chất
của năng lực. Tư chất có ảnh hưởng đến
tốc độ, chiều hướng và đỉnh cao phát triển
năng lực, nhưng không quy định trước sự
phát triển của các năng lực. Trên cơ sở tư
chất, có thể hình thành những năng lực
khác nhau trong hoạt động, những tiền đề
bẩm sinh được phát triển nhanh chóng,
những yếu tố chưa hoàn thiện được hoàn
thiện thêm và những cơ chế bù trừ được
hình thành để bù đắp cho những khuyết
nhược của cơ thể.
Năng lực với thiên hướng
Thiên hướng về một hoạt động nào đó
và năng lực đối với hoạt động ấy thường ăn
khớp với nhau và cùng phát triển. Thiên
hướng mãnh liệt của con người đối với một
loại hoạt động nào đó có thể coi là dấu hiệu
của những năng lực đang hình thành.
Năng lực với tri thức kỹ năng kỹ xảo
Có tri thức, kỹ năng, kỹ xảo trong một
lĩnh vực nào đó là điều kiện cần thiết để có
năng lực trong lĩnh vực ấy. Ngược lại,
năng lực góp phần làm cho sự tiếp thu tri
thức, hình thành kỹ năng kỹ xảo tương ứng
với năng lực đó. Năng lực của mỗi người
được hình thành trên cơ sở những tư chất
nhưng chủ yếu năng lực hình thành trong
hoạt động tích cực của con người dưới tác
động của rèn luyện, đào tạo và giáo dục.
2.2.3. Các cấp độ đánh giá năng lực
theo tiêu chuẩn AUN
Các cấp độ đánh giá năng lực theo tiêu
chuẩn AUN trong cuốn tài liệu “Thiết lập
mục tiêu giáo dục cấp chương trình đào
tạo theo chuẩn quốc tế AUN” đã đưa ra
thang cấp độ tư duy như sau:
Mức độ 1 – Nhớ (Remembering): người
học có thể nhắc lại các thông tin đã được
HOÀNG THỊ VIỆT ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
13
tiếp nhận trước đó (Ví dụ: mô tả, gọi tên,
xác định, định nghĩa, trình bày, tường thuật,
trích dẫn, nhắc lại, kể lại, tái tạo, mô phỏng).
Mức độ 2 - Hiểu (Understanding): người
học nắm được ý nghĩa của thông tin, thể hiện
qua khả năng diễn giải, suy diễn, liên hệ,
khái quát (Ví dụ: giải thích, thảo luận, so
sánh, mô tả, nhận định, lựa chọn, tóm tắt,
sắp xếp, liên kết, dự đoán, tổng kết, giải
mã, làm khác biệt, chuyển đổi, mở rộng,
khái quát, minh họa).
Mức độ 3 - Áp dụng (Applying): áp
dụng thông tin, khái niệm đã biết vào một
tình huống, điều kiện mới để giúp giải quyết
vấn đề (Ví dụ: vận dụng, sử dụng, tính toán,
kiểm tra, chứng minh, suy luận, phân biệt,
giải quyết vấn đề, phát triển, phát hiện, khai
thác, thực hành, vận hành, lập kế hoạch, lịch
trình, trình diễn, phác họa, dự đoán).
Mức độ 4 - Phân tích (Analyzing):
chia thông tin thành những phần nhỏ và chỉ
ra mối liên hệ của chúng với tổng thể. (Ví
dụ: so sánh, đối chiếu, kiểm tra, lý giải,
phân biệt bản chất, chỉ ra, phân loại, khám
phá, thẩm định, kiểm định, bố trí, bọc tách,
kết nối, suy luận, xác định, chuẩn đoán).
Mức độ 5 - Đánh giá (Evaluating): đưa
ra nhận định, phán quyết của bản thân đối
với các thông tin dựa trên các chuẩn mực,
tiêu chí (Ví dụ: thẩm định, khẳng định,
biện hộ, đánh giá, xếp hạng, ưu tiên, lựa
chọn, quyết định, phán quyết, khuyến cáo,
chỉnh sửa, phê chuẩn, dự báo, đề xuất).
Mức độ 6 - Sáng tạo (Creating): sáng tạo
ra sự vật mới trên cơ sở những thông tin, sự
vật đã có (Ví dụ: thiết lập, tổng hợp, xây
dựng, thiết kế, sáng tác, đề xuất, giả định,
sửa đổi, lập kế hoạch, sáng tạo, phát minh,
sản xuất) (Nguyễn Thị Thủy, 2018, tr.53).
Đây cũng là cơ sở để các trường đại
học cần có giải pháp đổi mới hoạt động
giảng dạy theo hướng phát triển năng lực
người học hiện nay, trong đó có đào tạo cử
nhân Luật tại Trường Đại học Sài Gòn.
2.3. Thực trạng hoạt động đào tạo cử
nhân Luật tại Trường Đại học Sài Gòn
2.3.1. Nhận xét chung
Về ưu điểm, hoạt động đào tạo ngành
Luật trong giai đoạn vừa qua đã đạt được,
yêu cầu về kiến thức, yêu cầu về kỹ năng,
yêu cầu về thái độ; giúp người học xác
định được vị trí việc làm sau khi tốt
nghiệp, có khả năng tiếp tục học tập, trau
dồi kiến thức, nâng cao trình độ nghề
nghiệp ở bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ
hay học sâu hơn về nghề nghiệp chuyên
môn như thẩm phán, luật sư, công chứng,
thừa phát lại, v.v.
Hoạt động đào tạo ngành Luật đã thể
hiện được tính đa dạng và phong phú của
ngành đào tạo, đặc biệt là phần kỹ năng,
diễn án, giải quyết tình huống pháp lý.
Điều này có nghĩa là sinh viên ngành Luật
sau khi ra trường sẽ đáp ứng được nhu cầu
của nhiều ngành nghề trên thực tế, không
chỉ làm việc trong các cơ quan tư pháp mà
còn làm việc tại các công ty, các doanh
nghiệp, các cơ quan bổ trợ tư pháp. Đây
được coi là một lợi thế của sinh viên ngành
Luật so với các ngành khác.
Công tác đoàn hội của Trường (chương
trình tiềm ẩn) được thực hiện rất tốt dưới sự
chỉ đạo của Đoàn Trường, Trung tâm hỗ
trợ sinh viên với các hoạt động rất thiết
thực như về nguồn, mùa hè xanh, rung
chuông vàng, tuổi trẻ Đại học Sài Gòn học
tập và làm theo lời Bác, v.v.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm,
hoạt động đào tạo cử nhân Luật còn bộc lộ
các hạn chế như sau:
Chương trình đào tạo cử nhân hiện nay
dàn trải nhiều về chương trình môn học mà
chưa quan tâm đúng mức đến chương trình
thực nghiệm và chương trình dịch vụ. Ví
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 73 (01/2021)
14
dụ, đã từng có giai đoạn (từ 2016 trở về
trước) chương trình đào tạo ngành Luật
cho 4 năm học với 7 học kỳ chỉ gồm các
môn lý thuyết Luật, rất ít môn kỹ năng, chỉ
học kỳ thứ 8 là thực tập và học các học
phần thay thế khóa luận tốt nghiệp. Sinh
viên ra trường, có em chưa hình dung được
công việc phải làm hay đa số nhận xét là
chương trình đào tạo học quá nhiều lý
thuyết, có những nội dung trùng lặp và
mong muốn được học thêm các môn về kỹ
năng hành nghề, đi thực tế chuyên môn
nhiều hơn (tổng hợp Phiếu góp ý của sinh
viên năm cuối nhận xét về chương trình
đào tạo ngành Luật).
Chương trình trải nghiệm có nội dung
chưa đa dạng còn nặng về hình thức, như
sinh viên đi thực tế, thực tập chủ yếu quan
sát, nhìn, theo dõi việc làm của cán bộ, công
chức, chuyên gia làm trong ngành Tư pháp
(phạm vi hẹp), nghề Luật (phạm vi rộng)
mà chưa được giao việc để làm như một
sinh viên tập sự thực thụ. Kết quả hoạt động
trải nghiệm này chưa đạt được sự mong
muốn của cơ sở đào tạo, bởi nhiều lý do về
cơ chế và tính bảo mật của nghề Luật.
Loại hình hoạt động thuộc chương
trình dịch vụ được thực hiện rất ít vì tính
cung - cầu của dịch vụ pháp lý. Hiện nay,
tại các trường Đại học Luật Hà Nội và Đại
học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có
Văn phòng Tư vấn pháp luật, nhưng
Trường Đại học Sài Gòn lại chưa có. Sinh
viên năm thứ 3, năm thứ 4 của Trường đã
tự liên hệ vào làm tại các văn phòng luật
sư, văn phòng thừa phát lại, văn phòng
công chứng khá nhiều, nhưng chủ yếu là
những công việc tiếp cận bước đầu về
chuyên môn mà chưa được giao giải quyết
các vụ việc cụ thể.
Phương pháp giảng dạy cũng chưa có
sự thay đổi ở mỗi bản thân nhà giáo. Thực
trạng phổ biến là giảng viên ngành Luật
không phải là giảng viên sư phạm, họ là
những người có sức khỏe tốt, đạo đức tốt,
học tập tốt (hầu như các ứng viên được
tuyển chọn ở lại trường là một trong những
sinh viên đứng trong TOP 30/300 sinh viên
mỗi khóa), có chứng chỉ nghiệp vụ sư
phạm thi tuyển vào làm giảng viên, tiếp tục
học thạc sĩ và tiến sĩ. Hiện nay, đa số giảng
viên là có bằng thạc sĩ và đủ điều kiện thi
tuyển là được tuyển dụng và ký hợp đồng
làm giảng viên của trường. Phần lớn giảng
viên giảng dạy lý thuyết (có ảnh hưởng của
phương pháp thuyết giảng tại trường đại
học mà họ đã tham gia học tập trước đó).
Vì vậy, khi trở thành giảng viên, họ tiếp
tục kế thừa những phương pháp mà họ có
chứ chưa hướng đến nhu cầu của người
học hiện nay.
2.3.2. Hướng hoàn thiện hoạt động
đào tạo ngành Luật
Thứ nhất, cần xác định chương trình đào
tạo phù hợp với mục tiêu đào tạo ngành, từ đó
xây dựng các hoạt động đào tạo thích ứng.
Mục tiêu chung: đào tạo nhân lực chất
lượng, năng động sáng tạo, có tư duy tích
cực, có khả năng thích ứng với môi trường
pháp luật áp lực cao, đáp ứng nhu cầu
trong nước và khu vực Đông Nam Á; đào
tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo
đức, có kiến thức cơ sở, chuyên môn vững
vàng để thực hiện hoạt động lập pháp, hành
pháp và tư pháp.
Các mục tiêu cụ thể là sự cụ thể hoá
mục tiêu chung của chương trình, thể hiện
những gì người học có thể đạt được sau khi
tốt nghiệp. Từ mục tiêu chung đã đề ra,
chương trình đào tạo ngành Luật phải xác
định rõ ràng về năng lực cần đạt được sau
khi tốt nghiệp đối với người học như thiết
kế các môn học theo cấp độ và theo học kỳ.
Ví dụ: các học phần được phân bổ theo các
HOÀNG THỊ VIỆT ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
15
năm học (với khóa học 4 năm, chia thành 8
học kỳ); năm thứ nhất và năm thứ hai,
chương trình sẽ hướng đến cung cấp cho
người học kiến thức, kỹ năng và thái độ
trong hành nghề Luật. Điều này phải được
thiết kế trong các đề cương chi tiết của
từng môn học cụ thể, để qua mỗi môn học,
sinh viên có thể tích luỹ không chỉ kiến
thức pháp luật cơ bản của môn học đó mà
còn cả kỹ năng để chuyển tải kiến thức vào
giải quyết các tình huống thực tế với thái
độ phù hợp trong mỗi hoàn cảnh.
Thứ hai, nên thiết kế thêm các hoạt
động học tập phù hợp hơn trong chương
trình trải nghiệm.
Cần phân bổ hợp lý giữa 2 chương
trình: chương trình môn học và chương
trình trải nghiệm. Nên rút ngắn chương
trình môn học, bỏ bớt các học phần có nội
dung trùng lặp tăng các học phần kỹ
năng và diễn án tại Trường. Ví dụ: chương
trình đào tạo hiện nay theo quy định của
Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm tối thiểu 132
tín chỉ, được thiết kế thành 8 kỳ học đối
với đào tạo cử nhân hệ 4 năm có các môn
học bắt buộc chiếm khoảng 1/8 thời lượng
chương trình, theo đó, các môn học còn lại
nên phân bổ như sau: các môn học có tính
lý thuyết chiếm 4/8 thời lượng chương
trình; việc đi thực tế kết hợp với học kỹ
năng và diễn án nên chiếm 2/8 thời lượng
chương trình; và thời lượng dành cho thực
tập chiếm 1/8 chương trình.
Bên cạnh đó, học phần thực tế nghề
luật nên bố trí vào học kỳ 5 (hiện nay đang
để tại học kỳ 6), học phần thực tập đẩy lên
từ học kỳ 8 thành học kỳ 6, sau đó người
học tiếp tục học các học phần về kỹ năng
sẽ phù hợp hơn. Vì người học lúc này đã
biết được sơ bộ các công việc phải làm
trong thực tiễn qua quá trình thực tế, thực
tập, khi quay trở lại trường, người học sẽ
tiếp thu bài tốt hơn khi học về các học phần
kỹ năng nghề Luật.
Thứ ba, nhà trường cần có những thiết
chế phù hợp để tăng cường hợp tác đào tạo
với các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư
pháp trong hoạt động đào tạo.
Nhà trường cần xúc tiến các hợp đồng
hợp tác hướng dẫn sinh viên thực tế, thực
tập cụ thể hơn thông qua văn bản hợp tác
cụ thể, với những điều khoản mà ở đó thể
hiện thêm cả vai trò cũng như trách nhiệm
của các cơ quan, tổ chức, công ty, văn
phòng luật. Có như vậy mới giúp người
học hiểu thêm về tầm quan trọng của việc
học tập, làm nghề, xây dựng thái độ tích
cực, mục tiêu rõ ràng để có hành động
đúng và thiết thực hơn.
Thực tiễn cho thấy, nếu được thực tế,
thực tập sớm tại các công ty luật, văn phòng
luật sư, văn phòng công chứng, tòa án nhân
dân, viện kiểm sát nhân dân, người học sẽ
thay đổi được cách học, cách tiếp cận vấn
đề và hướng tới giải quyết chúng sẽ chặt
chẽ, mạch lạc hơn, có niềm tin vào pháp
luật và có ý tưởng sáng tạo trong nghiên
cứu khoa học pháp lý sớm hơn.
Thứ tư, nhà giáo phải đổi mới phương
pháp dạy học, tăng cường giảng dạy bằng
phương pháp tình huống pháp luật, giúp
người học có nhiều thời gian trải nghiệm
về nghề luật nhiều hơn nữa.
Về đổi mới phương pháp giảng dạy,
giảng viên cần phải xây dựng các modul và
thiết kế bài giảng kết hợp giữa lý thuyết và
giải quyết tình huống, tạo điều kiện để
người học phát huy kỹ năng làm việc nhóm
và tạo sự phản biện giữa người dạy và
người học trên nguyên tắc lấy người học
làm trung tâm.
Sự thuận tiện trong đào tạo Luật là
không cần đến phòng thí nghiệm hay thực
nghiệm quá nhiều mà ngay ở trên lớp, người
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 73 (01/2021)
16
dạy cũng có thể tổ chức cho người học đóng
vai, diễn án trên cơ sở các hồ sơ án, bản án
có thật. Với bàn ghế di động, lớp học có thể
trở thành một phòng xử án. Việc làm này
tiết kiệm rất nhiều công sức, tiền bạc cho
nhà trường và cho chính người học.
Nguồn tình huống pháp luật hiện nay
cũng rất đa dạng và dễ cập nhật, thu thập
hơn rất nhiều so với trước đây: hồ sơ án,
bản án của tòa án nhân dân đã được Tòa án
nhân dân Tối cao công khai trên cổng
thông tin điện tử của ngành. Bên cạnh đó,
sinh viên còn thu thập được trên báo pháp
luật và các hồ sơ tư vấn pháp lý của giảng
viên, của người học tra cứu lượm lặt theo
yêu cầu của giảng viên.
Để đạt được các nội dung trên, ngoài
số giờ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các
giảng viên trẻ nên mạnh dạn tư vấn các vụ
việc cho khách hàng khi có yêu cầu. Ban
đầu có thể làm việc miễn phí, để có kiến
thức thực tiễn. Có như vậy, bài giảng mới
sinh động, lôi cuốn hơn, chuyên môn của
giảng viên từ đó cũng được nâng cao hơn.
Thứ năm, đi đôi với đổi mới hoạt động
đào tạo thì việc đổi mới cách thức kiểm tra
đánh giá kết quả học tập người học cũng
phải đổi mới theo cho phù hợp.
Đề thi nên được thiết kế có sự kết hợp
cả lý thuyết với thực tiễn. Các câu hỏi lý
thuyết không nên là những câu đòi hỏi sinh
viên phải thuộc lòng mà nên yêu cầu sinh
viên có thể trình bày quan điểm cá nhân
của mình trên nền kiến thức đã tích luỹ
được từ môn học, dưới dạng như nêu quan
điểm cá nhân, nêu giải pháp cho một vấn
đề pháp lý cụ thể. Các câu hỏi thực tiễn
nên là các tình huống thực tế, từ đó cho
sinh viên đóng vai là chủ thể có thẩm
quyền áp dụng pháp luật để đưa ra các giải
pháp xử lý tình huống đó. Loại câu hỏi này
có thể đánh giá được khả năng đọc hiểu các
quy phạm pháp luật, khả năng lý giải và
lập luận, tư duy sáng tạo; và hơn cả là có
căn cứ để phân loại được người học, khơi
dậy niềm đam mê học Luật của sinh viên.
3. Kết luận
Hoạt động đào tạo chủ yếu là hoạt
động của giảng viên nhằm thực hiện một
chương trình đào tạo của Trường phải phù
hợp với chuẩn đầu ra của ngành đào tạo.
Để đạt được chuẩn đầu ra ngành Luật, mỗi
cơ sở đào tạo cần xây dựng được chương
trình đào tạo phù hợp và xúc tiến các hoạt
động đào tạo để chương trình đào tạo đi
vào cuộc sống (học đường, thực nghiệm,
trải nghiệm). Để đáp ứng được yêu cầu của
chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo,
thì hơn ai hết chính nhà trường phải có
những giải pháp quyết liệt và chủ động
trong tổ chức dạy và học như những nội
dung mà bài viết đã phân tích ở trên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị quyết 14/CP về Đổi mới căn bản và
toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Nguyễn Thị Thủy. (2018). Thiết lập mục tiêu giáo dục cấp chương trình đào tạo theo
chuẩn quốc tế, TCAM-VNU, Viện quản trị đại học - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí
Minh và Dự án Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam.
Dân kinh tế. (2019). Năng lực là gì, năng lực là
gì, cập nhật ngày 2/2/2020.
Ngày nhận bài: 07/3/2020 Biên tập xong: 15/01/2021 Duyệt đăng: 20/01/2021
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- doi_moi_hoat_dong_dao_tao_dai_hoc_theo_huong_phat_trien_nang.pdf