Năm 1987, ông Sầm Văn Lai ởbản Na Bua (Châu Hoàn) đã phát hiện 1 chiếc
rìu đồng xoè cân hình đuôi cá, có họng tra cán hình bầu dục -đây là loại di vật tiêu
biểu, có tính đặc trưng của Làng Vạc. Cùng thời gian trên, ởxã Châu Hạnh, ông
Lang Văn Dục (bản Tà Lạnh), thầy giáo An (bản Na Cà), ông Lang Văn Thu,
Lang Văn Sinh, Lang Văn Tuyến (bản Đồng Minh) cũng đã thu nhặt được những
chiếc rìu đồng tương tự, cùng nhiều mũi giáo, mũi lao bằng đồng ởvùng ven sông
Hiếu và khe Hỉa. Đặc biệt, trên đất Quỳ Châu còn phát hiện được những chiếc
trống đồng cổ ởChâu Hạnh, Châu Nga và chiếc vạc đồng ởMường Chai (Châu
Thuận).
Vềngôn ngữ, các nhà ngôn ngữhọc đã đưa ra một giảthuyết cho rằng, ởthời
kỳTiền Đông Sơn (khoảng 4.000 năm trước), khu vực miền núi Bắc Trường Sơn,
bao gồm các tỉnh từQuảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, NghệAn đến Trung Lào, là
địa bàn cư trú của những cư dân nói ngôn ngữ Tiền Việt Mường (Proto Việt
Mường) hay Tiền Việt Chứt(Proto Việt Chứt). Vềsau ngôn ngữ Tiền Việt Chứt
mới phân hoá thành hai nhóm: Việt Mườngvà Chứt Poọng. Một bộphận cư dân
Tiền Việt Mường đã di chuyển địa bàn cư trú ra phía Bắc, tiếp xúc với cư dân nói
ngôn ngữThái -Kadai và với tiếng Hán, dần dần chuyển sang nói ngôn ngữ Việt
Mường Chung. Từngôn ngữ Việt Mường Chungđã hình thành nên tiếng Việtvà
tiếng Mườngnhư ngày nay [6]. Nhóm người Cuối ởmiền núi NghệAn là một bộ
phận của cư dân Tiền Việt Mường.
13 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1142 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Đề tài Quỳ Châu thời tiền sử và sơ sử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quỳ Châu thời tiền sử và sơ sử
Quỳ Châu - Nghệ An là một trong những địa bàn cư trú lâu đời và liên tục của con
người từ hàng chục vạn năm trước cho đến tận ngày nay. Đó là điều đã được
khẳng định dựa vào kết quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như: Khảo cổ
học, Dân tộc học, Sử học, Cổ nhân - Cổ sinh, Địa lý - Địa chất… trong hơn một
thế kỷ qua.
Quỳ Châu - Nghệ An là một trong những địa bàn cư trú lâu đời và liên tục của
con người từ hàng chục vạn năm trước cho đến tận ngày nay. Đó là điều đã được
khẳng định dựa vào kết quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như: Khảo cổ
học, Dân tộc học, Sử học, Cổ nhân - Cổ sinh, Địa lý - Địa chất… trong hơn một
thế kỷ qua.
1. Dấu tích con người và các văn hoá khảo cổ
Khoảng hơn 3-4 triệu năm trước (thời kỳ thuộc kỷ Đệ Tứ), diện mạo tự nhiên
của khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả khu vực miền núi Nghệ An đã có những
chuyển biến tích cực theo chiều hướng có lợi cho quá trình tồn tại và phát triển của
hệ sinh thái động vật thuộc “Diện hình động vật Quảng Tây: đười ươi - voi răng
kiếm - gấu tre”. Đây là một phức hệ động vật tiêu biểu của quần thể động vật sống
ở giai đoạn đầu hậu kỳ Cánh Tân, có niên đại cách ngày nay khoảng từ 14-25 vạn
năm, tồn tại phổ biến ở vùng nhiệt đới từ Vân Nam (Trung Quốc), Việt Nam,
Thượng Lào đến Myanma. Hệ sinh thái động vật này được xem như là một sự chỉ
báo quan trọng cho việc xác định không gian phát sinh, tồn tại và phát triển của
quá trình tiến hoá từ vượn đến người.
Ngay từ thập niên 30 (thế kỷ XX), một số nhà khoa học người Pháp như Xô-
ranh (E.Saurin), Ma-đơ-len Cô-la-ni (M. Colani) đã tiến hành khảo sát, thăm dò
nhiều hang động trong các sơn khối đá vôi vùng Phủ Quỳ - Nghệ An, trong đó có
những hang động thuộc địa bàn Quỳ Châu như: Thẳm Có Ngụn, Thẳm Quái, Thẳm
Ké Xăng ở Châu Bính; Thẳm Ồm (Xô-ranh gọi là hang Na Thắm), Tôn Thạt, Thẳm
Chạng ở Châu Thuận; Thẳm Bua ở Châu Tiến; Thẳm Tung Quèn ở Châu Bình.
Những kết quả sưu tập trong các đợt khảo sát này đã được Xô-ranh công bố năm
1940 tại Xin-ga-po trong Hội nghị lần thứ III các nhà tiền sử học Viễn Đông với
bản thông báo “Các di chỉ khảo cổ ở Quỳ Châu và Thường Xuân”. Nhưng phải
đến các thập niên 70, 80 (thế kỷ XX) với hàng loạt phát hiện mới của khảo cổ học
thì bức tranh tiền - sơ sử Quỳ Châu mới được nhận thức một cách đầy đủ và rõ
ràng hơn.
Trên quốc lộ 48, Km100 nằm đúng giữa đỉnh Pù Pài, chia dốc Pù Pài thành hai
tuyến địa hình: thượng Pù Pài và hạ Pù Pài. Trong những năm 1973, 1975, 1977,
các nhà khảo cổ Việt Nam và một số chuyên gia nước ngoài đã tiến hành điều tra
thu thập các dấu vết cổ sinh, cổ nhân trong hơn 40 hang động ở cả thượng Pù Pài
và hạ Pù Pài, trong đó có một số hang động đã được chính thức khai quật. Nhờ
vào khối tư liệu khá phong phú về hoá thạch xương, răng của người và động vật,
cùng với các di vật khảo cổ khác như công cụ, vũ khí được chế tác bằng những
chất liệu và trình độ kỹ thuật khác nhau mà các nhà khoa học đã xác định được
tính chất, niên đại của các văn hoá khảo cổ thời tiền sử ở Quỳ Châu.
1.1. Di cốt hoá thạch và văn hoá đá cũ ở Thẳm Ồm
Phần lớn các di cốt hoá thạch người, động vật ở Thẳm Ồm chủ yếu nằm trong
lớp trầm tích màu đỏ. Bộ sưu tập di vật tìm được ở Thẳm Ồm qua các lần thám sát
năm 1973, 1975 và khai quật đợt I năm 1977 gồm có:
1.1.1. Hoá thạch xương răng động vật
Hoá thạch xương răng động vật thu được ở Thẳm Ồm có tới hơn 30 loài, gồm
các bộ: Bộ linh trưởng, Bộ có vòi, Bộ guốc ngón chẵn, Bộ guốc ngón lẻ, Bộ ăn thịt,
Bộ gặm nhấm, Bộ rùa… Trong đó có những hoá thạch tiêu biểu, rất có giá trị cho
việc định hướng nghiên cứu lĩnh vực cổ sinh, cổ nhân như:
+ Răng đười ươi: tất cả có 74 chiếc, nhưng chỉ có 62 chiếc trong số đó là còn có
thể nghiên cứu được.
+ Răng tê giác: tất cả có 22 chiếc (năm 1973: 7 chiếc, năm 1975: 6 chiếc, năm
1977: 9 chiếc).
+ Răng gấu tre: 2 chiếc.
Qua so sánh kết quả phân tích địa tầng và kết quả giám định hoá thạch xương
răng động vật ở Thẳm Ồm với hoá thạch xương răng động vật ở Thẳm Khuyên,
Thẳm Hai (Lạng Sơn) các nhà khoa học [1] đã rút ra nhận xét:
+ Mặt nhai răng đười ươi ở Thẳm Ồm nhăn nhiều hơn so với mặt nhai răng hoá
thạch đười ươi ở Thẳm Khuyên, Thẳm Hai. Điều này có thể liên quan đến sự chọn
lọc phụ thuộc vào chế độ ăn, từ chỗ ăn chuyên hoá một số loại thức ăn ở giai đoạn
sớm, chuyển sang ăn nhiều loại thức ăn tạp ở giai đoạn muộn.
+ Tê giác ở Thẳm Ồm rất giống với các loài tê giác phát hiện được ở miền Bắc
Việt Nam và miền Nam Trung Quốc.
+ Niên đại của địa tầng chứa hoá thạch động vật ở Thẳm Ồm cách này nay
khoảng từ 14 vạn - 25 vạn năm (đầu hậu kỳ Cánh Tân), muộn hơn niên đại địa tầng
chứa hoá thạch động vật ở Thẳm Khuyên, Thẳm Hai.
1.1.2. Hoá thạch răng vượn khổng lồ (Gigantopithecus)
Hoá thạch chiếc răng cửa giữa thuộc hàm trên (ký hiệu 75.TO.GL) của loài
vượn khổng lồ (Gigantopithecus) tìm được ở Thẳm Ồm là một trong những di vật
đặc biệt hiếm và quý không chỉ góp phần xác định niên đại của di tích Thẳm Ồm
mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu nguồn gốc của loài người.
Gigantopithecus là một loài vượn cổ sống cách ngày nay khoảng từ 5 triệu - 10 vạn
năm, đi lại bằng tứ chi, thân hình to lớn, trọng lượng cơ thể khoảng từ 300 - 500kg;
thức ăn chủ yếu của chúng là cây tre, một số loại cỏ và trái cây (tuỳ theo mùa). Cho
đến nay, hoá thạch của vượn khổng lồ chỉ mới được phát hiện ở vùng Hoa Nam
(Trung Quốc), Pakistan và Việt Nam.
1.1.3. Hoá thạch răng người Thẳm Ồm
Năm chiếc răng người hoá thạch thu được ở Thẳm Ồm gồm: 1 răng nanh hàm
trên, 3 răng hàm hàm trên và 1 răng sữa. Tất cả những chiếc răng này đều được
tìm thấy trong tầng trầm tích màu đỏ - tầng trầm tích chứa các hoá thạch động vật
và công cụ bằng đá. Mặc dù phần chân răng, men răng đã bị sứt mẻ, phá huỷ
nhưng thân răng, mặt nhai của răng còn khá nguyên vẹn. Kết quả nghiên cứu cho
thấy: răng của người Thẳm Ồm có hình dạng, kích thước gần với răng của người
hiện đại (Homo sapiens), nhưng cũng còn lưu giữ những nét đặc trưng của răng
người vượn như thành răng thấp, mặt trong của thành răng khum, đỉnh răng tương
đối nhọn. Đặc điểm hình thái của răng người Thẳm Ồm đã cho phép các nhà
nghiên cứu đưa ra nhận định: Người Thẳm Ồm đang trong quá trình tiến hoá từ
loại hình người vượn cuối cùng (Homo eretus) sang loại hình người hiện đại đầu
tiên (Homo sapiens). Có thể nói, đây là cá thể người hiện đại đầu tiên và duy nhất
được biết đến trên lãnh thổ Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay.
1.1.4. Các di vật bằng đá
Tháng 3 năm 1975, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một mảnh tước thạch anh, được
ghè đẽo theo kỹ thuật Clắc-tôn - một loại hình kỹ thuật ghè đẽo đá điển hình của
con người thời sơ kỳ đá cũ [2]. Đây cũng là di vật đồ đá cũ đầu tiên ở Việt Nam
được tìm thấy trong lớp địa tầng có chứa di cốt hoá thạch người và động vật. Từ
trước đến nay, những di vật đá cũ được phát hiện trong các địa điểm khảo cổ như:
núi Đọ, núi Quan Yên, núi Nuông (tỉnh Thanh Hoá); Hàng Gòn, Dầu Giây, đồi
Sáu Lé, Suối Đá, núi Cẩm Tiên, Cầu Sắt, Gia Tân, Phú Quý (tỉnh Đồng Nai); An
Lộc (tỉnh Bình Dương) đều không kèm theo di cốt hoá thạch và không có địa tầng.
Trong lần khai quật năm 1977, các nhà khảo cổ thu thập được 5 di vật bằng đá
thạch anh, tất cả đều nằm trong lớp địa tầng màu đỏ. Dựa vào các dấu tích quan sát
được, 5 di vật đá thạch anh này được phân thành 2 nhóm công cụ:
- 2 di vật được con người sử dụng làm hòn ghè hay hòn đập.
- 3 di vật còn lại là những mảnh tước bóc ra từ những viên cuội thạch anh, được
con người sửa sang, tu chỉnh tuy còn sơ sài nhưng đã tạo ra được một cạnh sắc làm
rìa tác dụng, có thể dùng để cắt, chặt hoặc nạo. Những mảnh tước phát hiện ở
Thẳm Ồm trong lần khai quật này rất giống với những mảnh tước thường gặp
trong di chỉ khảo cổ học Chu Khẩu Điếm (Trung Quốc) - nơi phát hiện ra di cốt
người vượn Si-nan-tơ-rốp (Sinanthropus) sống cách ngày nay khoảng 40 vạn năm.
Thẳm Ồm là một di chỉ hỗn hợp có giá trị to lớn đối với việc tìm hiểu, nghiên
cứu về cổ sinh, địa tầng, địa mạo và khảo cổ học thời đại đá cũ. Kết quả khai quật
Thẳm Ồm đã xác nhận sự có mặt của người vượn, người khôn ngoan, biết chế tạo
công cụ trên đất Quỳ Châu (Nghệ An) ngay từ thế Cánh Tân (Pleistcen)(*).
Di cốt người cổ ở Thẳm Ồm là một tiêu bản hoá thạch quý hiếm bởi nó là một
mắt xích quan trọng trong quá trình tiến hoá của loài người trên thế giới nói chung,
của xã hội nguyên thủy Việt Nam nói riêng. Bộ sưu tập xương, răng động vật hoá
thạch trong các lớp trầm tích ở Thẳm Ồm đã phần nào nói lên đặc điểm sinh cảnh
của thời đại mà con người Thẳm Ồm sinh sống.
Cho đến nay, các nền văn hoá khảo cổ thời đại đồ đá cũ ở Việt Nam đã được
xác định tương đối rõ ràng. Giai đoạn sơ kỳ được minh chứng bằng những di tích
khảo cổ tiêu biểu như: núi Đọ, núi Quan Yên (Thanh Hóa), Hàng Gòn, Dầu Giây
(Đồng Nai) và Thẳm Ồm (Quỳ Châu, Nghệ An). Giai đoạn hậu kỳ có nền văn hoá
khảo cổ Sơn Vi, niên đại phổ biến trong khoảng 18.000 - 11.000 năm cách ngày
nay. Địa bàn phân bố của văn hoá Sơn Vi kéo dài từ vùng núi, trung du Bắc Bộ
cho đến vùng núi, trung du Bắc Trung Bộ, nhưng tập trung nhất là ở Tây Bắc vùng
thượng lưu sông Hồng.
Ở Nghệ An, dấu tích của văn hoá Sơn Vi đã được phát hiện trong nhiều đồi gò
bán sơn địa ven sông Lam, sông Hiếu, thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương,
Nghĩa Đàn.
1.2. Dấu tích con người thời đại đá mới
Nội dung lịch sử của thời đại đồ đá mới ở Việt Nam được phản ánh trong các
nền văn hoá khảo cổ tiêu biểu như: văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn (giai đoạn
sơ kỳ); văn hoá Đa Bút, văn hoá Quỳnh Văn (giai đoạn trung kỳ); văn hoá Hạ
Long, văn hoá Hoa Lộc, văn hoá Thạc Lạc, văn hoá Bàu Tró… (giai đoạn hậu kỳ).
Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, bằng chứng của những nền văn hoá khảo cổ này
vừa được phát hiện trong các hang động, mái đá, thềm sông cổ, thông qua các
cuộc điều tra, khảo sát của các nhà khoa học, vừa được phát hiện một cách ngẫu
nhiên trong quá trình lao động sản xuất của nhân dân địa phương. Tất cả hợp thành
một nguồn sử liệu có giá trị phản ánh sự tồn tại và phát triển liên tục của cư dân
nguyên thủy ở Quỳ Châu.
Thuật ngữ “Văn hoá Hoà Bình” là do Cô-la-ni đề xướng năm 1932 và được giới
khoa học chấp nhận. Không gian phân bố của văn hoá Hoà Bình rất rộng lớn,
không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn lan tỏa khắp khu vực
Đông Nam Á (cả lục địa và hải đảo) và Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản).
Khung niên đại chung của văn hoá Hoà Bình được xác định trong khoảng từ
18.000 - 7.000 năm cách ngày nay [3].
Ở Nghệ An, nhiều di tích của văn hoá Hoà Bình đã được phát hiện trên địa bàn
của các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương (tuyến quốc lộ 7);
Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (tuyến quốc lộ 48), trong đó có một
số di tích đã được khai quật như: hang Chùa (Tân Kỳ), hang Thẳm Hoi (Con
Cuông), hang Đồng Trương (Anh Sơn). Trên vùng đất Quỳ Châu, không chỉ phát
hiện được các di tích văn hoá Hoà Bình mà còn phát hiện nhiều di tích thuộc các
văn hoá khảo cổ sau văn hoá Hoà Bình, điều đó càng chứng minh sự tồn tại liên
tục của con người ở đây trong suốt thời đại đồ đá mới. Đó là những di tích tiêu
biểu như:
- Hang Ké Xăng (Thẳm Ké Xăng):
Hang Ké Xăng thuộc bản Xăng xã Châu Bính, cách trung tâm huyện lỵ Quỳ
Châu khoảng 15km. Hang này được nhà địa chất người Pháp E. Xô-ranh phát hiện
và khai quật năm 1936. Địa tầng của hang tính từ trên xuống gồm 4 lớp: lớp 1 có
màu đen, dày 0,7-0,9m; lớp 2 dày 0,1-0,3m; lớp 3 có màu nâu đỏ; lớp 4 là lớp sinh
thổ. Các dấu tích khảo cổ về sự cư trú của con người đều tập trung ở lớp địa tầng
thứ nhất. Khi đào nền hang xuống độ sâu 0,3m, Xô-ranh đã bắt gặp nhiều công cụ
đá kiểu văn hoá Hoà Bình, cùng các mẫu xương đã bị vôi hoá, vỏ ốc và đá cuội,
nhiều nhất là cuội thạch anh, cuội quắc-zít.
Hiện vật Xô-ranh thu thập được gồm có: 1 chày nghiền, 1 công cụ chặt hình
hạnh nhân, 1 nạo thô, 2 nạo nhỏ, 1 rìu ngắn, 1 rìu tam giác, 1 rìu mũi nhọn, 2
mảnh xương, 1 mảnh sừng hươu được lấy ra từ một hộp sọ. Các kết quả nghiên
cứu đều cho rằng những công cụ ở hang Ké Xăng mang đặc trưng của văn hoá
Hoà Bình [4] và rất giống với những công cụ tìm được ở hang Chùa (Tân Kỳ).
- Hang Có Ngụn (thẳm Có Ngụn):
Hang Có Ngụn nằm ở phía Nam chân núi Phá Xăng, bên phải sông Nậm Hạt, gần
hang Ké Xăng, thuộc bản Xăng, xã Châu Bính. Hang nằm ở độ cao khoảng 15-16m
so với mặt ruộng. Trong lòng hang có các ngách nhỏ, diện tích khoảng từ 2-4m2.
Hiện vật thu được trong hang đều thuộc văn hoá Hoà Bình, di vật gồm:
+ Công cụ đá cuội: chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, hòn đập, nạo, mũi nhọn,
mảnh tước và một số viên cuội nguyên.
+ Đồ gốm văn thừng
+ Xương sọ, xương sườn, xương đầu gối của những loài thú lớn và loài gậm
nhấm.
- Hang Ké Đốn:
Hang Ké Đốn nằm cách hang Có Ngụn khoảng 5km về phía Tây Nam, ở bản
Đan, trước đây thuộc địa bàn xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, nay thuộc Mường
Hin (tức xã Tiền Phong, huyện Quế Phong). Hiện vật thu được trong lòng hang Ké
Đốn cũng tượng tự như những hiện vật ở hang Có Ngụn, đó là những chày nghiền
(2 chiếc), bàn nghiền (1 chiếc), công cụ chặt (1 chiếc), nhiều đá cuội tự nhiên và
những mảnh gốm văn thừng.
Khu vực thượng Pù Pài còn phát lộ rất nhiều hang động khác, tuy không phải ở
hang động nào cũng tìm được những di vật là công cụ lao động, nhưng đặc điểm
của các lớp trầm tích cũng như di cốt hoá thạch động vật trong các lớp trầm tích ở
những hang động này rất gần gũi với những hang động khác trong vùng mà con
người đã từng sinh sống. Đó là:
- Hang Bua (Thẳm Bua):
Hang Bua là một di tích khảo cổ có giá trị, lưu giữ dấu tích của con người trong
nhiều thời đại, được khám phá từ những năm đầu thế kỷ XX, nhưng những dấu
tích khảo cổ chỉ mới được phát hiện từ năm 1973. Dấu vết trầm tích của hang chủ
yếu chỉ còn lại ở 2 cửa hang trước và sau. Trong lớp trầm tích này có chứa hoá
thạch các loài động vật giống như hoá thạch động vật đã được phát hiện ở Thẳm
Ồm và các hang động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu, nai, lợn rừng, cheo
chèo… Đặc biệt là những người dân địa phương đã nhặt được trong hang 2 chiếc
rìu đá được mài trau chuốt, lưỡi vát, tiết diện mặt cắt hình chữ nhật - đây là loại
hình công cụ đặc trưng của con người thời đại đồ đá mới hậu kỳ.
- Thẳm Quái (hay còn gọi là hang Trâu):
Hang nằm sâu trong dãy núi Túng Cán (Tùng Can), thuộc xã Châu Bính. Trầm
tích trong hang gồm hai lớp: lớp trong màu nâu, lớp ngoài màu vàng nhạt, tất cả
các hoá thạch đều nằm ở lớp trầm tích màu nâu. Tuy chưa tìm thấy dấu tích công
cụ lao động của con người, nhưng đặc điểm địa tầng, địa mạo và các di cốt hoá
thạch động vật trong hang Thẳm Quái cũng giống như ở các hang Có Ngụn, Ké
Xăng.
- Hang Tung Quèn (Thẳm Tung Quèn):
Hang thuộc địa phận xã Châu Bình. Trong lớp trầm tích màu vàng nhạt bám
trên vách hang, các nhà khảo
cổ đã thu được các di cốt hoá thạch gồm: 1 nửa hàm trên của gấu ngựa, 3 chiếc
răng hươu. Theo các nhà nghiên cứu, trầm tích trong các hang động vùng hạ Pù
Pài có niên đại muộn hơn trầm tích trong các hang động vùng thượng Pù Pài.
Vào giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới, sơ kỳ đồ đồng, cách ngày nay
khoảng 5.000 - 4.000 năm, cư dân nguyên thủy ở miền núi Nghệ An nói chung,
Quỳ Châu nói riêng không còn bó hẹp nơi cư trú trong các hang động, mái đá mà
đã biết nương theo các khe suối, các dòng sông tiến đến những dải đồng bằng
chân núi trong các thung lũng; thực hành nhiều phương thức hoạt động kiếm
sống khác nhau; công cụ lao động không ngừng được cải tiến ngày càng sắc bén
hơn. Hàng trăm di vật khảo cổ là những chiếc rìu đá mài và đồng thau hiện đang
được lưu giữ trong nhân dân địa phương. Những cổ vật rìu đá mài ở Quỳ Châu
có các đặc điểm:
- Loại hình: có 2 loại, loại rìu có vai, có nấc, lưỡi vát hình răng trâu, tiết diện
mặt cắt hình chữ nhật và loại rìu tứ giác, tiết diện mặt cắt hình bầu dục.
- Kích thước: có thể phân thành 2 nhóm, nhóm rìu lớn và nhóm rìu nhỏ. Nhóm
rìu lớn có chiều dài dao động từ 10-16cm, rìa lưỡi rộng từ 5-6cm, dày khoảng
2,2cm. Nhóm rìu nhỏ có chiều dài từ 5,5-6,5cm, rìa lưỡi rộng từ 4,5-5,0cm, dày từ
0,9-1,3cm.
- Kỹ thuật mài: rất phát triển, phần lưỡi được mài nhẵn và sắc, diện mài phủ hết
toàn công cụ, các vết ghè đẽo còn lại không đáng kể.
- Màu sắc chất liệu: được chế tạo từ các loại đá mịn, cứng, màu xanh đen hoặc
xám đục; chủ yếu là đá quắc-zít, không cứng bằng thạch anh nhưng dẻo.
Công cụ đá mới ở Quỳ Châu hoàn toàn tương đồng với những công cụ đá mới
phát hiện được trong các di tích vùng lưu vực sông Hiếu và đồng bằng Nghệ An,
nhất là với di tích Rú Ta và Lèn Hai Vai ở Diễn Châu. Theo kết quả nghiên cứu
của Khảo cổ học, “cư dân Rú Ta” là những người sống ở giai đoạn cuối cùng của
thời đại đá mới, chuyển tiếp sang thời đại đồ đồng [5]. Họ có nhiều hình thức hoạt
động kinh tế như: làm nương rẫy, trồng lúa nước, làm vườn, trồng rau củ và nhiều
nghề thủ công như làm gốm, đan lát, dệt vải…
Những bằng chứng khảo cổ cho phép nghĩ rằng, vào giai đoạn hậu kỳ đá mới
(6.000 - 5.000 năm trước), trong vùng lưu vực sông Hiếu đã xuất hiện những điểm
tụ cư đông đúc - đó là bản làng của những con người biết mài đá, làm ruộng tưới
nước, thuần hoá và chăn nuôi gia súc…
2. Quỳ Châu thời dựng nước và văn hoá Đông Sơn
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy trong bước quá độ từ hậu kỳ đá mới sang sơ
kỳ thời đại đồ đồng khoảng 4.000 năm trước, trên địa bàn thuộc vùng lưu vực
sông Cả (Nghệ An) đã tồn tại một giai đoạn văn hoá rực rỡ mà khảo cổ học gọi là
“văn hoá Tiền Đông Sơn”. Dấu tích của giai đoạn văn hoá này phân bố rộng khắp
từ miền núi đến trung du và ven biển. Tiêu biểu là di tích Đồi Đền(**) (Cửa Rào,
Tương Dương), Rú Trăn (Nam Xuân, Nam Đàn) và Đền Đồi hay Đồi Thần
(Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu). Cư dân Tiền Đông Sơn ở Nghệ An đã phát triển kỹ
nghệ mài đá đến đỉnh cao. Họ đã biết chế tạo nhiều đồ trang sức như: vòng tay,
hoa tai, chuỗi hạt bằng đá ngọc; chế tạo nhiều loại hình đồ gốm như nồi, vò, bình
vai gãy có chân đế… trang trí các họa tiết hoa văn khắc vạch, chấm dải, cuống rạ,
hình chữ S - đó là những mô típ hoa văn chủ đạo trên đồ gốm buổi đầu thời đại
kim khí. Những di vật như vậy cũng đã được Xô-ranh phát hiện trong các hang
động ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (thuộc phủ Quỳ Châu xưa).
Lưu vực sông Cả và các chi lưu của nó như sông Hiếu, sông Con là một trung
tâm lớn của văn hoá Đông Sơn mà Làng Vạc (Nghĩa Đàn) là di tích tiêu biểu nhất.
Trong không gian sinh sống của chủ nhân văn hoá Đông Sơn ở Nghệ An, Làng
Vạc là một điểm tụ cư đông đúc, một “gạch nối” giữa các nhóm cư dân miền núi,
trung du và đồng bằng. Những dấu tích của văn hoá Làng Vạc cũng đã được phát
hiện ở nhiều nơi trên địa bàn của huyện Quỳ Châu xưa và nay.
Năm 1987, ông Sầm Văn Lai ở bản Na Bua (Châu Hoàn) đã phát hiện 1 chiếc
rìu đồng xoè cân hình đuôi cá, có họng tra cán hình bầu dục - đây là loại di vật tiêu
biểu, có tính đặc trưng của Làng Vạc. Cùng thời gian trên, ở xã Châu Hạnh, ông
Lang Văn Dục (bản Tà Lạnh), thầy giáo An (bản Na Cà), ông Lang Văn Thu,
Lang Văn Sinh, Lang Văn Tuyến (bản Đồng Minh) cũng đã thu nhặt được những
chiếc rìu đồng tương tự, cùng nhiều mũi giáo, mũi lao bằng đồng ở vùng ven sông
Hiếu và khe Hỉa. Đặc biệt, trên đất Quỳ Châu còn phát hiện được những chiếc
trống đồng cổ ở Châu Hạnh, Châu Nga và chiếc vạc đồng ở Mường Chai (Châu
Thuận).
Về ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra một giả thuyết cho rằng, ở thời
kỳ Tiền Đông Sơn (khoảng 4.000 năm trước), khu vực miền núi Bắc Trường Sơn,
bao gồm các tỉnh từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đến Trung Lào, là
địa bàn cư trú của những cư dân nói ngôn ngữ Tiền Việt Mường (Proto Việt
Mường) hay Tiền Việt Chứt (Proto Việt Chứt). Về sau ngôn ngữ Tiền Việt Chứt
mới phân hoá thành hai nhóm: Việt Mường và Chứt Poọng. Một bộ phận cư dân
Tiền Việt Mường đã di chuyển địa bàn cư trú ra phía Bắc, tiếp xúc với cư dân nói
ngôn ngữ Thái - Kadai và với tiếng Hán, dần dần chuyển sang nói ngôn ngữ Việt
Mường Chung. Từ ngôn ngữ Việt Mường Chung đã hình thành nên tiếng Việt và
tiếng Mường như ngày nay [6]. Nhóm người Cuối ở miền núi Nghệ An là một bộ
phận của cư dân Tiền Việt Mường.
Đến thời văn hoá Đông Sơn, các nhóm cư dân bản địa ở Quỳ Châu, cũng như cả
vùng miền núi Nghệ An, có xu hướng chuyển cư dần xuống khu vực trung du và
đồng bằng. Từ sau thế kỷ X trở đi, một lớp dân cư mới từ phía Bắc, phía Tây đã tiến
vào chiếm lĩnh vùng lãnh thổ xưa của họ và định cư cho đến tận ngày nay.
Những phát hiện của khoa học về thời kỳ tiền - sơ sử Quỳ Châu tuy chỉ mới là
những nét chấm phá chưa thật đầy đủ, nhưng dù sao cũng đã góp phần làm sáng tỏ
hơn bức tranh tiền - sơ sử của dân tộc nói chung, Nghệ An nói riêng./.
(*) Thế Pleistocen (Cánh Tân) là Thế địa chất thứ 3 của Kỷ Neogen hay Thế
thứ 6 của Đại Tân Sinh. Thế Cánh Tân tồn tại trong khoảng từ 1,8 triệu - 100.000
năm trước. Sự kết thúc của Thế Cánh Tân trong địa chất tương ứng với sự kết thúc
của thời đại đồ đá cũ trong khảo cổ học.
(**) Đồi Đền nằm sát ngay Cửa Rào, nơi hợp lưu của sông Nậm Nơn và Nậm
Mộ để thành sông Cả. Toạ lạc trên đồi là một ngôi đền cổ được dựng đầu thế kỷ
XIV (đời vua Trần Anh Tông) để thờ Đốc tướng quân Đoàn Nhữ Hài, về sau trong
đền còn phối thờ thêm Lâm cung Thánh Mẫu và Mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay đền có
tên là “Đền Vạn” thuộc xã Xá Lượng (huyện Tương Dương), lễ hội hàng năm
được tổ chức vào các ngày 20, 21 tháng Giêng Âm lịch.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Thế Long, Lê Trung Khá, Hoàng Văn Dư: “Khai quật Thẳm Ồm (Nghệ
Tĩnh) đợt I”, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977, Hà nội, 1978,
tr. 14 và Vũ Thế Long: “Về những răng đười ươi ở Thẳm Ồm Nghệ Tĩnh”, trong
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978, Hà Nội, 1789, tr. 54-56.
2. Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học): “Bàn về công cụ đá cũ Thẳm Ồm”, trong
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1975, Hà Nội, 1976, tr.48.
3. Hán Văn Khẩn (chủ biên): Cơ sở Khảo cổ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội, 2008.
4. Hoàng Xuân Chinh (chủ biên): Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 212.
5. Hoàng Văn Khoán, Hà Hữu Nga: “Khai quật Rú Ta (Nghệ Tĩnh)”, trong
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978, tr.245-249.
6. Nhiều tác giả: Lịch sử Hà Tĩnh, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,
tr. 77-78.
7. Nhiều tác giả: Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập I, Nxb Nghệ Tĩnh, 1984.
8. Trịnh Minh Hiên, Vũ Thế Long, Nguyễn Thành Trai: Làng Vạc (Nghệ An):
Khu mộ cổ - Xương răng động vật và quan hệ với Quỳ Hợp, Khảo cổ học, số 16 -
1974.
9. Nguyễn Thành Trai: Dấu vết cổ sinh ở Quỳ Châu (Nghệ An), Khảo cổ học, số
16 - 1974.
Hoàng Quốc Tuấn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lich_su_vhoa_37__2168.pdf