Đất nước ta từ khi tiến hành đổi mới ,mở cửa ,hội nhập với nền kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn .Hoạt động ngoại thương của nước ta ngày càng được chú trọng và có nhiều cơ hội phát triển nhất là trọng lĩnh vực xuất khẩu .Việt Nam đã trở thành bạn hàng quen thuộc của thị trường nhiều nước trên thế giới như Mỹ,EU,Nhật
Một trong những khâu quan trọng để có thể hoàn thành được hoạt động xuất khẩu là thực hiện hợp đồng xuất khẩu (HĐXK).Việc thực hiện HĐXK là nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên .Các sơ xuất khi thi hành hợp đồng sẽ gây thiệt hại về vật chất chất và tín nhiệm ở thị trường .
Chính vì tầm quan trọng như vậy của việc thực hiện HĐXK nên em đã chọn đề tài: "Quá trình thực hiện hợp đồng xuất khẩu, những vấn đề phát sinh và giải pháp thực hiện hoạt động xuất khẩu".
13 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1056 | Lượt tải: 1
Nội dung tài liệu Đề tài Quá trình thực hiện hợp đồng xuất khẩu, những vấn đề phát sinh và giải pháp thực hiện hoạt động xuất khẩu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu
Đất nước ta từ khi tiến hành đổi mới ,mở cửa ,hội nhập với nền kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn .Hoạt động ngoại thương của nước ta ngày càng được chú trọng và có nhiều cơ hội phát triển nhất là trọng lĩnh vực xuất khẩu .Việt Nam đã trở thành bạn hàng quen thuộc của thị trường nhiều nước trên thế giới như Mỹ,EU,Nhật…
Một trong những khâu quan trọng để có thể hoàn thành được hoạt động xuất khẩu là thực hiện hợp đồng xuất khẩu (HĐXK).Việc thực hiện HĐXK là nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên .Các sơ xuất khi thi hành hợp đồng sẽ gây thiệt hại về vật chất chất và tín nhiệm ở thị trường .
Chính vì tầm quan trọng như vậy của việc thực hiện HĐXK nên em đã chọn đề tài: "Quá trình thực hiện hợp đồng xuất khẩu, những vấn đề phát sinh và giải pháp thực hiện hoạt động xuất khẩu".
Nội dung
I. Cơ sở lý luận chung
1. Hợp đồng mua bán ngoại thương
- Hợp đồng mua bán ngoại thương còn gọi là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hoặc hợp đồng xuất nhập khẩu là sự thoả thuận của các chủ thể có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau, theo đó người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua, người mua có nghĩa vụ trả tiền cho người bán và nhận hàng theo thoả thuận.
Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hoá được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài.
Các hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các doanh nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở kinh doanh hàng hoá miễn thuế đối với các doanh nghiệp trong nước cũng được coi là hợp đồng mua bán ngoại thương.
Tóm lại thì hợp đồng mua bán ngoại thương có một nét đặc trưng cơ bản là: Tính chất quốc tế (hay yếu tố nước ngoài).
2. Hợp đồng xuất khẩu
Hợp đồng xuất khẩu là một dạng của hợp đồng mua bán ngoại thương. Trong hợp đồng này nói rõ quyền hạn, nghĩa vụ của bên xuất khẩu trong việc thực hiện hợp đồng.
Hợp đồng xuất khẩu là một dạng của hợp đồng mua bán ngoại thương nên nó cũng có một nét đặc trưng cơ bản là có tính chất quốc tế.
Hợp đồng xuất khẩu có những đặc điểm sau:
2.1. Đặc điểm về chủ thể
- Theo công ước Lahay 1964 và công ước viên 1980, quy định là các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.
- Thep pháp luật Việt Nam quy định chủ thể của hợp đồng là các bên có quốc tích khác nhau.
Theo luật Việt Nam. Nếu hợp đồng xuất khẩu từ Việt Nam sang nước khác thì hàng hoá này phải là hàng hoá của bên xuất khẩu mang quốc tịch Việt Nam.
- Chủ thể hợp đồng xuất khẩu gồm: thể nhân, pháp nhân, cá nhân có điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nếu thể nhân muốn tham gia ký kết hợp đồng xuất khẩu phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nếu là pháp nhân thì phải có đầy đủ tư cách pháp nhân. Bên xuất khẩu phải có đầy đủ tư cách pháp lý.
Bên xuất khẩu Việt Nam là thương nhân Việt Nam được phép hoạt động thương mại trực tiếp với bên nước ngoài.
2.2. Đặc điểm của đồng tiền thanh toán
Khác với hợp đồng mua bán trong nước thường thanh toán bằng nội tệ, việc chọn đồng tiền thanh toán với hợp đồng xuất khẩu có thể là ngoại tệ, hoặc nội tệ.
Việc chọn đồng tiền thanh toán phải đảm bảo được lợi ích cũng như quyền lợi của bên xuất khẩu.
2.3. Đặc điểm về nguồn luật điều chỉnh hợp đồng xuất khẩu.
Theo lý luận chung về Nhà nước và pháp luật.
Nguồn luật là hệ thống hay tập hợp các văn bản pháp luật dùng để điều chỉnh một mối quan hệ xã hội cụ thể.
Đối với hợp đồng xuất khẩu: Nguồn luật điều chỉnh là hệ thống các văn bản pháp luật quốc tế, luật quốc gia, các tập quán thương mại quốc tế, mà ở đó có các quy định, giải thích, hướng dẫn, hay có sự sửa đổi bổ sung các yếu tố cấu thành nên quan hệ xuất khẩu.
Hệ thống nguồn luật điều chỉnh quan hệ hoạt động xuất khẩu gồm 3 loại: Pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế.
2.4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, cũng như theo pháp luật của các quốc gia, trong hoạt động xuất khẩu bên xuất khẩu bị thiệt hại về vật chất do lỗi của bên nhập khẩu gây ra thì bên xuất khẩu có quyền khiếu kiện bên nhập khẩu ra một toà án nào như đã thoả thuận trong hợp đồng, nếu trước đó bên xuất khẩu và nhập khẩu không thương lượng được hoặc trọng tài không giải quyết được.
II. Thực hiện hợp đồng
Sau khi hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết đơn vị xuất khẩu với tư cách là bên ký kết hợp đồng. Phải tổ chức thực hiện hợp đồng. Để thực hiện một hợp đồng xuất khẩu đơn vị xuất khẩu phải tiến hành các khâu công việc sau:
- Xin giấy phép xuất khẩu
- Chuẩn bị hàng giao
- Tiền
- Thuê tàu, mua bảo hiểm, làm thủ tục hải quan
- Kết toán
1. Xin giấy phép xuất khẩu
Để có thể xuất khẩu được doanh nghiệp cần phải có giấy phép xuất khẩu hoặc phải có quota. Giấy phép xuất khẩu do Bộ Thương mại cấp, Bộ Thương mại cấp giấy phép xuất khẩu để quản lý hợp đồng xuất khẩu.
Khi xin giấy phép xuất khẩu doanh nghiệp phải trình hồ sơ xin phép gồm: Hợp đồng, phiếu hạn ngạch (nếu có), hợp đồng uỷ thác xuất khẩu (nếu là uỷ thác xuất khẩu)
Sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu doanh nghiệp mới được phép xuất khẩu.
2. Chuẩn bị hàng xuất khẩu
Thực hiện cam kết trong hợp đồng xuất khẩu, chủ hàng xuất khẩu phải tiến hành chuẩn bị hàng xuất khẩu. Căn cứ để chuẩn bị hàng xuất khẩu là hợp đồng đã ký với nước ngoài.
Chuẩn bị hàng xuất khẩu gồm 3 khâu chính:
+ Thu gom tập trung làm thành lô hàng xuất khẩu.
+ Đóng gói bao bì
+ Kẻ ký mã hiệu hàng xuất khẩu
2.1. Thu gom và tập trung làm thành lô hàng xuất khẩu.
Đặc điểm của hợp đồng xuất khẩu là mua bán với khối lượng lớn, trong khi đó sản xuất ở nước ta về cơ bản là sản xuất nhỏ, phân tán, vì vậy muốn có khối lượng hàng lớn thì chủ hàng xuất khẩu phải tiến hành thu gom hàng từ nhiều nơi, từ các cơ sở sản xuất nhỏ, cơ sở thu mua.
Để đảm bảo chủ hàng xuất khẩu có đủ hàng để xuất khẩu thì chủ hàng xuất khẩu thường ký các hợp đồng kinh tế với các cơ sở có hàng.
2.2. Đóng gói bao bì hàng xuất khẩu.
Hầu hết các loại hàng hoá cần phải có bao bì đóng gói cẩn thận, chỉ có một số loại hàng hoá để trần không cần bao bì.
Bên xuất khẩu sẽ đóng gói hàng hoá theo hình thức đã quy định trong hợp đồng. Nhưng chú ý: bao gói phải phù hợp với từng loại hàng hoá.
2.2.1. Những loại bao bì thường được sử dụng
- Hòm (case, box): Dùng hòm để bảo quản hàng có giá trị tương đối cao, hoặc hàng hoá dễ hỏng. Thông thường người ta sử dụng hòm gỗ.
- Bao (bag): Các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu, hoá chất thường được dùng bằng bao.
- Kiện (bale): Các loại hàng hoá có thể ép gọn mà phẩm chất không bị hỏng thì đều đóng thành kiện hoặc bì, bên ngoài thường buộc bằng giây thép.
- Thùng (barrel, drum): Dùng để đóng các loại chất lỏng, chất bột.
Ngoài ra còn nhiều loại bao bì khác dùng để bảo quản hàng hoá khi vận chuyển như: sọt, bó....
2.2.2. Khi đóng gói hàng hoá cần phải xét đến các yếu tố sau:
Yêu cầu chung về bao bì đóng gói hàng hoá là an toàn, rẻ tiền, thẩm mỹ. Điều này có nghĩa là bao bì phải đảm bảo sự nguyên vẹn về chất lượng và số lượng hàng hoá, phải bảo đảm chi phí giá thành của hàng hoá thấp nhưng đồng thời phải hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người mua.
Khi lựa chọn loại bao bì, cách thức đóng gói người xuất khẩu, phải chú ý đến tính chất của hàng hoá như: lý tính, hoá tính, hình dáng, màu sắc.
- Điều kiện vận tải: Thông thường hàng hoá xuất khẩu được vận chuyển với một quãng đường khá xa, thời gian vận chuyển lâu, hàng hoá dễ bị xô xát khi vận chuyển. Vì vậy khi chọn bao bì đóng gói chủ hàng phải chọn loại bao bì thích hợp với điều kiện.
- Điều kiện về khí hậu: Nắng, mưa, độ ẩm, nhiệt độ cao... tác động đến hàng hoá làm cho hàng hoá dễ bị hỏng.
- Điều kiện về luật pháp: ở một số nước như Mỹ không cho phép dùng bao bì bằng cỏ khô, rơm, gianh... để bảo đảm hàng hoá.
- Điều kiện chi phí vận chuyển: Cước phí thường tính theo trọng lượng cả bao bì hoặc thể tích của hàng hoá. Do vậy bao bì là một yếu tố làm cho chi phí tăng cao.
2.3. Việc kẻ ký mã hiệu hàng xuất khẩu.
Ký mã hiệu là những ký hiệu bằng chữ, bằng số hoặc bằng hình vẽ được ghi trên các bao bì bên ngoài, nhằm thông báo chi tiết cần thiết cho việc giao nhận bốc dỡ, bảo quản hàng hoá. Kẻ ký mã hiệu là một khâu cần thiết của quá trình đóng gói bao bì nhằm:
- Bảo đảm thuận lợi cho công tác giao nhận.
- Hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật bảo quản, vận chuyển bốc dỡ hàng hoá.
Ký mã hiệu bao gồm:
+ Những dấu hiệu cần thiết đối với người nhận hàng như: tên người nhận và tên người gửi, trọng lượng tịnh và trọng lượng cả bao bì, số hợp đồng, số hiệu chuyến hàng, số hiệu kiện hàng.
+ Những chi tiết cần thiết cho việc tổ chức vận chuyển hàng hoá như: tên nước, tên địa điểm hàng đến, tên nước và tên địa điểm hàng đi...
+ Những dấu hiệu hướng dẫn cách xếp đặt, bốc dỡ, bảo quản hàng hoá trên đường đi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
Kiểm tra chất lượng và số lượng hàng chuẩn bị giao
Trước khi giao hàng, người xuất khẩu có nghĩa vụ phải kiểm tra hàng về chất lượng, số lượng, trọng lượng, bao bì hoặc nếu hàng hoá xuất khẩu là động vật, thực vật phải kiểm tra về khả năng lây lan bệnh.
Trước khi hàng hoá được xuất khẩu thì hàng hoá phải được kiểm nghiệm, kiểm định ở hai cấp: cấp cơ sở, ở cửa khẩu. Trong đó: việc kiểm tra ở cấp cơ sở có vai trò quyết định nhất và có tác dụng trực tiếp nhất. Việc kiểm tra ở cửa khẩu chỉ có tác dụng thẩm tra lại kết quả kiểm tra ở cơ sở, việc này chỉ mang tính thủ tục.
3. Tiền
Thanh toán trong xuất khẩu có thể thanh toán bằng thư tín dụng, thanh toán bằng phương thức nhờ thu.
3.1. Thanh toán bằng thư tín dụng (L/C)
Khi thanh toán bằng L/C thì nội dung L/C cần kiểm tra là:
- Số tiền của thư tín dụng: Ghi đúng loại tiền quy định trong hợp đồng, loại tiền cần nói rõ tên của đơn vị tiền tệ, nước có loại tiền tệ đó.
- Ngày hết hạn hiệu lực của thư tín dụng: Ngày và địa điểm hết hạn hiệu lực của L/C được ghi rõ trong L/C.
- Loại thư tín dụng: Thường người ta thanh toán với nhau bằng thư tín dụng không huỷ ngay. Người xuất khẩu thì nên chọn loại L/C này cùng với điều kiện miễn truy đòi và nếu được xác nhận thì càng tốt.
- Thời hạn giao hàng: trong hợp đồng quy định thời hạn giao hàng bằng cách nào thì thư tín dụng phải quy định cách ấy. Căn cứ vào hợp đồng người xuất khẩu kiểm tra xem người nhập khẩu mở L/C có đúng như vậy không.
- Cách giao hàng: Có nhiều cách giao hàng
+ Giao hàng từng phần trong thời gian quy định, số lượng quy định
+ Giao hàng từng phần nhưng quy định giới hạn trọng lượng của mỗi chuyến, giới hạn số lần chuyến.
- Vận tải: Trong thư tín có thể cho phép chuyển tải hoặc không cho phép. Chuyển tải có thể thực hiện ở bất cứ cảng nào do người chuyên chở chọn.
- Chứng từ thương mại gồm: Hối phiếu (Bill of exchange), Hoá đơn (Invoice), Vận đơn (Bill of lading), Đơn bảo hiểm (insurance policy).
- Xuất trình chứng từ thanh toán cho ngân hàng thông báo.
Ngân hàng của người xuất khẩu đóng vai trò là ngân hàng thông báo.
Người xuất khẩu phải xuất trình bộ chứng từ thanh toán phù hợp với yêu cầu của L/C thì mới được ngân hàng mở L/C trả tiền.
- Kiểm tra nếu thấy chứng từ có sai sót thì ngân hàng bên xuất khẩu và bên xuất khẩu cùng bàn biện pháp khắc phục.
- Đòi tiền và hoàn trả tiền bằng điện: Để sử dụng phương thức này có hiệu quả người xuất khẩu phải tính tới hàng loạt yếu tố ảnh hưởng.
3.2. Thanh toán bằng phương thức nhờ thu.
Hợp đồng xuất khẩu quy định thanh toán tiền bằng phương thức nhờ thu thì ngay sau khi giao hàng, đơn vị xuất khẩu phải hoàn thành việc lập chứng từ và xuất trình cho ngân hàng để uỷ thác cho ngân hàng việc thu đoì tiền.
Chứng từ thanh toán cần được lập hợp lệ, chính xác, được nhanh chóng giao cho ngân hàng nhằm thu hồi vốn nhanh.
4. Thuê tàu, mua bảo hiểm, làm thủ tục hải quan.
4.1. Thuê tàu
Nếu xuất khẩu với điều kiện CIF hay CFR, người xuất khẩu có trách nhiệm thuê tàu gửi hàng đi. Việc thuê tàu phải dựa vào 3 căn cứ sau đây: Những điều khoản của hợp đồng xuất khẩu, đặc điểm của hợp đồng và điều kiện vận tải.
Có thể thuê tàu chuyến hoặc tàu chợ để chở hàng. Nếu số lượng hàng không lớn có thể thuê tàu chợ để gửi hàng. Nếu số lượng hàng lớn thì có thể thuê tàu chuyến.
4.2. Mua bảo hiểm
Hàng xuất khẩu theo điều kiện CIF, CIP bên xuất khẩu phải mua bảo hiểm tại công ty bảo hiểm Việt Nam. Hợp đồng bảo hiểm gồm 2 loại: hợp đồng bảo hiểm bao (open policy) hoặc hợp đồng bảo hiểm chuyến (Voyage policy). Bảo hiểm bao là bảo hiểm cho hàng giao nhiều lần trong năm. Khi mua bảo hiểm bao chủ hàng ký hợp đồng từ đầu năm, còn đến khi giao hàng xuống tàu xong thì chủ hàng chỉ gửi đến công ty bảo hiểm một thông báo bằng văn bản gọi là "giấy báo bắt đầu vận chuyển". Khi mua bảo hiểm chuyến chủ hàng phải gửi đến công ty bảo hiểm một văn bản gọi là "giấy yêu cầu bảo hiểm".
Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm cần nắm vững các điều kiện bảo hiểm. Bảo hiểm mọi rủi ro, bảo hiểm có tổn thất riêng, bảo hiểm miễn tổn thất riêng.
Việc lựa chọn điều kiện bảo hiểm phải dựa trên 4 căn cứ: Điều khoản của hợp đồng, tính chất hàng hoá, tính chất bao bì và phương thức xếp hàng, loại tàu chuyên chở.
4.3. Làm thủ tục hải quan
Việc làm thủ tục hải quan gồm 3 bước chủ yếu sau:
- Khai báo hải quan: Bên xuất khẩu khai báo các chi tiết về hàng hoá lên tờ khai để cơ quan hải quan kiểm tra các thủ tục giấy tờ. Nội dung của tờ khai gồm: loại hàng, tên hàng, số lượng, khối lượng, giá trị hàng...
- Xuất trình hàng hoá: Hàng hoá phải được sắp xếp trật tự, thuận tiện cho việc kiểm soát. Chủ hàng phải chịu chi phí nhân công về việc mở, đóng các điều kiện hàng.
- Thực hiện các quyết định của hải quan: Sau khi hải quan kiểm tra giấy tờ và hàng hoá, hải quan sẽ ra quyết định hoặc cho hàng hoá xuất khẩu hoặc không cho hàng hoá xuất khẩu nếu chủ hàng không làm đúng các thủ tục hải quan. Khi hàng hoá được phép qua biên giới thì chủ hàng phải nộp thuế xuất khẩu.
- Giao hàng với tàu: Hàng hoá có thể giao bằng đường biển hoặc đường sắt. Thông thường ở nước ta hàng hoá được giao theo đường biển.
+ Nếu giao theo đường biển thì phải tiến hành như sau:
Lập bảng đăng ký hàng chuyên chở cho người vận tải
Trao đổi với cơ quan điều độ cảng đến nắm vững ngày giờ làm hàng.
Bố trí phương tiện đem hàng vào cảng, xếp hàng lên tàu.
Lấy biên lai thuyền phó và lấy vận đơn đường biển.
+ Nếu hàng được giao bằng Container: Khi chiếm đủ một Container, chủ hàng phải đăng ký thuê Container, đóng hàng vào Container và lập bảng kê hàng trong Container.
5. Kết toán
Sau khi giao hàng xong người xuất khẩu làm thủ tục nhận tiền tại ngân hàng. Các chứng từ cần thiết khi đến nhận tiền tại ngân hàng gồm: hối phiếu, hoá đơn thương mại, vận đơn, giấy bảo hiểm, giấy chứng nhận xuất xứ để xác định mức thuế.
III/ Những vấn đề phát sinh và giải pháp thực hiện hợp đồng
1. Những vấn đề phát sinh
1.1. Trong phạm vi doanh nghiệp
- Về quy mô doanh nghiệp xuất khẩu: Doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam có quy mô nhỏ, hơn thế các phân xưởng sản xuất của các công ty thường nằm ở nhiều nơi, nên thời gian thu mua hàng hoá diễn ra lâu, chi phí vận chuyển tăng lên nhiều. Ví dụ: Công ty Dệt kim Thăng Long có cơ sở sản xuất phân tán, và có cả cơ sở sản xuất nằm ở khu phố cổ Hà Nội. Do quy mô nhỏ, đôi khi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không đủ hàng để giao, dẫn đến tình trạng không thực hiện được hợp đồng.
- Về công nghệ sản xuất: Công nghệ sản xuất của nước ta so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan... thì công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, nên chất lượng sản phẩm kém, sản lượng thấp, dẫn đến thời gian sản xuất lâu.
- Về vốn: Vốn nhỏ là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều khi đang thực hiện hợp đồng các doanh nghiệp Việt Nam hết vốn.
- Về việc thuê tàu: Quan hệ hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam với công ty nước ngoài chủ yếu là hợp đồng mua đứt bán đoạn theo điều kiện FOB cảng Việt Nam. Phần lớn khách hàng đều có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên họ luôn giành được quyền thuê tàu. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ký được hợp đồng theo điều kiện CIF trong một số trường hợp khách hàng lạ không am hiểu về lĩnh vực vận tải. Nếu chúng ta bán được hàng theo điều kiện CFR, CIF thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể kiếm được lời từ việc thuê tàu.
1.2. Phát sinh từ các cơ quan chức năng và chính sách của Nhà nước
- Về hệ thống ngân hàng: Mặc dù hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã có nhiều bước tiến xong các thủ tục thanh toán đối với các nhà xuất khẩu còn nhiều bất cập.
- Về hải quan: Cơ quan hải quan thực hiện nghĩa vụ của họ còn chậm, nhiều khi lợi dụng chức quyền, cán bộ hải quan gây khó khăn cho việc xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp.
- Về cơ chế quản lý của Nhà nước còn mang nặng tính thủ tục hành chính. Ví dụ: trong việc làm thủ tục hải quan để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải xuất trình các chứng từ cho các cán bộ hải quan, cán bộ hải quan kiểm tra xem số lượng hàng hoá thực tế xuất có đúng với chứng từ đã ghi, nếu đúng cán bộ hải quan sẽ tiếp nhận chứng từ trình lãnh đạo ký, đóng dấu...
2. Các giải pháp và kiến nghị
- Để khắc phục được tình trạng quy mô sản xuất còn nhỏ thì các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam nên sát nhập lại thành các doanh nghiệp lớn để có đủ sức mạnh về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, nhằm tăng cường sức cạnh tranh và có đủ sức thực hiện hợp đồng.
- Nhà nước cần phải cải cách các thủ tục hành chính và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn của các cơ quan chức năng. Nhà nước cần có các hình phạt nghiêm minh đối với những cán bộ, cơ quan chức năng lạm dụng chức quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp phải tăng cường việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của các quản lý viên, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên tham gia vào quá trình thực hiện hợp đồng.
- Nhà nước cần ban hành các chính sách nhằm hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng công nghệ, máy móc trang thiết bị lạc hậu vào sản xuất, đồng thời Nhà nước cần đưa ra những chính sách khuyến khích phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu.
Kết luận
Để thực hiện hoàn thiện một HĐXK các doanh nghiệp xuất khẩu phải trải qua rất nhiều thủ tục công đoạn ,mà mỗi một công đoạn đều quan trọng và không thể thiếu trong cả quá trình thực hiện hợp đồng .Nhưng không phải lúc nào việc thực hiện cũng diễn ra chính xác , đầy đủ mà có thể xuất hiện những phát sinh ,sai xót .
Chính vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta cũng như các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa đến việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu để có thể kịp thời phòng tránh những phát sinh cũng như có những biện pháp khắc phục hiệu quả nhất , đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay khi sự cạnh tranh giữa các nước ngày càng gay gắt và sự khắt khe ,khó tính của thị trường nước ngoài .
Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình ngoại thương: Trường ĐHQLKD Hà Nội
PGS. PTS. Trần Văn Chu
2.Kỹ thuật ngoại thương
Dương Hữu Hạnh dịch
3. Giáo trình: Thanh toán quốc tế trong ngoại thương
PGS. Đinh Xuân Trình
4. Kỹ thuật Ngoại thương
Đoàn Thị Hồng Vân
Mục lục
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 68110.doc