Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải một số vấn đề lý
luận và thực tiễn xung quanh việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt
Nam hiện nay. Những vấn đề đó là: 1. Khái niệm công bằng xã hội,
những điểm tương đồng và khác biệt giữa nó và khái niệm bình đẳng
xã hội; 2. Công bằng xã hội theo chiều dọc và công bằng xã hội theo
chiều ngang; 3. Công bằng về cơ hội và bình đẳng về cơ hội; vai trò
của trình độ phát triển kinh tế trong việc thực hiện công bằng xã hội;
4. Phân phối theo kết quả lao động và theo hiệu quả kinh tế; 5. Phân
phối theo cống hiến cho xã hội; 6. Công bằng xã hội và tăng trưởng
kinh tế; 7. Vấn đề thực hiện công bằng xã hội và bình đẳng xã hội.
Công bằng xã hội là một trong năm thành tố của mục tiêu chung mà
chúng ta đang phấn đấu để đạt tới trên con đường xây dựng một
nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh”. Nhưng công bằng xã hội là gì? Những vấn đề gì đang đặt
ra trong quá trình thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay?
Để trả lời được những câu hỏi đó, cần làm rõ hàng loạt vấn đề lý
luận và thực tiễn cấp bách xoay quanh chủ đề công bằng xã hội.
15 trang |
Chia sẻ: luyenbuizn | Lượt xem: 1314 | Lượt tải: 1
Nội dung tài liệu Đề tài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu triết học
Đề tài: " MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ
THỰC TIỄN XUNG QUANH VIỆC THỰC
HIỆN CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
HIỆN NAY "
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XUNG QUANH VIỆC
THỰC HIỆN CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LÊ HỮU TẦNG (*)
Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải một số vấn đề lý
luận và thực tiễn xung quanh việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt
Nam hiện nay. Những vấn đề đó là: 1. Khái niệm công bằng xã hội,
những điểm tương đồng và khác biệt giữa nó và khái niệm bình đẳng
xã hội; 2. Công bằng xã hội theo chiều dọc và công bằng xã hội theo
chiều ngang; 3. Công bằng về cơ hội và bình đẳng về cơ hội; vai trò
của trình độ phát triển kinh tế trong việc thực hiện công bằng xã hội;
4. Phân phối theo kết quả lao động và theo hiệu quả kinh tế; 5. Phân
phối theo cống hiến cho xã hội; 6. Công bằng xã hội và tăng trưởng
kinh tế; 7. Vấn đề thực hiện công bằng xã hội và bình đẳng xã hội.
Công bằng xã hội là một trong năm thành tố của mục tiêu chung mà
chúng ta đang phấn đấu để đạt tới trên con đường xây dựng một
nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh”. Nhưng công bằng xã hội là gì? Những vấn đề gì đang đặt
ra trong quá trình thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay?
Để trả lời được những câu hỏi đó, cần làm rõ hàng loạt vấn đề lý
luận và thực tiễn cấp bách xoay quanh chủ đề công bằng xã hội.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến một số trong hàng
loạt vấn đề cấp bách ấy.
Trước hết là bản thân khái niệm công bằng xã hội. Khái niệm này rất
gần gũi với khái niệm bình đẳng xã hội và vì vậy, chúng rất dễ bị và
thường bị đồng nhất với nhau. Chẳng hạn, có tác giả cho rằng:
Trong những nước kém phát triển, nội dung quan trọng nhất của
công bằng xã hội là công bằng về kinh tế. Nói theo ngôn ngữ hiện
đại, sự công bằng đó hàm nghĩa một sự “ngang nhau” nào đó về mức
độ thỏa dụng trong tiêu dùng của các cá nhân. Khái niệm “công bằng
xã hội” với nội hàm kinh tế như vậy có khuynh hướng coi công bằng
tương đương (đồng nghĩa) với sự bình đẳng “cào bằng”.
Một tác giả khác nêu ra năm tiêu chuẩn về sự công bằng:
1. Công bằng về cơ hội (được hiểu là sự bình đẳng trong việc tiếp
cận với các cơ hội); 2. Được hưởng như nhau cho những đóng góp
bằng nhau; 3. Công bằng về độ thỏa dụng; 4. Các quyền bình đẳng;
5. Xác định ưu tiên đối với việc cải thiện điều kiện ít thuận lợi nhất.
Qua năm tiêu chuẩn này, ta thấy tác giả có lúc thì đồng nhất, có lúc
thì tách biệt công bằng với bình đẳng, nhưng lại gộp chung các nội
dung (các tiêu chuẩn) khác nhau ấy vào cùng một nội hàm được coi
là của khái niệm công bằng xã hội. Sự lầm lẫn khi đồng nhất hai
khái niệm này với nhau đã ảnh hưởng nhất định đến việc nhìn nhận
những biến đổi đang diễn ra trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta,
đặc biệt là nhìn nhận hiện tượng phân tầng xã hội đang diễn ra với
mức độ ngày càng tăng hiện nay.
Sự thực thì hai khái niệm công bằng xã hội và bình đẳng xã hội tuy
gần nhau nhưng dẫu sao, chúng vẫn là hai khái niệm khác nhau. Khi
nói tới bình đẳng xã hội, người ta muốn nói tới sự ngang bằng nhau
giữa người với người về một phương diện xã hội nào đấy, chẳng
hạn, về kinh tế, chính trị, văn hóa, v.v.. Còn khi nói tới sự ngang
bằng nhau giữa người với người về mọi phuơng diện, tức là ta đã nói
tới một sự bình đẳng xã hội hoàn toàn. Trong khi đó, công bằng xã
hội cũng là một dạng (và chỉ là một dạng mà thôi) của bình đẳng xã
hội, nhưng đó là sự bình đẳng, tức là sự ngang bằng nhau, giữa
người với người không phải về mọi phương diện, cũng không phải
về một phương diện bất kỳ, mà chỉ về một phương diện hoàn toàn
xác định: phương diện quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ theo
nguyên tắc cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau.
Xét theo nghĩa vừa nói thì công bằng xã hội và bình đẳng xã hội có
điểm chung, nhưng cũng có điểm khác nhau. Chẳng hạn, khi ta nói
mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì điều đó có nghĩa là mọi
người đều được đối xử ngang bằng nhau trước pháp luật, bất kể
người đó là ai. Còn khi xét từng trường hợp cụ thể thì người làm
nhiều sẽ được hưởng nhiều, người làm ít sẽ được hưởng ít, người có
công sẽ được thưởng, người có tội sẽ bị phạt, công càng lớn thì mức
thưởng càng lớn, tội càng nặng mức phạt sẽ càng nặng, v.v.. Một sự
đối xử như vậy sẽ được coi là công bằng. Trong nội hàm của khái
niệm công bằng vừa được trình bày, như ta có thể thấy, các khái niệm
cống hiến và hưởng thụ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: chúng bao
gồm không chỉ các khía cạnh tích cực như chúng ta vẫn quen dùng,
mà cả khía cạnh tiêu cực nữa (như công, tội, thưởng, phạt, v.v.).
Trong kinh tế học, người ta phân biệt hai khái niệm khác nhau về
công bằng xã hội: công bằng xã hội theo chiều ngang nghĩa là đối
xử như nhau đối với những người có đóng góp như nhau, còn công
bằng xã hội theo chiều dọc nghĩa là đối xử khác nhau với những
người có những khác biệt bẩm sinh hoặc có các điều kiện sống khác
nhau(1). Nếu nội hàm của khái niệm công bằng xã hội theo chiều
ngang ở đây là rõ thì nội hàm của khái niệm công bằng xã hội theo
chiều dọc lại không được rõ như vậy, vì “đối xử khác nhau với
những người có các điều kiện sống khác nhau” thì mức khác nhau
như thế nào sẽ được coi là công bằng? Thêm nữa, cùng một cách
giải quyết cụ thể trong một trường hợp cụ thể nếu xét theo chiều
ngang là công bằng, nhưng xét theo chiều dọc lại là không công
bằng, và ngược lại. Chẳng hạn, việc cộng thêm điểm cư trú theo
vùng vào kết quả thi đại học ở Việt Nam hiện nay, nếu xét theo
chiều ngang là không công bằng, nhưng nếu xét theo chiều dọc thì
lại được coi là công bằng. Vì vậy, không thể tán thành với ý kiến cho
rằng “việc phân định và kết hợp công bằng theo chiều dọc và chiều
ngang sẽ đảm bảo công bằng xã hội thực sự”. Ngược lại, theo chúng
tôi, việc phân định và kết hợp công bằng như vậy sẽ thủ tiêu luôn vấn
đề công bằng, khiến cho vấn đề ấy không còn cần phải xem xét nữa, vì
ở khắp nơi, tất cả đều hoặc là công bằng, hoặc là không công bằng tuỳ
thuộc vào các góc độ xem xét khác nhau.
Gắn liền với vấn đề này, trong những năm gần đây, những người
nghiên cứu ở Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề công bằng
về cơ hội. Thậm chí, có tác giả còn đánh giá rằng, trong tư duy phát
triển hiện đại, công bằng về cơ hội phát triển là nội dung bao trùm
của công bằng xã hội. Theo tác giả đó, trong trường hợp này, nội
hàm của khái niệm công bằng xã hội sẽ phải bao hàm sự công bằng
trong việc phân phối các cơ hội và điều kiện thực hiện cơ hội.
Nhưng thế nào là “công bằng trong việc phân phối các cơ hội và
điều kiện thực hiện cơ hội”? Khái niệm công bằng ở đây không được
giải thích nên không rõ phải làm thế nào? Chẳng hạn, thế nào là
công bằng trong việc phân phối tư liệu sản xuất? Ở đây, khái niệm
công bằng có thể có ít nhất có 4 cách hiểu khác nhau: chia đều theo
đơn vị hành chính (chia đều cho 64 tỉnh, thành phố trong cả nước);
chia theo mật độ dân số (nơi nào có mật độ dân số cao hơn sẽ được
phân phối nhiều hơn); chia theo hiệu quả sản xuất kinh doanh (nơi
nào có hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn sẽ được phân phối
nhiều hơn); chia theo hiệu quả kinh tế – xã hội (nơi nào đạt hiệu quả
kinh tế - xã hội cao hơn sẽ được phân phối nhiều hơn). Trong 4 cách
trên đây, cách nào là công bằng? Do bản thân khái niệm công bằng
không được giải thích nên nội hàm của khái niệm công bằng xã hội
ở đây cũng không được giải thích.
Hiện nay, khái niệm công bằng về cơ hội được các tác giả khác nhau
biểu đạt bằng các cụm từ khác nhau, như:
Công bằng về cơ hội;
Tiếp cận công bằng với các cơ hội;
Bình đẳng về cơ hội;
Bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội;
Tạo “cơ hội bình đẳng” cho các tầng lớp dân cư;
v.v..
Rõ ràng, các cụm từ trên đây có nội hàm không hoàn toàn trùng
nhau. Do vậy, nội hàm của các khái niệm công bằng về cơ hội hay
bình đẳng về cơ hội có thể được hiểu hoặc giải thích một cách khác
nhau.
Theo chúng tôi, có lẽ nên thay khái niệm công bằng về cơ hội (vì
không làm rõ được thế nào là công bằng trong trường hợp này) bằng
khái niệm bình đẳng về cơ hội theo nghĩa bình đẳng trong việc tiếp
cận các cơ hội. Có thể coi bình đẳng về cơ hội là cách nói tắt của
cụm từ bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội. Trong trường hợp
đó, bình đẳng về cơ hội có vai trò gì trong việc thực hiện công bằng
xã hội? Ở đây, khái niệm công bằng xã hội vẫn được hiểu theo nghĩa
đã trình bày ở trên, nghĩa là những ai có cống hiến ngang nhau thì
đều được hưởng thụ ngang nhau. Đó là “thước đo” của công bằng xã
hội. Nhưng “thước đo” ấy chỉ “chuẩn xác” khi những người cống
hiến này đều được xuất phát từ cùng một vạch, tức là từ cùng một
mặt bằng trong việc tiếp cận các cơ hội. Điều đó có nghĩa là bình
đẳng về cơ hội chính là tiền đề đảm bảo có công bằng xã hội thực
sự.
Ngoài bình đẳng về cơ hội, trình độ phát triển kinh tế có vai trò như
thế nào trong việc thực hiện công bằng xã hội? Một số tác giả cho
rằng, khi trình độ phát triển kinh tế còn thấp như ở Việt Nam hiện
nay thì không thể thực hiện được công bằng xã hội. Số khác cho
rằng, ít nhất cũng khó thực hiện. Theo chúng tôi, không hẳn như
vậy, bởi vì cái chủ yếu của công bằng xã hội, như đã nói trên, chỉ có
nghĩa là cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau. Theo
nghĩa đó, không nhất thiết phải giàu có mới thực hiện được công
bằng, hơn thế nữa, càng chưa giàu có, càng nghèo khó lại càng phải
thực hiện công bằng nếu muốn tạo bầu không khí hoà thuận, tin yêu
lẫn nhau, muốn giữ cho xã hội ổn định. Hồ Chí Minh đã từng căn
dặn ngay trong những năm tháng khi cuộc sống còn hết sức thiếu
thốn, gian khổ trong chiến tranh:
Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng
Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên(2).
Ngày nay, ở Việt Nam, người lao động sẵn sàng tạm thời chấp nhận
sự chưa bình đẳng, nhưng không chấp nhận sự không công bằng, sẵn
sàng chấp nhận những người có tài năng sống khá giả, còn những
người kém cỏi sống nghèo hơn, nhưng không chấp nhận những kẻ
buôn gian bán lận, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, sống xa hoa, phè
phỡn, còn những người lao động trung thực, cần mẫn lại sống trong
nghèo khó, ngày đêm phải chật vật mưu sinh. Có thể nói, đây là một
trong những “điểm nóng” nhất hiện nay. Giải quyết được nó trong
lúc này sẽ có tác dụng tích cực tới tâm trạng của người lao động,
thúc đẩy họ thêm phấn khởi hăng hái sản xuất, đảm bảo thực hiện
đầy đủ hơn nguyên tắc công bằng xã hội.
Tuy nhiên, bản thân nguyên tắc công bằng xã hội này và khả năng
thực hiện nó cần được hiểu đúng.
Trước hết, cần nhận xét rằng, công bằng xã hội không phải là một
khái niệm bất di bất dịch. Nó mang tính tương đối và phụ thuộc vào
hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tách khỏi hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà nói
tới công bằng thì cái được coi là công bằng ấy có thể sẽ là không
hợp lý và do đó, ít có khả năng trở thành hiện thực.
Chẳng hạn, nếu trước đây, chúng ta coi phân phối theo lao động là
tiêu chí duy nhất của sự công bằng (nhưng trên thực tế, trong thời kỳ
trước đổi mới, lại thực hiện phân phối bình quân) thì ngày nay, trong
quá trình đổi mới, với việc chuyển sang phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi vẫn coi việc thực hiện
phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu,
chúng ta đồng thời thực hiện phân phối theo mức đóng góp vốn và
các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi
xã hội. Đây là một nguyên tắc phân phối khá công bằng, phù hợp với
thực tiễn xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay.
Nói là khá công bằng vì theo chúng tôi, nguyên tắc phân phối ấy vẫn
chưa tính đến một cách đầy đủ một đặc thù rất quan trọng của Việt
Nam. Đó là, khác với nhiều nước, suốt mấy chục năm qua, nhân dân
Việt Nam đã phải chiến đấu liên tục vì nền độc lập, tự do của Tổ
quốc. Trải qua cuộc chiến đấu ấy, rất nhiều người hoặc đã hy sinh,
hoặc đã trở thành thương binh, bệnh binh. Họ còn rất ít, thậm chí
không còn sức lao động nữa. Thêm vào đó, bản thân những con
người ấy cùng gia đình họ, do đã cống hiến tất cả cho cuộc đấu tranh
vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nay cũng chẳng có tài sản, tiền của gì
đáng kể để có thể đóng góp vốn liếng cho sản xuất kinh doanh. Vì
vậy, nếu giờ đây, chúng ta chỉ phân phối theo lao động và theo
nguồn vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh thì họ là những người
thiệt thòi nhất. Thực tế trong những năm qua, đây cũng là bộ phận
dân cư có thu nhập thấp hơn cả và gặp nhiều khó khăn hơn cả.
Thấu hiểu các khó khăn và tính đến các cống hiến đó, từ trước đến
nay, Đảng và Nhà nước chúng ta luôn luôn quan tâm đến những
người có công với cách mạng, anh chị em thương bệnh binh, gia
đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng,…, coi đó vừa là trách nhiệm
của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân, là sự “đền ơn đáp
nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.
Cần phải nói rằng, có được chủ trương và chính sách trên đây là rất
đáng quý, nhưng vẫn chưa đủ, vì bằng chính sách đó, chúng ta mới
chỉ quan tâm đến những người thuộc diện chính sách từ phương diện
đạo lý chứ chưa phải từ phương diện pháp lý, từ phương diện “đền
ơn đáp nghĩa” chứ chưa phải từ phương diện quan hệ công bằng
giữa cống hiến và hưởng thụ – một phương diện mà theo đó, những
người mà chúng ta đang nói tới có quyền được hưởng một phần
những thành quả của sự phát triển đất nước hôm nay vì những đóng
góp hôm qua của họ, tạo tiền đề cho sự phát triển mà hôm nay chúng
ta đang có.
Vì vậy, để thực hiện đầy đủ hơn công bằng xã hội hiện nay ở Việt
Nam, theo chúng tôi, cần mở rộng nguyên tắc phân phối theo lao
động và theo mức đóng góp vốn vào sản xuất kinh doanh hiện nay
thành nguyên tắc phân phối theo cống hiến (cả về lao động, nguồn
vốn cùng mọi cống hiến khác) cho xã hội nói chung chứ không phải
chỉ cho sản xuất, mặc dầu cống hiến cho sản xuất vẫn là chủ yếu. Có
như vậy mới có thể coi là công bằng.
Ngay trong phân phối theo lao động và mức vốn góp, tiêu chí của sự
công bằng cũng không nên tuyệt đối hoá. Tiêu chí ấy cũng mang
tính tương đối và nó được xác lập qua kiểm nghiệm trong thực tiễn
cuộc sống. Chẳng hạn, trong hệ thống thang bậc lương chính thức
của Nhà nước Việt Nam được thiết lập năm 1985 thì sự chênh lệch
giữa mức lương cao nhất và mức lương thấp nhất là 3,5 lần, được
thiết lập năm 1993 là 10 lần, còn được thiết lập năm 2004 là 13 lần.
Trong khi đó, ở một số nơi, ví dụ ở xí nghiệp liên doanh MEKO
(Hậu Giang), mức chênh lệch thu nhập giữa giám đốc và công nhân
lên tới 150 lần(3), hoặc tại một xí nghiệp liên doanh ở Hà Nội, mức
chênh lệch đó vào quãng 350 lần(4). Trong dịp tết Đinh Hợi (tháng 2
- 2007) mới đây, tiền thưởng và tiền lương ở các ngành và các vùng
có sự giãn cách lớn, mức cao nhất là trên 124 triệu đồng, mức thấp
nhất là 700.000 đồng(5). Trong tất cả các trường hợp trên đây, cái
nào là hợp lý, cái nào là không hợp lý? Câu trả lời thật không đơn
giản! Sự công bằng hay không công bằng ở đây cần được xem xét
rất cụ thể và có lẽ, bên cạnh sự sàng lọc của thị trường, chúng cần
được xem xét căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh
của đơn vị, vào kết quả tác động tích cực hay tiêu cực của mỗi
trường hợp phân phối tới nhiệt tình của người lao động và tới bầu
không khí chung của tập thể.
Ngoài ra, trong bước quá độ từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp
sang cơ chế thị trường, cũng không nên và không thể đòi hỏi thực
hiện cho được một sự công bằng tuyệt đối, chính xác ngay lập tức,
đòi hỏi xoá bỏ ngay trong một thời gian ngắn mọi sự không công
bằng hiện vẫn còn tồn tại. Đó là vì bản thân cơ chế bao cấp đã chứa
đựng trong nó nhiều điều bất hợp lý và những bất hợp lý ấy đã được
tích tụ lại quá nhiều trong thời gian quá dài. Nay nếu muốn khắc
phục điều bất hợp lý này thì sẽ lập tức nảy sinh điều bất hợp lý khác,
khắc phục sự không công bằng này thì sẽ lập tức làm nảy sinh sự
không công bằng khác. Chính vì thế, không thể khắc phục tất cả
ngay một lúc! Sự công bằng tuyệt đối ấy chỉ có thể đạt được dần dần
trên con đường cũng không phải là ngắn ngủi tiến tới chỗ đạt được
công bằng hoàn toàn.
Việc thực hiện nguyên tắc công bằng này sẽ tác động như thế nào
đến tăng trưởng kinh tế?
Một số tác giả cho rằng, công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế là
hai mục tiêu không tương dung nhau trong sự vận động và phát triển
của xã hội. Theo quan điểm đó, nếu nhấn mạnh thực hiện công bằng
xã hội thì sẽ làm tổn hại tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nếu nhấn
mạnh tăng trưởng kinh tế thì sẽ làm tổn hại công bằng xã hội.
Theo chúng tôi, quan điểm đó là đúng nếu công bằng xã hội được
hiểu theo nghĩa đồng nhất hoàn toàn với bình đẳng xã hội. Còn quan
điểm đó sẽ là không đúng nếu công bằng xã hội được hiểu theo
nghĩa là sự ngang bằng nhau giữa người với người chỉ trong mối
quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ và được thực hiện theo nguyên
tắc phân phối theo cống hiến như đã nói trên. Vì sao vậy? Vì nguyên
tắc phân phối theo cống hiến buộc phải tính đến mọi cống hiến của
mọi tầng lớp dân cư vào việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ai
đã có cống hiến thì tuỳ theo mức độ cống hiến mà được hưởng
quyền lợi tương ứng, không ai bị thiệt thòi. Vì vậy, nguyên tắc phân
phối trên đây là nguyên tắc rất công bằng, có tác dụng cuốn hút mọi
người hăng hái góp công, góp của vào sự phát triển của đất nước nói
chung, vào sự sản xuất kinh doanh nói riêng và nhờ đó, dẫn đến tăng
trưởng kinh tế. Nói cách khác, chính nguyên tắc phân phối công
bằng trên đây đã có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó đi
cùng chiều với tăng trưởng kinh tế chứ không phải là ngược lại. Như
vậy, trong mối quan hệ giữa công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế
thì công bằng xã hội chính là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Càng thực hiện tốt công bằng xã hội bao nhiêu thì càng gia tăng sự
tăng trưởng kinh tế bấy nhiêu.
Tuy nhiên, sự thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo cống hiến trên
đây lại dẫn đến một hậu quả khác khiến không ít người lo ngại, đó là sự
phân cực ngày càng gia tăng giữa giàu và nghèo trên phạm vi toàn
quốc. Một số người cho rằng, như vậy là công bằng xã hội đã bị vi
phạm nghiêm trọng, rằng chủ nghĩa xã hội đang bị xói mòn.
Liệu có thể tán thành với những nhận định như vậy được không?
Theo chúng tôi, không! Vì sao? Vì:
- Thứ nhất, kết quả của hàng loạt cuộc khảo sát mức sống dân cư với
quy mô lớn từ năm 1992 đến nay cho thấy, sự phân biệt giàu, nghèo
ở đây là sự phân biệt tương đối chứ không phải là tuyệt đối. Nghèo ở
đây là nghèo so với giàu chứ không phải so với thời kỳ trước đổi
mới. Nếu so với thời kỳ trước đổi mới thì mức sống của mọi người
hiện nay, kể cả người giàu và người nghèo, đều được tăng lên đáng
kể(6); không chỉ số hộ giàu và mức giàu tăng lên, mà cả số hộ nghèo
và mức nghèo cũng giảm đi chứ không phải như có người nói là
người giàu thì ngày càng giàu thêm, còn người nghèo ngày càng
nghèo đi.
- Thứ hai, loại trừ những kẻ giàu lên nhanh chóng bằng những thủ
đoạn bất hợp pháp, như tham nhũng, buôn lậu, đặc quyền đặc lợi,
làm ăn gian dối, lừa đảo,v.v., còn thì cả hộ giàu và hộ nghèo đều tạo
ra thu nhập trước hết và chủ yếu bằng sức lao động và năng lực của
chính mình, trong đó hộ nào có điều kiện hơn, có nhiều vốn liếng
hơn, nhiều sức lao động hơn, có kinh nghiệm và tài năng sản xuất
kinh doanh hơn, hộ ấy sẽ giàu hơn hoặc giàu nhanh hơn, còn ngược
lại thì sẽ nghèo hơn hoặc “giàu” chậm hơn. Như vậy, sự phân hoá
giàu nghèo ở đây không phải là biểu hiện của sự vi phạm công bằng
xã hội, mà lại chính là biểu hiện của việc công bằng xã hội đang
được lập lại: ai làm tốt, làm giỏi, làm nhiều, đóng góp vốn liếng
nhiều,… thì được hưởng nhiều; còn ai làm kém, làm dở, làm ít, đóng
góp vốn liếng ít,… thì được hưởng ít.
Khẳng định trên đây đồng thời cũng có nghĩa là khẳng định rằng,
thực hiện được công bằng xã hội không có nghĩa là đã thực hiện
được bình đẳng xã hội, nhất là thực hiện được bình đẳng xã hội hoàn
toàn. Nói cách khác, trong khi thực hiện nguyên tắc phân phối công
bằng như đã nêu trên, chúng ta không những chưa loại trừ được, mà
vẫn còn buộc phải chấp nhận một tình trạng bất bình đẳng xã hội
nhất định do chỗ các cá nhân khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau
(chẳng hạn, người này khỏe hơn, người kia yếu hơn, người này
nhiều con hơn, người kia ít con hơn, v.v.) nên với việc hoàn thành
một công việc ngang nhau và do đó, được hưởng thù lao ngang
nhau, trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người
này vẫn giàu hơn người kia. Đấy là thiếu sót không thể tránh khỏi
trong giai đoạn đầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội như
C.Mác đã khẳng định.
Như vậy, bất bình đẳng xã hội là một hiện tượng mà chúng ta chưa
thể xoá bỏ ngay một sớm một chiều. Không những thế, chúng ta còn
phải tiếp tục “chung sống” với nó trong suốt thời gian rất lâu dài
nữa. Vì thế, không thể nôn nóng, muốn xoá bỏ mọi sự bất bình đẳng
xã hội ngay lập tức, mà chỉ có thể thực hiện mục tiêu cuối cùng đó
dần dần. Trước mắt, theo chúng tôi, thực hiện công bằng xã hội vẫn
là yêu cầu hàng đầu, vì đó chính là một trong những động lực mạnh
mẽ nhất của sự tăng trưởng kinh tế và đồng thời là một trong những
yếu tố quan trọng nhất quyết định sự ổn định xã hội.
Song, nói như thế không có nghĩa là nói rằng, chúng ta có thể chấp
nhận để cho tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng liên tục và mãi
mãi; ngược lại, phải tìm mọi cách kiềm chế sự gia tăng ấy, hạn chế
bớt mức độ bất bình đẳng để tiến tới dần dần xoá bỏ nó. Vì vậy,
cùng với chủ trương tiếp tục khuyến khích các hộ làm giàu hợp
pháp, Nhà nước chúng ta cũng đồng thời đang mở rộng và đẩy
mạnh cuộc vận động xoá đói giảm nghèo khá hiệu quả được đề ra từ
đầu những năm 90 đến nay, trong đó tập trung xoá đói ở nông thôn,
giảm nghèo ở cả nông thôn lẫn thành thị. Bằng việc thực hiện các
chính sách ấy, chúng ta đang tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả
một phần của yêu cầu “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đường
lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam hiện nay./.
(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Xem: Lê Bộ Lĩnh. Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở
một số nước châu Á và Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1998, tr.15-16.
(2) Xem: Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 1996, tr.185.
(3) Xem: Tạp chí Cộng sản, số 11, 1991, tr.19.
(4) Xem: Báo Lao động, ngày 14 - 3 - 1996.
(5) Xem: Báo An ninh Thủ đô, ngày 1 - 2 - 2007.
(6) Theo bản tin của CIT ngày 23/5/2007 thì ông Martin Rama,
Q.Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định
khi WB trở lại Việt Nam năm 1993, thu nhập bình quân đầu người
của Việt Nam là 170 USD/năm. Theo bản tin của Vnexpress, ngày
14 - 11 - 2006 thì trong bản báo cáo mới công bố, IMF nhận định thu
nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 đạt 715
USD/năm.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_45__3164.pdf