Nhắc đến đất nước Trung Quốc người ta thường nghĩ đến đất nước của hàng nghìn năm lịch sử huy hoàng và rực rỡ, đất nước của bao danh thắng, của núi cao, sông dài. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta quên nhắc đến hai tiếng "thơ ca". Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc coi là "thi ca chi bang" (đất nước của thơ ca). Ở đất nước này, thơ ca có một địa vị rất đáng trân trọng. Nó đã hóa thân thành một góc tâm hồn của con người và xứ sở. Chính bằng việc đưa vẻ đẹp ấy thăng hoa, thơ Đường đã đạt đến đỉnh cao mẫu mực của thơ ca Trung Quốc.
Nói về thơ Đường, đã không ít người phải thán phục. "Muốn tìm những thơ hoàn toàn xứng đáng với tiếng mỹ thuật chỉ có thơ đời Đường." (Ngô Tất Tố) hay "Thơ Đường cùng với Kinh Thi, Sở Từ được liệt vào hàng thơ ca ưu tú nhất của nhân loại" (Nam Trân).
Với sự phát triển và những thành tựu to lớn như vậy, trải qua hàng nghìn năm, thơ Đường vẫn là một ngọn núi sừng sững trên đó khắc sâu những tên tuổi mà muôn đời ngợi ca như Thi Tiên - Lý Bạch, Thi Thánh - Đỗ Phủ, Thi Phật - Vương Duy (nó là mảnh đất đầy bí ẩn nhưng cũng không kém phần thú vị, thách thức). Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm tòi, khám phá thế giới diệu ảo của thơ Đường. Yếu tố tạo nên sự kỳ diệu ấy không chỉ ở nội dung, ở ngôn từ mà còn ở hình ảnh thơ đầy biến hóa, thú vị.
Như ta đã biết, những nhà thơ đời Đường có một sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên. Vì thế không lạ khi ta gặp trong thơ Đường rất nhiều hình ảnh thiên nhiên. Sông, núi, cỏ cây, hoa lá. đều được tái hiện sinh động trong mỗi tác phẩm. Đó còn là phương tiện nghệ thuật giúp thi nhân bộc lộ những tình cảm, suy nghĩ. Và hình ảnh "liễu" trong thơ Đường cũng vậy. Hình ảnh cây liễu là hình ảnh quen thuộc với người phương Đông. Dáng liễu mềm mại thướt tha gợi nguồn cảm hứng của bao nghệ sĩ. Rất tự nhiên, hình ảnh ấy đã đi vào thơ ca đời Đường như một phương tiện nghệ thuật độc đáo. "Liễu" được hiện diện ở nhiều góc độ từ "gốc liễu", "lá liễu", "chổi liễu", "cành liễu", "hoa liễu". Một hình ảnh được nhắc đến trong thi ca là hình ảnh "bồ" cũng là một loại cây về hình dạng và ý nghĩa biểu đạt có nhiều nét tương đồng với "liễu". Nó không chỉ là cây tự nhiên mà đã trở thành những tín hiệu nghệ thuật đặc sắc. Nó đã xây dựng nên một không khí rất riêng, rất đặc biệt trong mỗi thi phẩm đời Đường.
Việc tìm hiểu hình ảnh "liễu" trong thơ Đường sẽ giúp ta hiểu thêm về ý nghĩa biểu đạt của nó. Và qua đó, phần nào thấy được nét tâm hồn cao đẹp của thi nhân cũng như con người Trung Quốc.
51 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 4212 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Đề tài Hiểu hình ảnh "liễu" trong thơ Đường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở đầu
Nhắc đến đất nước Trung Quốc người ta thường nghĩ đến đất nước của hàng nghìn năm lịch sử huy hoàng và rực rỡ, đất nước của bao danh thắng, của núi cao, sông dài... Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta quên nhắc đến hai tiếng "thơ ca". Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc coi là "thi ca chi bang" (đất nước của thơ ca). ở đất nước này, thơ ca có một địa vị rất đáng trân trọng. Nó đã hóa thân thành một góc tâm hồn của con người và xứ sở. Chính bằng việc đưa vẻ đẹp ấy thăng hoa, thơ Đường đã đạt đến đỉnh cao mẫu mực của thơ ca Trung Quốc.
Nói về thơ Đường, đã không ít người phải thán phục. "Muốn tìm những thơ hoàn toàn xứng đáng với tiếng mỹ thuật chỉ có thơ đời Đường..." (Ngô Tất Tố) hay "Thơ Đường cùng với Kinh Thi, Sở Từ được liệt vào hàng thơ ca ưu tú nhất của nhân loại" (Nam Trân).
Với sự phát triển và những thành tựu to lớn như vậy, trải qua hàng nghìn năm, thơ Đường vẫn là một ngọn núi sừng sững trên đó khắc sâu những tên tuổi mà muôn đời ngợi ca như Thi Tiên - Lý Bạch, Thi Thánh - Đỗ Phủ, Thi Phật - Vương Duy (nó là mảnh đất đầy bí ẩn nhưng cũng không kém phần thú vị, thách thức). Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm tòi, khám phá thế giới diệu ảo của thơ Đường. Yếu tố tạo nên sự kỳ diệu ấy không chỉ ở nội dung, ở ngôn từ mà còn ở hình ảnh thơ đầy biến hóa, thú vị.
Như ta đã biết, những nhà thơ đời Đường có một sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên. Vì thế không lạ khi ta gặp trong thơ Đường rất nhiều hình ảnh thiên nhiên. Sông, núi, cỏ cây, hoa lá... đều được tái hiện sinh động trong mỗi tác phẩm. Đó còn là phương tiện nghệ thuật giúp thi nhân bộc lộ những tình cảm, suy nghĩ. Và hình ảnh "liễu" trong thơ Đường cũng vậy. Hình ảnh cây liễu là hình ảnh quen thuộc với người phương Đông. Dáng liễu mềm mại thướt tha gợi nguồn cảm hứng của bao nghệ sĩ. Rất tự nhiên, hình ảnh ấy đã đi vào thơ ca đời Đường như một phương tiện nghệ thuật độc đáo. "Liễu" được hiện diện ở nhiều góc độ từ "gốc liễu", "lá liễu", "chổi liễu", "cành liễu", "hoa liễu"... Một hình ảnh được nhắc đến trong thi ca là hình ảnh "bồ" cũng là một loại cây về hình dạng và ý nghĩa biểu đạt có nhiều nét tương đồng với "liễu". Nó không chỉ là cây tự nhiên mà đã trở thành những tín hiệu nghệ thuật đặc sắc. Nó đã xây dựng nên một không khí rất riêng, rất đặc biệt trong mỗi thi phẩm đời Đường.
Việc tìm hiểu hình ảnh "liễu" trong thơ Đường sẽ giúp ta hiểu thêm về ý nghĩa biểu đạt của nó. Và qua đó, phần nào thấy được nét tâm hồn cao đẹp của thi nhân cũng như con người Trung Quốc.
2. Mục đích, ý nghĩa và phạm vi đề tài
- Mục đích: Trong báo cáo này, chúng tôi muốn tìm hiểu nghệ thuật xây dựng hình tượng "liễu" và những ý nghĩa biểu tượng của nó... Qua đó giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về thế giới tình cảm của con người được phản ánh qua hình ảnh đẹp này. Đồng thời giúp ta thấy được tài năng nghệ thuật của thi nhân.
- Phạm vi: Thông qua việc tìm hiểu, phân tích các tác phẩm có hình tượng "liễu" trong thơ Đường, chúng tôi sẽ làm rõ một số ý nghĩa biểu tượng, cách thể hiện hình tượng "liễu" và hiệu quả nghệ thuật của nó.
Chúng tôi sử dụng các tác phẩm trong 3 quyển tuyển tập thơ Đường.
- Đường thi tam bách thủ, Ngô Văn Phú dịch, Nxb Hội nhà văn 2000.
- Đường thi tứ tuyệt, Nguyễn Hà tuyển dịch, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Thơ Đường, Nam Trân, Nxb Văn học, 1987.
3. Lịch sử vấn đề
ở Việt Nam đã có không ít các công trình nghiên cứu về thơ Đường. Đó là các công trình rất nổi tiếng như "Thi pháp Thơ Đường" (Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi). "Diện mạo thơ Đường" (Lê Đức Niệm), "Thơ Đường bình giải" (Nguyễn Quốc Siêu) và một số luận án như "Thi pháp thơ Đường - một số phương diện chủ yếu" (Nguyễn Thị Bích Hải), "Thơ tứ tuyệt Lý Bạch" (Phạm Hải Anh).
Trong quá trình nghiên cứu, có nhiều người đã đề cập đến hình ảnh "liễu" như trong luận án "Môtip thời gian trong thơ Đường" (Hồ Thị Thúy Ngọc), hay cuốn "Đến với thơ Lý Bạch" (Lê Giảng và Ngô Viết Dinh). Tuy nhiên, hình ảnh liễu chỉ được tìm hiểu ở một khía cạnh biểu hiện hoặc được đặt trong ý nghĩa của một thi phẩm nào đó. Nó vẫn chưa được tìm hiểu một cách toàn diện, hệ thống và cụ thể.
Vì thế, trong báo cáo này, chúng tôi muốn đề cập vấn đề đó qua cái nhìn và phân tích hình ảnh "liễu" một cách cụ thể, chi tiết hơn với một số biểu hiện đặc trưng của nó.
4. Phương pháp nghiên cứu
+ Phương pháp thống kê;
+ Phương pháp phân loại;
+ Phương pháp phân tích;
+ Phương pháp so sánh;
+ Phương pháp tổng hợp.
5. Cấu trúc nội dung của báo cáo
Ngoài phần mở đầu, kết luận, báo cáo gồm 4 chương:
Chương 1: Liễu - cội nguồn văn hóa.
Chương 2: Liễu - tín hiệu nghệ thuật trong thơ Đường.
Chương 3: Liễu - phương thức thể hiện.
Chương 4: Liễu - đặt trong sự so sánh với văn học phương Tây và văn học Việt Nam.
Phần nội dung
Chương 1 Liễu - cội nguồn văn hóa
"Liễu" là hình ảnh không xa lạ trong cuộc sống cũng như trong thơ ca. Từ Kinh Thi - những tác phẩm thơ ca đầu tiên của Trung Quốc hình ảnh cây "liễu" đã xuất hiện như một tín hiệu nghệ thuật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Ta có thể bắt gặp hình ảnh ấy trong bài "Thái vi" (Tiểu Nhã).
"Thuở lên đường liễu dương tha thướt
Nay trở về mưa tuyết tuôn rơi" [9 , tr. 37]
Đến đời Đường, "liễu" đã đi vào thơ với nhiều ý nghĩa và mô thức tình cảm khác nhau. Tuy nhiên nếu chỉ xem xét hình ảnh này trong các thi phẩm thì chưa đủ. Ta còn phải tìm hiểu nó từ cội nguồn văn hóa.
1. Hình ảnh "liễu" xét dưới góc độ tự nhiên
Dáng "liễu" mềm mại, thướt tha trước gió đã trở thành một vẻ đẹp riêng của thiên nhiên. Nếu xét "liễu" là một thực thể của tự nhiên ta có thể thấy những nét đặc trưng rất tiêu biểu. "Liễu" là cây thân gỗ nhưng không cao lớn, cứng cáp như tùng, như bách. Thân liễu mềm mại. Dáng liễu thướt tha, lá liễu dài và nhỏ. Hoa liễu không có sắc màu rực rỡ, không có hương thơm nhưng vẫn được chiêm ngưỡng và yêu thích. Cành liễu dài và mềm mại có thể dùng để kết thành những giỏ hoa xinh xắn. Hình ảnh nhân vật Oanh Nhi trong "Hồng Lâu mộng" (Tào Tuyết Cần) dùng cành liễu non tết thành những giỏ hoa đã mang lại nét lãng mạn rất riêng trong tác phẩm. Đó chỉ là một ví dụ về ứng dụng của cây liễu giúp ta thấy được sự gắn bó của liễu với đời sống.
Cây liễu nảy lộc vào mùa xuân nhưng đến mùa thu thì tàn tạ, héo úa. Vì thế, con người thời cổ thường nhìn lộc liễu non để đoán định mùa xuân, cũng như liễu trút lá để biết thu về.
Hình ảnh liễu trong tự nhiên cũng gợi lên những nét đẹp, thơ mộng rất độc đáo.
2. Hình ảnh "liễu" trong văn hóa và văn học
Nếu đặt hình ảnh "liễu" ở góc độ văn hóa thì nó lại mang nhiều ý nghĩa thú vị.
Theo cuốn "Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới" của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant thì ở vùng Viễn Đông cây liễu được coi là biểu tượng của sự bất tử, là cây trung tâm, cây cuộc sống. Vì thế phần mộ của những nhân vật huyền thoại thường được đặt dưới gốc liễu. Lão Tử cũng thường ngồi dưới bóng một cây liễu để thiền định.
Cũng trong cuốn sách này, các tác giả đưa ra một biểu tượng nữa của cây liễu. Sự lay động của các cành liễu tạo nên hình ảnh của sự duyên dáng uyển chuyển về hình thể. Điều này đã được dùng như một khuôn sáo để mô tả thân thể người phụ nữ.
Trong "Từ điển văn liệu (Long Điền - Nguyễn Văn Minh) thì cây "liễu", cây "bồ" được định nghĩa như sau:
"Hai thứ cây yếu ớt, ẻo lả, mùa thu thì rụng lá nên các nhà văn thường ví với người con gái, đàn bà...".
Còn có nhận xét về hình ảnh "dương liễu":
"Các nhà văn thường hay dùng luôn cả hai tiếng dương liễu còn ý cho dương là khí dương, liễu là khí âm cho có âm có dương, lại thường dùng hai tiếng "dương liễu" ví với lông mày người con gái đẹp".
"Liễu" không chỉ được ghép với "bồ" với "dương" mà ta còn hay gặp "liễu mạch" để nói chốn ăn chơi ở xóm Bình Khang hay "liễu mạch, hoa tường", "liễu ngõ hoa tường" để chỉ thân phận người kỹ nữ... Ngoài ra, hình ảnh cây liễu còn được dùng như một tín hiệu để nhận biết mùa xuân, mùa thu...
Trong cuốn "Điển hay tích lạ" ta còn bắt gặp một tích hay về hình ảnh cây liễu. Đó là tích "liễu" Chương Đài. Tích này kể về tình yêu của hai người: Hàn Hoành và kỹ nữ họ Liễu ở Chương Đài. Từ tích ấy, hình ảnh cây liễu lại có thêm biểu tượng nữa là lời ướm hỏi tình cảm của con người, vừa thể hiện sự biệt ly, chia cách. Nhưng nếu nhắc đến "liễu" mà quên đi một nét văn hóa đặc trưng là "bẻ liễu" (chiết liễu) của người Trung Quốc khi chia tay thì thật là thiếu sót. Người Trung Quốc có tục lệ khi chia tay thì bẻ cành liễu. Vì thế, trong những thi phẩm về đề tài chia ly, tiễn biệt thường xuất hiện hình ảnh "liễu".
Dựa vào việc tìm hiểu cội nguồn văn hóa của cây liễu ta sẽ đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của hình ảnh này trong văn học.
Cây liễu xuất hiện trong văn học trước tiên với ý nghĩa biểu tượng cho thiên nhiên. Đó là hình ảnh mang tính ước lệ cao, là nơi các thi nhân gửi gắm những tâm sự, tình cảm. Bởi vậy nó mang rất nhiều nghĩa khác nhau. ở đây, chúng tôi xin trình bày một vài ý nghĩa được thể hiện trong một số thi phẩm đời Đường.
"Liễu" tượng trưng cho thời gian. Thời gian ở đây bao gồm mùa trong năm, và thời gian của cuộc đời.
"Liễu" tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ.
"Liễu" tượng trưng cho tâm hồn con người. Trong đó chúng tôi chú trọng vào cách biểu hiện chữ "nhàn" thông qua hình ảnh liễu; tình cảm nỗi niềm khi chia ly tiễn biệt và tình cảm thương nhớ khi xa cách.
Tuy chưa phải là một cách lý giải toàn diện nhưng chúng tôi hy vọng rằng qua những ý nghĩa đã được nêu lên, người đọc có thể hiểu sâu hơn về biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ này.
3. Tần số xuất hiện của "cây liễu" trong thơ
Qua khảo sát 300 bài thơ trong cuốn "Đường thi tam bách thủ" và 200 bài trong cuốn "Đường thi tứ tuyệt" chúng tôi thấy hình ảnh liễu xuất hiện với tần số 32 bài/460 bài (40 bài trùng).
Và khoảng 20 bài trong các cuốn sách khác.
Có thể thấy "liễu" xuất hiện tuy chưa nhiều nhưng cũng đã góp một phần không nhỏ vào hệ thống hình ảnh trong thơ Đường
- Số bài viết về liễu như biểu tượng của tâm hồn 20/47 bài
- Số bài viết về liễu như biểu tượng của người phụ nữ 3/47 bài
- Số bài viết về liễu như biểu tượng của thời gian: 23/47 bài
Chương 2
Liễu - tín hiệu nghệ thuật trong thơ đường
Cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của thơ Đường quả không dễ dàng. Bởi lẽ thơ Đường, về mặt nghệ thuật cũng như nội dung có sức biểu hiện rất cao. Số lượng câu chữ trong một bài thơ thường hạn chế. Có khi cả một tác phẩm chỉ vỏn vẹn hai mươi chữ, nhưng những nội dung mà số chữ ít ỏi đó chuyển tải lại lớn vô cùng. Trong mỗi thi phẩm là một thế giới đầy màu sắc, xúc cảm. Sở dĩ thơ Đường có tính hàm súc cao như vậy là nhờ vào cách xây dựng tứ thơ, sử dụng ngôn từ và đặc biệt là cách lựa chọn những tín hiệu nghệ thuật riêng.
Tín hiệu nghệ thuật trong thơ Đường thường là các hình ảnh có tính ước lệ, tượng trưng cao. Nó là các biểu tượng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hình ảnh "liễu" cũng vậy. Với vai trò là một tín hiệu nghệ thuật nó đã chuyển tải đến người đọc nhiều nội dung sâu sắc.
1. "Liễu" là biểu trưng cho thời gian
1.1. "Liễu" biểu trưng cho các mùa trong năm
Cây cỏ là hình ảnh đẹp đẽ của tự nhiên thường được các thi nhân đưa vào thơ ca để biểu thị cho mùa trong năm. Bước vào thế giới Đường thi ta có thể gặp hình ảnh hoa đào tượng trưng cho mùa xuân, hoa sen tượng trưng cho mùa hạ, hoa cúc tượng trưng cho mùa thu, hoa mai là hình ảnh của mùa đông... Và còn nhiều loại cây cỏ khác như tùng, trúc, lan... Cũng giống như vậy, khi ta gặp sắc liễu xanh thì có nghĩa là mùa xuân đang hiện diện. Có rất nhiều bài thơ về mùa xuân được mở đầu bằng sắc liễu.
"Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên"
( Tuyệt cú - Đỗ Phủ )
(Hai con chim oanh vàng kêu trong liễu biếc
Một hàng cò trắng bay vút lên trời xanh).
Bằng hai câu thơ ngắn và vài nét chấm phá, Đỗ Phủ đã vẽ lên một bức tranh tươi đẹp của mùa xuân. Làm nền cho bức tranh ấy là màu xanh non tơ đầy sức sống của liễu. Cây liễu ở đây vừa mang sắc xuân lại vừa như điểm hội tụ của lứa đôi (Hai cái oanh vàng) làm cho bức tranh mùa xuân vừa sinh động vừa tươi tắn mà cũng thật duyên dáng. Bức tranh với màu sắc, hình ảnh, âm thanh sống động, tươi mới khiến cho lòng người dịu lại, thanh thản hơn. Nó thể hiện tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ Đỗ Phủ.
Có thể nói, sắc liễu xanh đã làm tăng thêm sức sống cho bức tranh. Bởi lẽ nó là biểu tượng của mùa xuân, biểu tượng cho nhựa sống tràn trề. Ta cũng bắt gặp nhiều tứ thơ như vậy trong thơ Đường.
"Hoàng điểu phiên phiên dương liễu thùy"
(Tống tiền vệ huyện lý Thẩm thiếu phủ - Cao Thích)
(Chim hoàng oanh thoăn thoắt trong tơ liễu tha thướt.)
Hay "Liễu sắc hoàng kim nộn
Lê hoa bạch tuyết dương"
(Cung trung hành lạc từ - Lý Bạch).
(Sắc liễu non vàng suộm
Hoa lê trắng tuyết thơm).
Trong hầu hết các bài thơ, nếu xuất hiện hình ảnh "liễu" thì luôn có hình ảnh "xuân" bên cạnh. Tuy nhiên không phải ở thi phẩm nào cây liễu cũng làm cho bức tranh xuân trở nên tươi đẹp sống động. Có những bài thơ mà dáng liễu xuân lại gợi lên nỗi sầu muộn của lòng người.
"Thảo sắc thanh thanh, liễu sắc hoàng
Đào hoa lịch loạn, lý hoa hương
Đông phong bất vị xuy sầu khứ
Xuân nhật thiên năng nhạ hận trường"
(Xuân tứ - Giả Chí)
(Sắc cỏ thì xanh, sắc liễu thì vàng
Hoa đào bay tơi tả, hoa mận thơm
Gió xuân chẳng vì ai thổi cái sầu đi
Khiến cho ngày xuân mà cứ canh cánh nỗi buồn).
Bức tranh xuân được vẽ lên cũng bằng rất nhiều hình ảnh, màu sắc. Ta bắt gặp những tín hiệu đặc trưng của mùa xuân: cỏ xanh, hoa đào, hoa mận... ở đây cũng có hình ảnh liễu xuân. Nhưng điều đặc biệt là sắc liễu không xanh mà lại nhuộm vàng. Sự chuyển đổi màu sắc ấy đã tạo nên không khí riêng cho cảnh vật. Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ đến niềm vui, niềm hạnh phúc, tới sức sống, sự sinh sôi. Nhưng trong bài thơ này giữa cảnh xuân, lòng người lại mang nỗi "sầu dài". Cành liễu như báo hiệu gió xuân đang thổi về, nhưng gió xuân cũng không thể thổi vợi nỗi sầu của lòng người. Bởi gió xuân thì thờ ơ với con người. ở đây ta gặp sự đối lập kỳ lạ giữa hai sự vật thiên nhiên : Cành liễu và gió xuân. Cành liễu dường như mang sắc màu tâm trạng, còn gió thì lạnh lùng, vô tình. Điều đó lại càng khắc sâu hơn nỗi sầu muộn. "Sắc hoàng" của liễu đã mở ra cả một không gian thơ đầy ắp khí xuân mà man mác nỗi buồn.
Có khi một dáng liễu trong mưa cũng đủ làm cho lòng người sầu muộn.
"Cận hàn thực vũ thảo thê thê
Trước mạch miêu phong liễu ánh đê
Đẳng thị hữu gia, quy vị đắc
Đỗ quyên hưu hướng nhĩ biên đề"
(Tạp thi - Vô Danh Thị)
(Gần tiết Hàn thực thì mưa và cỏ mọc xanh
Gió mướt trên lúa miêu lúa mạch, đê rờn liễu biếc
Thương những ai có quê mà chưa về được
Đỗ quyên ơi, thôi đừng kêu dồn bên tai ta nữa).
Sắc liễu xanh rờn - "liễu ánh đê" như gọi mùa xuân đến. Nhưng xuân đến càng làm lòng người buồn khổ. Đó là nỗi buồn của kẻ lữ thứ, xa quê. Con người bắt gặp màu liễu xanh, thấy cảnh xuân trên đất khách mà chạnh lòng nhớ quê cũ. Ta bắt gặp ở đây một tâm hồn yêu quê hương tha thiết, một tấm lòng luôn hướng về quê cha, đất tổ. Thi nhân không tính tháng, tính năm để biết xuân về mà nhận ra mùa xuân trên cành liễu. Cách tính thời gian ấy giúp con người dễ dàng bộc lộ những tâm tư tình cảm của mình.
Cùng là biểu thị mùa xuân, nhưng trong mỗi bài thơ, hình ảnh "liễu" lại mang những sắc thái khác nhau. Có khi là cành liễu tươi xanh phơi phới niềm vui, có khi là sắc liễu vàng u buồn, lại có lúc là dáng liễu đẫm mưa gợi nỗi sầu xa xứ. Với những biểu hiện phong phú ấy "cây liễu" đã dựng lên mọi sắc thái của mùa xuân trong thiên nhiên và cũng là mùa xuân trong lòng người. Đỗ Thẩm Ngôn từng viết "mai liễu độ giang xuân" (Mai và liễu làm cho cả vùng Giang Nam vào xuân) đủ để thấy liễu và mùa xuân gắn bó đến thế nào. Sự gắn bó ấy cũng là một quan niệm văn hóa của người Trung Quốc.
Hình ảnh cây liễu là biểu tượng quen thuộc cho mùa xuân. Bên cạnh đó, ta còn bắt gặp trong thơ Đường "liễu thu". "Liễu thu" tuy không xuất hiện thường xuyên, cũng không phải là hình ảnh tiêu biểu cho mùa thu như hoa cúc, lá ngô đồng, cây phong... Nhưng cây liễu xơ xác cũng mang sức gợi cảm rất riêng. Nếu ở mùa xuân "dương liễu lục", "liễu điều lộng sắc"... thì khi thu về "hòe liễu tiêu sơ".
"Hòe liễu tiêu sơ nhiễu quận thành
Dạ thiêm sơn vũ tác giang thanh
Thu phong nam mạch vô xa mã
Độc thướng giang lâu cố quốc tình"
(Đăng lâu - Dương Sĩ Ngạc)
(Rặng liễu hòe xơ xác vây quanh dải thành trong quận
Ban đêm thêm trận mưa núi làm dòng sông nổi lên tiếng rào rào
Gió thu thổi trên con đường phương Nam vắng xe ngựa
Một mình lên lầu cao, trạnh niềm cố quốc).
Dương Sĩ Ngạc đã mở đầu bài thơ của mình bằng hình ảnh "Rặng liễu hòe xơ xác". Hai tiếng "xơ xác" cũng đủ gợi lên nỗi sầu muộn trong lòng người. Đó là nỗi sầu của con người một mình cô độc bước lên lầu cao nhớ về cố quốc. Hình ảnh cây liễu gợi nên cảm xúc về sự chia xa. Nó làm nền cho tâm trạng buồn nhớ, đơn côi của nhân vật trữ tình. Từ tâm trạng ấy mà cả cảnh thu như khoác lên vẻ u sầu, ảm đạm. Gam màu của mùa thu có sự đồng điệu với "liễu hòe". Đó là gam màu của sự tàn tạ, phôi pha, héo úa. Hình ảnh của liễu được đặt lên đầu tiên đã mở ra cả không gian thơ thu đẹp mà buồn bã. Sự biểu hiện kỳ diệu ấy đã khẳng định sức biểu cảm lớn và khả năng tác động mạnh mẽ tới tâm hồn con người của hình ảnh liễu thu.
"Liễu thu" tuy không có nhiều nhưng cũng đủ xây dựng lên cho mình một ấn tượng, một sắc thái rất riêng trong thơ ca.
Theo vòng tròn tuần tự của thời gian, năm này qua năm khác, bốn mùa liên tiếp trôi đi. Nhưng con người chưa bao giờ cảm thấy vòng quay ấy nhàm chán. Bởi ở mỗi mùa tạo hóa lại khéo tay làm nên một sản phẩm đặc trưng đầy sức hấp dẫn. Những hoa, những quả,... cỏ cây của đất trời luôn tạo nên cảm xúc dào dạt trong lòng người. Và cây liễu cũng vậy. Nó được tạo ra để vẽ lên sắc xuân, để điểm tô cho cảnh thu và để con người thổ lộ những xúc cảm của mình trong thời khắc chuyển mùa.
1.2. Liễu biểu trưng cho thời gian trong cuộc đời
Trong thơ Đường, hình ảnh "liễu" không chỉ là tín hiệu nghệ thuật để nhận biết mùa trong năm - thời gian của tự nhiên, của đất trời. "Cây liễu" còn biểu thị cho thời gian của cuộc đời. Đó là thời gian trôi chảy không bao giờ quay trở lại. Cây liễu vừa như một dấu hiệu của thời gian lại vừa như nhân chứng cho sự thay đổi của con người, của thời đại.
Cây liễu gợi lên hình ảnh mùa xuân. Điều đó đôi khi khiến con người giật mình liên tưởng đến tuổi xuân của mình.
"Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối phu giao tế mịch phong hầu"
(Khuê oán - Vương Xương Linh).
(Chợt thấy sắc dương liễu xanh ở đầu đường
Hối hận vì đã để chồng đi kiếm tước hầu).
Cuộc đời con người quả thật quá ngắn ngủi. Hôm nay là tuổi xuân, ngày mai đã già nua, cuộc đời đã trôi qua gần hết. Người thiếu phụ "bất tri sầu" khi gặp sắc liễu xanh bên đường bỗng giật mình hoảng hốt. "Liễu xanh" là xuân về. Mùa xuân của tự nhiên của tạo hóa cứ đi rồi trở lại, nhưng mùa xuân của đời người chỉ có một lần. Sắc liễu khiến cho người thiếu phụ nhận ra mùa xuân tự nhiên đến, còn thời xuân sắc của mình thì dần trôi đi. Nàng đã bừng tỉnh bởi khát khao về danh vọng đâu sánh được với hạnh phúc lứa đôi, với tháng năm đợi chờ mòn mỏi. Từ tâm trạng 'bất tri sầu" đến "hốt", "hối" là cả một quá trình thức tỉnh mang đậm chất nhân văn sâu sắc. Hình ảnh cây liễu ở bài thơ này vừa thể hiện sự trôi chảy lạnh lùng của thời gian vừa cho thấy sự xót xa, hối hận của lòng người. "Sắc liễu" đã trở thành một phương tiện nghệ thuật chuyền tải thật tinh tế những cảm xúc của con người.
"Liễu" là tượng trưng cho thời gian trong cuộc đời con người. Có khi nó là tuổi xuân dần qua đi, có khi lại biểu hiện sự thay đổi trong cuộc đời.
"Thử địa tằng cư trú
Kim niên uyển tự quy
Khả liên Phần thượng liễu
Tương kiến dã y y"
( Đề Bình Dương quận Phần kiều biên liễu thụ – Sầm Tham)
(Mảnh đất này ta từng đã ở
Năm nay trở lại như về nhà
Thật thương cây liễu bên bờ sông Phần
Gặp nhau mà cứ ngơ ngơ).
Trong bài thơ "Hồi hương ngẫu thư" của Hạ Tri Chương , nhà thơ đã thể hiện nỗi xót xa của mình khi trở về quê mà "nhi đồng tương kiến bất tương thức". Đó là nỗi buồn khi con người trở về cố hương mà như người xa lạ, là nỗi xót xa cho thân phận mình, cho cuộc đời đã đổi thay theo năm tháng. ở bài thơ này Sầm Tham không dùng hình ảnh "nhi đồng" để nói lên nỗi xót xa ấy. Hình ảnh được nhà thơ sử dụng là "cây liễu bên bờ sông Phần". Trong lòng nhà thơ trở về mảnh đất cũ cũng như trở lại nhà, trở lại chốn thân quen, gắn bó, cảnh vật thì vẫn như xưa nhưng lòng người thì thay đổi. Cây liễu này có lẽ đã rất thân thuộc với nhà thơ. Thế nhưng, thời gian trôi, con người thay đổi, khiến cho những gì vốn thân quen cũng chẳng nhận ra nhau. Cây liễu chính là ẩn dụ tấm lòng con người thay đổi theo thời gian. Trạng thái "tương kiến dã y y" của cây liễu đã thể hiện hết sự xa lạ, đổi thay ấy. Tại sao nhà thơ không dùng hình ảnh một con người mà lại dùng hình ảnh "liễu". Đó chỉ là một thứ cây cỏ, là sự vật tưởng như bất biến đời đời mà tấm lòng trí nhớ vẫn dần phôi pha. Vậy thì lòng người theo năm tháng sẽ đổi thay đến thế nào. Hình ảnh "liễu" đã giúp tác giả thấm thía về sự trôi chảy của thời gian, sự xa lạ của lòng người. Chữ "khả liên" kia là dành cho khóm liễu hay nhà thơ dành cho chính mình.
Thời gian trong cuộc đời không chỉ là tuổi đời một con người. Nó còn là thời gian quá khứ - hiện tại, thời gian của nhiều thế hệ khác nhau,... một thời gian mang tính triết lý.
Đã không ít người phải đau lòng trước sự trôi chảy không ngừng - không nghỉ của thời gian. Khổng Tử từng nhìn dòng sông mà thốt lên "Thệ giá như tư phù, bất xá trú dạ" (cứ chảy mãi vậy thôi, không kể ngày đêm). Giữa sự đối lập của hiện tại và quá khứ, con người càng thấm thía quy luật tàn phá của thời gian.
"Tân gia Mạnh Thành khẩu
Cổ mộc dư suy liễu
Lai giả phục vi thùy?
Không bi tích nhân hữu"
(Mạnh Thành Ao - Vương Duy).
(Mới dời nhà đến cửa thung Mạnh Thành
Cây cổ còn lại vài gốc liễu cỗi
Sau ta người ở đây là ai?
Xót xa làm gì khi thấy những cái của người trước).
Hình ảnh cây liễu trong bài thơ là nơi hội tụ của thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai. Chữ "cổ, mộc" khiến cho "liễu" dường như là một sự vật của quá khứ nhưng nó sống ở hiện tại, và sẽ tồn tại trong tương lai. Con người thì tan biến theo thời gian. Nhà thơ nhìn vào hình ảnh ấy mà tự cảm thấy xót xa. Bởi lẽ quá khứ thì đã không còn, hiện tại hôm nay cũng sẽ là quá khứ trong tương lai. Con người không khỏi đau đớn khi nghĩ đến "người sau" cũng chỉ thấy một gốc liễu già mà thôi. Bản thân mình cũng như "tích nhân" sẽ tan biến đi không còn dấu vết gì trong cuộc đời. Cây liễu là một hình ảnh đầy tính triết lý về sự trôi chảy của thời gian. Hình ảnh liễu ở đây cũng giống như hình ảnh "đào hoa y cựu" trong thơ Thôi Hiệu "nói về sự bất biến của thiên nhiên làm bật lên sự khả biến vô thường của số phận con người" (Nguyễn Thị Bích Hải). Với thủ pháp đồng hiện, chỉ bằng một gốc liễu nhà thơ đã cho người đọc thấy cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Cái "bi" của con người là sự đau lòng trước tính chất vận động một chiều đầy khắc nghiệt của thời gian.
Trong nhiều bài thơ, cây liễu giống như một chứng nhân của lịch sử, của cuộc đời "thương hải tang điền".
"Giang vũ phi phi giang thảo tề
Lục triều như mộng điểu không đề
Vô tình tối thị Đài thành liễu
Y cựu yên lung thập lý đê"
(Kim Lăng đồ - Vi Trang)
(Mưa trên sông bời bời, cỏ trên sông tươi thắm
Sáu triều vua như giấc mộng, chim bâng khuâng hót
Vô tình bậc nhất là liễu ở Đài Thành
Vẫn y nguyên trong bóng khói của dải đê mười dặm).
Hình ảnh cây liễu trong "Mạnh Thành Ao" là điểm hội tụ của thời gian. Trước gốc liễu nhà thơ nhìn vào quá khứ, nghĩ đến tương lai mà tự xót xa cho bản thân mình ở hiện tại. Còn "liễu" trong bài thơ "Kim Lăng Đồ" tuy cũng là điểm hội tụ của thời gian, nhưng nó chỉ thể hiện quá khứ xa xưa và hiện tại hôm nay. Nỗi lòng của tác giả được bộc lộ khi nhìn thấy quy luật lạnh lùng đến tàn nhẫn của thời gian. Trước cảnh "lục triều như mộng" (sáu triều đại như giấc mộng) ngay cả "chim" cũng "bâng khuâng hót", còn biểu tượng của thời gian là "liễu" thì vẫn "vô tình". Lý Bạch cũng từng cảm thán khi nhìn thấy màu xanh của chồi liễu "cựu uyển hoang đài, dương liễu tân". Cuộc thịnh suy của bao nhiêu triều đại vẫn nằm trong quy luật bất biến. "Liễu" theo quy luật của tự nhiên cứ mọc xanh, cứ đâm chồi. Sự đối lập của cái mới và cái cũ; của quá khứ và hiện tại, của cái đã tan biến và cái còn tồn tại cho thấy sự tàn phá vô tình của thời gian. Đỗ Phủ cũng từng đặt câu hỏi "Tế liễu, tân bồ vị thùy lục" (Cây bồ non liễu mềm vì ai mà xanh) khi thấy cảnh "Giang đầu cung điện tỏa thiên môn" (Hàng nghìn cửa cung điện bên sông khóa im ỉm) (Ai giang đầu). Nhưng đó là quy luật tất yếu của thiên nhiên. Những gì thuộc về con người thì sẽ dần mất đi, còn những gì thuộc về vũ trụ như hình ảnh cây liễu kia thì còn mãi. "Liễu" là hình ảnh mang tính triết lý sâu sắc về cuộc đời, về sự chảy trôi của thời gian.
Cuộc đời và thời gian luôn là những khái niệm ám ảnh con người. Giữa vũ trụ bao la, đời người thật nhỏ bé, ngắn ngủi, hữu hạn. Với quan niệm nhân sinh như thế, các tác giả đời Đường đã bộc lộ những triết lý suy ngẫm rất riêng trong từng tác phẩm. Và sử dụn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bao cao.doc
- muc luc.doc