Nghề y là một nghề đặc biệt, nghề quản lý sức khoẻ - vốn quý nhất của con
người. Để đảm nhận được nhiệm vụ cao quý đó, nhân lực ngành y tế đóng vai trò đặc
biệt quan trọng. Trong đó, nguồn nhân lực y tế phải đáp ứng được đầy đủ các năng
lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cũng như kế thừa và phát triển được tinh hoa
của nền y học Việt Nam. Hệ thống đào tạo nhân lực y tế nước ta đã có nhiều phát
triển vượt bậc trong khoảng 10 năm qua. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách
nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Nhiều
hình thức đào tạo, mô hình, đề án đào tạo được triển khai thí điểm và đã đem lại hiệu
quả cũng như bài học kinh nghiệm quý giá. Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục và đào tạo, tiến tới tự chủ đại học ở các cơ sở giáo dục, chúng ta cần
thiết phải tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, thảo luận và trao đổi để đưa ra những
giải pháp nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực y tế phù hợp với nhu cầu phát
triển kinh tế và văn hoá xã hội Việt Nam
6 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 17/05/2022 | Lượt xem: 404 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế chất lượng cao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
81
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ
CHẤT LƯỢNG CAO
GS. BS. Tạ Thành Văn*, PGS. BS. Kim Bảo Giang**
Tóm tắt
Nghề y là một nghề đặc biệt, nghề quản lý sức khoẻ - vốn quý nhất của con
người. Để đảm nhận được nhiệm vụ cao quý đó, nhân lực ngành y tế đóng vai trò đặc
biệt quan trọng. Trong đó, nguồn nhân lực y tế phải đáp ứng được đầy đủ các năng
lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cũng như kế thừa và phát triển được tinh hoa
của nền y học Việt Nam. Hệ thống đào tạo nhân lực y tế nước ta đã có nhiều phát
triển vượt bậc trong khoảng 10 năm qua. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách
nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Nhiều
hình thức đào tạo, mô hình, đề án đào tạo được triển khai thí điểm và đã đem lại hiệu
quả cũng như bài học kinh nghiệm quý giá. Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục và đào tạo, tiến tới tự chủ đại học ở các cơ sở giáo dục, chúng ta cần
thiết phải tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, thảo luận và trao đổi để đưa ra những
giải pháp nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực y tế phù hợp với nhu cầu phát
triển kinh tế và văn hoá xã hội Việt Nam.
Từ khóa: Nhân lực y tế; đào tạo; cơ sở giáo dục
1. Đặt vấn đề
Nhân lực ngành y tế (bao gồm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược sĩ, kĩ
thuật viên...) là thành phần vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế
có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân và đạt được các mục
tiêu Phát triển bền vững liên quan đến sức khoẻ. Đội ngũ nhân lực y tế đa chuyên
ngành, có chuyên môn tốt có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao và
lấy người dân làm trung tâm là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu y tế đang thay
đổi tại Việt Nam, đặc biệt là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm và già hoá
dân số.
Về hệ thống đào tạo nhân lực y tế, nước ta đang có ba loại trường đào tạo nhân
lực y tế là trung cấp, cao đẳng và đại học. Ngoài ra, các viện nghiên cứu có thể đào
tạo tiến sĩ và thạc sĩ. Đến năm 2018, cả nước có 36 trường đại học, 41 trường cao
* Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội; Uỷ viên Uỷ ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực
** Trường Đại học Y Hà Nội
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
82
đẳng và 80 trường trung cấp đào tạo nhân lực y tế. Các trường đại học, cao đẳng
và trung cấp này có thể là trường đơn ngành (chỉ đào tạo tạo các văn bằng về y tế)
hoặc đa ngành (đào tạo nhân lực nhiều ngành khác nhau). Tại Việt Nam, số lượng
các cơ sở đào tạo y tế và sinh viên y khoa tốt nghiệp đã tăng lên nhanh chóng trong
hai thập kỷ qua. Số lượng trường đại học có đào tạo bác sĩ đã tăng gần gấp đôi kể
từ năm 1997, từ 9 trường lên đến tổng số hiện tại là 17 trường. Số lượng bác sĩ mới
tốt nghiệp hàng năm đã tăng gần gấp ba lần sau một thập kỷ, từ 3265 vào năm 2006
lên đến 9118 vào năm 2017. Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ so với số dân cũng tăng đáng kể:
năm 2011 là 7,3 bác sĩ và 1,92 dược sĩ/1 vạn dân thì đến năm 2015 là 8,0 bác sĩ và
2,41 dược sĩ/1 vạn dân. Đây mới là con số thống kê trong khu vực y tế công lập. Nếu
tính cả số bác sĩ đang công tác trong các cơ sở y tế tư nhân thì tỷ lệ này sẽ cao hơn.
Trong hơn 2 thập kỉ qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trong giáo dục
y học Việt Nam và đã tạo ra sự phát triển đáng kể cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh
đó, với sự hỗ trợ của các dự án nâng cao năng lực giảng dạy, các cơ sở đào tạo đã
tiếp cận được với các phương pháp giảng dạy mới trong đào tạo y khoa, bước đầu
xây dựng chuẩn kiến thức, thái độ, kỹ năng đối với bác sĩ đa khoa, nâng cao năng
lực đánh giá sinh viên và đổi mới chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển hệ
thống đào tạo nhân lực thuộc khối khoa học sức khoẻ trong cả nước. Có thể liệt kê
ở đây một số tồn tại chính như:
- Thiếu quy hoạch chiến lược dài hạn, trung hạn và ngắn hạn về quy mô và số
cơ sở đào tạo cùng với số lượng nhân lực cần đào tạo theo từng chuyên ngành, cấp
bậc, khu vực;
- Chưa có quy định, đánh giá (thi quốc gia) về năng lực cần phải đạt được trước
khi hành nghề độc lập. Chuẩn năng lực nghề nghiệp của các chuyên ngành, trình độ
chưa được xây dựng đầy đủ, chưa cập nhật làm cho các cơ sở đào tạo chưa có đủ căn
cứ định hướng xây dựng chuẩn đầu ra;
- Chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo chưa tương đồng; năng lực giảng viên
và nhân viên của nhiều cơ sở đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hội
nhập và phát triển trong thời kỳ mới;
- Trang thiết bị và cơ sở vật chất còn hạn chế; kết nối của các trường với các cơ
sở thực hành và cơ sở sử dụng lao động thiếu chặt chẽ, các chương trình liên kết
quốc tế, chương trình được công nhận quốc tế gần như chưa có và ít hơn nhiều so
với các ngành khác.
83
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thực trạng công tác quản lý Nhà nước trong đào tạo nhân lực y tế đã bộc lộ nhiều
bất cập:
- Chúng ta đã chậm ban hành hệ thống chính sách để phân định rõ 2 hướng đào tạo
để hình thành năng lực nghiên cứu (academic) và năng lực hành nghề (professional)
khám chữa bệnh. Điều đó đã tạo ra một cuộc “chạy đua” về bằng cấp suốt một thời
gian dài trong quá khứ, gây lãnh phí cho xã hội, đồng thời khiến cho đầu ra của các
chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn;
- Trong quản lý giáo dục, còn thiếu các quy định phù hợp với tính đặc thù của
ngành, chưa có các tiêu chí kiểm định riêng chương trình đào tạo khối ngành sức
khoẻ. Chất lượng đào tạo chưa được thẩm định khách quan;
- Chứng chỉ hành nghề cho người cung cấp dịch vụ được cấp một lần, trọn đời
không phải thi đã để “lọt lưới” những cán bộ y tế ra thị trường lao động mà không
đạt chuẩn chung quốc gia.
2. Giải pháp
2.1. Xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở đào tạo và nhân lực trong khối ngành
khoa học sức khoẻ cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phù hợp với nhu cầu chăm sóc
sức khoẻ toàn dân ở các khu vực địa lý trong cả nước. Quy hoạch cần được xây dựng
dựa trên đánh giá và phân tích nhu cầu chăm sóc sức khoẻ hiện tại và tương lai, từ
đó xác định và dự báo số lượng nhân lực y tế theo từng chuyên ngành, trình độ, khu
vực. Dựa trên quy hoạch này, các cơ sở đào tạo có thể xác định các ngành cần mở
mới, thay đổi, bổ sung và xác định chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành,
trình độ ở từng khu vực. Cơ quan quản lý dựa trên quy hoạch phát triển cụ thể để
điều phối, xác định định hướng và phê duyệt việc mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của
các cơ sở đào tạo.
2.2. Ban hành và thực hiện các văn bản công nhận liên thông giữa các chương
trình giáo dục nghề nghiệp như đào tạo chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý phù hợp với
các bậc của khung trình độ quốc gia Việt Nam, giải quyết những bất hợp lý do tồn
tại song song các hệ đào tạo khác nhau trong khối ngành khoa học sức khoẻ.
2.3. Ban hành các chuẩn năng lực nghề nghiệp của các vị trí việc làm thuộc khối
ngành khoa học sức khoẻ làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra của
các chương trình đào tạo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
2.4. Xây dựng các chính sách, quy định tăng cường tự chủ của các cơ sở đào
tạo gắn liền với trách nhiệm giải trình đảm bảo và cân đối chất lượng giữa các cơ
sở đào tạo.
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
84
2.5. Ban hành, điều chỉnh, cập nhật các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, các yêu
cầu, chỉ tiêu cụ thể và đặc thù cho xây dựng, phát triển các cơ sở đào tạo thuộc khối
ngành khoa học sức khoẻ, đảm bảo các cơ sở đào tạo thực sự có đủ điều kiện cho
đào tạo nhân lực y tế thuộc từng chuyên ngành. Xây dựng các chỉ số đặc thù cho các
cơ sở đào tạo theo các định hướng nghiên cứu và ứng dụng của khối ngành khoa học
sức khoẻ.
2.6. Ban hành các văn bản, quy định và thực hiện các kỳ thi chuẩn hoá đầu vào
và đầu ra cho các chương trình đào tạo thuộc khối ngành khoa học sức khoẻ đảm bảo
các đối tượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trong cả nước đều đạt chuẩn tối thiểu
theo quy định quốc gia. Xây dựng các trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp quốc
gia tại các khu vực phục vụ cho đánh giá đầu vào và đầu ra của các chương trình đào
tạo thuộc khối ngành khoa học sức khoẻ. Thực hiện thi tuyển sinh cho khối ngành
khoa học sức khoẻ chính xác, tin cậy, công bằng, khách quan.
2.7. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học khoa học sức khoẻ
cấp quốc gia, triển khai chương trình và ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và
cơ sở đào tạo giảng viên nguồn chất lượng cao cho khối ngành khoa học sức khoẻ;
có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng
của đất nước. Các cơ sở này sẽ là động lực để lan toả ra toàn bộ hệ thống.
2.8. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và nhân viên trong các cơ sở đào tạo
phục vụ cho hội nhập, phát triển và công nhận quốc tế, bao gồm trình độ chuyên
môn, phương pháp dạy học, đánh gia người học, năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng
dụng công nghệ dạy học, năng lực nghiên cứu khoa học.
2.9. Xây dựng các tiêu chuẩn để kiểm định và đánh giá chất lượng của các bệnh
viện, các cơ sở thực hành để chuẩn hoá các cơ sở thực hành, cơ sở liên kết đào tạo
cho các chương trình đào tạo bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật y học, v.v... Định
kỳ kiểm định các cơ sở này để đảm bảo chất lượng giáo dục.
2.10. Thành lập trung tâm kiểm định, đánh giá chất lượng thuộc khối ngành khoa
học sức khoẻ, đảm bảo hội nhập với cơ sở kiểm định và đánh giá chất lượng thuộc
khối ngành khoa học sức khoẻ quốc tế như Liên đoàn giáo dục y khoa thế giới và
các châu lục. Phát triển đội ngũ kiểm định viên, chuyên gia kiểm định đánh giá chất
lượng của khối ngành khoa học sức khoẻ.
2.11. Đẩy mạnh thực hiện kiểm định trong nước và quốc tế các chương trình đào
tạo. Xác định các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn về mức độ hội nhập và công
nhận quốc tế của từng ngành đào tạo theo lộ trình thời gian cụ thể.
85
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
2.12. Thúc đẩy thực hiện các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, thúc đẩy liên
thông chương trình đào tạo quốc tế, tuyển sinh các sinh viên, học viên nước ngoài,
thực hiện trao đổi sinh viên giảng viên quốc tế.
2.13. Tiếp tục thúc đẩy áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, lấy người học
làm trung tâm, phát triển các phương pháp đánh giá giá trị, tin cậy, hiện đại, công
bằng, và khách quan. Chú trọng đến phát triển các phương pháp dạy học hiện đại và
chuẩn bị cho các chuyển đổi cần thiết trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá.
2.14. Thực hiện các nghiên cứu phân tích, dự báo để xác định nhu cầu phát triển
nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tương lai, chú trọng đến tác động
của sự phát triển công nghiệp 4.0 và công nghệ trong khối ngành khoa học sức khỏe.
2.15. Đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công
nghệ trong khối ngành khoa học sức khoẻ, hình thành một số cơ sở đào tạo là trung
tâm nghiên cứu quốc gia ngang tầm quốc tế là nơi phát minh các ứng dụng khoa học
y học và sức khoẻ có giá trị phục vụ nhu cầu theo dõi, phát hiện, chăm sóc sức khoẻ.
2.16. Kiện toàn bộ máy quản lý các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành khoa học sức
khoẻ theo các quy định hiện hành. Xây dựng các văn bản, hướng dẫn về cơ chế hoạt
động của Hội đồng trường, các đơn vị trong cơ sở đào tạo và các cơ sở liên kết, cơ
sở thực hành và cơ quan quản lý.
2.17. Cần phải có giải pháp toàn diện và cơ bản về tài chính cho các cơ sở đào
tạo thuộc khối ngành Khoa học sức khoẻ. Cần tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo đối
với các ngành/chuyên ngành đặc thù trong khi phải tăng đầu tư phát triển cho các cơ
sở đào tạo và bệnh viện thực hành của trường. Cần tạo một cơ chế tài chính mở, tạo
môi trường tự chủ, năng động cho các cơ sở sở đào tạo nhân lực y tế.
3. Kết luận
Mục tiêu của chúng ta là phát triển nền giáo dục khối ngành Khoa học sức khoẻ
Việt Nam đáp ứng nhu cầu bao phủ chăm sức khoẻ toàn dân, tiên tiến và hội nhập
với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự tham
gia của cả hệ thống chính trị và quyết tâm cao của những người làm công tác quản
lý giáo dục cũng như của các cơ sở giáo dục thuộc khối ngành Khoa học sức khoẻ
trong cả nước. Trong đó, chúng ta cần phải tiến hành đồng thời nhóm các giải pháp
đồng bộ, bao gồm các giải pháp về chính sách, quy hoạch tổ chức hệ thống, đầu tư
và quản trị tài chính trong bối cảnh đổi mới và tự chủ đại học.
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
86
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Trung ương - Trường Đại học Y Hà Nội (2015). Báo cáo tổng
kết 30 năm đổi mới hệ thống y tế Việt Nam - Thành tựu và thách thức. Nhà xuất
bản Y học, Hà Nội.
2. Bộ Y tế (2016). Báo cáo tổng quan chung ngành y tế năm 2015, Nhà xuất bản Y
học, Hà Nội.
3. Tổng cục Thống kê (2015). Niên giám Thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội.
4. Tạp chí Cộng sản (2019). Phát triển nguồn nhân lực ngành y tế: Thực trạng và
giải pháp.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dao_tao_nguon_nhan_luc_nganh_y_te_chat_luong_cao.pdf