Mở đầu: Đối với bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não, việc đạt tái thông mạch máu não thì gắn liền với kết
cục lâm sàng tốt hơn. Solitaire là một thiết bị lấy huyết khối qua stent được thiết kế để đạt tái thông mạch máu
não nhanh chóng và cho thấy kết quả lâm sàng rất hứa hẹn.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá tính an toàn và hiệu quả phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
Solitaire ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.
Phương pháp nghiên cứu: 36 bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não nhập viện trong cửa sổ thời gian 8 giờ
tính từ lúc khởi phát triệu chứng sẽ được đưa vào nghiên cứu. Dụng cụ lấy huyết khối được sử dụng là thiết bị
tái thông mạch máu não Solitaire. Tiêu chí chính của nghiên cứu là kết cục lâm sàng ở thời điểm sau 3 tháng
được đánh giá bằng thang điểm Rankin hiệu chỉnh
6 trang |
Chia sẻ: tieuaka001 | Lượt xem: 777 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Đánh giá tính an toàn và hiệu quả phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học solitaire ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014 Nghiên cứu Y học
Thần Kinh 473
ĐÁNH GIÁ TÍNH AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ
PHƯƠNG PHÁP LẤY HUYẾT KHỐI BẰNG DỤNG CỤ CƠ HỌC
SOLITAIRE Ở BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ THIẾU MÁU NÃO
Vũ Anh Nhị*, Phạm Nguyên Bình**
TÓM TẮT
Mở đầu: Đối với bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não, việc đạt tái thông mạch máu não thì gắn liền với kết
cục lâm sàng tốt hơn. Solitaire là một thiết bị lấy huyết khối qua stent được thiết kế để đạt tái thông mạch máu
não nhanh chóng và cho thấy kết quả lâm sàng rất hứa hẹn.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá tính an toàn và hiệu quả phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
Solitaire ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.
Phương pháp nghiên cứu: 36 bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não nhập viện trong cửa sổ thời gian 8 giờ
tính từ lúc khởi phát triệu chứng sẽ được đưa vào nghiên cứu. Dụng cụ lấy huyết khối được sử dụng là thiết bị
tái thông mạch máu não Solitaire. Tiêu chí chính của nghiên cứu là kết cục lâm sàng ở thời điểm sau 3 tháng
được đánh giá bằng thang điểm Rankin hiệu chỉnh.
Kết quả: Ở thời điểm sau 3 tháng, 20 bệnh nhân (55,6%) đạt kết cục lâm sàng tốt (mRS ≤2); tỷ lệ tử vong
là 16,7%. Tỷ lệ đạt tái thông mạch máu não (TIMI ≥2) là 88,9%. Tỷ lệ xuất huyết não trong nghiên cứu là 36,1
%, trong đó xuất huyết não có triệu chứng là 11,1 %.
Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire là an toàn và hiệu quả.
Thiết bị Solitaire là một lựa chọn đầy hứa hẹn trong điều trị đột quỵ thiếu máu não bằng phương pháp can thiệp
nội mạch.
Từ khóa: Đột quỵ thiếu máu não, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, can thiệp nội mạch, thiết bị Solitaire.
ABSTRACT
SAFETY AND EFFICACY OF MECHANICAL THROMBECTOMY
WITH SOLITAIRE DEVICE FOR ISCHEMIC STROKE
Vu Anh Nhi, Pham Nguyen Binh
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 18 ‐ Supplement of No 1 ‐ 2014: 473 ‐ 478
Background: Prompt recanalization of cerebral arteries in patients diagnosed with ischemic stroke is
known to be associated with a better clinical outcome. Solitaire as a novel, stent retriever revascularization device
is designed to achieve rapid flow restoration showed very promising clinical results.
Objective: The aim of this study was to evaluate the safety and efficacy of mechanical thrombectomy
with solitaire device for ischemic stroke.
Methods: Thirty six patients presenting within 8h from stroke symptom onset were enrolled.
Mechanical recanalization was performed using a Solitaire Flow Restoration revascularization device. The
primary endpoint of the study was the clinical outcome rated with the help of the modified Rankin Scale (mRS) at
3 months.
Results: Twenty patients (55.6%) showed a good clinical outcome (mRS ≤2); the death rate was 16,7%.
Successful recanalization (TIMI ≥2) was 88.9%. Intracranial hemorrhage and symptomatic hemorrhage rate was
36.1% and 11.1%, respectively.
* Bộ môn Thần Kinh, ĐH Y Dược TP.HCM ** Bệnh viện Nhân Dân 115
Tác giả liên lạc: BS. Phạm Nguyên Bình ĐT: 0909333538 Email: pnbinh@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014
Chuyên Đề Nội Khoa 474
Conclusion: The study suggested that mechanical thrombectomy using a Solitaire stent was safety and
efficacy. The Solitaire device is a promissing thrombectomy tool for endovascular treatment in ischemic stroke.
Keywords: ischemic stroke, mechanical thrombectomy, endovascular treatment, Solitaire device.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng
hàng thứ ba và là nguyên nhân phổ biến nhất
gây tàn phế vĩnh viễn ở các nước công nghiệp
hóa. Trong bệnh lý đột quỵ, đột quỵ thiếu máu
não chiếm tỷ lệ cao nhất vào khoảng 85%. Đột
quỵ thiếu máu não gây ra bởi tình trạng tắc
nghẽn động mạch não cấp tính, dẫn đến suy
giảm dòng máu nuôi tại vùng nhu mô não do
động mạch đó chi phối. Mục tiêu chính trong
điều trị đột quỵ thiếu máu não giai đoạn sớm là
nhanh chóng tái thông mạch máu não bị tắc
nghẽn do huyết khối nhằm cứu lấy vùng nhu
mô não đang bị tổn thương(11). Tiêu sợi huyết
tĩnh mạch dùng chất hoạt hóa plasminogen mô
tái tổ hợp (rtPA) được xem là điều trị chuẩn mực
đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não nhập
viện sớm trong cửa sổ 4,5 giờ đầu tính từ lúc
khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng
3‐10 % bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não giai
đoạn cấp được điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch
do đa phần các bệnh nhân đến trễ nằm ngoài
cửa sổ điều trị hoặc do có những chống chỉ
định(1,2). Thêm vào đó, tiêu sợi huyết tĩnh mạch
có tỷ lệ tái thông mạch máu não còn chưa cao
đặc biệt đối với trường hợp tắc mạch máu lớn
(5,9‐13,9% đối với tắc động mạch cảnh trong,
28,9‐54,7 % đối với tắc động mạch não giữa, 30‐
80 % đối với tắc hệ động mạch cột sống thân
nền)(8,9,12) và thường bị tái tắc mạch máu sau điều
trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch(5). Những bệnh nhân
này được xem là ứng viên cho điều trị can thiệp
lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Cho đến
nay, có nhiều dụng cụ cơ học đã được phát triển
để điều trị lấy huyết khối, tuy vậy chưa có dụng
cụ nào được chấp nhận rộng rãi như là một
dụng cụ tái thông mạch máu não chuẩn mực.
Thiết bị tái thông mạch máu Solitaire là một
dụng cụ cơ học mới, lấy huyết khối qua stent,
được xem như là một ứng viên nổi trội với ưu
điểm khôi phục dòng máu ngay lập tức khi
bung stent tạm thời, có thể lấy hoàn toàn huyết
khối, đạt tỷ lệ tái thông mạch máu cao. Tại Việt
Nam, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học chưa
được phổ biến rộng rãi và chưa có nghiên cứu
nào về thiết bị lấy huyết khối Solitaire trong điều
trị đột quỵ thiếu máu não. Mục đích của nghiên
cứu này là đánh giá tính an toàn (thông qua tỷ lệ
tử vong và tỷ lệ xuất huyết não) và tính hiệu quả
(thông qua tỷ lệ đạt kết cục lâm sàng tốt và tỷ lệ
đạt tái thông mạch máu não) của phương pháp
lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire ở
bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não. Các dữ kiện
này giúp đánh giá một phương pháp điều trị
mới trong bệnh cảnh đột quỵ thiếu máu não và
như vậy có thể giúp các bác sĩ thực hành lâm
sàng có thêm một giải pháp điều trị.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu là nghiên cứu tiến cứu, loạt ca
liên tiếp mô tả dọc, 36 bệnh nhân được đưa vào
nghiên cứu trong khoảng thời gian từ tháng
4/2012 đến tháng 3/2013. Bệnh nhân có triệu
chứng đột quỵ nhập viện trong cửa sổ thời gian
8 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng sẽ được
thăm khám lâm sàng, đánh giá tình trạng chức
năng thần kinh và được chụp cắt lớp vi tính sọ
não nhằm loại trừ xuất huyết não. Bệnh nhân
đến sớm trong 4,5 giờ đầu sẽ được điều trị tiêu
sợi huyết tĩnh mạch. Bệnh nhân có chống chỉ
định hoặc thất bại với tiêu sợi huyết tĩnh mạch
hoặc đến trễ sau thời điểm 4,5 giờ sẽ được đánh
giá tình trạng mạch máu não bằng chụp cắt lớp
vi tính có bơm thuốc cản quang hoặc cộng
hưởng từ mạch máu não. Nếu có bằng chứng tắc
nghẽn mạch máu lớn nội sọ (động mạch cảnh
trong, động mạch não giữa (đoạn M1, M2), hoặc
động mạch cột sống hay thân nền và thỏa tiêu
chuẩn chọn mẫu (bảng 1) sẽ được đưa vào
nghiên cứu. Những bệnh nhân này sẽ được tiến
hành can thiệp nội mạch lấy huyết khối tại đơn
vị chụp mạch máu xóa nền. Thiết bị được sử
dụng là thiết bị tái thông mạch máu não Solitaire
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014 Nghiên cứu Y học
Thần Kinh 475
(ev3, Irvine, California). Kết quả tái thông mạch
máu não được đánh giá bằng thang điểm TIMI
(Thrombolysis In Myocardial Infarction). Sau
điều trị can thiệp, bệnh nhân được chăm sóc và
theo dõi tiếp tại đơn vị đột quỵ. Bệnh nhân được
thăm khám và đánh giá chức năng thần kinh
theo thang điểm NIHSS và thang điểm Rankin
hiệu chỉnh ở các thời điểm sau 24 giờ, sau 7 ngày
(hoặc khi xuất viện nếu sớm hơn) và sau 3
tháng. Tại thời điểm 24 giờ, bệnh nhân còn được
đánh giá tình trạng mạch máu não bằng chụp
cộng hưởng từ não, chụp cắt lớp vi tính có bơm
thuốc cản quang hoặc siêu âm xuyên sọ. Trong
thời gian nằm viện, nếu tình trạng thần kinh
diễn tiến xấu hơn, bệnh nhân ngay lập tức được
chụp cắt lớp vi tính sọ não để đánh giá tổn
thương não.
Tiêu chí chính của nghiên cứu là kết cục lâm
sàng ở thời điểm sau 3 tháng được đánh giá
bằng thang điểm Rankin hiệu chỉnh (modified
Rankin scale). Kết cục lâm sàng được đánh giá là
tốt khi mRS ≤2. Tiêu chí phụ là tỷ lệ đạt tái thông
mạch máu não được đánh giá bằng thang điểm
TIMI với định nghĩa đạt tái thông mạch máu
não khi TIMI ≥2. Tiêu chí đánh giá sự an toàn
của phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ
cơ học Solitaire là biến cố xuất huyết não mà chủ
yếu là xuất huyết não có triệu chứng và tỷ lệ tử
vong do mọi nguyên nhân tại thời điểm sau 3
tháng.
Công cụ thu thập số liệu
Bảng thu thập số liệu
Xử lý số liệu
Số liệu được mã hóa và phân tích bằng phần
mềm SPSS 16.0
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013, có tổng
cộng 36 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu.
Tuổi trung bình của dân số nghiên cứu là 61,5 ±
13,8 tuổi (37‐86 tuổi). Nam giới có 25 bệnh nhân,
chiếm tỷ lệ 69,4%; nữ giới có 11 bệnh nhân,
chiếm tỷ lệ 30,6%. Điểm NIHSS trung bình lúc
nhập viện là 17,8 ± 5,5. Trong số 36 bệnh nhân,
có 21 bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết tĩnh
mạch kết hợp với điều trị lấy huyết khối bằng
dụng cụ cơ học Solitaire; 15 bệnh nhân được can
thiệp nội mạch bằng dụng cụ cơ học Solitaire
đơn thuần mà không có điều trị tiêu sợi huyết
tĩnh mạch trước đó. Tất cả bệnh nhân đều có tắc
động mạch lớn nội sọ với điểm TIMI bằng 0 lúc
nhập viện. Tắc động mạch cảnh trong là 17
trường hợp, động mạch não giữa là 17 trường
hợp và 2 trường hợp tắc động mạch thân nền.
Tính an toàn
Biến cố xuất huyết não chung ghi nhận ở
13/36 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 36,1%. Xuất huyết
não có triệu chứng là 4/36 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ
11,1%. Tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân là
16,7% (6/36 bệnh nhân).
Tính hiệu quả
Tỷ lệ đạt kết cục lâm sàng tốt (mRS ≤2) ở
thời điểm sau 3 tháng là 55,6% (20/36 bệnh
nhân). Tỷ lệ đạt tái thông mạch máu (TIMI ≥2) là
88,9% (32/36 bệnh nhân), trong đó đạt tái thông
hoàn toàn TIMI 3 chiếm 33,3% (12/36 bệnh
nhân).
BÀN LUẬN
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá
tính an toàn và hiệu quả của phương pháp lấy
huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire.
Chúng tôi ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân phục hồi
chức năng thần kinh tốt, tương đương điểm
Rankin hiệu chỉnh 0‐2 tại thời điểm ba tháng là
55,6%. Kết quả này là tương đương với nghiên
cứu SWIFT với nhóm can thiệp bằng thiết bị
Solitaire (58,2%)(6) và tốt hơn so với các nghiên
cứu PROACT II (40%), MERCI (27,7%), Multi‐
MERCI (36%), Penumbra Pivotal Stroke
(25%)(3,4,7,10). Sự cải thiện kết cục lâm sàng có thể
được giải thích là do trong khi lấy huyết khối,
thiết bị Solitaire có khả năng tạo ra một kênh tái
thông tạm thời bên trong cục huyết khối và ngay
lập tức khôi phục dòng tưới máu não, giúp giảm
thể tích vùng nhồi máu não. Đây là một đặc
điểm mà các thiết bị như Merci hay Penumbra
không thể có được. Ngoài ra, trong nghiên cứu
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014
Chuyên Đề Nội Khoa 476
của chúng tôi, tỷ lệ đạt tái thông mạch máu não
rất cao (88,9%). Theo một phân tích gộp của Rha
và Saver, việc tái thông mạch máu não có thể
làm tăng khả năng đạt kết quả phục hồi chức
năng thần kinh tốt gấp 4,4 lần(8). Thêm vào đó,
chúng tôi ghi nhận tuổi cũng có liên hệ đến kết
cục lâm sàng với điểm Rankin hiệu chỉnh 0‐2 ở
bệnh nhân trên 70 tuổi chiếm tỷ lệ 20 % thấp
hơn so với nhóm bệnh nhân dưới 70 tuổi (80 %)
và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p =
0,009).Tuổi trung bình dân số nghiên cứu của
chúng tôi (61,5) thấp hơn so với tuổi trung bình
của các nghiên cứu khác như PROACT II (64),
MERCI (67), Multi‐MERCI (68), Penumbra
Pivotal Stroke (64), SWIFT (67). Bệnh nhân càng
lớn tuổi thì càng nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch
và các bệnh lý phối hợp khác đi kèm làm tăng
nguy cơ tàn phế và tử vong. Điều này cũng có
thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Tiêu sợi huyết tĩnh mạch có mặt hạn chế là
tỷ lệ tái thông mạch máu não còn chưa cao đối
với trường hợp tắc mạch máu lớn, do đó làm
giảm kết quả phục hồi chức năng thần kinh sau
ba tháng ở nhóm bệnh nhân này. Trong nghiên
cứu của chúng tôi, tắc động mạch cảnh trong là
17 trường hợp, động mạch não giữa là 17 trường
hợp và 2 trường hợp tắc động mạch thân nền.
Tỷ lệ đạt tái thông mạch máu là 32/36 trường
hợp (88,9%). Kết quả này là tương đương với kết
quả trong nghiên cứu SWIFT (89%) và vượt trội
so với tỷ lệ tái thông trong nghiên cứu PROACT
II (66%), MERCI (48%), Multi MERCI (69,5%),
Penumbra Pivotal Stroke (81,6%). Nếu xét theo
vị trí động mạch bị tắc, tỷ lệ tái thông mạch máu
này là 88% đối với động mạch cảnh trong và
động mạch não giữa, và 100% đối với động
mạch thân nền. Điều này cho thấy thiết bị
Solitaire rất hiệu quả trong việc lấy huyết khối
và và tái thông mạch máu bị tắc nghẽn, đặc biệt
là các động mạch lớn nội sọ vốn thường bị tắc
nghẽn do cục huyết khối kích thước lớn. Một lý
do có thể giải thích cho tính hiệu quả của thiết bị
là do Solitaire là stent tự bung; khi được bung ra
sẽ ép và gắn chặt vào cục huyết khối ở những
điểm bắt chéo trên bộ khung của stent, giúp cho
kéo cục huyết khối một cách chắc chắn hơn là
thiết bị Merci, vốn có hình dạng xoắn ốc, gắn kết
vào huyết khối lỏng lẻo hơn và có khuynh
hướng dễ trượt xuyên qua cục huyết khối hơn là
kéo toàn bộ huyết khối(6). Vì vậy thiết bị Solitaire
giúp tái thông mạch máu nhanh chóng và hiệu
quả.
Trong nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận có
13/36 trường hợp có xuất huyết não, chiếm
36,1%, trong đó xuất huyết não có triệu chứng là
4 trường hợp (11,1%). Xuất huyết não có triệu
chứng là biến chứng quan trọng vì có liên quan
đến tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Trong nghiên
cứu của chúng tôi, xuất huyết não có triệu chứng
có liên hệ đến kết cục lâm sàng (p = 0,031). Trong
bốn bệnh nhân xuất huyết não có triệu chứng,
ba bệnh nhân đạt điểm Rankin hiệu chỉnh 5 và
một tử vong, không có bệnh nhân nào có kết cục
điểm Rankin hiệu chỉnh 0‐2. Tỷ lệ xuất huyết
não có triệu chứng trong nghiên cứu của chúng
tôi là tương đương với các nghiên cứu PROACT
II, Multi MERCI và Penumbra Pivotal Stroke
nhưng lại cao hơn hẳn so với nghiên cứu SWIFT.
Có thể lý giải điều này là do trong nghiên cứu
của chúng tôi, có 21/36 bệnh nhân (58,3%) được
điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch kết hợp với lấy
huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire, trong
khi ở nghiên cứu SWIFT phần lớn chỉ dùng
dụng cụ đơn thuần. Liều rtPA càng cao thì tỷ lệ
xuất huyết não có triệu chứng sẽ càng tăng.
Solitaire với bản chất là một stent nên khi được
bung ra sẽ bao và ép lấy huyết khối, làm giảm
sự kết dính của huyết khối vào thành mạch,
đồng thời tạo áp lực lên thành mạch ít hơn so
với thiết bị Merci, hạn chế tổn thương mạch
máu(6). Điều này làm cho thiết bị Solitaire có thể
tái thông mạch máu an toàn và ít gây xuất huyết
não.
Tỷ lệ tử vong ở thời điểm ba tháng do tất cả
các nguyên nhân là 6/36 (16,7%). Kết quả này
tương đương so với kết quả của nghiên cứu
SWIFT là 17% và thấp hơn đáng kể so với
nghiên cứu PROACT II, Penumbra Pivotal
Stroke, Multi‐MERCI và MERCI lần lượt là 25 %,
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014 Nghiên cứu Y học
Thần Kinh 477
32,8 %, 34% và 43 % . Tỷ lệ tử vong thấp trong
nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự an toàn
của thiết bị Solitaire so với dùng phương pháp
tiêu sợi huyết động mạch, thiết bị Merci và hệ
thống Penumbra.
KẾT LUẬN
Dựa trên kết quả nghiên cứu, Solitaire là
thiết bị can thiệp nội mạch đáng tin cậy, cung
cấp thêm một giải pháp điều trị cho những bệnh
nhân đột quỵ thiếu máu não có chống chỉ định
hoặc thất bại với tiêu sợi huyết tĩnh mạch.
Phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ
học Solitaire đã cho thấy tính an toàn và tính
hiệu quả trong điều trị đột quỵ thiếu máu não
bằng phương pháp can thiệp nội mạch.
Bảng 1: Tiêu chuẩn chọn mẫu
Tiêu chuẩn nhận vào Tiêu chuẩn loại trừ
Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp.
NIHSS ≥8 và ≤30.
Thời gian: khởi phát - điều trị ≤8 giờ.
Chống chỉ định hoặc thất bại với tiêu sợi huyết tĩnh mạch hoặc
đến trễ sau thời điểm 4,5 giờ.
Bệnh nhân có tắc động mạch cảnh trong, động mạch não giữa,
động mạch thân nền hoặc cột sống – CTA/MRI/DSA
NIHSS ≥30 hoặc hôn mê.
Triệu chứng thần kinh cải thiện nhanh chóng trước điều trị.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Bệnh nhân dị ứng thuốc cản quang.
Tăng huyết áp với huyết áp tâm thu ≥185 mmHg hoặc huyết
áp tâm trương ≥110 mmHg mà chưa được kiểm soát tốt.
Đang dùng kháng đông với INR ≥3.0
Tiểu cầu ≤30.000
Đường huyết ≤50 mg/dL
Động mạch uốn khúc ngoằn ngoèo không tiếp cận được
mạch máu bị tắc.
Thời gian sống còn ≤90 ngày.
CT scan sọ hoặc MRI não: xuất huyết não, hiệu ứng choán
chỗ hoặc u nội sọ
Chụp hình mạch máu não: bóc tách động mạch cảnh, tắc
nghẽn hoàn toàn động mạch cảnh đoạn cổ hoặc viêm mạch
Bảng 2 : So sánh giữa nghiên cứu của chúng tôi với các nghiên cứu khác
PROACT II MERCI Multi-MERCI Penumbra SWIFT Nghiên cứu này
Số bệnh nhân 121 141 164 125 58 36
Tuổi (năm) 64 67 68 64 67 61,5
Điểm NIHSS trung bình 17 20 19 18 17 18
mRS ≤2 sau 3 tháng (%) 40 27,7 36 25 58,2 55,6
Tỷ lệ tái thông (%) 66 48 69,5 81,6 89 88,9
Tỷ lệ XHN có TC (%) 10,9 7,8 9,8 11,2 1,7 11,1
Tỷ lệ XHN chung (%) 35,9 35,5 38,7 28 15,5 36,1
Tỷ lệ tử vong (%) 25 43,5 34 32,8 17 16,7
Ghi chú: XHN: xuất huyết não, XHN có TC: xuất huyết não có triệu chứng
Bảng 3: Đặc điểm dân số nghiên cứu
Đặc điểm
Tuổi (năm) 61,5 ± 13,8
Giới nam 25 (69,4%)
Điểm NIHSS trung bình 17,8
Tăng huyết áp 26 (72,2 %)
Đái tháo đường 61 (6,7 %)
Hút thuốc lá 11 (30,6 %)
Rối loạn lipid máu 16 (44,4 %)
Đặc điểm
Vị trí động mạch tắc
Động mạch cảnh trong 17 (47,2%)
Động mạch não giữa 17 (47,2%)
Động mạch thân nền 2 (5,6%)
Bệnh nhân có điều trị TSH TM 21 (58,3 %)
Thời gian khởi phát - can thiệp (phút) 231,7 ± 71,6
Ghi chú: TSH TM: tiêu sợi huyết tĩnh mạch; KP‐TT:
thời gian từ lúc khởi phát triệu chứng đột quỵ đến
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 1 * 2014
Chuyên Đề Nội Khoa 478
lúc đạt tái thông mạch máu não; giá trị ±: trung bình
± độ lệch chuẩn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abou‐Chebl A (2010). Endovascular treatment of acute ischemic
stroke may be safely performed with no time window limit in
appropriately selected patients. Stroke, 41, pp. 1996‐2000.
2. Bambauer KZ, Johnston SC, Bambauer DE, Zivin JA (2006).
Reasons why few patients with acute stroke receive tissue
plasminogen activator. Arch Neurol, 63, pp. 661‐664.
3. del Zoppo GJ,Higashida RT, Furlan AJ, Pessin MS, Rowley HA,
Gent M (1998). PROACT: a phase II randomized trial of
recombinant pro‐urokinase by direct arterial delivery in acute
middle cerebral artery stroke. Stroke, 29, (1), pp. 4‐1.
4. Gobin YP, Starkman S, Duckwiler GR, et al (2004). MERCI 1: a
phase 1 study ofmechanical embolus removal in cerebral
ischemia. Stroke, 35, pp. 2848‐2854.
5. Grotta J.C, Alexandrov A.V (2002). Arterial reocclusion in stroke
patients treated with intravenous tissue plasminogen activator.
Neurology, 59, pp. 862‐867.
6. Jeffrey L Saver, Elad I Levy, Tudor G Jovin, Blaise Baxter, Raul
G Nogueira, Wayne Clark, Ronald Budzik, Osama O Zaidat, for
the SWIFT Trialists (2012). Solitaire flow restoration device
versus the Merci Retriver in patients with acute ischaemic
stroke (SWIFT): a randomised, parallel‐group, non‐inferiority
trial. The Lancet, 380, pp. 1241‐1249.
7. Penumbra Pivotal Stroke Trial Investigators (2009). The
penumbra pivotalstroke trial: safety and effectiveness of a new
generation of mechanical devices for clot removal in intracranial
large vessel occlusive disease. Stroke, 40, pp. 2761–2768.
8. Rha JH, Saver JL (2007). The impact of recanalization on
ischemic stroke outcome: a meta‐analysis. Stroke, 38, pp. 967–
973.
9. Saqqur M, Uchino K, Demchuk AM, Molina CA,Garami Z,
Calleja S, Akhtar 41.N, Orouk RO, Salam A,Shuaib A,
Alexandrov AV, and for CLOTBUST Investigators (2007). Site
of arterial occlusion identified by transcranial Doppler predicts
the response to intra‐venous thrombolysis for stroke. Stroke, 38,
pp. 948‐954.
10. Smith WS, Sung G, Saver J, et al (2008). Mechanical
thrombectomy for acute ischemic stroke:final results of the
multi MERCI trial. Stroke, 39, pp. 1205‐1212.
11. Vũ Anh Nhị (2005). Mạch máu não và Tai biến mạch máu não.
In: Vũ Anh Nhị. Thần kinh học, pp. 232‐255, Nhà xuất bản Y học
TP Hồ Chí Minh.
12. Wolpert SM, Bruckmann H, Greenlee R, Wechsler L, Pessin MS,
del Zoppo GJ, and the rt‐PA Acute Stroke Study Group (1993).
Neuroradiologic evaluation of patients with acute stroke treated
with recombinant tissue plasminogen activator. AJNR Am J
Neuroradiol, pp. 3‐13.
Ngày nhận bài báo: 01/11/2013
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 30/11/2013
Ngày bài báo được đăng: 05/01/2014
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 473_1_1174.pdf