Lứa tuổi thiếu niên là lứa tuổi có nhiều biến động trong tâm lý, là lứa
tuổi mà nhân cách con người bắt đầu qui tụ và nẩy nở. Ở lứa tuổi này,
trong các em có một sức sống mạnh mẽ và đồng thời đây cũng là lứa
tuổi mà sự cân bằng bị phá vỡ. Các em thiếu niên không còn là trẻ em,
nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Ở độ tuổi các em còn thiếu kinh
nghiệm, kiến thức còn non kém. Nếu như thiếu sự giúp đỡ, giáo dục
đúng đắn, kịp thời của người lớn thì các em rất dễ bị ngã vào những vấn
đề tiêu cực của cuộc sống.
11 trang |
Chia sẻ: ngocly | Lượt xem: 1463 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Đặc điểm tâm lý của tuổi thiếu niên Phật tử và phương pháp giáo dục, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đặc điểm tâm lý của tuổi thiếu niên Phật tử
và phương pháp giáo dục
Lứa tuổi thiếu niên là lứa tuổi có nhiều biến động trong tâm lý, là lứa
tuổi mà nhân cách con người bắt đầu qui tụ và nẩy nở. Ở lứa tuổi này,
trong các em có một sức sống mạnh mẽ và đồng thời đây cũng là lứa
tuổi mà sự cân bằng bị phá vỡ. Các em thiếu niên không còn là trẻ em,
nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Ở độ tuổi các em còn thiếu kinh
nghiệm, kiến thức còn non kém. Nếu như thiếu sự giúp đỡ, giáo dục
đúng đắn, kịp thời của người lớn thì các em rất dễ bị ngã vào những vấn
đề tiêu cực của cuộc sống.
Chính vì thế, giáo dục thiếu niên Phật tử là một vấn đề rất cần thiết cho
tương lai của đạo pháp và dân tộc. Người trồng cây muốn thu hoạch
được nhiều hoa lợi thì phải chăm bón ngay khi cây đang còn non. Chúng
ta muốn tương lai của đạo pháp, dân tộc, giống nòi được rạng rỡ thì
không thể không lưu tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ, nhất là lứa
tuổi thiếu niên.
Để công tác giáo dục cho thiếu niên Phật tử đạt được kết quả tốt, thiết
nghĩ chúng ta cần tìm hiểu những đặc điểm tâm lý của các em.
Ở lứa tuổi thiếu niên, do sự biến đổi lớn về mặt sinh học, sự phát triển
không đồng đều về các bộ phận của cơ thể, nhất là ở các chi, làm cho
các em thiếu niên có vẻ lóng ngóng, vụng về, không khéo léo khi làm
việc, thiếu thận trọng, hay làm đổ vỡ… Điều này gây cho các em cảm
giác khó chịu. Hơn nữa, hệ thần kinh của thiếu niên chưa có khả năng
chịu đựng những kích thích mạnh hoặc tính đơn điệu kéo dài. Chính
điều này thường gây cho các em tình trạng bị ức chế hay ngược lại là bị
kích động mạnh, dẫn đến những phản ứng tiêu cực, không đúng với bản
chất của các em. Vì thế, những người làm công tác giáo dục (cha mẹ, quí
thầy, quí cô, các anh chị huynh trưởng, thầy cô giáo,…) cần phải nhận
thấy được vấn đề này để có sự hướng dẫn và tác động phù hợp. Không
nên nói nặng lời với các em, biết thông cảm và ân cần khuyên nhủ các
em, phải hết sức thận trọng khi nhận xét các em; không nên chế giễu về
sự vụng về, lóng ngóng của các em.
Vấn đề tiếp theo là đặc điểm phát triển trí tuệ của lứa tuổi thiếu niên.
Hoạt động trí tuệ của các em thiếu niên phát triển hơn so với lứa tuổi
trước. Các em có khả năng phân tích, tổng hợp phức tạp hơn khi tri giác
các sự vật, hiện tượng. Trí nhớ cũng được nâng lên một trình độ cao
hơn, ghi nhớ máy móc dần dần nhường chỗ cho sự ghi nhớ logic và ghi
nhớ ý nghĩa. Vì thế, hiệu quả của việc ghi nhớ trở nên tốt hơn. Khả năng
tập trung sức chú ý của các em cũng mạnh hơn, bền vững hơn. Tuy
nhiên, tính lựa chọn sự chú ý phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của đối
tượng tri giác và mức độ hứng thú của các em với đối tượng đó. Khả
năng tư duy cũng cao hơn rất nhiều, tư duy trừu tượng, khái quát phát
triển mạnh. Chính những đặc điểm này đã nâng hoạt động học tập của
các em thiếu niên lên một tầm cao mới, trở thành hoạt động chủ đạo.
Hoạt động học tập đã tạo ra những biến đổi chủ yếu nhất trong tâm lý
của các em, trong đó có những biến đổi giữ vị trí trung tâm trong hệ
thống các chức năng tâm lý và có sự chi phối đến các biến đổi khác. Để
hoạt động học tập của các em đạt được chất lượng và hiệu quả cao,
người lớn cần phải hướng dẫn cho các em phương pháp tiếp thu và ghi
nhớ tài liệu học tập; hình thành cho các em kỹ năng tách ý, tách đoạn,
lập dàn ý, khái quát vấn đề và biết cách ôn tập đối với các nội dung học
tập; giải thích cho các em biết được tầm quan trọng của sự ghi nhớ chính
xác các định nghĩa, mệnh đề, các ý chính của bài học. Người lớn cần có
sự kiểm tra việc ghi nhớ của các em, cũng như trong quá trình giảng giải
thì nên có sự minh họa và liên hệ với thực tiễn để giúp các em nắm vấn
đề một cách sâu rộng hơn.
Có một điều mà người làm công tác giáo dục cần phải chú ý đó là động
cơ và thái độ học tập của các em thiếu niên. Các em có thể có những
động cơ và thái độ học tập khác nhau. Nhà giáo dục phải chỉ cho các em
thấy những mặt tốt, mặt không tốt, mặt tiêu cực và mặt tích cực của từng
động cơ và thái độ học tập, chính điều đó sẽ giúp các em hình thành
những động cơ và thái độ học tập đúng đắn, phù hợp và có ý nghĩa nhất.
Các em thiếu niên không còn là trẻ con nữa. Chính các em cũng ý thức
được vấn đề này. Cho nên các em có nhu cầu muốn trở thành người lớn,
muốn tự khẳng định mình và muốn được xem là người lớn. Điều này đã
đưa đến sự hình thành tính tích cực xã hội trong các em. Các em thích
được tham gia vào các hoạt động tập thể, các hoạt động mang tính xã
hội. Các em có nguyện vọng muốn đem lại điều tốt lành cho mọi người -
giúp mọi người trong cơn hoạn nạn, ốm đau; cảm thông sâu sắc với
những nỗi khổ cực, bất hạnh của người khác. Những mong muốn này
thường được các em ý thức rõ ràng, song đôi khi cũng chưa được ý thức
một cách đầy đủ. Hơn nữa, các em còn có tính bồng bột, thiếu chín chắn
trong suy nghĩ và thiếu thận trọng trong công việc. Cho nên nhiều người
lớn vẫn xem thiếu niên là trẻ con. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự khó
khăn trong mối quan hệ giữa thiếu niên và người lớn. Khó khăn này sẽ
được hóa giải nếu như người lớn biết tìm cho thiếu niên một vị trí phù
hợp bên cạnh mình, nếu mối quan hệ giữa thiếu niên và người lớn được
xem như là mối quan hệ “bạn bè”, hoặc là mối quan hệ có tính hợp tác
với những chuẩn mực đặc trưng của người lớn – đó là sự tôn trọng, tin
tưởng và giúp đỡ lẫn nhau.
Đôi khi chính người lớn đã làm thui chột tính tích cực ấy của thiếu niên.
Sự đánh giá thấp, xem thường và định kiến của người nhân chủ yếu. Để
phát huy tính tích cực xã hội của các em và hướng những khát vọng của
các em vào mục đích có ý nghĩa nhất định thì người lớn cần phải tôn
trọng các em, biết lắng nghe ý kiến và không quá khắt khe trong việc
đánh giá các em. Cần tổ chức các hoạt động xã hội có tính tích cực và
tạo điều kiện cho các em tham gia, làm sao thu hút được sự tham gia của
các em một cách tích cực nhất. Có thể thông qua những hoạt động tập
thể, những buổi sinh hoạt tập thể để giáo dục cho các em những đức tính
cao đẹp, khơi dậy và làm nảy nở những nghĩa cử cao đẹp trong các em
thông qua những mẫu chuyện, những tấm gương sáng trong văn học hay
trong hiện thực của cuộc sống, và có thể thông qua sự gương mẫu của
chính bản thân những người đang trực tiếp hướng dẫn, giáo dục các em.
S.Smiles đã khẳng định rằng: “Sự gương mẫu dù nó có im lặng cách
mấy vẫn là yếu tố giáo dục mạnh nhất trần gian”.
Ở lứa tuổi thiếu niên, các em bắt đầu biết ý thức về bản thân mình. Các
em biết tự đánh giá mình. Vấn đề này đã giúp cho các em bắt đầu nhận
thức rõ hơn về bản thân, biết đánh giá về những mặt tốt và chưa tốt của
mình. Sự nghĩ về tự thân, suy ngẫm về thế giới nội tâm của các em cũng
đã mở rộng sang cả lĩnh vực xúc cảm gắn với sự phân tích, đánh giá
những tình cảm đã trải nghiệm. Vì thế có một số em tỏ ra hối hận, ăn
năn về những tình cảm không tốt của mình, đôi khi các em căm thù
chính bản thân mình. Sự mặc cảm, tự ti cũng xuất phát từ đây. Mặt khác,
sự tự ý thức của các em thiếu niên dựa trên cơ sở đánh giá của người
lớn, trước hết là của cha mẹ, của những người lớn trong gia đình, của
những người dạy bảo và hướng dẫn các em. Do đó, để giúp các em đánh
giá phù hợp về bản thân và không đưa đến những tâm lý tiêu cực (tự ti,
mặc cảm) thì người lớn cần có sự đánh giá phù hợp về các em; không
được phủ đầu, chụp mũ các em, không nên quá khắt khe với các em.
Cần động viên, khích lệ các em và khen ngợi các em khi đáng khen. Và
một điều không kém phần quan trọng là người lớn phải tôn trọng và giữ
thể diện cho các em, không nên nói lỗi các em trước đám đông.
Cơ sở tự ý thức và nhận thức về thực tiễn cuộc sống đã hình thành ở các
em thiếu niên khả năng tự giáo dục. Các em có khát vọng muốn làm chủ
những phản ứng, những cảm xúc và toàn bộ hành vi của mình. Các em
muốn khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, những nét tính cách không
tốt và phát huy những nét tính cách tốt của bản thân. Ở các em có sự
định hình nhân cách của mình, hướng đến những chuẩn mực đạo đức,
những mục đích nhất định. Các em biết hướng đến tương lai. Ý chí, nghị
lực và tính kiên nhẫn là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định đến
kết quả của quá trình tự giáo dục ở các em. Vì thế, giáo dục ý chí, nghị
lực và tính kiên nhẫn cho các em là nhiệm vụ hết sức quan trọng của
người làm công tác giáo dục.
Cùng với hướng phát triển đó, đời sống tình cảm của các em thiếu niên
cũng sâu sắc và phức tạp hơn. Đặc điểm nổi bật của lứa tuổi này là các
em dễ bị kích động, vui buồn chuyển biến dễ dàng, tình cảm còn mang
tính bồng bột, hăng say và đôi khi có sự tự mâu thuẫn. Tuy vậy, tình
cảm của các em cũng đã bắt đầu biết phục tùng lý trí, tình cảm đạo đức
được phát triển mạnh.
Tình bạn bè, tinh thần tập thể cũng được phát triển mạnh. Tình bạn của
các em hình thành trên cơ sở cùng học tập, cùng sinh hoạt và cùng
chung một sở thích, hứng thú. Trong quan hệ bạn bè, các em đối với
nhau rất chân tình, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn,
hoạn nạn. Các em tin tưởng nhau và kể cho nhau nghe những điều thầm
kín nhất của mình. Các em muốn được hoạt động chung với bạn như
muốn lao động chung, chơi thể thao chung, giải trí chung…
Bên cạnh lòng mong muốn giao thiệp với bạn bè, không thể không kể
đến mối thiện cảm và sự quan tâm đến các bạn cùng lứa tuổi thuộc giới
khác. Sự quan tâm này được biểu hiện khác nhau ở các em trai và các
em gái. Ở các em trai, sự quan tâm đến bạn gái được biểu hiện dưới hình
thức khá thô bạo như kéo tóc bạn, xô đẩy bạn,… Còn ở các em gái thì
đôi khi được che đậy khá kín đáo. Ở tuổi thiếu niên, có em đã có “những
rung cảm đặc biệt” đối với người bạn khác giới. Có thể khẳng định rằng,
đây là hiện tượng bình thường. Cảm tình và sự thân thiết đối với bạn
khác giới cùng học ở lứa tuổi thiếu niên có ý nghĩa không nhỏ đối với sự
phát triển nhân cách của các em. Các em có thể động viên, giúp đỡ lẫn
nhau, gợi cho nhau và thúc đẩy nhau làm việc tốt, bảo vệ lẫn nhau. Đấy
là một động lực rất lớn giúp các em tự hoàn thiện bản thân mình. Tất
nhiên, trong quan hệ nam nữ ở lứa tuổi này cũng có thể có lệch lạc, đưa
các em đến chỗ đua đòi chơi bời, bỏ cả việc học tập và các công việc
khác. Vì thế, những người làm công tác giáo dục phải thấy được điều đó
để hướng dẫn, uốn nắn cho tình bạn khác giới ở lứa tuổi này thật lành
mạnh, trong sáng, và cần có sự tác động khéo léo, tế nhị, tránh những tác
động thô bạo đem đến những kết cục thương tâm. Có những em thiếu
niên đã phải tìm đến cái chết do sự tác động không đúng đắn của người
khác trong quan hệ tình bạn khác giới của mình.
Nhìn chung, các em thiếu niên có đặc điểm tâm lý khá phức tạp. Nếu
thiếu thận trọng thì nhà giáo dục rất dễ gây ra những phảp ứng tiêu cực
nơi các em. Giáo dục cho thiếu niên đã khó, giáo dục cho thiếu niên Phật
tử lại càng khó khăn hơn. Tại vì, trong khi giáo dục các em theo nền
tảng luân lý, đạo đức của Phật giáo, chúng ta không được phép làm mất
tính cách thiếu niên ở các em. Vì vậy, để có thể hướng dẫn các em thiếu
niên Phật tử theo con đường Chân - Thiện - Mỹ thì đòi hỏi người làm
công tác giáo dục phải có lòng thương yêu các em. Điều này thì người
Phật tử chúng ta đã sẵn có. Tuy nhiên, chỉ tình thương thôi thì chưa đủ,
chúng ta phải có sự hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý của các em, phải
hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện sống của các em; phải có sự khéo léo, thông
minh; phải có sự kiên trì, nhẫn nại và phải có một tâm hồn tươi trẻ.
Sự sai lầm trong lao động, sản xuất có thể sữa đổi được. Nhưng sự lầm
lỗi trong giáo dục, dù là rất nhỏ cũng khó lòng tẩy sạch. Vì vậy, những
ai làm công tác giáo dục cần phải hết sức thận trọng.
Quảng Trí
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dac_diem_tam_ly_cua_tuoi_thieu_nien_phat_tu_va_phuong_phap_giao_duc_2991.pdf