Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn và những đòi hỏi về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang chuyển từ hướng tiếp cận tri thức

sang hướng tiếp cận năng lực. Điều này được thể hiện ở Chương trình giáo dục phổ

thông tổng thể và chương trình các môn học. Sách giáo khoa mới cũng đang được

tiến hành biên soạn. Các khoa, ngành sư phạm đang cần thay đổi căn bản khâu đào

tạo giáo viên. Sự thay đổi bắt đầu đâu? Đi theo hướng nào? Những câu hỏi đó sẽ được

chúng tôi lần lượt trả lời ở bài viết này bằng cách đề xuất các giải pháp đổi mới cách

thức đào tạo giáo viên Ngữ văn.

pdf7 trang | Chia sẻ: Thục Anh | Lượt xem: 524 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn và những đòi hỏi về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỷ yếu hội thảo khoa học214 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN NGỮ VĂN VÀ NHỮNG ĐÒI HỎI VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TS. Đặng Lưu Viện Sư phạm xã hội, Trường Đại học Vinh Tóm tắt: Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang chuyển từ hướng tiếp cận tri thức sang hướng tiếp cận năng lực. Điều này được thể hiện ở Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học. Sách giáo khoa mới cũng đang được tiến hành biên soạn. Các khoa, ngành sư phạm đang cần thay đổi căn bản khâu đào tạo giáo viên. Sự thay đổi bắt đầu đâu? Đi theo hướng nào? Những câu hỏi đó sẽ được chúng tôi lần lượt trả lời ở bài viết này bằng cách đề xuất các giải pháp đổi mới cách thức đào tạo giáo viên Ngữ văn. I. Dẫn nhập Việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như chương trình các môn học (2018) cùng với lộ trình thay đổi sách giáo khoa phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoạch định khiến cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong cả nước phải xác định đúng vị thế, chức trách của mình nếu không muốn bị tụt hậu. Hơn lúc nào hết, một chương trình đào tạo giáo viên hiện đại, lấy chuẩn năng lực làm mục tiêu, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như khả năng tham gia của đội ngũ giảng viên vào việc đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn ở phổ thông trở thành lẽ sống còn của các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Có thể nói như vậy là bởi, đặt trong tiến trình giáo dục Việt Nam từ sau 1945 đến nay, chưa có sự thay đổi nào động chạm sâu rộng đến mọi đối tượng trong ngành và đặt ra những thách đố rõ ràng như việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa lần này. Trước đây, dù đã nhiều lần thay sách giáo khoa, nhưng rốt cuộc, những cải biến cũng chỉ diễn ra ở các đơn vị kiến thức trong hệ thống bài học mà thôi. Sự khác nhau về cấu trúc các bộ sách chưa thể hiện điều gì đáng kể. Ngay cả sách Ngữ văn hiện hành được biên soạn theo nguyên tắc tích hợp 3 trong 1, đã sử dụng rộng rãi suốt mười mấy năm nay cũng vẫn nằm trong quĩ đạo đó. Chính điều này đặt ra cho các cơ sở đào tạo giáo viên những nan đề, việc nhận thức đầy đủ sâu sắc về nó không chỉ đáp ứng yêu cầu có tính “thời vụ” mà còn quyết định hướng phát triển chiến lược của đơn vị. II. Nội dung 1. Sự cần thiết của việc nhận thức vấn đề năng lực trong khoa học giáo dục Lần này, từ chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, sách giáo khoa, cho đến đơn vị bài học đều phải nhất quán tư tưởng: dạy học theo hướng phát triển năng lực. Mọi thành bại của việc thay đổi “căn bản, toàn diện” phụ thuộc phần lớn vào trình độ nhận thức của cán bộ quản lí, của giáo viên trực tiếp đứng lớp về vấn đề “năng lực” cũng như các phương pháp được áp dụng trong dạy học nhằm thực sự phát triển năng lực người học. Vấn đề năng lực được đề cập đến ở mọi khâu của việc thay đổi. Nhìn từ một góc Kỷ yếu hội thảo khoa học 215 độ, nhận thức về khái niệm này có sự xuyên suốt từ trên xuống dưới: nó được khởi đầu từ Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cụ thể hóa ở chương trình bộ môn, tiếp đó là việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa, và vận hành trong thực tế chỉ đạo chuyên môn của các cơ quan quản lí, các cơ sở giáo dục, khả năng thực thi của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Cuối cùng, sản phẩm cần “nghiệm thu” để đánh giá kết quả chính là năng lực thực sự của học sinh. Tuy nhiên, nếu thay đổi góc nhìn, ta sẽ thấy có một lô gic khác, và ở đó, vai trò của từng khâu được thể hiện rõ hơn. Hãy xuất phát từ chủ thể học tập là học sinh. Muốn hình thành và phát triển năng lực của người học, thì trước hết, giáo viên phải có năng lực. Nhưng năng lực của giáo viên từ đâu ra nếu không phải từ khâu đào tạo, với tất cả mọi vấn đề có liên quan. Cho nên, những lúng túng của giáo viên trước cái mới, thậm chí chưa có tiền lệ khi chuyển từ giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung, cung cấp tri thức sang hướng phát triển năng lực người học, trách nhiệm giải tỏa thuộc về các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Theo suy luận giản dị nhất, có thể khẳng định: nếu giảng viên sư phạm thiếu năng lực hoặc mơ hồ về vấn đề năng lực, thì làm sao có thể đào tạo được những giáo viên phổ thông thực sự có năng lực? Năng lực học sinh - năng lực giáo viên phổ thông - năng lực giảng viên sư phạm, ba vấn đề đó tuy thuộc những phạm vi khác nhau, có biểu hiện không giống nhau, nhưng xét đến cùng, chúng vẫn là những đường tròn đồng tâm, có quan hệ mật thiết. Nhìn như vậy để thấy, trong công cuộc thay đổi chương trình, sách giáo khoa lần này, nhiệm vụ của các trường đại học và cao đẳng sư phạm là khá nặng nề. Tìm một định nghĩa về khái niệm “năng lực” không phải là việc khó. Đã từng có không ít công trình, bài viết đề cập đến vấn đề này. Xin dẫn ra đây một cách giải thích: “Năng lực là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức, kỹ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định. Năng lực thể hiện sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố (phẩm chất của người lao động, kiến thức và kỹ năng) được thể hiện thông qua các hoạt động của cá nhân nhằm thực hiện một loại công việc nào đó”[1]. Dĩ nhiên, còn có những cách kiến giải khác, nhưng nhìn chung, các yếu tố cấu thành năng lực thì dễ có sự đồng thuận. Cụ thể, đó phải là sự tổng hòa của phẩm chất trí tuệ, vốn tri thức, yếu tố tâm lí, khả năng nắm bắt và giải quyết những nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra. Từ nội hàm của khái niệm năng lực, người ta tiến đến xác định những năng lực đặc thù gắn với từng môn học. So sánh mục tiêu dạy học môn Ngữ văn giữa Chương trình hiện hành với chương trình 2018, ta sẽ thấy những khác biệt cơ bản. Nếu một bên đặt yêu cầu cao khả năng kiến tạo tri thức qua dạy học ngữ văn cho học sinh, tức là trả lời câu hỏi: học sinh phải đạt đến mức hiểu biết nào về ngữ văn, thì một bên lại xem tri thức chỉ là phương tiện để học sinh có thể “làm” được gì sau khi học. “Làm”, với môn Ngữ văn có nghĩa là tạo ra các sản phẩm đặc thù, gắn với các hoạt động đọc, viết, nói, nghe. Như vậy, nếu đối với giáo viên phổ thông, yếu tố quyết định thành công khi thực hiện chương trình mới là phải hình dung đầy đủ mô hình năng lực của Kỷ yếu hội thảo khoa học216 học sinh (các yếu tố cấu thành, các biểu hiện và quy luật hình thành, phát triển gắn với môn học), thì người giảng viên sư phạm, ngoài những điều ấy ra, còn phải nắm được mô hình năng lực của người giáo viên và cách thức phát triển các năng lực đó. Để thực hiện chương trình mới, người giáo viên Ngữ văn cần có những năng lực gì? Đó hẳn là câu hỏi từng được các nhà sư phạm đặt ra, và câu trả lời chưa thể có tiếng nói cuối cúng. Trong bài Các năng lực đặc thù của giáo viên Ngữ văn phổ thông, Phạm Thị Thu Hương viết: “Chuyển hóa từ tri thức sang năng lực..., người giáo viên Ngữ văn phải thực sự là một người đọc, người nói, người viết, người nghe tích cực, chủ động, có khả năng tự nghiên cứu chuyên môn, có hiểu biết, đặc biệt là sự độc lập, sáng tạo, tinh tế, nhạy cảm, có chất văn” [5, tr. 795 - 805]. Hiện nay, ngành sư phạm ở một số trường đại học đang xây dựng chương trình mới, đón đầu những thay đổi lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các cơ sở có đào tạo ngành Sư phạm Ngữ văn, hướng xây dựng chương trình theo yêu cầu phát triển năng lực của người giáo viên đã được vạch ra. Chuẩn đầu ra, khung năng lực, khung chương trình, đề cương chi tiết môn học... đều hướng vào tiêu điểm này. Một hệ thống năng lực của giáo viên Ngữ văn làm chuẩn đầu ra cho việc đào tạo, đang trong quá trình xây dựng. Ở đây, các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới cũng như thực tế giảng dạy của các trường đại học trong nước (cả ưu điểm và những bất cập) sẽ là “tư liệu” tham khảo cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những năng lực chung, theo tôi, người giáo viên Ngữ văn cần bồi đắp một số năng lực chuyên môn, cụ thể là năng lực cảm thụ thẩm mĩ; năng lực ngôn ngữ và văn học (thể hiện ở khả năng đọc hiểu văn bản, khả năng nói, viết); năng lực đối thoại và tổ chức đối thoại; năng lực kích thích khả năng tư duy và khả năng phản biện của học sinh. Các năng lực vừa nêu là điều kiện tiên quyết để giáo viên Ngữ văn có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới. Câu ngạn ngữ phương Tây: “Người ta không thể cho kẻ khác cái mà mình không có” xem ra khá đúng khi dùng để nói về việc dạy học theo yêu cầu mới. Thử hỏi, nếu tiếp xúc với một bài thơ, một truyện ngắn mới mà giáo viên lơ mơ, không hiểu gì, thì làm sao có thể dạy học sinh đọc hiểu? Nếu giáo viên chưa từng viết bài nào cho ra hồn thì có dạy học sinh viết được không? Cũng vậy, nếu giáo viên không linh hoạt trong đối thoại thì liệu có thể hi vọng ở họ cách dạy nói - nghe có hiệu quả? Trong bóng đá, nếu huấn luyện viên chưa từng là một cầu thủ lừng danh trên sân cỏ ở cũng không sao, nhưng anh ta nhất thiết phải hết sức vững vàng về kỹ, chiến thuật, về cách thức phát triển tài năng cầu thủ, về khả năng cầm quân, khả năng “đọc” trận đấu Người giáo viên Ngữ văn hiện nay cũng vậy. Giáo viên không phải là nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà hùng biện, nhưng những kỹ năng đọc, viết, nói, nghe thì phải thuần thục, đến mức có thể thị phạm cho học sinh. Từ đòi hỏi như thế về năng lực giáo viên phổ thông, chúng ta hoàn toàn có thể suy ra những yêu cầu về năng lực của giảng viên sư phạm. 2. Sự cấp bách của việc thay đổi cách thức đào tạo giáo viên Để có thể góp phần vào thành công của cuộc cải cách lần này, việc thay đổi cách Kỷ yếu hội thảo khoa học 217 thức đào tạo giáo viên đóng vai trò then chốt. Từ nhận thức và kinh nghiệm của bản thân và thực tiễn của cơ sở đào tạo (ngành SP Ngữ văn Trường Đại học Vinh), tôi xin đề xuất mấy giải pháp sau đây: 2.1. Khắc phục những bất cập về quan niệm dạy học Ngữ văn truyền thống ở các khoa/ ngành sư phạm Trước đây có một thời đã từng tồn tại khái niệm “giáo học pháp chương mục” ở trường sư phạm. Đó là, khi dạy bất cứ một môn nào thuộc khoa học ngữ văn, giảng viên phải quan tâm những nội dung có liên quan đến các bài học ở phổ thông. Không những thế, giảng viên còn hướng dẫn giáo sinh tìm phương án dạy những loại bài cụ thể. Chẳng hạn, một chuyên gia văn học trung đại có thể nêu cách dạy Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều,...; một nhà nghiên cứu Việt ngữ thì hướng dẫn cách dạy những bài về từ, về câu, về tu từ, phong cách học... Dù sự hướng dẫn của giảng viên chủ yếu liên quan đến nội dung các bài trong sách giáo khoa, chưa phải là phương pháp dạy học đúng nghĩa, nhưng dù sao cách làm đó của “giáo học pháp chương mục” vẫn có ích nhất định trong việc rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên. Tiếc rằng, chút quan hệ ít ỏi đó giữa dạy kiến thức với phương pháp sư phạm đã không còn được duy trì. Sự bất cập còn lộ rõ ở một phương diện khác: các giáo trình phương pháp hiện nay, phần lớn được soạn đã khá lâu, không theo kịp những thay đổi của chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Xin lấy ví dụ: trước đây ở bậc trung học, có giờ Giảng văn, giờ Phân tích văn học, thì nay được gọi là giờ Đọc hiểu. Đây không chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà quan trọng hơn là một bước hiện đại hóa quan niệm dạy học. Nếu Giảng văn đề cao vai trò của thầy, thì Đọc hiểu lại trao quyền chủ động, tích cực cho trò. Thế nhưng, trừ bài giảng do giảng viên tự soạn (mức độ cập nhật thế nào tùy trình độ người soạn), các giáo trình về đọc hiểu vẫn còn vắng bóng. Một ví dụ khác: chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành được biên soạn theo quan điểm tích hợp, nhưng giáo trình đào tạo cách dạy tích hợp Tiếng Việt - Đọc hiểu - Làm văn thì vẫn chưa xuất hiện. Tình trạng “tuổi thọ” của giáo trình dài hơn rất nhiều so với “vòng đời” của chương trình và sách giáo khoa phổ thông đã gây nên sự “lệch pha”, và kết quả đào tạo giáo viên luôn “hụt hơi” so với đòi hỏi của thực tế. Rõ ràng việc thay đổi về quan niệm cách thức dạy học ở ngành Ngữ văn các khoa/ trường sư phạm hiện nay là câu chuyện không thể lãng tránh. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào thì không phải mọi người đều nhận thức giống nhau. Theo chúng tôi, những bất cập đã nêu là một “âm bản”, qua đó, có thể nhận ra phần “dương bản” (những giải pháp). Từ góc nhìn của mình, chúng tôi xin nêu mấy luận điểm sau đây: 2.2. Cần đặt ngành sư phạm Ngữ văn trong chuyển động chung của đào tạo sư phạm theo yêu cầu mới Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, việc chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng đã tạo nên những thay đổi căn bản về triết lý, quan niệm giáo dục, cơ cấu tổ chức và vận hành hoạt động của các cơ sở đào tạo. Giáo dục đại học, cao đẳng giờ đây phải đào tạo ra nguồn nhân công có trình độ, năng lực nghề nghiệp cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0. Giáo dục đại học, cao đẳng gắn liền với Kỷ yếu hội thảo khoa học218 việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chịu sự đòi hỏi, sát hạch ngặt nghèo của cơ sở tuyển dụng, do đó, việc đào tạo phải hướng đến tính ứng dụng, tính thực tiễn. Ngành Sư phạm cũng không nằm ngoài xu thế giáo dục nghề nghiệp đó. Dạy học Ngữ văn ở trường/khoa Sư phạm, vì thế, bên cạnh kiến tạo các tri thức khoa học cơ bản, cần chú trọng đúng mức việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Dĩ nhiên, chú trọng việc rèn nghề không có nghĩa chỉ tập trung vào các thao tác thuần túy kỹ thuật. Cần chú ý cung cấp và hình thành các tri thức phương pháp luận - nguồn tri thức được hình thành từ nhiều bộ môn khoa học cơ bản. Có điều, các tri thức lý thuyết này đều phải được “thực hành hóa”, “phương pháp hóa”, biến thành công nghệ để các giáo viên tương lai có thể vận dụng nhuần nhuyễn trong dạy học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Điều này cũng còn dẫn đến những thay đổi rất căn bản trong quan niệm về người dạy và người học ở trường sư phạm. Giảng viên giờ đây đóng vai trò người hướng dẫn, cố vấn, gợi mở, trọng tài chứ không phải người độc quyền chân lý. Còn người học phải là người chủ động, tích cực trong việc kiến tạo tri thức. Đây là điều đã được nói tới rất nhiều trên phương diện lý thuyết. Sự thật thì giảng viên ở trường đại học hoặc cao đẳng chưa được trao quyền tự chủ nhiều như vậy. Và trên thực tế, sự chủ động, tích cực của sinh viên trong hoạt động học tập, khám phá ở một số cơ sở đào tạo sư phạm vẫn còn khá hạn chế. 2.3. Thay đổi quan niệm về mục tiêu, đối tượng, nội dung đào tạo giáo viên Ngữ văn ở trường sư phạm Việc đổi mới mục tiêu giáo dục từ cung cấp tri thức sang hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học cũng dẫn đến yêu cầu thay đổi căn bản trong quan niệm dạy học Ngữ văn ở ngành sư phạm hiện nay. Dạy học Ngữ văn, như vậy, thay vì chỉ là việc cung cấp những tri thức lý thuyết của chuyên ngành đào tạo (tri thức về văn học Việt Nam, văn học thế giới, ngôn ngữ, tri thức về phương pháp dạy học) mà còn phải hướng tới việc tổ chức vận dụng những tri thức đó vào những tình huống học tập thực tiễn để hình thành và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi mang tính tổng thể, trên nhiều phương diện của cơ sở đào tạo sư phạm: thay đổi trong quan niệm về mục tiêu đào tạo, đối tượng (sản phẩm) đào tạo, chương trình dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các hình thức kiểm tra, đánh giá Về mục tiêu đào tạo, phải có sự thiết kế nhất quán, đồng bộ từ mục tiêu tổng thể của chương trình đến mục tiêu cụ thể của các học phần, và phải bám sát theo định hướng hình thành và phát triển năng lực cho sinh viên sư phạm ngành Ngữ văn. Muốn vậy, chương trình đào tạo ở ngành sư phạm phải được thiết kế, xây dựng trên cơ sở xác định rõ đặc trưng, triết lý và nội dung và phương pháp giảng dạy môn học này, sát với thực tế dạy học Ngữ văn ở cấp phổ thông. Chỉ trong sự gắn kết chặt chẽ này, chương trình đào tạo sư phạm mới có thể vận hành một cách hiệu quả, sản phẩm đào tạo (là các sinh viên ngành sư phạm) mới có chất lượng, mới đủ tri thức và năng lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Căn cứ trên các năng lực chung, năng lực đặc thù và năng lực cốt lõi của môn Ngữ văn, việc thiết kế và xây dựng chương trình Kỷ yếu hội thảo khoa học 219 đào tạo giáo viên ở các học phần văn học, ngôn ngữ, phương pháp dạy học đều phải được xây dựng theo chuẩn đầu ra, với cái đích hình thành những tri thực và năng lực sư phạm cần thiết cho các giáo viên tương lai. 2.4. Thay đổi quan niệm về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá Để đảm bảo mục tiêu đào tạo theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học trong giáo dục hiện nay, giảng viên sư phạm cần có những thay đổi căn bản trong quan niệm về mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp dạy học. Trước hết, cần phải thấy rằng, việc đổi mới mục tiêu giáo dục theo hướng hình thành và phát triển năng lực hoàn toàn không phải là việc riêng của các giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy mà là nhiệm vụ chung của tất cả các giảng viên sư phạm. Do đó, việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy học phải được tiến hành ở tất cả các bộ môn. Tri thức phương pháp giảng dạy cũng cần phải được tích hợp trong tất cả các bộ môn khoa học cơ bản. Hoạt động rèn nghề cho sinh viên không thể phó mặc cho giảng viên dạy các học phần nghiệp vụ sư phạm như trước đây, mà mỗi giảng viên, dù dạy bất cứ mảng kiến thức cơ bản nào đều phải đồng thời là một nhà giáo học pháp. Phải luôn đặt ra câu hỏi: những tri thức trong học phần này liên quan thế nào đến chương trình phổ thông? Với học phần này, những kỹ năng, năng lực nào cần phát triển cho sinh viên để họ biết cách xử lý trong giờ dạy ở phổ thông sau này? Muốn trả lời những câu hỏi đó, giảng viên dạy khoa học cơ bản ở ngành sư phạm cần bớt lý thuyết, bớt hàn lâm. Phải nghiên cứu kỹ chương trình phổ thông, thâm nhập thực tế phổ thông bằng mọi cách mới thấy được những chỗ nan giải của giáo viên khi dạy những nội dung liên quan đến học phần mà mình đảm trách. Giảng viên sư phạm nhất thiết phải thường xuyên theo dõi những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa, về phương pháp dạy học ở phổ thông để có hướng điều chỉnh cách dạy của mình cho thiết thực. Cũng cần phải thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá. Việc kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành và phát triển năng lực người học cũng phải được tiến hành đồng bộ trên cơ sở các thang chuẩn năng lực đã được xác định trong quá trình đào tạo. Sản phẩm để đánh giá không nhất thiết phải là một bài kiểm tra lý thuyết theo bộ đề như lâu nay, mà có thể là một tiểu luận do sinh viên nghiên cứu về chương trình, SGK, giáo án giảng dạy, hoặc một hoạt động trải nghiệm dạy học qua thâm nhập thực tế... III. Kết luận Đối với các trường/ khoa sư phạm, nhiệm vụ đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng không kém nặng nề. Vì thế, sự thay đổi đồng bộ từ tầm nhìn chiến lược cho đến chương trình đào tạo, và nhất là thay đổi quan niệm “làm chuyên môn” của nhà sư phạm đóng vai trò quyết định. Sản phẩm đào tạo đang liên tục cho “ra lò”, bài toán chất lượng và nhu cầu thực tế của nền giáo dục đang hiện diện hàng ngày, đang “treo trước mắt” như một sự thách đố. Ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm, mỗi nhà sư phạm không thể không tự thay đổi bản thân, từ cách tư duy, nhận thức, quan niệm về chuyên môn ngành sư phạm cho đến thực tế giảng dạy. Mỗi giảng viên, dù dạy bất cứ bộ môn nào ở trường/khoa đại Kỷ yếu hội thảo khoa học220 học sư phạm phải là một nhà giáo học pháp hiện đại trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu được như vậy, chất lượng đào tạo giáo viên chắc chắn sẽ được nâng lên. Tài liệu tham khảo [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn: Dạy học và kiểm tra, đánh giá theo theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. [4] Nguyễn Thanh Hùng (chủ biên), Lê Thị Diệu Hoa (2007), Phương pháp dạy học Ngữ văn Trung học phổ thông những vấn đề cập nhật, Nxb Đại học Sư phạm. [5] Phạm Thị Thu Hương (2014), “Các năng lực đặc thù của giáo viên Ngữ văn phổ thông”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đối mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 795-805. [6] Đỗ Ngọc Thống (2013), “Các năng lực then chốt và năng lực sư phạm trong đào tạo giáo viên”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 1443-1456. [7] Đoàn Thị Thu Vân (2014), “Từ mục tiêu phát triển năng lực học sinh, nghĩ về chương trình học, thi môn Ngữ văn và vị trí của người thầy”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đối mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 153-160. [8] Pasi Sahlberg (2016), Bài học Phần Lan, Nxb Thế giới.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfchuong_trinh_giao_duc_pho_thong_mon_ngu_van_va_nhung_doi_hoi.pdf
Tài liệu liên quan