Không ai lại không được sinh ra và lớn lên từ gia đình. Trong xã hội đang
phát triển hôm nay, dường như các mối quan hệ gia đình ngày một xa cách
hơn, mờ nhạt hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, những nghiên cứu vẫn cho
thấy, dù cá nhân chúng ta có trưởng thành, rời xa gia đình, hoặc thậm chí có
"đoạn tuyệt" với gia đình, thì đâu đó vẫn tồn tại một số quy luật vận hành từ
nguồn cội gia đình ngấm ngầm chi phối và ảnh hưởng đến cuộc sống của
chúng ta hôm nay.
10 trang |
Chia sẻ: ngocly | Lượt xem: 1247 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Các vấn đề tâm lý gia đình một góc nhìn theo quan điểm hệ thống, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ GIA ĐÌNH
MỘT GÓC NHÌN THEO QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG
Cây có cội, nước có nguồn
Không ai lại không được sinh ra và lớn lên từ gia đình. Trong xã hội đang
phát triển hôm nay, dường như các mối quan hệ gia đình ngày một xa cách
hơn, mờ nhạt hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, những nghiên cứu vẫn cho
thấy, dù cá nhân chúng ta có trưởng thành, rời xa gia đình, hoặc thậm chí có
"đoạn tuyệt" với gia đình, thì đâu đó vẫn tồn tại một số quy luật vận hành từ
nguồn cội gia đình ngấm ngầm chi phối và ảnh hưởng đến cuộc sống của
chúng ta hôm nay.
Có một "tổ chức" bên trong gia đình
Bình thường, chúng ta vẫn hình dung về gia đình chỉ đơn giản như một nơi
hội tụ, gắn bó những con người thân thương, cùng huyết thống, và cùng chia
sẻ cùng một nơi cư trú... Thế nhưng, cuộc sống của những con người ấy lại
luôn chịu ảnh hưởng bởi những những luật lệ, những trật tự sắp xếp, cùng
những vai trò của từng cá nhân thành viên bên trong gia đình - những điều mà
tự lúc nào đã hình thành bên trong "gia đình gốc" của chúng ta, những quy
định "bất thành văn", từ đó khiến gia đình trở thành một thực thể có tổ chức
riêng, có đặc tính phát triển đặc thù riêng của từng gia đình, dù vẫn tuân theo
các quy luật vận hành chung của cả xã hội.
Có thể nói một cách khái quát, gia đình là tập hợp các thành viên có mối dây
liên hệ gắn bó hoặc do cùng một huyết thống (cha mẹ - con, anh chị em
ruột...) hoặc do luật định (vợ-chồng, con nuôi...), và những thành viên ấy
cùng chia sẻ chung một (nhiều) nơi cư trú, và cùng chịu ảnh hưởng chung từ
những quy luật vận hành nêu trên.
Những quy luật ấy là gì?
Những khái niệm "gia phong" hoặc "nối dõi" từ lâu đã được nhắc đến và phân
tích nhiều tại Việt Nam, một đất nước ở phương Đông vốn rất coi trọng vấn
đề nguồn cội của một cá nhân.
Gia phong là một hệ thống các khuôn mẫu, phép tắc, nhằm quy định, "cho
phép" các thành viên trong gia đình tương tác, trao đổi với nhau, thông qua
đó mỗi cá nhân trong gia đình phải tuân thủ các quy tắc và làm tốt các vai trò
theo sự đòi hỏi của gia đình.
Sự nối dõi lại nhấn mạnh không phải ở cơ cấu sắp xếp hiện thời, mà thể hiện
ở chỗ tính kế thừa các giá trị truyền thống xuyên qua nhiều thế hệ trong tộc
họ, thông qua đó những hành vi ứng xử và chuẩn mực sống của một người
trong hiện tại, dù ít hay nhiều, vẫn chịu sự ảnh hưởng của những kỳ vọng và
đòi hỏi của tộc họ từ quá khứ.
Cấu trúc gia đình
Salvador Minuchin, một nhà tâm lý trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ gốc
Argentina, quan niệm gia đình như một cơ cấu tổ chức, trong đó các thành
viên được sắp xếp vào những thang bậc (hierarchy) có trật tự, mỗi người đảm
nhận những chức năng và vai trò cụ thể. Trong cơ cấu ấy, có những đường
"ranh giới" (boundary) phân chia giữa những người hoặc nhóm người có vai
trò khác nhau.
Một sơ đồ cấu trúc gia đình có thể được phác họa một cách đơn giản như sau:
B M
--------------------
T1 G2 G3
(B: Bố - M: Mẹ - T1: con trai đầu - G2 và G3: hai con gái)
Có một đường ranh giới phân chia giữa bố mẹ và ba người con thành hai tiểu
hệ thống: tiểu hệ thống "bố mẹ" và tiểu hệ thống "con cái"; cả hai tiểu hệ
thống đều thuộc về một hệ thống chung là cả gia đình và mỗi tiểu hệ lại có
những vai trò, chức năng phụ thuộc qua lại với tiểu hệ kia. Bố và Mẹ đồng
thời cũng tạo thành tiểu hệ "vợ chồng" - tương tự như vậy, ba người con cũng
tạo thành tiểu hệ "anh chị em" - khi ta xem xét vai trò và chức năng giữa họ
với nhau.
Minuchin nhấn mạnh vào vào tính chất linh hoạt của những đường ranh giới
ấy; tính chất linh hoạt nhiều hay ít của các đường ranh giới thể hiện bản chất
các mối quan hệ và sự giao tiếp giữa các thành viên, giữa các tiểu hệ bên
trong gia đình.
Các đường ranh giới phân chia giữa các cá nhân hoặc giữa các tiểu hệ thống
với nhau có thể ở một trong ba trạng thái sau:
Ranh giới cứng nhắc: là loại ranh giới thể hiện sự xa cách rõ ràng giữa các
thành viên, ngăn trở sự giao lưu, thông hiểu giữa các thành viên và các tiểu
hệ.
Ranh giới lỏng lẻo: là loại ranh giới không rõ ràng, nó xóa nhòa tính cách
riêng tư của các cá nhân, khiến các thành viên như bị "kết dính" lại, khó phân
định được cái riêng và cái chung, làm hạn chế sự phát triển tính độc lập và
bản sắc của các cá nhân.
Đường ranh giới được xem là lành mạnh gọi là ranh giới uyển chuyển (hay
ranh giới rõ ràng): là loại ranh giới thể hiện trạng thái trong đó từng thành
viên, từng cá nhân vẫn được phép phát triển như một chủ thể độc lập, trong
khi vẫn duy trì những gắn bó tình cảm, giao lưu, trao đổi các thông tin hiệu
quả với những thành viên khác bên trong gia đình.
Đường ranh giới có thể thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của gia đình.
Khi cần một sự "kết dính", để gia tăng sự gắn bó giữa các thành viên thành
một khối, các đường ranh giới có thể bị xóa nhòa, lợi ích gia đình được ưu
tiên hơn cá nhân, như trong những trường hợp gia đình đang trải qua đại nạn,
đau thương, mất mát... Rồi những đường ranh giới cũng có lúc trở nên cứng
nhắc, gia tăng tính khác biệt giữa các cá thể, hoặc khẳng định bước chuyển
trong sự phát triển và trưởng thành của một cá nhân nào đó trong gia đình,
như trong trường hợp gia đình có sự lớn lên của một trẻ vị thành niên, hoặc
có một người con trưởng thành.
Điều cần quan tâm là khi trong gia đình có nhiều đường ranh giới cứng nhắc
sẽ khiến các thành viên trong gia đình trở nên xa cách, khó hình thành được
những quan hệ gắn bó. Ngược lại, nếu có nhiều đường ranh giới lỏng lẻo, gia
đình sẽ dễ có khả năng rơi vào trạng thái "hỗn độn", các thành viên bên trong
gia đình sẽ phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều, chuyện buồn vui của một người dễ
"lây lan" thành chuyện của mọi người!
Tất cả những trạng thái "quá xa cách" hoặc "quá hỗn độn" nếu xảy ra với tính
chất thường xuyên, hằng định, khó thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống sẽ là
yếu tố góp phần hình thành nên những vấn đề của gia đình.
Bệnh lý gia đình
Lâu nay, khi một người gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, thường chỉ
được xem xét dưới góc độ cá nhân. Căn nguyên được xét đến có thể là do nội
tâm người đó có xung đột, cảm xúc thiếu ổn định hoặc do người đó thiếu
những kỹ năng trong suy nghĩ và trong hành động khiến phát sinh vấn đề kém
thích nghi trong cuộc sống. Ví dụ: một thiếu niên học tập sa sút và kỷ luật
kém ở nhà trường thường được quy là do học lực kém, phương pháp dạy và
học chưa phù hợp, hoặc là do em ở lứa tuổi "ham chơi", thích phản ứng "bùng
nổ" vv...
Thế nhưng, khi quan sát cũng vấn đề ấy của thiếu niên ấy qua cái nhìn toàn
cảnh gia đình thì sự việc em học kém, vi phạm kỷ luật lại có thể là chỉ báo
của một "bệnh lý gia đình" - nói theo cách của những nhà tâm lý trị liệu theo
quan điểm hệ thống. Sự kiện này khi xảy ra tự nó có ý nghĩa là nhằm "sửa
chữa lại một cái gì đó không hay trong cơ cấu và sự vận hành của hệ thống
gia đình đó". Cụ thể là thiếu niên kia thể hiện triệu chứng như thể em đang "e
ngại" việc mình sắp sửa trưởng thành; hoặc có thể em muốn cha mẹ quan tâm
đến mình nhiều hơn; hoặc vì sâu xa em đang biến mình thành một "vấn đề
chung" để hai cha mẹ đang mâu thuẫn phải cùng nhau giải quyết và nhích lại
gần nhau hơn vv...
Cái nhìn toàn cảnh gia đình còn có thể được mở rộng hơn khi liên kết sự kiện
này với các yếu tố "xuyên thế hệ". Chẳng hạn, thiếu niên này có thể không
học tập tiếp được vì để "thể hiện sự trung thành một cách vô thức với việc
người cha cũng từng bị gãy đổ việc học trong quá khứ"? (sự việc này không
xảy ra trong những gia đình lành mạnh, khi mỗi cá nhân "được phép" phát
triển phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu của xã hội; việc "con hơn
cha" là điều được chấp nhận).
Nói tóm lại, vấn đề trở ngại trong cuộc sống của một cá nhân có thể là triệu
chứng biểu hiện của một cơ cấu gia đình lệch lạc hoặc một sự vận hành đời
sống gia đình kém hiệu quả. Thiếu niên có vấn đề kể trên được xem là "con
bệnh được nêu danh" (cách nói chuyên môn là "bệnh nhân chỉ định":
identified patient) hoặc gọi theo một cách thức ẩn dụ là "kẻ chịu tội thay"
(scapegoat) cho cả gia đình!
Bệnh lý gia đình có thể được trình bày khái quát như sau: là tình trạng qua đó
cơ cấu gia đình hoặc sự vận hành đời sống gia đình đã hạn chế, ngăn trở sự
phát triển của một (hoặc các) cá nhân thành viên, dẫn đến kết quả là xáo trộn
những mối quan hệ liên cá nhân bên trong gia đình.
Gia đình như một "sinh vật đa cơ thể" (multibodied organism)
Trong bệnh lý y khoa, khi một cơ quan, bộ phận nào đó bị bệnh (ví dụ: gan bị
xơ, phổi bị viêm, tim bị thiếu máu...), thì người thầy thuốc ít hay nhiều vẫn
phải xem xét tiến trình bệnh tại cơ quan, bộ phận đó trong mối liên hệ với các
cơ quan, bộ phận khác và với toàn bộ cơ thể, vì cơ thể là một khối thống nhất.
Cũng khá tương tự khi người thầy làm tâm lý trị liệu xem xét vấn đề khó
khăn của một cá nhân trong mối liên hệ với tất cả các thành viên khác trong
gia đình của người đó, cả về mặt cấu trúc gia đình (Ai có quyền hơn? Ai ảnh
hưởng đến ai?...) lẫn về sự vận hành gia đình về mặt chức năng (Ai có vai trò
gì? Các thành viên tương tác với nhau ra sao?...), cả những tương tác trong
hiện tại lẫn những quy luật có tính "truyền thống", "xuyên thế hệ"... Và từ cái
nhìn toàn cảnh ấy, gia đình được xem như một "sinh vật đa cơ thể".
Ý nghĩa của "triệu chứng"
Mỗi một triệu chứng biểu hiện trên một cá nhân nào đó trong gia đình luôn
luôn hàm chứa hai mặt tiêu cực và tích cực.
Mặt tích cực (điều thường bị bỏ qua, không xem xét đến) là ở chỗ triệu chứng
hoặc như một dấu hiệu chỉ báo hoặc như một cố gắng giúp sửa chữa một
khiếm khuyết trong cấu trúc hoặc trong vận hành đời sống gia đình. Ví dụ:
một đứa bé trở nên lăng xăng, hiếu động để làm giảm bớt trạng thái trầm cảm
của người mẹ sau khi chia tay với bố; một thiếu nữ bị chứng chán ăn vào thời
điểm sắp tốt nghiệp phổ thông như để cảnh báo rằng gia đình cần được vận
hành sao cho có thể giúp những đứa con trong gia đình có được sự hỗ trợ tốt
hơn khi đến tuổi trưởng thành...
Còn mặt tiêu cực là sao? Khi triệu chứng xuất hiện mà vấn đề không được
giải quyết thì ít hay nhiều, sớm hay muộn, nó cũng sẽ góp phần làm trầm
trọng thêm sự khó khăn của cá nhân đó và càng làm tăng thêm các xáo trộn
bên trong gia đình.
Do vậy, triệu chứng trong bệnh lý gia đình có thể được xem như một cố gắng
nhằm tái lập lại trạng thái phát triển thăng bằng của đời sống gia đình,
nhưng bị thất bại.
Vai trò của tâm lý trị liệu gia đình
Tâm lý trị liệu gia đình, hay còn gọi là tâm lý trị liệu hệ thống, là một phương
pháp nhằm tiếp cận, khảo sát, chẩn đoán và trị liệu các bệnh lý của gia đình
(hoặc nói chung là của các "hệ thống")
Tuy sử dụng rất nhiều những danh từ của y học như "triệu chứng", "bệnh lý",
"chẩn đoán", "trị liệu"... nhưng ở đây không nhằm đề cập đến những bệnh lý
y khoa, mà đề cập đến những vấn đề khó khăn thường gặp trong đời sống của
những cá nhân và các gia đình.
Công việc của nhà trị liệu là giúp các thành viên trong gia đình có thể phát
triển tốt thông qua việc tái cấu trúc tổ chức gia đình và khơi nguồn cho các cơ
chế vận hành hiệu quả trong đời sống gia đình, chứ không đơn thuần chỉ giải
quyết "cá nhân có vấn đề". Một khi cấu trúc gia đình trở nên lành mạnh, cơ
chế vận hành đời sống gia đình trở nên hiệu quả, thì triệu chứng hoặc vấn đề
ở một cá nhân sẽ không còn điều kiện để tồn tại nữa.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- cac_van_de_tam_ly_gia_dinh_5345.pdf