Cuối thế kỷ XX -đầu thế kỷ XXI, lịch sử nhân loại đã diễn ra với
nhiều biến cố bất ngờ, từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu đến sự thoái trào của phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế. Nhân đó, đã có nhiều công trình, bài
viết tuyên bố về cái chết của triết học Mác, chủ nghĩa Mác và chủ
nghĩa cộng sản dựa trên các học thuyết của Mác. Song, thực tiễn
lịch sử đã cho thấy, với bản chất cách mạng và khoa học, triết học
Mác, chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cộng sản dựa trên các học thuyết
của C.Mác không những không chết, mà còn trường tồn với nhân
loại ở thế kỷ XXI. Rằng, những di sản lý luận của C.Mác đã trở
thành tài sản chung của cả nhân loại và sẽ mãi mãi là như vậy.
11 trang |
Chia sẻ: luyenbuizn | Lượt xem: 1158 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Các Mác vĩ đại vẫn sống với nhân loại ở thế kỷ XXI, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÁC MÁC VĨ ĐẠI VẪN SỐNG VỚI NHÂN LOẠI Ở THẾ KỶ XXI
NGUYỄN TRỌNG CHUẨN (*)
Cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, lịch sử nhân loại đã diễn ra với
nhiều biến cố bất ngờ, từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu đến sự thoái trào của phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế. Nhân đó, đã có nhiều công trình, bài
viết tuyên bố về cái chết của triết học Mác, chủ nghĩa Mác và chủ
nghĩa cộng sản dựa trên các học thuyết của Mác. Song, thực tiễn
lịch sử đã cho thấy, với bản chất cách mạng và khoa học, triết học
Mác, chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cộng sản dựa trên các học thuyết
của C.Mác không những không chết, mà còn trường tồn với nhân
loại ở thế kỷ XXI. Rằng, những di sản lý luận của C.Mác đã trở
thành tài sản chung của cả nhân loại và sẽ mãi mãi là như vậy.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông
Âu, sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã
từng là đề tài của những cuốn sách, bài báo mà trong đó, các tác giả
của chúng đều có một cái đích chung là “chứng minh” về cái chết của
chủ nghĩa Mác, về cái chết của chủ nghĩa cộng sản dựa trên các học
thuyết của C.Mác.
Nổi bật trong số các cuốn sách loại đó phải nói đến cuốn Sự cáo
chung của lịch sử và Con người cuối cùng của Francis Fukuyama
(Phranxi Phucuyama) xuất bản tại Niu Oóc năm 1992(1). Theo sự so
sánh của Giăccơ Đêrriđa (Jacques Derrida) - nhà triết học người
Pháp, một trong những nhà triết học phương Tây nổi tiếng thế giới ở
thế kỷ XX, trong cuốn Những bóng ma của Mác (Spectres de Marx),
thì lúc đó, ở phương Tây, “người ta mua cuốn sách này như một bà
nội trợ xô vào mua đường và dầu, khi có những tin đồn đầu tiên về
chiến tranh”(2).
Bên cạnh nhiều đánh giá khác của Giăccơ Đêrriđa về cuốn sách trên
của Francis Fukuyama, thì những đánh giá sau đây của ông quả thật
rất đáng lưu ý: “Nếu một luận thuyết kiểu như luận thuyết của
Fukuyama đóng một cách có hiệu quả vai trò gây mơ hồ và vai trò
phủ nhận sầu thảm gấp đôi mà người ta chờ đợi ở nó, thì nó đã làm
một trò lừa gạt một cách khôn khéo đối với một số người này và thô
bạo đối với một số người khác”(3). Hoặc: “Phải thừa nhận là quyển
sách này mang sắc thái tinh vi hơn, đôi khi để lửng, thậm chí đến
mức mập mờ...”(4).
Nói cách khác, người ta không thể không nghi ngờ về tính khách
quan và tính khoa học của cuốn sách trên của Fukuyama.
Không ai có thể phủ nhận một sự thật là Liên Xô và khối Đông Âu
xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, chủ nghĩa xã hội đã bị một tổn thất hết
sức nặng nề. Nhưng từ sự sụp đổ đó mà rút ra kết luận rằng, học
thuyết của C.Mác đã chết, triết học Mác đã chết, chủ nghĩa cộng sản
đã chết thì thật là một sự vui mừng quá sớm, là một sai lầm, nếu
không muốn nói là do những động cơ không trong sáng, hay nặng
hơn, là do sự thù ghét cay độc đối với C.Mác và các học thuyết của
ông.
Hãy khoan nói đến ở đây những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ đó
của Liên Xô và các nước Đông Âu với tính cách một mô hình, một
kiểu chủ nghĩa xã hội đã được người đời sau thiết kế theo sự hiểu
biết, sự giả định, một sự mong muốn chủ quan của mình nhưng lại
mệnh danh, hoặc tưởng rằng, đã làm theo đúng chỉ dẫn của C.Mác,
là xuất phát từ C.Mác, là trung thành tuyệt đối với C.Mác, bởi những
nguyên nhân gây nên sự sụp đổ ấy thì có rất nhiều và cần phải được
mổ xẻ trong một dịp khác.
Trong dịp Kỷ niệm 190 năm Ngày sinh C.Mác (05/05/1818 –
05/05/2008), chúng ta hãy chỉ đề cập một cách hết sức vắn tắt đến
các học thuyết cơ bản của C.Mác, chẳng hạn như quan niệm duy vật
về lịch sử hay học thuyết về giá trị thặng dư, chứ chưa nói đến rất
nhiều những tư tưởng vượt thời đại khác của ông đã hợp thành chủ
nghĩa mang tên ông, để có một cái nhìn thật sự khách quan, thật sự
khoa học, thật sự tôn trọng C.Mác.
Trước hết, chúng ta hãy nhớ lại một luận điểm nổi tiếng mà người
tiền bối vĩ đại của C.Mác đã đưa ra trong lĩnh vực triết học, người đã
được C.Mác cải tạo theo lối duy vật, đã kế thừa và vượt qua. Đó
chính là luận điểm được Hêghen trình bày trong Những bài giảng về
lịch sử triết học của ông. Hêghen viết: “Triết học hiện đại là kết quả
của tất cả những nguyên lý có từ trước đó; như vậy, không có một hệ
thống nào bị lật đổ, không phải nguyên lý của triết học đó bị lật đổ
mà chỉ có sự giả định rằng, nguyên lý đó là định nghĩa tuyệt đối cuối
cùng bị lật đổ mà thôi”(5).
Câu nói đó của Hêghen hoàn toàn có thể vận dụng vào trường hợp
của C.Mác. Điều đó có nghĩa là, một học thuyết, một hệ thống triết
học hay một học thuyết xã hội nào đó, nếu là kết quả của sự tổng kết
khoa học về lịch sử, là sự đúc rút từ các nguyên lý khoa học có từ
trước đó mà không bị tuyệt đối hoá đến mức giáo điều, không bị làm
cho khô cứng đi thì không bao giờ nó mất hết các giá trị, không bao
giờ bị sụp đổ hoàn toàn. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Không có một lý
thuyết nào là tuyệt đối đúng cho mọi thời đại, trong mọi điều kiện
lịch sử, bởi chân lý là một quá trình, chân lý nằm trong quá trình và
việc đạt đến chân lý cũng là một quá trình.
Các tư tưởng, các học thuyết của C.Mác về triết học, về xã hội, về
kinh tế, về con người, về khoa học và kỹ thuật, v.v. vốn là kết quả
của một sự nghiên cứu, phê phán, tiếp thu, vượt bỏ những thiên tài
trước ông, tính từ thời Cổ đại cho đến tận L.Phoiơbắc; của sự khái
quát lý luận và tổng kết thực tiễn cực kỳ sôi động thế giới lúc bấy
giờ, và trên hết là sự sáng tạo tuyệt vời của một bộ óc thiên tài, của
một trong những vĩ nhân vĩ đại nhất, có ảnh hưởng to lớn nhất trong
mọi thời đại của nhân loại, như một cuộc thăm dò dư luận phương
Tây cuối thế kỷ XX đã cho thấy. Những tiền đề xuất phát để C.Mác
rút ra các kết luận lý luận “không phải là những tiền đề tuỳ tiện,
không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta
chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi... Những tiền đề ấy là có
thể kiểm nghiệm được bằng con đường kinh nghiệm thuần tuý”(6).
Do vậy, những tư tưởng và những học thuyết của C.Mác hoàn toàn
và tuyệt nhiên không phải là những “ảo tưởng chủ quan”, không phải
là “duy ý chí” như những người phê phán C.Mác đã cố tình gán
ghép.
Chúng ta đều biết rằng, do không thỏa mãn với các cách giải thích
khác nhau của những người đi trước mình về lịch sử xã hội loài
người, nên C.Mác đã kiên trì đi tìm và đã tìm ra “những điều bí ẩn
của lịch sử”, “chủ thể của lịch sử” và “chìa khóa của lịch sử đích
thực”. Với C.Mác, cái thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải
là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý
chí của con người, của các vĩ nhân, mà chính là sản xuất vật chất, là
những lợi ích vật chất, còn chính quần chúng nhân dân mới là những
người sáng tạo chân chính ra lịch sử của mình. Quan điểm mang tính
chất nền tảng đó có quan hệ chặt chẽ với quan niệm về sự phát triển
của lực lượng sản xuất và vai trò quyết định của lực lượng sản xuất
đối với sự phát triển của mọi hình thái xã hội từ trước cho đến nay.
Với C.Mác, không những các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau là
một quá trình lịch sử - tự nhiên, mà sự thay thế các hình thái đó cũng
là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Điều đó có nghĩa rằng, khi đã là
một quá trình lịch sử - tự nhiên thì con người hoàn toàn có thể khám
phá được, có thể nhận thức được, có thể nắm được và vận dụng được
các quy luật vận động của nó. Và, C.Mác đã chứng minh điều đó
một cách tài tình, vừa khoa học, vừa hết sức thuyết phục trong nhiều
công trình, đặc biệt là trong bộ Tư bản - một công trình của suốt cả
cuộc đời C.Mác, rằng hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa,
sớm hay muộn, tất yếu sẽ bị thay thế bằng một phương thức sản xuất
tiên tiến hơn, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa, bởi sự phát
triển của lực lượng sản xuất xã hội sẽ đến một lúc không còn có thể
chứa đựng trong các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa nữa. Đó là
quy luật tất yếu của lịch sử.
Tuy nhiên, khi khẳng định như vậy, C.Mác không hề xác định thời
điểm cụ thể về sự thay thế đó hay về thời điểm diệt vong của chủ
nghĩa tư bản. Đáng tiếc là những người lãnh đạo và các nhà lý luận
đi sau C.Mác, do quá say sưa với thắng lợi và sự lớn mạnh một thời
của chủ nghĩa xã hội trên quy mô thế giới, dường như muốn thúc
đẩy nhanh “cái chết” đó của chủ nghĩa tư bản nên đã không đủ tỉnh
táo để thấy rằng chính C.Mác, ngay trong Lời tựa viết cho lần xuất
bản đầu tiên tập I bộ Tư bản, đã nhận ra rằng, xã hội tư bản “hoàn
toàn không phải là một khối kết tinh vững chắc, mà là một cơ thể có
khả năng biến đổi và luôn luôn ở trong quá trình biến đổi”(7).
Rõ ràng, một xã hội, cũng như một cơ thể sống, khi còn có khả năng
biến đổi và đang trong quá trình biến đổi thì có nghĩa là cơ thể đó
còn có khả năng thích nghi, nó chưa thể chết ngay. Về điều này,
C.Mác cũng đã từng nói rằng, “không một hình thái xã hội nào diệt
vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội
đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những
quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước
khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín
muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng
chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì
khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ
ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ
đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành”(8).
Lịch sử nhân loại thế kỷ XX và hiện nay đã hoàn toàn xác nhận
những chỉ dẫn hết sức tinh tường đó của CMác.
Hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện đại vẫn đang còn sức sống, đang thể
hiện sức mạnh thực sự của nó ở những mặt nhất định và đang chi
phối khá mạnh nền chính trị và kinh tế thế giới, chứ chưa phải đã
đến lúc lịch sử của nó kết thúc. Hệ thống đó vẫn đang có khả năng
thích nghi, tự điều chỉnh và tiếp tục phát triển. Không thể không thấy
điều đó. Vậy, liệu có thể từ đó mà rút ra kết luận rằng, chủ nghĩa tư
bản là vĩnh hằng, là bất tử, là tương lai duy nhất của nhân loại hay
không? Không. Hoàn toàn không thể! Mọi sự biện hộ theo kiểu đó
đều không có cơ sở. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hoá hiện nay mà
C.Mác đã từng dự báo về sự ra đời của nó, với sức mạnh của nó và
với cả những mâu thuẫn nội tại mà tự thân nó không thể nào giải
quyết được, là bước chuẩn bị cho sự thay thế nó trong tương lai, tức
là các điều kiện chuẩn bị cho sự thay thế đó đang trong quá trình
hình thành ở ngay trong chính bản thân nó. Lịch sử không bao giờ
ngừng lại, không bao giờ ngưng đọng. Biện chứng của lịch sử chính
là như vậy và sẽ mãi mãi là như vậy.
Những bí mật làm giàu của các nhà tư bản và sự bần cùng của người
lao động cũng đã từng là một bí mật của lịch sử đã được chính C.Mác
khám phá ra nhờ học thuyết về giá trị thặng dư. Việc phát hiện ra học
thuyết này là “công lao lịch sử vĩ đại nhất lao động của Mác. Nó chiếu
sáng rực rỡ lên những lĩnh vực kinh tế mà trước kia những nhà xã hội
chủ nghĩa cũng mò mẫm trong bóng tối không kém gì những nhà kinh
tế học tư sản. Chủ nghĩa xã hội khoa học bắt đầu từ ngày có giải đáp
đó, và nó là điểm trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học”(9).
Ngày nay, nhân loại đang từng bước tiến vào kinh tế tri thức; tri thức
đang chuyển hoá “thành lực lượng sản xuất trực tiếp”(10) như
C.Mác đã từng tiên đoán. Sự kiện nhân loại bước vào kinh tế tri thức
này lại cũng là lý do để cho một số người, cả ở nước ta lẫn nước
ngoài, ngộ nhận rằng, kinh tế tư bản và các nhà tư bản đã thay đổi về
bản chất, không còn bóc lột người lao động, không tìm kiếm giá trị
thặng dư như khi C.Mác viết bộ Tư bản nữa. Theo họ, sức lao động
của con người ngày nay chủ yếu đã được chuyển sang cho các máy
móc cực kỳ tinh vi với hiệu suất rất cao. Tỷ lệ giá trị của lao động
sống không thể so với giá trị do máy móc làm ra, do đó, theo họ,
máy móc hiện đại mới là cái sản xuất ra giá trị thặng dư, nghĩa là
nhà tư bản bây giờ chỉ còn bóc lột máy móc chứ không phải bóc lột
công nhân!
Thật ra, như C.Mác đã từng nói: “... Những máy móc có một sức
mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm
cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và
tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, từ
xưa tới nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó
lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ”(11). Nhận xét đó
của C.Mác vẫn rất đúng trong điều kiện hiện nay. Máy móc, dù có
hiện đại đến đâu chăng nữa, cũng vẫn không thể thiếu được sức lao
động của con người. Hơn thế nữa, máy móc càng hiện đại, càng tạo
ra nhiều sản phẩm hơn, các sản phẩm càng có hàm lượng tri thức
nhiều hơn thì lại càng đòi hỏi chất lượng lao động cao hơn, tri thức
nhiều hơn, do đó, càng không thể thiếu được công nhân tri thức.
Nghĩa là, sản xuất, dù hiện đại đến đâu, cũng không thể thiếu được
sức lao động của con người, của người công nhân, của kỹ sư, của
nhà khoa học, tức là không thể thiếu được lao động sống. Vậy, nhà
tư bản lấy lợi nhuận ở đâu, có chiếm đoạt giá trị thặng dư ở đây
không? Chắc chắn không khó để trả lời.
Chính C.Mác đã chỉ rõ rằng, sự sản xuất ra giá trị thặng dư là quy
luật tuyệt đối của sản xuất tư bản chủ nghĩa; không có lợi nhuận thì
không một nhà tư bản nào chịu bỏ vốn để sản xuất, kinh doanh, mà
“lợi nhuận chỉ là hình thái thứ sinh, phái sinh và được biến đổi của
giá trị thặng dư, là hình thái tư sản trong đó đã xoá hết những nguồn
gốc của nó”(12).
Dường như có người đã không biết, hoặc đã cố tình quên đi sự luận
chứng rất quan trọng và khoa học này của C.Mác về mối quan hệ
giữa lợi nhuận và giá trị thặng dư. Rõ ràng là, trong thời đại hiện
nay, hình thức bóc lột có thay đổi, đã trở nên khó nhận biết hơn, tinh
vi hơn và khác hơn so với thời của C.Mác, nhưng bản chất bóc lột của
tư bản thì không khác. Đó chính là nguồn gốc, là nguyên nhân dẫn
đến hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa những nước
giàu và những nước nghèo hiện nay trên thế giới, kể cả ở các nước tư
bản phát triển nhất, đang ngày một doãng ra với tốc độ ngày càng
nhanh hơn.
Từ hai vấn đề quan trọng trên, có thể nói rằng, những học thuyết quan
trọng của C.Mác không hề lỗi thời, nếu chúng không bị tuyệt đối hoá,
nếu như nghiên cứu và vận dụng chúng theo tinh thần biện chứng chứ
không phải một cách giáo điều, xơ cứng.
Điều này không chỉ chúng ta nói và tin, mà ngay cả nhiều nhà triết
học phương Tây nổi tiếng cũng tin như vậy. Và, chắc lòng tin đó của
họ không thể coi là xuất phát từ hệ tư tưởng, mà chính là từ những
sự trải nghiệm, sự phân tích thực tiễn và sự tổng kết lý luận của
chính họ.
Giăccơ Đêrriđa, trong Những bóng ma của Mác đã dẫn ra ở trên, khi
thừa nhận rằng, “tất cả mọi người trên toàn trái đất này, dù họ muốn,
họ biết hay là không, đều là những người kế thừa của Mác và chủ
nghĩa Mác với một mức độ nhất định”, đã khẳng định: “Luôn luôn sẽ
là một sai lầm, nếu không đọc đi đọc lại và tranh luận những tác
phẩm của Mác... Đó sẽ càng ngày càng là một sai lầm, một sự thiếu
trách nhiệm về mặt lý luận, triết học và chính trị... Sẽ không có
tương lai khi không có trách nhiệm đó. Không có nếu không có Mác;
không có tương lai mà lại không có Mác. Nếu không có ký ức về
Mác và không có di sản của Mác”(13).
Chủ nghĩa Mác không chết, chủ nghĩa cộng sản được xây dựng dựa
trên các học thuyết chân chính của C.Mác không chết như một số
người từng tuyên bố. C.Mác vẫn sống với nhân loại không chỉ ở thế
kỷ XXI, bởi những di sản của C.Mác đã trở thành tài sản chung của
cả nhân loại và sẽ mãi mãi là như vậy; bởi như Michel Vadée - nhà
triết học, thành viên của Trung tâm nghiên cứu và tư liệu về Hêghen
và Mác thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, đã
nhận định rằng, “tư tưởng của Mác đã “được biết đến nhiều”: nó đã
cắm sâu vào thế giới”(14).r
(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Fukuyama Francis. The End of History and the Last Man. New
York: Free Press 1992.
(2) Giăccơ Đêrriđa. Những bóng ma của Mác. Nxb Chính trị Quốc
gia và Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1994, tr.149.
(3) Giăccơ Đêrriđa. Sđd., tr.151.
(4) Giăccơ Đêrriđa. Sđd., tr.126.
(5) Гегел. Сочинение, т. IХ. Москва, 1932, с. 40 (Hêghen. Tác
phẩm, t.IX. Mátxcơva, 1932, tr. 40).
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 1995, tr.28-29.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.22.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.13, tr.15-16.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.286.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.46, phần II, tr.372.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.12, tr.10.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.46, phần II, tr.160.
(13) Giăccơ Đêrriđa. Những bóng ma của Mác. Sđd., tr.190 - 191,
42.
(14) Michel Vadée. Marx nhà tư tưởng của cái có thể, t.I. Viện
Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.1.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- triet_hoc_4__5641.pdf