Trong thời gian vừa qua, các tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật chẩn đoán
hình ảnh, dụng cụ nội soi và tán sỏi ngoài cơ thể đã tạo nên một cuộc cách
mạng trong điều trị sỏi tiết niệu. Hiện nay, bằng các phương tiện can thiệp
xâm hại tối thiểu, phẫu thuật viên có thể điều trị bệnh lý sỏi rất hiệu quả. Ưu
điểm của phẫu thuật xâm hại tối thiểu là ít đau sau mổ, số ngày nằm viện hậu
phẫu và thời gian phục hồi sức khỏe của bệnh nhân rút ngắn đáng kể.
6 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1212 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Các khuynh hướng điều trị sỏi tiết niệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Các khuynh hướng điều trị sỏi tiết niệu
Trong thời gian vừa qua, các tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật chẩn đoán
hình ảnh, dụng cụ nội soi và tán sỏi ngoài cơ thể đã tạo nên một cuộc cách
mạng trong điều trị sỏi tiết niệu. Hiện nay, bằng các phương tiện can thiệp
xâm hại tối thiểu, phẫu thuật viên có thể điều trị bệnh lý sỏi rất hiệu quả. Ưu
điểm của phẫu thuật xâm hại tối thiểu là ít đau sau mổ, số ngày nằm viện hậu
phẫu và thời gian phục hồi sức khỏe của bệnh nhân rút ngắn đáng kể.
Các phương tiện điều trị sỏi tiết niệu
Máy tán sỏi bằng sóng chấn động (SWL - shock wave lithotripsy): SWL
xuất hiện từ thập niên 1980 và hiện đang là phương tiện được lựa chọn hàng đầu
trong điều trị sỏi tiết niệu do tính hiệu quả và an toàn. Sóng chấn động là những
sóng áp lực biên độ năng lượng cao, được truyền qua các môi trường nước hoặc
mô mềm mà ít bị giảm cường độ. Khi sóng chạm vào mặt trước của viên sỏi, do sự
khác biệt về trở kháng, bề mặt của sỏi sẽ sinh ra một lực ép lớn hơn rất nhiều so
với lực căng bề mặt của viên sỏi. Lực ép này làm bề mặt của sỏi vỡ ra. Khi sóng
chấn động tiếp tục đi đến mặt sau của viên sỏi, một phần năng lượng sẽ dội trở lại
và tiếp tục làm vỡ mặt sau của sỏi. Các sóng chấn động được lặp đi lặp lại liên tục
làm viên sỏi vỡ thành nhiều mảnh vụn. Những mảnh vụn dưới 2 mm sẽ tự trôi ra
ngoài theo dòng nước tiểu.
Mọi SWL đều gồm 4 bộ phận chính: nguồn tạo sóng chấn động, bộ phận
hội tụ sóng, môi trường truyền sóng và dụng cụ định vị sỏi. Có 3 loại nguồn tạo
sóng: thủy điện lực (electrohydraulic), áp điện (piezoelectric) và điện từ trường
(electromagnetic).
Lấy sỏi thận qua da (PCNL - percutaneous nephrostolithotomy):
năm 1976, lần đầu tiên trên thế giới, Fernstrom và Johansson tiến hành tạo
một “đường hầm” đi từ bề mặt da xuyên qua các lớp cân cơ, vào đài bể thận để lấy
sỏi cho 3 bệnh nhân. Sự kiện này mở ra một “chân trời mới” cho việc điều trị sỏi
thận.
Trong PCNL, đường hầm vào thận thích hợp là yếu tố quyết định thành
công của phẫu thuật. Đa số các phẫu thuật viên lựa chọn đường vào thận từ đài
dưới hoặc đài giữa, mặt sau của thận và nằm dưới xương sườn 12. Đường hầm vào
thận được nong dần từ 8 đến 30 Fr (10 mm). Sau đó một nòng nhựa 30 Fr được
đưa vào bể thận để tiến hành soi thận bằng máy soi cứng hoặc soi mềm.
Những viên sỏi kích thước dưới 1 cm có thể gắp trọn ra ngoài. Nếu kích
thước sỏi lớn hơn, phải dùng dụng cụ tán sỏi nội soi.
Đối với sỏi thận kích thước lớn nên tán sỏi bằng dụng cụ siêu âm. Ưu điểm
của dụng cụ này là trong quá trình tán sỏi có thể hút được sỏi vụn. Tuy nhiên một
số sỏi acid uric, sỏi calcium oxalat monohydrat hoặc sỏi cystin rất cứng, khi tán
sỏi cần kết hợp thêm các loại dụng cụ khác.
Nội soi niệu quản (URS - Ureteroscopy): sự xuất hiện của máy soi niệu
quản đã làm thay đổi tình hình điều trị sỏi niệu quản. Nhờ những tiến bộ trong
công nghệ chế tạo sợi quang, các máy soi niệu quản bán cứng (semi-rigid) hiện
nay tuy có kích thước nhỏ (từ 6,9 - 8,5 Fr) nhưng kênh thao tác của máy khá lớn
(2,4 - 4,0 Fr) cho phép tiếp cận sỏi dễ dàng và có thể tán sỏi bằng nhiều loại dụng
cụ khác nhau. Ngoài ra, với máy soi niệu quản mềm và dụng cụ tán sỏi holmium
laser, phẫu thuật viên có thể điều trị hầu hết các viên sỏi ở đoạn niệu quản trên, kể
cả một số sỏi thận.
Nội soi ổ bụng hoặc nội soi sau phúc mạc: năm 1979 và 1992, Wickham
và Raboy thực hiện phẫu thuật lấy sỏi niệu quản nội soi sau phúc mạc và nội soi ổ
bụng. Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc có hiệu quả điều trị sỏi tương tự phẫu thuật
nội soi ổ bụng nhưng thời gian phục hồi của bệnh nhân ngắn hơn. Hiện nay, kỹ
thuật lấy sỏi này phổ biến ở các nước đang phát triển do thiếu những phương tiện
can thiệp ít xâm hại như máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy soi niệu quản mềm hoặc
dụng cụ tán sỏi laser.
Mổ mở: với các phương tiện can thiệp xâm hại tối thiểu hiện nay, tỷ lệ mổ
mở lấy sỏi tiết niệu ở các nước tiên tiến chỉ còn từ 1 - 5%.
Các khuynh hướng điều trị sỏi tiết niệu
Điều trị sỏi thận
Sỏi nhỏ: đối với sỏi thận kích thước nhỏ thì SWL là phương tiện điều trị
được lựa chọn hàng đầu, với tỷ lệ sạch sỏi thay đổi từ 56 - 91%, tùy thuộc loại
máy tán sỏi. Khi SWL thất bại thì có chỉ định lấy sỏi qua da. Tỷ lệ sạch sỏi của
PCNL khá cao, từ 90 - 95%.
Đối với sỏi đài dưới của thận, nội soi thận ngược dòng với ống soi niệu
quản mềm và tán sỏi bằng holmium laser cho kết quả rất khả quan. Tỷ lệ sạch sỏi
có thể đến 95%.
Sỏi lớn: khả năng điều trị của SWL rất thấp nên PCNL là phương tiện điều
trị tối ưu. Tỷ lệ sạch sỏi từ 85 - 95%. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của sỏi,
khả năng sót sỏi phải nội soi gắp sỏi lần hai hoặc phải tán sỏi ngoài cơ thể hỗ trợ
khoảng 3 - 35%. Phương tiện điều trị thứ hai là nội soi thận ngược dòng với ống
soi niệu quản mềm và tán sỏi bằng holmium laser. Tỷ lệ sạch sỏi ở lần tán sỏi đầu
tiên là 76% và ở lần thứ hai là 91%.
Vai trò của mổ mở chỉ còn giới hạn trong những trường hợp sau: sỏi san hô
toàn bộ kích thước lớn; đã điều trị bằng các biện pháp ít xâm hại nhưng thất bại;
sỏi đi kèm các bất thường giải phẫu của hệ tiết niệu; khi thận mất chức năng hoàn
toàn, có chỉ định cắt thận.
Điều trị sỏi niệu quản
Đoạn 1/3 trên: khả năng điều trị thành công của SWL đạt gần 100%. Nếu
sỏi bám dính gây tắc nghẽn niệu quản thì có thể tiếp cận tán sỏi xuôi dòng bằng
đường hầm qua da vào đài thận trên, hoặc tán sỏi nội soi ngược dòng với ống soi
niệu quản mềm.
Đoạn 1/3 giữa: tỷ lệ sạch sỏi khi điều trị bằng SWL khá thấp, chỉ khoảng
70%. Điều trị được lựa chọn hàng đầu là tán sỏi nội soi với ống soi niệu quản cứng
hoặc mềm. Tỷ lệ sạch sỏi đạt 80 - 95%.
Chỉ định lấy sỏi nội soi sau phúc mạc: sỏi quá cứng, không thể tán sỏi bằng
SWL hoặc URS; không thể tiếp cận sỏi bằng máy soi niệu quản; không có các
phương tiện điều trị ít xâm hại. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật là 95%. Biến
chứng thường gặp nhất là hẹp niệu quản, xảy ra ở 25 - 30% trường hợp.
Đoạn 1/3 dưới: nội soi niệu quản với ống soi cứng là phương tiện điều trị
được lựa chọn hàng đầu, với tỷ lệ sạch sỏi từ 90 đến 99%. Gần đây một số nghiên
cứu cho thấy tỷ lệ sạch sỏi khi điều trị bằng SWL cũng rất khả quan, đạt gần 85%
ở lần tán sỏi đầu tiên.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- cac_khuynh_huong_dieu_tri_soi_tiet_nieu_9975.pdf