Nghiên cứu sử dụng tiểu thang đo stress trong thang đánh giá DASS-42 và
phiếu hỏi tự thiết kế để khảo sát biểu hiện, nguyên nhân stress của giáo viên
can thiệp trẻ tự kỷ (GV CTTTK) tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kết
quả điều tra trên 93 giáo viên cho thấy có hơn 36% giáo viên có biểu hiện
stress ở mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Đáng chú ý, GV CTTTK làm việc ở
môi trường bệnh viện có biểu hiện stress cao hơn so với các môi trường làm
việc khác, và hai nhóm nguyên nhân chính khiến GV CTTTK gặp phải stress
là do khối lượng công việc và mối quan hệ với trẻ. Kết quả từ nghiên cứu này
giúp GV CTTTK nhận thức về các nguyên nhân stress trong công việc để có
kế hoạch quản lý stress hiệu quả hơn.
13 trang |
Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 18/05/2022 | Lượt xem: 649 | Lượt tải: 1
Nội dung tài liệu Biểu hiện stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
612
BIỂU HIỆN STRESS CỦA GIÁO VIÊN CAN THIỆP
TRẺ TỰ KỶ TẠI THÀNH PHỐ BIÊN HÒA, TỈNH ĐỒNG NAI
Huỳnh Thị Bích Thuộc1*, Nguyễn Thị Bích Tuyền1
Nguyễn Thanh Trúc2
Tóm tắt
Nghiên cứu sử dụng tiểu thang đo stress trong thang đánh giá DASS-42 và
phiếu hỏi tự thiết kế để khảo sát biểu hiện, nguyên nhân stress của giáo viên
can thiệp trẻ tự kỷ (GV CTTTK) tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kết
quả điều tra trên 93 giáo viên cho thấy có hơn 36% giáo viên có biểu hiện
stress ở mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Đáng chú ý, GV CTTTK làm việc ở
môi trường bệnh viện có biểu hiện stress cao hơn so với các môi trường làm
việc khác, và hai nhóm nguyên nhân chính khiến GV CTTTK gặp phải stress
là do khối lượng công việc và mối quan hệ với trẻ. Kết quả từ nghiên cứu này
giúp GV CTTTK nhận thức về các nguyên nhân stress trong công việc để có
kế hoạch quản lý stress hiệu quả hơn.
Từ khóa: stress, biểu hiện stress, giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ, stress của giáo
viên, stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ
STRESS EXPRESSION OF INTERVENTION TEACHERS
OF CHILDREN WITH AUTISM SPECTRUM DISORDER
IN BIEN HOA CITY, DONG NAI PROVINCE
Abstract
The study used Depression, Anxiety, and Stress Scale DASS-42 and a self-
designed questionnaire to investigate the levels, causes of stress of intervention
teachers of children with autism spectrum disorders in Bien Hoa City, Dong
Nai Province. The results showed that there were more than 36% of teachers
had stress at slow to high levels. Interestingly, intervention teachers who
worked in the hospital had a higher level of stress than other places. The
1 Trường Đại học Khánh Hòa.
* Email: bichthuocedu@gmail.com
2 Bệnh viện Tâm thần Trung ương.
613
two main factors that made stress were overload work and having difficult
relationships with children. These findings can help teachers understand the
stressors in their job to have positive strategies with stress.
Keywords: stress, stress expression, intervention teachers of children with
autism spectrum disorder, teachers’s stress
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Palmer và Copper (2006) đã định nghĩa “Stress là khi áp lực vượt quá
khả năng đối phó” của chính bản thân chủ thể. Có thể hiểu, stress không
chỉ là những tác động bên ngoài chủ thể mà còn là khả năng chủ quan của
chủ thể về niềm tin và khả năng đối phó với những tình huống đe dọa
bên ngoài. Như vậy khi tìm hiểu về mức độ biểu hiện stress, cần đưa ra cả
những nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ biểu hiện stress đó.
Trẻ tự kỷ là trẻ có một nhóm các rối loạn liên quan đến não bộ, gây
nên những khó khăn trong chăm sóc bản thân, học tập và giao tiếp của trẻ.
Stress của GV CTTTK có thể đến từ chính công việc khi làm việc với nhóm
trẻ này, môi trường làm việc và đến từ niềm tin về khả năng ứng phó về
cuộc sống bản thân giáo viên. Stress của GV CTTTK cũng có những khác
biệt liên quan đến từ các nguyên nhân, biểu hiện stress và cách lựa chọn
ứng phó của giáo viên. Bài viết tập trung vào mức độ biểu hiện stress của
GV CTTTK tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nghiên cứu được
thực hiện với mục đích khảo sát:
(a) Đánh giá mức độ, biểu hiện stress của giáo viên CTTTK tại thành phố
Biên Hòa, Đồng Nai;
(b) So sánh điểm trung bình stress của giáo viên CTTTK tại thành phố
Biên Hòa, Đồng Nai theo một số đặc điểm nhân khẩu;
(c) Những nguyên nhân gây stress của giáo viên CTTTK tại thành phố
Biên Hòa, Đồng Nai.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Công cụ khảo sát
Thang đo Mức độ lo âu, trầm cảm và stress (Depression Anxiety Stress
Scale) Dass-42 của Lovibond & Lovibond (1995) – nhóm các nhà nghiên
614
cứu tâm lý của Đại học New South Wales (Úc) đã được chuẩn hóa tại Việt
Nam (Hoàng, 2020). Trắc nghiệm gồm 42 mệnh đề (item) và 4 mức độ
đánh giá từ 0 đến 3 điểm (không bao giờ, thỉnh thoảng, thường xuyên và
rất thường xuyên), kết quả đánh giá stress gồm 5 mức độ theo bảng 1.
Bảng 1. Mức độ biểu hiện stress theo thang đo DASS-42
Tổng điểm Mức độ
Từ 0 – 14 điểm Không có stress
Từ 15 – 18 điểm Stress nhẹ
Từ 19 – 25 điểm Stress vừa
Từ 26 – 33 điểm Stress nặng
Từ 34 điểm trở lên Stress rất nặng
Thang đo DASS-42 được chứng minh có độ giá trị, độ tin cậy tốt trên
đối tượng là 354 sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (2020), với
độ tin cậy của trắc nghiệm Cronbach’s Alpha là .90 (Hoàng, 2020). Thang
đo khảo sát biểu hiện stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ tại thành phố
Biên Hòa, Đồng Nai được thiết kế theo tiểu thang đo stress 14 mục (items)
của thang đánh giá stress – lo âu – trầm cảm DASS-42. Hệ số Cronbach’s
Alpha của tiểu thang đo stress này là .874.
2.2. Cách chọn mẫu
Thời gian khảo sát của nghiên cứu là từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2020.
Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện, lấy
mẫu theo cụm là nơi làm việc của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ. Theo đó,
có 4 mô hình nơi làm việc (cả nhà nước và tư nhân) được liệt kê, bao gồm:
Trường/trung tâm chuyên biệt, Trường mầm non hòa nhập, bệnh viện
(Khoa Nhi và Khoa Tâm lý lâm sàng, thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung
ương 2), và làm việc tự do. Tổng số khách thể của nghiên cứu này là 93 giáo
viên. Đặc điểm khách thể được mô tả ở bảng 2.
615
Bảng 2. Đặc điểm khách thể nghiên cứu
Các biến nhân khẩu – xã hội Tần số (N)
Tỷ lệ
(%)
Tuổi Từ 20 – 29 63 65.6
Từ 30 – 39 30 31.3
Từ 40 đến 49 3 3.1
Giới tính Nam 11 11.5
Nữ 85 88.5
Tình trạng hôn nhân Độc thân 57 59.4
Đã kết hôn 37 38.5
Ly thân/Ly dị 2 2.1
Nơi làm việc Trường/trung tâm chuyên biệt 59 61.5
Trường mầm non hòa nhập 5 5.2
Bệnh viện 8 8.3
Tự do 24 25.0
Thâm niên 1 – 5 năm 66 68.8
6 – 10 năm 24 25.0
11 – 15 năm 6 6.3
Trình độ học vấn Trung cấp 4 4.2
Cao đẳng 11 11.5
Đại học 68 70.8
Sau đại học 13 13.5
Chuyên ngành
đào tạo
Giáo dục đặc biệt 14 14.6
Tâm lý học 48 50.0
Giáo dục mầm non 11 11.5
Công tác xã hội 15 15.6
Các ngành khác 8 8.3
Thu nhập Dưới 5 triệu 10 10.4
5 – 10 triệu 64 66.7
10 – 15 triệu 16 16.7
Trên 15 triệu 6 6.3
616
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Tỷ lệ stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ tại thành phố Biên Hòa,
tỉnh Đồng Nai
Tính chuẩn phân phối điểm stress theo thang đo DASS-42: Điểm trung
bình (M = 12.70) gần bằng với trung vị (Me = 12.00), độ xiên skewness là
0.372 nằm trong khoảng -1 đến 1; kiểm định Kolmogorov-Smirnov cho
kết quả H = .084, p = .109 > .05 nên dữ liệu được xem như xấp xỉ phân phối
chuẩn (Chan, 2003).
63,4
17,2
16,1
Mức độ stress
Không có stress
Stress nhẹ
Stress vừa
Stress nặng
Biểu đồ 1. Tỷ lệ stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ
tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Kết quả khảo sát trên 93 giáo viên ở biểu đồ 1 cho thấy, tại thời điểm
khảo sát, có 63.4% giáo viên không có biểu hiện stress, và 36.6% giáo viên
có biểu hiện stress từ mức độ nhẹ (17.2%), vừa (16.1%) đến nặng (3.2%).
Điểm trung bình stress của giáo viên là 12.7, điều này có thể cho thấy mức
độ stress của giáo viên CTTTK tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
chưa đến mức báo động tại thời điểm khảo sát. Chiến lược ứng phó với
stress mà giáo viên đã sử dụng chính là yếu tố giải thích cho thực trạng này.
Theo đó, kết quả bài báo đã công bố trước đó từ một phần của nghiên cứu
này cho thấy, đa số GV CTTTK tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
ứng phó với stress theo chiến lược tập trung vào vấn đề (Nguyễn và cộng
sự, 2021), đây được xem là chiến lược ứng phó tích cực, lành mạnh, là yếu
tố bảo vệ góp phần làm giảm mức độ stress hiệu quả nhất. Tỷ lệ giáo viên
CTTTK có biểu stress từ nghiên cứu này cao hơn so với kết quả nghiên cứu
617
của tác giả Lê Thị Loan (2020); khảo sát này cho thấy có 33.8% giáo viên
CTTTK tại các trung tâm can thiệp sớm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh (n = 68) có biểu hiện stress, trong đó, có 14.7% giáo viên có mức độ
stress nhẹ, 10.3% có mức độ trung bình, 7.4% giáo viên stress nặng và 1.5%
stress rất nặng (Lê, 2020).
3.1.1. Biểu hiện stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ tại thành phố Biên
Hòa, tỉnh Đồng Nai
Bảng 3. Biểu hiện stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ tại Đồng Nai
STT Biểu hiện stress M SD
Về mặt nhận thức
1 Tôi thấy mình đang suy nghĩ quá nhiều 1.42 0.91
2 Tôi thấy khó chấp nhận việc đang làm bị gián đoạn 1.11 0.76
3 Tôi không chấp nhận được việc có cái gì đó xen vào cản
trở việc tôi đang làm
1.11 0.79
4 Tôi sống trong tình trạng căng thẳng 0.82 0.80
Về mặt cảm xúc
1 Tôi dễ cáu kỉnh, bực bội 1.04 0.77
2 Tôi khá dễ phật ý, tự ái 0.90 0.74
3 Tôi khá dễ bị bối rối 0.80 0.69
4 Tôi thấy mình không thể kiên nhẫn được khi phải chờ đợi 0.80 0.72
5 Tôi thấy khó thư giãn được 0.77 0.81
6 Tôi thấy khó mà thoải mái được 0.71 0.67
7 Sau khi bị bối rối tôi thấy khó mà trấn tĩnh lại được 0.70 0.70
Về mặt hành vi
1 Tôi dễ bị kích động 0.69 0.71
2 Tôi thấy mình hay bối rối trước những việc chẳng đâu
vào đâu
1.06 0.85
3 Tôi có xu hướng phản ứng thái quá với mọi tình huống 0.77 0.74
M = 0.91
Kết quả bảng 3 cho thấy, khi gặp phải vấn đề gây căng thẳng, biểu
hiện stress của GV CTTTK tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có
618
những biến đổi về mức độ từ thấp đến cao (0.69 < M < 1.42), cũng như
tác động đến các mặt nhận thức nhiều hơn so với mặt cảm xúc, hành vi.
Cụ thể, về mặt nhận thức thì GV “thấy mình đang suy nghĩ quá nhiều”
(M = 1.42, SD = 0.91) hay “khó chấp nhận việc đang làm bị gián đoạn”
(M = 1.11, SD = 0.76) và “không chấp nhận được việc có cái gì đó xen vào
cản trở việc tôi đang làm” (M = 1.11, SD = 0.79).
3.1.2. So sánh điểm trung bình stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ theo
đặc điểm nhân khẩu
So sánh sự khác biệt điểm trung bình stress của giáo viên CTTTK theo
đặc điểm nhân khẩu, kết quả cho thấy, không có sự khác biệt có ý nghĩa
thống kê về mức độ stress theo giới tính, độ tuổi, tình trạng hôn nhân,
thâm niên, trình độ học vấn và chuyên ngành đào tạo. Như vậy có thể kết
luận các đặc điểm giới tính, độ tuổi, trình trạng hôn nhân, thâm niên, trình
độ học vấn và chuyên ngành đào tạo không ảnh hưởng đến mức độ stress
của giáo viên CTTTK tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Bảng 4. So sánh trung bình điểm stress của giáo viên theo nơi làm việc
Nơi làm việc
Biểu hiện stress
F P
Không có Có
Trung tâm chuyên biệt 37 21
3.877 .012Trường mầm non hòa nhập 4 1
Bệnh viện 2 5
Tự do 16 7
Tổng 59 34
Chú thích: F – giá trị F của kiểm định ANOVA One-way; p – mức ý nghĩa
Xét về nơi làm việc, kết quả bảng 4 cho thấy, có sự khác biệt ý nghĩa
thống kê về mức độ stress của giáo viên can thiệp sớm làm việc ở môi
trường khác nhau, F(3, 89) = 3.877; p = .012). Phân tích sâu Post Hoc được
thực hiện với kiểm định Turkey, kết quả cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa
thống kê giữa trung bình điểm stress của giáo viên làm việc ở bệnh viện
với trường/trung tâm chuyên biệt (p = .047), trường mầm non hòa nhập
(p = .015), và làm việc tự do (p = .02). Trong đó, giáo viên làm việc ở bệnh
619
viện có điểm trung bình stress cao nhất (M = 19), kế đến là trung tâm
chuyên biệt (M = 13), làm việc tự do (M = 11), và cuối cùng là làm việc ở
trường mầm non hòa nhập (M = 8). Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của
Lê Thị Loan (2020) cho thấy giáo viên CTTTK tại Thành phố Hồ Chí Minh
làm việc ở các trường/trung tâm chuyên biệt có mức độ stress cao hơn so
với GV tại các trường mầm non, bệnh viện và làm việc tự do (Lê, 2020). Để
tìm lời giải thích cho kết quả trên, một cuộc phỏng vấn sâu đã được thực
hiện và nội dung sẽ được trình bày ở phần sau của bài báo này.
3.2. Các yếu tố nguyên nhân gây stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ
Bảng 5. Kiểm định độ hiệu lực nội bộ các thang đo yếu tố
nguyên nhân gây stress của giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ
STT Các nhóm yếu tố nguyên nhân M Cronbach’s Alpha
1 Yếu tố trong công việc 2.87 .896
2 Yếu tố về mối quan hệ với trẻ 2.64 .805
3 Yếu tố ngoài công việc 2.13 .795
4 Yếu tố về môi trường làm việc 1.97 .883
Mỗi đứa trẻ tự kỷ có những đặc điểm, nhu cầu khác nhau, điều này
tạo nên những đòi hỏi cao hơn ở người giáo viên CTTTK về cả chuyên
môn lẫn nghiệp vụ, cũng như khả năng cân bằng cuộc sống cá nhân. Nhìn
vào bảng 5 có thể thấy, nhóm nguyên nhân đến từ công việc (M = 2.87) là
nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ stress của người GV CTTTK,
tiếp theo là nguyên nhân về mối quan hệ với trẻ (M = 2.64), yếu tố ngoài
công việc (M = 2.13) đứng thứ ba, và yếu tố ít ảnh hưởng nhất chính là yếu
tố môi trường làm việc (M = 1.97).
Khi so sánh với đề tài của Lê Thị Loan (2020) thì có sự thay đổi vị trí
giữa hai nhóm yếu tố đầu tiên. Cụ thể, nhóm yếu tố gây ra stress của GV
can thiệp trẻ thì nhóm yếu tố trong mối quan hệ với trẻ gây stress nhiều
nhất (M = 2.63), đứng thứ hai là nhóm yếu tố trong công việc (M = 2.52).
Thứ tự hai yếu tố còn lại thì giống nhau giữa 2 nghiên cứu, thứ ba là yếu
tố ngoài công việc (M = 2.07) và thứ tư là yếu tố môi trường làm việc
(M = 1.93). Nội dung cụ thể của từng nguồn gây stress được thể hiện trong
bảng 5.1.
620
Bảng 5.1. Yếu tố nguyên nhân trong công việc
STT Yếu tố trong công việc M SD
1 Khối lượng công việc quá nhiều 2.89 0.93
2 Thời gian làm việc quá dài, giờ nghỉ ngơi không đảm bảo 2.8 1.01
3 Mức lương thấp, ít tăng lương 2.71 0.97
4 Đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau 2.67 0.96
5 Số lượng trẻ đông nhưng ít giáo viên 2.63 1.03
6 Sự phân công công việc không rõ ràng 2.59 0.95
7 Tổ chức, sắp xếp công việc chưa hợp lý 2.44 0.83
8 Mâu thuẫn với lãnh đạo 2.25 1.00
9 Mối quan hệ với đồng nghiệp không thoải mái 1.97 0.94
M = 2.87
Các yếu tố trong công việc là nhóm nguyên nhân đứng đầu ảnh hưởng
đến stress của GV CTTTK (M = 2.87). Cụ thể, ba nguyên nhân chính là
“khối lượng công việc quá nhiều” (M = 2.89, SD = 0.93), “thời gian làm việc
quá dài, giờ nghỉ ngơi không đảm bảo” (M = 2.80, SD = 1.01), và “mức lương
thấp, ít tăng lương” (M = 2.71, SD = 0.97). So với công việc của một giáo
viên dạy chương trình phổ thông, rõ ràng GV CTTTK có khối lượng công
việc nhiều và khó hơn, từ việc thiết kế giáo án, chuẩn bị dụng cụ, tổ chức
dạy cho từng trẻ/từng nhóm trẻ có hành vi bất thường, cho đến quá trình
đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ. Tuy nhiên, mức lương được nhận không
tương xứng với khối lượng công việc đảm nhận, nhất là trong môi trường
bệnh viện, đã dẫn đến những khó khăn nhất định đến chất lượng cuộc
sống của mỗi giáo viên.
Bảng 5.2. Yếu tố về mối quan hệ với trẻ
STT Yếu tố về mối quan hệ với trẻ M SD
1 Trẻ chậm tiến bộ 2.66 0.77
2
Trẻ có nhiều hành vi không mong muốn (ăn vạ, gây
tổn thương người khác hay tự hại)
2.65 0.89
3 Trẻ quấy khóc, lăng xăng, quậy phá 2.62 0.82
M = 2.64
621
Việc thiết lập mối quan hệ với trẻ cũng là một yếu tố thuộc chuyên
môn của GV CTTTK. Người giáo viên cần có sự kết nối với đối tượng làm
việc của họ, bởi những đứa trẻ tự kỷ có những nhu cầu, đặc điểm riêng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Kết quả
bảng 5.2 cho thấy, khi “trẻ chậm tiến bộ” (M = 2.66, SD = 0.77) hoặc khi
“trẻ có nhiều hành vi không mong muốn (ăn vạ, gây tổn thương người khác
và tự hại)” (M = 2.66, SD = 0.89) và “trẻ quấy khóc, lăng xăng, quậy phá”
(M = 2.62, SD = 0.82) đều có thể mang lại stress cho GV CTTTK. Mỗi đứa
trẻ có mức độ nhận thức khác nhau, đặc biệt là trẻ rối loạn tự kỷ, chính vì
vậy, công việc của giáo viên can thiệp là đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm để
đem đến sự tiến bộ của trẻ.
Chia sẻ với người nghiên cứu, một GV CTTTK tại Thành phố Biên
Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Công việc của tôi không quá nặng nhọc,
nhưng đòi hỏi chuyên môn vững, bài bản nữa. Vì làm việc với trẻ em lại là
trẻ tự kỷ nữa, các em có nhiều hạn chế trong việc học tập, sinh hoạt hàng
ngày. Nói về áp lực thì việc làm thế nào để cải thiện tình trạng của mỗi em
chắc là điều khiến chúng tôi áp lực nhất. Thêm nữa là áp lực từ phía gia
đình. Nhiều phụ huynh không hiểu biết nhiều về tự kỷ, nên lúc nào cũng đòi
hỏi chúng tôi phải làm sao cho con họ trở nên bình thường, hòa nhập đi học
như bình thường. Trên thực tế thì điều này rất khó. Nhiều khi căng thẳng
đến không kiềm chế được cảm xúc”.
Bảng 5.3. Yếu tố ngoài công việc
STT Yếu tố ngoài công việc M SD
1 Kinh tế gia đình thiếu hụt, khó khăn 2.22 0.87
2 Gặp vấn đề trong chuyện tình cảm, gia đình, bạn bè 2.18 0.79
3
Bản thân hay người thân trong gia đình gặp vấn đề về
sức khỏe
2.16 0.85
4 Chăm sóc con nhỏ/cha mẹ già 1.97 0.98
M = 2.13
Bên cạnh khối lượng công việc dạy trẻ, thì đời sống cá nhân cũng là
yếu tố tác động đến stress của giáo viên CTTTK. Từ kết quả bảng 5.3, việc
622
“kinh tế gia đình thiếu hụt, khó khăn” (M = 2.22, SD = 0.87) đứng đầu
nhóm nguyên nhân yếu tố ngoài công việc, tương ứng với nội dung “mức
lương thấp, ít tăng lương” (M = 2.71) ở nhóm yếu tố liên quan đến công
việc. Đây cũng là một điều đáng lưu ý trong việc hoàn thiện chính sách và
chế độ lương, thưởng dành cho GV CTTTK, bởi họ chỉ có thể tận tâm làm
việc và giáo dục trẻ khi họ đã yên tâm kinh tế, công việc ở nhà.
Bảng 5.4. Yếu tố về môi trường làm việc
STT Yếu tố về môi trường làm việc M SD
1 Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn 2.08 0.92
2
Môi trường làm việc không lành mạnh (ganh đua, bắt
nạt, nói xấu)
2.02 1.03
3
Ô nhiễm môi trường làm việc (tiếng ồn, mùi, không khí,
nước)
1.94 1.03
4 Môi trường làm việc nguy hiểm 1.84 0.94
M = 1.97
Yếu tố môi trường làm việc là nhóm các nguyên nhân ít ảnh hưởng
đến mức độ stress của GV CTTTK (M = 1.97). Trong đó, dựa vào kết quả
bảng 5.4, các giáo viên cho rằng “điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị
thiếu thốn” (M = 2.08, SD = 0.92) là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng nhiều đến
stress của họ. Dụng cụ dạy học của GV CTTTK hiện nay không nhiều, cơ
sở vật chất chưa đảm bảo nên hầu hết các GV CTTTK đều phải thiết kế
thêm các dụng cụ để giao bài tập, nâng cao cho trẻ. Dữ liệu định tính tổng
hợp được từ phỏng vấn sâu các giáo viên CTTTK làm việc tại Khoa Nhi và
Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho thấy điều
kiện làm việc của nhân viên y tế gặp nhiều bất lợi như: không có nhiều
cơ hội để được học nâng cao kỹ năng điều hành công việc, cũng như kỹ
năng can thiệp trẻ tự kỷ; thỉnh thoảng bị phân tâm trong công việc vì phải
kiêm nhiệm công việc hành chính; dụng cụ giảng dạy trẻ rối loạn tự kỷ
còn nhiều hạn chế. Điều này góp phần giải thích lý do vì sao các giáo viên
CTTTK làm việc trong môi trường bệnh viện tại thành phố Biên Hòa, tỉnh
Đồng Nai lại có mức độ stress cao hơn so với các cơ sở can thiệp khác.
623
IV. KẾT LUẬN
Đa số (63.4%) GV CTTTK ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
không có biểu hiện stress tại thời điểm khảo sát, có khoảng 36,6% giáo viên
biểu hiện stress ở mức độ nhẹ (17.2%), vừa (16.1%) và nặng (3.2%). Kết
quả này có được nhờ vào nhóm các biện pháp chiến lược tác động vào vấn
đề gây nên stress. Biểu hiện stress về mặt nhận thức và cảm xúc nhiều hơn
so với mặt hành vi. Nhóm nguyên nhân đến từ yếu tố công việc nguyên
nhân chính ảnh hưởng đến mức độ stress của GV CTTTK, sau đó là yếu
tố về mối quan hệ với trẻ, yếu tố ngoài công việc (chất lượng đời sống, gia
đình, bạn bè), và nguyên nhân ít gây stress nhất là yếu tố môi trường làm
việc. Đáng chú ý, giáo viên can thiệp làm việc trong môi trường bệnh viện
có mức độ stress cao hơn so với các nơi làm việc khác.
V. KHUYẾN NGHỊ
Mặc dù mức độ biểu hiện stress của GV CTTTK ở thành phố Biên
Hòa, tỉnh Đồng Nai không nghiêm trọng tại thời điểm tổ chức khảo sát,
tuy nhiên, stress là trạng thái tinh thần mang tính chất thời điểm. Việc tìm
hiểu các biểu hiện, cùng các nhóm nguyên nhân tác động, là điều cần thiết
để bản thân mỗi giáo viên có những biện pháp xử lí, đón nhận và ứng phó
với stress một cách phù hợp. Một số yếu tố gây stress liên quan đến công
việc như khối lượng công việc lớn; thời gian làm việc quá dài, không có
thời gian nghỉ ngơi, hay mức lương thấp, là điều mà các nhà quản lý cơ sở
can thiệp trẻ tự kỷ, đặc biệt là các nhà quản lý trong bệnh viện cần quan
tâm để tạo điều kiện cho GV CTTTK tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng
Nai, an tâm công tác giáo dục trẻ tự kỷ.
624
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chan Y.H. (2003). Biostatistics 101: Data Presentation. Singapore Med J, 44(6),
280-285.
Hoàng, L.T.Q. (2020). Mối tương quan giữa căng thẳng trong học tập và mức độ
lo âu, trầm cảm, stress của sinh viên Trường Đại học Hà Nội. Tạp chí Tâm
lý học, 10(259), 10/2020.
Lê, L.T. (2020). Stress và cách ứng phó với stress của giáo viên tại các trung tâm can
thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nguyễn, T.T.B., Nguyễn, T.T., Huỳnh, T.T.B. (2021). Mối liên hệ giữa chiến lược
ứng phó và mức độ stress của giáo viên can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại
thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại
học Thái Nguyên, 226(04), 84-91.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bieu_hien_stress_cua_giao_vien_can_thiep_tre_tu_ky_tai_thanh.pdf