Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về Quyền Trẻ
em, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường vẫn còn xảy ra ở mức
độ khá nghiêm trọng. Các hình thức bạo lực đối với trẻ em là: chửi mắng thô tục, làm nhục,
dùng đòn roi để trấn áp để lại hậu quả hết sức nặng nề về thể chất và tinh thần của trẻ. Các vụ
việc bạo hành mà một số bậc cha mẹ, thầy cô, người thân gây ra cho trẻ em đã được phát hiện
và đưa lên báo chí, khiến dư luận xã hội rất căm phẫn, đồng thời xã hội cũng lo ngại về sự
xuống cấp của chuẩn mực đạo đức, sự thiếu vắng môi trường văn hoá chuẩn mực của giáo
dục. Hiện tượng bạo lực gây ra cho trẻ em trong gia đình và nhà trường đang là vấn đề bức
xúc và được quan tâm đặc biệt vì mức độ ngày càng gia tăng của nó. Đề tài này cũng được
bàn luận nhiều trong các cuộc hội thảo, tọa đàm. Gần đây nhất là cuộc tọa đàm “Bạo lực trẻ
em trong nhà trường, thực trạng và giải pháp” do Sở Lao động thương binh và xã hội Thành
phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 25-12-2008[1] thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên
cứu xã hội, nhà quản lý nhà trường và chính quyền, ban, ngành.
6 trang |
Chia sẻ: tieuaka001 | Lượt xem: 588 | Lượt tải: 0
Nội dung tài liệu Bạo hành trẻ em trong gia đình và nhà trường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bạo hành trẻ em trong gia đình và nhà trường
ThS. Lê Thị Ngọc Dung
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM
Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về Quyền Trẻ
em, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường vẫn còn xảy ra ở mức
độ khá nghiêm trọng. Các hình thức bạo lực đối với trẻ em là: chửi mắng thô tục, làm nhục,
dùng đòn roi để trấn áp để lại hậu quả hết sức nặng nề về thể chất và tinh thần của trẻ. Các vụ
việc bạo hành mà một số bậc cha mẹ, thầy cô, người thân gây ra cho trẻ em đã được phát hiện
và đưa lên báo chí, khiến dư luận xã hội rất căm phẫn, đồng thời xã hội cũng lo ngại về sự
xuống cấp của chuẩn mực đạo đức, sự thiếu vắng môi trường văn hoá chuẩn mực của giáo
dục. Hiện tượng bạo lực gây ra cho trẻ em trong gia đình và nhà trường đang là vấn đề bức
xúc và được quan tâm đặc biệt vì mức độ ngày càng gia tăng của nó. Đề tài này cũng được
bàn luận nhiều trong các cuộc hội thảo, tọa đàm. Gần đây nhất là cuộc tọa đàm “Bạo lực trẻ
em trong nhà trường, thực trạng và giải pháp” do Sở Lao động thương binh và xã hội Thành
phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 25-12-2008[1] thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên
cứu xã hội, nhà quản lý nhà trường và chính quyền, ban, ngành...
Bạo lực gia đình hiện đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Xu hướng bạo lực từ gia đình đã
ảnh hưởng đến cách hành xử của học sinh với bạn bè và những người xung quanh. Các nghiên
cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân
của bạo lực, có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường. Nếu trong một
gia đình không có sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên, thì có thể sinh ra tổn
thương tâm lý ở trẻ em và dẫn tới những phản ứng bạo lực, gây gổ, thù hằn ở trẻ. Bạo lực gia
đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thể xác, chấn động
về mặt tinh thần, gây rối loạn về mặt trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách
của trẻ em. Trường hợp cha mẹ bị ngược đãi đánh đập từ thuở nhỏ, sau này lại lặp lại cách đối
xử đó với con cái mình không phải là hiếm. Sự bạo hành của người cha (người mẹ) đối với
con cái có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian ngắn mà nó để lại di chứng suốt cuộc đời
một con người. Trước mắt bạo hành là nỗi khiếp sợ và căm ghét của trẻ, nhưng tới khi trưởng
thành, những đứa con, lại có xu hướng “lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người thân. Khi
thực hiện hành vi bạo lực, họ dường như không còn kiểm soát được hành vi của mình. Như
vậy, di chứng tinh thần của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của
đứa trẻ.
Các nghiên cứu về tâm lý trẻ em cũng cho rằng: những đứa trẻ không được chăm sóc và dạy
dỗ chu đáo sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, thích sử dung bạo lực, thậm chí bất cần,
dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo. Báo cáo sơ bộ của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh cho thấy trong năm 2008, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 18 học sinh bị khởi
tố bởi các tội danh nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, phá hoại tài sản nhà nước Theo
số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm
pháp là do không được quan tâm chăm sóc [2].
Nghiên cứu của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát
từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo
số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong
cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần
mẹ đánh); bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%.
Môi trường gia đình ảnh hưởng nhiều tới thái độ ứng xử, hành vi của các em. Số liệu điều tra
trên 200 học sinh Thành phố Hồ Chí Minh của nhóm đề tài Viện Nghiên cứu Phát triển cho
thấy sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ, ít quan tâm đến con cái, quá chú trọng vào việc kiếm
tiền, thiếu quan tâm, hoàn cảnh gia đình phức tạp ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trẻ em, gây cho
các em chứng trầm cảm, cộc cằn, hung dữ, là nguy cơ dẫn đến bạo lực. Theo điều tra, tình
trạng gia đình của học sinh Thành phố Hồ Chí Minh có vấn đề đáng lo ngại.
Bảng 1: Môi trường gia đình
STT Tình trạng gia đình
Tỷ lệ (%)
1 Cha mẹ thường xuyên đánh lộn, cãi nhau 33.4
2 Cha mẹ hàng ngày uống ruợu 9.1
3 Cha mẹ li thân, li dị hoặc đã chết 11.1
4 Cha mẹ thường xuyên đi xa, ít quan tâm đến con 9.6
Các em học sinh sống trong gia đình có cha mẹ thường xuyên đi xa, hoặc sinh sống trong các
gia đình có cha mẹ li thân, li dị hoặc đã chết thường có biểu hiện trầm cảm, khép kín, ít giao
tiếp, mặc cảm... Khi phải sống trong hoàn cảnh gia đình có cha mẹ hàng ngày uống rượu,
thường xuyên đánh lộn, cãi nhau thì các em không có điều kiện hấp thụ được cái hay, cái
tốt, trau dồi lối sống văn hóa cho bản thân, mà còn bị những tác động xấu đến nhân cách.
Những số liệu điều tra: 9,1% học sinh sống trong gia đình có cha mẹ uống rượu hàng ngày,
33,4% học sinh sống trong gia đình có cha mẹ hoặc người thân thường xuyên cãi lộn, đánh
nhau là những nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần trẻ tổn thương, tâm trạng bực bội, khó chịu,
dễ có hành động gây hấn, hung dữ hoặc có hành vi bạo lực không kiểm soát được.
Thái độ quan tâm của cha mẹ đến con cái còn thể hiện qua việc khen - chê đúng lúc để động
viên khi các em làm việc tốt, hoặc chấn chỉnh hành vi sai trái của trẻ. Điều này rất quan trọng
vì trẻ được cha mẹ uốn nắn kịp thời những hành vi sai trái, tán thưởng những việc làm tốt, dần
dần trẻ biết phân biệt phải trái, lĩnh hội được những chuẩn mực của xã hội, không làm điều
xấu. Sự khiển trách hay trừng phạt của cha mẹ khi cần thiết sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối
với trẻ, trẻ rất coi trọng sự công bằng. Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ nên dạy dỗ, chỉ bảo để lần sau
trẻ không tái phạm, không nên chỉ khiển trách trẻ, tối kỵ việc trừng phạt thiếu công bằng.
Trong điều tra của chúng tôi, cha mẹ trừng phạt khi con có lỗi chiếm 17.2%, cha mẹ trừng
phạt không công bằng chiếm 2.5%.
Bảng 2: Thái độ của cha mẹ trong dạy dỗ con cái
STT Thái độ của cha mẹ Tỷ lệ (%)
1 Cha mẹ trừng phạt không công bằng 2.5
2 Cha mẹ trừng phạt khi con có lỗi 17.2
3 Cha mẹ không hề khen thưởng con 10.6
4 Cha mẹ ít khen thưởng 45.5
Theo khảo sát của chúng tôi, có 45.5% các em ít được cha mẹ khen thưởng, đặc biệt số cha
mẹ không hề khen thưởng con cái chiếm tới 10.6%, điều này ảnh hưởng xấu tới tinh thần các
em, làm các em dễ buông trôi, không nỗ lực phấn đấu, vì dù thế nào cũng không được cha mẹ
công nhận và đánh giá đúng.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường còn do gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan
tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em Các em rất ít khi được cha mẹ gần gũi, nói
chuyện, trao đổi thông tin và thể hiện tình cảm yêu thương. Lứa tuổi vị thành niên các em có
rất nhiều biến đổi về sinh lý, đặc biệt là từ tuổi dậy thì trở đi. Các bộ phận của cơ thể đang
trong thời kỳ phát triển mạnh với những thay đổi cả về cấu trúc lẫn về chức năng. Những biến
đổi cơ thể kèm theo những rung cảm mới, nhu cầu mới xuất hiện luôn làm cho các em băn
khoăn, lo lắng mong muốn được người lớn hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ. Khi trẻ được
lắng nghe, được thấu hiểu, tinh thần trẻ thoải mái, được giải tỏa tâm lý, trẻ sẽ học được tính vị
tha trong ứng xử, dễ tha thứ cho người khác. Nói chuyện với con cái là điều kiện lý tưởng để
phát hiện những biến đổi tâm lý trẻ, phát hiện sớm nguy cơ hành vi bạo lực ở trẻ. Tuy nhiên,
vì nhiều lý do mà các em ít được cha mẹ quan tâm gần gũi trò chuyện.
Bảng 3: Cha mẹ trao đổi, nói chuyện với trẻ
STT Mức độ trò chuyện Tỷ lệ (%)
1 Cha mẹ chỉ đôi khi mới nói chuyện với con
(lúc có, lúc không)
43.9
2 Cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con 10.1
3 Cha mẹ thường xuyên nói chuyện với con 46.0
Các bậc cha mẹ ít bỏ thời gian nói chuyện tâm tình với con cái vì vậy cơ hội giáo dục con cái
cũng bị mất đi, không hiểu rõ con mình, không phát hiện những bất thường trong thái độ hành
vi của con để uốn nắn kịp thời. Trường hợp cha mẹ chỉ đôi khi mới nói chuyện với các em
chiếm tỷ lệ khá cao: 43.9%, cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với các em chiếm 10.1%.
Trong khi đó, các em luôn có nhu cầu được tâm sự, có 27.7% học sinh thường xuyên muốn có
một nơi để dốc bầu tâm sự hoặc tìm lời khuyên để giải quyết các vấn đề khó nói.
Trong điều kiện ít được người lớn chia sẻ, tâm tình, các em rất dễ bị tác động xấu từ bạn bè.
Giải pháp cần thiết là phát triển các phòng tư vấn miễn phí ở địa phương và trường học để các
em được nói chuyện tâm sự, được đối thoại với người lớn và giải quyết các khúc mắc khi gặp
khó khăn.
Việc các em cảm nhận được tình thương của cha mẹ cũng rất quan trọng, giúp các em cảm
thấy tự tin, lạc quan hơn trong cuộc sống. Có 9.6% các em không cảm nhận được tình thương
của cha mẹ, 1.0% các em cho rằng cả cha và mẹ đều không thương em, 8.1% các em cảm
thấy chỉ có một người (hoặc cha, hoặc mẹ) thương em.
Bảng 4: Cảm nhận tình thương của cha mẹ đối với trẻ
STT Mức độ cảm nhận của trẻ Tỷ lệ (%)
1 Không cảm nhận được tình thương của cha mẹ 9.6
2 Chỉ có một người (hoặc cha, hoặc mẹ) thương 8.1
3 Cả cha và mẹ đều không thương 1.0
Những hiện tượng bạo hành trong nhà trường đã được dư luận và báo chí gọi là “báo động
đỏ”. Xu hướng bạo lực từ một số thầy, cô giáo đã ảnh hưởng đến tinh thần học sinh, làm các
em không còn tin vào nhân cách người thầy, làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội mà các
em đã được lĩnh hội nhờ quá trình giáo dục. Hình thức bạo hành trong nhà trường từ phía
thầy, cô giáo đối với học sinh thể hiện qua các vụ việc được báo chí đề cập nhiều như: cô giáo
bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh
đến phải đi viện... làm dư luận hết sức bất bình.
Thời kỳ còn đi học, khó có ai trong chúng ta tránh khỏi việc bị thầy, cô giáo trách phạt, những
hình phạt giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm, ân hận và tự răn mình lần sau không tái phạm. Hình
phạt thường là đứng cạnh bảng, hoặc đứng cuối lớp, chép phạt, gõ thước kẻ vào tay Sau
này khi đã lớn khôn, mọi người đều hiểu rằng thầy cô phạt nghiêm khắc vì mong muốn mình
nên người, chứ không phải ghét bỏ học sinh của mình. Học sinh có sự cảm nhận rất tinh tế,
các em sẽ phân biệt được hình phạt công bằng với kiểu trừng phạt trả thù, nhục mạ học trò
Cảm nhận được tấm lòng của người thầy sẽ cho các em niềm tin vào nhà trường, trường hợp
ngược lại sẽ gây căng thẳng, sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần cho các em...
Việc thầy, cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh cũng có nguyên nhân từ áp lực công việc,
do thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình, thiếu kỹ năng ứng xử Nhiều thầy, cô giáo
trút tức giận, bực bội lên đầu trẻ do chưa có kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phân tích tâm
lý dẫn đến bạo lực với học trò. Bạo lực nhà trường ảnh hưởng xấu đến học sinh, làm lệch lạc
các chuẩn mực đạo đức ở các em. Dù xuất phát từ bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, hiện tượng
giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự
bất lực về khả năng sư phạm. Luật Giáo dục năm 2005 đã có qui định nhà giáo không được
“xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học” [3]. Xã hội và ngành giáo
dục cần xây dựng và gìn giữ môi trường học đường mang tính nhân văn, là chuẩn mực văn
hoá và vì một mục đích cao cả - vì người học. Đó là những đạo lý cơ bản nhất mà bất cứ nhà
giáo nào cũng phải biết và luôn nhắc nhở mình không vi phạm. Trau dồi nhân cách, đạo đức
nhà giáo là phương cách tồn tại và sức mạnh nội sinh của giáo dục, giáo viên cần rèn luyện,
trau dồi phẩm chất đạo đức của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Các cơ quan, ban ngành chịu trách
nhiệm đào tạo, quản lý nhà giáo phải có những cơ chế, giải pháp để bồi dưỡng, cũng như bảo
vệ nhân cách nhà giáo.
Trẻ em chịu nhiều ảnh hưởng tinh thần từ phía nhà trường qua mối quan hệ thầy - trò. Quan
hệ thầy - trò tốt đẹp, thân ái, tôn trọng và yêu thương sẽ làm các em tin tưởng lạc quan trong
cuộc sống. Tuy nhiên trong nhà trường hiện nay xu hướng sử dụng hình phạt trong giáo dục
còn chiếm một tỷ lệ đáng kể, theo điều tra của chúng tôi có 26.3% học sinh bị thầy cô dùng
các hình phạt như hù dọa, cốc đầu, nhéo tai, phơi nắng Không lạ gì khi thay vì tôn trọng,
yêu mến thầy, cô giáo thì trong các em nỗi sợ chiếm đa số, tỷ lệ: chiếm 48.0% học sinh. Có
thể từ những lý do trên, dẫn đến tình trạng học sinh chán học, bỏ học.
Bảng 5: Quan hệ thầy - trò
STT Quan hệ thầy - trò Tỷ lệ (%)
1 Học sinh sợ thầy, cô giáo 48.0
2 Thầy, cô dùng hình phạt 26.3
3 Học sinh chán học 6.5
Bạo hành trẻ em trong nhà trường có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức và văn hóa của người
Việt Nam. Tập quán, truyền thống văn hóa Việt Nam từ thế hệ trước cho phép người thầy sử
dụng các hình thức trừng phạt bằng bạo lực, đe dọa học trò. Trong xã hội Việt Nam trước đây
người thầy rất có quyền uy[4]. Nhiều bậc cha mẹ còn có quan niệm rằng: “Phải đánh mới nên
người”. Vì vậy, một số phụ huynh thậm chí ủng hộ thầy, cô giáo sử dụng roi vọt như một biện
pháp trừng phạt giúp trẻ biết lỗi để trẻ không dám tái phạm. Quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”
đã hậu thuẫn cho biện pháp giáo dục lạc hậu và hiệu quả hạn chế của nó, mà nhà sư phạm Xô
Viết lỗi lạc Macarenco A.S. đã gọi là “sự bất lực của khả năng sư phạm”[5].
Bạo lực học đường hiện nay cũng tồn tại ở hình thức giữa các em học sinh với nhau với tỷ lệ
16.7% học sinh bị bạn ức hiếp (bắt làm bài, chép bài cho bạn), 35.4% học sinh đã từng bị
bạn hù dọa (kể chuyện ma, dọa ma, bị bo xì, bị đánh), 10.2% các em không nhận được sự
trợ giúp của bạn bè khi gặp khó khăn (Điều tra của của nhóm nghiên cứu đề tài).
Bảng 6: Những nguy cơ xảy ra bạo lực từ quan hệ bạn bè
STT Nguy cơ bạo lực trẻ em Tỷ lệ (%)
1 Bị bạn ức hiếp (bắt làm bài, chép bài cho bạn) 16.7
2 Bị bạn hù doạ (kể chuyện ma, dọa ma, bị đánh) 35.4
3 Không nhận được sự trợ giúp của bạn bè khi gặp khó khăn 10.2
Ở lứa tuổi vị thành niên, các em thường bị bạn bè kích động, thường nghe bạn hơn nghe lời
cha mẹ, thầy cô nên rất khó quản lý. Nhiều em học sinh là nạn nhân của những vụ bạo lực học
đường, xâm phạm đến thể xác, bạo lực về tâm lý như tẩy chay, nói xấu hội đồng... khiến các
em hoảng hốt, không còn tâm trạng học tập, thậm chí bị hoảng loạn. Theo các chuyên gia tâm
lý, nếu sự uất ức, dồn nén tâm lý lâu ngày sẽ là nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em hung hăng và
tới lúc bùng phát, sẽ khiến trẻ có những hành vi bạo lực, không thể kiểm soát hành vi của
mình. Hành vi bạo lực cũng được coi là một hiện tượng rối loạn tâm lý ở trẻ. Ví dụ như
trường hợp học sinh Lê Công Hoàng, lớp 8 trường Trung học cơ sở công lập Tân Bình, Quận
Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Do bị bạn bè chế nhạo, nhại tiếng, do uất ức bị đồn nén
trong một thời gian dài nên học sinh Lê Công Hoàng đã đâm chết bạn.
Nhóm nghiên cứu đề tài đã điều tra về quan hệ bạn bè của học sinh kết quả cho thấy đa số các
em chưa tìm cách giải quyết ôn hòa và hiệu quả khi nảy sinh mâu thuẫn với bạn, cụ thể như
sau: 46.5% học sinh tức giận, buồn; 3% các em chọn cách sử dụng bạo lực, đánh bạn khi giải
quyết mâu thuẫn; chỉ có 23.2% các em học sinh chọn cách giải quyết đúng mang tính ôn hòa
là giãi bày, trao đổi, nói lại với bạn cho bạn hiểu.
Bảng 7: Thái độ của các em khi bị bạn nói xấu
STT Phản ứng của trẻ Tỷ lệ (%)
1 Giãi bày, trao đổi, nói lại với bạn cho bạn hiểu 23.2
2 Sử dụng bạo lực 3.0
3 Tức giận, buồn 46.5
Nguy cơ xảy ra hành vi bạo hành ở trẻ có thể từ hành vi sử dụng chất gây nghiện của học
sinh. Trong điều tra của chúng tôi về hành vi sử dụng chất gây nghiện của học sinh, thống kê
cho thấy 32.8% các em thỉnh thoảng có uống rượu, 5% học sinh uống rượu thường xuyên.
Hành vi uống rượu cần tuyệt đối cấm ở học sinh vì rượu ảnh hưởng tới thần kinh, dễ làm các
em có hành vi quá khích, thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình.
Bảng 8: Hành vi sử dụng chất gây nghiện của học sinh
STT Hành vi của học sinh Tỷ lệ (%)
1 Thỉnh thoảng có uống rượu 32.8
2 Uống rượu thường xuyên 5
Học sinh hiện nay rất ít khi có cơ hội vui chơi giải trí vì áp lực học tập, phải đi học thêm, phải
làm quá nhiều bài tập về nhà. Điều này làm tinh thần các em không thoải mái, gây “stress”,
cau có, bực bội, trầm cảm, ảnh hưởng đến thái độ, cách cư xử của các em đối với những
người xung quanh, dễ gây sự dẫn đến bạo lực. Điều tra cho thấy: 2.5% số học sinh hoàn toàn
không có cơ hội vui chơi giải trí, 11.6% phải rất khó khăn mới có được cơ hội vui chơi giải
trí.
Bảng 9: Cơ hội vui chơi giải trí của học sinh
STT Cơ hội vui chơi giải trí Tỷ lệ (%)
1 Hoàn toàn không có cơ hội vui chơi giải trí 2.5
2 Rất khó khăn mới có được cơ hội vui chơi giải trí 11.6
Bạo lực học đường xảy ra còn do một nguyên nhân là học sinh hiểu biết về pháp luật quá ít,
đó là những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường được nêu ra tại buổi tọa đàm “Bạo lực
trẻ em trong nhà trường - thực trạng và giải pháp”, do Sở Lao động - Thương binh và xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Bạo lực trong nhà trường có thể dẫn đến các em dễ phạm tội
và phạm tội có tính chất nghiêm trọng... Chỉ vài xích mích với bạn khi đang chơi đùa, trẻ có
thể nổi tính hung hăng, đánh bạn. Hiện tượng trẻ em có hành vi bạo lực ngày càng tăng, thậm
chí dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Sự bốc đồng, sống thiếu định hướng sẽ rất dễ khiến
các em phạm tội ở lứa tuổi chưa nhận thức chín chắn. Giải pháp để giảm bạo lực học đường là
tăng cường giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường, tập cho học sinh nói không với cái xấu,
biết chọn lọc tiếp thu chuẩn mực văn hóa tốt, kỹ năng yêu cầu trợ giúp khi gặp khó khăn...
Cần định hướng nâng cao nhận thức quyền trẻ em, nâng cao kỹ năng giáo dục trẻ, cập nhật
phương pháp giáo dục con cái tiên tiến. Khi trẻ bị bạo lực từ thầy cô giáo, cha mẹ phải gần
gũi trẻ, tạo cho trẻ sự tin cậy và an toàn. Cha mẹ cần bình tĩnh để trẻ tự nói ra sự việc và tìm
cách giúp đỡ trẻ. Nếu có tổn thương về thể chất, cần đưa trẻ đi bệnh viện, thường xuyên theo
dõi chăm sóc trẻ, bảo vệ trẻ bằng pháp luật nếu cần thiết. Cha mẹ cần khuyến khích, động
viên trẻ, thể hiện lòng yêu thương đối với trẻ, khi cần thì chuyển trẻ sang môi trường mới,
giúp trẻ quên đi những hình ảnh bị bạo hành. Về lâu dài, cần dạy trẻ cách nhận biết đúng sai,
để trẻ tự tin khi giải quyết khó khăn của chính mình. Trước bất cứ biểu hiện khác thường nào
của trẻ về mặt tâm lý, cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ở chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm để tìm
ra nguyên nhân và có cách can thiệp kịp thời.
Mặt khác, trẻ em độ tuổi thanh thiếu niên thường có xu hướng muốn tự khẳng định mình,
chứng tỏ mình mạnh mẽ, có quyền lực và thể hiện bằng những hành vi gây hấn, bạo lực....
Đồng thời, lứa tuổi này các em chịu ảnh hưởng từ nhóm bạn bè. Do vậy, một nguyên nhân
nữa dẫn tới tình trạng bạo lực ở trẻ có thể kể đến là sự tác động, rủ rê, lôi kéo từ phía nhóm
bạn bè. Nhiều bè phái, nhóm đánh bạn trong các trường học được hình thành, xuất phát từ
nguyên nhân này. Vì vậy, cha mẹ và nhà trường cần giáo dục các em nhận thức đúng về tình
bạn, chọn bạn để chơi.
Hiện nay truyền thông tác động rất lớn tới sự hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ được tiếp
nhận lượng thông tin dồi dào, đa chiều. Các loại phim ảnh, truyền hình, báo chí và game bạo
lực đang tràn lan, những hình ảnh bạo lực kích động tâm lý của trẻ. Nhiều vụ hành hung gây
hậu quả nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra có nguyên nhân sâu xa là trẻ xem phim bạo
lực, chơi game bạo lực rồi dần dần bị nhiễm trong suy nghĩ, lối sống, dẫn tới những hành
động bạo lực. Người lớn cần có sự quản lý, kiểm soát trẻ, chú trọng kiểm soát cả những hoạt
động giải trí, vui chơi của trẻ, chứ không chỉ quan tâm tới việc học hành. Nhà trường cần sắp
xếp giảng dạy đạo đức, giáo dục công dân, kỹ năng sống hiệu quả và thiết thực cho học sinh,
duy trì sinh hoạt lớp của giáo viên chủ nhiệm. Hoạt động giáo dục ngoài giờ tưởng chừng như
ít tác dụng nhưng nếu cải tiến nội dung, hình thức giảng dạy cho hấp dẫn với các em, thì sẽ
tận dụng thời gian này để cung cấp kiến thức bổ ích cho học sinh như: pháp luật, tư vấn tâm
lý, rèn kỹ năng ứng xử. Thành phố chúng ta cần tổ chức lại mạng lưới tư vấn học đường ở tất
cả các trường phổ thông, hiện nay thành phố mới chỉ có 43 điểm tư vấn học đường, đây là con
số quá ít ỏi so với số học sinh cần được chia sẻ. Được giải tỏa tâm lý, được thông cảm và
hướng dẫn cách giải quyết vấn đề cũng là biện pháp để giúp trẻ tránh bạo lực. Bên cạnh việc
nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tăng cường sự gắn kết giữa thầy cô, cha mẹ
với học sinh, các đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên phải phát huy vai trò của mình, phải
gần gũi và gắn bó với các em hơn nữa.
Tóm lại, để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em trong gia đình và học đường, cần có sự phối hợp
chặt chẽ, đồng bộ giữa ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
[1] Báo SGGP, ngày 26/12/2008.
[2] ThS. Đặng Thanh Nga, Viện Tâm lý học, Trẻ vị thành niên phạm tội do ảnh hưởng của gia đình, báo Dân trí
ngày 27/03/2008.
[3] Luật giáo dục nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2005), khoản 1 - Điều 75, NXB. Chính trị quốc gia, Hà
Nội.
[4] Theo nghiên cứu của Viện Tâm lý học, Tạp chí Tâm lý học, số tháng 7-1983, tr.18-19.
[5] Macarenco A.S., Sách dành cho các bậc cha mẹ, M.1939 và Từ điển Bách khoa toàn thư
Xô Viết.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bao_hanh_tre_em_trong_gia_dinh_va_nha_truong_6383.pdf