Bằng chứng khoa học về hiệu quả của mô hình can thiệp sớm Denver trong can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ

Bài báo giới thiệu tổng quan và những hiệu quả của nghiên cứu, ứng dụng

mô hình can thiệp sớm Denver cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ ở một số quốc gia

trên thế giới. Tác giả cũng giới thiệu về chương trình can thiệp sớm, chu

trình giảng dạy, và đồng thời so sánh mô hình can thiệp Denver với những

mô hình can thiệp khác trong lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Thêm

vào đó, tác giả đưa ra một số kết luận và khuyến nghị trong việc áp dụng mô

hình này ở Việt Nam.

pdf11 trang | Chia sẻ: Thục Anh | Ngày: 18/05/2022 | Lượt xem: 325 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Bằng chứng khoa học về hiệu quả của mô hình can thiệp sớm Denver trong can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
806 BẰNG CHỨNG KHOA HỌC VỀ HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH CAN THIỆP SỚM DENVER TRONG CAN THIỆP CHO TRẺ CÓ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ Đào Nguyễn Tú1 Tóm tắt Bài báo giới thiệu tổng quan và những hiệu quả của nghiên cứu, ứng dụng mô hình can thiệp sớm Denver cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ ở một số quốc gia trên thế giới. Tác giả cũng giới thiệu về chương trình can thiệp sớm, chu trình giảng dạy, và đồng thời so sánh mô hình can thiệp Denver với những mô hình can thiệp khác trong lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Thêm vào đó, tác giả đưa ra một số kết luận và khuyến nghị trong việc áp dụng mô hình này ở Việt Nam. Từ khóa: mô hình can thiệp sớm Denver, rối loạn phổ tự kỉ, phân tích hành vi ứng dụng, đào tạo phản hồi nền tảng THE SCIENTIFIC EVIDENCE OF THE EFFECTIVENESS OF APPLYING EARLY START DENVER MODEL FOR CHILDREN WITH AUTISM SPECTRUM DISORDERS Abstract This paper aims to introduce an overview and the scientific evidence of the effectiveness of researching and applying Early Start Denver Model for children with autism spectrum disorders in some countries in the world. Author also shows the curriculum, teaching procedures, similarities and differences between the Early Start Denver Model and other intervention models for children with autism spectrum disorder. In addition, this article offers some conclusions and recommendations on applying this model in Viet Nam. Keywords: early start denver model, autism spectrum disorder, applied behavior analysis, pivotal response training 1 Trung tâm can thiệp sớm Sơn Ca thành phố Đà Nẵng. Email: nguyentumas@gmail.com 807 I. MỞ ĐẦU Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi những khó khăn về giao tiếp xã hội, sở thích và hành vi định hình lặp lại (DSM-5, 2013). Theo kết quả thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ mắc RLPTK đã gia tăng nhanh trong vài năm gần đây, cụ thể: năm 2012 là 1/88, năm 2016 là 1/68, năm 2018 là 1/59 và năm 2020 là 1/54; trong đó tỉ lệ trẻ nam mắc tự kỷ là 1/34, tỉ lệ ở nữ là 1/144 (CDC, 2021). Ở Việt Nam, ước tính có 0,5 -1,0% trẻ mắc RLPTK trong độ tuổi từ 0 – 16 tuổi (Công và Yến, 2017). Những trị liệu và can thiệp RLPTK cho đến nay vẫn dựa vào thành tựu của lĩnh vực tâm lý và giáo dục. Trên thế giới, hiện tại có nhiều mô hình can thiệp sớm cho trẻ RLPTK, trong số đó có Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) với đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh về tính hiệu quả của nó. Mô hình Denver tập trung can thiệp vào những khiếm khuyết cốt lõi của trẻ như ngôn ngữ giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng chơi, kỹ năng chú ý, kỹ năng bắt chước, nhận thức, kỹ năng vận động, kỹ năng tự lập, thông qua các hoạt động trong đời sống hàng ngày. Mô hình này đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá hiệu quả mô hình của mô hình can thiệp sớm Denver trong lĩnh vực can thiệp và hỗ trợ cho trẻ RLPTK. Do vậy, việc nghiên cứu tổng quan, phân tích và tổng hợp bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của mô hình Denver sẽ bổ sung thêm vào hệ thống tri thức lí luận và thực tiễn can thiệp và trị liệu cho trẻ RLPTK, đồng thời góp phần đưa ra những khuyến nghị phù hợp cho các nhà chuyên môn và các phụ huynh trong việc ứng dụng mô hình này ở Việt Nam. II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Lịch sử phát triển của mô hình can thiệp sớm Denver Mô hình can thiệp sớm Denver được kế thừa và phát triển dựa trên những thành tựu nghiên cứu của nhiều mô hình can thiệp khác nhau, bao gồm: 808 1) Mô hình Denver: Phiên bản đầu tiên của mô hình Denver dành cho trẻ RLPTK lứa tuổi mẫu giáo từ 24 – 60 tháng được Rogers và cộng sự tiến hành nghiên cứu và xây dựng trong năm đầu của thập niên 1980. Đặc điểm cốt lõi của mô hình này bao gồm: (1) Nhóm làm việc đa ngành (Chuyên gia tâm lý trẻ em, giáo dục viên đặc biệt, bác sĩ nhi, chuyên gia phân tích hành vi, chuyên viên hoạt động trị liệu, chuyên viên âm ngữ – lời nói); (2) Tập trung vào tương tác xã hội; (3) Phát triển kỹ năng giao tiếp qua lại, chủ động bắt chước cử chỉ điệu bộ, diễn tả cảm xúc và sử dụng đồ vật; (4) Nhấn mạnh vào giao tiếp bằng lời và không lời; (5) Tập trung vào khía cạnh nhận thức của hoạt động vui chơi được tiến hành trong khuôn khổ trẻ chơi theo cặp; (6) Lôi kéo cha mẹ cùng tham gia trong hoạt động can thiệp. 2) Mô hình phát triển sự tương tác ở RLPTK: Mô hình này được Rogers và Pennington thực hiện vào năm 1991. Hai tác giả này đưa ra giả thuyết rằng khiếm khuyết khả năng bắt chước trong giai đoạn sơ sinh của trẻ RLPTK cản trở sự gắn kết, hòa hợp về cảm xúc và trạng thái tinh thần giữa trẻ và cha mẹ. Điều này cũng được tìm thấy ở những trẻ RLPTK nhỏ trong những cột mốc hành vi và sự phát triển của não bộ, đã được Stern mô tả: chậm trễ và suy giảm sự bắt chước, chú ý trung, chia sẻ cảm xúc, và giao tiếp có chủ ý (Rogers, Hepburn, Stackhouse, & Wehner, 2003; Charman & cs, 1998; Seibert, Hogan và Mundy, 1982; Mundy, Sigman & Kasari, 1990; Wetherby & Prutting, 1984; Uzgiris, 1973; Stone, Ousley, Yoder, Hogan & Hepburn, 1997). Do đó mô hình này trị liệu tập trung vào lĩnh vực xã hội – cảm xúc – giao tiếp xoay quanh việc tăng cường các mối quan hệ về mặt cảm xúc giữa trẻ với người nhiệt tình phản hồi và nhạy cảm trong giao tiếp. 3) Mô hình giả thuyết về động cơ xã hội ở RLPTK: Mô hình này được nhóm tác giả Dawson và cộng sự nghiên cứu năm 2005. Nhóm tác giả đưa ra giả thuyết rằng, cơ chế sinh học của RLPTK liên quan tới sự thiếu hụt căn bản về động cơ xã hội vì cha mẹ, người chăm sóc của trẻ thiếu sự nhạy cảm và những phần thưởng mang tính xã hội. Kết quả là, trẻ RLPTK bị thất bại trong việc phát triển sở thích thông thường và sự chủ động quan tâm tới các thông tin xã hội trong môi trường sống bao gồm gương mặt, giọng nói, cử chỉ điệu bộ và lời nói của người khác dẫn đến suy 809 giảm khả năng bắt chước, chia sẻ cảm xúc, chú ý chung. Để giải quyết vấn đề này của trẻ, các tác giả đã sử dụng các kĩ thuật như giác quan xã hội, kỹ thuật PRT, để gia tăng phần thưởng xã hội, nâng cao sự chú ý và động cơ xã hội của trẻ góp phần cải thiện tương tác xã hội. 4) Đào tạo phản hồi nền tảng (PRT): PRT là phương pháp dạy đặc biệt dành trẻ RLPTK, sử dụng các nguyên lý của phương pháp Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) được phát triển bởi Schreibman và Koegel (Schreibman & Pierce, 1993; Koegel & Koegel, 1988). Các kĩ thuật PRT được phát triển để điều chỉnh động cơ của trẻ tương tác cùng người lớn và tham gia vào môi trường học tập. Các chiến lược giảng dạy và thúc đẩy nòng cốt bao gồm: (1) Sử dụng những củng cố liên quan trực tiếp tới mục tiêu và sự hồi đáp của trẻ; (2) Kết hợp sở thích/lựa chọn của trẻ vào trong giờ dạy; (3) Sắp xếp các mục tiêu kiến thức mới phải phù hợp và liên quan với mục tiêu kiến thức đã học; (4) Nhà trị liệu ghi nhận và củng cố những nỗ lực của trẻ ở bất kỳ giai đoạn nào trong tiến trình hướng tới hành vi mong đợi; (5) Sử dụng các hoạt động nhằm nâng cao động cơ học tập của trẻ; (6) Chia sẻ quyền sự kiểm soát học liệu và sự tương tác cùng trẻ. 2.2. Chương trình can thiệp sớm Denver Chương trình can thiệp sớm Denver bao gồm hệ thống bảng kiểm với 4 mức độ cơ bản, từ thấp tới cao dành cho trẻ từ 0 – 48 tháng: Mức độ 1 (0 – 12 tháng); Mức độ 2 (12 – 24 tháng); Mức độ 3 (24 – 36 tháng); Mức độ 4 (36 – 48 tháng). Chương trình bao hàm nhiều lĩnh vực kỹ năng: giao tiếp (hiểu và diễn đạt), bắt chước, chú ý chung, kỹ năng xã hội, kỹ năng nhận thức, kỹ năng chơi, kỹ năng vận động (vận động thô và vận động tinh), kỹ năng tự chăm sóc. Trước khi tham gia vào mô hình Denver, trẻ phải được lượng giá xác định mức độ kỹ năng hiện bằng bảng kiểm này. Sau đó trẻ sẽ được xây dựng và trị liệu theo kế hoạch 12 tuần (3 tháng). Kết thúc kế hoạch, trẻ sẽ được đánh giá lại để điều chỉnh, thiết lập mục tiêu và xây dựng kế hoạch mới. Một vài điểm nhấn nổi bật của chương trình Denver: (1) Phát triển ngôn ngữ trong bối cảnh xã hội; (2) Thiết lập các hành vi phức hợp: chú ý chung, bắt chước, ngôn ngữ, chơi biểu tượng được dạy bằng cách tích hợp vào những hoạt động mà trẻ thích thú, được thiết kế từ đơn giản đến phức 810 tạp; (3) Một cách tiếp cận đa lĩnh vực làm nền tảng cho sự can thiệp: tâm lý lâm sàng và tâm lý học phát triển, ABA, giáo dục đặc biệt, bệnh học ngôn ngữ – lời nói và hoạt động trị liệu; (4) Cá nhân hóa có hệ thống: (a) Giáo trình bao phủ đầy đủ các mặt phát triển trẻ em (b) Tập trung vào hứng thú và sở thích của trẻ; (c) Kết hợp các hệ giá trị, nhu cầu, sở thích của gia đình với các mục tiêu dạy trẻ; (d) Sử dụng cây ra quyết định, cho phép nhà trị liệu tạo ra thay đổi mang tính hệ thống trong chu trình dạy học khi mà sự phát triển của trẻ quá chậm. 2.3. Chu trình giảng dạy trong mô hình Denver Mô hình Denver sử dụng tích hợp ba cách thức can thiệp truyền thống là Phân tích hành vi ứng dụng, Đào tạo kỹ năng phản hồi nền tảng và Mô hình Denver đã được kết hợp cùng nhau. Các chiến lược và kỹ thuật cơ bản gồm có: 2.3.1. Các chiến lược dạy học từ ABA Nguyên tắc cơ bản của ABA được chia thành 3 thành phần chính yếu: Một là, một số kích thích cần đóng vai trò gợi ý cho trẻ phản ứng và trẻ cần tham gia vào kích thích này. Hai là, trẻ phải phát ra một hành vi ngay sau khi có kích thích. Ba là, trẻ cần phải trải nghiệm một số kết quả hoặc phản hồi thể hiện hành động thực hiện đã chính xác (Lovaas, 2002). Những hoạt động thực hành cơ bản bao gồm: Thu hút sự chú ý, phân chia kiến thức giảng dạy trong khuôn khổ của chuỗi Tiền đề – Hành vi – Hệ quả; nhắc nhở/gợi ý; giảm dần sự nhắc nhở/ gợi ý; quản lý hệ quả; chỉnh hướng hành vi; dạy chuỗi hành vi; đánh giá chức năng hành vi. 2.3.2. Các chiến lược từ PRT Các lĩnh vực can thiệp chính của PRT là: điều chỉnh động cơ của trẻ; khả năng khởi xướng tương tác; khả năng tự quản lý bản thân; hồi đáp với những phản ứng từ môi trường. Mô hình Denver đã sử dụng phương pháp PRT với 6 chiến lược cơ bản nhất: (1) Củng cố những nỗ lực của trẻ; (2) Đan xen những yêu cầu đối với hành vi mới – các kĩ năng đạt được – với những yêu cầu để duy trì các kĩ năng đã được học; (3) Phần thưởng phải liên quan trực tiếp với phản ứng hoặc hành vi của; (4) Luân phiên trong các hoạt động; (5) Những chỉ dẫn hoặc các tiền đề được đưa ra một cách rõ ràng; (6) Cho trẻ những lựa chọn và theo sự dẫn dắt của trẻ. 811 2.3.3. Các kĩ thuật và chiến lược thực hành giảng dạy được phát triển và sử dụng kết hợp với nhau trong mô hình Denver Trọng tâm của thực hành giảng dạy tập trung vào cảm xúc và trên cơ sở mối quan hệ, các lĩnh vực giảng dạy của nhà trị liệu với trẻ, nhấn mạnh vào sự phát triển kỹ năng chơi và sử dụng các nguyên tắc can thiệp giao tiếp từ lĩnh vực khoa học giao tiếp (Rogers & cộng sự, 1986; 1989; 2000). Mô hình gồm các kĩ thuật giảng dạy cụ thể: (1) Người lớn đóng vai trò là điều chỉnh và khơi gợi cảm xúc lạc quan, kích thích sự tò mò và thu hút sự chú ý của trẻ trong hoạt động dạy học; (2) Người lớn sử dụng những tác động tích cực trong dạy học; (3) Người lớn thực hành luân phiên và cùng tham gia với trẻ trong suốt quá trình hoạt động diễn ra; (4) Người lớn phản ứng một cách nhạy cảm và cảm thông với tín hiệu giao tiếp của trẻ; (5) Tạo ra nhiều cơ hội đa dạng và phong phú về tình huống giao tiếp được diễn ra; (6) Cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các hoạt động; (7) Ngôn ngữ của người lớn cần phải sử dụng nhất quán, phù hợp với mức độ phát triển và có tính ứng dụng phù hợp với mục đích, năng lực giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của trẻ; (8) Hoạt động chuyển tiếp cần được quản lý một cách hiệu quả. Các chiến lược giảng dạy cụ thể bao gồm: Một là, điều chỉnh, khơi gợi và sử dụng các trạng thái cảm xúc tích cực giữa trẻ và những người tham gia trị liệu. Hai là, hoạt động vui chơi đóng vai trò chủ đạo trong chương trình can thiệp. Ba là, dạy học theo hướng chuyên sâu, chi tiết đến tất cả các mặt phát triển của trẻ. Bốn là, sử dụng phương pháp quản lý hành vi tích cực để thay thế những hành vi không mong muốn. Năm là, sự tham gia của gia đình là đóng vai trò quan trọng trong mô hình Denver. 2.4. So sánh mô hình can thiệp sớm Denver với những mô hình can thiệp khác trong lĩnh vực can thiệp trẻ RLPTK Mô hình Denver giống với phần lớn các phương pháp can thiệp khác đó là nhấn mạnh vào các tương tác phản hồi và định hướng phát triển như công trình tương tác phản hồi của nhóm tác giả Mahoney và Perales (Mahoney & Perales, 2003, 2005; Mahoney & cộng sự, 2004), Liệu pháp thời gian chơi trên sàn – DIR/Floortime (Wieder & Greenspan, 2005), Can thiệp phát triển mối quan hệ – RDI (Gutstein, 2005), Mô hình can thiệp giao tiếp xã hội, điều chỉnh cảm xúc và trao đổi hỗ trợ – SCERTS (Prizant, 812 Wetherby, Rubin, Laurant, & Rydell, 2006), Các chương trình can thiệp của Trung tâm Hanen (Coulter & Gallagher, 2001). Tất cả các phương pháp can thiệp được xây dựng dựa trên bằng chứng kinh nghiệm liên quan đến những kiểu mẫu đặc trưng về phát triển giao tiếp – xã hội. Denver là mô hình giảng dạy hành vi rõ ràng hơn các phương pháp can thiệp khác ở chỗ, nó cung cấp nhiều dữ liệu hơn, nó bao trùm tất cả các lĩnh vực phát triển của trẻ thông qua các chương trình thực hành giảng dạy hàng ngày, trong khi các mô hình khác phần lớn chỉ tập trung vào lĩnh vực phát triển giao tiếp xã hội. Ngoài ra, mô hình Denver cũng có mối liên kết rõ ràng với các can thiệp hành vi tự nhiên như kĩ thuật PRT, giảng dạy ngẫu nhiên (McGee, Morrier & Daly, 1999), và môi trường giảng dạy (Yoder & Warren, 2001; Warren & Yoder, 2003; Kaiser, Yoder & Keetz, 1992). Cũng giống như mô hình Denver, những cách can thiệp này đều lấy trẻ là trung tâm, sử dụng hệ thống ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng các chiến lược giảng dạy hành vi một cách thận trọng. Denver khác biệt với các mô hình can thiệp khác là việc sử dụng khung chương trình giảng dạy phát triển toàn diện và chi tiết, chú trọng vào sự ảnh hưởng và chất lượng của các mối quan hệ. Thêm vào đó, mô hình Denver có nhiều điểm chung với các phương pháp của Lovaas (1987) là sử dụng chương trình giảng dạy bao trùm tất các lĩnh vực phát triển, cách thức giảng dạy chuyên sâu, sử dụng các quy trình dạy học hành vi và các dữ liệu đầy đủ để đưa ra quyết định dạy học phù hợp. Mô hình Denver khác biệt với phương pháp dạy học lấy trẻ hoặc người lớn làm trung tâm đương thời là sự tập trung vào các ảnh hưởng tích cực của trẻ, dạy giao tiếp gắn liền với tương tác xã hội đang diễn ra và tập trung vào các giao tiếp phi ngôn ngữ như là tiền đề của giao tiếp bằng lời nói, dựa trên kế thừa và phát triển những chương trình và phương pháp đã được nghiên cứu khoa học. III. BẰNG CHỨNG KHOA HỌC VỀ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH CAN THIỆP SỚM DENVER Kết quả của các nghiên cứu tại Mỹ Những nghiên cứu ở Mỹ đã có 8 bài báo đã được xuất bản công bố tính hiệu quả của mô hình Denver gốc. Rogers và cộng sự (1986) đã mô 813 tả tính hiệu quả của mô hình Denver thực nghiệm trên trẻ RLPTK độ tuổi tiền học đường trong một nhóm nhỏ tại trung tâm với tỉ lệ 1 trẻ – 2 người lớn (2 nhà trị liệu) và kết quả trẻ có sự tiến bộ về kỹ năng chơi, ngôn ngữ, nhận thức và các quan hệ xã hội. Năm 2009, Vismara và cộng sự đã tiến hành thực nghiệm đào tạo nội dung và quy trình can thiệp theo mô hình Denver cho phụ huynh có con RLPTK trong 12 tuần, bao gồm mỗi tuần huấn luyện cha mẹ 1 giờ trị liệu cho trẻ. Kết quả sau 12 tuần cho thấy trẻ tiến bộ về kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội, còn cha mẹ gia tăng, duy trì và ổn định kĩ năng thực hành can thiệp cho con theo mô hình Denver. Dawson và cộng sự (2010) đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đối chứng trong 2 năm. Các tác giả lựa chọn ngẫu nhiên 48 trẻ RLPTK lứa tuổi từ 18 – 30 tháng và có điểm số thông minh IQ ≤ 55 và chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 được can thiệp theo mô hình Denver, trung bình hàng tuần trẻ có 25 giờ can thiệp cá nhân (1 trẻ – 1 người lớn) với cha mẹ và 15 giờ can thiệp cá nhân tại nhà với chuyên viên trị liệu. Nhóm thứ 2 được can thiệp dựa trên cộng đồng. Kết quả sau 2 năm can thiệp: Nhóm 1 có điểm số IQ tăng trung bình 19.1 điểm, các điểm số của kỹ năng giao tiếp, xã hội hóa, vận động, kỹ năng sống hàng ngày đều phát triển gấp 2 lần so với xuất phát điểm ban đầu, các triệu chứng tự kỷ giảm 30,4%. Trong khi Nhóm 2 có điểm số IQ tăng trung bình 7.0 điểm, điểm số của kỹ năng giao tiếp không tăng và điểm số của các kỹ năng xã hội hóa, kỹ năng sống hàng ngày, kỹ năng vận động đều bị giảm và các triệu chứng tự kỷ chỉ giảm 4,8%. Kết quả một số nghiên cứu ứng dụng mô hình can thiệp Denver tại Nhật Bản, Ý và Israel Ở Ý: nhóm tác giả Devescovi và cộng sự (2016) đã tiến hành can thiệp theo mô hình Denver cho 20 trẻ RLPTK độ tuổi 20 – 36 tháng. Mỗi tuần có 3 giờ can thiệp theo tỉ lệ 1:1 với chuyên viên trị liệu, kết hợp với cha mẹ và giáo viên trong môi trường tự nhiên. Kết quả, sau 15 tháng can thiệp, các chỉ số ngôn ngữ và nhận thức đều tăng lên đáng kể. Ở Nhật Bản: Nhóm tác giả Tateno (2021) đã tiến hành nghiên cứu can thiệp cho 27 trẻ RLPTK từ 15 – 40 tháng theo mô hình Denver. Hàng tuần trẻ sẽ được can thiệp 1 giờ cá nhân (75 phút) với nhà trị liệu. Kết quả 814 sau 1 năm thực nghiệm, trẻ có tiến bộ về tương tác xã hội và giao tiếp mắt, giảm thiểu được các hành vi không mong đợi. Ở Israel: Năm 2020, Gavrilov, Gev và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đối chứng. Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn ngẫu nhiên 51 trẻ RLPTK trong độ tuổi từ 33 – 57 tháng và chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 gồm 26 trẻ được can thiệp theo mô hình Denver, Nhóm 2 gồm 25 trẻ được can thiệp phát triển theo hướng đa ngành. Cả 2 nhóm đều có 44 giờ can thiệp mỗi tuần và kéo dài trên 8 tháng. Kết quả cho thấy, trẻ của nhóm 1 đều có sự phát triển nhanh hơn so với trẻ ở Nhóm 2 về kỹ năng giao tiếp, xã hội hóa, và nhận thức. Từ kết quả nghiên cứu đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình can thiệp sớm Denver đối với trẻ RLPTK. Các nghiên cứu đều đưa ra những bằng chứng khoa học tin cậy và đã khẳng định rằng, dù trẻ RLPTK ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ điều kiện kinh tế văn hóa, xã hội nào thì khi tham gia can thiệp trong mô hình Denver cũng đều tiến bộ hơn so với nhiều mô hình can thiệp khác. IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Mô hình can thiệp sớm Denver là mô hình toàn diện, có hệ thống phương pháp thực hành hiện đại, hiệu quả, chương trình can thiệp chi tiết và bao phủ đầy đủ các lĩnh vực phát triển của trẻ em. Phương pháp và kĩ thuật giảng dạy trong mô hình Denver được ứng dụng trong môi trường tự nhiên của trẻ, tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn từ môi trường làm chất liệu can thiệp. Hoạt động dạy và học trong mô hình Denver tập trung vào những tương tác tích cực, mang lại cho trẻ, phụ huynh và nhà trị liệu nhiều củng cố, khích lệ tích cực. Mô hình Denver cũng đã chứng minh được vai trò quan trọng của phụ huynh trong hoạt động can thiệp giúp trẻ tiến bộ. Đây cũng là mô hình có nền tảng khoa học vững chắc, có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả của nó trên diện rộng. Mô hình này đã và đang được phát triển ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, trước khi ứng dụng mô hình can thiệp sớm Denver chúng ta cần chuẩn bị một số yêu cầu sau: (1) Hệ thống hóa tài liệu về mô 815 hình can thiệp sớm Denver. (2) Thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm và xây dựng mô hình này để đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của nó trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta. (3) Liên kết và hợp tác với nhóm chuyên gia đa ngành như chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia âm ngữ trị liệu, nhân viên công tác xã hội, giáo viên giáo dục đặc biệt, chuyên gia hoạt động trị liệu/tâm vận động, chuyên gia ABA. (4) Đào tạo và chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu của mô hình Denver. Kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy đây là mô hình can thiệp có nhiều ưu điểm, nhiều tiềm năng và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực đối với hoạt động can thiệp và trị liệu cho trẻ em RLPTK trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong tương lai gần. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt Yến, N. T. H., Công, T. V. (2017). Tỷ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ: Những con số thống kê. Tạp chí Khoa học Đại học Sư Phạm Hà Nội, 62(9AB), 322-330. DOI: 10.18173/2345-1075.2017-0112 Tài liệu tiếng Anh American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of mental disorders (5th Edition). Arlington, VA: American Psychiatric Publishing. Centers for Disease Control and Prevention, USA. Website: https://www.cdc.gov. Dawson, G., Rogers, S., Munson, J., Smith, M., Winter, J., Greenson, J., Donaldson, A., Varley, J. (2010). Randomized, controlled trial of an intervention for toddlers with autism: The Early Start Denver Model. American Academy of Pediatrics, 125(1), e17-23. DOI:10.1542/peds.2009-0958. Devescovi, R., Monasta, L., Mancini, A., Bin, M., Vellante, V., Carrozzi, M., Colombia, C. (2016). Early diagnosis and Early Start Denver Model intervention in autism spectrum disorders delivered in an Italian Public Health System service. Neuropsychiatr Dis Treat, Jun 14; 12:1379-84. DOI: 10.2147/NDT.S106850 816 Gavrilov, Y., Gev, T., Snir, I., Vivanti, G., Golan, O. (2020). Integrating the Early Start Denver Model into Israeli Community Autism Spectrum Disorder Preschools: Effectiveness and Treatment Response Predictors. Autism Research Lab, 24(8) 2081-2093. DOI: 10.1177/1362361320934221 Rogers, S., Dawson, G. (2013). Early Start Denver Model for Young Children with Autism: Promoting Language, Learning, and Engagement. Paris: Guilford Press. Rogers, S., Dawson, G., Vismara, L. (2012). An Early Start for Your Child with Autism: Using Everyday Activities to Help Kids Connect, Communicate and Learn. USA: The Guilford Press. Tateno, Y., Kumagai, K., Monden, R., Nanba, K., Yano, A., Shiraishi, E., Teo, A., Tateno, M. (2021). The Efficacy of Early Start Denver Model Intervention in Young Children with Autism Spectrum Disorder within Japan: A Preliminary Study. J Korean Academy of Child and Adolescent Psychiatry, 32(1), 35-40. DOI: 10.5765/jkacap.200040

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbang_chung_khoa_hoc_ve_hieu_qua_cua_mo_hinh_can_thiep_som_de.pdf