Chủ động xây dựng nền đạo đức mới là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Trong bài viết này, trên cơ sở phân tích một cách khách quan sự biến động của đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường, tác giả đã luận chứng một số giải pháp căn bản để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong việc xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta. Những giải pháp đó là: 1/ Xác lập nhanh và vững chắc thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2/ Xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới làm cơ sở đánh giá và điều chỉnh đạo đức; 3/ Chuyển hoá lý tưởng đạo đức thành thực tiễn đạo đức và 4/ Tăng cường nêu gương hình tượng nhân cách đạo đức.
64 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1184 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Bài viết Về việc tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Triết học số 11 (186) năm 2006
VỀ VIỆC TẠO RA BƯỚC CHUYỂN MẠNH MẼ TRONG XÂY DỰNG NỀN ĐẠO ĐỨC MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
NGUYỄN VĂN PHÚC (*)
Chủ động xây dựng nền đạo đức mới là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Trong bài viết này, trên cơ sở phân tích một cách khách quan sự biến động của đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường, tác giả đã luận chứng một số giải pháp căn bản để tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong việc xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta. Những giải pháp đó là: 1/ Xác lập nhanh và vững chắc thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2/ Xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới làm cơ sở đánh giá và điều chỉnh đạo đức; 3/ Chuyển hoá lý tưởng đạo đức thành thực tiễn đạo đức và 4/ Tăng cường nêu gương hình tượng nhân cách đạo đức.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tự nó đã đòi hỏi một nền đạo đức mới tương thích. Vì thế, cùng với nhiệm vụ xây dựng kinh tế thị trường, việc chủ động xây dựng nền đạo đức mới là một phương diện của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những nỗ lực của chúng ta nhằm thực hiện nhiệm vụ này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Mặc dù “nhiều nét mới trong giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành. Tính năng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích”(1), nhưng, như nhận định mới đây nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội X, hiện nay “tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ”(2). Chính vì vậy, một trong các nhiệm vụ chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010 là “tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng văn hoá, đạo đức và lối sống”(3).
Để tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng đạo đức, cần phân tích một cách khách quan sự biến động của đạo đức trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay; từ đó, xác định những khâu, những vấn đề chủ yếu nhất cần giải quyết.
Theo chúng tôi, khi xem xét thực trạng đạo đức hiện nay, trước hết, cần chấp nhận một thực tế là, ở mức độ nhất định, sự rối loạn của chuẩn mực đạo đức là tất yếu, không tránh khỏi. Chính sự chuyển đổi thể chế kinh tế là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này. Việc chuyển sang thể chế kinh tế mới tất dẫn đến những biến đổi về chuẩn mực, giá trị đạo đức theo hướng đáp ứng các yêu cầu của thể chế mới. Tuy nhiên, sự chuyển đổi kinh tế là một quá trình, không thể ngay lập tức mà hoàn tất được. Sau 20 năm đổi mới, đến nay, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta mới “bước đầu được xây dựng” và việc tiếp tục hoàn thiện nó vẫn đang là nhiệm vụ của những năm tới. Sự chuyển đổi hay là sự quá độ về kinh tế khiến cho đạo đức cũng chuyển đổi, cũng quá độ. Các giá trị, các chuẩn mực đạo đức truyền thống đang mất dần cơ sở kinh tế của mình. Các chuẩn mực đạo đức mới còn đang hình thành, chưa phải là lực lượng đạo đức đủ sức điều chỉnh một cách phổ quát các hành vi của con người trên phạm vi toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, các chuẩn mực đạo đức, không kể tốt, xấu, lạc hậu hay tiến bộ, đang đan xen lẫn nhau; mỗi thứ có một phạm vi, một đối tượng điều chỉnh riêng. Đồng thời, trong điều kiện toàn cầu hoá, sự xâm nhập của các giá trị, các chuẩn mực đạo đức bên ngoài cũng là một yếu tố góp phần làm phức tạp thêm đời sống đạo đức của xã hội ta hiện nay. Bởi vậy, nếu không tính hết tính phức tạp của quá trình chuyển đổi này để có những giải pháp thích hợp thì hiệu quả của công tác xây dựng đạo đức sẽ không cao.
Thứ hai, cần tính đến tác động có tính hai mặt của thước đo giá trị thích ứng với kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường (dù là định hướng xã hội chủ nghĩa) luôn chịu sự chi phối của quy luật giá trị. Dưới tác động của quy luật giá trị, hiệu quả kinh tế hoặc lợi nhuận là thước đo giá trị cao nhất, sự thành đạt của một chủ thể kinh tế, dù đó là doanh nghiệp hay một con người kinh tế cụ thể. Sự hình thành và khẳng định một cách phổ quát thước đo giá trị này trong hoạt động kinh tế là cần thiết. Nó kích thích việc huy động tối đa các nguồn lực tự nhiên và xã hội vào sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Tuy nhiên, khi chi phối kinh tế - lĩnh vực hoạt động căn bản nhất của xã hội, thước đo giá trị thông qua lợi nhuận, hiệu quả tất sẽ thâm nhập vào các lĩnh vực khác của xã hội và tạo ra hiệu ứng có tính hai mặt đối với việc đánh giá giá trị nhân cách con người.
Việc coi trọng hiệu quả hoạt động kinh tế như thước đo giá trị nhân cách sẽ không chỉ kích thích con người hoạt động một cách có hiệu quả nhằm khẳng định giá trị nhân cách, mà còn làm cho hoạt động, lao động của con người có ý nghĩa thiết thực hơn. Giá trị nhân cách cũng như đạo đức được đo và bảo đảm bằng hoạt động có hiệu quả, do vậy, nó trở nên thiết thực hơn, khắc phục được tính chất “nói suông” vẫn ít nhiều thể hiện trong đạo đức truyền thống, đặc biệt là đạo đức của thời bao cấp. Đây là đòi hỏi của kinh tế thị trường, nó quy định xu hướng tích cực của sự biến đổi giá trị đạo đức.
Tuy vậy, khi tuyệt đối hoá hiệu quả và do đó, tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân thì thước đo giá trị lại bị biến đổi theo hướng tiêu cực. Trong trường hợp này, tinh thần trọng nghĩa, khinh lợi của đạo đức truyền thống bị thay thế giản đơn bằng thước đo trọng lợi khinh nghĩa. Đây chính là cơ sở của sự phát triển chủ nghĩa cá nhân trong điều kiện hiện nay, là nguyên nhân của “không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển…”(4). Nếu không chú ý một cách đầy đủ sự chuyển đổi theo chiều hướng tiêu cực này về mặt thước đo giá trị và khắc phục nó một cách có hiệu quả thì công tác xây dựng đạo đức cũng không thể có được hiệu quả cao.
Thứ ba, quá trình đổi mới khởi đầu và dựa trên sự đổi mới trong lĩnh vực kinh tế. Thực chất của sự đổi mới này là điều chỉnh lại quan hệ lợi ích xã hội thông qua sự đa dạng hoá các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ X đã khẳng định sự hiện diện và quyền tồn tại của 3 chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân) với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài(5).
Sự hình thành nhiều chủ thể lợi ích như vậy, ở mức độ nhất định, là một trở ngại, một thách thức đối với việc xây dựng hình tượng nhân cách lý tưởng vốn là thành tố không thể thiếu của đời sống đạo đức xã hội. Nó biểu trưng cho trình độ và khát vọng về sự hoàn thiện nhân cách của một xã hội, một thời đại nhất định. Đồng thời, nó là động lực, là phương tiện để rèn luyện, giáo dục đạo đức. Chẳng hạn, người quân tử với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, với ý chí “giàu sang không thể mua chuộc, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” là một hình tượng nhân cách lý tưởng của đạo đức phong kiến phương Đông. Người cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên hết là hình tượng nhân cách lý tưởng của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Hình tượng nhân cách lý tưởng của đạo đức cách mạng từng giữ vai trò định hướng giá trị rất hiệu quả trước thời điểm đổi mới. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh quá độ của đạo đức, với sự hình thành nhiều chủ thể lợi ích xã hội, hình tượng nhân cách lý tưởng đó đã không còn sức hấp dẫn mãnh liệt và phổ quát như trước nữa. Thay vào đó, sự “thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn…”(6) đang là một thực tế gây phản cảm về mặt đạo đức trong nhân dân, tác động tiêu cực đến việc xây dựng hình tượng nhân cách lý tưởng. Nhận thức đầy đủ sự nghiêm trọng, những căn nguyên của tình trạng này và trên cơ sở đó, khắc phục nó một cách có hiệu quả là một trong những yêu cầu của việc xây dựng đạo đức trong điều kiện hiện nay.
Giáo dục đạo đức cũng là một vấn đề nổi cộm trong điều kiện hiện nay. Nó giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống đạo đức, là phương thức trực tiếp để hình thành nhân cách con người. Tính quy định của các điều kiện kinh tế – xã hội đối với đạo đức, bằng cách này hay cách khác, bao giờ cũng được thể hiện qua giáo dục. Chính vì vậy, ngay từ thời cổ đại, các nhà quản lý xã hội đã chú ý đến việc giáo dục đạo đức nhằm hình thành nhân cách con người theo những chủ đích nhất định. Có thể nói, giáo dục đạo đức cũng chính là một hình thức biểu hiện của đời sống đạo đức xã hội. Hiệu quả của giáo dục đạo đức là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ đạo đức xã hội.
Hiện nay, không ai nghi ngờ về vai trò của giáo dục đạo đức trên bình diện lý luận; nhưng thực tế, trong những năm qua, việc triển khai công tác giáo dục đạo đức ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Giáo dục còn xa rời thực tế, nội dung chung chung và sáo mòn, hình thức đơn điệu. Giáo dục đạo đức trong gia đình bị xem nhẹ. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức chưa đồng bộ và có hiệu quả; chưa kết hợp tốt giữa giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật… Đánh giá tình trạng này, Đại hội Đảng lần thứ X nhấn mạnh: “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, kém hiệu quả”(7)
Theo chúng tôi, những vấn đề nêu trên là những vấn đề căn bản nhất mà việc đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức hiện nay phải tính đến. Điều cần chú ý là, bản thân quá trình chuyển đổi kinh tế, những biến động của xã hội trong quá trình chuyển đổi kinh tế đều có những tác động mang tính hai mặt tới đạo đức. Bởi thế, vấn đề đặt ra không chỉ là xác định và tập trung giải quyết những mắt khâu trọng yếu, mà còn phải đặc biệt chú ý đến những tác động có tính hai mặt của những biến động ấy; từ đó, xác định và thực hiện các giải pháp tối ưu nhằm phát huy những tác động tích cực, khắc phục triệt để các tác động tiêu cực đến đạo đức hiện nay.
Sự phân tích những biến động trên cho thấy, để đẩy mạnh việc xây dựng có hiệu quả nền đạo đức mới với tính cách mục tiêu và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, theo chúng tôi, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp căn bản dưới đây:
Trước hết, cần xác lập nhanh và vững chắc cơ sở khách quan của đạo đức mới. Đó là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiền đề quan trọng hàng đầu của việc xây dựng đạo đức là sự xác lập thể chế kinh tế của xã hội. Đạo đức mới chỉ có thể hình thành và phát triển ổn định trên một cơ sở kinh tế vững chắc. Nền đạo đức truyền thống của dân tộc ta dựa trên nền kinh tế tự túc. Sau khi xác lập chế độ xã hội chủ nghĩa, cơ sở kinh tế của đạo đức là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, mang nặng tính hiện vật. Từ năm 1986, thể chế cũ đang từng bước được thay thế bằng thể chế mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau 20 năm đổi mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta mới bước đầu được xác lập. Hơn thế, việc xây dựng thể chế kinh tế đó đang “… còn nhiều vướng mắc và chưa thật đồng bộ… Quản lý nhà nước đối với từng loại thị trường còn nhiều bất cập. Một số nguyên tắc của thị trường bị vi phạm”(8). Chính điều đó dẫn đến sự rối loạn trong điều chỉnh đạo đức như đã nói ở trên; đồng thời, là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức, đặc biệt là ở đội ngũ những người có chức, có quyền. Do vậy, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là nhiệm vụ của kinh tế, mà còn là nhiệm vụ cơ bản, giải pháp cơ bản trong xây dựng đạo đức hiện nay.
Cùng với yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới làm cơ sở để đánh giá và điều chỉnh đạo đức có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Vai trò chế ước về mặt quy phạm của đạo đức phải dựa trên các chuẩn mực phân định đúng – sai, thiện - ác, được các thành viên trong xã hội nhận thức và thừa nhận rộng rãi thì mới có thể thực hiện được. Thực chất của sự chuyển đổi đạo đức là sự chuyển đổi về giá trị và chuẩn mực. Trên bình diện giá trị, xây dựng đạo đức mới tức là xác định và hình thành những giá trị và chuẩn mực đạo đức mới. Nhưng, những giá trị và chuẩn mực này lại bị quy định bởi hệ giá trị và chuẩn mực phổ quát của xã hội.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới đối với đạo đức, nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á (những quốc gia đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá xã hội) đã xây dựng bảng giá trị tinh thần quốc gia làm cơ sở tinh thần và định hướng cho phát triển nói chung, cho phát triển đạo đức nói riêng.
Ở nước ta, ngay từ năm 1996, tại Đại hội VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi việc “hình thành hệ giá trị và chuẩn mực mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”(9) là một trong những nhiệm vụ của xây dựng văn hoá nói chung, xây dựng đạo đức nói riêng. Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới này sẽ phản ánh, điều chỉnh một cách hài hoà quan hệ giữa lợi ích chung của xã hội và các loại lợi ích đa dạng khác do sự đa dạng hoá các thành phần kinh tế tạo ra. Đó chính là cơ sở để hình thành nên những giá trị, những chuẩn mực đạo đức mới trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể, các quan hệ cụ thể giữa người và người. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định được một cách cụ thểhệ giá trị và chuẩn mực xã hội của đất nước. Bởi vậy, xúc tiến việc xác định và chủ động, tích cực giáo dục hệ giá trị và chuẩn mực xã hội là một yêu cầu, một giải pháp cơ bản của công tác xây dựng đạo đức hiện nay.
Một trong những yêu cầu của việc xây dựng đạo đức hiện nay là chuyển hoá lý tưởng đạo đức thành thực tiễn đạo đức. Xây dựng đạo đức xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh là mục tiêu lý tưởng của chúng ta; nhưng, nếu không xác định được những cách thức hữu hiệu để biến lý tưởng thành hiện thực thì hiệu quả công tác xây dựng đạo đức sẽ không cao. Như chúng ta đã biết, dư luận xã hội có vai trò to lớn trong việc chuyển hoá các giá trị, các chuẩn mực đạo đức thành thực tiễn đạo đức; bởi vậy, cần chú trọng đề xướng và hướng dẫn dư luận về các giá trị, các chuẩn mực cần được xây dựng. Dư luận vừa là cơ chế kiểm tra, giúp các thành viên của xã hội đánh giá các hiện tượng đạo đức và tự đánh giá những hành vi của mình; vừa là cơ chế để phổ quát hoá các giá trị, các chuẩn mực đạo đức, làm cho đạo đức mới thâm nhập sâu rộng vào quảng đại quần chúng, nghĩa là chuyển hoá lý tưởng đạo đức thành hiện thực đạo đức.
Cùng với điều đó, tăng cường nêu gương hình tượng nhân cách đạo đức thông qua những con người cụ thể là rất cần thiết. Sự nêu gương này cần được chú trọng đối với cán bộ, đảng viên, những người được rèn luyện nhiều về đạo đức, những người được giao trọng trách của xã hội. Cần yêu cầu và khuyến khích sự nêu gương, sự ràng buộc ở họ lý tưởng và các nguyên tắc đạo đức xã hội chủ nghĩa được cụ thể hoá trong điều kiện hiện nay để quần chúng đông đảo học tập và tiếp nhận, làm cho lý tưởng đạo đức chuyển hoá thành thực tiễn đạo đức. Bên cạnh đó, cũng cần thiết khích lệ việc nêu gương để giáo dục lẫn nhau trong tất cả các thành viên của xã hội. Về vai trò của hình thức này, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh; hơn thế, Người còn tạo ra một phong trào quần chúng rộng rãi - học tập gương người tốt, việc tốt, coi đó như một biện pháp thiết thực để giáo dục đạo đức trong phạm vi toàn xã hội.
Đạo đức tuy được sinh thành trong dư luận, được hướng dẫn nhờ nêu gương, nhưng muốn cho nó thực sự trở thành quy phạm để xã hội có thể tiếp thu rộng rãi thì cần được cụ thể hoá. Trong điều kiện hiện nay, để chuyển hoá từ lý tưởng thành hiện thực, cần xác định và giáo dục các chuẩn mực đạo đức cụ thể. Bên cạnh các nguyên tắc, các chuẩn mực chung của đạo đức xã hội, cần xác định và giáo dục các chuẩn mực đạo đức gia đình, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức môi trường… Do tính đặc thù của mình, mỗi lĩnh vực đạo đức đều có những chuẩn mực riêng phản ánh yêu cầu của lĩnh vực đó; đồng thời, chúng là sự cụ thể hoá các nguyên tắc, các chuẩn mực chung của xã hội. Sự lĩnh hội, nội tâm hoá các chuẩn mực cụ thể của các lĩnh vực hoạt động người là điều kiện để con người ứng xử về mặt đạo đức trong các tình huống đạo đức cụ thể. Thực tiễn đạo đức xã hội chính là tổng thể của các hoạt động cụ thể của toàn bộ các thành viên của xã hội, được điều chỉnh bởi ý thức đạo đức; trong đó, cốt lõi là các chuẩn mực đạo đức cụ thể. Ở nước ta hiện nay, đạo đức gia đình, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức môi trường chưa được quan tâm đúng mức cả ở tầm xã hội, lẫn ở tầm ý thức cá nhân của mỗi con người. Bởi vậy, công tác xây dựng đạo đức hiện nay cần phải quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực đạo đức cụ thể và quan trọng này.
Có thể coi những tình huống nêu trên là những tình huống vấn đề quan trọng nhất của đạo đức và công tác xây dựng đạo đức hiện nay. Chủ động và tích cực giải quyết những tình huống đó sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc xây dựng nền đạo đức mới của chúng ta. r
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Đạo đức học và Mỹ học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ năm khoá VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.42.
(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.172 – 173, 187.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 46.
(5) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.83.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.263 – 264.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.269
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd., tr.168.
(9) Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.113.
SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA C.MÁC QUA THỰC TIỄN ĐẤU TRANH TRÊN BÁO CHÍ NHỮNG NĂM 1842 - 1843
Hoàng Đình Cúc (*)
Khẳng định bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển biến tư tưởng của C.Mác từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa và từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật qua thực tiễn đấu tranh trên báo chí của ông trong những năm 1842 – 1843, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải một số cống hiến lý luận, luận điểm triết học được C.Mác trình bày trong các tác phẩm báo chí của ông. Đó là tư tưởng về mối quan hệ lẫn nhau giữa triết học, tôn giáo và chính trị, về lợi ích kinh tế của các giai cấp, quan hệ giữa các giai cấp và giữa các giai cấp với nhà nước, về khía cạnh vật chất trong đời sống xã hội.
Những năm 1842 - 1843 được coi là giai đoạn thứ hai trong sự hình thành tư tưởng triết học của C.Mác. Đây là thời kỳ C.Mác hoạt động cho “Báo sông Ranh”. V.I.Lênin coi các bài viết của C.Mác cho Báo sông Ranh là cột mốc đánh dấu bước chuyển biến của ông từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa. Nghiên cứu sự hình thành những tư tưởng triết học của C.Mác ở thời kỳ này được nhiều người quan tâm, bởi đây được coi là thời kỳ quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển triết học Mác. Không chỉ thế, nghiên cứu tư tưởng triết học của C.Mác ở thời kỳ này còn có ý nghĩa đấu tranh chống lại sự xuyên tạc của một số nhà triết học duy tâm cố thổi phồng những luận điểm chưa chín muồi trong các tác phẩm thời trẻ của C.Mác để “chứng minh” cho lập luận không đúng rằng có sự “đối lập” giữa C.Mác thời trẻ và C.Mác khi trưởng thành; rằng, chủ nghĩa Mác trước 1848 là “chân chính”, còn chủ nghĩa Mác sau 1848 đã “bị bóp méo” v.v..
Điểm giống nhau giữa C.Mác và phái Hêghen cánh tả là đều xuất phát từ Hêghen và đều rút ra những kết luận cách mạng từ triết học Hêghen. Thế nhưng, hai quá trình đó lại khác hẳn nhau. Các kết luận mà những đại biểu Hêghen cánh tả đưa ra là kết quả sự tiến triển theo lôgíc của triết học Hêghen. Những suy luận của họ dựa trên các tài liệu lịch sử được xem xét qua “kính tam lăng” của triết học Hêghen, mặc dù triết học này lôgíc hơn các hệ thống triết học duy tâm khác. Còn C.Mác, khác hẳn với phái Hêghen cánh tả, theo cách nói của Ph.Ăngghen, đã xuất phát từ những “sự kiến bướng bỉnh”, nghĩa là nghiên cứu hiện thực khách quan theo quan điểm cách mạng và đối lập với toàn bộ triết học Hêghen.
Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động và chuyển biến tư tưởng qua thực tiễn đấu tranh trên báo chí của C.Mác là bài đăng trên Tạp chí Biên niên Đức, ngày 10 – 2 – 1842 - Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ.
Những yêu sách cách mạng của C.Mác trong cuộc đấu tranh bảo vệ tự do báo chí khác hẳn với các yêu sách của phái dân chủ tư sản Đức. Trong bài viết này, C.Mác đã vạch rõ pháp lệnh về chế độ kiểm duyệt của chính phủ Phổ dựa trên quan niệm về sự bất bình đẳng giữa các giai cấp; đồng thời chỉ rõ tình trạng quan liêu, lộng hành và hành động không dựa vào tiêu chuẩn khách quan trong đội ngũ viên chức nhà nước, khi họ được Nhà nước đặt lên vị trí cao nhất trong một xã hội đã bị tước quyền tự do sử dụng báo chí. Từ đó, C.Mác đã rút ra kết luận rằng, cách chữa trị căn bệnh này một cách có hiệu nghiệm và triệt để là thủ tiêu nó, bởi bản thân chế độ kiểm duyệt đó là vô dụng(1). Những quan điểm của C.Mác trong bài viết này về tự do báo chí cũng khác hẳn với quan điểm của Hêghen. Tuy C.Mác không nói đến Hêghen, nhưng lập trường của ông so với lập trường của Hêghen đã có sự khác nhau sâu xa về vấn đề tự do báo chí. Hêghen coi tự do báo chí là cái có thể chấp nhận được, nếu nó không trái với lợi ích nhà nước. Dĩ nhiên, ở đây, Hêghen không nói tới nhà nước chung chung, mà chỉ nói tới nhà nước “hiện thực” và “hợp lý”, tức là nhà nước Phổ. Hêghen đã biện hộ và bảo vệ chế độ chính trị của nhà nước cảnh sát Phổ. Ngược lại, C.Mác đòi phải có tự do báo chí và cho rằng, việc nhà nước hạn chế quyền này là không phù hợp với quan niệm về tự do và đó chẳng qua chỉ là một thứ bạo lực tinh thần. Những tư tưởng dân chủ cách mạng do C.Mác trình bày trong bài viết này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cũng như sự chuyển biến tư tưởng của ông.
Sự phát triển tư tưởng dân chủ cách mạng của C.Mác diễn ra trong thời kỳ ông trở thành biên tập viên và đóng vai trò là linh hồn của “Báo sông Ranh”. Nói về hoạt động của C.Mác thời kỳ này, V.I.Lênin cho rằng, qua những bài viết đăng trên “Báo sông Ranh”, “ta thấy Mác chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản”(2).
Trong bài báo Những cuộc tranh luận về tự do báo chí, C.Mác cho rằng, chế độ dân chủ Phổ chỉ được thể hiện trong lời lẽ ba hoa của các đại biểu không có quyền quyết định những vấn đề quan trọng; rằng sự bất đồng ý kiến ở Hội nghị dân biểu khoá 6 tỉnh Ranh đã cho thấy thái độ của các giai cấp về một vấn đề chính trị quan trọng là tự do báo chí; rằng việc hạn chế tự do báo chí là một mối nguy hại cho văn hoá nhân loại; rằng chế độ kiểm duyệt chỉ xác nhận tự do của một nhóm người có đặc quyền nhưng lại chuyên chế đối với nhân dân. Nguyên nhân của sự bóp nghẹt tự do báo chí là do chế độ nhà nước Phổ, do chính sách của chính phủ Phổ nhằm bảo đảm đặc quyền cho một bộ phận của xã hội. Từ thực tiễn đó, C.Mác kết luận rằng, để có tự do báo chí thực sự, để báo chí trở thành của nhân dân thì phải giải phóng báo chí khỏi chế độ kiểm duyệt, bao hàm cả kiểm duyệt tinh thần lẫn kiểm duyệt vật chất, tức là những phương tiện tài chính. Muốn vậy, theo ông, quyền đại diện của nhân dân trong nghị viện phải được đặt lên hàng đầu và lợi ích của toàn thể xã hội cần phải được thừa nhận trong nghị viện, bởi nhân dân các địa phương “đòi hỏi… tiếng nói của đại biểu các đẳng cấp phải biến thành tiếng nói công khai, đâu đâu cũng nghe được”(3).C.Mác khẳng định: Không thể có đời sống chính trị tự do nếu không có quyền đại diện của nhân dân, quyền đó cũng cần thiết cho con người. Quan điểm này cho thấy, ngay trong bài báo đó, C.Mác đã xa rời triết học Hêghen và khi đối lập với quan điểm của Hêghen về nhà nước, ông coi nhà nước Phổ là một chế độ bóp nghẹt quyền tự do và do vậy, ông đòi phải có quyền đại diện của nhân dân như là điều tất yếu của tự do.
Trong các bài báo được viết ở thời kỳ này, C.Mác còn đưa ra tư tưởng về mối quan hệ lẫn nhau giữa triết học, tôn giáo và chính trị. Ông cho rằng, triết học, nếu muốn tìm ra chân lý phải gắn bó mật thiết với cuộc sống, phải chuyển từ tháp ngà đóng kín của các loại chủ nghĩa sang vũ đài chính trị rộng lớn; rằng bất cứ triết học chân chính nào cũng đều là “tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình”, nên phải có lúc triết học tiếp xúc và tác động qua lại với thế giới hiện thực trong thời đại của mình không những bằng nội dung, mà cả bằng hình thức của mình và khi đó, triết học sẽ “trở thành triết học nói chung đối với thế giới, trở thành triết học
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tạp chí Triết học số 11 (186) năm 2006.doc