Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng nguyên tắc phân phối phù hợp như Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Để phát huy vai trò động lực của công bằng xã hội, theo tác giả, cần khắc phục những thiếu sót trong việc thực hiện công bằng xã hội hiện đang còn tồn tại. Công tác lý luận cần hướng vào việc nghiên cứu và giải quyết nhiệm vụ đó.
83 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1529 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang nội dung tài liệu Bài viết Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Triết học số 2 (213) năm 2009
BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG XÃ HỘI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
NGUYỄN NGỌC HÀ (*)
Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng nguyên tắc phân phối phù hợp như Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Để phát huy vai trò động lực của công bằng xã hội, theo tác giả, cần khắc phục những thiếu sót trong việc thực hiện công bằng xã hội hiện đang còn tồn tại. Công tác lý luận cần hướng vào việc nghiên cứu và giải quyết nhiệm vụ đó.
Mở đầuSự phát triển của một quốc gia không chỉ thể hiện ở sự phát triển về kinh tế, mà còn thể hiện ở sự phát triển về xã hội. Sự phát triển về kinh tế và sự phát triển về mặt xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Công bằng xã hội là một nội dung quan trọng trong sự phát triển về mặt xã hội. Trong một xã hội có tình trạng bất công bằng, người bị đối xử bất công sẽ không thể phát huy hết tính tích cực của mình; hơn nữa, họ luôn đấu tranh đòi công bằng, cuộc đấu tranh này không tránh khỏi gây bất ổn định xã hội. Vì vậy, nếu quốc gia nào chỉ chú trọng phát triển về kinh tế mà không chú trọng bảo đảm công bằng xã hội, thì sự phát triển về kinh tế của quốc gia đó sẽ không bền vững. 1. Quan điểm coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội ở Việt NamCông bằng xã hội luôn được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam coi vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong thời kỳ phong kiến và thuộc địa, tình trạng bất công bằng rất nghiêm trọng. Nhờ giương cao ngọn cờ công bằng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ phong kiến và thuộc địa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện ngay hàng loạt chính sách nhằm xoá bỏ tình trạng bất công do xã hội trước để lại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Giống như các nước xã hội chủ nghĩa khác trước đây, trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam cũng chủ trương quốc hữu hoá và tập thể hoá các tư liệu sản xuất chủ yếu với hy vọng vừa có tăng trưởng kinh tế, vừa có công bằng xã hội. Vào những năm đầu của thời kỳ này, thành tựu trong việc xoá bỏ bất công bằng xã hội là rất to lớn. Đặc biệt, nhờ chính sách cải cách ruộng đất nên ước mơ “người cày có ruộng” của hàng triệu nông dân đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, sau một thời gian không lâu, sản xuất lại trở nên trì trệ, do đó đời sống nhân dân thấp kém và đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nguyên nhân của tình hình sản xuất trở nên trì trệ là gì? Chắc chắn nó có nguyên nhân ở chỗ người lao động không hoàn toàn phấn khởi để phát huy hết tính tích cực của mình. Nhưng vì sao người lao động lại không hoàn toàn phấn khởi để phát huy hết tính tích cực của mình? Đó là vì lợi ích chính đáng của họ chưa được đảm bảo, hay nói cách khác, vì vẫn còn sự bất công bằng xã hội. Sự bất công của chế độ thực dân và phong kiến được xoá bỏ thì bất công mới lại nảy sinh, đó là sự phân phối bình quân, cào bằng. Từ năm 1986, nhờ thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, Việt Nam đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và có được sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt: kinh tế phát triển với tốc độ cao, xã hội ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện hơn. Sở dĩ chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường đem lại sự phát triển vượt bậc như vậy là vì chủ trương đó đã góp phần khắc phục sự bất công của chính sách phân phối bình quân, cào bằng.Xoá bỏ sự bất công của chính sách phân phối bình quân, cào bằng đương nhiên sẽ làm cho khoảng cách giàu nghèo tăng hơn. Do đồng nhất sự bình đẳng với sự công bằng, một số người cho rằng sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo là biểu hiện của tình trạng bất công gia tăng. Cũng theo quan niệm của họ, hai mục tiêu công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế không thể đồng thời đạt được; muốn có tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận sự bất công bằng xã hội và trong điều kiện hiện nay, cần phải ưu tiên cho sự tăng trưởng kinh tế(1). Khác với quan niệm trên đây, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải hy sinh mục tiêu công bằng xã hội. Công bằng xã hội không phải là nhân tố kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế; trái lại, nó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Bởi vì, nếu có công bằng xã hội thì lợi ích chính đáng của mỗi người được bảo đảm, mỗi người được hưởng tương xứng với cống hiến của mình; điều đó sẽ kích thích mọi người ra sức cống hiến cho xã hội một cách tự nguyện nhất, từ đó kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta không những có thể mà còn cần phải thực hiện công bằng xã hội. Về điều này, Văn kiện Đại hội X của Đảng viết: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển: tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục… giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(2). Quan điểm này phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh cho rằng, “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(3).Trong điều kiện kinh tế thị trường, công bằng xã hội có thể và cần được bảo đảm. Khi thừa nhận như vậy thì cần chú ý hai điểm sau đây. Thứ nhất, công bằng xã hội không đồng nhất với bình đẳng xã hội, công bằng không phải là cào bằng; do đó, không phải càng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là càng công bằng, cũng không phải càng gia tăng khoảng cách giàu nghèo là càng gia tăng sự bất công bằng. Sự đồng nhất công bằng xã hội với bình đẳng xã hội đã từng là cơ sở lý luận của chủ nghĩa bình quân, đồng thời là cơ sở lý luận của quan niệm sai lầm cho rằng không thể đồng thời đạt được hai mục tiêu công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, để có được công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường thì cần phải xác định và thực hiện đúng nguyên tắc phân phối phù hợp. Về nguyên tắc phân phối phù hợp này, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội"(4). Tiếp tục tinh thần đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển: tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội”(5).Quan điểm trên thể hiện sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam so với thời kỳ trước đổi mới về nguyên tắc phân phối bảo đảm công bằng xã hội. Vì sao? Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đổi mới, Việt Nam cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác quan niệm rằng, nguyên tắc phân phối bảo đảm công bằng xã hội là nguyên tắc phân phối theo lao động (làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng). Nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi giá trị của tổng sản phẩm xã hội được chia thành hai phần: phần thứ nhất được dành để tái sản xuất, để giải quyết các vấn đề xã hội chung, để đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội và từ đó, phân phối thông qua phúc lợi xã hội; phần thứ hai sẽ được phân phối cho các cá nhân theo mức cống hiến bằng sức lao động của họ cho xã hội (bao gồm cả cống hiến bằng sức lao động chân tay và cống hiến bằng sức lao động trí óc, cống hiến của người lao động quản lý và người lao động không tham gia quản lý, cống hiến trực tiếp và cống hiến gián tiếp cho quá trình sản xuất của xã hội, cống hiến của tất cả những người làm việc trong mọi lĩnh vực không thể thiếu của xã hội). Nguyên tắc phân phối theo lao động không dành phần nào để phân phối theo nguồn vốn. Từ khi chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thực hiện nguyên tắc phân phối “theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”. Với việc thực hiện nguyên tắc phân phối đó, Việt Nam đã xoá bỏ đáng kể sự bất công do phân phối bình quân. Việc xoá bỏ sự bất công này là một nguyên nhân đưa đến những thành công ngoạn mục của Việt Nam về kinh tế và xã hội, được cộng đồng thế giới thừa nhận. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục với tốc độ cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ về văn hoá và xã hội: đời sống của đa số nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh chóng, xã hội không có sự phân cực gay gắt, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển và được đầu tư nhiều hơn, trình độ dân trí được nâng lên, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt nhiều kết quả, tuổi thọ trung bình của dân số tăng từ 67,8 (năm 2000) lên 71,5 (năm 2005), chính trị và xã hội ổn định(6). So với thời kỳ trước đổi mới, Việt Nam đã tiến được một bước dài trên con đường thực hiện và đi tới mục tiêu công bằng xã hội. 2. Một số thiếu sót trong việc bảo đảm công bằng xã hội hiện nayBên cạnh những thành công đó, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nan giải, trong đó có vấn đề bảo đảm công bằng xã hội. Trong những năm gần đây, nhiều người giàu lên nhanh chóng. Một số người giàu lên bằng sự kinh doanh chính đáng, hợp pháp. Một số người khác giàu lên bằng việc lợi dụng sơ hở của hệ thống pháp luật để làm ăn một cách phi pháp. Nếu trong thời kỳ bao cấp tình trạng bất công bằng xã hội xuất hiện do sự phân phối cào bằng, thì ngày nay nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng bất công là sự làm giàu bất hợp pháp, đặc biệt là tham nhũng(7). Tham nhũng đang là quốc nạn ở Việt Nam, là mầm mống gây ra sự bất ổn định xã hội, là một nguyên nhân kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế. Cơ chế thị trường không phải là nguyên nhân gây ra tham nhũng. Nếu có một hệ thống pháp luật phù hợp và sự thực thi pháp luật nghiêm minh thì tham nhũng không thể tồn tại trong cơ chế thị trường. Như vậy, để xoá bỏ bất công thì phải xoá bỏ sự làm giàu bất hợp pháp của một số người, nhưng muốn làm được điều đó thì phải xây dựng được một hệ thống pháp luật phù hợp và phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.Một nguyên nhân quan trọng khác gây ra tình trạng bất công bằng là sự bất hợp lý trong phân phối của cải và cơ hội phát triển. Vì sự bất hợp lý đó mà có tình trạng một số người có thu nhập cao hơn nhiều so với một số người khác mặc dù họ cùng làm một công việc và với cường độ như nhau. Một số người giàu lên rất nhanh nhờ lợi dụng được sự bất hợp lý trong chính sách của Nhà nước. Một số người vẫn phải sống trong cảnh quá nghèo khổ trong khi thu nhập bình quân một người một năm ở Việt Nam đã đạt khoảng 1000 USD(8). Trong số những người nghèo, nhiều người không đáng phải chịu cảnh nghèo vì nguyên nhân gây ra sự nghèo là khách quan chứ không phải do họ lười biếng. Trong thời kỳ trước đổi mới, Việt Nam có một hệ thống giáo dục và y tế không mất tiền, vì được nhà nước bao cấp. Còn hiện nay? Bên cạnh các cơ sở giáo dục và y tế công lập, còn có các cơ sở giáo dục và y tế tư nhân. Các cơ sở giáo dục và y tế tư nhân thì hoạt động theo cơ chế thị trường: người bỏ vốn ra kinh doanh có mục đích thu lợi nhuận từ nguồn học phí của người học và viện phí của người bệnh. Đó là điều bình thường. Các cơ sở giáo dục và y tế công lập, ngoài kinh phí do nhà nước cấp, còn thu thêm học phí và viện phí. Điều này dẫn đến tình trạng là chỉ những người có tiền đóng học phí và viện phí mới được hưởng dịch vụ giáo dục và chữa bệnh từ các cơ sở giáo dục và y tế công lập. Các cơ sở giáo dục và y tế công lập là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Mọi người đều có quyền được hưởng một phần dịch vụ giáo dục và y tế từ các cơ sở giáo dục và y tế này. Nhưng trên thực tế, nhiều người có nhu cầu học tập hoặc chữa bệnh đã không được hưởng quyền lợi từ các cơ sở giáo dục và y tế công lập do không có tiền đóng học phí và viện phí. Đây là một biểu hiện của tình trạng bất công còn tồn tại ở Việt Nam.Nhận diện sự bất công hợp pháp thường phức tạp hơn nhận diện sự bất công phi pháp. Trong thời kỳ trước đổi mới, khi thực hiện sự phân phối bình quân để xoá bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư, chúng ta tưởng rằng như thế là xoá bỏ được bất công nhưng thực ra lại là tạo ra sự bất công. Còn trong thời kỳ đổi mới, tuy đã xoá bỏ sự phân phối bình quân, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện được sự công bằng vì sự bất hợp pháp và sự bất hợp lý trong phân phối của cải và cơ hội phát triển. Khắc phục sự bất công này trước hết là trách nhiệm của nhà nước.Chúng ta không thể xoá bỏ kinh tế thị trường vì điều đó triệt tiêu động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cũng không thể để cho kinh tế thị trường hoạt động tự phát mà không có sự điều tiết của nhà nước. Nhưng, điều tiết như thế nào để có sự hợp lý trong phân phối của cải và cơ hội phát triển cho mọi người? Về vấn đề này, Văn kiện Đại hội X của Đảng đã viết: “Lý luận chưa giải đáp được một số vấn đề của thực tiễn đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa đổi mới với ổn định và phát triển; giữa độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”(9). Do lý luận chưa giải đáp được vấn đề nói trên, nên chúng ta vẫn chưa có những chính sách hợp lý để khắc phục hoàn toàn sự bất công bằng đang tồn tại. Kết luậnSo với thời kỳ bao cấp, Việt Nam về cơ bản đã khắc phục được sự bất công do phân phối bình quân. Tuy nhiên, tình trạng bất công ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nhức nhối. Để bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và còn thiếu thốn như hiện nay, điều quan trọng đầu tiên là cần phải xoá bỏ được tình trạng nghèo khổ của một bộ phận dân cư do những nguyên nhân khách quan. Nếu không làm được điều này thì đất nước ta sẽ chưa thể có sự phát triển bền vững.r (*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, nước ta hiện nay có sự bóc lột hợp pháp và sự bóc lột bất hợp pháp, loại bóc lột hợp pháp thì không thể xoá bỏ được trong điều kiện hiện nay. Bóc lột là bất công. Vì vậy, theo ý kiến này thì trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể xoá bỏ được sự bất công.(2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77-78(3) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.185.(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88. (5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77-78. (6) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Sđd., tr.57-59.(7) Hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu nào về thực trạng tham nhũng ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số tổ chức cũng đã có đánh giá bước đầu về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Chẳng hạn, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (có trụ sở ở Đức) từ năm 1995 đã khảo sát, cho điểm và xếp hạng tham nhũng của các quốc gia. Năm 2004 Việt Nam được 2,6 điểm trên 10 và xếp hạng 102 trong 146 nước được đánh giá. Đứng đầu danh sách này là Phần Lan với 9,7 điểm. Đứng cuối danh sách này là Haiti với 1,5 điểm. Không có nước nào đạt điểm tuyệt đối (điểm 10). Nguồn: Vietnamnet ngày 5/12/2004.(8) Khoảng cách giàu nghèo gia tăng giữa các bộ phận dân cư và tỷ lệ nghèo phần nào nói lên tình trạng bất công của xã hội. Nếu xét theo nhóm dân cư, khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm có thu nhập thấp nhất và cao nhất ở Việt Nam đang ngày một cách biệt. Khoảng cách này năm 1996 là 7,31 lần; năm 2001 - 2002 là 8,10 lần, năm 2003-2004 là 8,34 lần, còn bộ ba con số này giữa vùng Đông Nam Bộ giàu nhất và vùng Tây Bắc Bộ nghèo nhất là 2,18 lần; 3,15 lần và 3,14 lần. Ở thời điểm hiện nay, cùng với việc gia nhập WTO và động thái của thị trường thế giới sắp tới, khoảng cách giàu nghèo có thể còn tiếp tục nới rộng ra nhanh hơn nữa. Theo tiêu chí giai đoạn 2006 - 2010, hộ có thu nhập dưới 230.000 đồng/người/tháng ở thành thị và 200.000 đồng/tháng ở nông thôn là thuộc hộ nghèo. Ở thời điểm cuối năm 2007, cả nước còn 14,8% hộ nghèo. Xu thế giảm nghèo tuy rõ rệt ở tất cả các vùng, các đối tượng, song tỷ lệ nghèo và tốc độ giảm nghèo có sự khác nhau khá rõ giữa các vùng miền. Đến cuối năm 2006, cả nước còn 58 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%. Trong đó có 27 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, 10 huyện trên 70% và 1 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Nguồn: Báo: Người lao động, ngày 13-1-2008. (9) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Sđd., tr.69.
DIỄN VĂN CỦA CHỦ TỊCH VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM CHÀO MỪNG HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
“TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG”
GS.TS.Đỗ Hoài Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa: GS.Sayer, Tổng Giám đốc MISEREOR
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các học giả Việt Nam và quốc tế thân mến!
Trước hết, xin cho phép tôi được thay mặt Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các học giả của các nước đến tham dự Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng với chủ đề “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường” - một chủ đề có ý nghĩa lý luận quan trọng và giá trị thực tiễn đặc biệt to lớn. Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề trách nhiệm xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu không chỉ của những nhà hoạt động chính trị, những nhà khoa học, mà của toàn nhân loại, của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các học giả!
Cách đây hơn 1 năm, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với MISEREOR lần đầu tiên đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về chủ đề “Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội” với sự tham dự của đông đảo các học giả trong nước và quốc tế. Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác trên lĩnh vực khoa học nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn của mỗi bên, hôm nay, chúng ta lại cùng tổ chức một diễn đàn khoa học mới đề cập tới một vấn đề cụ thể, mang tính chuyên sâu hơn, có tính thực tiễn hơn - đó là trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường.
Như chúng ta đã biết, sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới,... đã làm cho sức mạnh của con người được nhân lên gấp bội. Biết bao phát minh, thành tựu to lớn của khoa học công nghệ trong thế kỷ XX đã thể hiện năng lực sáng tạo phi thường của con người, giúp con người biến những điều trước đây là không thể trở thành cái có thể, biến ước mơ thành hiện thực. Phải thừa nhận rằng, khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang là công cụ đắc lực để con người xây dựng một cuộc sống ngày càng giàu có, tiến bộ và văn minh hơn. Song, cũng có một thực tế không thể phủ nhận được là, đi ngược lại với xu thế phát triển tích cực của nhân loại, vẫn có những toan tính lợi dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ cho mục tiêu phi nhân tính và trái với lợi ích chung. Chẳng hạn, thay vì sử dụng với mục đích phát triển và hoà bình, năng lượng hạt nhân đang bị lạm dụng trong cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc, biến thành công cụ “răn đe” nước khác. Tương lai của thế giới, của loài người sẽ ra sao nếu chiến tranh hạt nhân - cuộc chiến mang tính huỷ diệt xảy ra? Đây chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang ngày càng lan rộng với quy mô, tính chất và cường độ ngày càng lớn. Chúng ta đã nhận thấy từ quá trình đó cả những cơ hội lẫn thách thức, cả những thuận lợi lẫn khó khăn đối với sự tồn tại, phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu. Đứng trước làn sóng này, số phận của các quốc gia dân tộc, đặc biệt là các nước nghèo và chậm phát triển sẽ như thế nào?
Hiện nay, nền kinh tế thị trường đang được phát triển ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Kinh tế thị trường với các quy luật của nó đang có những tác động đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực, đến sự phát triển của các quốc gia và đời sống của con người. Ngoài những ưu điểm, như tạo nên sự năng động cao và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, cũng không thể không thấy rằng, dường như kinh tế thị trường đang làm cho quan hệ giữa con người với con người, không chỉ ngoài xã hội mà cả trong gia đình, ngày càng trở lên lạnh lùng hơn. Sức mạnh của đồng tiền trong điều kiện kinh tế thị trường đang làm tha hoá con người, xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, làm thực dụng hoá những mối quan hệ vốn mang tính nhân bản, nhân văn trong đời sống xã hội. Có thể nói, chưa bao giờ tính hai mặt của kinh tế thị trường lại bộc lộ rõ rệt đến như vậy. Đó thực sự là những tiếng chuông cảnh tỉnh nếu con nguời không muốn thương mại hoá cuộc sống, không muốn làm cho mọi mối quan hệ trở nên xơ cứng và thực dụng.
Phải chăng, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, giữa con người với con người, nguy cơ khủng hoảng sinh thái toàn cầu, nạn khủng bố, nghèo đói và bệnh tật cùng với sự xuống cấp trong đời sống tinh thần của con người,... tựu trung lại là sự hiện diện và có xu hướng lan rộng của các phản giá trị trên phạm vi toàn cầu đang phản ánh một thực tế là trách nhiệm xã hội của các cá nhân và cộng đồng còn bị coi nhẹ, chưa được đề cao và phát huy? Rõ ràng, trong bối cảnh mới với hàng loạt vấn đề phức tạp đặt ra như vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta phải đặc biệt coi trọng và suy nghĩ một cách nghiêm túc về sự phát triển trong tương lai, tìm ra những lời giải tối ưu cho sự phát triển bền vững, tiến bộ và văn minh của các cá nhân, các cộng đồng và toàn nhân loại. Nói một cách khái quát, chúng ta phải cùng nghiền ngẫm sâu sắc hơn nữa về vấn đề trách nhiệm xã hội, biến trách nhiệm xã hội từ nhận thức trở thành hành động phổ biến của mọi chủ thể. Sự vô trách nhiệm, dù là của một cá nhân hay của một cộng đồng và ở bất kỳ phương diện nào - từ chính trị đến kinh tế, từ văn hoá đến đạo đức,... sẽ đưa lại những hậu quả nghiêm trọng. Nếu các chủ thể thiếu ý thức và hành động mang tính trách nhiệm cao thì rất có thể những hệ giá trị, những thành quả phát triển tốt đẹp mà nhân loại đã đạt được sẽ bị đảo ngược, sẽ không thể có một thế giới phát triển vì con người, cho con người.
Trách nhiệm xã hội là ý thức của mọi chủ thể về nghĩa vụ, bổn phận của mình đối với xã hội, với cộng đồng và với người khác; được biểu hiện qua nhận thức và hành động cụ thể trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Về thực chất, trách nhiệm xã hội được hình thành từ quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội cũng như của xã hội đối với cá nhân. Cơ sở của trách nhiệm chính là lợi ích. Do vậy, việc coi trọng và giải quyết một cách thoả đáng, hợp lý quan hệ lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế giữa các chủ thể (cá nhân, cộng đồng và xã hội) không chỉ tạo nên động lực thúc đẩy các chủ thể trong quá trình thực hiện lợi ích của mình, mà còn làm tăng sự quan tâm của họ tới lợi ích của người khác, của xã hội, nghĩa là gia tăng trách nhiệm xã hội của các chủ thể. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội được coi là chìa khoá của sự phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Trách nhiệm phản ánh mối quan hệ qua lại giữa cá nhân với cộng đồng (nhóm, tập thể) và xã hội. Mỗi cá nhân, bên cạnh những quyền được thừa nhận và bảo đảm bằng pháp luật, còn phải có trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội; ngược lại, cộng đồng và xã hội cũng phải có trách nhiệm đối với các thành viên của mình. Chỉ có như vậy mới tạo nên sự đồng thuận, phát triển hài hoà và bền vững của xã hội với tư cách một chỉnh thể thống nhất. Sự phát triển trách nhiệm của con người không chỉ là một tiêu chí quan trọng thể hiện trình độ phát triển của xã hội, mà hơn thế, còn là nền tảng, là cơ sở và động lực của sự phát triển xã hội.
Vấn đề đặt ra không chỉ là nhận diện trách nhiệm xã hội và luận giải thấu đáo các nội dung đa dạng của nó, mà quan trọng hơn là, từ những nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của mỗi nước, cần phải làm thế nào để phát huy được trách nhiệm xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế? Đó cũng chính là mục tiêu cơ bản nhất mà cuộc Hội thảo của chúng ta hôm nay hư
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tạp chí Triết học số 2 (213) năm 2009.doc